XÂY DỰNG NGÔI CHÙA TÂM LINH


http://www.phoquang.org/uploads/News/pic/small_1265160519.nv.jpg

Tăng sĩ, tự viện, kinh điển là những yếu tố cơ bản để Phật giáo hòa nhập vào cộng đồng mỗi dân tộc. Muốn đồng hành cùng dân tộc thì Phật giáo phải xây dựng được Tăng đoàn bản xứ, ngôi chùa mang nét văn hóa truyền thống tâm linh bản xứ và kinh tạng bằng tiếng ngôn ngữ bản xứ thì mới được người dân bản xứ tiếp nhận một cách cao nhất như là tôn giáo của dân tộc.

Ngôi chùa không chỉ là nơi tu niệm mà còn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng (về lễ hội giáo dục, du lịch, giải trí), nơi hội tụ những yếu tố văn hóa tâm linh tinh túy của quần chúng.

Từ nơi sơn lâm cao nguyên đến vùng đồng bằng sông nước hay biển đảo xa xôi, từ nơi thành thị phố xá đông đúc đến vùng thôn quê hẻo lánh, ngôi chùa luôn ẩn hiện hiền hòa trong lòng dân tộc Việt Nam. Chùa là nơi gởi gắm bao niềm tin, ước nguyện, bao trí tuệ sáng tạo của cộng đồng. Mái chùa hiền hòa, tiếng chuông ngân vọng, tiếng mỏ trầm hùng, hàng cau vi vu trong gió, cội Bồ Đề tỏa bóng dịu mát, nhà sư giản dị chân tình là những yếu tố từ lâu đã đi vào trong tâm tư, tình cảm người dân Việt Nam. Dù xa xứ, lòng vẫn trân trọng hướng về.

“Văng vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Thích. Mãn Giác

Nói đến ngôi chùa là nói đến tâm linh, vì không có yếu tố tâm linh thì không phải là ngôi chùa (đó có thể chỉ là nhà trưng bày hay bảo tàng). Nên yếu tố quan trọng nhất của ngôi chùa chính là tâm linh. Mọi chi tiết như phối cảnh tổng thể, không gian thờ phụng, mô típ tạo tượng, không gian cây xanh, hoa văn, kiến trúc và tổ chức sinh hoạt đều phải được chú trọng để tạo sự hài hòa cả về nét văn hóa bản xứ và định hướng tâm linh. Mỗi ngôi chùa có một không gian tâm linh khác nhau tùy theo cách thiết kế của mỗi nơi.

Nhìn vào không gian tổng thể một ngôi chùa có thể nhận diện được phần nào hoạt động chính của chùa, xu hướng tâm linh và pháp môn tu tập của vị trụ trì.

Vì vậy, việc xây dựng ngôi chùa thể hiện hài hòa nét văn hóa tâm linh cần chú trọng những yếu tố sau:

I. Cơ sở vật chất:

1. Phối cảnh tổng thể:

+ Không gian thanh lọc tâm từ động sang tĩnh: Bên ngoài cổng chùa là cuộc sống thế tục đầy lo âu, bất an. Người đến chùa cần có không gian lĩnh lặng. Chùa nên có sân rộng phía trước và mảng cây xanh hoặc hòn non bộ để người đến chùa cảm nhận sự thanh thản, nhẹ nhàng từng bước chân khi tiến vào đại điện. Không gian này giúp mọi người kịp xả bỏ, lắng dịu, giảm nhẹ những âu lo trước khi vào chùa dâng hương lễ Phật.

+ Biểu tượng định hướng tâm linh: Các chùa thường tôn trí tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Bồ Tát Quan Thế Âm, vườn Lâm Tỳ Ni hay cảnh Phật thuyết pháp phía trước sân như là biểu tượng định hướng tâm linh cho mọi người. Phật Di Lặc với nụ cười hoan hỷ như làm cho mọi người xả bỏ tâm phiền não, lo toan. Phật Thích Ca với tư thế thiền quán an nhiên như nhắc nhỡ mọi người quay về với bản tâm của mình. Bồ Tát Quan Thế Âm với ánh mắt hiền hòa, tay cầm nhành dương và bình cam lộ như xua tan bao nỗi khổ trần ai, làm cho mọi người có cảm nhận như đang được che chở. Mọi người có thể ngồi trước tượng Phật, Bồ Tát hay nơi hàng cây trước sân chùa để lắng lòng hay bình tâm trong giây lát trước khi vào chính điện.

Có chùa thiết kế ao sen trước sân, còn gọi là ao tĩnh tâm, tôn trí tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở giữa để mọi người vãng cảnh mà gội rữa lòng trần, xua tan niềm tục lụy.

Phải thể hiện làm sao khi vào cổng chùa, mọi người có được cảm nhận chùa là mái ấm ta về thì việc định hướng tâm linh mới thành tựu.

+ Không gian chính và không gian phụ: Không gian chính là ngôi chùa (gồm Phật điện và tổ đường, tiền Phật hậu tổ). Không gian phụ là giảng đường, thư viện, Tăng xá, nhà trù ... Có khi, giảng đường gắn liền với Phật điện (như hiện nay một số chùa xây chính điện ở lầu 1 và giảng đường ở tầng trệt).

Không gian chính là chính điện cần thiết lập tại địa thế trung tâm, nền cao để thể hiện sự uy nghiêm, (nói một cách chính thể trong tổ chức là đầu não tâm linh). Cần nên tách rời không gian chính và không gian phụ với khoảng cách nhất định, nếu khoảng cách xa thì có thể thiết kế mảng cây xanh và thiết kế nhà cầu để tạo sự liên kết và thuận tiện trong sinh hoạt. Chùa xưa thường thiết kế giếng trời giữa chính điện và trai đường để tạo sự cân bằng không khí và ánh sáng. Nơi đây có thể trang trí hòn non bộ, hoa kiểng, bàn để đọc sách, uống trà, ngắm trăng … Đây là một sáng tạo độc đáo của người xưa.

Thông thường, khu nhà Tăng và trai đường ở phía sau hoặc bên phải tổ đường và giảng đường phía trái tổ đường. Khu nhà trù, nhà vệ sinh thường ở hướng nghịch gió để mùi vị không bay vào chùa.

Tùy theo địa thế, mỗi chùa có cách bố trí phù hợp nhưng phải thể hiện rõ nét không gian chính và không gian phụ để không gian tâm linh (trọng tâm là Phật điện) không bị không gian sinh hoạt làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh tôn nghiêm.

Không gian xây dựng được thiết kế hài hòa, thông thoáng, bố cục rõ ràng sẽ làm cho người an trú tu học lẫn người đến thăm viếng cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng và dễ dàng hòa nhập. Ngược lại, những chùa có bố cục không thông thoáng, không rõ ràng làm cho mọi người bất tiện trong sinh hoạt, rối rắm trong vãng cảnh và nặng nề trong tâm trí.

2. Không gian thờ phụng:

- Không gian thờ phụng là yếu tố quyết định bản sắc văn hóa tâm linh chính của một ngôi chùa.

- Hình tượng Phật, Bồ Tát: Khi vào đại điện, mọi cử chỉ, lời nói, hành động đều phải từ tốn, nhẹ nhàng để tâm thức lắng động hướng về chiêm ngưỡng tôn dung Phật, Bồ Tát. Vì hình tượng Phật, Bồ Tát chính là nguồn cội tâm linh giao cảm tâm thức con người. Mỗi dân tộc đều có hình tượng Phật, Bồ Tát mang bản sắc riêng cho mình. Hình tượng tôn thờ quá xa lạ với dân chúng thì sự gắn bó sẽ giới hạn; nếu hình tượng tôn thờ gần gũi với dân chúng thì họ nhất mực tin theo. Điều này nói lên tinh thần tùy thuận chúng sinh hay tùy duyên bất biến của Phật pháp.

Tin Phật là tin bằng con tim và cả lý trí. Lòng hướng Phật nhưng trong tâm vẫn chưa cảm nhận được sự gần gũi về hình ảnh Phật (vì tượng Phật mang hình ảnh của dân tộc xa lạ) thì niềm tin chưa trọn vẹn. Nếu có tin nhiều thì niềm tin thiếu trí tuệ. Điều này không phải là niềm tin trong Phật giáo.

Việc tiếp biến, giao lưu, kế thừa văn hóa là cần thiết nhưng không phải hoàn toàn là sao chép. Đến một ngôi chùa mà từ ngoài vào trong đều là những hình thức sao chép của Đài Loan, Campuchia, Tây Tạng, Nhật Bản… thì dù đẹp cách mấy cũng trở nên xa lạ với tâm tưởng của người dân Việt.

Vì thế, việc tạo tượng cần chú trọng yếu tố này, nếu không sẽ giảm đi sự giao cảm tâm thức trong lòng người và khó kế thừa tinh thần đạo pháp đồng hành cùng dân tộc trên phương diện văn hóa tâm linh.

- Cách tôn trí (phương hướng, trật tự vị trí):

Bàn thờ Phật được thiết kế ngay trung tâm đại diện.

+ Cách thờ Tam Thế Phật: Tam Thế Phật là Phật A Di Đà tượng trưng cho quá khứ, Phật Thích Ca tượng trưng cho hiện tại và Phật Di Lặc tượng trưng cho tương lai. Nếu thờ chung một bàn và bàn chỉ có một cấp thì Phật A Di Đà để ở chính giữa phải cao hơn Phật Thích Ca ở bên phải và Phật Di Lặc ở bên trái. Nếu bàn có tam cấp thì trên là Phật A Di Đà, giữa là Phật Thích Ca ở dưới là Phật Di Lặc.

+ Cách thờ Tây Phương Tam Thánh: Phật A Di Đà tôn trí chính giữa, bên trái là Bồ Tát Quán Thế Âm và bên phải là Bồ Tát Đại Thế Chí (còn gọi là Tây Phương Tam Thánh). Có nơi thờ 3 vị chung một bàn thờ (nếu chỉ có 1 bàn). Có nơi thờ 3 vị 3 bàn riêng biệt và bàn giữa phải cao hơn hai bên.

+ Cách thờ Đức Bổn Sư: Phật Thích Ca tôn trí ở giữa, bên trái là Bồ Tát Văn Thù và bên phải là Bồ Tát Phổ Hiền, hoặc bên trái là Bồ Tát Quan Âm và bên phải là Bồ Tát Địa Tạng. Có nơi thờ 3 vị chung một bàn thờ (nếu chỉ có 1 bàn). Cũng như cách thờ Tây Phương Tam Thánh, có nơi thờ 3 vị 3 bàn riêng biệt và bàn giữa phải cao hơn hai bên.

+ Cách thờ Hộ Pháp: Hộ pháp là hóa thân của các vị Bồ Tát, thường là Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Vi Đà. Dân gian gọi là ông thiện (Hộ Pháp Vi Đà), ông ác (Tiêu Diện Đại Sĩ). Sau đây là một số cách tôn trí tiêu biểu:

* Chùa miền Bắc thường thờ hai vị Hộ Pháp phía trước hai bên điện Phật, mặt hướng ra cửa.

* Chùa miền Trung thường thờ hai vị Hộ Pháp phía trước hai lầu chuông trống, mặt hướng đối diện nhau.

* Chùa miền Nam thường thờ hai vị Hộ Pháp phía trong hai bên vách cửa điện Phật, mặt hướng vào đối diện bàn Phật.

Hiện nay, vì không gian xây dựng chùa có phần cách tân nhằm thuận tiện sinh hoạt, nhất là ở miền Nam, việc tôn trí thờ phụng có phần linh động hơn sao cho dễ dàng sinh hoạt lễ bái nên có nhiều sự khác biệt với truyền thống trên.

+ Cách thờ 18 vị A La Hán: có ba cách tôn trí phổ biến.

Thứ nhất: Thờ các vị A La Hán chung với Phật và Bồ Tát (miền Nam là chủ yếu).

Thứ hai: Thờ các vị A La Hán riêng biệt bằng các bệ thờ hai bên vách chính điện.

Thứ ba: Thờ các vị A La Hán riêng biệt bằng các bệ thờ hai dãi nhà cầu nối từ tổ đường lên Phật điện (như chùa Trăm Gian, miền Bắc là chủ yếu).

Trên đây là khái quát một số hình thức tôn trí không gia thờ phụng tiêu biểu mang tính gợi ý. Tuy tất cả đều hướng về Tam Bảo như mỗi miền Nam, Trung, Bắc đều có cách thờ phụng riêng theo quan niệm, tập quán tín ngưỡng riêng.

3. Hoa văn, họa tiết:

- Hoa văn: Hoa văn trang trí trong chùa bao gồm những biểu tượng cơ bản như sư tử, tứ linh (chủ yếu là hình rồng, đứng đầu trong tứ linh theo quan niệm phương Đông), chữ vạn, bánh xe pháp luân, lá bồ đề, sen.

Bánh xe pháp luân, chữ vạn, hình rồng và hoa sen thường được trang trí trên nóc và mái chùa.

Có 3 hình thái trang trí cơ bản sau:

+ Ngoài đơn giản trong chi tiết: Đây là đặc trưng của chùa miền Bắc.

Mái chùa miền Bắc thường uốn cong, góc mái vươn xa thoai thoải tạo dáng uyển chuyển vững vàng với hoa văn vân mây và hình rồng lượn mình hồi đầu về đỉnh chùa. Hoa văn không quá chi tiết nhưng mạnh mẽ và uyển chuyển.

Nhưng, hoa văn trang trí trong nội điện lại chi tiết đến từng góc cạnh từ bệ thờ, bao lam, hoành phi, câu đối, pháp khí, cột, kèo … làm cuốn hút người thưởng lãm. Không gian ít thông thoáng và ít ánh sáng, u tịch thiêng liêng. Màuvàng và đỏ là chủ đạo trong trang trí. Đặc biệt, chùa miền Bắc luôn có mô hình Tam Bảo thu nhỏ để chính giữa.

+ Ngoài trong đều chi tiết: Đây là đặc trưng của chùa miền Trung. Mái chùa miền Trung thường mái thẳng, không uốn con góc mái. Sóng lươn trên đòn dông và 4 góc được cách điệu thành từng khuôn lọng với nhiều họa tiết rất chi li và nhiều màu sắc, nhiều nơi trám bằng miễn sành chén kiểu và thủy tinh để tạo kết cấu bền chắc. Hình rồng trang trí bên trên khuôn lọng cũng rất chi tiết đến từng móng vuốt, vải, râu, mắt ... trông như đang lượn mình trong mây.

Bên trong chính điện có rất nhiều bao lam, câu đối, hoành phi, bệ thờ, phan, lọng được chạm khắc tinh vi. Điều này dễ hiểu vì chùa miền Trung ảnh hưởng văn hóa cung đình nên tất cả kiến trúc tự viện, nghi lễ tán tụng… đều rất chuẩn mực theo từng họa tiết, âm điệu.

Tuy nhiên, cổng chùa thường cách điệu theo mô hình chùa, có khi chỉ là hai cột trụ đơn giản theo kiến trúc lăng tẩm cung đình.

+ Ngoài trong đều đơn giản: Mái chùa miền Nam không họa tiết cầu kỳ, mái xuôi và ít khi cong ở 4 góc. Nội thất trong chính điện cũng đơn giản. Hoa văn, họa tiết nhẹ nhàng, đôi khi chỉ vài nét chấm phá tạo hình. Điều này cũng nói lên tính tình chất phát, phong cách bình dị và đời sống mộc mạc của người miền Nam.

Nếu như mái chùa miền Bắc mạnh mẽ vươn dài thoai thoải, họa tiết cuồn cuộn rắc chắc mà không quá trọng chi tiết, mái chùa miền Trung vừa phải trung bình lại quan trọng từng họa tiết như bức tranh toàn bích, thì mái chùa miền Nam đơn giản, nhẹ nhàng như một cánh sen hòa mình trong cánh đồng hay bên dòng sông tươi mát.

- Họa tiết: Họa tiết trang trí gồm những bức tranh Phật, Bồ Tát, các vị Thánh, hình sư tử, hoa sen, tranh chữ thư pháp ghi lời kinh Phật… Hiện nay, những chùa mới trùng tu nên dùng chữ Việt để mọi người dễ lãnh hội lời Phật dạy, nghĩa lý thánh hiền.

II. Đời sống tinh thần: Là tổ chức sinh hoạt tu học, đây chính là linh khí của ngôi chùa.

Xây dựng ngôi chùa vật chất tuy khó nhưng huy động nhiều sức lực có thể làm được, ngôi chùa tâm linh chỉ có thể xây dựng bằng công đức tu hành.

1. Xây dựng đạo tràng và chương trình lễ hội:

- Lễ bái tụng niệm: Chùa phải xây dựng được chương trình lễ bái và tụng niệm để mọi người gieo trồng công đức, thấm nhuần lời Phật dạy. Hai thời công phu tối và khuya là nghi thức cơ bản nhằm vun bồi công đức tự thân và hồi hướng công đức lành nguyện cầu quốc thới dân an.

Hơn nữa, cần hướng dẫn nghi thức tụng niệm tại gia cho Phật tử xây dựng đạo tràng tu học tại nhà, phát huy hình thức Phật hóa gia đình.

- Tổ chức đạo tràng: Chùa phải thành lập đạo tràng tu học để mọi người được huân tu đạo nghiệp. Tùy theo nhu cầu, căn cơ mọi người mà tổ chức những khóa tu như Tu Thiền, Bát Quan Trai, niệm Phật, Trì Chú, Sám Hối, Trì Kinh.

* Đạo tràng là môi tường kết nối tâm linh giữa chùa và Phật tử, giữa Thầy và trò, giữa những người đồng hạnh nguyện giác ngộ.

* Đạo tràng là cơ duyên thiết lập thiện nghiệp và gieo hạt giống bồ đề cho đại chúng.

* Đạo tràng là nhân duyên thù thắng để mọi người trợ duyên nhau cùng thực tập đời sống chánh niệm, chuyển hóa tự thân.

- Tổ chức thuyết giảng Phật pháp: Giúp mọi người nâng cao trí tuệ Phật pháp, nắm vững phương pháp tu tập. Hai vấn đề trọng tâm của người Phật tử khi đến chùa là vun bồi phước đức và trí tuệ (Phước Trí Nhị Nghiêm Phương Tác Phật). Trí tuệ càng rộng mở thì u minh nghiệp chướng sẽ giảm dần và càng nâng cao khả năng thực nghiệm giáo lý an lạc, giải thoát của Phật Đà.

- Tổ chức lễ hội: Tổ chức những lễ hội như Vía Phật Di Lặc vào đầu xuân mới, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan – Báo Hiếu, lễ Trung Thu cho giới trẻ, lễ Phật Thành Đạo, lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm … Mọi người tham dự sẽ nâng cao nhận thức về những giá trị tâm linh thiêng liêng của các lễ hội, những công hạnh của Phật, Bồ Tát … noi theo tu học.

Lễ hội là nhịp cầu tâm linh cho mọi người theo con đường thánh thiện hướng về bờ giác. Vì vậy, yếu tố tâm linh là nền tảng chính của lễ hội Phật giáo.

2. Xây dựng ngôi chùa tâm linh tự tâm: Những yếu tố trên là nền tảng xây dựng niềm tin chánh tín, niềm tin bất thối chuyển nơi Tam Bảo. Khi ngôi Tam Bảo tự tâm được vững vàng thì người Phật tử sẽ hộ trì Phật pháp một cách rốt ráo nhất.

Tự tâm của người Phật tử đầy đủ niềm hỷ lạc nơi Tam Bảo thì họ sẽ vận dụng giáo lý mọi lúc, mọi nơi và với mọi người mà họ có cơ duyên chia sẽ. Lúc nào tâm cũng có Tam Bảo để nương tựa; nơi đâu họ cũng có thể nhớ lời Phật dạy mà không còn giới hạn bởi ngôi chùa bằng biểu tượng vật chất nên ngoài.

Mỗi người là một ngôi chùa tâm linh di động thì Phật pháp hiện hữu nơi nơi, chánh pháp trường lưu khắp chốn. /.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

ĐĐ. Thích Lệ Trí

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)