Myanma rực rỡ ánh vàng

image

Để khám phá hết đất nước của chùa tháp này, có lẽ phải mất tới cả tuần hoặc cả tháng, tuỳ theo điều kiện.

Có nơi nào trên khắp dải đất Đông Nam Á lại hiện hữu nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đậm đặc như tại Myanma?

Dù cố đô Luang Prabang của Lào hay thủ đô Bangkok của Thailand cũng hút hồn người bởi chùa vàng, chùa bạc, nhưng chắc chắc chỉ có ở Myanma, người ta mới cảm nhận rõ nhất về sự hoang phế và lãng quên, và càng thán phục công sức của hàng triệu con người đã kiến tạo nên các công trình kỳ diệu.

Báu vật vàng của xứ sở vàng

Nổi bật nhất và có lẽ cũng là xứng đáng để tới đầu tiên, tất nhiên là ngôi chùa vàng nổi danh Yangon - chùa Shwedagon, được coi là một trong ba báu vật của đất nước vàng.

Rộng như một khu công viên lớn, chùa Shwedagon là niềm tự hào của đất nước và con người Myanma, nổi danh bởi ngọn tháp dát vàng rực rỡ ở chính giữa và 365 ngọn tháp nhỏ quây quần xung quanh.

Trải qua biết bao lần trùng tu, cho tới nay đã có 27 tấn vàng được dát lên đỉnh mãi, tháp chùa, và trên cao nhất của tháp là một viên kim cương khổng lồ.

Đền chùa tại Myanma không có chen lấn xô đẩy, không có mua bán ồn ào, chỉ có những bước chân trần lặng lẽ đi trên nền gạch lát, những khuôn mặt thành kính và phảng phất khói hương tỏa ra từ các bệ thờ.

Người dân Myanma coi Phật giáo là quốc giáo, rất thành kính lễ bái nhưng tuyệt nhiên không dâng lễ thịnh soạn, không đốt vàng mã nghi ngút, chỉ dâng hoa và tắm tượng Phật từ chính nguồn nước tuôn trào dưới chân các pho tượng.

Ngay cả với những ngôi chùa ở vùng xa xôi, dù tấp nập người hành lễ hay vắng vẻ hiu quạnh đều có một phong cách giống nhau: đã lên chùa là tất cả đều bỏ giày dép ở ngưỡng cửa phía ngoài, bất chấp nền chùa lát gạch sạch bong hay khô cằn sỏi đá.

Đời sống bình dân đa sắc thái

Trái ngược hẳn với khi đi chùa, đường phố Yangon lại mang một dáng dấp xô bồ, vui nhộn và...thân thuộc với người Việt Nam một cách đáng ngạc nhiên.

Đời sống đường phố cực kỳ phát triển với đủ loại hàng rong, quán vỉa hè, đông đúc nhất quần tụ quanh khu vực trung tâm hay còn gọi là khu Sule; bởi trung tâm của khu vực là ngôi chùa Sule cũng kiêu hãnh vươn cao ngọn tháp vàng lên nền trời, gần đó là các công trình tiêu biểu như Tượng đài độc lập, Tòa thị chính...

Hòa vào dòng người chật cứng trên các con đường vỉa hè sứt sẹo, hít ngửi hương vị của nồi thịt hầm, bún, thịt nướng... bán ngay trên đường phố, bất kỳ ai đến từ các quốc gia Đông Nam Á cũng thấy có phần quen thuộc, như đây chính là một phần của cuộc sống qúa khứ trên đất nước mình.

Rất chuộng ăn trầu, đàn ông Myanma có lẽ tới 90% bận tấm sà-rông có tên gọi địa phương là "longyi", chân đi dép, còn phụ nữ rất thích trang trí khuôn mặt bằng một loại bột cây nghiền có tên "thanakha", chất liệu "spa địa phương" đó có tác dụng bảo vệ khuôn mặt phụ nữ khỏi ánh nắng gay gắt miền nhiệt đới.

Long Tuyền