Xây chùa tô tượng đúc chuông

 

Tinh thần học Phật và thể nghiệm giáo pháp chủ yếu đưa về tâm, nhằm thanh tịnh hóa tâm để hành giả được giải thoát. Vì vậy, người mới tu thường e ngại bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối, không thể sống giải thoát được.

Trên bước đường tu hành, đối với những người phước đức và trí tuệ còn yếu kém như vậy, Đức Phật khuyên họ cắt đứt mọi việc thế gian để đạt được giải thoát ở bước thứ nhất, bằng cách thực hiện pháp Không, vô tác, vô nguyện. Nghĩa là hành giả mới tập tu, nên quan sát tất cả mọi sự vật trên cuộc đời này là Không, để không khởi tâm ham muốn, không tham đắm và không làm việc gì cả, sẽ giúp cho tâm hành giả không bị ngoại cảnh tác động, tâm được yên ổn, thanh tịnh, giải thoát.

Tuy nhiên, người Việt Nam cho rằng tu như vậy là người chán đời, không làm lợi ích cho xã hội. Vì vậy, sử dụng phương tiện một cách khéo léo, tinh thần Phật giáo Đại thừa đã chủ trương nhập thế, đưa pháp Phật vào đời giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng xã hội an vui, hòa hợp, phát triển.

 

Và tinh thần Phật giáo Đại thừa với quan niệm rằng bất cứ việc làm nào của hàng đệ tử Phật cũng đều vì lợi ích cho mọi người, vì an lạc cho số đông, đã được nhân dân Việt Nam dễ dàng chấp nhận và áp dụng trong cuộc sống. Sự thấm nhuần Phật pháp như vậy đã được thể hiện qua câu ca dao của người Việt Nam rằng “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông. Trong ba việc ấy thập phương nên làm” và người dân Việt đã thực hiện nhiệt tình ba việc: Xây chùa, tô tượng, đúc chuông do Phật giáo đề ra.

Thật vậy, ngày nay, chúng ta thấy rõ chùa chiền là nơi ký thác tâm linh của đa số người Việt khi họ còn sống cũng như lúc đã qua đời. Nhà thơ Huyền Không nói lên tinh thần này qua hai câu thơ làm xúc động lòng người, nhất là những người phải sống xa quê hương :

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Mặc dù chùa chiền là cơ sở vật chất, nhưng không phải để phát triển tham vọng và tội lỗi con người; mà đó là nơi tôn nghiêm để che chở tâm hồn trong sáng cho mọi người và thể hiện đạo đức của dân tộc ta. Từ nền tảng tốt đẹp như thế, chùa chiền đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt và là nơi thanh tịnh để mọi người ký thác tâm sự. Chính vì lực ảnh hưởng tốt lành này mà thực tế chúng ta thấy người nào gặp khó khăn phiền muộn, họ thường tìm đến chùa để tiếp nhận sự thanh thản giúp họ có thể vững bước vượt qua nghịch cảnh.

Việc thứ hai là tô tượng, chủ yếu là tượng Phật và tượng Bồ tát. Những hình tượng giải thoát của chư Phật và chư Bồ tát rất nhiều, rất đa dạng đều thể hiện những mẫu người đạo đức thánh thiện, làm lợi ích cho nhiều người, nêu gương sáng cho đời qua nhiều thế hệ. Vì vậy, các tôn tượng Phật, Bồ tát tiêu biểu cho từ bi, trí tuệ, giải thoát luôn tác động cho người chiêm bái, lễ lạy cảm nhận sự an lành và hướng tâm về những hạnh nguyện xả kỷ vị tha, làm lợi ích cho cuộc đời của các Ngài. Điển hình như Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Quảng Đức là những biểu tượng của tình thương trong sáng cao tột, của trí tuệ vô cùng, của vô số việc làm vì nhân sinh… khiến cho người phát tâm học theo hạnh đức của các Ngài, đi theo dấu chân các Ngài.

Việc thứ ba là đúc chuông. Chuông tiêu biểu cho Pháp âm, tuy không phát ra thành lời nói, nhưng có thể chuyển tải âm thanh vi diệu của pháp Phật, mà kinh thường gọi là Vô tự chân kinh. Vì vậy, khi tiếng chuông chùa ngân vang, người ta thường cảm thấy như nghe được pháp Phật đi thẳng vào lòng, làm cho họ vơi bớt khổ đau buồn phiền, lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, để từ đó, lần sống theo lời Phật dạy, chuyển hóa cuộc sống có ý nghĩa.

Ngày nay, với nhiều phương tiện hiện đại và kỹ thuật tinh vi, rất nhiều chùa chiền được xây dựng, nhiều pho tượng Phật, Bồ tát được tạc và nhiều đại hồng chung, tất cả đã trở thành những biểu tượng văn hóa Phật giáo chẳng những riêng ở Việt Nam mà trên cả thế giới, nói lên tinh thần của nhân loại mãi mãi mong ước có được đời sống chân thiện mỹ theo Phật trên trái đất này.

HT Thích Trí Quảng

hoa sen9.jpg