NHỮNG QUAN YẾU TRONG NGÀNH HOẰNG PHÁP VỚI VIỆC XÂY DỰNG CHÙA VĂN HÓA


http://img4.phanvien.com/2010/01/16/tuyen-sinh-du-hoc-trung-quoc-khoa-thang-3-2010-4.jpg

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế, thời kỳ đất nước đang hiện đại hóa, công nghiệp hóa và xã hội hóa, vậy ngành Hoằng pháp chúng ta nên làm những gì để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới? Đây có lẽ là những nhu cầu bức thiết mà ngành hoằng pháp chúng ta cần phải theo đà tiến triển của xã hội và cần phải đáp ứng kịp thời với những nhu cầu của đại đa số tín đồ Phật giáo trong một đất nước hoàn toàn độc lập tự chủ và đang trên đà phát triển toàn diện.

Sau 35 năm lập lại nền hòa bình tự chủ trên toàn lãnh thổ Việt nam - dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ của toàn thể nhân dân Việt nam nói riêng, vị cứu tinh của các nước bị áp bức đã giành lại độc lập tự chủ trên thế giới nói chung – đã mang một gương mặt mới, đã trở nên vẻ vang và từng bước sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới. Trong thời đại tiến bộ ngày nay, ngành hoằng pháp chúng ta thử vạch ra một xu hướng mới để mở rộng tầm hoạt động trong sứ mệnh hoằng pháp không những tại Việt nam mà còn ở hải ngoại. Với thiển ý trộm nghĩ rằng Ban Hoằng pháp có lẽ cần có vài phương hướng mới và khắc phục mọi khó khăn hơn nữa để tạo thuận duyên cho sứ mệnh hoằng pháp tại hải ngoại. Đây có lẽ là một trong những nhu cầu bức thiết nhất. Việc tuyển chọn nhân sự hoặc Giảng sư có đủ phẩm hạnh và trình độ lãm tường về Tam tạng Thánh điển thì mới có thể đáp ứng việc thuyết giảng cho các Phật tử tại hải ngoại. Dĩ nhiên sự tuyển chọn này theo hệ thống từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, tức là do ngành hoằng pháp ở các địa phương đề xuất. Do đó, mối tương quan giữa Ban hoằng pháp Trung ương có lẽ càng gắn bó chặt chẽ với các hoạt động hoằng pháp của các địa phương trên địa bàn toàn quốc. Cho đến khi nào ngành hoằng pháp giải quyết được nhân sự, nhân rộng và phân bổ đều các Giảng sư trên toàn quốc và ở các địa phương, thì khi đó mới có thể giải quyết được nhu cầu của thời đại mới và đáp ứng được nhu cầu của đại đa số đồng bào Phật tử các giới.

I. Những nhu yếu trong ngành hoằng pháp:

1. Vấn đề nhân sự: Khó khăn nhất của ngành hoằng pháp là vấn đề nhân sự. Do đó, giải quyết vấn đề nhân sự có lẽ là công việc thiết thực nhất để đáp ứng nhu cầu cho tất cả các Phật tử trong nước. Nếu ước tính và bình quân số Giảng sư trên địa bàn toàn quốc thì có lẽ còn bất cập, nhưng nếu so với các ban ngành khác, thì có lẽ tổng số lượng Giảng sư của ngành hoằng pháp trên toàn quốc chiếm đa số. Tuy nhiên còn rất nhiều nơi, nhiều tỉnh chưa có Giảng sư; trong khi số lượng Giảng sư ở các tỉnh thành khác rất nhiều. Đây có lẽ là bài toán hóc búa nhất của ngành hoằng pháp. Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực đáng kể của Ban hoằng pháp đã hoạt động tích cực trong những năm qua và đã tạo nhiều khóa Bồi dưỡng Giảng sư để đáp ứng nhu cầu đó. Thế nhưng, có lẽ việc phân bổ nhân sự còn bất cập; vì nếu chúng ta thống kê số Giảng sư trên toàn quốc với số Giảng sư ở các tỉnh khác thì sẽ thấy một con số rất khập khiểng và vô cùng chênh lệch. Do đó, nếu ngành hoằng pháp giải quyết được vấn đề nhân sự, hoặc việc phân bổ Giảng sư thì chắn hẳn là giải quyết và đáp ứng được những nhu cầu tu học cho đồng bào Phật tử các giới. Sự giải quyết này cũng có nghĩa là đáp ứng những món ăn tinh thần và những khát vọng tâm linh mà đồng bào Phật tử các giới đã đang mong đợi ở nhiều nơi, ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc và thậm chí cả ở hải ngoại. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc bổ nhiệm Giảng sư đến các tỉnh thành khác còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố:

1.1. Thiếu trách nhiệm và tiêu cực: Những Giảng sư không phải là những người được hưởng chế độ hằng tháng như những công nhân viên chức của nhà nước; do đó họ có thể lơ là hoặc không chịu trách nhiệm đúng như những mong muốn của ngành hoằng pháp giao phó. Trái lại, những công nhân viên chức của nhà nước vì có chế độ ưu đãi, cho nên đích thân họ phải đứng ra chịu trách nhiệm và không thể lơ là những công việc của cấp trên giao phó; vì họ sợ bị mất việc hoặc sa thải.

1.2. Có trách nhiệm và tích cực: Ngành hoằng pháp có lẽ chỉ có thể phân bổ được những “Giảng sư phát tâm”; vì họ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để làm lợi đạo ích đời mà không đòi hỏi những yêu sách khác. Họ là những người chịu trách nhiệm, tận tâm và sẵn sàng cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Thế nhưng số lượng này còn quá ít; vì ngoài số Giảng sư có trách nhiệm và tích cực ấy ra thì ngành hoằng pháp sẽ có lẽ bất lực khi phân bổ Giảng sư.

1.3. Tâm đắc sứ mệnh hoằng pháp: Việc phân bổ Giảng sư đến các tỉnh thành khác ở trong nước có lẽ còn phải tùy thuộc vào việc bổ nhiệm Trú trì, nhưng nghiệt vì một số Giảng sư chỉ ưa thích làm Giảng sư, chứ không đảm nhiệm chức vụ Trú trì; tuy có đủ khả năng, nhưng họ vẫn tìm cách thoái thác. Cố nhiên, cũng có những Giảng sư chỉ tâm đắc sứ mệnh hoằng pháp, còn các Phật sự khác thì khả năng còn nhiều giới hạn, hoặc không mấy tâm đắc.

1.4. Ứng phó đạo tràng: Ở một số tỉnh, thành, có nhiều Tăng Ni nhưng lại thiếu Giảng sư; vì số Tăng sĩ ấy là những vị Sư Trú trì. Dĩ nhiên, một số vị Sư Trú trì thì có khả năng hoằng pháp, còn số khác có lẽ khả năng hạn chế hoặc bất cập. Những chùa có Tăng chúng nhiều thì vị Trú trì phải tham gia nghi lễ, “ứng phó đạo tràng”, ma chay, tang lễ, cầu an, cầu siêu, chẩn tế, v.v...; vì việc ứng phó đạo tràng là thiết thực và giải quyết được “kinh tế” cho chùa, còn làm Giảng sư thì không thể.

1.5. Giảng sư lệ thuộc Bổn sư, Bổn tự: Một số Tăng Ni có khả năng làm Giảng sư, nhưng nghiệt vì mọi sinh hoạt của vị ấy còn lệ thuộc bổn tự. Thầy Trú trì ít ưa thuyết giảng mà chỉ thích vị ấy “ứng phó đạo tràng”. Do đó, vị ấy hằng ngày phải giúp Thầy Trú trì lo việc ứng phó đạo tràng, ma chay, tang lễ... không có thời gian làm hoằng pháp.

1.6. Giảng sư - Kinh sư: Một số Tăng sĩ có khả năng hoằng pháp thì hơi bi quan hoặc tiêu cực; vì họ nghĩ rằng làm “Giảng sư” thì tam thường bất túc, còn làm “Kinh sư” thì đầy đủ mọi thứ. Thậm chí một số vị nghĩ rằng làm “Kinh sư” thì mới có tín đồ, bổn đạo, có “năm đồng ba trự, đồng vào đồng ra”, còn làm “Giảng sư” thì khó khăn về tài chính.

1.7. Thiếu Chánh kiến, thiếu tự tin: Một số Tăng Ni làm Giảng sư lại nghĩ rằng tốn nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu giáo pháp. Do đó có những buổi giảng bị thính giả dèm pha, chê rằng thiếu trình độ và chưa có kinh nghiệm thuyết giảng, thì tâm lý vị ấy bị dao động và buồn bực, bi quan và thiếu tự tin, cho nên dẫn đến sự chán nản thối chí. Cũng có một số Tăng Ni có lẽ chưa nhận ra tầm quan trọng của sứ mệnh hoằng pháp, chưa thật sự thấy được việc “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” và chưa đủ nội lực kham nhẫn để vượt qua những chướng duyên và những khó khăn, cho nên khi gặp bất trắc nhiễu nhương liền sanh tâm chán nản, thất vọng, rồi bỏ cuộc.

Trên đây tạm nêu lên 7 vấn đề và chắc hẳn còn nhiều khó khăn khác. Việc phân bổ Giảng sư của ngành hoằng pháp không những trên toàn quốc mà còn ở nước ngoài có lẽ gặp không ít khó khăn, kính đề nghị cần rà soát lại và vạch ra hướng chỉ đạo mới để khích lệ.

2. Vấn đề tâm linh: Việc đáp ứng món ăn tinh thần - giải quyết nhu cầu tu học về lãnh vực tâm linh đã trở thành sứ mệnh suốt đời trong ngành hoằng pháp. Món ăn thuộc tinh thần và những mong muốn về lãnh vực tâm linh luôn là những khát vọng của đồng bào Phật tử các giới. Tuy nhiên, việc đáp ứng món ăn thuộc về tinh thần cho các Phật tử thật sự không phải chỉ cứ vào những bài thuyết giảng đơn thuần mà đòi hỏi cần phải kết hợp nhiều yếu tố hệ trọng khác nhau, nhưng không ngoài hai lãnh vực đáng chú ý: vật chất và tinh thần. Nếu mở rộng tầm hoạt động của ngành hoằng pháp, thì không nhất thiết phân biệt giữa Phật tử và không phải Phật tử mà nên “lấy dân làm gốc”.

a) Về vật chất: Vì “nhất thiết chúng sanh giai y ẩm thực”, cho nên việc trang trải và ban tặng những phẩm vật cho những nơi còn khó khăn về vật chất, những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở các miền ngược miền xuôi... ngành hoằng pháp có lẽ cần quan tâm hơn nữa. Vả lại, sứ mệnh hoằng pháp bằng phương tiện ban tặng tài vật, là gieo trồng căn lành vào đời sống thiết thực của nhân dân. Đó là chúng ta chưa nói đến việc kịp thời cứu giúp những thiên tai, lũ lụt, bão tố, mất mùa, dịch bệnh, v.v... gây ra.

- Vật chất chủ yếu, tịnh tài thứ yếu: Việc “phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”; do đó, ngành hoằng pháp chúng ta cũng nên đề xuất một vài phương hướng thiết thực. Vì có những nơi như những vùng núi, những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thì việc ban tặng tịnh tài đôi khi là thứ yếu, còn phẩm vật đối với họ lại là chủ yếu, là quan trọng. Vì phẩm vật ban tặng luôn có chất lượng và được tin dùng, hơn là để họ dùng tịnh tài để đi đổi lấy phẩm vật, vật thực. Đó là vấn đề thực tế.

- Tịnh tài chủ yếu, phẩm vật thứ yếu: Tuy nhiên, có những nơi phẩm vật trở thành thứ yếu, nhưng tịnh tài trở thành quan trọng chủ yếu, như: việc xây dựng Chùa, Niệm Phật đường, Trường học, Trường Mẫu giáo hoặc Lớp Học tình thương, Trại Dưỡng lão hoặc Trại Tế bần, v.v... thì tịnh tài trở nên cần thiết và quan trọng hơn.

b) Về tinh thần: Có những nơi phẩm vật và tịnh tài trở thành thứ yếu, còn việc thuyết giảng, diễn bày giáo nghĩa Như Lai và hướng dẫn Phật tử tu tập thì trở nên chủ yếu và quan trọng hơn. Đó là những nơi có cuộc sống tạm ổn định và kinh tế có thể tự lập. Đây là những nơi đang khát khao nghe giáo pháp, đang khát sữa pháp mà Giảng sư là người cần phải mưa những cơn mưa pháp, cần phải rót những dòng sữa pháp để tưới tẩm, ươm mầm và gieo những chủng tử Phật tánh vào tâm thức của đồng bào Phật tử các giới.

c) Oai nghi – thuyết giảng bằng thân giáo: Có những nơi việc thuyết giảng trở nên thứ yếu, còn việc thể hiện thân giáo, oai nghi tế hạnh, trở thành chủ yếu và vô cùng quan trọng. Đó là những nơi những nơi truyền Tam quy Ngũ giới cho quý Phật tử và hướng dẫn cho quý Phật tử tại các đạo tràng Bát quan trai hằng tháng, hoặc chứng minh một buổi lễ tại các Niệm Phật đường, lễ Khai giảng hoặc lễ Tổng kết của Ban ngành trong và ngoài Tỉnh thành, hoặc những nơi chúng ta là những Đại biểu tham dự Hội nghị cùng với nhiều nhân sĩ trí thức, thiện tri thức và đồng bào Phật tử các giới, thì việc thuyết giảng được thể hiện qua thân giáo, bằng oai nghi đoan chánh, thể hiện đạo phong cốt cách của một bậc trượng phu lúc ấy trở thành chủ yếu và vô cùng quan trọng. Đó là những nơi mà chúng ta cần tỏ thái độ khiêm cung oai nghi đoan chánh. Với Giảng sư, thay vì đang thuyết giảng thì việc thể hiện oai nghi tế hạnh qua thân giáo là một trong những bài thuyết pháp có giá trị thực tiễn. Việc thuyết pháp qua thân giáo sẽ là phương tiện thiện xão.

3. Vấn đề Tâm lý: Một Giảng sư cần phải tự mình hoàn thiện vài vấn đề tâm lý sau:

a) Tâm lý khiêm cung: Ngoài việc thường hành thiện pháp, Giảng sư luôn tỏ thái độ khiêm cung, không biểu hiện tính cách trịch thượng: Người luôn khép mình trong giới luật, hộ trì các căn môn, và thành tựu 7 thiện pháp. Bảy thiện pháp này là:

3.1. Giữ vững đức tin kiên cố sâu xa đối với đức Như Lai, trọn không theo sa-môn, phạm chi, trời thần quỷ vật, ngoại đạo tà giáo, không theo bè bạn xấu ác.

3.2. Thường biết tự tàm, thường thực hành xấu hổ, điều đáng xấu hổ, biết xấu hổ, ghét pháp bất thiện và phiền não cấu uế tạp nhiễm.

3.3. Thường biết quý tha, thường thực hành hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn, biết hổ thẹn, ghét pháp bất thiện và phiền não cấu uế tạp nhiễm.

3.4. Thường hành tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, hành các thiện pháp.

3.5. Thường học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên các thiện pháp ở chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, và luôn quán sát tư duy nghĩa lý đến chỗ thấy rõ hiểu biết sâu xa.

3.6. Thường hành chánh niệm, luôn tự tỉnh giác thì có thể tác Phật, nhớ đúng chánh pháp những điều đã học từ lâu, đã nghe từ lâu, nhớ kỹ không quên.

3.7. Thường hành trí tuệ, quán sát thấy rõ sự hưng suy của các pháp.

b) Tâm lý tự mãn: Tự mãn với trình độ, khả năng, học vị và bằng cấp. Người tự mãn luôn có tính chủ quan trong mọi tình huống, mà hiếm khi lường những bất trắc có thể xảy ra. Do đó, khi chạm trán với sự việc, thì dễ nản lòng và thất vọng, hối hận và ăn năn... vì cho rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Quên rằng “Bồ-tát úy nhân, chúng sanh úy quả” mà vẫn chủ quan, nên dễ bị thất bại.

Với hạng phàm phu, như giai cấp Phệ-xá, giai cấp thứ ba của Ấn độ xưa và nay, họ tự mãn với những công việc thấp kém mà không dám mơ tưởng đến địa vị cao. Họ là những ‘boaders’ ở ga tàu, bến cảng; là ‘workers’, v.v... làm vườn.

- Với hàng Nhị thừa, vì tự mãn với quả vị và xem Tứ thánh quả là thù thắng, là tối thượng, chứ không cần cầu Bồ-tát đạo và Phật đạo. Như Pháp Hoa đã nói rõ.

- Với hàng Bồ-tát, nên vượt qua địa vị Sơ học và Tân học Bồ-tát. Hoặc có hàng Bồ-tát chỉ phát tâm hành đạo và đạt đến ngang tầm Đệ thất địa (hoặc Viễn hành địa), chưa phải là Bồ-tát thuộc hạng Bất thoái chuyển. Hạng Bồ-tát ở địa vị Bất thoái chuyển luôn là từ Đệ bát địa trở lên bậc Đẳng giác, Diệu giác (đã trải qua Thập Tín, Thập trú, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa). Lại nữa, hàng Bồ-tát ở địa vị Bất thoái chuyển đều đã qua “nhị chuyển y”. Như đức Phật bảo A-nan: “Diệu tánh viên minh, ly chư danh tướng, bổn lai vô hữu thế giới chúng sanh. Nhân vọng hữu sanh, nhân sanh hữu diệt, sanh diệt danh vọng, diệt vọng danh chơn, thị xưng Như Lai, Vô thượng Bồ-đề, cập đại Niết-bàn, nhị chuyển y hiệu”.

Trái lại, người không tự mãn là người luôn phát tâm “bất vị tự cầu nhơn thiên phước báo...duy y Tối thượng thừa”. Lại nữa, người không tự mãn là người cẩn thận và chu đáo, lường trước mọi bất trắc, chín mùi trong tư duy và sáng tạo mọi phương thức, nguyện vọng dễ thành. Thành tựu được sở nguyện, thì họ tự biết rõ việc ấy cũng như Hóa thành dụ, hiện rồi biến mất, vì tất cả chỉ là phương tiện.

c) Tâm lý làm Thầy: Trong kinh Niết-bàn đức Phật dạy: “Im lặng như Chánh pháp, nói năng như Cháp pháp”. Nhớ rằng “phải tự trọng để được trọng”. Cũng vậy, muốn việc độ tha được thành tựu, thì trước phải tự độ. Muốn làm Thầy thiên hạ, thì trước phải tự làm Thầy. Như muốn cứu kẻ chết đuối, thì phải biết bơi. Muốn là “Thiên nhơn chi Đạo sư” thì phải hành Bồ-tát đạo để có thể đạt đến Ngũ phần Pháp thân.

- Nỗ lực tu tập để thành tựu Ngũ phần pháp thân: trì Giới học, tập Định học, dưỡng Tuệ học, Tâm giải thoát (giải thoát) và Tuệ giải thoát (giải thoát tri kiến).

- Biết rõ “nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”. Người có thể làm cho đạo trở nên vĩ đại, chứ đạo không thể làm cho con người trở nên vĩ đại.

- Tối thiểu phải thấy rõ khổ, không, vô thường, vô ngã, rõ qui luật Nhân quả, thông giáo pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Ngũ uẩn, Lục độ...

- Hành Lục độ (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền-định và trí tuệ), tiến triển và thành tựu Thập độ (Lục độ với phương tiện, nguyện, lực và trí). Hành Lục độ viên mãn tức là thành tựu cả phước và trí; vì Phước trong Lục độ gồm 5 độ đầu; còn Trí là độ thứ 6, cho nên nói rằng “phước trí lưỡng toàn phương tác Phật”. Tâm lý muốn làm Phật, cũng có nghĩa là muốn làm bậc Thầy của Nhân Thiên.

d) Tâm lý truyền đạt:

1) Giảng sư là Thầy diễn giảng, Thầy huấn thị, Thầy hướng dẫn, Thầy trao truyền giáo pháp Như Lai, mặc áo Như Lai, ở nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, ăn cơm Như Lai và làm những việc Như Lai đã làm. Nói gọn, Giảng sư là người tự ngộ, là người “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”.

2) Về nội điển, có Giảng sư chỉ hiểu một phần, có vị chỉ hiểu đôi phần; có vị thông hiểu nội điển nhưng về ngoại điển thì hạn chế. Cũng có vị thông hiểu ngoại điển nhưng về nội điển thì rất hạn chế... Giảng sư là người có khảo cứu, và hiểu cả nội điển và ngoại điển, đem sự hiểu biết ấy để truyền đạt cho người khác vì an lạc và lợi ích cho số đông, thì đó là tự ngộ và ngộ tha.

Trong vấn đề tự ngộ và ngộ tha, một Giảng sư tối thiểu phải am tường và tinh thông: “Trí, Ngôn, Nghĩa” liên quan đến chủ đề đã chọn và tự tin rằng nó hợp với căn cơ của hội chúng mà mình sắp thuyết giảng. Biết hội chúng có thể nắm bắt và lãnh hội “Trí, Ngôn, Nghĩa” thì có thể soi chiếu vào tâm thức của hội chúng cũng bằng “Nghĩa, Ngôn, Trí” mà hội chúng tự liễu tri và bất nghi.

Với vấn đề luân hồi, phải trình bày rõ về nhân, chính nhân, phụ nhân, cận nhân, viễn nhân, nội nhân, ngoại nhân. Cần đoạn tâm tâm tham ái vô minh. Nêu ví dụ và minh họa bằng dụ, dụ pháp, dụ nhân, để hội chúng dễ tiếp thu và lãnh hội. Sự truyền thừa cảm hứng bằng thi ca, ca dao tục ngữ, hoặc kệ tụng trong kinh điển để nhấn mạnh đến chơn tánh và tợ tánh, chơn tâm và vọng tâm qua chơn hiện lượng và tợ hiện lượng để trợ duyên cho tự ngộ và ngộ tha, và cùng đạt đến đích: thấy rõ thật tướng, tỏ ngộ bản giác, và thể nhập vào lý tánh chơn chánh của các pháp.

e) Tâm lý đối đãi:

1. Như bài viết “Ta với Ta” của Giáo sư Cao Huy Thuần, thông thường, cô dâu = khách ở nhà mẹ chồng, = chủ ở nhà cha mẹ ruột. Lúc về nhà chồng, thì cho là khách; vì hay bẽn lẽn và thẹn thùng như khách. Lâu ngày, cô dâu = chủ nhà mẹ chồng, = khách nhà cha mẹ ruột. Cũng cô gái ấy với cha mẹ ruột, cũng cô dâu ấy với cha mẹ chồng mà thành Chủ thành Khách, nhưng Chủ và Khách ở đây, theo Lăng Nghiêm, là trong vòng đối đãi của luân hồi.

2. Tương tự, một vị Giảng sư tại chùa mình = chủ. Giảng sư được đón tiếp = khách. Rồi Giảng sư = chủ, vì đang thuyết giảng. Giảng sử thuyết giảng xong = khách. Cũng Giảng sư ấy mà khi làm chủ, khi làm khách. Chúng ta đã từng là chủ và từng là khách, nhưng Chủ Khách trong tương quan hoằng truyền chánh pháp.

3. Quan niệm về “chủ và khách, chủ thể và đối tượng, chủ thể và khách thể, năng và sở, ngã và pháp” (theo Duy thức; Lăng Nghiêm và Lăng Già...). Phi chủ phi khách, phi năng phi sở, theo Thiền, thì cũng tợ “thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân”.

4. Quan niệm về “hữu và vô, sanh và diệt, thường và đoạn, nhất và dị, lai và khứ”, thảy đều là nhị biên, đối đãi. Như kệ Bát bất trong Trung Luận: “không sanh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không nhất cũng không khác, không đến cũng không đi”. Kệ này na ná như khái niệm về Như Lai: “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, thị danh Như Lai”.

5. Quan niệm về “hữu vô; bán hữu bán vô; phi hữu phi vô; phi phi hữu phi phi vô”. (ly Tứ cú, tuyệt bách phi, theo Lăng Nghiêm, Thiền học, và Khởi Tín Luận...).

f) Tâm lý tự tại: Một Giảng sư tự tại an trú trong chánh pháp, tự tại không phóng dật, không buông lung và tự tại hành thiện pháp, tự tại trong phong cách và phẩm chất của một bậc Thầy, cần phải thể hiện để làm lợi ích cho số đông, làm an lạc cho số đông. Xưa kia Như Lai đã từng dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, hãy đem giáo pháp của đức Như Lai truyền bá khắp mọi nơi. Các thầy hãy chia nhau đi mỗi nơi một người, không đi một nơi hai người, nỗ lực truyền bá giáo nghĩa của đức Thế Tôn một cách không mệt mõi. Làm được như vậy, các Thầy đã đền đáp thâm ân của đức Thế Tôn”.

- Như đức Phật đã dạy: “trong các pháp bố thí, bố thí pháp là bậc nhất”. Muốn bố thí pháp được thành tựu, cần rộng truyền giáo pháp đức Như Lai khắp mọi nơi. Với kinh Pháp Hoa, đức Phật đã khích lệ: “Nếu người thuyết kinh này, nên vào thất Như Lai, khoát pháp y Như Lai, ngồi tòa Như Lai ngồi, đối trước chúng, tự tại, giải rộng cho chúng sanh. Tâm bi lớn là thất; nhu hòa là y nhẫn; dụng pháp không, làm tòa; giảng pháp đúng như thế”. Những ai bố thí pháp, người nào thuyết kinh này, đều được lợi ích. Vì “có chư Phật hộ niệm, khiến hội chúng hoan hỷ. Nếu thân cận Pháp sư, chóng đắc Bồ-tát đạo, tùy thuận pháp sư học, được thấy vô số Phật”.

Xưa kia vua Trần Thái Tông đã từng nói: “Thuyết pháp giả mãn Phật chi nguyện”. Nghĩa là “thuyết pháp là làm thỏa mãn ý nguyện của chư Phật”. Do đó, là Giảng sư thì phải luôn nỗ lực chong đèn chánh pháp, hoằng truyền giáo nghĩa Như Lai để lợi lạc quần sanh; vì thấy rõ: “nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”.

Chúng ta phải gieo trồng căn lành, tín tâm đối với Tam bảo, phải quyết trạch pháp để an trú trong chánh pháp, phải tận tâm hành Bồ-tát hạnh, phải phát đại nguyện thì mới có thể độ tha, và phải hồi hướng công đức của chính mình cho tha nhân, chính mình phải luôn tự tỉnh giác và sáng suốt trong mọi ứng xử và giao tiếp. Nên lập nguyện độ sanh để cầu cho pháp giới lục đạo: “Thiên thượng Ngũ suy bất hiện; Nhân gian Tứ tướng giai không; Tu-la xả tận sân tâm; Địa ngục tức chư khổ não; hà sa Ngạ quỷ, hóa nhiệt não nhi tác thanh lương; vạn loại Hàm sanh, xả mê đồ nhi đăng giác ngạn”. Mong cho tất cả đều được an lạc và thoát ly tam giới.

- Cần phải lập chí lập nguyện thì mới có thể độ sanh. Ngài Thật Hiền trong Khuyến Pháp Bồ-đề tâm văn đã nói: “Nguyện lập tắc, chúng sanh khả độ, tâm phát tắc, Phật đạo kham thành”. Phát Tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

II. Việc xây dựng chùa văn hóa:

1. Vấn đề Chùa chiền:

Có lẽ chúng ta chẳng xa lạ gì với lòng tự hào về quê hương đất nước, với hình ảnh thân thương của ngôi chùa làng. Ca dao dân gian Việt nam đã từng ca ngợi và tự hào về hình ảnh ngôi chùa thiêng liêng và tôn kính, cũng không kém phần triết lý sống động:

“Quê tôi có gió bốn mùa,

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm”.

Lòng tự hào về quê hương đất nước kèm theo những tinh hoa của nền triết lý dân gian liên quan đến định luật thành - trụ - hoại – không, và với sự chuyển vận tuần hoàn của vạn hữu trong không gian đất Việt với bốn mùa: xuân - hạ - thu – đông. Chùa rất gần gũi và gắn liền với nếp sống giản dị của dân tộc Việt nam. Những người dân quê Việt nam đa phần chất phác và chân tình, giản dị và hiền hòa. Họ quanh năm chân lấm tay bùn với ruộng đồng, với chùa làng, với đình làng, với cây đa và với những lũy tre làng xanh mướt. Hình ảnh quen thuộc nhất là ngôi chùa làng luôn gắn bó thân thiết với người dân làng, với quê hương, với một nắng hai sương, với tiếng chuông sớm hôm đòng vọng ngân vang thánh thót. Chùa làng là hình ảnh thân thương nhất, là nơi tôn thờ linh nghiệm nhất đối với nếp sống tâm linh thiêng liêng và mầu nhiệm. Do đó, mỗi khi bất chợt xa quê, hoặc lúc tha phương cầu thực, nhất là lúc sắp xa lìa cố hương để lưu trú tại những phương trởi lữ thứ, chúng ta thường nghe nỗi niềm thổn thức nhớ quê hương, nhớ trăng thanh gió mát, nhớ dòng sông xanh, nhớ ngôi chùa làng với tất cả tấm lòng khắc khoải hoài vọng:

“Mai này ta bỏ quê ta,

Bỏ trăng, bỏ nước, chao ôi... bỏ chùa!”.

Với hình ảnh thân thương và gắn bó với đời sống dân gian, chùa làng đã đi vào lòng dân quê Việt nam, và có lẽ từ đó đã dần dần thấm sâu vào lòng dân tộc Việt nam. Ngôi chùa làng là nơi đong đầy tình cảm mặn nồng của người dân quê, là nơi thiêng liêng nhất của nếp sống tâm linh cao thượng. Xưa nay mỗi làng dường như chỉ có một ngôi chùa. Đó là hình ảnh độc đáo nhất và khó quên nhất. Chùa làng được già làng quy tụ đông đảo vào những ngày vía Phật, những ngày lễ lớn, như: lễ Phật đản, lễ Vu lan. Điểm khác biệt giữa ngôi chùa làng với những ngôi chùa khác là: những ngôi chùa được vương gia quý tộc xây dựng, chỉ giành riêng cho hoàng thân quốc thích của hoàng gia; còn những ngôi chùa tư (chùa riêng), chỉ giành riêng cho gia phả hoặc chi phái của gia phả đó hoặc chi phái đó. Còn Chùa làng là ngôi chùa chung, do đó ai đến thắp nhang hoặc lễ bái cũng đều được cả.

Thế nhưng, điều mà chúng ta muốn nhắm đến là việc xây dựng chùa văn hóa. Vậy “chùa làng” có phải là chùa văn hóa chăng? Vâng! Đích thị là chùa văn hóa. Chùa làng có truyền thống của làng, có văn hóa của làng mà các chùa khác không thể có được tính cách cổ kính thiêng liêng thuần túy. Ở đây, chúng ta chưa nói đến vấn đề văn hóa, cũng chưa nói đến văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Vậy tại sao ngành hoằng pháp lại liên quan với việc xây chùa văn hóa? Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem nguồn gốc của chữ “chùa” có từ khi nào, thế nào là văn hóa, và như thế nào là xây dựng chùa văn hóa.

2. Chùa chiền với nguồn gốc của nó: Thuật ngữ “Chùa” có nguồn gốc từ Phạn ngữ là Vihāra (Monastery, Pagoda), cũng có nghĩa là Tu viện, hoặc Thiền viện. Xưa kia khi đức Phật còn tại thế, theo kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài khuyên tôn giả A Nan nên xây tháp phụng thờ Xá-lợi Phật để làm nơi tôn kính cho tất cả chúng sanh đời sau quy ngưỡng, lễ bái. Tháp phụng thờ Xá-lợi Phật là mô hình đầu tiên đối với vấn đề tưởng niệm tâm linh. Còn mô hình chùa đầu tiên có lẽ là những Tinh xá đã được những tín chủ hoặc những đệ tử trưởng giả dâng cúng cho đức Phật và chúng Tăng an trú lúc Ngài còn tại thế, như Tinh xá Kỳ Hoàn. Theo thời gian, thuật ngữ Tinh xá (chứ không phải Tịnh xá) dần dần được phổ biến, rồi trở thành Tu viện (Vihāra), và cũng được gọi là ‘Chùa’ (Temple). Thuật ngữ Temple rất phổ biến ở các nước ngoài, nhưng vì dễ bị ngộ nhận giữa chùa Phật giáo (Buddhist Temple) và đền thờ Ấn giáo (Hindu Temple), hoặc đền thờ Hồi giáo (Islamic Temple); do đó ở Việt nam thường dùng từ Pagoda để tránh nhần lẫn và để dễ phân biệt chùa Phật giáo với các ngôi đền thờ khác của các tôn giáo khác.

Lẽ thường, ai muốn xây chùa thì phải xây ngôi chùa ở trong lòng mình trước. Ngộ nhỡ lúc đi xa, cũng có ngôi chùa sẵn trong lòng mình; do đó, dù có đến đâu thì vị ấy cũng có chùa, cũng thấy chùa. Hễ có chùa trong lòng, thì cũng có Phật trong lòng. Chùa trong lòng ngụ ý biểu tượng cho nếp sống văn hóa cao thượng và cũng gợi ý trỏ truyền thống văn hóa thiêng liêng của dân tộc đã được liệt Tổ liệt Tông luôn trọn đời tôn thờ và quy kính; còn Phật trong lòng là ngụ ý trỏ cho chơn tâm thường trú, là Như Lai tạng tâm, là bản tâm thanh tịnh, và đó chính là tâm Phật. Trong thực tế, hễ có chùa thì có Phật, có chuông đòng vọng; vì “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

Phật giáo không thể không có chùa. Đại đa số Phật tử thường đến chùa lễ Phật, bái sám, cầu nguyện,... Tuy họ không có bằng cấp, không có học vị Cử nhân, Thạc sĩ, hoặc Tiến sĩ, như những nhà nghiên cứu, những học giả, những giáo sư, v.v... nhưng ngôi chùa là nơi gởi gắm phó thác cà đời họ và cũng là nơi linh thiêng cho họ cầu nguyện thần lực và sự linh nghiệm của Tam bảo gia hộ cho những người đã mất, như: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nội ngoại gần xa... sớm sinh về cảnh giới an lành. Họ cũng không quên cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho những người còn sinh tiền gặp nhiều may mắn, nghiệp chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, tâm bồ-đề kiên cố... khi lâm chung được đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Cực lạc.

3. Văn hóa với văn minh: Thuật ngữ “Văn hóa” có thể tạm hiểu một cách nom na rằng văn hóa thiên trọng về tinh thần nhiều hơn là vật chất; còn “văn minh” thì thiên trọng về vật chất nhiều hơn là tinh thần. Lại nữa, văn hóa biểu hiện nếp sống tâm linh cao quý và trọng đại, thiêng liêng và cổ kính xuyên qua vật thể và phi vật thể, là những gì nó còn mãi với thời gian và siêu việt cả không gian; còn văn minh là sự biểu hiện bằng năng lực sáng tạo của tinh thần xuyên qua vật chất, ngầm hiển thị những nét tâm linh sâu kín, nó đánh dấu sự phát triển và thành tựu của con người trong một thời điểm lịch sử nào đó xuyên qua vật thể. Khi nói đến văn hóa thì nó thuần túy tinh thần hoặc tâm linh là chính yếu; còn văn minh đóng vai trò thứ yếu. Khi nói về văn minh thì vật thể đóng vai trò chủ yếu; còn văn hóa là thuộc tính, thứ yếu. Như thế, trong văn hóa vẫn hàm tàng và chuyên tải vật thể của văn minh; còn văn minh vẫn ngầm biểu hiện những đường nét tâm linh và ấn tượng của văn hóa. Văn hóa được cân nhắc như là “lý”; còn văn minh, “sự”: sự và lý cả hai hỗ tương dung nhiếp không ngăn ngại nhau. Thế nhưng, xuyên qua ‘thư tịch chính thống’ hay ‘ngôn ngữ chuẩn mực’, chúng ta chỉ có thể nhận ra được phần nào nếp sống văn hóa bằng những trải nghiệm của chính mình. Song kinh nghiệm thì vô số, đúng hoặc sai; vì kinh nghiệm của kẻ phàm phu thì khó sánh với tầng số kinh nghiệm của bậc Thánh đã lưu lại trong thư tịch. Vậy phải chăng văn hóa chỉ có thể trực nhận qua sự kinh nghiệm của tự thân được chắt lọc từ những pháp ngữ của bậc Giác ngô?.

Trên thực tế, hễ bất cứ vấn đề gì mà đối lập với văn hóa là phi văn hóa; ngược với chánh đạo là tà đạo. Phật giáo luôn chủ trương bình đẳng và vô ngã, hiểu rõ và thấy đúng như thật rằng con người là trung tâm của vũ trụ, là hạt nhân của sự giải thoát giác ngộ. Mái nhà tâm linh của Phật giáo là “mái chùa che chở hồn dân tộc” và nếp sống văn hóa Phật giáo là “nếp sống muôn đời của Tổ tông”, là diệu dụng phi thường được biểu hiện qua những thao tác thoát tục siêu phàm bắt nguồn từ tâm vô trụ. Song Phật giáo không hề dừng lại ở văn hóa, cũng không miệt thị phi văn hóa; vì cả hai còn rơi vào vòng tương đãi; trong khi đó nếp sống tâm linh văn hóa của Phật giáo vượt lên trên cả hai. Phật giáo nhờ thế mà vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian và siêu việt cả không gian.

4. Xây chùa văn hóa - độ tụ tâm linh: Việc xây chùa văn hóa là nêu cao tín ngưỡng về lãnh vực tôn giáo, nhấn mạnh đến truyền thống thiêng liêng của Phật giáo nói chung và thanh qui của thiền môn nói riêng, là sự duy trì những sắc thái đặc thù và những biểu tượng cao quý của Phật giáo. Chùa văn hóa có nhiều loại nhưng có lẽ không ngoài hai loại: chùa văn hóa vật thể và chùa văn hóa phi vật thể.

a) Chùa văn hóa vật thể: Loại chùa này có rất nhiều thể loại nhưng tựu trung tạm thống kê theo 3 loại: chùa của vua chúa, chùa riêng của hàng quí tộc (hoàng thân quốc thích của hoàng gia), và chùa làng hoặc chùa do dân xây dựng. Những thể loại chùa này đều là biểu tượng chung cho sắc thái của chùa văn hóa; vì mỗi thể loại chùa đều có văn hóa và truyền thống đặc thù của nó. Tuy nhiên tất cả đều được xếp chung là chùa văn hóa vật thể; vì được định rõ nơi chốn và thời gian thiết lập. Sở dĩ gọi là chùa văn hóa vật thể là vì những ngôi chùa đó theo thời gian sẽ bị mai một, hoặc do chiến tranh, thiên tai, lũ lụt... làm hư hại. Như đức Phật đã dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (nghĩa là phàm những gì có hình tướng đều là không thật). Do đó, những chùa văn hóa vật thể ấy cũng không ngoại lệ và cũng không thoát khỏi qui luật thành trụ hoại không và nguyên lý vô thường.

Với sự phổ biến, chùa văn hóa không phải là nơi duy trì những mê tín dị đoan, đồng bóng bói toán, coi xăm đoán quẻ, xem tướng cát hung, và lại càng không phải là nơi cho hàng Phật tử và không phải Phật tử đến cầu tài cầu lộc. Chùa văn hóa, như đã nói trên, là nơi thiêng liêng nhất, tôn kính nhất và linh hiển nhất. Đó là nơi tôn thờ chư Phật, chư đại Bồ-tát, những bậc A-la-hán tại chánh điện của chùa; còn hậu Tổ là nơi thờ Tổ khai sơn của chùa cùng với lịch đại Tổ sư tương thừa, cũng có nơi thờ di ảnh của những vị Sư trú trì trải qua nhiều thế hệ khác nhau, và thậm chí có nơi thờ những di ảnh của Phật tử có công đức đóng góp và gắn bó với chùa,v.v...

Những vị Giảng sư trong ngành hoằng pháp nói riêng và chư Tăng Ni Phật giáo nói chung đều có trách nhiệm một phần đối với việc duy trì và tôn tạo. Dĩ nhiên vấn đề này còn tùy thuộc vào từng địa phương ở mỗi nơi. Trách nhiệm chung là hướng dẫn đồng bào Phật tử các giới đến chùa dâng hương cúng Phật, lạy Phật, lễ bái, sám hối, tụng kinh, v.v... chứ không nên thể hiện tính cách đến chùa để mua bán đổi chác, hoặc cầu tài cầu lộc. Chúng ta cần nên hướng dẫn số đông Phật tử: y phục chỉnh tề và trang nghiêm trước khi vào chùa dâng hương lễ Phật. Hàng Phật tử thuần túy cũng nên chia sẻ với những người chưa biết đạo, hoặc những người mới vào đạo; vì quý Phật tử có cuộc sống gần gũi với họ hơn là Tăng Ni. Nói chung, chùa văn hóa vật thể có chiều dài thời gian và không gian nhất định, tuy theo định luật vô thường, nhưng những ngôi chùa văn hóa vật thể ấy vấn có những điều phi thường và bất diệt, đó là những ngôi chùa văn hóa phi vật thể.

b) Chùa văn hóa phi vật thể: Phi vật thể tức là pháp ấy chẳng có vật thể, chứ không phải là nó hoàn toàn không có. ‘Vật thể’, theo Pháp tướng Duy thức, nên được hiểu một cách na ná như ‘phù trần căn’; còn ‘phi vật thể’ cũng được hiểu na na như ‘tịnh sắc căn”. Về ‘vật thể’ – ‘phù trần căn’ thì chúng ta có thể thấy biết được; còn ‘phi vật thể’ – ‘tịnh sắc căn’ thì mắt phàm không thể thấy biết được. Lại nữa, Pháp tướng Duy thức học cũng có đề cập đến ‘biểu thức’ và ‘vô biểu thức’. ‘Biểu thức’ là thức biểu hiện ra sắc thái có thể nhận biết được; còn ‘vô biểu thức’ là thức không biểu hiện ra sắc thái và khó có thể nhận biết được. Cũng vậy, vật thể trong nghĩa này có thể được hiểu na ná như ‘biểu thức’; còn ‘phi vật thể’, ‘vô biểu thức’.

Luận chứng trên cho thấy rằng ‘tịnh sắc căn’ hoặc ‘vô biểu thức’, theo Pháp tướng Duy thức, chẳng phải là không có. Nên hiểu rằng ‘tịnh sắc căn’ hoặc ‘vô biểu thức’ không biểu hiện trên mặt hiện tượng, nhưng về ‘thuộc tính’, theo triết học Kant, hoặc về ‘tánh loại’, theo Nhân Minh Luận (Luận lý học), hay về ‘thể tánh’, theo bản thể luận, thì không phải là không có. Như vậy, chùa văn hóa phi vật thể tuy không biểu hiện trên mặt hiện tượng nhưng chẳng phải là không có. Như nói thân người có hai phần: vật chất và tinh thần. Vật chất thuộc về sắc pháp và có thể thấy được; còn tinh thần thuộc về tâm pháp rất khó nhận thấy. Vậy tinh thần trên mặt hiện tượng rất khó nhận thấy nhưng chẳng phải là không có. Chùa văn hóa phi vật thể là cốt nhấn mạnh về lãnh vực tâm linh. Tâm linh thiêng liêng ở đây ngụ ý chỉ cho thần lực linh nghiệm, hoặc sức chú nguyện siêu phàm. Nó siêu việt cả không gian và thời gian, không gian như bất tận, thời gian như vô biên. Cũng vậy, chùa văn hóa phi vật thể siêu việt cả không-và-thời gian, không gian như bất tận, thời gian như vô biên. Tóm lại, chùa văn hóa phi vật thể nên được hiểu như là chùa bất diệt với thời gian và siêu việt cả không gian.

Trên tất cả, là một Giảng sư phải tỏ ngộ lẽ vô thường, tinh thông luật nhân quả, tự sám hối nghiệp chướng, ngăn chặn vọng tâm, chuyên hành thiền định, phát huy tuệ giác, diễn bày giáo nghĩa vi diệu của đức Như Lai, tự thân biểu hiện oai nghi đoan chánh và duy trì nếp sống phạm hạnh thanh cao. Làm được như thế, chính vị Giảng sư ấy đã tự mình xây chùa văn hóa, quảng bá việc xây dựng chùa văn hóa, nêu cao tinh thần vô ngã vị tha, quyết tâm giữ gìn cho đạo pháp trường tồn, nhân dân an lạc. Ngoài ra, Giảng sư cần phải khuyến hóa Phật tử, phát tâm bồ-đề, hành Bồ-tát đạo, nỗ lực tu học, phát huy chánh kiến, tâm tâm thường niệm Tứ bất hoại tín, giữ gìn nếp sống văn hóa Phật giáo, nêu cao phẩm chất đạo đức và phát huy sứ mệnh xây chùa văn hóa. Lực lượng Giảng sư và lực lượng Hoằng pháp viên Cư sĩ là hai nhân tố chính làm nền tảng cho việc thực hiện nếp sống văn hóa và xây dựng chùa văn hóa. Điều kiện tiên quyết để phát huy việc xây chùa văn hóa trong ngành hoằng pháp thì tự thân của mỗi Giảng sư và tự thân của mỗi hoằng pháp viên Cư sĩ phải là mẫu người sống có văn hóa. Nếu tự thân của mỗi Tăng Ni và mỗi Phật tử không tự thân quyết tâm thực hiện nếp sống văn hóa mà ước mong việc xây chùa văn hóa thì khác gì kẻ đang đói mà chỉ ăn toàn là ‘bánh vẽ’. Ngược lại, mỗi Tăng Ni và mỗi Phật tử quyết tâm thực hiện nếp sống có văn hóa, thì việc xây chùa văn hóa không cầu mà vẫn được, không mong mà vẫn có, không muốn mà vẫn thành. Như đức Phật đã dạy: “Giáo pháp của Ta không phải đến để tin, mà đến để thấy và để thực hành”. Cũng vậy, diệu dụng thiêng liêng và mầu nhiệm của Phật giáo là không phải để nói về văn hóa mà cốt ở chỗ thật lòng sống với văn hóa Phật giáo để xây dựng chùa văn hóa. Hy vọng rằng mọi thành quả quan yếu trong ngành hoằng pháp với việc xây dựng chùa văn hóa sẽ là những đóa tâm hoa dâng cúng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trong dịp Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2554 và kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long Hà nội - ngày đất nước đón chào sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại của dân tộc Việt nam “ngàn năm đất nước vững âu vàng”./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Thích Kiên Định

Phó Ban Hoằng Pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế

(giaohoiphatgiaovienam.vn)