HÃY VÌ THẾ GIỚI NGÀY MAI

Có lẽ trong tất cả chúng ta, vẫn thường nghe đâu đó câu nói như trở thành kinh điển, làm rung động tâm hồn người trách nhiệm: “Trẻ em hôm nay- Thế giới ngày mai”.

 

alt

Bởi khi nói tuổi trẻ là ta nghĩ ngay đến giới THANH THIẾU NIÊN- thế hệ màu xanh của Tổ Quốc, đầy sức sống, thừa năng lực, nhiều trí tuệ, giàu mộng mơ và dồi dào hứa hẹn, đã trở thành niềm kỳ vọng bao đời của thế hệ cha ông. Nhìn vào thực trạng hôm nay, ta ngỡ như thế giới đều tập trung cho các em: đầu tư , tích lũy, kỳ vọng… nhưng thực tế có thể bị lệch hướng, sai đường nên đã chuốc lấy bao thất vọng nặng nề ,và trở thành mối quan ngại, lo lắng chung của toàn nhân loại.

Vậy nhân danh là những người đi trước, chúng ta hãy vì THẾ GIỚI NGÀY MAI mà đến với các em bằng động thái tích cực, để những vị “chủ nhân tương lai” của thế giới lành mạnh hóa trong đời sống, sáng suốt trong tư duy, văn minh trong xã hội…

Đây là vấn đề quan trọng mà ngành hoằng pháp không thể làm ngơ và cần phải có biện pháp thiết thực để góp phần lành mạnh hóa tuổi trẻ hôm nay.

Trong phạm vi của đề tài, chúng tôi chỉ xin nêu lên vài khía cạnh đối với ngành “thanh thiếu” Việt Nam hôm nay:

I- THANH THIẾU NIÊN VIỆT NAM HÔM NAY:

Phải nói thanh thiếu niên Việt Nam hôm nay năng động , thông minh và nhiều điều kiện hơn ngày xưa gấp bội . Phần đông các em khắp mọi miền đất nước đều được đến trường học tập . Thế nhưng vấn đề hư hỏng , đam mê, thiếu ý chí, nghị lực… thì dường như đa số và làm cho gương mặt đạo đức xã hội bị nhăn nheo ,suy thoái rõ ràng . Trước hết chúng ta thử lướt qua:

1-Giới thanh thiếu niên có điều kiện đến trường:

Ngày còn thơ cắp sách đến trường, tôi vẫn thường tự hào :

“Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau

Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…

Học sinh là mầm sống của ngày mai

Un đúc tâm hồn để nuôi chí lớn

Theo chí thanh niên sống vì giống nòi

Liều thân vì nước vì dân mà thôi”.

Cái ý hướng thiêng liêng, xanh trời bổn phận và đầy đạo đức đó, giờ đã đi đâu rồi nhỉ?. Bởi nói đến học sinh là nói đến cái hồn nhiên trong trắng, cái ngây thơ hiền lành…Thế mà nay chúng ta không còn xa lạ gì với những tin : học sinh giết người, ăn chơi, đọa lạc, cờ bạc, xì ke… “ mầm sống của ngày mai” đã chết rồi ư? “ vì nước vì dân” đã không còn trong nhuệ khí, tinh thần của tuổi trẻ nữa ư? Hay chỉ còn là ích kỷ, bạc nhược với những văn hóa đồi bại, lai căn? Tôi cũng đã nhiều lần gặp mấy cô cậu choai choai, lạng lách đua xe bạt mạng trên đường, hoặc đánh đàn đánh đúm, ăn mặc lố lăng, nói năng mất lễ độ, thiếu văn hóa đến rợn người, hoặc tấp vào một gốc cây, một góc tường, một con đường vắng ở quê ,chìa tay “ chích choác”. Tôi cũng đã thấy rất nhiều dịch vụ Internet hai bên đường , đầy ắp các em học sinh say sưa chơi điện tử cả ngày thâu đêm suốt sáng…Nếu cha mẹ có lên tiếng quở rầy,thầy cô trách phạt, thì ương ngạnh, cứng đầu bỏ nhà đi bụi. Tôi cũng đã rất nhiều lần nghe tiếng não buồn của các bậc phụ huynh than vãn: “ không tiền cho con học cua, học kèm. Thời nay không học thêm thì con em không lên lớp, vì chữ nghĩa của thầy cô chưa rải trọn dưới mái học đường”. Tự nhiên tôi cảm thấy xót xa cho ý nghĩa: “ Nghề giáo là một nghề thanh cao”! và tôi cảm thấy tiếc thương cho tuổi học trò đã vội vàng đánh mất đi sự hồn nhiên trong trắng!

Vậy học sinh ít muốn đến lớp hơn là đến những dịch vụ điện tử chơi game , để rồi trở thành tác nhân tội phạm, hủy hoại cả một tương lai của chính mình nói riêng, và rộng ra là cả một đất nước. Nguyên nhân từ đâu vậy nhỉ? Và ai là người có đủ thẩm quyền để lý giải cho thỏa đáng đây?

2- GIỚI THANH THIẾU NIÊN KHÔNG CÓ ĐIỀU KIỆN ĐI HỌC:

Người xưa từng nói: “ nhân bất học bất tri lý” các em không được học , không biết lý lẽ ở đời nên hư hỏng, lêu lổng, bê tha, mất đạo đức,… phải chăng là điều tất yếu?.

Thật ra đâu hẳn thế.! Vì từ ngàn xưa cho đến ngày nay lịch sử cũng đã chứng minh có biết bao người, bao con em trưởng thành một cách vinh quang và lành mạnh, mà chưa từng được đi học ngày nào, hoặc có đi học thì cũng rất ít. Như vậy chúng ta không thể đổ lỗi cho việc giàu- nghèo, học- không học, có điều kiện hay không có điều kiện… Đơn giản chỉ một điều là chúng tôi muốn nhấn mạnh đến số đông giới trẻ hôm nay suy thoái trầm trọng về mặt đạo đức, mà toàn xã hội cần phải đặc biệt quan tâm, và phải có phương thức giải cứu hợp thời, thực tiễn. Vẫn biết song song với hai hạng THANH THIẾU nêu trên chúng ta vẫn còn đó hạng thứ ba để an ủi và hy vọng.

3- THANH THIẾU NIÊN VƯỢT KHÓ:

Những năm gần đây ,qua phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta cũng đã có dịp bồi hồi về những gương mặt điển hình: vượt khó, hiếu thảo, học giỏi, không đầu hàng số phận…ở những chương trình như: THẮP SÁNG TƯƠNG LAI, CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ v..v thật đáng học hỏi và nêu gương cho đời.

Sự biến chất suy thoái của các em còn nhiều vô kể, nhưng ở đây chúng ta chỉ muốn có một giải pháp cứu nguy, chứ không phải là để lên án ,hoặc bỏ liều, không trách nhiệm. Vẫn biết tuổi các em tuy nhiều năng động nhưng chắc chắn kém phần kinh nghiệm, dồi dào sức bật nhưng lại dễ vấp ngã trên mọi nẻo đường đời. Vì thế các em cần phải có những “thần tượng” đúng nghĩa, có những món ăn tinh thần trong sáng, để thay cho những món độc hại đã lỡ lầm. Và chúng ta phải tin tưởng rằng:

Dù em đó có một thời lỡ dại

Nhưng giờ đây tìm được đúng con đường

Tìm được người đưa lối biết yêu thương

Em sẽ biết hoàn lương yêu sự sống.

Tuổi trẻ thời nào cũng vậy, dễ đam mê ,sa ngã nhưng cũng thừa ý chí vươn lên, nếu đựơc sự đồng cảm thật tình ,xẻ chia và hướng dẫn đúng mức. Chắc chúng ta vẫn còn nhớ, thánh Gandhi của ẤN ĐỘ ,ngày xưa từng là cậu bé ham chơi, không lo học. Và câu chuyện RẮN ĐẤU BIẾNG HỌC của nhà bác học Lê Qúy Đôn, cũng đã trở thành những gương sáng Việt Nam, gương sáng muôn đời. Nhắc điều đó để chúng ta không thất vọng hoàn toàn nơi tuổi trẻ. Ngựơc lại, cần phải làm gì đó để tuổi trẻ tin tưởng ở chúng ta.

II- HÃY LÀ NIỀM TIN CHO TUỔI TRẺ:

Để góp phần định hướng cho các em có đủ niềm tin vào cuộc sống, trước hết những ngưới lớn chúng ta phải là những gương mẫu:

1. BẬC CHA MẸ LÀM GƯƠNG MẪU:

Bao giờ cũng vậy , cha mẹ luôn là chỗ dựa, là niềm tin , niềm tự hào của con cái. Là tấm gương soi cho các con ngay từ lúc đầu đời. Vì vậy trong gia đình, cha mẹ phải giữ đúng vai trò bổn phận, cách thức của bậc làm cha mẹ. Từ cách nói năng, trách nhiệm gia đình, việc đối nhân xử thế…tất cả sẽ là bài học đầu tiên, để góp phần tạo nên nhân cách cho con cái sau này. Cho nên mỗi gia đình cần phải có sự tôn ti, hòa thuận, hạnh phúc nhất định. Cha mẹ phải nêu gương đạo đức tối cần. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng, ít khi nào những trẻ em có phẩm chất tốt lại được sinh ra , lớn lên trong một gia đình vô đạo đức cả. Thường hoàn cảnh tạo nên con người là ở đó. Phật Giáo có câu chuyện hai con két cùng một mẹ sinh ra , vì hoàn cảnh bão giông , hai con trôi dạt hai miền . Con trôi về đông , sống với bọn cướp, trở thành con két xấu : chỉ điểm cướp của hại người. Con két bạt về tây, sống với hai vị thầy tu, nên hiền lương đạo đức: cứu Vua thoát nạn cướp đường. Vật hay người cũng thế, cũng ảnh hưởng bởi hoàn cảnh chung quanh .

2. NHỮNG THẦY CÔ LÀM GƯƠNG MẪU:

“Tiên học lễ hậu học văn”, “dạy tốt học tốt” là những câu châm ngôn được treo một cách trang trọng ở mọi trường học ,như nhắc nhở “đạo đức sống” cho cả thầy lẫn trò dù bất cứ hoàn cảnh thời gian nào cũng không sai khác được.

Trên thực tế có những vị làm Thầy chưa tròn trách nhiệm, chưa trao truyền hết kiến thức cho học sinh . Có lẽ vì một lí do tế nhị nào đó mà ở đây không tiện nói ra. Chỉ mong nghề “gõ đầu trẻ” và “người gõ đầu trẻ” ở bất cứ thời đại nào cũng vẫn giữ được mãi đức thanh cao để làm mô phạm cho hậu thế.

3- ĐỪNG TỰ ĐÁNH MẤT MÌN:

Đặt niềm tin ở cha mẹ, ở thầy cô , ở người lớn là điều không thể thiếu, nhưng quan trọng hơn hết là hãy đặt niềm tin ở chính mình. Hãy tin vào khả năng hướng thiện của tự tâm , đừng đổ thừa cho hoàn cảnh hay phó thác nọ kia . Dù rằng trong xã hội hiện nay có những bậc làm cha mẹ, làm thầy cô chẳng đúng với bổn phận thiêng liêng , tuy nhiên các em phải biết thẳng thắn nhìn vào mình ,để thấy đúng sai mà hành tác. Phải biết lời nói nào là vàng ngọc, sỏi đá để không bị cám dỗ, sai lầm . Hơn nữa, say mê theo vật dục là tàn hại cuộc đời, và kiến thúc lúc nào cũng cần phải đi đôi với đạo đức. Chớ sa đà, trụy lạc trên những mãng đen tối của Internet, truyền thông , sách vở, báo chí… Hãy chọn cái hay, cái bổ ích để bồi bổ kiến thức cho kịp thời , cho đẹp tương lai. Phải biết quay lưng và nói “KHÔNG” với những văn hóa độc hại, tệ nạn… để không thác loạn điên cuồng, làm mất đi giá trị cuộc sống. Và nên nhớ rằng thời gian trôi qua là trôi qua mãi mãi, tuổi trẻ cũng chỉ có một thời rồi phủi áo ra đi . Hãy nghe HOÀNG ĐỨC nói:

“Ngày qua từng đoàn người quay lưng tìm phố mộng

Lệ hoa tàn kết nối dấu thời gian

Cũng từ đó nghiã thiên đường đã mất

Khúc phù du tênh lặng kiếp con người”.

Vả lại, dù bất cứ ai ,già hay trẻ , giàu hay nghèo , xấu tốt thế nào đi chăng nữa, vẫn cần phải có một điểm tựa tâm linh.

III- ĐIỂM TỰA TÂM LINH:

Con người sống có hai yếu tố hổ tương cần thiết để tồn tại đúng nghĩa của một con người, đó là:

1-VẬT LÝ:

Đất, nước, gió, lửa tạo nên hình hài, vóc dáng của một con người, đẹp hay xấu còn tùy thuộc vào nghiệp lực của mỗi con người đó. Để có một đời sống vật lý lành mạnh , nghĩa là có một thân thể tráng kiện ,thì thứ nhất gia đình , nhà trường phải dạy cho các em và chính bản thân các em phải biết quý trọng ,yêu thương tấm thân này, bằng cách sống có khoa học : giờ giấc ngủ nghỉ , ăn uống, làm việc … phải siêng năng và hợp lý. Thể dục thể thao mỗi ngày , tốt nhất là sáng sớm. Chớ sống buông thả, trụy lạc , vô trách nhiệm, không định hướng … sống như một thây ma biết đi . Bởi thân thể khỏe mạnh, thì tinh thần mới sáng suốt. Đất nước lúc nào cũng cần đến những thanh niên có tri thức và đạo đức. Nên nhớ rằng ngoài đời sống vật lý còn phải trân quý đời sống tâm linh.

2- TÂM LINH:

Sống mà không có lý tưởng, không có tâm linh thì khác nào khúc gỗ trôi sông và chẳng bao giờ sợ tội, biết phước. Tâm linh không chỉ ở những tín đồ Phật Giáo, Thiên Chúa hoặc người có đạo. Tâm linh ở đây là người sống có lý tưởng , biết tàm quý , biết tri ân, báo ân , biết cội nguồn tiên tổ… Thế nên nếu em theo đạo chúa, thì ít nhất mỗi chủ nhật, thứ năm phải biết đến thánh đường, để không sống ra ngoài thể cách của “mười điều răn”. Nếu em là Phật Tử, thì rằm, mồng một chắc hẳn không nên vắng mặt ở chùa để “năm yếu tố hòa bình” luôn là khuôn vàng thước ngọc, giúp em khỏi lầm đường, lạc lối . Vậy để có ngày mai tương đối hơn, tốt đẹp hơn ngày hôm nay, chúng ta thử thực hành những giải cách sau:

IV- PHƯƠNG THỨC THỰC TIỄN:

Thiết nghĩ, chúng ta chớ nói những điều “Đao to búa lớn”, chớ ước ao những việc ngoài tầm tay , mà hãy liệu lường trong khả năng và chừng mực. Vì người xưa đã từng nói : “Thà thắp lên một ngọn đèn leo lét, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”.

1-VỀ PHÍA GIA ĐÌNH:

Đừng coi thường , xúc phạm con cái, cũng đừng quá nuông chìu và thiếu sự quan tâm, Luôn gần gũi và hướng dẫn cho con, nhưng đừng áp đặt cứng nhắc những quan niệm không phù hợp với nhân tình. Phải có thái độ mềm cứng đúng nơi. Và chắc chắn phải xây dựng cho con một đời sống tâm linh. Bởi phần đông, kẻ sống không có niềm tin tâm linh ,dễ gây nên tội ác hơn.

2- NHÀ TRƯỜNG:

Cần quan tâm triệt để về kiến thức, đạo đức của học sinh, đừng nên đặt nặng về cơm áo gạo tiền quá mức, làm mất niềm tin nơi tuổi trẻ. Vẫn biết “ sân trường” thời nào cũng nhiều “ ngựa chứng”, nhưng trọng trách của những “ kỷ sư tâm hồn” là ngoài việc trao truyền kiến thức, còn có cả sự định hướng đạo đức cho các em, cũng chính là cho cả vận mệnh tương lai của Tổ Quốc vậy. Góp phần không nhỏ trong việc đắp nền đạo đức cho các em, còn có cả nhà chùa nữa.

3- NHÀ CHÙA:

Một nhà thơ đã nói:

“Chùa là gia đình

Chùa là quê mẹ

Chùa là quê hương

Chùa là tình thương

Chùa là quốc gia, dân tộc”.

Lời thơ đã nói lên ý nghĩa và trọng trách thiêng liêng của mái chùa. Vậy thì mỗi vị trụ trì là mỗi trách nhiệm “giảng sư”. Mỗi Tăng Ni là mỗi “ thầy truyền đạo”. Mỗi ngôi chùa là mỗi “điểm tựa” tinh thần cho các em.Vì vậy chúng ta đừng đợi các em tự động tìm đến chùa, hoặc cha ,mẹ ,ông bà dắt dẫn, hay đến với tư cách đoàn sinh Phật Tử như thường lệ, mà mỗi chùa, mỗi Tăng Ni chúng ta phải khéo léo tiếp cận các em , để hướng các em đến chùa với những sinh hoạt lành mạnh. Lúc đầu mỗi chùa ,chắc chỉ năm đến mười em ít ỏi, nhưng chúng ta cũng có thể thành lập nhóm “Thanh thiếu niên học Phật” của chùa đó.Cứ thế mà rộng ra từ xã đến huyện, tỉnh và toàn cả nước. Đâu đâu cũng thấy đầy “Thanh thiếu niên học Phật” thật cần thiết vô cùng !.Ở đó các em được sự hướng dẫn của quý Tăng Ni có trách nhiệm. Các em sẽ được học những bài giáo lý ngắn gọn dễ hiểu. Có giờ tụng niệm vừa tầm ,đủ ý nghĩa, không lê thê gây nhàm chán . Có trò chơi lành mạnh xen lẫn với những phút tĩnh tọa êm đềm nhằm lắng đọng tâm tư. Ngoài ra có những trại hè để các em tiếp xúc với thiên nhiên, rồi em sẽ biết yêu màu xanh của trái đất. Và tham gia tập tành làm từ thiện, để trái tim biết rung động , đồng cảm trước nỗi đau buồn của người bất hạnh . Vì vậy các em rất cần sự động viên, sự quan tâm của giáo hội và chính quyền địa phương ,để ở đó không có sự trá hình, giả danh nào khác. Nếu thực hiện được như thế ,sẽ giúp cho mỗi gia đình bớt được mối lo âu, giúp cho xã hội bớt đi nhiều công dân xấu. Nhất là góp phần làm cho THẾ GIỚI NGÀY MAI tốt đẹp và con người đạo đức hơn.

V- KẾT LUẬN:

Một vài khía cạnh nêu bày trên cũng đã nói lên những mặt khiếm khuyết của tuổi trẻ ngày nay. Tuy không phải là tất cả ,nhưng là vấn đề mà đại đa số Thế Giới đã lên tiếng lâu rồi . Rất mong các em sớm ý thức quay về, tìm cho mình lối học, lối chơi, lối sống … thật lành mạnh và đúng ý nghĩa. Có như thế mới không uổng phí một kiếp người, không làm băng hoại xã hội.

Cũng rất mong con người và danh xưng “Thanh thiếu niên học Phật” sớm được hình thành để câu TRẺ EM HÔM NAY- THẾ GIỚI NGÀY MAI nở trên môi mọi người một cách trọn vẹn./.

 

Ni sư Thích nữ Hạnh Nghiêm

Thành viên Đoàn Giảng sư BHPTW

Thành viên Ban Hoằng pháp tỉnh BRVT

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(Giaohoiphatgiaovietnam.vn)