Hoằng pháp với truyền thống hộ quốc, an dân trong xã hội ngày nay

http://www.expat-blog.com/upload/img/mini_chua-mot-cot-vietnam-vagabondage080708050153.jpg

Từ khi có mặt trên đất Việt, Phật giáo đã gắn bó theo từng nhịp thăng trầm của dân tộc. Dù ở hoàn cảnh nào của lịch sử, sứ mệnh của Phật giáo luôn vẫn là sứ mệnh cứu khổ, phò nguy cho dân tộc, như lời dạy cứu khổ của Đức Phật. Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có bề dày lịch sử hơn 2000 năm rất đáng tự hào bởi những cống hiến vô cùng lớn lao cho hạnh phúc của con người và hòa bình thế giới. Lịch sử ấy mãi mãi là bài học lớn để mọi người con Phật chúng ta ở khắp mọi nơi tìm thấy chính mình và tìm thấy nguồn cổ vũ động viên lớn trong mọi hoạt động phụng Đạo giúp đời. Muôn vàn ý tưởng và gương sáng tốt lành chúng ta có thể tìm thấy ở đạo Phật và mong muốn biến chúng thành hiện thực để giúp ích cho cuộc đời nhiều hơn.

Trong xã hội ngày nay, hàng ngày qua báo, đài, internet chúng ta bắt gặp không ít những tin tức không vui. Trên thế giới, chiến tranh, khủng bố, bắt cóc… tiếp tục gieo chết chóc và khổ đau cho loài người ở nhiều nơi. Trong nước, tham nhũng, hối lộ, lường gạt, cướp bóc… vẫn còn hoành hành. Đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động. Con đánh cha, vợ giết chồng, thầy giáo xâm hại học trò, cán bộ tham nhũng, người dân xem thường pháp luật, giới trẻ ngày càng sa đọa... đó là những biểu hiện băng hoại đạo đức trong xã hội, trong khi Phật giáo có một kho tàng đạo đức đồ sộ được kiểm định chất lượng qua lịch sử dân tộc, được cộng đồng quốc tế công nhận mà không đem ra ứng dụng được thì rất đáng tiếc.

Đối với những người từng học Phật, nguyên nhân sâu xa của tất cả những chuyện kể trên đều có thể quy về tam độc (tham, sân, si). Giáo lý nhà Phật không những có thể giải thích mà còn có thể giải quyết tất cả bằng Giới Định Tuệ, bằng Bi Trí Dũng.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo cứu khổ. Thế nhưng, cho đến nay, đạo Phật vẫn chưa góp phần tiêu diệt mọi cái ác. Vì sao? Theo thiển ý của chúng tôi, đạo Phật vẫn chưa có một cơ chế thích hợp để tác động vào cuộc sống. Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN đang nổ lực đẩy mạnh công tác Hoằng dương chánh pháp. Tuy nhiên ở các cấp Giáo Hội địa phương vẫn chưa thường xuyên đặt nặng ngành hoằng pháp trong chương trình Phật sự của địa phương mình. Việc hành đạo còn dừng lại trong khuôn viên chùa chiền, chuyện tu tập của các Phật tử chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân.

Do đó, đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống đang trở thành một nhu cầu cấp thiết của thời đại để giảm bớt khổ đau, tăng thêm hạnh phúc cho chúng sinh.

Vấn đề này mang tính toàn cầu, ở đây chúng tôi xin giới hạn nó trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Lâu nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tốt công tác từ thiện, như nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, khuyết tật, giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân thiên tai…, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật. Nhưng điều đó chỉ mới giải quyết cái ngọn, chứ chưa triệt tiêu cái gốc của mọi khổ đau.

Việc đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống là một vấn đề có tầm quan trọng to lớn và có ý nghĩa sâu sắc đối với việc xây dựng một xã hội Việt Nam lành mạnh, thanh bình và an lạc, và đây cũng là thể hiện vai trò Hoằng pháp với tinh thần hộ quốc an dân trong xã hội ngày nay.

Phải nói rằng trong những thập niên gần đây Phật giáo dưới sự lãnh đạo của Giáo hội đã thực hiện phương châm thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, phát huy những mặt tích cực và loại bỏ những mặt còn hạn chế cho nên Phật giáo đã có một bước tiến triển mạnh mẽ ở khắp mọi miền đất nước.

Các đạo tràng tu Bát quan trai, Pháp Hoa, Niệm Phật, Tu thiền, các lớp giáo lý, các khóa tu Phật thất… lần lượt ra đời. Báo Giác ngộ, Tạp chí văn hóa Phật giáo, Pháp luân, hương sen, Vô ưu… cũng đã và đang được phát hành rộng rải trong niềm hân hoan đón nhận của Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước. Những thành tựu to lớn đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Giáo hội, cùng với sự nỗ lực chung của chư Tôn đức Tăng Ni các ban, ngành, viện, trụ trì các chùa, các tinh xá…

Thế nhưng, bên cạnh những tiến triển đáng mừng, Phật giáo nhìn chung vẫn chưa phát huy hết tính năng động, vẫn tồn tại những mặt khiếm khuyết mà mỗi người con Phật chúng ta không thể không quan tâm.

- Thứ nhất: phần đông đạo Phật vẫn chưa hấp dẫn được giới trẻ nên những người đi chùa thường là những người lớn tuổi vì người đời cứ quan niệm “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Họ cứ nghĩ chùa chiền là dành cho người già, vì thế mà người đời cứ đợi đến tuổi xế chiều mới nghĩ đến việc đến chùa tu tập, làm phước để an hưởng quãng đời còn lại. Người lớn tuổi đến chùa tu tập là một điều vô cùng tốt nhưng không lẽ đạo Phật là đạo chỉ dành cho người già thôi hay sao?

- Thứ hai: một số đông quần chúng theo đạo Phật bằng tín ngưỡng, họ đến chùa lễ Phật cầu nguyện như một nhu cầu quen thuộc hay để thỏa mãn một ước vọng thầm kín nào đó. Người trí thức ngại đến chùa vì đến chùa họ bị lạc lỏng giữa biển người với mùi nhang khói nghi ngút. Người trẻ ít đến chùa vì chúng nghĩ đến chùa để làm gì khi những thú vui ngoài xã hội đang cuốn hút lấy họ. Chính vì vậy mà nền triết lý sống và hết sức thực dụng của đạo Phật vẫn chưa được xã hội biết đến nhiều, vẫn chưa trở thành một lối sống đạo đức hướng dẫn thanh thiếu niên ngày nay sống tốt, sống đẹp.

Chúng ta, những người Tăng Ni trong ngành hoằng pháp tự hỏi không lẽ vị trí giáo hóa của ngôi chùa trong xã hội cứ mãi hạn hẹp như thế này sao? Đứng trước tình trạng ấy, hàng Tăng Ni ngành hoằng pháp chúng con mang trong lòng một nỗi trăn trở làm sao để ánh sáng đạo Phật đi vào cuộc đời, dẫn dắt những tâm hồn đang chơi vơi quay về nẻo đạo; làm sao để mọi người trong xã hội đến với đạo Phật, hiểu đạo Phật, tìm thấy nơi ấy một chốn bình an và hạnh phúc có thể chữa lành những nỗi niềm đau trong cuộc đời.

Theo thiển ý của chúng con, Giáo hội TW cần đẩy mạnh hơn nửa công cuộc hoằng dương chánh pháp ở Giáo hội cấp Tình, Thành và địa phương. Hàng năm, Ban Hoằng Pháp TW đều tổ chức khóa hội thảo toàn quốc là nhằm để các vị giảng sư trao đổi, rút kinh nghiệm đề ra những chương trình hoạt động cho ngành hoằng pháp ở địa phương mình. Nhưng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc truyền bá chánh pháp còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tu học Phật pháp của quý Phật tử. Thứ hai là về vấn đề làm sao để lôi cuốn thành phần thanh thiếu niên đến chùa. Như chúng ta đã biết tuổi trẻ là mầm non, là rường cột của đất nước. Nếu những mầm non ấy biết chọn cho mình một lý tưởng chân chính, biết hướng đến lối sống lành mạnh và lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp thì bản thân những thanh thiếu niên ấy phải được giáo dục trong một nền văn hóa truyền thống của cha ông. Và có lẽ những thanh thiếu niên ấy sẽ hoàn thiện hơn nếu ngay từ thuở nhỏ được un đúc từ giáo lý Phật đà. Cụ thể là những đứa trẻ ấy ngoài việc được hấp thụ từ những cái hay, cái đẹp từ ông bà cha mẹ, còn được thấm nhuần giáo lý nhân quả, ngũ giới, thập thiện v.v… của đạo Phật, chắc chắn rằng những đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ trở thành một công dân tốt, đóng góp nhiều ích lợi cho xã hội, đất nước và đạo Phật. Chính vì vậy muốn trẻ hóa đạo Phật hay nói cách khác muốn đạo Phật phát triển và có nhiều đóng góp cho xã hội thì những người tu sĩ chúng ta ngay bây giờ cùng nhau suy nghĩ tìm ra một đường hướng khả thi hầu lôi cuốn tuổi trẻ đến với đạo Phật. Được như vậy ngôi chùa trở thành một môi trường ươm mầm cho hạt giống đạo đức đâm chồi nảy lộc trong từng búp măng non. Làm được như vậy là chúng ta đang gián tiếp xây dựng thế hệ tương lai cho đất nước và chúng ta đang làm trẻ hóa đạo Phật, khiến đạo Phật năng động và ngày một phát triển hơn. Thứ ba là đối với những người đi chùa nhưng chưa hiểu đạo Phật, họ đến chùa vì tín ngưỡng hay chỉ để cầu nguyện một điều gì đó thì chúng ta phải có phương cách giúp họ hiểu giáo lý đạo Phật. Vào những ngày 30,1,14,15 là những ngày mà quần chúng đi chùa lễ Phật đông nhất. Sau thời lạy sám hối, mỗi ngôi Tự viện nên cử ra một vị Tăng hay Ni giảng một thời pháp ngắn cho họ nghe thì hay biết mấy. Ngoài việc thuyết pháp, ta còn phát cho họ băng đĩa, kinh sách để họ xem và tự nghiên cứu thêm. Làm được như vậy, dần dần chúng ta giúp họ hiểu được cái hay cái đẹp của đạo Phật, họ sẽ đến với đạo Phật với một cái nhìn chân chính và tiến bộ hơn nhiều. Đó mới chính là nhiệm vụ thực sự và thiêng liêng của ngôi chùa, chứ ngôi chùa không phải chỉ là nơi để mọi người đến thắp nhang cầu nguyện, cúng sao, cầu siêu, cầu an không thôi.

Phật giáo không thể đứng yên trong khi xã hội đang vận động biến thái không ngừng. Nhất là vào bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, đã dần dần đưa đất nước vào thế ổn định và phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn này nhu cầu xây dựng một xã hội mới, nhân loại đang tiến vào thế kỷ của khoa học hiện đại, của nền văn minh ngày càng rực rỡ. Đứng trước trào lưu đó Phật giáo tất nhiên phải có dự phần và phải hòa nhập để thích hợp với những chuyển biến theo thời đại mới nếu không muốn tụt hậu. Vấn đề được nêu ra ở đây PG phải kế thừa và sàng lọc như thế nào để đạo Phật mang tinh thần nhập thế cao và phù hợp với thời đại đổi mới hiện nay. Câu hỏi này được nêu ra và chúng ta những tu sĩ PG phải cùng nhau ngồi lại bàn bạc hầu đưa ra các biện pháp khả thi nhất. Chúng ta phải nhìn lại đạo Phật của mình, tìm thấy nơi ấy những mặt còn tiêu cực, những điểm yếu cần loại bỏ và bổ sung; cũng như phải nhìn thấy những điểm mạnh cần duy trì và phát huy.

Để đáp ứng được nhu cầu này, Tăng Ni giảng sư chúng ta không nên trông chờ hay cho rằng Giáo hội phải quan tâm, mà mỗi Tăng Ni cần quan niệm chỉ tự giác không thôi là chưa đủ, mà phải giác tha thì mới đạt được con đường giác hành viên mãn. Giúp cho một người hiểu và làm theo chính pháp tức là làm giảm bớt một tác nhân có thể gây tai họa cho xã hội. Tăng ni phải tìm đến mọi người để giáo hóa chứ không chờ mọi người tìm đến Tăng Ni xin được giúp đỡ. Tăng ni cần nhập thế hơn nữa, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người tu sĩ đối với mọi người trong cộng đồng mình đang chung sống. Dưới sự chỉ đạo của Giáo hội, Tăng Ni phải là lực lượng chủ yếu đưa giáo lý nhà Phật đến với mọi người.

Hiện nay chúng ta có rất nhiều thuận duyên trong việc hoằng pháp nhưng chúng ta chưa tận dụng hết điều kiện thuận duyên đó. Ban Hoằng Pháp TW đã đạo tạo rất nhiều giảng sư có năng lực, có trình độ và khả năng thuyết giảng nhưng lại rất ít đạo tràng mời những giảng sư đó về thuyết giảng. Có rất nhiều ngôi chùa được xây dựng khang trang, giảng đường rộng rải, vị trí thuận lợi, Phật tử về sinh hoạt cũng rất đông đảo nhưng chỉ chuyên về coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng tam tai, sao hạn, suốt năm này qua tháng nọ không hề có buổi thuyết giảng giáo lý nào thì làm sao mà truyền bá chánh pháp, làm sao mà Phật tử hiểu đạo và sống theo lời Phật dạy. Bên cạnh đó cũng có những Đạo tràng, những khóa tu rất thành công và thuận lợi trong việc hoằng pháp như những Khóa tu mùa hè, Phật thất ở Chùa Hoằng Pháp, chương trình tiếp sức, tư vấn mùa thi, sinh viên trải nghiệm tu tập Phật pháp, v.v…. do Thượng tọa Trưởng ban Hoằng Pháp TW tổ chức ở các Đạo tràng phía Bắc. Đây là mô hình tương đối mới thu hút được nhiều giới trẻ tham gia mà chúng ta cần học tập, nhân rộng điền hình để tạo điều kiện hoằng pháp ở địa phương mình, với mục đích để tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, góp phần cùng Nhà nước xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự chủ, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2010 tại Kiên Giang)
Thích Minh Vũ - Ban Hoằng Pháp Bình Dương