Bạn đã về đặt tay bên liếp cửa chưa?

ho tayChiều qua, tôi thiền hành quanh Hồ Tây. Đoạn đường này rất đặc biệt, ít người qua lại, có đám cỏ xanh, dãy phượng vĩ và bằng lăng thẳng lối, cách một đoạn lại có vài người câu cá, mặt Hồ Tây mênh mông sóng nước, gió thổi nhẹ. Chỉ đơn giản thế thôi, tôi thấy mình bước đi tự do, không buồn vui, sầu lo và vướng bận. Một bé gái chừng 3 tuổi theo cha ra hồ câu cá, nhìn thấy tôi bước chầm chậm thì chạy ra và ôm lấy chân tôi. Tôi xin phép người cha dắt bé ra khóm hoa cúc, bé định ngắt một bông chơi. Tôi chặn lại và chỉ vào những bông bên cạnh: “Đây là bông hoa mẹ, đây là bông hoa bố, đây là bông hoa chị….nếu con ngắt bông hoa này đi nó sẽ không còn bạn để chơi cùng”. Bé chỉ tay vào các bông hoa khác: “Bông hoa bố này nữa cô ơi…”. Tôi thấy bé là một bông hoa, tôi là một bông hoa, mọi vật xung quanh đều tươi mát và màu nhiệm…Đã lâu lắm rồi tôi mới có thời gian dành cho mình trọn vẹn như vậy. Tôi tách mình ra khỏi công việc một thời gian, nghỉ ngơi vài ngày đóng cửa ở một mình, tắt máy điện thoại, không giao tiếp với ai. Sáng sớm dậy ngồi thiền, rồi đọc sách, nấu một nồi cháo gạo nứt đậu đỏ cho 3 bữa, đến trưa ngủ một giấc, dậy đọc sách, đi dạo hồ, tối về ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách…Chưa khi nào tôi thấy mình tự do và bình an như vậy…

Nắm cơm muối trắng

Trưa nay, tôi đọc cuốn “Giếng nước thơm trong” của Sư Ông có phần bình giảng bài thơ “Bướm bay vườn cải hoa vàng”, tôi được sống lại những ký ức tuổi thơ với một tâm trạng xôn xao kỳ lạ. Tôi định ngồi dậy để thở, không cho tâm mình thả trôi theo cảm xúc nhưng tự nhiên tôi lại không làm vậy. Tôi nằm ôm cuốn sách khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc, tôi để cho ký ức tuổi thơ và những suy nghĩ hiện về một cách tự nhiên, không kìm nén…Họa có người nhìn thấy tôi trong tình trạng này thì thấy bất thường lắm, đặc biệt nếu là người thân thì có khi lại hoảng hốt vì bình thường tôi là một cô bé cứng cỏi, rất ít khi khóc, hay trêu đùa…

Khóc một hồi thì thấm mệt tôi thiếp đi, trong lúc “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” tôi thấy mình thèm một bát cơm rang muối trắng của ngoại. Cái vị cơm bùi bùi mặn mặn chưa khì nào tôi quên. Ngày đó mỗi sáng, ngoại tôi thường dậy sớm rang cơm nguội, ngoại lấy muôi dàn đều cơm trong nồi, rắc vài hạt muối trắng (đó là loại muối biển chưa qua chế biến như muối I- ôt bây giờ), bắc nồi cơm lên bếp rơm, một lúc sau ngoại xúc cơm ra một chiếc khăn mặt đã thấm nước, vo nắm cơm thành hình tròn bằng trái ổi bo. Mỗi sáng thức giấc việc đầu tiên tôi làm là chạy xuống bếp, mở vung nồi cơm và lấy một nắm ra ngoài bờ ao nhấm nháp…


Ngày đó, nhà tôi không có cái “giếng nước thơm trong” nhưng có một cái ao nhỏ, nước rất trong và mát, xung quanh có khóm mây, cây khế, đám khoai nước và một gốc ổi to. Những trưa hè nóng bức tôi và anh trai cùng mấy đứa bạn thường quanh quẩn bên bờ ao để chơi mấy trò nặn đất. Tôi nhớ cả những đêm trăng nằm trong nhà nhìn qua khung cửa sổ thấy rõ những tàu lá chuối lắc lư, bóng cau thẳng đứng, mấy chú ếch ngoài ao kêp ộp oạp…Tất cả hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi…và tôi nhận ra “Tôi không bao giờ khôn lớn. Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm”…
Ngày tôi hơn 10 tuổi, thi thoảng tôi hay bước xuống cầu ao để bắt mấy chú tép ven bờ, nước mát khiến tôi hay có một cảm xúc băn khoăn kỳ lạ rồi đặt câu hỏi: “Mình là ai vậy nhỉ? Tại sao lại có mình vậy? Lớn lên mình sẽ như thế nào nhỉ”. Có khi tôi thấy hốt hoảng với câu hỏi đó vì không biết tìm ra câu trả lời …

Lý tưởng và ảo tưởng

Thoáng đó mà tôi đã gần 30 tuổi, ngoại tôi, nội tôi, mẹ tôi, cái ao, cây ổi, đám khoai nước… đã không còn. Đôi khi, tôi từng suy nghĩ: mình chẳng còn ai, chẳng còn cái gì để mà ràng buộc thương yêu, thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Anh trai và cha tôi thì có thể tự lo cho cuộc đời của họ, còn tôi, tôi phải mang trái tim nhiệt huyết đi tìm cái lý tưởng phụng sự cho cuộc đời của mình, phải sống một cuộc sống ý nghĩa: “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”…và phải tìm ra cái câu trả lời tuổi nhỏ: “Mình là ai vậy nhỉ?”.


Tôi đi chạy ra con đường cuộc đời, tìm một sự thỏa mãn về cái ý niệm lý tưởng sống. Tôi thấy mình cần kiếm một cái bằng đại học để làm hành trang phụng sự để rồi khi ngồi trên giảng đường tôi đau khổ. Ngày đó, tôi chứng kiến một người bạn phải đến trường bán máu để lấy tiền nộp học phí, tôi rất thương xót. Nhưng điều làm tôi đau xót hơn là người bạn của tôi học rất kém, bạn tìm đủ mọi cách để có được tấm bằng tốt nghiệp ra trường vì đã có “chân” làm giáo viên dạy học. Tôi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao tuổi trẻ chúng tôi lại phải rút hết cả huyết của mình để chạy theo một giá trị ảo. Tại sao chúng tôi lại có cái khuynh hướng mang cái giá trị ảo, cái bằng tốt nghiệp để mà làm giấy thông hành rồi đi dạy cho người khác, đi làm khổ người khác như vậy?

Tôi nhận ra trong tôi có một tiếng nói: mày đang đi sai đường thì phải, lý tưởng sống của mày sao lại được làm nên từ một mớ kiến thức hỗn độn như vậy sao?. Tôi bỏ dở đại học, bế tắc. Tôi buông bỏ, để khoác lên vai hành lý là một niềm tin và sự hi vọng rằng mình sẽ tìm được một vị thầy xứng đáng dẫn đường chỉ lối cho tôi. Tôi chấp nhận khó khăn, khổ cực để làm việc để tiếp xúc với những con người nổi tiếng, những người được xã hội tôn vinh…tôi gặp gỡ, phỏng vấn, làm việc với họ. Tôi tìm những triết lý thành công của Napoleon Hill, của Donal Trum, Hark Eker, tôi nghiên cứu cuộc đời của các vị được người đời tôn xưng là vị thánh: thánh Gandi, mẹ Teresa; tôi học các lớp về tâm lý… tôi cũng muốn nổi tiếng, muốn khẳng định mình muốn cả thế giới biết đến tên tôi. Và tôi thấy thật vinh dự và tự hào vì mình đang được sống với lý tưởng đang được sống với ước mơ. Tôi viết bài, đi nói chuyện với các bạn trẻ và lập trình trong đầu mình một mẫu người phải trở thành. Tôi hòa mình vào các buổi hội thảo, các chương trình diễn thuyết lên tinh thần về khát vọng sống, ước mơ vươn tới, về tư duy thịnh vượng, các lớp yoga…Một ngày, tôi mệt nhoài và một tiếng nói bên trong lại cất lên: “Có thật đó là con người mày muốn trở thành không? Có phải mày đang ngộ nhận về hạnh phúc và lý tưởng không?”.Có lẽ trong tôi có hai con người đang mâu thuẫn, đánh nhau kịch liệt khiến cho tôi đau ốm và khủng hoảng. Tôi lặng lẽ tách rời cuộc sống, tìm đến một tu viện và thực tập thiền…


Khi đó tôi dần nhận ra, tôi đi tìm lý tưởng nhưng lại luôn sống với ảo tưởng. Tôi chưa biết quay vào trong để hiểu mình. Tôi để cho 2 con người vô hình trong mình giằng xé khi thì họ lôi mình về hướng này, khi thì họ kéo mình về hướng kia. Ồ! Vậy là tôi đã để gần 30 năm cuộc đời để không sống thực với mình mà một khi anh không sống thực với mình thì sao anh có thể sống với lý tưởng của mình….

Tôi đã về, (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa:

Tôi thích câu thơ này lắm! Bạn có biết tấm liếp cửa không? Ngày xưa khi nhỏ gia đình tôi sống với ngoại, nhà ngoại đắp bằng đất, cánh cửa thì làm bằng liếp tre, mùa đông về gió thổi liếp đập vào tường đất kêu lạch cạch. Mỗi khi trời mưa tôi thường đứng ôm liếp cửa mà nhìn bọt bong bóng nước chạy trên sân. Rồi có lần anh em chúng tôi nghịch bị mẹ phạt đứng ngoài cửa không cho vào nhà khi trời tối, anh em tôi cũng đập tay vào liếp cửa mà khóc xin. Bây giờ quê tôi không gia đình nào còn nhà đất và liếp cửa tre nữa.


Trong một khoảnh khắc tôi nhận ra mình đã về lại tuổi thơ, tôi đã chạm vào tấm liếp. Tấm liếp còn hiện hữu trong tôi, là giây phút nhiệm màu của hiện tại. Nghe đến đây thì bạn có thể cười và cho rằng tôi bị ảnh hưởng bới lý thuyết thiền của thiền sư Nhất Hạnh. Nhưng không! Bạn có biết tôi đã từng ước mơ, đã từng thao thức phải sống có lý tưởng để thay đổi cuộc đời, để phụng sự quê hương đất nước nhưng tôi chưa từng chạm tay vào “tấm liếp” nhiệm màu của hiện tại để ngó ngàng cho rõ, cho tỏ cái bộ dạng thật con người mình, gia đình mình, làng quê, đất nước mình…Tôi mừng rơi nước mắt. Tôi đã để quên, đã trốn chạy và chối bỏ chính gốc gác của mình, tôi đã chẳng là tôi mà khi mình không sống trọn vẹn là mình thì mình đau khổ là đúng rồi. Cũng như đại bàng mà nghĩ mình là vịt nên suốt ngày chỉ dám bơi dưới nước, cái nó cần là bay lên bầu trời xanh, nhưng nó không hiểu mình là đại bàng nên vẫn thấy thiếu một thứ thì đó mà không biết. Hàng ngày nó bơi dưới hồ và đau khổ… Hôm nay, tôi đã trở về, đã chạm tay trên tấm liếp hiện tại, là cánh cửa để tôi xúc chạm với quá khứ, với những người thân, để nhìn cho tỏ con người của chính mình…


Bạn biết không? Tôi đã quyết định sống đơn giản để tìm nguồn tự do đích thực. Tôi cho đi vài bộ đồ, mấy đôi dép và một chiếc điện thoại cầm tay... Tôi xin sếp tôi một tuần chỉ đi làm 3 buổi, tức 12 tiếng và tôi hứa sẽ làm việc chất lượng…Tôi mua các đồ ăn chay cần thiết cho kế hoạch thanh lọc cơ thể bằng dưỡng sinh… Nghe đến đây chắc bạn bảo tôi khùng rồi. Tôi chưa dám nói kế hoạch này với cha tôi, bây giờ nói ra chắc cha tôi không đồng ý. Tuy nhiên, tôi muốn dành thời gian nhiều hơn cho cha, muốn sống bên ông với một tình thương và sự có mặt trọn vẹn…tôi tin cha tôi sẽ hiểu thôi.


Chiều nay, tôi thiền hành quanh Hồ Tây. Đi quanh hồ và thở một lúc, tôi dừng bên mép nước nhắm mắt để cho gió thổi vào mặt, vào tóc…Tôi thấy mình tự do kỳ lạ. Tôi thấy tôi không cần tìm một lý tưởng sống nào nữa, tôi chỉ cần tự do, thảnh thơi như vậy là đủ rồi…Thật kỳ lạ có khi con người ta cứ chạy loanh quanh để kiếm tìm một thứ gì đó để rồi nhận ra rằng chẳng có thứ gì cần kiếm tìm. Trời đổ mưa nhè nhẹ, tôi tập chạy bộ kết hợp với hơi thở về nhà. Mặc dù tôi không thấy mệt nhưng áo thì ướt đẫm. Tôi đi pha một ấm trà nóng rồi vào bàn đọc sách, trên bàn còn để cuốn “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” – GS Nguyễn Lang và một bản thảo viết dở của tôi có tựa đề : “Đâu là con đường tâm linh cho đất nước Việt Nam?”… Tôi muốn mời bạn uống trà và cùng tôi về đặt tay trên liếp cửa.

 

Hoa Sa La

langmai.org