Cổ tích cây ngô đồng

altĐây là những điều tôi được nghe trong một đêm trăng sáng tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng…

Chiều hôm ấy, người em trai vốn mang nhiều phiền muộn trong lòng đã rời bỏ thành thị để tìm gặp lại chị của mình. Sau khi dùng cơm chiều, hai chị em cùng nhau đi dạo trong vườn chè. Người em nói với chị:

“Chị của em, hồi chiều khi mới đến đây, em nghe chị hát cho các em nhỏ. Bài hát hay quá! “Có cây ngô đồng cho chim phượng đậu. Có người đứng đó cho tình thương sâu.” Chị nói cho em biết về xuất xứ bài hát ấy được không? Ai đã dạy cho chị vậy?”

Người chị lặng nhìn em và ôn tồn đáp:

“Này em của chị, một vị xuất sĩ đã dạy cho chị bài hát ấy. Em có biết không? Ngày xửa ngày xưa tại một vương quốc xa rất xa về phía Bắc…Có một vị vua vì muốn đất nước thái bình, thuận trị, người dân được no ấm, bình yên đã cho trồng rất nhiều cây ngô đồng. Vào thời bấy giờ, mọi người đều có niềm tin rằng nếu chim phượng hoàng xuất hiện thì đó là dấu hiệu của cát tường, thịnh vượng. Và người ta cũng tin rằng cây ngô đồng là nơi mà chim phượng hoàng rất ưa thích chọn làm nơi trú ngụ.

Em của chị, em có biết là đến bây giờ trên đất nước mình vẫn còn rất nhiều cây ngô đồng không? Vị vua năm xưa, triều đại của ông, đất nước nhân dân của ông đã không còn. Nhưng cây ngô đồng thì vẫn còn đó để lưu dấu cho những ước vọng, giấc mơ của người xưa. Em của chị, ngô đồng chính là hạt giống và chim phượng hoàng chính là hoa trái. Vì hạt giống đã gieo thì nỗi nhớ, niềm mong chờ tiếng vỗ cánh của loài chim lớn luôn còn đó, khắc sâu trong trái tim của muôn người.

Vị vua năm xưa thật là một người dễ thương phải không em?”

“Vâng. Nếu vị vua nào cũng thích hoa, thích trồng cây như ông ta thì thật là tốt quá.” Người em trả lời. Đôi mắt sáng long lanh, lắng nghe chị.

“Em của chị, em có biết là cách đây không lâu có một đoàn thể những người dễ thương, những người chỉ nguyện gieo hạt giống của lòng xót thương và niềm trắc ẩn ngay tại nơi đây, trên mảnh đất này hay không?”

“Em ước ao được gặp. Họ đang ở đâu vậy?

“Em của chị, những vị ấy cũng như loài nai rừng vì thấy nơi đây có quá nhiều bẫy sập nên đã tản đi khắp bốn phương trời.”

Thoáng thấy sự thất vọng trong đôi mắt em mình, người chị tiếp tục:

“Này em của chị ơi! Chim phượng hoàng sau khi bị thiêu đốt thì sẽ tái sinh. Tái sinh từ đống tro tàn. Không có gì mất đi đâu hết em à! Có một vị áo nâu từ phương trời xa xôi đã về đây. Người đã chọn được một vùng đồi cà phê dài rộng. Và trong tương lai chắc chắn sẽ lại có một nơi chốn để mọi người nương náu, rèn luyện đạo đức, chăm sóc thân tâm. Mảnh đất ấy chỉ cách đây vài cây số thôi em ạ. Hai chúng ta hãy cùng nguyện cầu cho công trình ấy mau chóng được hoàn tất, em nhé!”

Nói xong, hai chị em chắp tay thành kính. Im lặng dài lâu.

“Này nữa, em của chị, ở Đại Ninh có một số vị cũng giống như em lắm, rất thích chuyện bếp núc. Đối với họ, am thất là nơi để rèn luyện ý chí, đạo đức còn nhà bếp là nơi để thực tập nghệ thuật nuôi dưỡng xác thân. Họ tuy là những người tu tâm nhưng vẫn không quên thân mình. Họ chính là những cây ngô đồng bằng xương bằng thịt đang toả bóng mát tươi. Chị sẽ dẫn em tới gặp các vị ấy nhé. Em bằng lòng không?”

Người em nghe chị nói xong như thế thì mừng vui khôn xiết nhưng những não phiền thì vẫn còn đó, vẫn đang tràn ngập, bủa vây, giăng lưới tâm hồn.

“Chị của em, bây giờ em vẫn còn nhiều trăn trở. Năng lượng trong em đang xuống rất thấp. Ngồi bên chị, ngắm trăng trong một không gian cao rộng như vậy nhưng em vẫn chưa thể tận hưởng được tất cả…”

“Em của chị, chị cảm ơn em đã tin tưởng chị mà đến với chị. Em biết không? Được em tin tưởng, gửi gắm nỗi khổ niềm đau là một vinh dự rất lớn đối với chị.

Em đã nói đến năng lượng. Vậy thì chị sẽ nói cho em về những vùng năng lượng trong cơ thể mình. Một vị thầy ở Ấn Độ đã dạy cho chị và bây giờ chị tiếp nối công việc đó truyền trao cho em. Em lắng nghe nhé!

Có 3 vùng năng lượng trong thân thể ta. Thứ nhất, đó là bộ não. Thứ hai đó là trái tim. Sở dĩ người ta đau khổ là vì bộ não đã chất chứa quá nhiều những định kiến, tưởng tượng. Và trái tim họ thì chồng chất bao nhiêu là oán giận, hờn ghen. Cho nên, sự thực tập hay nhất khi đầu óc ta đau đớn, trái tim ta nặng trĩu là mình trở về với vùng năng lượng thứ ba, nằm ở dưới rốn của mình. Em nhớ không? Ngày xưa chẳng phải mẹ đã nuôi em thông qua sợi dây nối ở rốn đó sao? Đó là sức mạnh, năng lượng vĩ đại của em mà em khi khôn lớn, sử dụng quá nhiều lý trí và tình cảm đã quên mất. Bây giờ em hãy ngồi xuống, giữ lưng cho thẳng và thở cho thật nhẹ, cho thật sâu em nhé! Em rất thông minh nên chị nghĩ là em sẽ làm được.”

Một lát sau, người em cất lời:

“Ôi, thật mầu nhiệm quá! Chị của em, khi em thở bụng, chú ý đến sự phồng lên xẹp xuống của bụng thì những tư duy, tình cảm của em cũng lắng dịu, dần tan loãng theo từng nhịp vào ra. Những cảm xúc, nghĩ suy đã không còn sai khiến em được nữa. Thật là mầu nhiệm! Chỉ thực tập mới vài phút thôi mà đã như thế, em nghĩ là nếu chịu khó luyện tập chắc chắc em sẽ còn tiến bộ hơn nữa. Ôi chị của em! Cảm ơn chị nhiều lắm! Tình trạng khó khăn của em chắc chắn sẽ được chuyển hoá. Chim phượng hoàng chắc chắn sẽ xuất hiện, phải không chị? Mai này chị em mình sẽ về Huế để thăm những cây ngô đồng chị nhé!”

Tiếng nói dần tan. Chỉ còn lại nụ cười nhẹ. Hai chị em im lặng bên nhau. Trên cao, trăng trời càng sáng soi, giăng những sợi tơ lung linh huyền ảo khắp mười phương thế giới. Và bên dưới, mặt hồ tĩnh lặng trong vắt toả chiếu bóng trăng vàng…

 

Dạ Lai Hương

Theo langmai.org