Mười năm đèn tuệ thắp sáng

alt

1. LỄ KỶ NIỆM ĐỆ THẬP CHU NIÊN CHÙA PHÁP VÂN (2000-2010)

Trong thư mời tham dự Lễ Kỷ Niệm Đệ Thập Chu Niên Thành Lập Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân, Thượng tọa Thích Tâm Hòa đã nêu mục đích của lễ này là để “đánh dấu một đoạn đường với nhiều kỷ niệm thăng-trầm, thành-bại, tấn-thoái để từ đó, học hỏi, rút kinh nghiệm mà thực hiện hiệu quả hơn cho những đề án phật sự tương lai; đồng thời là cơ hội để bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đối với sự tin cậy, quí mến, ủng hộ của Tăng Ni phật-tử, cũng như của cộng đồng người Việt địa phương.”

Mục đích buổi lễ có vẻ đơn giản, khiêm nhường như thế, nhưng đã được đón nhận một cách trân trọng bằng sự quang lâm chứng minh và tham dự của khoảng trên 50 chư tôn đức Tăng Ni từ nhiều quốc gia và hàng nghìn phật-tử xa gần.

1

Buổi lễ được bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng Chủ nhật, ngày 13.6.2010. Sáng ấy là một buổi sáng mà thời tiết tương đối tốt, trời quang mây tạnh.

Âm vang của chuông trống bát nhã được cử lên, từng bước thảnh thơi của quý Thầy Cô trước buổi sớm đầu hạ quang lâm từ chánh điện, hàng ngàn phật tử trang trọng đứng lên  trang nghiêm chắp tay cung đón quý Thầy. TT. Thích Nguyên Lạc, xướng ngôn viên của buổi lễ, đã trích một đoạn trong kinh Đại Bát Niết Bàn để tán thán công đức của chư tôn đức tăng ni và phật tử đã góp phần kiến tạo, duy trì và phát triển Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân: “Trên đời có hai hạng người cao quý như cánh hoa Ưu Đàm: một là hạng người biết kiến tạo ra cái mới, và hai là hạng người tu sửa cái cũ.” Sau lời mở đầu này, xướng ngôn viên đã cung thỉnh TT. Thích Tâm Hòa, thay mặt Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc. Bài diễn văn đã nêu bật chí nguyện cao xa của kẻ xuất trần dấn thân hoằng pháp lợi sinh, đồng thời cũng khích lệ phật tử trong các việc thiện từ nhỏ đến lớn để hộ trì Chánh Pháp:

“Hôm nay Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Mười năm trôi qua, có những việc đã làm được tốt đẹp nhờ sự đồng tâm của tất cả chúng ta, nhưng cũng có rất nhiều việc chưa làm được vì giới hạn của nhân duyên, của năng lực. Hướng về mục tiêu tối hậu là giải thoát giác ngộ, rồi nhìn lại những gì đã làm, cảm thấy những điều gọi là thành tựu, chưa phải là điều to lớn như mong đợi. Nhìn con đường bồ-tát thăm thẳm mang mang, mới nghiệm ra chặng đường mười năm chỉ là thoáng chốc nhỏ nhoi. Tuy nhiên, như kinh Pháp Hoa có chép rằng: "Dù một kẻ nào đó với tâm tán loạn, đi vào nơi tháp miếu, chỉ một lần xưng tụng danh hiệu Phật, cũng đều thành Phật đạo.” Tư tưởng kiệt xuất lạ thường ấy, vừa cho thấy sự đơn giản của hành trình bồ-tát, mà cũng vừa là tuyên ngôn khẳng định phẩm tính cao vời của Phật có sẵn nơi mỗi chúng sinh. Bởi vì tất cả chúng sanh đều hàm tàng Phật tính, nên tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật.

Như vậy, những thành tựu nhỏ của chúng ta trong mười năm qua, dù nói đơn giản thế nào, cũng chính là những hạt giống của bồ-đề tâm gieo xuống mảnh đất trần gian thống khổ này. Những hạt giống này có thể thu nhỏ trên mảnh đất Pháp Vân, rút gọn trong chặng mốc thời gian mười năm thành lập, nhưng khả tính của chúng, khả tính để hoàn tất sự nghiệp trí tuệ, thành tựu con đường bồ-tát, là điều chắc chắn, là điều của vô tận không gian, là điều của vô hạn thời gian.” (ngưng trích)

2

Sau diễn văn khai mạc của TT. Thích Tâm Hòa, xướng ngôn viên đã lần lượt giới thiệu các vị phật tử đại diện ba thế hệ lão niên, trung niên và thiếu niên sinh hoạt tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp Vân. Mỗi thế hệ có 10 người đại diện để đánh dấu ý nghĩa 10 năm thành lập của trung tâm.

Đầu tiên là thế hệ lão niên, với vị đại diện là cô Yla Lê Khắc Ngọc Quỳnh. Cô đã tóm nêu những thành tựu đáng ghi nhớ nhất trong vô số những thành tựu của chùa Pháp Vân đối với văn hóa Lạc Việt và Phật giáo nói chung. Trong số đó, có những đóng góp cụ thể như mở lớp học Việt ngữ, tổ chức các khóa tu học Phật Pháp định kỳ hàng năm, hàng tháng và hàng tuần, tổ chức câu lạc bộ bóng bàn khích lệ tinh thần thể thao, yểm trợ quỹ học bổng cho sinh viên xuất sắc, cứu trợ thiên tai khẩn cấp, thực hiện các công tác từ thiện xã hội, v.v…

Thế hệ trung niên được cô Thanh Khương thay mặt để bày tỏ niềm tri ân đối với Tăng chúng và các sinh hoạt lợi lạc của Trung Tâm Văn Hóa Pháp Vân “Nhớ ngày nào viên đá đầu tiên mới được đặt xuống trên mảnh đất khô cằn, rồi cùng với thời gian, viên đá ấy đã kết nối với bao viên đá khác đã kiến tạo nên một ngôi đạo tràng Pháp Vân kiên cố như hôm nay. Cũng chính nơi đây, mười năm trước là nơi con đã quay về nương tựa ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Mười năm trước, trên con đường cứ mãi bôn ba vì những nhu yếu  cho cuộc đời tạm bợ, con như tìm được ngôi nhà thực sự để an trú mỗi lúc lạc lòng. Vô thường cứ song hành cùng con từng phút từng giây mà con không hề hay biết. Cho đến một ngày, cái vô thường ấy trực diện  trong con, con càng thấm thía lời Phật dạy. Con đã biết thế nào là “thực hành và chứng nghiệm nơi tự thân”. Nhưng trước khi có được những kinh nghiệm quý báu ấy, con đã được sự thương mến dìu dắt ân cần của quý Thầy trong mỗi thời kinh, trong từng lời thuyết pháp, qua những lời trấn an giáo huấn của quý Thầy, và qua những khoá tu hàng năm mà quý Thầy cố gắng tổ chức để mang lại lợi lạc cho chúng sinh...Nhờ vậy con đã vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, và bừng lên một niềm tin kiên cố nơi đạo pháp. Và để giữ vững niềm tin ấy, con và các đạo hữu đã cố gắng dành thời gian hiếm hoi từ cuộc mưu sinh để có thể dấn thân vào các sinh hoạt Phật sự của chùa bằng tất cả sự hoan hỷ, để phần nào đền đáp công ơn hoá độ của quý Thầy, và cùng quý Thầy phụng sự phật pháp vì chúng sinh, đồng thời qua đó con tìm được sự an vui cho bản thân và gia đình, và con mong rằng người người ai cũng an lạc như con”.

Đại diện thế hệ thiếu niên do em Tịnh Anh, Nguyễn Thư Vân phát biểu cảm nghĩ bằng song ngữ Việt-Anh thật rõ ràng, những tâm sự dễ thương từ khi em theo mẹ đến chùa những ngày đầu còn ngỡ ngàng, cho đến nay em cảm thấy ngôi chùa thân quen và gần gũi vơí quý Thầy hơn. Tuy còn nhỏ nhưng em biết được sự lợi lạc qua các lớp học Việt ngữ, các lớp học Phật dành cho lứa tuổi như em, biết làm một người con ngoan trò giỏi và sống tốt với bạn bè và phục vụ cộng đồng.

3

4

5

Tiếp đến là đạo từ của HT. Thích Minh Tâm, viện chủ chùa Khánh Anh, đến từ Pháp quốc. Hòa thượng trích một đoạn trong bài sám Qui Mạng của Thiền sư Qui Sơn để nói lên hạnh nguyện chung của những bậc xuất gia: “Kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng. Hàng phục chúng ma, thiệu long Thánh Chủng.” Có nghĩa rằng người xuất gia khi dấn thân hoằng pháp, phải thiết lập, xây dựng đạo tràng tu tập ở khắp nơi; có đạo tràng tu tập thì mới tạo điều kiện tốt cho mọi người hiểu biết Chánh Pháp mà phá trừ những nghi hoặc vô minh của họ. Người xuất gia cũng phải nỗ lực thiền quán để hàng phục nội ma và ngoại chướng, nhờ vậy mới có thể làm hưng thịnh dòng giống của Phật. Với hạnh nguyện này, Hòa thượng tán thán sự kiên trì, nhẫn nại và tinh tấn của Tăng chúng và phật tử chùa Pháp Vân trong mười năm qua để vượt qua những chướng ngại, thử thách mà bất cứ ngôi phạm vũ nào cũng gặp phải trên đường hành đạo.

Đạo từ của Hoà Thưọng vừa dứt thì mỗi quý Thầy Cô đều đã có trong tay mình một chiếc bóng bay. Mỗi chiếc bong bóng là mỗi người con Phật, tuỳ duyên  hóa độ theo hướng gió cuộc đời. Bong bóng vừa được thả lên thì tiếng nhạc cũng vừa hân hoan ngân vang. Bóng bay xa tít ẩn vào những vệt mây trắng thong dong trên nền trời đang dần quang đãng.

Buổi lễ kỷ niệm đệ thập chu niên hoàn mãn, trả lại không gian để mọi người chiêm bái, đảnh lễ đức Bổn sư. Sân chùa  bắt đầu rộn rã với từng nhóm ngưòi đủ các sắc dân đến từ khắp nơi Canada va các vùng phụ cận.

Chiều nay sẽ có buổi lễ thắp nến cầu nguyện cho thế giới hoà bình chúng sinh han lạc, biết thế nên mọi người thảnh thơi dạo quanh các gian hàng ẩm thực và gian hàng quà lưu niệm sau khi đã đảnh lễ, chụp hình...

2. LỄ ĐỐT NẾN CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Thời tiết chiều nay thật ưu đãi, trời không mưa không nắng, lòng Phật tử cũng thật hân hoan. Giờ phút mong đợi từ lâu đã đến, các bóng hoàng y của chư tôn đức tăng ni rực sáng giữa trời chiều theo tiếng chuông tiếng trống trầm hùng vang lên. Chư vị đang tiến về phía lễ đài để cử hành buổi lễ thắp nến cầu nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc.

Trên một khoảng không gian được trải thảm đỏ, hàng trăm ngọn nến được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Mỗi tà áo lam tuỳ duyên đứng trước mỗi ngọn nến của riêng mình. Nến được truyền nhau thắp sáng. Ánh sáng dần lan toả khắp từ khoảng không gian giới hạn trong thảm đỏ cho đến những hàng Phật tử đứng ngồi bao bọc chung quanh khuôn viên lễ đài. Phiá dưới ngự toà, một bánh xe pháp được sắp xếp bằng những ngọn nến cũng được thắp lên cùng lúc.

Đôi tay cung kính chắp lại để cung nghinh quý tăng ni quang lâm từ chánh điện mà mắt cứ mãi hướng về tôn bảo tượng. Cho đến khi tiếng của TT. Thích Nguyên Lạc vang vang một mẩu chuyện cổ Phật Giáo quen thuộc về một bà lão nghèo đã cúng dường đức Phật một ngọn nến vơí duy nhất một tấm lòng thành thôi mà đã được Phật thọ ký. Lòng tôi bây giờ không biết đang ngược về quá khứ với hình ảnh của một bà bão nghèo và ngọn nến sáng mãi không tàn lụi, hay đang xuôi về tương lai, rằng ngọn nến trước mắt tôi đêm nay không biết sẽ được sáng đến khi nào. Cha lành đang ngự trên cao chắc cũng thấu đạt được những điều tôi đang nghĩ. Lòng tôi đang lo sợ vì những cơn gió chiều cứ làm ánh lửa lung lay lúc cháy sáng mạnh mẽ, lúc như muốn phụt tắt đi bất cứ lúc nào. Tâm đang trôi lờ lững theo hiện tượng vô thường của thời tiết thì cả đạo tràng cất lên những dòng mật ngôn Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni được nối tiếp nhau, liên tục từ biến thứ nhất đến biến thứ bảy, không còn thời gian cho tâm rong chơi nghĩ ngợi nữa, dù là đang nghĩ đến một biểu tượng cao đẹp nhất trước mắt tôi. Tâm giờ đây trống rỗng chỉ còn là khoảng không thanh tịnh để cảm nhận từng sát-na nhiệm mầu đang toả dần khắp cõi trời và người. Từng niệm hồng danh các đức Phật là từng hơi thở mang đến sự an lạc và thảnh thơi, không lo toan vướng bận, không sân hận cuồng si. Năm phút tĩnh tâm để mỗi người tự nhận thức mình còn đang tiếp xúc với sự sống hiện tại, để thấy mình vẫn còn may mắn được ngồi đây, nơi đạo tràng thật an lành linh thiêng này, để từ đó hướng vọng về một thế giới bên ngoài đang đảo điên vì lòng mê muội vô minh. Hai tay trang trọng nâng ngọn nến vẫn còn sáng lên trước trán, thân tâm tôi vô cùng xúc động dù đã cố lắng lòng nghe TT. Thích Tâm Hoà đại diện cho chư tôn đức và hàng phật tử tuyên đọc lên ước vọng của muôn loài:

“Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Từ dưới chân Tôn Tượng Phật Ngọc cho Hòa Bình, chúng con xin đem hết thân tâm, chí thành cầu nguyện:

Nguyện xin ánh Tuệ quang của Ðức Phật soi chiếu cõi trần gian u tối này, khiến cho vạn loại thấy được nẻo về với bản tâm thanh tịnh, ngời sáng, nhờ đó có được Chánh tri kiến để cởi bỏ dần những vọng động của tham lam, sân hận, si mê.

Nguyện xin ánh Từ quang của Đức Phật lan tỏa khắp các cảnh giới vô thường, khổ, không, khiến cho tất cả chúng sinh, từ nơi sinh-diệt mà khởi Đại Bi tâm, thương yêu và tha thứ cho nhau, chỉ mong đem lại phúc lạc cho nhau, kiến tạo một thế giới hòa bình, thịnh trị.

Thế giới này, thế giới kia, con người và sinh loại chìm đắm trong mê vọng vị ngã, đã vô tình hoặc cố ý gây tạo khổ đau cho mình và cho người, oan khiên và nghiệp báo chồng chất trùng trùng; nguyện xin năng lực hộ trì của mười phương chư Phật, chư bồ-tát, chư hộ pháp thiện thần, khiến cho chúng sinh các cõi từ bỏ những tham vọng chấp trước, tiêu tan các hận thù oán đối, chuyển hóa những cuồng tín si mê.

Quốc độ này, quốc độ kia, con người và sinh loại luôn phải sống trong bất an, sợ hãi bởi tai ương, hiểm họa cùng khắp; nguyện xin năng lực hộ trì của mười phương chư Phật, chư bồ-tát, chư hộ pháp thiện thần, khiến cho tất cả được bình an, vô hại, an nhiên trong đời sống thái bình, lạc nghiệp.

Ngưỡng nguyện từ nơi đạo tràng linh thiêng này, ngọn đèn Từ Bi và Trí Tuệ của Đức Phật sẽ được đại chúng tiếp nối nhau, thắp lên và truyền đi, để thế gian sinh diệt có thể biến thành nhân gian tịnh độ.

Nam mô Vô Tận Đăng bồ-tát”

6

Không rung động sao được khi ngọn nến này đây đang quá mong manh. Đờ người cũng vô thường tạm bợ có hơn gì ngọn nến trước gió đâu (mạng nhược phong đăng). Nhưng cũng chính từ cái không thường hằng dễ mất ấy, người ta có thể nương vào đó mà thắp lên một niềm tin. Sinh trong diệt, diệt trong sinh. Trong khổ đau có hạnh phúc. Nước mắt tuôn trào khi ngọn nến vẫn còn nâng cao ngang vầng trán. Nước mắt rơi xuống vì khổ đau và đồng cảm với những nỗi đau trong cái thống khổ chung của muôn loài. Nhưng giọt lệ ấy cũng đã cuốn trôi và bôi xoá đi những phiền não chất chứa trong lòng để thân tâm trong sáng. Ngọn nến từ từ được hạ xuống cũng bằng hai tay, tôi mở mắt, lòng mừng vui vì ngọn nến nhỏ vẫn còn cháy sáng. Niềm tin vẫn còn. Không sợ hãi, không ưu sầu, không si vọng, ánh nến nhỏ nhoi vô tư reo vui cùng với gió.

Hoàng hôn đã tắt từ lúc nào, màn đêm chập choạng buông buống phủ trùm lên vạn vật, lên con người. Tôi không thấy đạo tràng phía sau tôi lung linh bằng mắt thịt, nhưng tôi có thể thấy được vẻ diễm ảo u huyền bằng sự truyền cảm linh thiêng ấm áp. Riêng những chiếc áo vàng vẫn uy nghiêm nổi bật. Ngước lên, chợt bắt gặp ánh mắt từ bi và nụ cười hỷ xả từ nơi khối ngọc bóng sáng dưới ánh đèn đêm. Chắc hẳn giờ đây tâm trí ai cũng nhẹ nhàng như tiếng hát của ca sĩ Gia Huy vút cao theo chùm bong bóng bay về vùng trời thăm thẳm. Ai cũng có thể thấy được điều đó qua những dáng đi thảnh thơi của quý tăng ni trên đường trở về bản vị. Đạo tràng tản ra, quây quần bên đấng cha lành, chụp những tấm hình lưu niệm trong khi vòng nến của bánh xe chánh pháp vẫn còn rực sáng trong đêm...

Buổi lễ Kỷ niệm đệ thập chu niên thành lập trung tâm Văn Hóa Phật giáo Pháp Vân được kết thúc sau buổi thắp nến cầu nguyện với tiếng hát đầm âm của Gia Huy qua những bài ca tán dương ân đức của Phật.

Quán sát những người tín thành thay nhau lễ bái Phật Ngọc, bất chợt nhớ lại lời phát biểu của TT Thích Tâm Hòa “nhìn con đường bồ-tát thăm thẳm mang mang, mới nghiệm ra chặng đường mười năm chỉ là thoáng chốc nhỏ nhoi”. Trong cái nhìn của người hành bồ-tát đạo, mười năm thành lập và hành đạo của chùa Pháp Vân không là gì cả; nhưng ít ra, trong chặng đường ấy, đèn tuệ luôn được thắp sáng.

Diệu Trang