HOẰNG PHÁP VỚI VAI TRÒ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

http://www.baovietnam.vn/articles-images/du-lich/26/Thien-nhien-tuoi-dep-o-New-Zealand-150294-1.jpgChúng ta đã biết môi trường sinh thái là sự sống của nhân loại và muôn loài trên trái đất, vậy mà chúng ta không ngừng ra tay tàn phá môi trường sống quý báu đó, điều này dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, khiến phát sinh muôn ngàn thiên tai nguy hại như lũ lụt, động đất, sóng thần làm cho nhân loại phải lâm cảnh khốn cùng điêu đứng. Vào thời Đức Phật, khi nhận thức của con người còn giới hạn, thì trước những thảm họa thiên tai, người ta thường cho rằng, đó là sự trừng phạt của thần thánh. Trong khi đó Đức Phật đã sớm nhận ra những thảm họa kia đều do chính con người gây ra. Cũng như khi nói về họa phúc, đau khổ, bất hạnh của kiếp người, Đức Phật nhận định rằng: “Con người là chủ nhân, là kẻ thừa kế trực tiếp của những nghiệp do mình làm nên”. Nhận định này mang tính phổ quát cho mọi trường hợp trong cuộc sống, trong đó có môi trường.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) Đức Phật đã mô tả về một trận lũ lụt như sau: “Này các thầy Tỳ Kheo, một thời có mưa nổi lên. Khi mưa lớn nổi lên, này các Tỳ Kheo, lụt lớn sanh khởi. Do lụt lớn sanh khởi nên các làng bị cuốn trôi, các thị trấn bị cuốn trôi, các phố thị bị cuốn trôi”. Nguyên nhân gây nên vấn nạn này, theo Đức Phật đó chính là do ô nhiễm và mất cân bằng hệ sinh thái môi trường. Cũng trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya), Ngài đã nêu ra một vài tác nhân do hành vi con người gây ra: “Ví như, này các Tỳ Kheo, một hồ nước uế nhớp, bị khuấy động bùn. Tại đây có một người đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn... các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước bị khuấy đục”. Thật ra sự hiểu biết về môi trường, khí hậu và thời tiết của Đức Phật vô cùng phong phú, bởi trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya), Đức Phật còn mô tả khá tỷ mỷ các hiện tượng thiên nhiên, chẳng hạn về sự ảnh hưởng của thời tiết đến mùa màng như sau: “Năm nào thời tiết thất thường thì năm đó gió thổi sai lạc và trái mùa... Khi nào trời mưa không điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa”.

Khi chúng ta bàn về những ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống của nhân loại từ giáo pháp của Đức Phật, chúng tôi nhận thấy, yếu tố cần thiết phải xét đến là cách giải quyết đời sống kinh tế của loài người mà Đức Phật quan tâm đến. Bởi đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự tàn phá môi trường. Về điều này Đức Phật đã dạy đệ tử cần phải thực hiện “chánh mạng”, nghĩa là phải kiếm sống một cách lương thiện, đúng đắn, không làm tổn hại cho mình, cho người và muôn loài. Cách ứng xử về vấn đề kinh tế như vậy, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, thì chúng ta sẽ thực hiện việc bảo vệ môi trường sống của con người một cách hoàn hảo. Thực hiện phương cách sống “chánh mạng”, chúng ta sẽ không tàn phá rừng và săn giết muôn thú vô tội vạ (nếu như nó không thực sự tối cần thiết cho cuộc sinh tồn). Cùng với thực hành “chánh mạng” trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật dạy bảo hàng tứ chúng Phật tử phải giữ giới “không được sát sanh” để tăng trưởng lòng từ bi .Có thể nói đây là những việc làm thiết thực, âm thầm và lâu dài trong việc bảo vệ môi trường sống của con người một cách hoàn hảo nhất.

Xuất phát từ lòng thương yêu và tôn trọng sự sống của muôn loài, việc cấm sát sanh của Đức Phật là một biểu hiện cụ thể nhất. Cũng trên tinh thần từ bi vô hạn này, nếu xét trên lăng kính của thời đại thì nó có tác dụng góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách tích cực và hiệu quả. Bằng chứng là ngày nay các quỹ bảo vệ động vật hoang dã đã lần lượt ra đời trên thế giới, chẳng hạn như đảng Xanh ở châu Âu đã nhận ra sự nguy hiểm của việc tàn phá môi trường, nên họ đã lặn lội khắp nơi trên thế giới để bảo vệ các loài vật sắp bị tuyệt chủng. Những hành động của họ ngày hôm nay chính là tinh thần “bất hại”. Tinh thần “bất hại” này rất phù hợp với tinh thần từ bi “bất sát”, phù hợp với tinh thần tôn trọng sự sống của đạo Phật. Thật ra, tinh thần “bất hại” tự nó đã chứa đựng đầy đủ ý nghĩa tôn trọng sự sống, nó vừa không xâm phạm hay làm tổn hại, lại vừa che chở cứu vớt... Như vậy tư tưởng và hành động “bất hại” luôn mang tính hợp tác và cộng sinh như tinh thần Đức Phật đã dạy chư vị Tỳ Kheo: “Ví như bầy ong lấy mật hoa, không làm tổn hư hương sắc…”.

Vấn đề ăn của Đức Phật và đệ tử của Ngài rất đơn giản, song, vấn đề mặc của Ngài và các đệ tử lại càng đơn giản hơn nữa. Trong khi có rất nhiều loài thú quí hiếm bị săn bắt và giết hại để phục vụ cho nhu cầu y phục xa xỉ của con người, như những chiếc áo lụa tơ tằm, lông chồn, lông hổ, báo, những túi da, dây nịt, hay các loại giày bằng da bò, da cá sấu... thì cách phục sức của Đức Phật là cực ky giản dị. Cách thức giải quyết vấn đề ăn mặc của Đức Phật, thể hiện sự tôn trọng sinh mạng loài vật quả thật là một nét đẹp trong văn hóa bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Trong lịch sử nhân loại, Đức Phật là một trường hợp hy hữu. Những nơi Ngài đã từng đi qua và dừng lại để an trú, thuyết pháp, Ngài luôn có một cách ứng xử đầy yêu thương và tôn trọng. Với tình yêu thiên nhiên, tôn trọng môi trường sống như vậy, cách ứng xử của Đức Phật là một tấm gương sáng cho thời đại của chúng ta, khi loài người đang nhân danh văn minh để tàn phá những khu rừng, tàn phá thiên thiên một cách vô tội vạ vì lợi ích trước mắt, thì văn hóa ứng xử với thiên nhiên của Đức Phật lại càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Cuộc đời Đức Phật từ lúc Đản Sanh cho đến lúc nhập Niết Bàn là một minh chứng xác thực cho một đời sống chan hòa với thiên nhiên và cỏ cây: Ngài sinh ra dưới gốc Vô Ưu vào mùa trăng tròn. Ngài thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề trong rừng sâu bên dòng sông Ni Liên Thuyền cũng trong một mùa trăng tròn. Ngài thuyết bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Và Ngài từ giã thế gian cũng tại khu rừng dưới hai cội Sa La đại thọ… Sinh hoạt thường nhật của Đức Phật đã được chính Ngài mô tả trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) như sau: “Ở đây, này Bà La Môn, ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng ta đắp y, cầm bát đi vào làng ấy, hay thị trấn ấy để khất thực. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, ta đến một góc cuối của ngôi rừng. Tại đấy, ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi ta ngồi kiết già”.

Cuộc sống của Ngài gắn liền với thiên nhiên như vậy, nên Ngài luôn có thái độ yêu mến và trân trọng thiên nhiên. Ngài đã từng nhiều lần tuyên bố cỏ cây cũng có cuộc sống của riêng nó. Ngài tỏ thái độ của mình bằng cách tôn trọng sự sống của thiên nhiên mà trong các luật chế ra cho các hàng đệ tử xuất gia, Ngài đã nghiêm cấm đệ tử tàn hại đến cỏ cây. Tinh thần văn hóa yêu thiên nhiên cây cỏ đó đã được thể hiện rất rõ ở hành động: “Ta đến góc cuối của một ngôi rừng” và “Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống”. Chỉ là động tác lượm thôi, rất nhẹ nhàng và hiền hòa, rất tôn trọng và lịch thiệp, Ngài đối xử với cỏ cây hoa lá mà như là đối xử với một con người thật sự. Thật vậy, nhìn lại cuộc đời Ngài, chúng ta nhận thấy, từ lúc Ngài đản sanh cho đến khi nhập Niết Bàn, suốt cả cuộc đời, hầu như Ngài đều gắn bó với rừng sâu suối vắng, với muôn hoa cây cỏ... Chính vì vậy mà Đức Phật đã thường dùng các loài cây (Bồ Đề, Sa La), các loài hoa (Sen, Vô Ưu) cùng phong cảnh thiên nhiên như ao hồ, sông suối, rừng cây để đưa ra dẫn dụ trong các thời pháp thoại.

Cuối cuộc đời, khi chuẩn bị cho việc nhập Niết Bàn, Đức Phật đã chọn nơi yên nghỉ là một khu rừng già hoang vắng, đó là khu rừng cây Sala của bộ tộc Malla. Trước sự việc này, Tôn giả A Nan đã thỉnh cầu Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị phụ thuộc này, tại đô thị hoang vu này”. Thế nhưng Đức Phật đã thanh thản trả lời: “Này A Nan, chớ có nói như vậy, chớ có nói đô thị này nhỏ bé, đô thì này hoang vu” (Kinh Trường bộ I). Trong khuynh hướng chung của con người, ai cũng thích và xem trọng những nơi phồn hoa đô hội và xem nhẹ chốn làng quê thôn dã. Nhưng Đức Phật đã chọn rừng cây Sala hoang vu để từ giã cõi đời này, bởi Ngài yêu thương và luôn tôn trọng môi trường sống thiên nhiên. Ngài trân trọng thiên nhiên nên thiên nhiên cũng đã ưu ái với Ngài khi tiễn đưa Ngài lần cuối. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, những cây Sa La nở hoa trái mùa, nghiêng mình và phủ lên kim thân Ngài những bông hoa, kính cẩn chào con người vĩ đại của nhân loại giây phút cuối cùng.

Nói đến đạo Phật nhiều người liên tưởng ngay đến một tôn giáo chú trọng đến việc tu hành giải thoát. Thế nhưng khi tìm hiểu mối liên hệ sâu xa và những ảnh hưởng tích cực từ đạo Phật đến đời sống nhân loại, chúng ta mới thấy rằng đạo Phật lại có mối liên hệ mật thiết rất chặt chẽ đến việc bảo tồn hệ sinh thái và cải thiện môi trường hiệu quả nhất. Vì sao vậy? Như đã nói, vì đạo Phật là đạo từ bi trí tuệ, nếu chúng ta nhận thức một cách sâu sắc mọi vấn đề trong đời sống kết hợp với từ tâm của tất cả chúng ta thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không tổn hại đến bất cứ điều gì dù đối tượng là một cây kim hay ngọn cỏ, huống gì nói đến việc phá rừng lấp sông xẻ núi, tàn sát muôn loài, hủy diệt lẫn nhau. Chính những điều này đã chứng tỏ dù đạo Phật không trực tiếp chủ trương việc bảo vệ môi trường, nhưng kỳ thật đạo Phật lại là đạo sinh ra để giải quyết tận gốc những vấn nạn nghiêm trọng nhất về môi trường, mà các giải pháp bảo vệ môi trường trong đời sống thế gian xem ra chỉ có thể giải quyết ở phần ngọn và rất hạn chế.

Trong nhịp sống thời đại hiện nay, nhân loại vẫn đang lo ngại trước sự mâu thuẫn trầm trọng giữa những chỉ số phát triển kinh tế và sự tàn phá môi trường sống của con người. Theo một nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy, tốc độ phá rừng hiện nay, với 11 triệu ha mỗi năm, đến năm 2040 thế giới sẽ mất đi từ 17% đến 35% loài thực vật trong số 10 triệu loài. Đến năm 2040 thì mỗi ngày sẽ có từ 20 đến 70 loài bị tuyệt chủng. Thật vậy, môi trường đang che chở và bảo bọc cho sự sống của chúng ta đang bị chính chúng ta huỷ diệt mỗi ngày.

Nói đến những ảnh hưởng tích cực của đạo Phật đến việc bảo vệ và cải thiện môi trường, chúng ta liên tưởng ngay đến đức tính Từ Bi Hỷ Xả, bởi đây là nền tảng đạo đức và cũng là tình yêu thương rộng lớn, để từ đó xây dựng nên một nguyên tắc sống căn bản để cứu lấy sự nguy hoại của quả đất. Là Phật tử, ai cũng biết rằng thực hiện Từ Bi là thể hiện tình yêu và lòng thương xót chúng sinh không giới hạn, tận tâm mang lại niềm an vui và sự cứu khổ đối với muôn loài. Đối với cuộc khủng hoảng môi trường, Từ Bi trở thành nguyên tắc “sống thân thiện”, “sống vô hại” đối với muôn loài cũng như môi trường sống của chúng. Từ Bi Hỷ Xả là bốn hạnh tu hỗ trợ nhau để diệt tâm bất thiện, sâu xa hơn, Từ Bi là một con đường sống cao đẹp đưa đến hạnh phúc và hòa bình, điều mà toàn thể nhân loại mơ ước. tư, dứt tâm tham dục, thoát tử sinh.

Trong lãnh vực môi trường, căn cứ theo phương pháp luận của Tứ Diệu Đế, từ “khổ” sang “nguyên nhân của khổ” đến “con đường diệt khổ” và “sự chấm dứt của khổ”, quý Phật tử sẽ dễ dàng cảm nhận những thông tin đa chiều về nguyên nhân ô nhiễm và suy thoái môi trường. Từ đó tìm ra giải pháp, để có những hành động thiết thực, phù hợp với khả năng trong việc bảo vệ môi trường. Thật ra ứng dụng Tứ Diệu Đế cũng là ứng dụng lý Duyên Khởi, nhờ đó chúng ta dễ dàng nhận ra mạng lưới tương quan, tương tác, tương duyên, tương sinh giữa các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ. Trong Kinh Từ Bi, Đức Phật còn dạy chúng ta một số đức tính thiện lành cần thiết, để làm hành trang trên bước đường đi tìm hạnh phúc. Những đức tính thiện lành đó là:

“Nghe lời phải, dịu dàng khiêm tốn

Sống biết đủ, vui đời giản dị”.

Điều này Đức Phật đã dạy trong kinh tạng Pali như sau: “Hãy du hành vì hạnh phúc của quần sanh, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.

Sự đa dạng của các loài luôn gắn liền với sự đa dạng của hoàn cảnh và số phận. Chỉ có trí huệ sáng suốt một cách tường tận của đấng giác ngộ như Đức Phật, thì mới có thể chỉ ra cho chúng ta thấy rõ được từng cảnh ngộ và từng số phận trên thế gian này. Và chỉ có tâm từ bi vô biên vô hạn như Đức Phật mới có thể ban rãi tình yêu thương một cách sâu xa và trọn vẹn nhất đến với từng hoàn cảnh và số phận. Còn đối với người học Phật như chúng ta, thì chỉ khi nào tâm từ bi của chúng ta thật sự trổi dậy cùng với nhận thức sâu xa về sự sống của muôn loài, trong đó có chúng ta, thì chúng ta mới có thể cảm thông chia sẻ, ban vui cứu khổ, và thể hiện một nếp sống bởi lòng yêu thương và đạo đức của người con Phật.

Trên thực tế cuộc sống, chúng tôi cho rằng, với lòng nhạy cảm rất dễ xót xa thương cảm trước nỗi khổ đau của tất cả chúng sanh, nhất là đối với những loài vật yếu ớt bé nhỏ, không có khả năng tự vệ và mạng sống nó gần như tùy thuộc hoàn toàn vào tình thương và nhận thức của con người, thì đối với người Phật tử, đã thấm nhuần lời Phật dạy và huân tập ít nhiều bốn đức hạnh Từ Bi Hỷ Xả cao quý, thiết nghĩ chúng ta nên hết lòng vì sự đau khổ bế tắc của muôn loài mà ra tay cứu vớt. Chúng tôi cho rằng, một khi đã là Phật tử, chắc chắn chúng ta sẽ không nỡ nào nhìn số phận của sinh linh đang bị sát hại sinh mạng mà không lên tiếng can thiệp hay ra tay ngăn chặn. Như chúng ta đã biết, quan niệm của con người từ xưa đến nay là làm chủ và thống trị vạn vật, chính vì vậy mà loài người công khai và mạnh tay trấn áp, bắt bớ, tàn sát, giết hại những loài vật khác với nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống. Quả thật, những nơi nào còn có hành vi tàn sát các loài vật, còn ỷ mạnh hiếp yếu, nơi nào chúng sanh còn sợ hãi, còn lo âu đau khổ thì nơi đó chưa có hạnh phúc chân thật. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy rằng, hạnh vô úy thí là hạnh cao nhất, giới cấm sát sinh là giới đứng đầu mọi giới cấm

Một khi nói đến vấn đề Đạo Phật đối với sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, thì như chúng ta đã biết, trong quá trình phát triển, con người đã không ngừng tàn phá thiên nhiên và các loại động vật một cách vô tội vạ, sự việc tệ hại này hoàn toàn không đem lại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Chính vì vậy chúng ta cần có một giải pháp phát triển kinh tế và xã hội một cách bền vững, nhưng vẫn có thể bảo tồn được sức sống và sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người. Đây quả là một bài toán nan giải nhưng bắt buộc con người phải nhanh chóng thực hiện và thực hiện một cách có hiệu quả, mới có thể cải thiện được môi trường trong tình trạng trái đất đang mỗi ngày một nóng dần lên. Ở đây chúng ta sẽ thấy sự đóng góp hiệu quả của đạo Phật về mặt tư tưởng cũng như hành động thiết thực đối với vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tình trạng khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự tàn phá môi trường theo đúng nghĩa của từ này, do con người gây ra trong hàng trăm hàng ngàn năm qua, đến nay có thể nói là khó mà phục hồi hay cải thiện, quả đất đang nóng dần lên, kéo theo hiện tượng băng tan, động đất, sóng thần, mưa bùn, lũ quét, cường độ bão lụt gia tăng, là những minh chứng xác thực nhất mà con người không thể chối cải cho hành vi tác hại môi trường, coi thường mạng sống của chính mình và của thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, là đời sống thực dụng, chạy theo thế giới vật chất, đã làm xói mòn những giá trị truyền thống ngày càng ăn sâu vào tâm thức của con người thời đại. Đứng trước những nguy cơ hoại diệt trong tương lai không xa này, những nhà Hoằng pháp đã có những đóng góp cụ thể và thiết thực ra sao để có thể xây dựng một nếp sống quân bình giữa vật chất và tinh thần trong tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng từng ngày từng giờ như hiện nay.

Lịch sử Phật giáo trên 2.550 năm qua đã chứng minh cho nhân loại thấy rằng, giáo lý của Đức Phật là hoàn toàn không hề mơ hồ hay trừu tượng, bàng quang đứng ngoài cuộc đời, mà rất là cụ thể thiết thực, luôn dấn thân nhập thế độ đời. Điều đó đã được thể hiện sâu sắc trong Tứ hoằng thệ nguyện, mà trong đó có “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Mà muốn cứu độ vô biên vô tận chúng sanh, thì trước mắt, đạo Phật phải có định hướng và phương cách cụ thể để tạo ra cho chúng sanh một môi trường sống an lành, một đời sống bình yên hạnh phúc ngay trong thế giới hiện hữu này. Do đó, việc xây dựng một nếp sống tu tập vì sự giải thoát nơi bản thân quý Phật tử và vì sự an lành của chúng sinh là điều nên làm trước mắt của những người con Phật.

Trước sự phát triển triển kinh tế xã hội đòi hỏi nhu cầu sản xuất “ngày càng nhanh, ngày càng nhiều và ngày càng mới” đã thúc đẩy bản tánh Tham - Sân - Si của con người ngày càng tăng cao, khiến con người xa rời nếp sống tỉnh thức, đối nghịch và tàn phá thiên nhiên, và nhận lấy quả báo từ nhận thức sai lệch và hành vi mà con người đã gây ra. Đối với đạo Phật, thì sự phát triển này là sự phát triển của tâm Tham - Sân - Si; mà giáo lý căn bản của đạo Phật là dạy hàng Phật tử phải nỗ lực trong cuộc sống đời thường cũng như trong tu tập là giảm thiểu Tham – Sân - Si, đi đến đoạn trừ tận gốc Tham - Sân - Si vốn là nguyên nhân chính gây ra khổ đau luân hồi sanh tử.

Cuộc khủng hoảng được gọi là “khủng hoảng sinh thái”, thực chất là cuộc khủng hoảng văn hóa và tâm linh, phát sinh từ Tham - Sân - Si của con người. Giáo lý của đạo Phật đã dạy hàng Phật tử phải trang bị Giới - Định - Huệ và Bi -Trí - Dũng để đối trị Tham - Sân - Si, để xây dựng nếp sống an vui, giải thoát cho mình, cho người và cho muôn loài. Đạo Phật không ngừng gieo hạt giống lành trong con tim và khối óc của Phật tử, không ngừng nhắc nhở Phật tử phải nỗ lực tinh tấn. Nếu chúng ta tinh tấn vun trồng cây thiện, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái cho mình, cho con cháu mình và cho đời những quả thiện.

Về mặt “bảo vệ môi trường”, chúng ta không thể hiểu một cách hạn hẹp rằng đó chỉ là chống ô nhiễm không khí, đất đai, sông suối hoặc bảo vệ những loài động vật hoang dã, mà nội dung của thuật ngữ môi trường, trên mặt xã hội, được hiểu là hoàn cảnh của con người, của gia đình và của tập thể. Về mặt không gian, môi trường là địa bàn, là khu vực sống của con người dù cho rộng hẹp như thế nào chăng nữa, đó là những công trình xây dựng, làng xã, huyện tỉnh, quốc gia và sinh quyển. Về mặt sinh vật và sinh thái, môi trường bao gồm cả giới vô sinh (đất, nước, không khí) và hữu sinh (con người, giới động và thực vật). Bởi vậy "bảo vệ môi trường", trên khía cạnh sinh thái, không chỉ giới hạn trong mục tiêu bảo vệ thiên nhiên và qui hoạch cảnh quan. Nó còn bao gồm mục tiêu làm thanh lịch quê hương, đất nước, các khu vui chơi giải trí, du lịch và mạng lưới cây xanh trong thành phố. Về mặt vệ sinh và công nghiệp, mục đích của "bảo vệ môi trường" bao gồm sự giữ sạch môi trường không khí, nước và đất đai, cũng như xử lý chất thải, rác và những chất độc hóa học, làm giảm sự gay gắt của thời tiết và ngăn ngừa các tia độc hại.

Một khi nói đến sự ảnh hưởng tích cực của đạo Phật đối với môi trường, thiết nghĩ không gì cụ thể hơn là bốn đức hạnh Từ Bi Hỷ Xả cùng với tinh thần “bất sát”, “vô hại” và nếp “sống thân thiện” với thế giới muôn loài của đạo Phật. Đồng thời từ những lời dạy ý nghĩa trong Kinh Từ Bi, và trên tinh thần “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ” chúng ta có thể bắt tay thực hiện một số điều quan trọng sau đây:

1- Điều căn bản là chúng ta cần phải tinh nghiêm giữ gìn ngũ giới, nhất là giới “không sát sanh”, nếu có điều kiện thì nên thực hành việc “phóng sanh” để ban vui cứu khổ, trưởng dưỡng lòng từ, đồng thời góp một phần nhỏ vào việc cải thiện việc cân bằng hệ sinh thái trong môi trường sống. Không chỉ vậy mà chúng ta còn phải quan tâm bảo vệ loài vật, thay vì dửng dưng trước việc chúng sinh bị nguy hại cũng như môi trường sinh tồn của chúng sinh bị tác động hủy diệt. Quý Phật tử cũng cần thường xuyên tu tập và trau dồi bốn đức hạnh cao quý Từ Bi Hỷ Xả, vì đây là động cơ rất quan trọng để quý Phật tử đạt được một cuộc sống an lành, thân thiện, ban rãi tâm từ bi cùng khắp trong đời sống nhân gian.

2- Chúng ta nên thực hành lối sống giản dị, biết đủ, cuộc sống giản dị giúp chúng ta tránh được những đòi hỏi không cần thiết trong cuộc sống. Bởi thói quên tiêu dùng xa hoa phung phí cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các nguồn tài nguyên bị khai thác bừa bãi và bị lạm dụng quá độ. Như lời Đức Phật dạy, sống thiểu dục tri túc, tiết kiệm và hợp lý, tức là tích cực đóng góp cho sự ổn định an sinh xã hội, đồng thời gián tiếp giảm sức ép lên môi trường cũng như các hệ sinh thái tự nhiên.

3- Chúng ta nên cố gắng thực hành việc tiết kiệm năng lượng, bằng việc làm cụ thể hằng ngày là sử dụng điện một cách hợp lý, không nên ỷ lại là mình thừa khả năng đóng tiền điện mỗi tháng, bởi vấn đề không phải là tiền, mà là sự nguy hại môi trường sống con người do điện năng tỏa ra trong không gian càng lớn thì sẽ góp phần tăng sức nóng quả đất, là nguyên nhân trực tiếp gây nên hệ quả biến đổi khí hậu, điều này sẽ vô cùng nguy hiểm cho sự sống chung của nhân loại, trong đó có chính chúng ta. Là Phật tử chúng ta có thể âm thầm thực hiện “nhiều giờ quả đất” trong nhiều ngày, nhiều tháng, chứ không phải trong một năm chỉ cúp điện có một giờ tượng trưng gọi là “giờ quả đất”. Đây mới thực sự là biểu hiện thiết thực của việc quan tâm đến sự bảo vệ môi trường.

4- Để đóng góp cụ thể cho sự bảo vệ môi trường, đặc biệt là trên khía cạnh bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, chúng ta có thể kiến tạo những cảnh chùa “sinh thái” tại những nơi có mặt bằng thuận lợi, tạo thành những cảnh quan thanh lịch. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, chúng ta cần trồng thêm một số cây rừng hợp với thổ nhưỡng bản địa. Nếu có điều kiện cho phép chúng ta nên kiến lập nhiều mô hình “tĩnh tâm viên” hay “rừng Thiền” như ở Thái Lan hay Miến Điện... Các chùa, thiền viện cũng nên xắn tay áo tham gia chia sẻ trách nhiệm trồng rừng và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chúng ta nên khuyến khích và vận động quần chúng “trồng cây phước đức” hay “trồng cây trí tuệ” thay cho tục “hái lộc”, “bẻ lộc” vốn đã lạc hậu trong những dịp lễ Tết.

Để làm được điều này vai trò nhà Hoằng pháp rất quan trọng, phải chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường sinh thái của đạo phật đến các đạo tràng, các làng xã và cộng động cũng như thông tin đại chúng. Như vậy đạo phật mới có thể góp phần cùng nhân loại trong cuộc sống bảo vệ con ngừoi và trái đất./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

TT. Thích Huệ Thông

Đơn vị tỉnh Bình Dương