Ảnh Hưởng Của Việc Phiên Dịch Phật Ðiển Ðối Với Ngôn Ngữ-Văn Học Trung Quốc

Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn tồn tại và có ảnh hưởng đối với thế giới. Ðặc biệt Phật giáo có lịch sử lâu đời nhất, tính đến ngày 8/4 Công nguyên năm 2000, vừa đúng sinh nhật 2544 tuổi của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật giáo được truyền vào Trung quốc từ thời Ðông Hán. Từ đấy đến nay, Phật giáo trở thành một tín ngưỡng tinh thần chủ yếu của nhân dân Trung quốc. Lúc khởi đầu cho đến khoảng thời gian hơn 1000 năm, thông qua sự đề xướng hoằng dương của nhiều đời cao tăng đại đức, các đế vương khanh tướng, các bậc nho học cao thâm đa phần cũng đã tiếp nhận tư tưởng triết lý Phật giáo, góp phần đưa Phật giáo thâm nhập vào dân gian. Tín ngưỡng của Phật giáo đã thấm sâu vào nhiều tầng lớp xã hội nên "Nhà nhà A Di Ðà, hộ hộ Quán Thế Âm". Chính sự tiếp nhận Phật giáo vào trong cuộc sống, tập quán, suy nghĩ mà nảy sinh một sự kết hợp giữa Phật giáo với Nho giáo và Ðạo giáo để thành một dòng chảy vào biển cả bao la của nền văn hóa Trung quốc. Sự dung hợp nhuần nhuyễn về mặt tư tưởng của ba tôn giáo trên hình thành dòng chủ lưu mạnh mẽ, phát ánh hào quang xán lạn cho nền văn hóa Trung Hoa.

alt

Dân tộc Trung Hoa có một lịch sử lâu dài mấy nghìn năm, đã từng có những cống hiến quan trọng đối với văn minh nhân loại, cho nên nội dung văn hóa của Trung Quốc rất rộng rãi. Văn hóa theo cách hiểu hiện nay chí ít cũng có một trăm sáu mươi mấy định nghĩa khác nhau. Hàm nghĩa của văn hóa rất rộng như cho rằng " Phàm những cái mà loài người đã sáng tạo ra đều là văn hóa", cũng có thể là tương đối hẹp hoặc " Tất cả các thành tích của nhân loại từ thời kỳ man rợ tiến hóa đến thời kỳ văn minh đều có thể gọi là văn hóa". Ở đây, tôi chỉ nói về một khía cạnh nhỏ là " văn học". Văn học là một trong những vấn đề nhỏ của văn hóa. Tôi xin mượn lời nói của các bậc tiền bối như Lương Khải Siêu, Hồ Thích để nói rõ sự thâm nhập của Phật giáo, sự cống hiến và ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn học Trung quốc.

Ông Lương Khải Siêu cho rằng Phật giáo đối với văn học Trung quốc có 5 điểm ảnh hưởng lớn :

1 ) Sự mở rộng thực chất của quốc ngữ : do trong quá trình phiên dịch phật điển , kho tàng từ vựng của nước Trung Quốc đã tăng lên được 350000 từ .

2 ) Sự thay đổi của văn thể và ngữ pháp : lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc về các thể loại văn thể được tổ chức có hệ thống để mổ xẻ , tổ chức lại , đó là do ảnh hưởng của các khoa học sớ giải, phán khoa trong Phật điển . Hơn nửa , các ngữ lục của phái Thiền tông ,càng là một cuộc cách mạng lớn của văn học Trung Quốc .

3 ) Sự hứng khởi của văn học được phát triển : những tác phẩm thuần văn học cận đại của chúng ta như tiểu thuyết, ca khúc ....lại có quan hệ mật thiết về mặt phiên dịch của Phật điển . Sự ra đời của các tác phẩm truyện dài như Khổng Tước Ðông Nam Phi , Mục Lan Từ .... có lẽ chính là chịu sự ảnh hưởng của " Phật sở hành tán " do Mã Minh đại ư sáng tác và được phiên dịch rất sớm vào thời Ðông Tấn . Và các kinh điển đại thừa , cực kỳ tráng lệ và nguy nga , giáo lý lại được diển dịch rất tuyệt diệu, làm tăng thêm sức tưởng tượng của người Trung Quốc , đã cách tân cách thức viết lời chú giải của người Trung Quốc , tiểu thuyết chương hồi sau thời kỳ Tống Nguyên đã chịu không ít sự ảnh hưởng này .

4 )Sự truyền nhập của ca múa kịch : ca múa kịch thời kỳ đầu của Trung Quốc --- theo sự nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu thì đây chính là sự truyền nhập từ các nước thuộc vùng lân cận của Nam Thiên Trúc.

5 ) Sự mô phỏng tạo chữ của chữ cái : theo sự thâm nhập của Phật giáo, Phạm văn cũng theo đó mà vào, các vị cao tăng của nước Trung Quốc cũng mô phỏng theo đó mà taọ chữ về chữ cái để ứng dụng. Từ đó, mới có sự sáng tạo 36 chữ cái " kiến khê quần nghi " Thủ Ôn của đời Ðường .

Ông Hồ Thích lại cho rằng sự du nhập của Phật giáo và việc phiên Phật điển có 3 sự ảnh hưởng lớn đối với văn học Trung Quốc :

1 ) Các bậc đại sư dịch kinh của Phật giáo , đã dùng thể văn bạch thoại giản đơn để phiên dịch kinh Phật, để cầu sự dễ hiểu , không có sự hoa mỹ , tạo thành một thể loại văn bạch thoại , do vậy Thiền môn Phật tự đã trở thành nơi xuất phát quan trọng của văn bạch thoại và thơ bạch thoại .

2 ) Văn học Phật giáo giàu sức tưởng tượng , vì vậy đối với nền văn học thiếu sức tưởng tượng của Trung Quốc, nó có tác dụng giải phóng mở rộng rất lớn . Các tác phẩm mang chủ nghĩa lãng mạn của họ như tiểu thuyết " Tây Du Ký ".... là sản phẩm chịu ảnh hưởng của nền văn học Aán Ðộ.

3 ) Văn học Ấn Ðộ rất chú trọng sự bố cục và kết cấu của hình thức. " Phổ Diệu Kinh " , " Phật Sở Hành Tán " , " Phật Bổn Hạnh Kinh " ...đều là những tác phẩm truyện dài vĩ đại ; các loại như "; " Duy Ma Cật Kinh " , " Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh " ... là tác phẩm vừa tiểu thuyết vừa hí kịch . Sự du nhập của những tác phẩm kinh Phật này , đối với việc phát triển của Ðàn từ , Bình thoại , Tiểu thuyết, Hí kịch đời sau đều có sự cống hiến gián tiếp và trực tiếp . Hơn nữa việc sử dụng xen kẻ giữa Tản văn và các bài kệ của kinh Phật , cũng có sự quan hệ và ảnh hưởng cho các thể loại văn học sau này của Trung Quốc .

Chúng ta có thể tìm hiểu ảnh hưởng của Phật giáo đối với ngôn ngữ - văn học Trung Quốc qua một số tác giả và tác phẩm đáng lưu ý như Tuệ Viễn, Tăng Triệu v.v... Sau khi Phật giáo từ Ấn Ðộ truyền vào Trung Quốc trong những năm cuối Tây Hán, các thời Tam quốc - Tây Tấn sang thời Ðông Tấn - Nam Bắc triều, bắt đầu có những trước tác của các vị tăng Trung Quốc làm sáng đạo lý nhà Phật. Tuệ Viễn (334 - 416) người Nhạn Môn, tinh thông lục kinh, giỏi nhất về Lão Trang, theo Ðạo An xuất gia đi xuống miền Nam, vào núi Lô Sơn, kết giao rộng, đã viết hai tác phẩm nổi tiếng : " Pháp Tính Luận" và "Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận". Trong " Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận", ông nhấn mạnh luận điểm "Hình thì mất, nhưng thần thì bất diệt". Ông đưa ví dụ : Củi cháy hết, lửa truyền lại, chứng minh thần và linh hồn có thể từ hình thể này truyền sang hình thể khác, cho nên thuyết luân hồi của Phật giáo trở thành cơ sở lý luận của ông để ông đưa ra luận điểm " Sự sống không kết ở lần hóa ấy mà chuyển sang vật khác chứ không trở về", chẳng hạn hình thể Trương Tam tuy chết nhưng thần của anh ta có thể đầu thai vào Lý Tứ mà đổi đời (trích " Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận").

Cũng từ cơ sở thuyết luân hồi của Phật giáo, Tuệ Viễn đưa ra thuyết " Minh Báo Ưùng". Ông cho rằng : "Nguyên nhân mọi tai họa trong đời người đều do vô minh và tham ái mà ra".

Chu Hy (1130 - 1200) sinh trưởng ở Phúc Kiến, là nhà tư tưởng giáo dục, bác học uyên thâm. Trước tác của ông rất nhiều, người đời sau biên tập thành " Chu Tử Di Thư ", " Chu Tử Ðại Toàn Tập" và " Chu Tử Ngữ Lục". Chu Hy đã lấy thuyết " nhất đa tương nhiếp" của Hoa Nghiêm tông (Phật giáo) để làm cơ sở lý luận. Ông nói : " Sông ngòi, hồ biển, đâu đâu cũng có bóng trăng, kỳ thực đều từ mặt trăng trên trời cả". Mỗi người đều là một thái cực. Như vậy, tất cả mọi người và vạn vật đều là thể hiện của thiên lý, mà thiên lý ở trong tâm mỗi người. Con người mới đầu là "thiện" tuyệt đối. Về sau, trong hiện thực, con người tiếp nhận cái khí có thanh có trọc, nên có thiện có ác.

Ðến đời Minh Thanh, ảnh hưởng của Phật giáo có một sức cuốn hút kỳ lạ đối với mọi người. Tuy nhiên, tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng mạnh và sâu sắc nhất là thuyết " thiện ác - nhân quả". Ta cũng biết Phật giáo vốn có nhiều tông phái, nhưng Phật giáo trong Tây Du Ký là Phật giáo Ðại thừa, được bộc lộ rõ, có tính cơ bản trong tác phẩm, ví dụ chi tiết Tề Thiên bị đè dưới núi Ngũ Hành. Ngũ Hành vốn là ngũ căn của con người (theo thuyết Phật giáo). Ðó là năm ham muốn (ngũ dục). Những thứ đó đè chặt tâm linh rất khó gỡ tựa như Ngũ Hành sơn đè Hành Giả vậy !

Hoặc chi tiết Hồng Hài Nhi có một thứ vũ khí đặc biệt là lửa mà nước không thể dập tắt được và chỉ có Quan Âm dùng bình tịnh thủy mới trị được. Theo Phật giáo, trên đời có ba thứ độc là tham - sân - si, trong đó "sân " có nghĩa là giận, mà giận đi kèm nóng nảy, nên Ðức Phật ví giận như lửa. Bình tịnh thủy tức nước thanh tịnh mới dập tắt được lửa giận.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng minh họa cho sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với ngôn ngữ - văn học Trung Quốc. Cũng từ sự nhìn nhận này, chúng ta có thể khẳng định một điều: " Bất kể nhìn từ một góc độ nào của cuộc sống con người, Phật giáo đều có quan hệ mật thiết đối với xã hội, đối với mỗi chúng ta, nhất là về mặt cống hiến đối với ngôn ngữ - văn học của Trung Quốc cũng như các nền văn học khác của các nước Phật giáo trong khu vực và trên thế giới".

 

Ths.Thích Ðồng Văn

theo chuaminhthanh.com