Vua Nan-đà cùng Na-già-tư-na luận đạo


altDẦN NHẬP:
Người im lặng là trầm cảm hay trầm mặc? Im lặng là ưng thuận, hay hèn nhát? Hay im lặng đồng nghĩa với khước từ, khinh khi, nổi loạn?...

Nhưng có sự im lặng “mang tính lịch sử trong lịch sử tư tưởng triết học và tôn giáo của nhân loại”, như Phật im lặng trước câu hỏi của du sỹ Vacchogatta, “tự ngã tồn tại chăng?”; Duy-ma-cật im lặng sau khi 33 vị Bồ-tát trình bày pháp môn vào cửa bất nhị; ngài Mã Minh đưa ra luận điểm tranh biện “tất cả ngôn ngữ đều bị phủ định”; Hiếp Tôn giả im lặng… Sự im lặng của bậc Thánh là Thắng nghĩa đế, dứt bặt nói năng, suy tính, gọi là “ly ngôn trung đạo”, chẳng phải có, chẳng phải không. Tuy nhiên, trung đạo cũng cần phải giải bày bằng ngôn từ, biểu đạt qua văn tự, là “ngôn thuyết trung đạo”. Do đó mới có một cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người — chuyện “Vua Nan-đà cùng Na-già-tư-na luận đạo” (Nan-đà vương dữ Na-già-tư-na cộng luận duyên 難陀王與那伽斯那共論緣), trong kinh Tạp bảo tạng quyển 9, tạng Đại Chánh 4, số hiệu 203, trang 492c24.

TOÁT YẾU NỘI DUNG:
Ngày xưa, vua Nan-đà là người thông minh hiểu rộng, không việc gì mà không thấu suốt. Sự hiểu biết của ông không ai địch nổi. Một hôm, vua hỏi quần thần:

- Có người nào trí tuệ thông minh, biện tài giỏi, giải thích những nghi ngờ, hay đối thoại luận bàn với trẫm không?

Khi ấy có một đại thần trước đây từng cúng dường một vị tỳ-kheo già, công hạnh thanh tịnh nhưng không học rộng, liền đi mời vị tỳ-kheo ấy đến. Vua Nan-đà hỏi:

- Phàm người đắc đạo là ở tại gia đắc hay xuất gia mới đắc?

- Cả hai đều có thể đắc đạo.

- Nếu cả hai đều đắc thì cần gì phải xuất gia?

Vị tỳ-kheo già im lặng, không biết trả lời thế nào. Vua Nan-đà càng thêm kiêu ngạo, các vị đại thần mới tâu:

- Thưa bệ hạ! Có tôn giả Na-già-tư-na thông minh tuyệt luân, hiện đang sống trong núi.

Nhà vua muốn thử tài, liền sai sứ giả mang tặng một bình bơ tràn đầy, thâm ý nhà vua cho rằng, trí tuệ của mình tràn đầy như thế, ai có thể cho mình thêm trí tuệ được. Tôn giả Na-già-tư-na nhận bình bơ biết ý vua, tôn giả lấy 500 cây kim chích vào bình bơ rồi nhờ sứ giả đem về. Khi nhận lại bình bơ, vua Nan-đà hiểu ý, cho sứ giả đi thỉnh tôn giả Na-già-tư-na đến. Tôn giả nhận lời mời, dẫn đồ chúng đến cung. Vua Nan-đà cho làm ngay một cái phòng nhỏ, cửa vào rất thấp, để tôn giả Tư-na uốn cong mình vào. Tôn giả Tư-na biết nhà vua chơi khăm mình, từ chối không vào, không chịu khuất thân. Vua Nan-đà lại thiết bày bữa cơm chỉ vài món ăn sơ sài, lạt lẽo. Tôn giả ăn vài muỗng nói, no rồi. Nhà vua lại dọn đồ ăn ngon, tôn giả ăn nữa, nhà vua hỏi:

- Vừa rồi tôn giả nói no, sao giờ lại ăn nữa?

- Tôi no đồ ăn dở, chứ chưa no đồ ăn ngon - Tôn giả bảo vua:

- Xin bệ hạ cho mọi người tụ tập đứng chật cả điện đi!

Nhà vua bảo mọi người lên đứng đầy cả điện, không còn chỗ trống. Sau đó nhà vua ở phía sau đi lên trên điện, mọi người sợ vua đều tránh qua một bên, tự nhiên ở giữa điện rộng ra, có thể thêm được nhiều người đứng. Tôn giả Tư-na nói:

- Đồ ăn dở giống như dân, đồ ăn ngon giống như vua. Dân thấy vua ai mà chẳng tránh đường!

Vua Nan-đà hỏi :

- Người tại gia và xuất gia ai đắc đạo?

- Cả hai đều đắc.

- Nếu cả hai đều đắc thì cần gì phải xuất gia!?

Tôn giả lý luận:

- Ví dụ cách đây 3.000 dặm, nếu có một thiếu niên khỏe mạnh cỡi ngựa, mang theo lương thực, cầm khí giới, có đi đến đó nhanh không?

- Nhanh.

Tôn giả Tư-na lại hỏi:

- Nếu bảo người già cỡi ngựa ốm, lại không có lương thực, vậy có đến đích được chăng?

- Cho dù người đó có mang theo lương thực đi nữa, e rằng cũng không đến đích, huống chi lại không có lương thực.

- Người xuất gia đắc đạo cũng thế, như thiếu niên khỏe mạnh, còn người tại gia đắc đạo giống như người già vậy.

Nhà vua lại hỏi:

- Ngã là thường hay vô thường?

Tôn giả Tư-na hỏi lại:

- Như ở trong cung vua có quả xoài trên cây, vậy ngọt hay chua?

- Trong cung của trẫm hoàn toàn không có cây xoài, sao lại hỏi trẫm là quả xoài ngọt hay chua?!

- Ngã cũng vậy, tất cả năm ấm vốn vô ngã, sao bệ hạ lại hỏi ngã thường hay vô thường?

Vua Nan-đà hỏi tiếp:

- Tất cả địa ngục đao kiếm phanh thây, phân tán mỗi thứ một nơi nhưng mạng sống vẫn tồn tại, việc này có như vậy chăng?

Tôn giả Tư-na hỏi lại vua:

- Như người nữ, ăn bánh, thịt, dưa, rau… Các thức ăn thảy đều tiêu hóa. Nhưng đến lúc có thai thì Ca-la-la nhỏ như hạt bụi sao chuyển thành lớn mà không tiêu hóa?

- Đó là do nghiệp lực

- Cũng vậy, trong địa ngục do nghiệp lực mà mạng căn vẫn tồn tại.

Vua lại hỏi:

- Mặt trời trên bầu trời, thể chất nó là một, tại sao mùa hạ lại nóng dữ, mùa đông thì lạnh buốt? Mùa hạ thì ngày dài, mùa đông thì ngày ngắn?

- Núi Tu-di có đường đi lên, đường đi xuống. Mặt trời mùa hạ theo đường đi lên, đường xa nên đi chậm, chiếu vào núi Kim sơn nên ngày dài và nóng bức. Mặt trời mùa đông thì theo đường xuống, đường gần thì đi nhanh, chiếu vào mặt nước biển lớn nên ngày ngắn lại cực lạnh.

LỜI KẾT:

Câu chuyện luận đạo giữa vua Nan-đà và tôn giả Na-già-tư-na đã được ghi chép thành kinh, Hán tạng Bắc truyền gọi là kinh “Na-tiên tỳ-kheo 那先比丘經” 2 quyển (hoặc 3 quyển), tạng Đại Chánh quyển 32, số 1670, trang 694 (bản 3 quyển trang 703), được dịch vào thời Đông Tấn, nhưng không rõ tên người dịch. Tạng Nam truyền (Pāli) gọi “Di-lan vương vấn kinh” (Milindapañhā), 2 quyển, tập 63, 64. Có điều, người chép kinh khi đưa vào tập Tạp bảo tạng này lại sửa văn mạch chi tiết, viết ngắn gọn hơn, thiếu phần kết thúc, làm cho người đọc dễ bị hụt hẫng cảm hứng trước sự vấn đáp chưa phân thắng bại.

Về lịch sử truyền bản kinh Na-tiên tỳ-kheo, theo ông Rhys Davids (học giả người Anh) thì 3 thiên trước (bản Pāli gồm 7 thiên) được hình thành do Bà-la-môn Māṇava ghi chép bằng tiếng Phạn (Sanskrit) vào thời vua Dionysios đang trị vì, người thừa kế vua Di-lan-đà (Milinda). Về sau được dịch sang tiếng Pāli, từ bản Pāli mới dịch các thứ tiếng khác. Văn hệ Pāli ghi, kinh Milindapañhā xuất hiện vào khoảng 500 năm sau Phật niết-bàn, do ngài Pitakaculābhaya ở Trung Ấn Độ trước thuật bằng tiếng Pāli. Năm 1860, V. Trenckner (người Đan Mạch) vị học giả uyên bác, biên soạn về sách Milindapañhā đã gán thời đại sách này có vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch. Còn bản Hán dịch, Tiến sĩ Kogen Mizumo phân tích cấu trúc ngữ pháp, lối hành văn và cách dùng từ trong bản Hán, ông kết luận bản Hán chưa hẳn dịch vào thời Đông Tấn (317-420), có thể dịch sớm hơn vào khoảng thời Hậu Hán (25-189), không quá thời Tam Quốc (240-280). Riêng học giả Tarn nói rằng, bản Hán được thực hiện vài thế kỷ sau bản Pāli, thuyết này chưa được các giới nghiên cứu tin cậy. Bài viết này không phải là một thiên khảo luận về lịch sử ra đời của bản kinh nên chúng ta tạm dừng ở đây, xin xoay lại câu chuyện trong kinh Tạp bảo tạng.

Vua Nan-đà là dịch âm từ tiếng Phạn và Pāli “Milinda”, tiếng Hy Lạp Menandros, Hán dịch Từ vương; cách gọi khác Di-lan-đà, Tất-lân-đà vương… Ông là người Hy Lạp, trị vì từ 155-130 trước Tây lịch, trên cả vùng Afghanistan và Bắc Ấn ngày nay.

Tôn giả Na-già-tư-na, Hán dịch là Long Quân, Phạn và Pāli “Nāgasena”, Cao tăng Ấn Độ, sống vào hậu bán thế kỷ thứ II trước Tây lịch, khoảng 500 năm sau đức Phật nhập diệt. Khi ngài sinh ra, trong nhà có con voi mẹ cũng sinh voi con nên đặt tên ngài là con voi (Skt. Nāga), Hán dịch gọn là Na-tiên, Na là voi, tiên là trước (về thời gian), nghĩa là “Sinh trước con voi”.

Trong mẩu chuyện này, người chép kinh y cứ trên hai bản Hán và Pāli, lược thuật, viết lại một cách khác. Nhưng phần chính dựa vào bản Hán, như chuyện vị đại thần mời vị Tỳ-kheo già vào cung đối đáp, “ngã thường hay vô thường”, hay vua hỏi việc ở địa ngục, v.v… Còn tôn giả Na-già-tư-na trả lời câu hỏi mùa hạ ngày dài, mùa đông ngày ngắn là mượn ý trong bản Pāli. Thời ấy, bước tiến khoa học chưa phát triển, nền thiên văn địa lí còn tối cổ, người Ấn Độ lấy núi Tu-di (Sumeru, vốn là tên núi trong thần thoại Ấn Độ, được sử dụng trong vũ trụ quan của Phật giáo) làm trung tâm của vũ trụ để quan sát sự chuyển động của mặt trời, hay theo dõi hệ tọa độ, thang thời gian mà tính thời tiết, bốn mùa. Ngày nay, trước kỉ nguyên chinh phục vũ trụ, những hiện tượng siêu nhiên thời sơ khai không còn bí ẩn nữa: nguyên nhân tạo ra các mùa, ngày dài, ngày ngắn, là do trục trái đất nghiêng với quỹ đạo chuyển động một góc 23,4°, dẫn đến thời gian mặt trời nằm trên đường chân trời cũng như độ cao mặt trời thay đổi trong năm. Điều này làm cho ngày dài, đêm ngắn. Khi mặt trời tới điểm Hạ chí (khoảng 21/6), ở vị trí cao nhất, là ngày dài, đêm ngắn. Mặt trời tới điểm Đông chí (vào khoảng 22 tháng 12), vị trí thấp nhất thì ngày ngắn, đêm dài. Hay nói cách khác: Mùa Xuân, mùa Hạ, mặt trời ở một tiêu điểm gần trái đất là 147.000.000 km nên ngày dài, đêm ngắn. Mùa Thu, mùa Đông, mặt trời ở vào tiêu điểm xa trái đất là 152.000.000 km nên ngày ngắn, đêm dài, v.v…

Tóm lại, tư tưởng trong kinh Na-tiên tỳ-kheo không ra ngoài phạm trù Phật giáo tiểu thừa, nội dung chú trọng giáo nghĩa cơ bản như duyên khởi, vô ngã, nghiệp báo… Nhưng khi chuyển qua tư tưởng chuyện tích trong kinh Tạp bảo tạng, vừa ảnh hưởng nền văn học Jātaka (Bản sinh kinh), nội dung chuyển tải sự thực hành các ba-la-mật, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, vừa mang tư tưởng Tạng giáo A-hàm. Kinh Tạp bảo tạng 10 quyển, gồm 121 chương, chia làm 5 thiên: Thiên hiếu tử, phỉ báng, thí hạnh (hạnh bố thí), giáo hóa, và thiên đấu tránh. Các vị đệ tử khi biên tập, khéo léo rút ngắn văn kinh, thành câu chuyện luận đạo dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người đọc, nhằm mục đích giáo hóa và nêu cao trí tuệ ba-la-mật cao hơn trí tuệ thế gian, có thể đánh ngã “thế trí biện thông” (trí thông minh phàm phu ở đời), nhiếp phục con người về nẻo đạo.

Tài liệu tham khảo:
- Phật Quang đại từ điển - Phật Quang xuất bản xã ấn hành.
- Nghiên cứu đối chiếu Milinda vấn đạo (chữ Pāli) và kinh Na-tiên tỷ-kheo (chữ Hán) - Tỷ-kheo Thích Minh Châu, Nxb Tp. HCM.
- Mi-tiên vấn đáp – HT Giới Nghiêm dịch, Nxb Phương Đông.
- Kinh Tỳ-kheo Na-tiên – Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch, Nxb Tôn giáo.

Thích Tâm Mẫn