Năng lực của người hoằng pháp

altNgay trong mục đích thị hiện ra đời của đức Phật, Ngài cũng đã nói: “vì lợi ích cho chư thiên và loài người” (kinh Nam truyền) và trong kinh Pháp Hoa (Bắc truyền) Ngài cũng đã dạy: “Chư Phật chỉ vì một nhân duyên đại sự mà thị hiện ra đời, khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Như vậy, hoằng truyền giáo pháp Phật là thừa tiếp phục vụ quần sinh tiến tu đạo nghiệp theo tinh thần giáo pháp nhà Phật, hầu đem lại xã hội lành mạnh, quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.

TÂM NGUYỆN VÀ CUNG CÁCH CỦA NGƯỜI HOẰNG PHÁP

Kinh Pháp Hoa đề ra ba điều căn bản cho người hoằng pháp là: Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai.

- Nhà Như Lai là tâm từ bi bình đẳng.

- Áo Như Lai là hạnh nhu hòa nhẫn nhục.

- Tòa Như Lai là pháp chân không.

Người hoằng pháp cần có tâm nguyện hoằng pháp

Người có tâm nguyện hoằng pháp là khi ra làm việc không vì danh, vì lợi, cũng không vì sự yên ổn cho bản thân riêng mình mà vì muốn cho Phật pháp trường tồn, chánh pháp được truyền bá khắp nơi, đem lại sự an lạc hạnh phúc cho muôn loài.

Hòa thượng Thiện Hoa đã nêu bày tâm nguyện kiên cường ấy: “Đạo pháp cần ta đến, Phật sự thành ta đi, không ngại khó khăn, không nề gian khổ”.

Với tâm nguyện bố giáo: Từ bi, bình đẳng, nhẫn nhục.. không nề gian khổ ấy ta có thể lấy tấm gương của tôn giả Phú Lâu Na mà học tập.

Truyện ghi: Sau mùa an cư kiết hạ, tôn giả Phú Lâu Na đã xin phép Phật được đến xứ Du Lô Ra để thuyết giáo.

Đức Phật dạy: Dân chúng xứ Đô Lô Ra, tánh tình rất hung bạo, đánh chưởi thành thói quen, ông đến đó dễ bị mất mạng.

Ngài tiếp hỏi: - Nếu ông đến xứ đó, dân ở đó không chấp nhận ông, mà lớn tiếng mắng chưởi thì ông nghĩ sao?

Con thấy họ còn tốt, vì họ chưa lỗ mãng đến nỗi dùng roi gậy đánh đập con.

Nếu họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh đập ông thì sao?

- Con vẫn thấy họ còn tốt, vì họ chưa đến nỗi đâm chém con.

- Nếu họ dùng dao búa đánh đập, đâm chém ông thì sao?

- Con cũng cho họ còn tốt, vì họ chưa đến nỗi giết chết con.

- Nếu họ giết chết ông thì sao?

- Như thế con xin cảm ơn họ, vì họ đã hỗ trợ cho đạo nghiệp con mau thành tựu, giúp con báo đáp thâm ân của Thế Tôn.

Đức Phật hoan hỷ ngợi khen.

- Phú Lâu Na! Ông không hổ là đệ tử của ta. Việc tu tập, việc bố giáo nhẫn nhục, tâm cảnh của ông rất bình an! Chúng ta sẽ đưa ông lên đường.

Tâm nguyện tri ân và báo ân

Trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo An Đức đã dạy rằng: “Trên thế gian có hai hạng người đáng quý là người biết ân và người báo ân”.

Tất cả khả năng tu hành thuyết giáo của ta có được là nhờ nơi thầy tổ và các bậc giáo thọ tôn sư đào luyện truyền đạt cho, nên khi ta làm được công đức hay Phật sự nào thì nên khởi niệm tri ân và báo ân.

Như  gương của tôn giả Xá Lợi Phất, nhờ nghe câu kệ Nhân duyên của tôn giả A Bệ Thệ mà ngộ đạo:

Các pháp từ duyên sanh
Cũng từ nhân duyên diệt
Đấng đại sư của tôi
Thường răn dạy như vậy.

Được dự vào dòng thánh giả, được tiến dẫn nhập đạo. Cảm niệm ân đức khai thị, tiếp dẫn xuất gia nhập đạo, mặc dù được Phật đưa lên hàng trưởng túc, tôn giả vẫn luôn xem ngài A Bệ Thệ là ông thầy sơ cơ của mình, và lúc nghỉ Ngài đều hướng về nơi tôn giả A Bệ Thệ đang trú ngụ để đảnh lễ.

Phương pháp tri ân, báo ân là pháp nên thực tập làm tăng trưởng phước duyên và đạo hạnh cho người hoằng pháp.

Tinh thần tôn ti bình đẳng theo giới luật

Ngày Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ, các vương tử dòng họ Thích được nghe thuyết pháp nên phát tâm xuất gia. Trong số bảy vương tử ấy có Đề Bà, A Nan và A Na Luật…người muốn xuất gia trước nhất cần đoạn bỏ râu tóc, việc này cần đến người thợ cạo tên là Ưu Ba Ly.

Trong lúc cạo râu tóc cho các vương tử Ưu Ba Ly mặt buồn dàu dàu, dường như muốn khóc. Nghĩ thương người thợ cạo, các vương tử cởi đồ trân châu trang sức và áo khoát ngoài biếu tặng, đoạn trở về từ giả gia đình. Đứng trước đống đồ trân châu, Ưu Ba Ly thương cảm cho thân phận mình thuộc dòng ti tiện, chẳng biết có thể xuất gia được không! Ngậm ngùi phân vân một chút rồi chợt quyết định vụt chạy đến tinh xá để hỏi cho tường tận.

Được tôn giả Xá Lợi Phất trả lời:

- Giáo pháp của đức Thế Tôn rất bình đẳng, không phân biệt kẻ trí người ngu, không phân chia nghề nghiệp sang hèn, chỉ cần có khả năng giữ gìn giới luật, là ai ai cũng có thể làm đệ tử Phật, cũng có thể xuất gia tu tập và chứng thánh quả. Nghe được lời dạy ấy, Ưu Ba Ly rất vui mừng, bước theo sau tôn giả Xá Lợi Phất bái kiến Phật. Được Phật thế độ và trao luôn cụ túc giới, Ngài tinh tấn tu hành chẳng bao lâu được chứng thánh quả A La Hớn. Trở thành đại đệ tử trì luật đệ nhất của Phật.

Thật là: Nước trăm sông đều chảy về biển cả
Bốn chúng tánh xuất gia đồng vào thánh chúng

Bảy ngày sau, các vương tử ra mắt xin Phật xuất gia, đức Phật dạy cần phải đảnh lễ các sư huynh xuất gia trước, họ bất ngờ khi đứng trước Ưu Ba Ly tỳ kheo họ không biết phải hành sự như thế nào cho đúng pháp.

Đức Phật nghiêm giọng bảo:

Trong pháp xuất gia học đạo, việc trước nhất là  hàng phục tâm kiêu mạn như lai đã nhận cho Ưu Ba Ly xuất gia trước, thọ giới trước, các ông muốn xuất gia phải đảnh lễ thầy ấy.

Các vương tử nghe Phật dạy đều khiêm tốn cúi đầu làm lễ Ưu Ba Ly. Ngược lại Ưu Ba Ly cảm thấy lúng túng không an, ông cũng nên dùng lễ huynh trưởng mà đối xử các ông ấy.
Việc  độ Ưu Ba Ly xuất gia chứng thánh quả, khiến cho pháp chế của đức Phật dần dần được thực hiện.

Trong tăng đoàn không còn một ai dám đem tâm phân chia chủng tộc nữa.

Người hoằng pháp phải nên ung đúc tinh thần tôn ti bình đẳng theo giới luật khiêm cung hạ cố như vậy mới được sự vâng thừa, tôn kính của đại đa số quần chúng.

HOẰNG PHÁP CẦN RÈN LUYỆN VÀ  ỨNG DỤNG NGŨ MINH

Ngũ  Minh là năm phương pháp truyền đạt giáo pháp Phật được kết quả. Ngũ Minh gồm có: Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh và Y phương minh.

Nếu căn cứ vào ba tính chất của kinh điển: Khế lý, Khế cơ, Khế thời.

Thì:

- Nội minh và Nhân minh thuộc về khế lý.

- Thanh minh thuộc về Khế cơ.

- Công xảo minh và Y phương minh thuộc về Khế thời.

Khế lý: Giáo điển của Phật luôn luôn hợp với chân lý.

a) Nội minh: Thông suốt giáo điển của Phật tức là không nói sai với chánh pháp.

- Như khi nói về giáo pháp hiện thực của tục đế người hoằng pháp phải dùng tam pháp ấn làm thước đo.

Tam Pháp Ấn là: Vô thường, Khổ, Vô ngã. Mục đích các kinh điển loại này dùng để chứng minh sự thực của cuộc sống nhằm nhắc nhở người đời chớ nên tham đắm vật chất, bởi tham đắm vật chất là lún sâu vào các phiền não, vô minh để rồi chuốc lấy hậu quả luân hồi sáu nẻo sanh tử, gánh chịu khổ đau bởi vì sự vật trên thế gian này đều: vô thường, khổ, vô ngã.

Khi muốn khuyên người chuyển mê khai ngộ, ngoài Tam pháp ấn còn có Tứ pháp ấn: Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Thực sự, chẳng phải hoàn toàn giả dối, mà vẫn có cái người phát tâm tu niệm đạt được, đó là sự an tịnh của niết bàn, nên Luận tạng đã lý giải: “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, niết bàn tịnh tịnh”.

Cũng chính hướng này mà kinh điển đại thừa đã  chỉ cho hành giả thấy: Thực sự cuộc sống của thế gian là Vô thường, Khổ không, Vô ngã. Nếu còn đam mê lợi danh thì cuối cùng cũng lãnh lấy hậu quả hữu lậu khổ đau. Nên đại thừa tiến dẫn tu tập để chuyển hóa:

- Từ vô thường đến chơn thường

-  Từ khổ tu tiến đạt được chơn lạc

- Từ không thật đạt đến chơn tịnh

- Từ vô ngã đạt được chơn ngã.

Nói chung có hành trì, sẽ đạt được đến thường lạc ngã tịnh.

Đây là phương pháp trình bày đạo lý như thật (Lý nhân duyên, luật nhân quả nghiệp báo, luật vô thường… là đạo lý).mà cũng là truyền đạt các phương pháp hành trì để thoát được vô thường khổ đau, đạt được an lạc tịch tịnh. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, hành trì theo ngũ thừa giáo hay tu tập tam vô lậu học (giới, định, tuệ) là các pháp lý của nội minh.

b) Nhân minh: Phương thức luận giải giáo điển hay trình bày vấn đề có căn bản lý luận, nói đến nhân minh tức là nói đến Tôn, Nhân, Dụ.

- Tôn: Mục đích muốn trình bày, đó là cái quả sẽ thu gặt được.

- Nhân: Quả đương nhiên phải được thành tựu từ nhân. Muốn vậy cần có sự suy diễn như y câu kinh.

Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị.

Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.

- Dụ: Là lấy điều tương tự hoặc nghịch lý chỗ nhân đã nêu ra mà dụ để làm sáng tỏ vấn đề.

Nhân minh là cách lý luận nhằm biện minh sao cho phù  hợp mục đích muốn luận giải của mình, cần dùng kinh điển, dùng lẽ thật trong cuộc sống nêu ra làm nhân, đưa điều kiện tương tự hay nghịch lý làm dụ để dẫn giải thính giả hiểu theo ý mình muốn trình bày. Đây là phương pháp luận lý trình bày hợp với thánh giáo gọi là khế lý.

Khế cơ: Kinh dạy : “Thuyết pháp bất đậu cơ tức thành ma thuyết”hoặc “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự tức thành ma thuyết”. Nhiều vị ỷ vào trình độ học thức của mình diễn nói thao thao bất tuyệt mà không nhìn lại thính chúng của mình là ai? Ơ vào trình độ nào? Họ phù hợp với pháp môn gì?

Cho nên muốn trình bày vấn đề để người nghe thâu nhận và áp dụng được, phải tùy trình độ, hoàn cảnh sống của họ mà trình bày, sao cho người nghe thấu đạt giáo điển mà nỗ lực tu hành. Đây là yếu tố khế cơ.

Thanh minh là áp dụng cách nói, ngôn ngữ nói cho hợp trình độ của người nghe,khiến họ thấm nhuần giáo pháp.

Thực ra những gì mình học được, đọc  được, thâu góp từ kiến thức trên ghế nhà trường cũng mới chỉ là kiến  thức vay mượn. Muốn những kiến thức trên ứng dụng, cần phải nỗ lực tinh tấn tu tập hành trì mới có cơ hội bừng sáng trí tuệ. Chỉ có tuệ giác mới giúp cho hành giả thấy rõ chân tướng vạn pháp, tuệ giác ấy chính là sự nghiệp của người tu hành.

Khế thời: Chân lý thì muôn đời vẫn là chân lý. Suốt 49 năm thuyết pháp, trên ba trăm hội đàm kinh của đức Phật, sau này được kiết tập thành 12 bộ kinh, lượt gọi là tam tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận.

Từ khi Phật thị hiện nhập niết bàn đến nay, suốt 2554 năm, hơn 25 thế kỷ. Nếu không có các bậc thánh tăng Lịch đại tổ sư dùng các phương tiện hoằng pháp thì giáo điển Phật làm gì tồn tại.

Các ngài đã dùng các phương tiện chữa trị  bệnh tật của thân, bệnh tật của tâm gọi là y phương minh, dùng cách ấy hoặc đồng sự nhiếp hóa để giúp mọi người hành trì giáo pháp Phật.

Dù  thời đại nào, dù địa phương nào, dù chủng tộc nào, lớn nhỏ, già trẻ, bất cứ ở phồn hoa đô hội văn minh vật chất hay các vùng sâu vùng xa kém khai hóa, tăng đoàn đệ tử Phật vẫn nỗ lực truyền bá chánh pháp, bằng những phương tiện hợp với từng người từng phong tục xã hội.

Cách truyền bá ấy gọi là công xảo minh, nó hợp với mọi thời đại nên cũng nói là khế thời.

Nếu người hoằng pháp ngũ mình sao cho khế hợp chân lý, trình độ của từng thời đại đều có thể thâu đạt kết quả tốt  đẹp. Người giảng pháp đã như pháp diễn bày, thì người nghe cũng như pháp mà hành trì.

KẾT LUẬN

Muốn hoằng pháp đem lại lợi ích thiết thực thì  người hoằng pháp cần phải áp dụng nhuần nhuyễn pháp Ngũ minh, trong đó Nội minh và Nhân minh thể hiện tinh thần Khế lý, Thanh minh là Khế cơ, Y phương minh và Công xảo minh là Khế thời.

Tự thân người hoằng pháp cần phải có tâm nguyện hoằng pháp, cần thể hiện tinh thần tri ân, báo ân và nhất là tôn trọng bình đẳng theo giới luật.

Từ  đó dùng chánh kiến, chánh tư duy của tuệ  học dẫn lối cho nói năng, hành động sinh hoạt của mình và mọi người hằng ngày được chân chính tinh thần của giới học, để rồi tinh tấn vượt mọi trở ngại mà thành tựu được chánh niệm và chánh định.

Đạo Phật truyền đến Việt Nam ta từ thế kỷ thứ 2, trên hai ngàn năm truyền bá đã ăn sâu gốc rễ vào đời sống của dân tộc, đã cùng chịu hưng vong suy thịnh với dân tộc, đã có thời là quốc giáo, đã đóng góp không ít vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước đó là nhờ vào công đức hoằng pháp của chư vị thiền tổ. Quá khứ đã có được nền tảng tốt đẹp, chính là tiềm lực giúp hoằng dương chánh pháp hộ quốc an dân, tốt đời đẹp đạo.

Ngày nay nhà nước đã làm được những việc tu sửa các ngôi chùa lịch sử, đăng cai với liên hiệp quốc tổ chức lễ phật đản vesak, kỷ niệm 701 năm Phật hoàng trần nhân tông, kỷ niệm ngàn năm thăng long đang xây dựng các khu vực tâm linh đều là các điều kiện tốt để thực hiện tâm nguyện hoằng dương chánh pháp hộ quốc an dân của người hoằng pháp.

Chúng tôi xin đề nghị đã làm công tác hoằng pháp, người hoằng pháp cần có:

1. Những tư tưởng, quan điểm, đạo đức.

2. Phải thể hiện tâm nguyện bố giáo tức là vì pháp quên mình không mong cầu sự cung kính, không mong muốn dễ dàng trong công tác hoằng pháp.

3. Bỏ được tâm lý tự mãn nên chú ý tôn trọng người nghe.

4. Làm sao bài giảng có nội dung sâu xát và người nghe nhờ đó mà thấu đáo và áp dụng được.

Trích Tham luận của Ban Hoằng pháp THPG Bình Định tại Hội thảo hoằng pháp toàn quốc - Kiên Giang 2010