Giáo lý Phật giáo đối với doanh nghiệp

Đã qua hơn 25 thế kỷ rồi mà càng ngày chúng ta càng thấy lời Phật dạy vẫn còn hết sức thực tế và khoa học. Ở thời điểm nào, hoàn cảnh nào, đơn vị cá nhân hay tập thể nào nếu áp dụng vào công việc, vào đạo lý sống trong xã hội, cộng đồng, với tâm từ bi với trí tuệ sáng suốt thì chắc chắn sẽ thành công và mang lại an bình hạnh phúc cho mọi người.

Với 8.4000  pháp môn trong giáo lý của Phật hầu hết là khai thị, chỉ dạy con đường rèn luyện tâm trí trở về nguồn đạo đức. Rất ít nội dung liên quan đến kinh tế, kinh doanh nhưng lại luôn bao gồm các lãnh vực nầy trong mọi lời dạy của Phật, nếu con người biết ứng dụng một cách hợp lý sẽ thấy luôn luôn vô cùng thiết thực và là nền tảng của mọi thành công.

Mô hình quả địa cầu minh họa tác động của khí thải CO2 được đặt giữa trung tâm Thủ đô Đan Mạch

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa (Gobaliization) hiện nay, doanh nghiệp là một đơn vị góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, đóng góp vào việc bình ổn xã hội. Chúng ta hãy cùng thảo luận về đạo đức và bổn phận của người vận hành, cũng như của nhân viên cộng tác trong doanh nghiệp.

Sau đệ nhị thế chiến, Nhật là một quốc gia thua trận nhưng nước nầy đã sớm vực lại thế mạnh kinh tế của đất nước nhờ đã áp dụng tinh thần giáo lý Phật giáo vào doanh nghiệp.

Thành thật trong vấn đề giao dịch (chân tâm), chất lượng sản phẩm luôn cải tiến, ví dụ hàng điện khí Television Sony, máy giặt Sanyo… kỹ thuật cao, bền, vừa đầy đủ chức năng, tiện dụng vừa gọn nhẹ, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện (trí tuệ và tâm vị tha), không dối gạt, không lừa đảo: (hàng tốt nói tốt, xấu nói xấu), giao hàng đúng hẹn… khiến uy tín đối với khách hàng ngày càng tăng, cảm tình đối với người tiêu thụ ngày càng nhiều. Chính vì vậy mà ngay cả vào thời điểm kinh tế suy thoái, những hãng chế tạo xe hơi Ford, Chrysler lâm cơn khủng hoảng nhưng xe Nhật như Toyota, Honda vẫn đứng vững trên thị trường Mỹ.

Phật giáo có Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Người Nhật ít nhất đã và đang áp dụng những pháp của con đường bát chánh nầy trong các doanh nghiệp, nên một quần đảo nhỏ, biệt lập ngoài biển với không ít thiên tai động đất, mà chỉ sau khi thất trận 14-15 năm đã là một quốc gia tự lực tự cường. Rồi từ đó tiến nhanh lên chiếm hàng thứ nhì thế giới về kinh tế.

Trong các công ty Nhật, bộ phận nhân sự, lo về việc tuyển chọn nhân viên, chăm lo đời sống, sức khỏe, lương bỗng, đánh giá khả năng làm việc của nhân viên v.v… rất quan trọng, không thể thiếu.

Quản lý một doanh nghiệp, nếu triển khai từ cơ bản đơn vị gia đình, chúng ta sẽ tìm thấy những điểm chung là tình thương (từ bi) và sự hiểu biết (trí tuệ), bao gồm: nhân bản, từ bi, bình đẳng, vô ngã.

- Chọn người hợp tác tốt (người có tài, có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt)

- Phân chia công việc tùy theo khả năng mỗi người, công bằng, bình đẳng

- Đặt mục tiêu rõ rệt, ví dụ: cung ứng sản phẩm hoàn hảo vì muốn chia sẻ niềm vui cùng người tiêu dung (từ bi, trí tuệ)

- Truyền đạt bằng chánh ngôn (văn hóa, chân tình)

- Quản lý ngân sách chi thu: Tài sản kiếm được chia ra làm 4 phần: 1/4 ăn uống và làm các bổn phận, 2 phần để đầu tư mở rộng doanh nghiệp, 1/4 còn lại dành dụm lúc khó khăn hữu sự.

- Quản lý thời gian; không lãng phí, hợp lý, khoa học.

- Hoàn thiện bản thân:

+ Thực hiện đúng những lời hứa hẹn. Đúng giờ, không nuốt lời

+ Tôn trọng ý kiến mọi người (bình đẳng)

+ Không ngại khó, siêng năng (Dũng)

+ Xem sự thất bại của mình hay của người khác đều có giá trị cho mình học hỏi.

+ Chú ý và khai thác khả năng tiềm ẩn của người của việc, công bằng, không thiên vị.

+ Quyết định sáng suốt và có đạo đức.

+ Tưởng thưởng, tổ chức những cuộc du ngoạn giải trí chung để hiểu và thân nhau hơn.

+ Làm tiền không mất tâm, dùng tiền cũng không mất tâm (Không chiếm đoạt, mưu mô hại người để đạt mục đích, thi đua chính đáng, không tiêu phí mờ ám, tham gia, hỗ trợ công tác xã hội, giúp ích quốc gia v.v… Không tiêu dùng vào việc trụy lạc: rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, sắc dục).

Nhìn chung thì nhiều chi tiết hơn nhưng cốt lỏi cũng là trí tuệ, tâm từ bi và lòng dũng cảm. (Bi, Trí, Dũng). Xí nghiệp thành công hay thất bại phần lớn là do khâu sản xuất. Điều khiển một công việc, muốn người cộng tác, nhân viên tận tụy, dốc toàn lực để thành công, sản xuất ra sản phẩm tốt, trước tiên người lãnh đạo phải là người được họ kính yêu. Vì tất nhiên “Kính nhân nhân thường tương kính”.

Và bốn yếu tô có sắc tướng cần thiết cho sự thành công của một doanh nghiệp là PHÁP, TÀI, LỮ, ĐỊA (Kỹ thuật, vốn vận hành, người cộng tác hay hội đồng quản trị, mặt bằng cũng như địa điểm, vị trí liên quan hạ tầng cơ sở, vấn đề môi sinh…) mà tất cả đòi hỏi những người lãnh đạo điều hành có tâm lành trí sáng.

Về phương pháp, đạo đức của người lãnh đạo chúng ta hãy nhìn lại lịch sử để hiểu xem Phật giáo đã giúp, đã cống hiến, đã giữ vị trí vai trò quan trọng như thế nào cho sự thành công và bền vững.

Thời Lý Trần, những vị vua Phật giáo áp dụng giáo lý Phật giáo trong mọi lãnh vực: trọng dân, thương dân, đối xử bình đẳng. Ví dụ như đã hỏi ý dân trước khi quyết định thi hành đại sự: “Thế nước biến nên HÒA hay CHIẾN?. Trong hội nghị Diên Hồng đã lưu nét rạng ngời lịch sử bao lần đánh thắng quân Nguyên xâm lược, một đội quân hùng mạnh đã từng bách chiến bách thắng đã thôn tính bao nhiêu nước khác.

Vua Lý Thánh Tông, một hôm đột xuất cùng con gái vào thăm trại tù, thấy những tù nhân đói lạnh, Vua bèn chỉ vào công chúa con mình và nói với những người trách nhiệm trại tù: “Trẩm thương dân như con đẻ, những người đang bị giam mà chưa biết họ bị tội lệ chi, hãy cho họ ăn đủ no, mang mùng mền cho họ đấp ấm. Nếu để họ đói lạnh mà chết đi trẩm rất lấy làm thương tiếc”. Lời của nhà vua Việt Nam nói với lòng từ bi, tâm Phật, sau này khoảng 6-7 thế kỷ, 1948, trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc mới ban hành luật: “Người nào bị cáo buộc có tội cũng phải dược xem như không có tội trong lúc chưa có bằng chứng xét xử”.

Cũng thời Phật giáo rất thịnh, các vua Lý, Trần sống rất gần gủi dân chúng. Vào tận thôn xóm để giảng đạo lý từ bi, hiểu biết, hiếu thảo, thương nước yêu nòi…, cấp giống, vốn cho nhà nông cấy cày, trồng trọt, cốt cho dân chúng có được đời sống ấm no hạnh phúc.

Lê Đại Hành (980-1005) thời kỳ đất nước Việt Nam khôi phục lại chủ quyền. Sau một ngàn năm bị Tàu đô hộ, lên ngôi được ít lâu, vua hội ý thiền sư Pháp Thuận:

-“Làm thế nào quốc gia được bền vững?”

Thiền sư đáp lời:

“Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các Xứ xứ tức đao binh”

Có nghĩa là:

“ Ngôi nước như dây quấn

Trời Nam mở thái bình

Đạo đức ở cung điện

Chốn chốn hết đao binh”

Cho thấy rõ đạo đức của người cầm vận mệnh của một nước, của chính quyền, của bất cứ một cộng đồng, tập thể hoặc đơn vị lớn nhỏ vô cùng quan trọng, đạo đức của những nhân vật nầy là yếu tố quyết định cho sự tồn tại vững chắc hay suy sụp tiêu diệt.

Giáo lý của đức Phật luôn khuyến tấn con người phải có lòng tin vững chắc vào những giá trị đạo đức, không sát sanh, không trộm cắp gian tham, không nói dối, không lường gạt, không tà dâm, không dùng các chất gây say nghiện, mở lòng quảng đại thực hành hạnh bố thí, không tham luyến vật chất, trau dồi trí tuệ để trừ diệt vô minh.

Mục tiêu chính của Phật giáo là mang lại đời sống an lạc hạnh phúc cho chúng sanh. Đức Phật không tán thành cuộc sống bần cùng đói khổ. Phật cho rằng nghèo khổ là một tai ương và là nguyên nhân phát sinh ra tệ nạn.

Có một lần, Phật đang thuyết pháp, thấy một anh chàng chăn bò rách rưới tiều tụy xin vào nghe. Phật liền bảo đệ tử mang thức ăn nước uống cho người ấy ăn xong rồi hãy đưa vào nghe pháp. Vì Phật hiểu rất rõ rằng khi một người nào đang đói thì không thể nói về vấn đề tâm linh cho họ nghe và hiểu được.

Phật đã chỉ dạy cặn kẻ cách thức làm ăn chính đáng với công sức mình để cải thiện đời sống gia đình, để được sống sung túc, giàu có của cải.

Phật khuyến khích mọi người sống “Thiểu dục tri túc”. Ngài dạy cả đến cách sử dụng đồng tiền kiếm được. Ngài khuyên: Tiền làm ra nên chia làm 4 phần:

- 1/4 dùng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày

- 2/ 4 dùng để đầu tư sinh lợi

- 1/4 còn lại để dành hoặc làm những việc từ thiện.

Ngài nêu ra những điều nên tránh để không bị tiêu tan tài sản, cơ nghiệp, trở nên nghèo đói khổ sở:

- Không ham mê cờ bạc, tửu sắc.

- Không la cà đường phố, đám tiệc, hí viện… lãng phí thời gian.

- Không giao lưu ác hữu.

- Không tập thói quen lười biếng.

Giáo lý Phật giáo với mục đích tạo sự ổn định kinh tế gia đình, xã hội và quốc gia, mang đến ấm no hạnh phúc cho mọi người. Nếu chúng ta ứng dụng thích hợp trong việc buôn bán nhỏ, trung bình hay kinh doanh lớn với mục đích trong sáng, không vì lợi ích riêng mình mà vì mọi người, vì xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng. Không đầu cơ tích trử, không gian tham bốc lột sức lao động của người khác. Không cạnh tranh bất chánh bằng âm mưu thâm độc hại người. Không cậy nhờ thân thế quyền lực, không cố tình khuyến đẩy, liên kết để tạo cơ hội ô nhiễm tiêu cực cho những người nắm giữ công quyền… Nghĩ đến thế hệ tương lai mà gìn giữ môi trường trong sạch. Chia sẻ lợi nhuận vào công tác từ thiện, xã hội. Thực hành theo lời Phật dạy một cách thâm chuyên thì làm việc gì, nhận lãnh bất cứ trọng trách nào chắc chắn cũng sẽ thành công, sẽ cùng mọi người tiến tới chân hạnh phúc.

Từ nghìn xưa có ai xây sự nghiệp

Bằng máu xương bằng tham hận bạo tàn

Mà thành tựu vững bền, lưu giữ dài lâu?

Tất cả đều sụp đổ tiêu tan nhanh chóng

Bởi thủ đoạn, vơ vét, mưu mô, gây thù oán

Chắc chắn có lắm người manh tâm phá hoại, trả thù.

Bằng từ bi, trí tuệ xây dựng cơ đồ

Thành trì sự nghiệp sẽ trường tồn kiên cố

Người từ bi sẽ luôn thi ân bố đức

Người tri ân sẽ thương mến chờ dịp báo ân

Sẽ tận tâm tận lực khi cần trợ giúp, đở đần

Trả ơn nghĩa hết lòng hết dạ.

Xưa, Đức Thích Ca lìa lâu đài ngôi báu tầm ánh đạo

Giác ngộ rồi Ngài nhập thế cứu đời

Bình bát tam y, 49 năm dấn thân,

Gieo tình thương cảm hóa muôn loài “

Buông tất cả sẽ có về tất cả”

Đã có biết bao vương tôn, trưởng giả

Sẵn sàng dâng vườn đất thênh thang

Để Phật cùng Tăng đoàn hoằng pháp, tĩnh tu

Vì đạo pháp, vì chúng sinh muôn loại,

Chính vì thế đạo trường tồn vĩnh cửu,

Ngày càng ngày càng thịnh, càng vinh

Hậu thế chúng ta nối tiếp noi bước giữ gìn

Loại trừ tham dục dựng xây chánh nghiệp

Mình hạnh phúc khi thấy người hạnh phúc

Người an vui mình mới thật an vui.

Gây dựng sự nghiệp bằng tâm trong sáng

Bằng trí tuệ và đức hạnh từ bi

Thành công do nỗ lực tinh tấn, do thực lực bàn tay

Tài sản có được từ chơn chánh sẽ duy trì niềm an lạc

Thương yêu tất cả bằng tình bao la người mẹ

Giúp nước, giúp người, xây dựng hạnh phúc cõi trần ai.

 

Tỳ kheo Thích Phước Ngọc

Ủy viên Ban Hoằng pháp TW

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)