Từ hình tượng trong lời dạy của đức Phật

Suốt 49 năm thuyết pháp, đức Phật đã vận dụng rất nhiều loại ngôn từ để làm phương tiện thiện xảo cho sự nghiệp giáo hóa độ sanh. Những lời dạy của Ngài được đúc kết thành Tam tạng kinh điển đã cống hiến cho nền văn học Phật giáo một kho tàng văn chương quý giá. Thật vậy, những lời dạy ấy không những hàm chứa nhiều tư tưởng thâm thuý, mà ngay cả đến ngôn ngữ diễn đạt cũng vô cùng phong phú và sinh động. Về phương diện hình thức, đơn cử cách dùng từ, nhất là từ hình tượng đã bàng bạc khá nhiều trong Kinh, Luật, Luận. Sau đây xin trình bày một số từ tiêu biểu.

Cách đây hơn 2500 năm, trong rừng Shimshapa, tại Kosambi, đức Phật cầm một nắm lá trong tay và bảo các vị Tỳ-kheo: “Những điều ta hiểu biết cũng nhiều như lá cây trong rừng, còn những gì ta dạy cho các thầy cũng ít như lá trong bàn tay”(Kinh Tương Ưng IV). Lá trong rừng và lá trong bàn tay là hai hình tượng gợi cho ta hiểu rằng Chánh pháp lưu truyền đến ngày nay và cảnh giới tự chứng, trí tuệ siêu việt của đức Phật khác nhau như trời với vực. Qua đó, ta thấy đức Phật đã dùng loại ngôn ngữ hình tượng để gợi lên khoảng cách giữa hai đối tượng, chứ Ngài không tả là nó nhiều hay ít. Lại nữa, “lá trong tay” là cái mà ta có thể thấy được là lá gì, có thể đếm được và biết được hình dáng, mùi vị ... của nó. Từ đây, khiến ta có cảm giác rằng những lời dạy của Ngài chính là những vấn đề cơ bản, thiết thực và dễ hiểu nhất, cho ta cảm nghĩ về một nền giáo lý uyên thâm, gần gũi và hợp với trình độ căn cơ của chúng sanh. Thay vì, nói “Giáo pháp mà ta chứng ngộ là sâu kín, thâm diệu, khó thấy khó hiểu, khó lãnh hội, an tịnh, siêu việt, vượt khỏi logic, huyền diệu và chỉ có bậc trí mới hiểu” (Kinh Thánh Cầu) thì Ngài dùng hình tượng “lá trong rừng” để minh họa, khiến cho người đọc tùy thời tùy lúc mà có cách hiểu khác nhau. Chính vì thế mà khi mới đọc câu này là hàm ý so sánh nhiều hay ít giữa thuyết giáo đã được nói ra và chưa được nói ra. Bây giờ thì lại hiểu rằng ngụ ý của Ngài qua “nắm lá trong lòng bàn tay” là những gì khả dĩ truyền cho con người qua tri thức thường nghiệm của chúng sanh, những kẻ đang lặn hụp trong biển khổ ái dục, gợi cho ta biết rằng đạo Phật không phải là một triết học bất khả thi. Đây chính là nét độc đáo của từ hình tượng và người biết dùng từ hình tượng để làm cho văn bản hàm ý ngoài lời và thêm phần súc tích. Nhất là tạo cho bài viết một nét mới trong trạng thái tư duy.

Hơn nữa, để giáo dục tinh thần không chấp thủ cho chúng đệ tử, đức Phật dạy: “Giáo lý của ta như là chiếc bè để qua sông, chứ không phải để ôm giữ” (Kinh Xà dụ). Chiếc bè ấy là dụng cụ để đưa người qua sông, chứ  không phải qua sông rồi lại vác chiếc bè ấy đi trên bộ, cũng không ai ôm giữ chiếc bè đó. Hình tượng chiếc bè đóng một vai trò ngôn ngữ, mà ngôn ngữ đó là Giáo lý tức là giá trị “chuyên chở” con người tiến đến chân lý giải thoát, đó không phải là giá trị biểu đạt hay mô tả chân lý. Do đó, chúng ta có thể tìm gặp ở hình tượng văn học này hàm ý ngoài lời, một tinh thần không chấp thủ, một phương tiện chỉ dẫn để tri nhập và thể nhập thật tướng chiếc bè, giá trị của nó là phương tiện giúp người qua sông, giáo lý cũng là phương tiện giúp con người đạt đến mục tiêu cứu cánh giải thoát. Con thuyền thì chở người, không phân biệt giàu, nghèo, nam, nữ,  cũng vậy, giáo lý của đức Phật không dành riêng cho bất kỳ ai, dù là Phật tử hay không phải Phật tử, xuất gia hay tại gia đều có thể nương theo đó để thực hành, nhất định sẽ được an lạc, hạnh phúc. Hai hình tượng này đã hòa hợp và bổ sung cho nhau, thể hiện tấm lòng từ bi, bác ái của đức Phật, chỉ ra giá trị uyên thâm về những lời Phật dạy. Lấy hình tượng “chiếc bè” để so sánh với giáo lý, lấy việc “qua sông” để khuyên chúng ta không nên chấp thủ các pháp. Hai từ hình tượng này được đức Phật dùng rất khéo léo đã tác động mạnh đến người đọc và để lại cho chúng đệ tử một cảm nghĩ sâu lắng trong việc dùng Tục đế làm phương tiện giải thoát.

Như vậy, muốn có một tác phẩm xuất chúng, một bài văn kiệt tác, ngoài việc viết câu đúng cần phải có cách dùng từ chính xác, từ sáng tạo và nhất là từ hình tượng. Đức Phật chẳng những là bậc xuất thế mà còn là một nhà văn lỗi lạc. Bởi vì, cách đây hơn 25 thế kỷ, Ngài đã vận dụng được cách dùng từ như thế. Cho đến ngày nay khi ngành khoa học càng phát triển thì giáo lý đức Phật càng được soi sáng cả nội dung lẫn hình thức. Đó chính là nét phong phú của từ hình tượng.

 

Tuệ Giác


alt

Phapluanonline.com