Chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư

Trong vòng hơn 40 năm dưới hai triều đại Đinh - Tiền Lê (968 – 1009), khu vực Trường Yên (Hoa Lư) là kinh đô - một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của nước ta.

 

Kể về sự nguy nga của kinh thành Hoa Lư vào thời vua Lê Hoàn, Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Dựng nhiều cung điện; làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát bằng vàng bạc, làm nơi coi chầu: bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ; bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc". Thế nhưng ngày nay, trong số những di vật và kiến trúc trên mặt đất trong khu vực cố đô Hoa Lư đều không phải niên đại thời Đinh - Tiền Lê, chỉ trừ cột Kinh Lăng Nghiêm bằng đá ở chùa Nhất Trụ. Kể cả những di vật trong 2 đền thời Đinh, Lê thì di vật niên đại sớm nhất cũng không thể sớm hơn tấm bia dựng thời Hoằng Định (1606-1612) nói về việc xây dựng đền Đinh - Lê.

thanglong-1.jpg

Chùa Một Cột trứ danh ở Hà Nội, tương truyền đây là tên được các vua nhà Lý đem theo từ ngôi chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư. Nằm trong quần thể Khu di tích Cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn trường tồn ngôi chùa Nhất Trụ (còn gọi là chùa Một Cột), nằm ở thôn Yên Thành cách đền thờ Lê Đại Hành khoảng 150m. Ngày nay, chùa Nhất Trụ có khuôn viên rộng hơn 3.000m2, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh hướng chính Tây, gồm có cột kinh, chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, tháp (mai táng hài cốt các vị sư trụ trì)…Thượng điện - chuôi vồ có bốn hàng tượng Phật được sơn son thiếp vàng lộng lẫy có bốn hàng từ cao xuống thấp. Các bức mê ở thượng điện được trang trí hoa lá cách điệu, lá lật, vân xoắn, hoa sen, đường triện, kẻ chỉ. Mái chùa cong, trên nóc trang trí rồng chầu. Ngoài chùa chính, trong khu vực chùa còn có điện thờ Đức Địa Tạng và điện thờ Mẫu.

Trước cửa chùa ngày nay vẫn còn một cột kinh Lăng Nghiêm có kiểu dáng tương tự những cột kinh Đinh Liễn tìm thấy ven bờ sông Hoàng Long. Điểm khác nhau là cột kinh chùa Nhất Trụ có kích thước lớn hơn nhiều, mặt khác có một vòng cánh sen bao quanh đế cột, trong khi những cột kinh Đinh Liễn không có hoa văn. Cột kinh chùa Nhất Trụ có hình bát giác cao 4,16m, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các ngõng, bao gồm: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, bông hoa đá tám cánh, và đỉnh hồ lô. Tất cả các bộ phận gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính, nhưng rất vững vàng, trải qua ngàn năm, gió mưa bão lụt, mà cột kinh vẫn đứng thẳng. Tảng đế dưới cùng có hình gần vuông, mỗi chiều 140cm, dày 30cm; lỗ mộng tròn ở giữa tảng có đường kính 29cm, sâu 55cm. Đế tròn trên to dưới nhỏ, dày 32,5cm; đường kính phía trên 76cm, đường kính phía dưới 66cm. Bên dưới đế có ngõng tròn đường kính 15,5cm, dài 3,5cm, ngõng lắp vừa khít vào lỗ mộng ở tảng đế vuông. Trên mặt đế tròn có lỗ mộng đường kính 34,5cm; sâu 9cm. Bao quanh đế cột có vòng cánh sen đường kính 107cm, với tổ hợp 22 cánh đơn, chiều dài mỗi cánh 15-17cm, rộng 13cm. Cánh sen thon tương tự cánh sen trên một số tảng đá làm bậc đi ở trong động Am Tiên (tương truyền là nơi vua Đinh nhốt hổ báo để trừng phạt kẻ có tội). Theo TS. Đặng Công Nga (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình), đây là những cánh sen xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật, các hình thức trang trí cánh sen trong kiến trúc Lý - Trần đều bắt nguồn từ đây. Thân cột bát giác có số đo qua tâm hai mặt đối diện là 65cm. Hai đầu cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt. Thớt bát giác dày 13cm, có số đo qua tâm hai mặt đối diện là 61cm (ở phía dưới) và 65cm (ở phía trên), như vậy cột có dáng trên to dưới nhỏ. Hai đầu cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt: ngõng dưới dài 5cm, đường kính 16cm; ngõng trên dài 6m, đường kính 18cm. Thớt bát giác có số đo qua tâm 2 mặt đối diện là 69cm, dày 13 cm, mặt trên phẳng, mặt dưới có lỗ mộng sâu 7cm, đường kính 31cm để ngậm vào ngõng trên của thân. Đấu cao 26cm có đường gờ miệng uốn lượn tạo nên 8 đỉnh nhọn, phía dưới được thu nhỏ tạo hình tròn, phía trên đấu có lỗ mộng tròn sâu 7cm để gắn chóp hồ lô. Chóp trên cùng đã bị mất, nhưng căn cứ vào chóp trên những cột kinh Đinh Liễn so sánh tỷ lệ với thân, các nhà khoa học đoán định chóp có hình chiếc hồ lô thóp bụng, cổ dài, miệng tù, cao 80cm, đường kính 30cm.

Trên tám mặt của thân cột khắc đầy chữ Hán, nhưng trải qua thời gian hơn 1.000 năm, nửa dưới và ba mặt nửa trên cột đã bị mờ hoàn toàn. Năm mặt nửa trên còn lại cũng không đọc được nguyên vẹn. Nếu còn nguyên vẹn, ước khoảng 2.500 chữ, giờ đây số chữ có thể khổ tâm đọc được hoặc nhận dạng là 1.200 chữ. Theo Tiến sĩ Đặng Công Nga, nội dung văn tự có 3 phần: kệ, kinh, lạc khoản. Nội dung văn tự là kinh Thủ Lăng Nghiêm, ca ngợi sự bền vững của Đức Phật, sự to lớn bao trùm của tài năng Phật Như Lai. Lạc khoản còn rõ những chữ "…Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế... Bát nhã tiền Việt hải chi ba huề hương … Đại thánh minh hoàng đế, Lê tổ từ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai...". Lê Hoàn lên ngôi năm 980, như vậy suy đoán cột kinh được khắc vào khoảng năm 995. Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã một số lần chép việc triều đình Tiền Lê sai sứ sang nhà Tống thỉnh kinh Phật. Chẳng hạn vào thời Lê Ngọa Triều: "Đinh Mùi, năm thứ 14 (1007), niên hiệu Ứng Thiên Tống Cảnh Đức năm thứ 4. Mùa xuân, sai em là Minh Xưởng, và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, và xin thỉnh kinh Đại Tạng". Và "Kỷ Dậu năm 2 (1009) - Tống, Đại Trung Tương Phù năm thứ 2. Mùa xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin thỉnh được kinh Đại Tạng. Căn cứ vào văn tự khắc trên cột kinh, thấy rằng nếu như Đinh Liễn dựng các cột kinh là hành động "sám hối", thì Lê Hoàn tin vào sự linh ứng khôn lường của Kinh Thủ Lăng Nghiêm nên cho dựng cột kinh này.

thanglong-2.jpg

Cột kinh Lăng Nghiêm ở chùa Nhất Trụ, dựng năm 995

Vào tháng 5 năm 1991, Bảo tàng tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Ninh Bình) đã khai quật cạnh dốc phía Nam của chùa Nhất Trụ, phía trước nhà Tổ, ở độ sâu 60cm, đã phát hiện 2 móng đá hình vuông nằm cách nhau 1,5m. Mỗi móng đá có kích thước 130cm, nhân 130cm, dày 1m. Dưới lớp móng đá là móng bè gỗ lim gồm 4 lớp phiến lim gần vuông, dày từ 25-30cm xếp chồng lên nhau theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây. Cùng với móng đá là những mảnh gạch có trang trí hoa sen và đôi phượng vờn nhau, cành cây mục và vò sáu núm… Đây là loại móng đá khá dày và cấu trúc công phu, chứng tỏ công trình kiến trúc xưa kia phải rất to lớn, có thể đây là móng của một kiến trúc tháp của chùa Nhất Trụ vào thời Tiền Lê. Ngày nay, chùa Nhất Trụ là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tham quan tín ngưỡng của du khách thập phương và là bộ phận không thể tách rời trong cụm di tích cố đô Hoa Lư.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, chùa đã được công nhận là di tích cấp Nhà nước. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, những năm qua, di tích đã được đầu tư kinh phí để trùng tu, bảo vệ nhằm gìn giữ cho muôn đời sau. Ban quản lý Khu di tích Lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhà chùa quy hoạch toàn bộ diện tích đất chùa, xây lại tường thành bao quanh khu vực, khu vực sân chùa được lát gạch, trồng cây khang trang, sạch đẹp.

Bài, ảnh Chương Phượng

(giacngo.vn)