Thiền và các liệu pháp tâm lý đầu thế kỷ XX

altQua một số bài trước đây của chúng tôi, chúng ta thấy thiền quán đã có mặt trong hoạt động sáng tạo của các nhà văn, nghệ sĩ và mang tính tự phát. Ở đây, chúng ta sẽ thấy thiền cũng có mặt ở một lĩnh vực khác, đó là khoa tâm thần học phương Tây đầu thế kỷ XX.

Liệu pháp tâm thần

Từ rất lâu, y học Tây phương đã sớm quan niệm, để điều trị các bệnh tâm thần, ngoài yếu tố hóa dược, các liệu pháp tâm lý (không dùng thuốc) có vai trò quan trọng cũng như rất có hiệu quả. Và liệu pháp tâm lý không những chỉ được sử dụng để điều trị bệnh thuộc về lãnh vực tâm thần, mà nó còn là phương tiện để điều trị bệnh tật nói chung.

Tuy nhiên, trước thế kỷ XX, giữ vai trò cơ  bản trong liệu pháp tâm thần ở phương Tây chỉ là thôi miên và ám thị. Trước tiên, đây là công việc của thầy phù thủy.

Đến khoảng thế kỷ XVIII, nó mới dần dần được khoa học hóa. Ám thị (suggestion) và thôi miên (hypnosis) là hai khái niệm phân biệt, nhưng thực tế nó được dùng lẫn lộn, và được sử dụng để chữa bệnh nói chung, chứ không riêng gì bệnh tâm thần. Ám thị và thôi miên phản ánh nét cơ bản của liệu pháp tâm thần phương Tây, là tác động tâm lý từ một người lên một người, mà trong điều trị là từ thầy thuốc lên bệnh nhân, không hề có yếu tố tự trị liệu bằng liệu pháp tâm thần.

Thôi miên và ám thị được thừa nhận như một khoa của y học phương Tây kể từ khi nhà tâm thần học người Áo Mesmer (1734 - 1815) xuất bản công trình Tiểu luận về sự khám phá từ tính động vật và tiến hành ứng dụng trong thực tế việc chữa bệnh không dùng thuốc tại Paris, Pháp. Việc điều trị được ghi nhận là có kết quả. Số bệnh nhân đến để nhờ Mesmer chữa bệnh hết sức đông đảo. Ellenberger  đã đánh giá Mesmer là một nhà trị liệu tâm lý hiện đại đi đầu. Mặc dù, lúc đó, Viện Hàn lâm Y học Hoàng gia Pháp đã có một số ý kiến tiêu cực đối với lý thuyết và thực nghiệm của Mesmer, nhưng phương pháp mà ông đưa ra vẫn phát triển.

Một số  học trò đã kế thừa và phát triển phương pháp của Mesmer. Chastenet de Puységur đã tạo ra được trạng thái mộng du nhân tạo bằng thôi miên (1874). Thôi miên trong tâm thần học phương Tây phát triển đến đỉnh cao với J. Baird, một bác sĩ ngoại khoa, đã  gây tê trong phẫu thuật thành công bằng thôi miên, không cần dùng đến thuốc (1843). Thôi miên cũng phát triển tại Mỹ với Benjamin Rush, người khai sinh khoa tâm thần học Mỹ, với Morton Prince, người đã ứng dụng thôi miên điều trị một số bệnh tâm thần.

Thế  kỷ XIX, thôi miên đã rất phát triển ở  Pháp với 2 trường phái học thuật Paris (với Charcot) và  Nancy (với Berheim và Liebault). Thôi miên phát triển khắp cả châu Âu. Ở Nga, cũng có các nhà nghiên cứu thôi miên như Tokarsky, Beckhterev, Pavlov và cộng sự… Sigmund Freud (Áo), cha đẻ của phân tâm học, cũng đã theo học về thôi miên với Charcot (trường phái Paris) và với Bernheim (trường phái Nancy, Pháp). Sigmund Freud đã tích cực ứng dụng thôi miên trong giai đoạn đầu hành nghề bác sĩ tâm thần của mình.

Giai đoạn liệu pháp tâm thần thôi miên ám thị chi phối  ở phương Tây có thể gọi là giai đoạn thụ động. Trong thôi miên, ám thị, người được điều trị chịu sự tác động tâm lý từ bên ngoài, để hình thành những thay đổi được coi là có lợi cho việc điều trị ở cả mặt tâm lý lẫn mặt thể chất. Đây là giai đoạn phương Tây chưa gặp gỡ phương Đông và vai trò tích cực của thiền học Phật giáo chưa được phát hiện.

Khảo sát các định nghĩa về liệu pháp tâm thần, hay liệu pháp tâm lý, chúng ta sẽ có một kết luận tương tự. Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu qua các định nghĩa về liệu pháp tâm thần trong khoa tâm thần học phương Tây từ tài liệu Thực hành điều trị tâm lý của Tiến sĩ Võ Văn Bản, nhà xuất bản Y học Hà Nội xuất bản, năm 2002. Những định nghĩa được ghi nhận dưới đây nằm trong khoảng từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, phản ánh quan điểm thụ động của liệu pháp tâm thần phương Tây, mà yếu tố cơ bản là ám thị và thôi miên.

F. Van. Elden đã xem liệu pháp tâm lý là mọi trị liệu có sử dụng biện pháp tâm lý nhằm đấu tranh với bệnh tật.

Theo Miaxixev: Liệu pháp tâm lý là liệu pháp nhằm thay đổi mối quan hệ giữa các nhân cách.

Theo  S. A. Rathus: Liệu pháp tâm lý được xem như là mối tương tác có hệ thống giữa nhà trị liệu với khách hàng, mà mối tương tác này mang những nguyên tắc tâm lý có ảnh hưởng tới những suy nghĩ, cảm giác hoặc hành vi của khách hàng nhằm giúp họ thay đổi những hành vi bất thường, nhằm điều chỉnh những vấn đề trong cuộc sống hoặc nhằm phát triển như một cá thể.

Theo Guyotat: Liệu pháp tâm lý là tổng hòa các kỹ thuật tác động tâm lý nhằm vào mục đích chữa bệnh.

Theo M. Reynau: Liệu pháp tâm lý là hoạt động mang tính khoa học để điều trị những rối loạn tâm lý

Theo Jeammet: Để liệu pháp tâm lý tồn tại, nhà trị liệu cần phải nắm vững bản chất của các kỹ thuật tác động tâm lý đang vận động và để nhằm kiểm tra tiến triển cũng như hiệu lực của các tác động tâm lý đó.

Theo R. Pouget: Liệu pháp tâm lý nằm trong mối quan hệ được thiết lập giữa thầy thuốc và người bệnh trong mục  đích chữa bệnh.

Qua nội dung được trình bày ở trên, chúng ta có thể  thấy rằng đối với tâm thần học phương Tây đầu thế kỷ XX trở về trước, liệu pháp tâm thần luôn được hình dung trong quan hệ thầy thuốc/bệnh nhân, người điều trị/khách hàng, với tác  động từ ngoài vào.

Thiền bắt đầu có mặt trong liệu pháp tâm thần


Cuối thế  kỷ XIX, sau hai hội nghị quốc tế về  thôi miên (1889 và 1890), thôi miên trong tâm thần học phương Tây có dấu hiệu thoái trào. Sau thời gian này không lâu, Sigmund Freud nhận thấy thôi miên không hiệu quả trong nhiều trường hợp, đã bỏ hẳn thôi miên và chuyển sang liệu pháp phân tâm do ông phát minh và đi đầu trong việc triển khai.

Đầu thế kỷ XX là giai đoạn mà các học thuyết, tư tưởng, tôn giáo ở phương Đông bắt đầu được truyền bá ở phương Tây, trong số đó có Phật giáo.

Cũng trong thời gian này, tâm thần học phương Tây cũng bắt đầu xuất hiện một số liệu pháp tâm thần mới, được xếp chung với một tên gọi là liệu pháp thư giãn. Nhưng thư giãn (relaxation) trong các liệu pháp tâm thần  được coi là mới này khác với thư giãn (relax) thông thường. Thư giãn ỡ đây là thư  giãn theo kỹ thuật, không phải thư giãn ra sao thì  thư giãn.

Hai kỹ  thuật thư giãn chính được đề xuất trong nửa  đầu thế kỷ XX là phương pháp “giãn cơ tuần tiến” của E. Jacobson (Mỹ), năm 1920, và phương pháp “thư giãn tập trung”  của Schultz (nhà phân tâm học Đức), năm 1926.

Hai phương pháp thư giãn này, còn được coi là phương pháp Mỹ (Jacobson) và phươg pháp Đức hay châu  Âu (Schultz), rất thịnh hành ở các địa phương tương ứng và phát triển mạnh cho đến nay, giữ một vị trí đặc biệt trong các liệu pháp tâm thần của tâm thần học Tây phương.

Vì tuyệt  đại đa số bạn đọc đã là Phật tử, nên  ở đây, chung tôi sẽ không làm công việc so sánh các phương pháp được gọi là thư giãn (relaxation) nói trên với thiền (các phương pháp thiền là điều mà bạn đọc đã nắm rõ qua kinh sách), mà chúng tôi chỉ ghi nhận một số nét chính của các kỹ thuật thư giãn phương Tây đầu thế kỷ XX để bạn đọc tự tìm hiểu và tự so sánh.

Sẽ không mấy khó khăn để nhận ra những dấu ấn của thiền trong cả hai phương pháp relaxation nói trên.

Trích theo sách đã dẫn:

“…Phương pháp thư giãn của Jacobson

Năm 1920, M. Jacobson đã xây dựng phương pháp thư giãn tuần tiến (Progressive Relaxation). Ông đã xây dựng phương pháp thư  giãn dựa trên những công trình về sinh lý thần kinh. Như Durant de Bousingen đã nói: “Phương pháp này chủ yếu nhắm vào cơ chế sinh lý của thư giãn và nó dựa vào phức bộ thần kinh cơ ngoại biên, có nghĩa là nó đòi hỏi sự giãn cơ ngoại biên”. Phương pháp này rất thịnh hành ở Mỹ.

Trong phương pháp này, thư giãn nhằm vào giãn cơ là chính từ đó dẫn đến giảm kích thích não bộ  và dẫn đến sự nghỉ ngơi của vỏ  não. Trên thực tế, ngoài việc giảm căng thẳng, giảm lo âu, phương pháp này còn có thể ảnh hưởng lên cảm xúc ít nhiều mang tính vô thức. Nhưng phương pháp này  đòi hỏi ở đối tượng luyện tập sự tỉnh táo và tập trung cao độ.

Theo Jacobson con người ta, từ già đến trẻ có thể  cảm nhận và chế ngự được trương lực cơ của mình, nhưng cần phải học cách giảm trương lực cơ từng bộ phận trên cơ thể theo kinh nghiệm từng cá thể. Vì vậy, phương pháp này hướng dẫn cách cảm nhận trương lực cơ từ mạnh đến yếu hơn, cụ thể theo 3 mức sau:

* Cảm giác căng cơ hay trương lực cơ rất tăng. Ví dụ, lên gân và ghi nhận cảm giác căng cơ lúc đó.
* Xác định căn cơ giảm hơn. Ví dụ cảm nhận trương lực cơ bả vai hay cơ cánh tay khi để lỏng trong tư thế đứng.
* Cảm nhận sự co cơ rất nhẹ ở ngưỡng co cơ, ví như cảm giác giãn lưng sau giấc ngủ

Cách tập thư giãn tuần tiến:

Gọi là  thư giãn tuần tiến có nghĩa là tập từ nhóm cơ này sang nhóm cơ khác, và tập từ trạng thái căng cơ sang giãn cơ. Jacobson chia thành 36 nhóm cơ chính và người tập sẽ tập tuần tự từng nhóm cơ một.

Người luyện tập hết sức tập trung tư tưởng và huy động sự chú ý cũng như ý thức vào việc hình dung những cảm giác căng cơ, giảm giác hết căng cơ và cảm giác giãn cơ. Trạng thái căng cơ nên giữ trong trạng thái tĩnh và giữ trong vòng 10 đến 15 phút. Cảm giác căng cơ, giãn cơ, và vị trí nhóm cơ được ghi nhận lại. Chú ý ghi nhận cảm tưởng về sự giảm tuần tự trương lực cơ từ căng, giảm độ căng và giãn. Nên tập đi tập lại vài lần trong mỗi buổi tập để ghi nhận cảm giác chính xác về trương lực cơ. Lúc đầu, nên tập nhóm cơ lớn như cơ cánh tay, cơ cẳng tay, cơ bụng…, sau đó, tập dần đến nhóm cơ bé hơn, như nhóm cơ mắt, cơ mặt, cơ thanh hầu…

Phương pháp này nên tập trong tư thế nằm, không đòi hỏi phải gắng sức. Trong khi tập tránh suy nghĩ sang việc khác, tránh cử động nhiều và nên thở chậm đều.

Kết quả  điều trị bằng phương pháp này là không nhằm trực tiếp vào triệu chứng mà chỉ chú trọng làm giảm sự căng cơ dẫn đến giảm căng thẳng cảm xúc, từ đó các triệu chứng sẽ tự  thuyên giảm dần.

Chỉ  định:

Rất rộng rãi từ người lành đến người bệnh, từ sáu tuổi trở lên. Ở người bình thường được chỉ  định đối với những người bị stress, căng thẳng, hoặc để phòng chống stress.

Về  bệnh tật, thường chỉ định những bệnh sau:

* Rối loạn vận động: giảm vận động, ức chế vận động…
* Tri giác sai lệch về sơ đồ cơ thể, về không gian và về thời gian
* Rối loạn ngôn ngữ: nói lắp, co thắt khi viết…
* Rối loạn tâm lý vận động: tăng động, khó tập trung trong học tập
* Rối loạn tâm căn: lo âu, ám ảnh
* Rối loạn giấc ngủ
* Rối loạn tâm thể: hen phế quản, viêm đại tràng, cao huyết áp
* Các bệnh về khớp”.

“…Phương pháp thư giãn của Schultz

Phương pháp thư giãn của Schultz (Đức) được gọi là  thư giãn tập trung (Concentrative Ralaxation). Lúc đầu, ông chịu ảnh hưởng của các trường phái thôi miên  ở Đức, ở Pháp. Về sau, ông đã nghiên cứu những thành tựu thu được từ yoga và ông đã rút ra một kết luận hết sức lý thú rằng: “bản chất của yoga chỉ là hiện tượng tự ám thị” và từ đó ông đã xây dựng phương pháp thư giãn tập trung của mình (1926). Phương pháp của ông có 2 giai đoạn: cấp thấp và cấp cao

Giai đoạn cấp thấp

Có  6 bài tập: Người tập có thể tập trong tư  thế ngồi hoặc thông dụng nhất là trong tư  thế nằm. Trước khi bước vào tập từng bài trong 6 bài tập, người tập nhẩm thầm một câu: “toàn thân yên tĩnh” và cả sau khi kết thúc hoặc giữa các bài tập, người tập cũng nên nhắc lại bài cơ bản này.

- Bài tập 1: “Cảm giác nặng”: Khi có cảm giác yên tĩnh người tập nhẩm thầm câu: “tay phải nặng dần” và tưởng tượng tay phải mỗi lúc một nặng hơn. Sau đó, tập sang tay trái, cũng nhẩm và tưởng tượng như bên tay phải. Bài này, yêu cầu tập trong 15 ngày, sau đó, mới chuyển sang bài thứ hai.

- Bài tập 2: “Cảm giác ấm”: cũng tập tương tự như bài 1 từ tay phải sang tay trái và có thể tập sang hai chân. Cũng nhẩm thầm trong óc câu: “tay phải ấm dần”, hãy tưởng tượng có một làn hơi ấm tỏa ra từ tay phải. Tập như vậy từ 2 đến 3 ngày, sau đó chuyển sang tay trái và hai chân.

- Bài tập 3: “Điều hòa nhịp tim”: hướng dẫn người tập biết cảm nhận về hoạt động của tim. Cụ thể để tay phải lên vùng tim và ghi nhận cảm giác nhịp đập của tim. Sau đó, người tập sẽ nhẩm thầm câu: “tim đập bình tĩnh và điều đặn”. Tưởng tượng nhịp tim đập đều đặn, nhịp nhàn và rất bình tĩnh. Tập mỗi ngày từ hai đến 3 lần trong vòng năm phút và tập trong 15 ngày.

- Bài tập 4: “Điều hòa hô hấp”: người tập sẽ nhẩm thầm câu: “nhịp thở hoàn toàn bình tĩnh”. Hãy tưởng tượng nhịp thở bình tĩnh và hoàn toàn đều đặn. Cũng như bài tập 3, ngày 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 5 phút và trong 15 ngày.

- Bài tập 5: “Điều hòa nội tạng trong ổ bụng”: Người tập nhẩm thầm câu: “thượng vị ấm dần”. Hãy tưởng tượng vùng thượng vị (đám rối dương) mỗi lúc một ấm hơn. Cũng tập ngày 2 – 3 lần, mỗi lần trong khoảng 5 phút và trong 15 ngày.

- Bài tập 6: “Điều hoà vùng trán”: người tập nhẩm thầm một câu “trán tôi hoàn toàn mát và dễ chịu”. Đồng thời, tưởng tượng vùng trán mát dần và cảm giác hoàn toàn dễ chụi. Tập trong 15 ngày.

Sau 3 tháng tập luyện, người tập mới tập xong 6 bài của giai đoạn cấp thấp và sau đó có khả năng thư giãn về mặt sinh lý, nhưng về mặt tâm lý chủ thể sẽ có cảm giác yên tĩnh bên trong, không chú ý đến kích thích của môi trường bên ngoài, trạng thái trung gian thức và ngủ, nghĩa là trạng thái giống như thôi miên. Khi đã đạt được trạng thái này, chủ thể chuyển sang giai đoạn cấp cao.

Giai đoạn cấp cao

Chỉ  có thể tập tiếp giai đoạn này sau khi đã tập các bài tập giai đoạn cấp thấp khoảng từ sáu tháng đến 2 năm. Chính tính không thực dụng về mặt thời gian và tính thần bí trong giai đoạn cao cấp này mà rất ít người tập tiếp giai đoạn hai. Khi chủ thể có thể tự đưa mình vào trạng thái hoàn toàn yên dịu, giống “thôi miên”, lúc này chủ thể tập tiếp 3 bài:

Màu sắc cá nhân: Chủ thể hình dung một màu sắc nhất định và màu sắc đó tương ứng với nội dung tâm lý hoặc đời sống bên trong của mình.

Đối tượng cụ thể: Chủ thể hình dung một đối tượng cụ thể. Ví dụ chủ thể hình dung một người cụ thể.

Đối tượng trừu tượng, như tình yêu, bình đẳng, vẻ  đẹp…

Khi tập tốt giai đoạn cao cấp này thì chủ thể có  thể nhận định được những thiếu sót của mình, có thể phân định được đúng sai…”

Tài liệu  đã dẫn, ngoài nội dung trích trên, còn cho biết rằng tại Việt Nam, phương pháp thư giãn tập trung đã được cải biên bằng cách kết hợp với một số tư  thế yoga và thở kiểu khí công để phù hợp với tâm sinh lý của người Việt Nam. Phương pháp này có tên gọi phương pháp “thư giãn – luyện tập” (Relaxation - Training) do Giáo sư Nguyễn Việt và cộng sự nghiên cứu vào những năm 70. Phương pháp này còn mang đậm dấu ấn thiền hơn nữa qua biện pháp sử dụng hơi thở kiểu quán niệm hơi thở, tuy rằng trong những năm 70, việc nhắc đến thiền là không thích hợp. Sách dẫn trên cho biết kết quả tóm tắt như sau:

“Từ năm 1970 đến 1976, nhóm nghiên cứu do GS. Nguyễn Việt chủ trì đã thử nghiệm trên những người khỏe mạnh để cải tiến và để hoàn thiện phương pháp. Từ 1976 đến 1977 đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm sinh viên khỏe mạnh và đã thu được một kết quả hết sức thú vị. Có thể tóm tắt các kết quả như sau:

Thư  giãn đã làm giảm chuyển hóa cơ bản một cách rõ rệt.

Thở  khí công làm tăng dung tích sống.

Thư  giãn đã làm giảm nhịp tim so với trước khi luyện tập một cách có ý nghĩa  thống kê.

Tự  ám thị làm thay đổi lượng đường huyết, thay đổi các sóng cơ bản ở vỏ não, làm mất cảm giác đau…”

Thực chất, Relaxation – Training là một phiên bản địa phương của Concentrative Relaxation, mở rộng phần luyện tư thế theo kiểu Yoga, gia tăng phần thở (chủ yếu giống như thiền), còn phần thư giãn có nội dung không khác gì so với Schultz (nghĩa là một kiểu thiền căn bản). Nhưng mặc dù vậy, phương pháp này được lý luận là dựa trên cơ chế tự ám thị (autosuggestion) theo những nguyên tắc giải thích của Pavlov (một nhà tâm lý học người Nga).

Sự tác động mà các nhà tập thiền thường gọi là mối liên hệ thân tâm, ở đây, được gọi là “cơ chế phản hồi sinh học” (Bio - feedback), đặc biệt, “phản hồi giữa hô hấp và tâm thần: tập thở chậm đều làm cho tâm thần điềm tĩnh hơn và ngược lại…”.

Hình như, chỉ có sự khác nhau về từ ngữ mà thôi, còn khi tập nhất là trong tư thế hoa sen (một trong sáu tư thế của phương pháp này) thì nội dung và hình thức đã là thiền, không khác.

Ở  Việt Nam, phương pháp Relaxation – Training ứng dụng phổ biến trong các Viện Y học dân tộc, được nhiều người cao tuổi luyện tập. Chúng ta thấy hình ảnh một số vị lãnh đạo lão thành ngồi tĩnh tại như  ngồi thiền, chính là đang luyện tập theo phương pháp Relaxation – Training này, mà về cơ bản, cũng là thiền. Chỉ định của Relaxation –  Training cũng rất rộng rãi.

“…từ 15 tuổi và có học vấn từ tiểu học trở lên, tuy nhiên nên thận trọng với những người lớn tuổi (> 70 tuổi). Phương pháp này có thể dùng cho những người hoàn toàn khỏe mạnh trong một số chuyên ngành như trong một số chuyên ngành như trong thể thao, trong hàng không, đặc biệt trong đào tạo phi công du hành vũ trụ…).

Phòng chống stress và các rối loạn nhất thời do stress

Các bệnh tâm căn: rối loạn phân ly, rối loạn ám ảnh, rối loạn lo âu, trầm cảm tâm căn…

Các rối loạn tâm thể:loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, cao huyết áp, hen phế quản, viêm da thần kinh, xạm da.

Các chứng nghiện: nghiện thuốc lá, rượu, ma túy.

Các chứng đau.

Rối loạn giấc ngủ, rối loạn sinh dục…

Các rối loạn khác, như nhân cách bệnh, động kinh (ngoài cơn)…”.

Bình luận

Trong phần kết luận về các liệu pháp thư giãn, sách Thực hành điều trị tâm lý có nhấn mạnh đến mục tiêu của các phương pháp trị liệu thư giãn theo kiểu phương Tây là: “để làm chủ bản thân, đặc biệt làm chủ được ý nghĩ”. Đó chính là mục tiêu của thiền. Relaxonation, thực chất, đó là một số bước cơ bản của thiền (nhưng chỉ là bộ phận).

Điều làm cho các Relaxonation không đạt được tầm cao của thiền, chỉ dừng lại ở mức cơ sở, là yếu tố tâm linh. Ta có thể hình dung công thức:

Relaxonation + tâm linh thiền

Ngày nay, khi người phương Tây học thiền chính là họ đang bổ sung yếu tố tâm linh vào các Relaxonation mà  họ đã phát triển từ thiền căn bản và Yoga. Yếu tố tâm linh của thiền Phật giáo mang tính chất tự chủ, do đó, chỉ có thiền Phật giáo thích hợp với việc nâng cao các Relaxonation.

Điều này mở ra hướng giải quyết bế tắc của liệu pháp ám thị và thôi miên. Giai đoạn thừ thế kỷ XIX trở về trước, khi ám thị và thôi miên phát triển mạnh ở phương Tây, phản ánh tư duy tâm linh nhất thần giáo.

Thôi miên và ám thị là những phương pháp được xây dựng trên nền tảng tư duy tha lực, tìm đến sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ở thôi miên và ám thị không bao giờ có được kết quả “làm chủ bản thân, đặc biệt làm chủ được ý nghĩ. Ở ám thị và thôi miên, ý nghĩ và bản thân đối tượng chịu sự tác động và điều khiển của nhà điều trị, nhà thôi miên.

Nhà thôi miên có thể bảo người chịu thôi miên miên hành (mộng du) và người chịu thôi miên “bị” thực hiện trong tình trạng thôi miên (không thức, không ngủ, không biết gì hết).

Tư  duy cầu tha lực và phụ thuộc này hoàn toàn phù  hợp với tư duy tâm linh phương Tây đầu thế  kỷ XX trở về trước: tư duy cầu nguyện, nhờ phù trợ, giúp đỡ, cứu rỗi từ  thế lực thiêng liêng.

Trong hoạt động chữa bệnh mang tính chất “phù thủy” ở phương Tây thời cổ mang yếu tố tâm linh, người bệnh đóng vai trò thụ động và họ bị chi phối bởi các thầy tế, người kiêm luôn vai trò nhà thôi miên. Người bệnh chỉ biết cầu nguyện tiêu cực, bị động, phụ thuộc và chịu không chế.

Từ  giữa thế kỷ XX, khi các Relaxonation mang dấu  ấn của thiền và yoga được nghiên cứu và triển khai, tình hình đã có bước phát triển theo hướng đi lên. Các định nghĩa về liệu pháp tâm thần từ giữa thế kỷ XX đã cho thấy điều  đó.

Theo C. Roger (1949), liệu pháp tâm lý là kinh nghiệm biến đổi hành vi kém thích nghi hướng tới thích nghi hơn.

A. Maslow (1959) xem liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị thông qua tác động lên cảm xúc, tự đánh giá và đánh giá của người khác thông qua phương thức điều chỉnh lại những vấn đề trong đời sống” (trích theo tài liệu đã dẫn).

Chúng ta chú ý tới yếu tố “tự”. Người chịu liệu pháp tâm thần đã dần dần trở thành nhà  điều trị trong các phương pháp Relaxonation. Sự  thụ động của người chịu điều trị được giải phóng, do các Relaxonation đều phát nguyện từ nguyên tắc tự chủ của thiền học Phật giáo.

Năm 1944, chính các nhà tâm lý học phương Tây đã  ý thức được điều này. Chẳng hạn, qua quan điểm của Kubic và Margolin, một trường phái chủ  trương gắn kết quá trình tâm lý lẫn sinh lý  (mà trong đạo Phật gọi bằng hai thuật ngữ tâm và thân).

Hai nhà nghiên cứu này phát hiện điều mà khoa tâm thần học phương Tây đã không thể phát hiện trong mấy ngàn năm trước đó, mà phải chờ đến sự nhu nhập của yếu tố thiền Phật giáo. Đó là “hiện tượng thôi miên có thể được gây ra không do nhà thôi miên (chẳng hạn như khi tập trung vào hô hấp của chính mình)” (sách đã dẫn, trang 93) Sự “tập trung vào hô hấp” không gì khác hơn là tự quán niệm hơi thở trong đạo Phật.

Quan niệm thiền là sự “tự thôi miên” bằng cách “tập trung vào hô hấp” có thể còn là một quan điểm sơ sài, thô thiển, quá đổi giản đơn nếu nhìn từ đạo Phật, nhưng việc phát hiện rằng người ta có thể tự thôi miên bằng tập trung vào hô hấp là một phát kiến lớn của tâm thần học phương Tây nửa đầu thế kỷ XX, với Jacobson, Schultz, Kubie, Margolin, Maslow…

“Tự thôi miên”, nghe nói có vẻ buồn cười, nhưng quả thực đó là điều hết sức mới mẻ ở phương Tây nửa đầu thế kỷ XX. Các Relaxation của họ không gì khác hơn điều mà họ gọi là “tự thôi miên”, một dạng cơ sở của thiền, điều hòa thân tâm, làm chủ thân tâm, an định thân tâm, thư thái thân tâm, tĩnh lặng thân tâm, thanh lọc thân tâm…

Quá trình phát triển tiếp theo của các Relaxation như chúng ta đã thấy vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là quá trình tiếp cận ngày càng sâu với thiền định Phật giáo.

Hiện tượng mà chúng ta khảo sát qua bài viết này cho thấy  đạo Phật là điểm khởi nguyên và cũng là  điểm đồng quy của tư tưởng khoa học thế  giới. Phật pháp chứa đựng những gì mầu nhiệm mà chúng ta cần tiếp tục khám phá không ngừng nghỉ.

Nhìn những người Âu Mỹ hiện nay ngồi tĩnh lặng nhắm mắt trong tư thế hình hoa sen để thụ hưởng Psychotherapy (liệu pháp tâm lý, hay liệu pháp tâm thần, với “psycho” tâm lý và “therapy” điều trị) hiện đại, tiên tiến, còn gọi là “tự thôi miên”, thì có biết đâu đó là phương pháp mà đức Phật đã đưa ra từ 25 thế kỷ trước và cái họ đang ứng dụng cũng chỉ là thiền cơ sở mà thôi.

Minh Thạnh