MỘT HƯỚNG ĐI CHO NGHÀNH HOẰNG PHÁP

altĐức Phật dạy:

“Công đức nào bằng công đức vị tha

Sự nghiệp nào bằng sự nghiệp hoằng truyền chính pháp”

Thật vậy, Đức Phật đã vắng bóng trên cuộc đời hơn 25 thế kỉ, nhưng nhân cách thánh thiện của ngài vẫn còn ảnh hưởng, khiến cho mọi người kính ngưỡng tôn thờ. Lời pháp của Đức Phật cho đến ngày nay vẫn còn là kim chỉ nam hướng dẫn loài người thăng hoa tri thức và đạo đức. Đặc biệt ở vào thời đại chúng ta, được coi là thời kì văn minh khoa học thì giáo lí của Đức Phật lại còn sáng rực hơn vì đã mở ra cho con người một phương hướng giải thoát sự khủng hoảng, khai thông những vướng mắc trong thực tại cuộc sống. Thế nên, hoằng pháp lợi sinh là vấn đề vô cùng thiết yếu.

Hoằng pháp là làm cho Phật pháp lan truyền rộng rãi khắp nơi, giúp cho chúng sinh được lợi ích. Hoằng pháp là bổn phận của người con Phật nhằm giữ cho Phật pháp trường tồn, chúng sinh lợi lạc và để báo ân Đức Phật. Tâm nguyện của người con Phật là: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài” luôn luôn lấy vấn đề hoằng pháp lợi sinh làm việc chính trong mọi sinh hoạt của mình.

Xuất phát từ tinh thần đó, ngày nay tiếp nối mạng mạch hoằng dương chính pháp của Đức Phật và chư vị tổ sư, người giảng sư phải tự phát huy trí lực, thể lực, nghị lực để thể hiện nếp sống đạo đức, hiểu biết đúng đắn, việc làm lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo. Từ đó thắp sáng ngọn đèn chánh pháp, hướng dẫn con người tìm về chánh đạo, tu tâm dưỡng tánh, xóa dần những hệ lụy thương đau của con người.

Về công việc hoằng pháp, nếu xét một cách khách quan, có thể nói mỗi vị giảng sư thuyết pháp đều có sức thuyết phục riêng, có những nét cá biệt thu hút được sự lắng tâm theo dõi của quần chúng. Có ba điều quan trọng mà giảng sư cần phải rèn luyện cho được, đó là ngôn ngữ, cử chỉ, và tâm lượng. Trong kinh thường diễn tả là ba nghiệp thân, khẩu, ý của người tu cần luôn luôn thanh tịnh. Thân nghiệp thanh tịnh tạo nên một ngoại hình dễ cảm, thân tướng hiền từ đức độ. Vị giảng sư nói năng chậm rãi, nhỏ nhẹ, sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu. Lời nói mang âm điệu hiền hòa dễ mến sẽ thuyết phục người nghe từ giới bình dân cho đến hàng tri thức. Ngoài phần thân và khẩu thanh tịnh dễ nhận thấy, người giảng cần tu tập ý nghĩ cho thanh tịnh. Đối với giảng sư để tâm được thanh tịnh, phải an trụ trong pháp Phật, không có gì trên cuộc đời này có khả năng thu hút người giảng sư ngoài giáo pháp. Giáo lí của Đức Phật là lẽ sống của đời ta nên ta thường tư duy, chiêm nghiệm và tu tập đúng theo lời Phật dạy. Vị giảng sư thực hành như vậy thì giảng kinh, thuyết pháp một cách tự tại, do nơi nội tâm tràn đầy pháp bảo. Giá trị hơn nếu giảng sư đã thực hành các pháp ấy thuần thục trong cuộc sống. Khi hành đạo gặp đối tượng giáo hóa thì từ tâm lưu xuất muôn pháp, pháp đó phù hợp với căn tính hành nghiệp của đương cơ, giúp cho người bình an lợi lạc.

Hoằng pháp là tuyên dương chánh pháp. Đối tượng hoằng pháp là Phật tử và người có cảm tình với Phật giáo. Do đối tượng khác nhau, trình độ tâm lượng khác nhau, nên giảng sư phải tùy duyên, tùy căn cơ mà giảng dạy nhưng luôn đúng với chánh pháp, thích hợp và lợi ích cho mọi người, khiến họ có thể áp dụng giáo pháp vào đời sống của mình để được an vui hạnh phúc.

Về phương diện hoằng pháp chúng tôi xin đóng góp ý kiến về hai lãnh vực: Hoằng pháp nơi tự viện và Hoằng pháp du lịch tâm linh.

Hoằng pháp nơi tự viện là thuyết giảng cho các đạo tràng tu học, các khóa tu Phật thất cho Tăng, ni Phật tử …Nơi tự viện do cơ sở vật chất ổn định, lại được sự giúp đỡ của các các cấp chính quyền và sự quan tâm của Giáo hội nên thủ tục hành chính hợp lệ. Ban tổ chức sắp xếp Tăng, Ni Phật tử tu tập có nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi trong công việc hoằng pháp. Bên cạnh đó, nhìn chung việc hoằng pháp nơi các tự viện chưa được đồng bộ vì lí do các vị trụ trì chủ động việc thỉnh mời khiến việc hoằng pháp không được sâu rộng. Ngoài ra do hoàn cảnh kinh tế gia đình của Phật tử, các chùa ở vùng sâu, việc tụ họp tín đồ Phật tử đến nghe pháp không ăn khớp giờ giấc thuyết pháp của giảng sư. Đó là những khó khăn trong việc hoằng pháp ở tự viện.

Hoằng pháp du lịch tâm linh là các chùa có khả năng tổ chức cho các đạo tràng Phật tử tham quan du lịch tại các địa điểm du lịch. Trong thời gian tham quan, ban tổ chức khéo sắp xếp thời giờ cho Phật tử tu tập như tụng kinh, niệm Phật, sinh hoạt giáo lí… Hiện nay hoạt động du lịch trong nước đang phát triển. Trên lĩnh vực này chúng tôi xin kiến nghị ban hoằng pháp trung ương liên hệ các chùa nằm trong các đại điểm du lịch như Bình Thuận, Hà Tiên, Nha Trang, Đà Lạt…tạo lập những điềm du lịch vừa du lịch vừa khuyến khích Phật tử tu tập. Qua đó thể hiện được ba lợi ích: Tạo nguồn kinh phí cho Tam bảo, tạo điều kiện cho người Phật tử và người chưa phải Phật tử kết duyên cùng Tam bảo và tạo nên sự bình an nội tâm, tầm nhìn đúng pháp cho những người có tâm hồn tham quan du lịch.

Hướng khắc phục những khó khăn trong việc hoằng pháp, chúng tôi xin kiến nghị những điều như sau:

- Tổ chức lớp đào tạo nhân sự lâu dài thông qua các trường Cao Đẳng chuyên ngành để có nhân sự phục vụ hoằng pháp.

- Soạn giáo án Phật pháp căn bản vừa cô đọng dễ hiểu vừa súc tích để phổ biến rộng rãi cho tín đồ Phật tử.

- Lưu hành những băng đĩa có tác dụng chiều sâu, để người Phật tử am tường lời Phật dạy, nhằm phát triển Phật pháp.

- Chúng tôi kỳ vọng vị giảng sư có nhiều sáng kiến, nhiều kinh nghiệm quí báu trên bước đường truyền giáo để dâng hiến gia tài tinh ba Phật pháp cho nhân loại, nhằm xây dựng tịnh độ ngay trên nhân gian, đáp đền công ơn của đức Từ Phụ và các bậc tổ sư, tiền nhân./.


Thích Thiện pháp

Ban Hoằng pháp tỉnh Đồng Nai

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)