LUẬT TẠNG VÀ PHÁP NẠN

Luật tạng: 律藏, tiếng Phạn: vinaya-pitaka, bộ thứ hai trong Tam Tạng, nhưng chính thức ra đời vào lần Kết tập thứ 2. Vào thời đó do có một số tăng sĩ lạm dụng việc cúng dường, một đệ tử của A-nan tên là Da-xá phản đối tệ nạn này nhưng bị giới tăng lữ đó trục xuất khỏi tăng đoàn. Da-xá vận động 700 tỳ kheo khác tổ chức đại hội  kết tập lần 2 (100 năm sau lần 1) để nhắc lại giáo luật Phật đã chế giới cho tăng sĩ: Bộ Luật tạng từ đó chính thức ra đời. Dù vậy Luật tạng vẫn là lời dạy của Đức Phật được truyền miệng đến khi Kết tập, trong đó có nêu rõ lý do Phật đề ra một luật và cách xử trí kẻ phạm giới. Truyền thuyết kể vào lần kết tập thứ 1, A-nan thuật lại Kinh tạng còn Ưu-bà-li thuật lại Luật tạng, nhưng Luật tạng chỉ truyền miệng chứ không ghi chép lại.

Luật tạng hiện nay có ba truyền bản: 1.- Tứ Phần Luật (Dharmagupta Vinaya; gồm 250 giới cho tỳ-kheo và 348 giới cho tỳ-kheo ni) áp dụng ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản; 2.- Bộ Vinaya Pitaka (gồm 227 giới cho tỳ-kheo và 311 giới cho tỳ-kheo ni) áp dụng ở các nước theo Tiểu Thừa như Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-bốt và Srilanka; 3.- Cuối cùng là bộ Mūlasarvāstivāda Vinaya (gồm 253 giới cho tỳ-kheo và 364 giới cho tỳ-kheo ni) áp dụng ở các nước vùng Hi Mã Lạp Sơn và Mông Cổ. Tuy có chút ít khác biệt tùy theo tông phái do sáp nhập hay tách ra một số giới tùy theo truyền bản, nhưng xoay quanh các điều chép trong Tứ phần luật dành cho tăng và Ngũ thiên thất tụ dành cho ni (ràng buộc nhiều hơn Tứ phần luật). Cả hai tựu trung chia làm 8 nhóm:

a.- Nhóm Ba-la-đi: giới về các trọng tội như  giết người, trộm cắp và vọng ngữ; hình phạt trục xuất khỏi tăng đoàn; 
b.- Nhóm Tăng-tàn: 13 tội như vu cáo, gây bất bình, tà dâm; … 
c.- Nhóm bất định: giới về sự không định được ba-la-di hay tăng tàn. 
d.- Nhóm xả đọa: gồm 30 giới quy định về chuẩn mực các đồ dùng của tăng-ni không được quá  mức cần dùng và sang trọng; 
e.- Nhóm giới đọa: gồm 90 giới cho tỳ-kheo và 178 giới cho tỳ-kheo-ni, qui định các sinh hoạt ăn nói, quan hệ trong tăng đoàn và cư xử với các bạch y. 
f.- Nhóm hối quá: qui định về việc ăn uống và khất thực không được quá lạm và đòi hỏi ăn ngon;
g.- Nhóm chúng học: gồm các điều tăng ni phải trau giồi khi tu hành; 
h.- Nhóm diệt tránh: các tội do tranh cãi trong tăng giới và cách loại trừ điều này.

Không như những tôn giáo khác: giáo luật do Đấng Tối Cao ở trên trời đề ra và tín đồ theo đó mà thực hành. Các giáo luật trong Luật tạng do một nhân duyên (hay duyên khởi) trong đời sống tăng đoàn đời Đức Phật còn tại thế sinh ra, theo đó Đức Phật đề ra giáo luật để tu chỉnh. Trước khi ấn định Luật lệ, Đức Phật luôn quở trách kẻ phạm tội bằng một câu rất thường thấy trong Tứ Phần Luận: “Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại … [Tội phạm phải]” và nói giới. Hơn nữa, một số luật do Phật chế giới rồi sau sửa lại cho phù hợp cơ duyên hơn; những trường hợp này kinh thường ghi bắt đầu bằng câu: “Từ nay về sau, cho phép …” Do vậy, Luật tạng phân tích rất chi li và khoa học các tình trạng phạm tội cũng như các phạm trù dùng trong định tội, đề ra các hình thức thọ phạt tương xứng, trong đó trục xuất khỏi tăng đoàn là hình phạt nặng nhất. Ví dụ: Phật định nghĩa trộm cắp là tự tay di chuyển đồ vật ra khỏi vị trí của nó với tâm cảnh: “lấy vật với ý tưởng không phải của mình, lấy vật với ý chẳng phải tạm dùng, lấy vật không được đồng tâm ý”; cả trong trường hợp không tự tay lấy nhưng “giám sát sự lấy, khiến người lấy” cũng phạm luật ba-la-đi và “không đóng thuế, lấy vật ký thác của người” cũng là trộm cắp. Trong khi định tội trộm cắp có những phạm trù rất bình thường như từ “vị trí” cũng được Phật qui định rõ: vị trí trong lòng đất, vị trí trên đất, vị trí trên xe cộ, vị trí trong gánh, vị trí trong hư không, vị trí trên cây, vị trí thôn xóm, vị trí a-lan-nhã, vị trí ruộng, vị trí xứ sở, vị trí ghe thuyền, vị trí nước. [Tứ phần luật] Và điều Đức Phật luôn lưu ý ‘tâm có phạm tội hay không, chứ không căn cứ vào hành động phạm tội’. Chẳng hạn với tội “bất tịnh” (hành vi tính dục), Phật thường hỏi: “Ngươi có thọ lạc hay không?” (có cảm giác vui sướng chăng?), nếu có là phạm còn không tức không phạm.

Tuy nghiêm khắc nhưng Luật tạng không phải thiếu dung nạp, các phần “Phạm tướng” trong kinh đều có qui định: “Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não bức bách.” hay “Không biết thì không phạm.” Và với lỗi có thể dung thứ thì cho làm phép xả đọa. Phép xả đọa như sau: Người phạm tội trệch vai phải, cỡi bỏ dép, quì gối phải,  hướng về vị thượng tọa nói: “Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã … [Phạm tội gì đó], nay xả cho Tăng.”  Rồi nói lời sám hối xin tác bạch. Vị thượng tọa chấp nhận lời sám hối sẽ nói “Hãy tự trách tâm ngươi!” Người phạm tội thưa: “Xin vâng!”. Tội đã xóa bỏ (lấy tâm làm chủ đạo).

Điều đặc biệt: khái niệm “đọa địa ngục” không thấy trong Luật tạng, các phạt vạ đều là hình thái dân gian mà nặng nhất là trục xuất khỏi tăng đoàn, trừ trường hợp Đề-bà-đạt-đa phải “thọ tội trong nê-lê (tức địa ngục) một kiếp không thể cứu chữa được”.[Phẩm Phá Tăng]. Lúc sắp nhập diệt Phật có dặn dò A-nan bỏ đi những giới nhỏ, nhưng A-nan quên hỏi đó là những giới gì. Đến lần Kết tập thứ 1, các A-la-hán không phân định được giới nào là giới nhỏ nên Đại Ca-diếp bảo các tỳ kheo: “Các Trưởng lão! Nay, trong chúng mỗi vị nói một cách, không biết giới nào là giới nhỏ tiểu tiết. Từ nay về sau, nên cùng nhau lập ước chế: ‘Nếu trước đây, những gì đức Phật không chế cấm thì nay không nên chế cấm. Trước đây những gì đức Phật chế cấm thì nay không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những gì mà đức Phật đã quy định.” Đại chúng đều lập chế hạn như vậy. [Tứ Phần Luật - Ngũ Bách Kết Tập]

Cho nên, dù hiện nay một số giới luật không còn phù hợp nhưng vẫn được tuân giữ; việc bỏ bớt hay chế thêm giới luật mới là không như pháp. Khả dĩ lớn nhất có thể được là Phật giáo thế giới cùng nhau mở Đại Hội Kết Tập mới để xem xét sửa đổi giới luật. Một cá nhân nào dù là tăng thống toàn thế giới cũng không được làm điều này, huống gì là Hoằng Tán.

Thế nhưng, một số tăng sĩ kêu gọi chưa là tỳ-kheo cấm không được đọc Luật tạng (đại diện là Hoằng Tán 1611-1685). Lý luận của nhóm này viết trong lởi Phàm Lệ cuốn Tứ Phần Giới Bổn Như Thích do Hoằng Tán chấp bút:  “Ba đời chư Phật đều nói ba tạng Thánh giáo Kinh-Luật-Luận. Hai tạng Kinh-Luận chung cả tại gia, xuất gia, riêng tạng Luật chỉ dành cho Tỷ kheo gìn giữ, như tạng bí mật của vua, hàng ngoại quan không được biết đến. Nếu Sa di, bạch y mà xem trước, thì vĩnh viễn không được thọ đại giới, mắc tội ngang với tội ngũ nghịch. Phàm là người làm thầy phải hết sức cẩn thận” (Tam thế chư Phật câu thuyết Kinh-Luật-Luận tam tạng Thánh giáo. Kinh luận nhị tạng hàm thông tại gia, xuất gia, duy Luật nhất tạng Tỷ kheo độc trì, như vương bí tạng phi ngoại quan sở tư. Nhược Sa di, bạch y tiên lâm giả, vĩnh bất thọ đại giới, tội dữ ngũ nghịch đồng liệt. Vị sư giả tối nghi cẩn thận). Đây là lời ngoa truyền của luật sư này dựa trên một đoạn về “tội nghe trộm” trong Tứ Phần Luật, và đi xa đến mức dọa nạt quy kết tội ngang với “ngũ nghịch!?”. Thực ra trước đó luật sư Châu Hoằng (1532-1612) chỉ có truyền đạt lại tội danh trong cuốn Luật Sa-di: "Bất đắc đạo thính Đại Sa môn thuyết giới" (không được nghe trộm sa môn giảng giới luật) trong lễ Bố  tát (truyền giới hay Yết-ma cử tội) chứ không cấm đọc Luật tạng. Nhân duyên cấm này có ghi rõ  trong Tứ Phần Luật và Ngũ Phần Luật, nội dung đại khái như sau: Lúc Phật còn tại thế, một hôm chư Tăng bố tát, có một người bạch y tham dự. Khi đó, một Tỷ kheo phạm tội, người bạch y này bèn hạch tội Tỷ kheo. Các Tỷ kheo thấy thế liền bạch với Phật, Phật dạy: "Từ nay trở đi không nên cho bạch y và Sa di tham dự bố tát" (Do đó là việc nội bộ thuộc tăng đoàn xử lý, chỉ có vậy). Nhưng Phật không hề quy tội Ngũ nghịch, mà chỉ dạy khi làm lễ thầy yết-ma phải cất lời nói: “Người chưa thọ giới Cụ túc đã ra chưa?” Khi chúng tăng xác nhận không còn ai như thế mới hành lễ.

Sau khi ngoa truyền đầy tính răn đe, Hoằng Tán biện bạch: 1.- Nếu Sa di xem trước giới luật Tỷ kheo rồi thấy giới pháp quá nhiều, khó khăn, sẽ sanh tâm thối thất, không dám thọ giới Cụ túc; 2.- Nếu Sa di biết giới luật Tỷ kheo, khi họ thấy các Tỷ kheo thọ giới rồi mà không giữ gìn nghiêm túc, hủy phạm cấm giới, họ sẽ sanh tâm kiêu mạn, khinh rẻ các Tỷ kheo, do đó sẽ tổn phước, mất lợi ích; 3.- Khi đã biết trước giới pháp thì lúc thọ giới thấy giới không còn thiêng liêng, tâm chí thành sẽ sút giảm nên khó đắc giới thể.

Gần đây, thượng tọa Thích Phước San phê phán biện bạch này như sau: Quả thật lối lập luận trên có nhiều chỗ đi xa tinh thần giới pháp và giới luật. Ai cũng biết ngài Qui Sơn (771-833) định nghĩa người xuất gia: "Phàm là người xuất gia là mong cất bước đến chân trời cao rộng, hình dáng và tâm hồn khác với thế tục. Vì mục đích làm rạng rỡ dòng thánh, trấn áp quân ma, báo đáp bốn ân và cứu vớt ba cõi". Và các bậc cổ đức cũng đã nói: "Thế thượng phi trượng phu đại giải thoát hán, hà năng kham thủ?" (Trên đời này, nếu chẳng phải là bậc trượng phu đại giải thoát, thì làm sao đảm đương nổi "sứ mệnh xuất trần"?). Và trìch một đoạn khác trong Luật Sa di chứng minh Luật sư Châu Hoàng khuyến khích: "Tuy Tỷ kheo sự, Sa di đương dự tri chi" (Tuy là việc của Tỷ kheo, nhưng Sa di cũng nên tham dự để biết). Rồi đi đến kết luận: Còn vấn đề này nữa, tạng Luật phải chăng là bí tạng dành riêng cho các thầy Tỷ kheo, các chúng khác không có quyền biết đến? Khẳng định như vậy thật là vô căn cứ, không có cơ sở và trái hẳn thực tế. Vì trong các giới điều dành cho Phật tử cũng như Sa di, không có một giới nào ngăn cấm họ tìm hiểu giới bổn của Tỷ kheo hết. [Trích "Phật Học Cơ Bản - Tập 3", Nguyệt san Giác Ngộ, 2000]

Thật sự chưa hề thấy kinh điển nào nói những điều Phật dạy chỉ cho tăng sĩ và không cho chúng sinh biết (đây là tinh thần “như như bình đẳng” của Đức Phật), kể cả Luật tạng. Đời Đường, thánh tăng Huyền Trang thỉnh được bộ Tam Tạng cũng dịch và in đủ để giáo pháp, không hề ghi lời cấm cư sĩ, sa-di đọc Luật tạng. Thêm nữa, khi chế giới Đức Phật luôn do lời cơ hiềm (phiền trách) của giới bạch y, câu quen thuộc trong Luật tạng như sau: “Các tỳ-kheo (hay tỳ-kheo-ni) này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao … [Lỗi gì đó]” hay "Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy , ... [Lỗi gì đó]". Như thế Phật cũng chẳng hề cấm các cư sĩ phê phán tăng giới. Nhưng từ Hoằng Tán ngoài việc cấm không cho ngoài giới Tỳ-kheo biết Luật tạng còn răn đe phê phán tăng-ni là hủy báng tăng, dù bất cứ trường hợp nào cũng bị đọa Địa ngục.

Lề thói này chỉ có từ thế kỷ 17 và kể từ đó Phật giáo Trung Hoa suy đồi do tăng ni không còn gì e sợ cả và gần như được “bất khả xâm phạm” nếu được tăng chúng trong chùa đồng tình (trào lưu này ảnh hưởng qua 3 nước Hàn Quốc; Nhật Bản và Việt Nam. Các nước Phật giáo khác không cấm). Tình hình gần như quay ngược về trạng thái giai cấp tăng lữ kiểu Bà-la-môn giáo, và Hoằng Tán công khai sánh tăng-ni như vua mà cư sĩ là  “hàng ngoại quan không được biết đến”. Đây là một trong những thứ khi còn tại thế Phật luôn luôn trách bỏ. Hệ quả gây ra mấy lần Pháp nạn (dĩ nhiên còn kèm theo nhiều yếu tố chính trị xã hội khác): thời nhà Thanh do một số võ tăng nổi lên chống quân Thanh và cận đại là phong trào Tân Thanh Niên của Trần Độc Tú (tham gia việc cai trị là điều Phật cấm trong Luật tạng, do bạch y không biết luật để kiềm tỏa nên mới có họa này). Mãi sau này Phật giáo Trung Hoa mới chấn chỉnh lại (nhờ công của cư sĩ Dương Nhân Sơn).

Đáng tiếc nhiều nơi ở Việt Nam vẫn rao truyền “luật cấm” của Hoằng Tán kèm theo là lời răn đe khi ai nói đến, thậm chí còn dọa nói đến sẽ bị đọa xuống ngục A-tỳ [nhận xét vào thời điểm 2009]. Nếu tăng-ni phạm giới luật cũng không được phép nói tới, trái lời sẽ bị “đọa xuống địa ngục”. Màu sắc huyền bí hoang tưởng này là mầm mống gây sự tha hóa trong tăng giới, đạo pháp bị thế nhân bị xa lánh và dèm biếm. Thêm nữa, nhiều tăng ni luôn tự coi mình cao trọng hơn người ngoài giới, dần sa đà trong danh sắc. Với tâm cảnh đó khó lòng họ giảng đạo cho chúng sinh đúng như chánh pháp, vì xưa kia Phật giảng pháp cho Bát bộ chúng luôn với tâm như như bình đẳng. Có tâm như như bình đẳng mới phát sinh lòng từ mẫn và nhờ đó hàng phục được yêu ma; còn tâm kiêu mạn sẽ dần làm mình đắm trong lợi dục và khởi sinh sự chống phá đạo pháp của ngoại đạo.

Cụ thể là cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 xu hướng này khiến nhiều danh nho chê trách Phật giáo. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu trong Dương Từ Hà Mậu đã phê phán việc mê hoặc nhân tâm của các tăng ni xấu, cụ viết:

Đua nhau kỉnh chuộng đạo tà,
Một câu "quả báo", muôn nhà đều tin.
Nói rằng: Trời, Phật, sách in,
Tội về địa ngục, phước lên thiên-đàng.
(câu 3-6)

Và tỏ thái độ khinh miệt tăng sĩ:

Hòa thượng cũng người học nhu (nho),
Tên là Trần kỷ, ở Phù đồ sa.
Lắm phen ứng cử, đăng khoa,
Thi văn chẳng đỗ, lòn ra cửa thiền.
(câu 185-188)

Nghe qua tuy có phần cực đoan, nhưng phải đâu cụ là người thiếu đạo đức! Cụ từng ngụ tại chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, khi viết bài Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, lý đâu chê bai Phật pháp. Có chăng cụ cười chê kẻ giả danh tu hành.

Mãi đến giữa thế kỷ 20 nhiều phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam ra đời mới khôi phục phần nào uy tín đạo pháp. Trong Việt Nam Phật giáo Sử luận, giáo sư Nguyễn Lang cũng thừa nhận tình trạng suy thoái Phật giáo Việt Nam dù rằng nguyên nhân đưa ra có khác (thiên về quan điểm chính trị): “Vào khoảng 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị cao tăng duy trì mệnh mạch của Phật pháp.”

Và cả như pháp nạn ở Trung Hoa từng xảy ra, nhưng có lẽ ở mức độ thấp hơn, giáo sư trích dẫn: “Theo Hành Sơn, tác giả Cụ Trần Cao Vân thì hồi đó ‘trong hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, khám đường nào cũng có mặt các thầy chùa’. Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ được gọi là ‘Giặc Thầy Chùa’ cũng vì lẽ ấy.” [Chương 26 sđd. Chú thích thêm: Sách Hành Sơn của cụ Trần Cao Vân xuất bản năm 1952, NXB Minh Tân, Paris].

Thà rằng tạm gác áo cà-sa như vua Trần Thái Tông để kháng chiến chống Nguyên-Mông hay làm lễ để tóc xuất giới của một số tăng sĩ đi kháng chiến chống Pháp (sau khi phục hưng đạo pháp), còn hơn núp trong chùa, khoác áo sư sãi gây ra pháp nạn phá tăng mà Phật thường răn bảo “chớ nên làm”.

Lịch sử và Phật sử Việt Nam từng ghi chép lại hành động sáng đạo của một số tăng sĩ yêu nước: thiền sư Mật Thể, thiền sư Thiện Chiếu, … và nhiều tăng sĩ vô danh khác tạm xuất giới đi cứu nước. Nhưng trước đó là sai lầm lập Hội Tăng Già Cứu Quốc do thiền sư Mật Thể chủ xướng. Thiền sư Mật Thể là người có tâm đạo to lớn và lòng yêu nước vô biên nhưng vì một quan niệm sai lệch, có nguồn gốc từ Hoằng Tán, không phân biệt đạo-đời nên phong trào chẳng những không thành công mà còn làm nhuộm máu tăng đồ dưới họng súng quân Pháp; đạo hạnh vì thế cũng bị đọa trì.

Giáo sư Nguyễn Lang cũng viết về Thiền sư Mật Thể vài dòng dưới đây: “Việc ra ứng cử quốc hội của Mật Thể phản chiếu lòng yêu nước và sự ủng hộ cách mạng của giới Phật tử trẻ tuổi. Tuy nhiên, hành động ấy cũng được nhận xét như không được chín chắn bởi một vài vị tôn túc trong Sơn Môn và một vài giới cư sĩ.” Nhưng sau đó thiền sư Mật Thể đã ngộ ra, “Trước khi về chiến khu, Thích Mật Thể đã gặp một số anh em Phật tử đồng chí tại chùa Thể Chí ở Đại Lộc. Họ ăn một bữa cơm chay cuối cùng với nhau tại chùa này và bàn tính về việc tương lai. Họ đàm luận về chuyện chống Pháp, chuyện tương lai Phật giáo và cố nhiên về những động chạm với khó khăn mà người Phật tử gặp phải trong hàng ngũ kháng chiến.” [Chương 26; sđd]

Trong lịch sử Việt Nam cũng có những cao tăng nhiều lần giúp dân giúp nước như Khuông Việt, Vạn Hạnh, .. Nhưng các vị này chỉ vai trò cố vấn với tư cách cá nhân chứ không lôi kéo cả tăng giới vào cuộc. Các vị ấy giúp vua với tâm vì khổ ải chúng sinh chứ không vì danh lợi và khi xong việc lại quay về chốn thiền môn chứ không làm quan cai trị. Đức Phật cũng từng khuyên A-xà-thế đừng xâm lấn lân bang (nước Bạt-kỳ), lời khuyên này chỉ là lấy đạo răn đời chứ không tham chính.

Do vậy, trong chừng mực nào đó, luật cấm của Hoằng Tán và cả những lập luận cổ súy là sự hủy báng Tam bảo. “E rằng điều cấm này là hủy báng Tam bảo và gây họa về sau cho tăng đoàn, vì đã là luật sư mà còn dám bóp méo chế giới của Phật, ma mị nhân tâm, làm mờ Phật pháp. Đây mới là tội sánh ngang Ngũ nghịch. Chiếu theo Luật Tạng ‘Tỳ-kheo nào, che giấu thô tội của tỳ-kheo khác, ba-dật-đề’. Vậy nên, tỳ kheo nào tán thành luật cấm trên phạm tội Ba-dật-đề, vì chấp thuận trước cho tỳ kheo khác phạm tội”. Đây là ý kiến một tăng sĩ khi trà đàm trao đổi về vấn đề này.

Mùa thu Kỷ Sữu – 2009
An Huy 08

 

http://www.xahoimang.com/images/articles/2009_06/6329/u24_Sen5.jpg