CẦN KẾT HỢP HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN VÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TRONG CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI.

altKể từ khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên (năm 1993) đến nay tình hình đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Những chỉ số gần đây cho biết mặc dù số phát hiện mới mặc dù giảm đi nhưng không ai dám khẳng định là đại dịch HIV/AIDS đã được chặn đứng tại Việt Nam. Hải Phòng cũng là thành phố không nằm ngoài những diễn biến phức tạp đó của đại dịch HIV. Tính đến tháng 2 năm 2010 hiện Hải Phòng có 9295 người nhiễm, số chuyển sang giai đoạn AIDS là 5237 ca; số tử vong là 3012 trường hợp. Trước tình hình đó Thành hội Phật giáo Hải Phòng đã cũng vào cuộc với các cơ quan ban ngành đang hoạt động trên lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên mô hình hoạt động của Phật giáo Hải Phòng so với các đơn vị làm từ trước có nhiều điểm khác biệt, trong khuôn khổ của Hội nghị này, xin phép được chia sẻ đôi điều về những kinh nghiệm đã thực hiện tại Hải Phòng.

Là đơn vị thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS không sớm lắm, nhưng Thành hội Phật giáo Hải Phòng đã tìm ra cho mình được cách làm riêng không giống với những đơn vị đã từng làm trước đó. Ban Trị Sự đã sớm chỉ đạo thành lập một Ban riêng chuyên hoạt động trên lĩnh vực này đó chính là Ban Hành động vì Cộng đồng. Tham gia vào Ban này gồm những tu sĩ, những tình nguyện viên tại các cộng đồng khu dân cư. Trong số tình nguyện viên này có cả Phật tử, thanh thiếu niên, sinh viên và cả những người đang sống chung với HIV. Không có các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nhưng các hoạt động của Ban vẫn diễn ra toàn diện trên lĩnh vực phòng chống HIV. Địa bàn hoạt động của Ban bao phủ các đơn vị quận, huyện và cũng có khi hỗ trợ sang cả một số nơi ở các tỉnh bạn (Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang…). Ban Hành động vì Cộng đồng thuộc thành hội Phật giáo Hải Phòng chỉ trong thời gian ngắn đã quy tụ được số lượng tình nguyện viên tham gia đông đảo và có tiếng vang khá lớn trong giới hoạt động phòng chống HIV trong cả nước cũng như một số nơi trên thế giới. Các lĩnh vực hoạt động của Ban bao gồm có: Dự phòng, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mới đây nhất đã đưa ra mô hình hỗ trợ việc làm cho những thành viên từ các Câu lạc bộ, các nhóm tự lực hoạt động phòng chống HIV trên địa bàn thành phố. Đối tượng mà Ban hành động vì Cộng đồng quan tâm tới đó chính là những đối tượng dễ bị xâm hại, những người có nguy cơ lây nhiễm và truyền bệnh cao: Người sử dụng ma túy, chị em hành nghề mại dâm, những người có xu hướng tình dục đồng giới, thanh thiếu niên ở các trường học, những người đang bị quản lý, cải tạo tại các trại giam, các trung tâm lao động xã hội, những người sống chung với HIV và những trẻ em đang bị ảnh hưởng bới HIV. Hiện tại Ban Hành động vì Cộng đồng đã quy tụ được 6 Câu lạc bộ của những người sống chung với HIV/AIDS, 3 Câu lạc bộ của những người sử dụng ma túy, hai Câu lạc bộ dành cho những tình nguyện viên tiếp cận và hướng dẫn chị em hành nghề mại dâm, hai Câu lạc bộ dành cho những người có xu hướng sinh hoạt tình dục đồng giới, 2 Câu lạc bộ dành cho những tình nguyện viên là các học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, hai Câu lạc bộ dành cho những phụ nữ có chồng hoặc con là những người sống chung với HIV, có hai đơn vị Nhà nước tham gia với tư cách là những tình nguyện viên của Ban.

Sở dĩ có được những thành tựu như vậy là do ngay từ đầu các thành viên của Ban đã xác định cho mình được phương pháp làm việc cũng như quan niệm về công việc.

Nếu như công việc dừng lại ở mức độ hoạt động từ thiện như các cơ sở từ các tỉnh thành hội vẫn hoạt động như tạo ra những Trung tâm, những chùa và tiếp nhận các đối tượng xã hội về để nuôi nấng, chăm sóc hoặc vận động nguồn tài chính để chia sẻ với những người có hoàn cảnh đặc biệt như những người đang sống chung với HIV thì đây mới chỉ là thực hiện phần ngọn. Hơn nữa khả năng vận động tài chính không phải khi nào cũng dễ dàng. Việc gom những người đang sống chung với HIV/AIDS lại một nơi để nuôi dưỡng phần nào cũng chính là làm cho người ta càng co lại, đồng thời cũng phần nào vi phạm những điều luật phòng chống HIV của Nhà nước. Hơn nữa không tạo cho người ta có cơ hội để giúp lại chính cộng đồng của họ.

Việc phòng chống cái gì chúng ta cũng biết là cần phải làm tận gốc mới có hy vọng giảm thiểu hoặc dứt điểm những nguy cơ bùng phát trở lại những hậu quả. Chỉ khi nào có những việc chúng ta không thể làm được tận gốc thì mới phải chịu làm phần ngọn. Việc này được đưa ra một ví dụ như những người đang chịu hậu quả và di chứng của chất độc màu da cam Dioxin, đây là việc làm trong quá khứ nên chúng ta chấp nhận làm phần ngọn, tức là giải quyết hậu quả.

Phòng chống HIV/AIDS muốn triệt để, chúng ta phải làm sao cho cả cộng đồng, cả xã hội hiểu về căn bệnh này, những nguyên nhân mắc phải của nó để giúp cho mọi người tự phòng tránh cho mình, mới mong giảm hoặc chặn đứng được tốc độ lây lan của nó. Muốn làm tốt việc này không gì bằng phải lăn lộn trực tiếp với cộng đồng, cộng đồng khu dân cư, cộng đồng những người có nguy cơ cao, cộng đồng những người đang sống chung với HIV và cộng đồng những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ HIV. Mỗi người phải biết hy sinh, biết xả bỏ để hòa chung vào với nỗi đau của những người, những gia đình đang chịu ảnh hưởng bởi HIV từ đó mới cảm thông, mới chia sẻ và mới hiểu biết được thực sự những nguyên nhân lây nhiễm. Trên cơ sở đó, sẽ trang bị cho mình và những người thân cách phòng tránh hữu hiệu nhất.

Nói như vậy nhưng thực hiện không phải dễ bới chính việc hòa mình như vậy nếu không khéo thì chính mình cùng các tình nguyện viên cũng vẫn dễ dàng vấp phải những sai sót nguy hiểm đến tính mạng. Muốn thực hiện tốt những công việc này cần phải trang bị cho các thành viên những kiến thức nhất định.

Điều đầu tiên phải biết xác định được vai trò của mình cũng như những người cộng tác; đó là vai trò của những người hoạt động xã hội chứ không phải vai trò của nhà từ thiện như mọi người vẫn quan niệm. Từ lâu chúng ta vẫn hiểu mơ hồ về mấy từ “Từ thiện”, “Từ thiện xã hội” và “Công tác xã hội”…

Đây là những khái niệm hết sức khác nhau. Nếu như nhà từ thiện hoặc gọi cho văn hóa đó là nhà từ thiện xã hội, là những người thích làm việc thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và cái cách nhìn là nhìn của những người ban ơn với người thọ ơn (mặc dù không phải ai cũng nhìn nhận như vậy), nhưng vô hình chung việc từ thiện theo kiểu cho hoặc giúp đỡ những người khó khăn bao giờ cũng có vị trí như vậy. Có thể người cho, người giúp không nghĩ rằng họ ban ơn, nhưng phía người nhận bao giờ cũng có tâm lý như vậy. Và với nhà từ thiện thì công việc sẽ dừng ở mức độ giúp đỡ bằng hiện vật, vật chất một cách tức thời, còn cuộc sống của những người đó về lâu dài như thế nào thì khó mấy ai nắm bắt được. Không ít những đợt ủy lạo đi làm từ thiện cho bà con ở những vùng bị thiên tai của Giáo hội đã được tổ chức, nhưng không ít những lần như vậy sau khi nhà tài trợ đi khỏi thì ở đó có cảnh là người thực sự khó lại bị ăn chặn những vật phẩm mình nhận được. Nói như vậy thực đau lòng nhưng nó có sự thật. Hoặc không ít những lần đi ủng hộ bà con khó khăn nhưng chính những người nhận sự hỗ trợ lại không thực sự phải là những người khó khăn mà có khi lại là những người khá giả. Từ xa tới, nhà từ thiện đâu có hiểu rõ được mọi hoàn cảnh thực tế, nhưng những người làm công tác xã hội thì khác nhiều so với nhà từ thiện.

Định nghĩa của Hiệp hội quốc gia nhân viên xã hội Mỹ (NASW - 1970): "Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Định nghĩa của Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế thông qua tháng 7 năm 2000 tại Montréal, Canada (IFSW): "Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề".

Công tác xã hội là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mạng của ngành công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu: Những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng.

Tiến trình công tác xã hội tập trung vào việc: Phát hiện những mối quan tâm của con người (ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý-tình cảm...); Xác định các nhu cầu của con người (ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...); Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: Sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác; nguồn lực bên ngoài: Sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...); Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và mục tiêu để đáp ứng các nhu cầu đó.

Nghề công tác xã hội luôn quan tâm tới môi trường sống của những người được giúp đỡ. Môi trường sống bao gồm: Môi trường tự nhiên, gia đình, bạn bè, họ hàng, hàng xóm, nhà trường, cơ quan và đồng nghiệp, chính quyền địa phương và hệ thống luật pháp...

Tăng năng lực là một tiến trình nhân viên xã hội sử dụng những kiến thức, kỹ năng và phương pháp giúp thân chủ xác định vấn đề mà họ đang gặp phải và những tài nguyên cần thiết để giải quyết vấn đề giúp họ phát triển.

Nghề công tác xã hội có 4 chức năng: chức năng chữa trị, chức năng phòng ngừa, chức năng phục hồi và chức năng phát triển.

Nếu nhìn vào những khái niệm những chức năng này thì chúng ta biết rằng với công tác phòng chống HIV/AIDS của mình bây giờ chỉ là giải quyết phần ngọn tức phần hậu quả của nó mà thôi. Những người sống chung với HIV phải khẳng định rằng họ vẫn sống bình thường, vẫn có năng lực làm việc như mọi người nhưng do sự phân biệt kỳ thị nên họ thường bị mất việc, chính họ không có cơ hội để vươn lên tự lo cho mình và cho gia đình.

Trước khi bắt tay vào hoạt động, ban hành động vì Cộng đồng đã trang bị cho các thành viên cũng như những tình nguyện viên vai trò và vị trí như vậy nên được sự tiếp nhận tình cảm của những đối tượng xã hội một cách nồng nhiệt. Và cũng chính như vậy mà những tình nguyện viên cũng như thành viên luôn biết hướng giúp đỡ mọi người.

Khi đã xác định được vai trò của những người làm công tác xã hội việc cần làm tiếp theo đó là việc trang bị cho các thành viên những kiến thức về công việc mình sẽ làm. Cụ thể như chương trình của Ban hành động vì Cộng đồng là phải trang bị cho mọi thành viên kiến thức về HIV. Từ đó sẽ tránh những hiểu lầm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn giúp cho những người thân, những người ở cộng đồng hiểu hơn về căn bệnh này mà tạo cho mình sự phòng bị cần thiết với căn bệnh.

Đối với công cuộc phòng chống HIV nhất thiết đòi hỏi ở các thành viên cũng như tình nguyện viên đó là sự tận tâm cũng như sự hy sinh. Mỗi người phải biết hy sinh thời gian (mặc dù không nhiều) cho công việc. Việc phòng chống HIV/AIDS mà cụ thể là luôn tiếp xúc với những đối tượng xã hội là công việc rất dễ gây tâm lý chán nản. Luôn có những hoạt động thay đổi thì mới cuốn hút được mọi người tham gia.

Như phần trình bày ở trên, do đặc thù công việc, nên những người tham gia vào công cuộc phòng chống HIV là phải làm việc thường xuyên với những đối tượng có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm nên đối tượng cũng rất đa dạng. Nếu như không có sự dấn thân thì chúng ta chỉ có thể hoạt động được như vai trò của các nhà từ thiện xã hội mà thôi. Ở đây đòi hỏi mọi người phải chiến thắng được chính bản thân mình hết sức cao. Thắng được cái ngã thì mới hòa nhập được với mọi người, thắng được những lời đồn đại, dị nghị để đến với những mảnh đời khó khăn, từ đó mới phát huy được tính bình đẳng trong đạo Phật.

Trong công việc này, niềm vui của mỗi thành viên Ban hành động vì Cộng đồng đó chính là nhìn thấy sự thay đổi vươn lên từ những con người, những gia đình được giúp đỡ. Khi cuộc sống của họ có những thay đổi thì họ lại chính là những tình nguyện viên nhiệt tình nhất của mình trong công việc.

Mô hình Ban Hành động vì Cộng đồng thuộc thành hội Phật giáo Hải Phòng đã qua thời gian trải nghiệm và kết quả đã thành công to lớn. Tiếng vang của Ban đã đi nhiều nơi trên lĩnh vực phòng chống HIV. Phương hướng tới đây Ban Hành động sẽ mở rộng hơn những đối tượng xã hội khác để đúng với tên gọi Ban Hành động vì Cộng đồng. Nhân dịp này Ban cũng có kiến nghị với Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phép thành lập chính thức một Ban với các chức năng và nhiệm vụ của những người làm công tác xã hội. Đây cũng là một cách Hoằng pháp thiết thực mà xã hội đánh giá cao./.

 

Đại đức Thích Thanh Lâm

Phó thư ký, Chánh Văn phòng Phật giáo Tp.Hải Phòng

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)