Ý nghĩa kinh ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG NGHĨA

Muốn thâm nhập yếu nghĩa Pháp Hoa, điều quan trọng là phải hiểu kinh Vô Lượng Nghĩa, vì trước khi thuyết Pháp Hoa, Đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa.

Vô lượng nghĩa là không có nghĩa cố định gợi cho chúng ta không nên chấp văn tự ngữ ngôn, không chấp pháp; vì mắc bệnh cố chấp thì không thể thăng hoa trên bước đường tu học. Người tu chấp pháp là người học kinh nhiều mà không sử dụng được, vì chứa đủ thứ dữ kiện trong đầu, nên trí không còn linh hoạt, sáng suốt, không thể đánh giá đúng sự việc thực tế, không thể đắc đạo và càng tu càng phiền não. Trái lại, nghe được giáo pháp vi diệu và thích thú, luôn suy gẫm để vận dụng trong cuộc sống được tốt đẹp, là biết nương theo phương tiện Phật dạy và sử dụng được yếu nghĩa một cách khéo léo. Kinh có thể ví như thức ăn tinh thần để nuôi dưỡng tâm linh chúng ta. Thực phẩm vật chất ăn vào phải tiêu hóa, nghĩa là trích lấy được phần dinh dưỡng nuôi cơ thể khỏe mạnh, còn phần xác bã phải thải ra ngoài. Việc áp dụng giáo pháp của chúng ta cũng giống như thế, học kinh, đưa kinh vào tâm trí phải cho chúng ta trí giác; còn chấp kinh, kẹt văn tự ngữ ngôn, trí không sáng được. Chúng ta không chấp pháp, không chấp ngã, thường được ví như tấm gương trong sáng, vật gì ở trước gương thì hiện hình trên gương và vật đi qua rồi, không còn lưu bóng trên gương. Nương theo pháp Phật dạy để tấm gương chúng ta trong sáng, sẽ thấy đúng mọi vật bây giờ và tại đây. Tất cả tấm gương của chư Phật đều hoàn toàn sáng tỏ, muôn vật đều hiển bày trước các Ngài, nên tất cả Đức Phật đều thấy chính xác giống nhau, không cần nói nữa. Tuy nhiên, đối với loài người bị vô minh nghiệp chướng ngăn che, không thấy được chân thật pháp, Đức Phật Thích Ca mới phải nói. Như vậy, từ hàng Bồ tát trở xuống, Đức Phật nói vô số pháp thích ứng với những hoàn cảnh sai biệt của tất cả mọi người, gọi là pháp phương tiện không mang tính cố định. Thật vậy, trên ba trăm hội Đức Phật thuyết pháp, không hội nào giống nhau, vì chúng hội đạo tràng khác nhau, mới có pháp sai biệt. Ngày nay, tu theo Bổn môn Pháp Hoa chúng ta đọc kinh, cũng phải lọc lấy những pháp ứng với nghiệp của mình để thực hành thì có kết quả tốt; ví như trong tủ thuốc gia truyền, chọn lấy thuốc đúng bệnh mà uống sẽ khỏi bệnh. Uống hết tất cả thuốc, sẽ chết.

alt

Học kinh cho chúng ta trí giác, nghĩa là cho chúng ta hiểu biết về Đức Phật, về lời dạy của Ngài, về cuộc sống cao quý của Ngài và vận dụng được tinh ba của pháp Phật để thể hiện cuộc sống tốt đẹp của chính mình, lợi lạc cho mọi người. Thành tựu như vậy, chúng ta đã thực hiện được tinh thần Vô lượng nghĩa.

Kinh Vô Lượng Nghĩa muốn nói về một đời giáo hóa của Đức Phật, trong suốt 49 năm thuyết pháp; tất cả pháp Phật dạy được ghi trong tam tạng Thánh giáo có vô lượng nghĩa. Mặc dù có vô số nghĩa, nhưng tất cả pháp Phật cô đọng lại thành ba nghĩa  trọng yếu là đạo đức, trí tuệ và việc làm lợi ích chúng hữu tình. Ba yếu nghĩa này được nói rõ trong ba phẩm của Vô Lượng Nghĩa  kinh; phẩm thứ nhất là Thanh văn hay đức hạnh, phẩm thứ hai là Duyên giác hay trí tuệ và phẩm thứ ba là Bồ tát pháp, hay công đức. Điển hình là kinh Vô Lượng Nghĩa, tức đức hạnh, trí tuệ và việc làm thánh thiện vô cùng, đã tỏa sáng trong cuộc đời giáo hóa của chính Đức Phật; hay nói cách khác, tất cả kinh điển của Phật đều ẩn chứa ba nghĩa này, tức xây dựng cho mọi người có cuộc sống đạo đức, trí tuệ và lợi lạc cho nhiều người.

1- Phẩm thứ nhất, Đức Phật xây dựng mẫu người đạo đức và Ngài cũng đã cảm hóa được chúng sinh bằng đức hạnh cao vời trong cuộc sống của chính Đức Phật. Đạo đức có hai cấp bậc, đạo đức thế gian và đạo đức xuất thế. Thực hiện đạo đức thế gian nghĩa là làm thế nào người chấp nhận, xem chúng ta là người tốt, là người đáng kính quý. Trái lại, làm việc người không đồng tình, bị họ chống đối hoặc phê phán mình xấu, là phi đạo đức; không phải làm đúng y kinh là được, vì y kinh giải nghĩa Phật oan tam thế. Tuy nhiên, đạo đức thế gian thay đổi tùy theo phong tục tập quán của từng nơi khác nhau, nên chỉ có giá trị tương đối, vì cách sống ở quốc gia này được coi là tốt, nhưng ở quốc gia khác lại bị lên án.

Đối với hàng Thanh văn, Đức Phật xây dựng mẫu người đạo đức xuất thế là không tranh chấp hơn thua. Vì vậy, một trong năm nghĩa của Tỳ kheo là giải thoát. Từ xa nhìn thấy tướng giải thoát của Tỳ kheo, người ta khởi tâm kính trọng và đến gần, thấy đẹp hơn, là đẹp ở đạo đức, tức không tranh cãi hơn thua, không khởi tâm tham đắm dục lạc. Trong 12 năm đầu, Đức Phật không đặt ra giới luật, vì Tăng đoàn là Thánh Tăng thể hiện tướng giải thoát và tâm hồn trong sáng, không phạm sai lầm, nghĩa là đạo đức đã tỏa sáng, nên không cần có điều luật nào để ngăn cấm. Nhưng khi giáo đoàn phát triển, danh thơm của Phật đồn xa, thu hút nhiều thành phần xã hội gia nhập, trong đó có những người tặc tâm xuất gia thường đặt nặng quyền lợi. Đức Phật mới chế định những giới điều nhằm ngăn chặn những việc sai trái.

Đạo đức của Thanh văn tiến cao hơn thành đức hạnh của Bồ tát, thể hiện những việc làm tốt đẹp cho đời. Vì vậy, đối với Bồ tát, thành tựu nhiều việc lợi ích cho chúng hữu tình là có đức hạnh, chứ không phải chỉ có nếp sống phạm hạnh thanh tịnh giải thoát như Thanh văn mà đủ. Đạo đức nhỏ thì người cùng tu chung kính trọng. Đạo đức lớn thì người khác tôn giáo cho đến cả xã hội cũng quý mến. Đức Phật tiêu biểu cho mẫu người đạo đức toàn hảo theo Pháp Hoa, ngoại đạo, vua chúa đều kính trọng, quy phục, xin làm đệ tử Ngài. Thể hiện tinh thần này, kinh Pháp Hoa dạy rằng hành giả Pháp Hoa ở nơi nào thì cả một vùng lan xa đến 500 do tuần đều được bình yên. Bình yên vì đức hạnh của hành giả đã cảm hóa được mọi người kính quý.

Giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng gom lại, chúng ta học đức hạnh theo Phật và nuôi dưỡng, phát huy được đức hạnh của chính mình mới quan trọng. Không phải học giáo lý để tranh chấp đúng sai, vì nói đúng cũng phát xuất từ vọng tâm.

2- Phẩm thứ hai của kinh Vô Lượng Nghĩa, Đức Phật xây dựng trí tuệ cho mọi người, hay chính Ngài đã giáo hóa độ sinh bằng trí giác, thường gọi là Vô thượng Bồ đề. Trong kinh thường ghi rằng Đức Như Lai thấy rõ mọi sự việc một cách chính xác như thấy trái cam trong lòng bàn tay, nghĩa là Ngài thấy đúng chỗ, đúng lúc, đúng người, không bao giờ sai lầm. Vì vậy, việc giải thoát Đức Phật nói với Xá Lợi Phất, không thể nói cho vua A Xà Thế. Đức Phật luôn nói những gì tương ưng với đối tượng, cho nên người nào được phước duyên nghe Đức Phật chỉ dạy đều an vui, giải thoát và phát tâm Bồ đề. Nhưng chúng ta lặp y lời Phật, e rằng phản tác dụng. Tất cả những điều Phật dạy, chúng ta cần chọn lựa xem điều gì giống với hoàn cảnh mình thì sử dụng, những gì cần bổ sung cho nhận thức thì ghi nhớ, không thích hợp thì vẫn trân trọng, nhưng không sử dụng. Như vậy, trí tuệ chúng ta theo đó mở lần và đối diện với tình huống nào trong cuộc sống, chúng ta liền nhớ pháp Phật dạy cho hoàn cảnh tương tự, chúng ta áp dụng theo.

Đạo Phật được mệnh danh là đạo của trí tuệ. Thật vậy, một đời giáo hóa của Đức Phật nhằm nâng cao nhận thức của chúng ta, từ hiểu biết bình thường trên cuộc đời, cho đến nhận thức cao siêu, đi vào Pháp giới. Hiểu biết bình thường là quan sát theo Phật, thấy tất cả chúng sinh hiện hữu trên cuộc đời này đều tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp đã tạo mà có hoàn cảnh sống khác nhau. Hiểu như vậy, chúng ta áp dụng pháp Tứ chánh cần, tức bốn việc cần tinh tấn thực hiện:  ác nghiệp chưa sanh thì ngăn lại, nhất định không cho sanh; ác nghiệp lỡ sanh rồi thì sám hối cho tiêu; thiện nghiệp chưa sanh phải làm cho sanh; thiện nghiệp đã sanh phải làm cho tăng trưởng.

Theo tôi, đối với ác nghiệp lỡ tạo rồi, cần sám hối bằng cách lạy Phật, tụng kinh. Lấy việc suy tư, thâm nhập yếu nghĩa của kinh điển làm thú vui, gọi là pháp hỷ thực. Vui với pháp thì không bận tâm đến việc hơn thua phải trái. Siêng năng tụng kinh lạy Phật, đem hình ảnh thánh thiện của Đức Phật và giáo pháp vào lòng để rửa sạch phiền não. Phiền não thì nhiều, nhưng chính yếu là buồn, giận, lo, sợ. Gặp việc đáng buồn giận, đáng lo sợ, tâm mình vẫn thanh thản. Không phiền não, không tội lỗi, chắc chắn bỏ huyễn thân này sẽ được chư Phật rước và có Báo thân tốt đẹp hơn. Đoạn ác nghiệp, giữ tâm hồn trong sáng và đặt niềm tin tuyệt đối ở Phật, mọi việc tốt lành tự đến; đồng thời dấn thân vào việc khó để làm lợi lạc cho nhiều người, tất sẽ được người thương quý và trên có Phật gia hộ. Thành tựu như vậy, lần hồi trí mình sáng ra, nhận thức đúng đắn và thấy biết cao xa hơn. Đó chính là Phật khai tri kiến cho chúng ta và đạt đến hiểu biết chính xác cao tột theo Pháp Hoa gọi là thập Như thị. Ngài Trí Giả triển khai lý này thành nhứt niệm tam thiên, nghĩa là trong một niệm tâm của chúng ta đã có đến ba ngàn cái thấy sai khác. Một việc xảy ra, nhưng ở địa ngục sẽ thấy khác với cái thấy của chín cõi: Phật, Bồ tát, Duyên giác, La hán, trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sinh. Đệ tử Phật có trí tuệ, quán sát biết rõ đối tượng thuộc địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hay trời, người cho đến A la hán, Bồ tát. Thấy biết chính xác như vậy để hành đạo gọi là tùy duyên. Nếu đối tượng là Phật thì đã lìa ngôn ngữ. Nếu là Bồ tát, phải xem vị này có hạnh nguyện gì, thì tùy theo đó nói pháp tương ưng. Nếu họ muốn vào Niết bàn mà chúng ta nói đến làm từ thiện là phản tác dụng. Thực tế cho thấy, có thầy thích Thiền, người thích cứu trợ, v.v... Cùng là thầy tu, nhưng sở nguyện không giống nhau. Nhìn sự vật của cuộc đời phải thấy muôn màu muôn vẻ và thấy đúng như vậy, chúng ta đến với chúng sinh hữu duyên để độ họ. Người cần cơm áo, gạo tiền, ta cho thì họ cám ơn, nhưng cái họ muốn chúng ta không có là vô duyên. Giáo pháp chúng ta quý, nhưng họ không biết dùng cũng không nên cho. Chính Đức Phật có lúc cũng phải yên lặng vào rừng ẩn cư; không phải lúc nào cũng nói được.

3- Khi đã tu tạo được đức hạnh và tri thức, phải sử dụng hai thành quả tốt đẹp này để giúp ích cho mọi người. Vì vậy, phẩm thứ ba của kinh Vô Lượng Nghĩa nói về lợi ích của đệ tử Phật dâng tặng cho đời, kinh gọi là công đức.

Là đệ tử Phật, tu pháp nào cũng được và làm việc gì cũng được, nhưng phải có lợi cho mình và lợi cho cả cộng đồng, có lợi trong hiện tại và lợi lâu dài; không nên chấp pháp. Chọn lựa pháp thích hợp với hoàn cảnh của mình để tu cho đạt kết quả tốt đẹp. Người không biết suy nghĩ, không thấy vị trí của mình, tu bắt chước, thích làm việc của Hiền Thánh, vượt quá phước đức khả năng của mình, phải bị chuốc họa vào thân. Mỗi lúc có thay đổi, mỗi chỗ cũng có thay đổi; tuân thủ luật pháp thì được bình yên, sống đúng với hoàn cảnh thì an lạc, sống khác là tự làm khổ mình, hại mình và hại người liên hệ.

Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời cũng vì lợi ích cho số đông, lợi ích cho chư Thiên và loài người. Theo dấu chân Phật, hàng đệ tử đến nơi nào hành đạo cũng quán nhân duyên để làm lợi ích cho nhiều người, chắc chắn sẽ được họ thương quý. Tu Pháp Hoa không nghĩ cho riêng mình, nhưng làm cho người lợi lạc là tạo được công đức.

KẾT LUẬN

Kinh Vô Lượng Nghĩa muốn nói một đời giáo hóa của Đức Phật nhằm xây dựng cho mọi người ba điều chính yếu trong cuộc sống là đức hạnh, tri thức và làm lợi ích cho cuộc đời. Thật vậy, kinh Pháp Hoa khẳng định thế gian tướng thường trụ nghĩa là Tam bảo thường trụ trong tâm mọi người, trong nếp sống tốt đẹp của mọi người, trong niềm tin của mọi người; không phải mơ hồ. Loài người còn tin Đức Phật, Tăng Ni, Phật tử còn có đức hạnh và sáng suốt, làm lợi ích cho đời, thì đạo Phật còn tồn tại vững bền.

Trước khi thuyết kinh Pháp Hoa, Đức Phật thuyết kinh Vô Lượng Nghĩa. Như vậy, có Vô Lượng Nghĩa  mới có Pháp Hoa, nhắc nhở chúng ta rằng người tụng kinh Pháp Hoa suốt đời mà không được lợi ích cho bản thân và không giúp ích cho cộng đồng xã hội, không phải là trì kinh Pháp Hoa. Hành giả Pháp Hoa phải vào cửa Vô lượng nghĩa, tức phải là người đức hạnh, trí tuệ và lợi ích cho đời, mới có Pháp Hoa. Vì vậy, mặc dù không tụng Pháp Hoa, nhưng xây dựng cho mình có đủ ba tiêu chuẩn này cũng đầy đủ tư cách của hành giả Pháp Hoa.

Vào cánh cửa Vô lượng nghĩa rồi mới thấy thực chất Pháp Hoa, hay Diệu Pháp Liên Hoa. Diệu Pháp là pháp bí yếu của Đức Phật, hay tâm của Phật, được ví như ma ni bảo châu kết tinh bằng ba tố chất hoàn hảo là đức hạnh, tri thức và công đức. Ma ni có khả năng lóng nước trong. Tâm Phật có khả năng thanh tịnh hóa chúng sinh. Vì vậy, người tu Pháp Hoa phải có tâm thanh tịnh như ma ni và tác động cho chúng sinh thanh tịnh. Thực tế cho thấy tâm chúng ta an lành sẽ làm cho người an lành theo. Trái lại, tâm tội lỗi, phiền não, nhiễm ô đến với chúng sinh sẽ làm cho họ cũng bị phiền não, nhiễm ô, tội lỗi.

Gạn lọc tâm trong sáng để có Diệu Pháp là pháp chân thật, hay trí tuệ thấy đúng như thật, nên hành động không sai lầm và thân hiện hảo tướng, thanh tịnh ví như hoa sen không nhiễm bùn, là Liên Hoa. Tu Pháp Hoa không có pháp cố định, nhưng làm sao ở chốn trần lao mà không bị ô nhiễm, thân giải thoát, tâm thanh tịnh, trí sáng suốt và hiện hữu lơi ích cho mọi người, kết thành Phật quả; đó là thể hiện yếu nghĩa của Pháp Hoa.

HT.THÍCH TRÍ QUẢNG