Chuông cửa

altTôi vốn chưa từng nghĩ đến việc đi ra ngoài mang hay không mang theo chìa khóa, cũng không hề lo lắng khi về nhà tìm không ra nó, bởi vì trong nhà luôn có người mở cửa cho tôi.

Về đến trước cửa nhà, đưa tay ra ấn chuông, cánh cửa lập tức nhẹ nhàng mở ra, một giọng nói thăm hỏi ôn hòa của người già vang lên làm tim tôi rộn rã, ngã người vào nơi mềm mại ấm áp nhất, thật thoải mái, thật mãn nguyện!

Khi Mẹ còn sống, ông bà cụ thường tranh chấp với nhau về việc mở cửa cho tôi. Chỉ cần tiếng chuông cửa “ting tang” vang lên là Ba Mẹ giống như chạy đua đến mở cửa, bước chân của Mẹ nhẹ nhàng gấp rút, bước chân của Ba nặng như tiếng trống nện lên nền nhà. Mẹ lúc nào cũng chậm hơn Ba một bước: “kêu ông làm việc thì thật lề mề, nhưng mở cửa cho con gái thì tích cực hơn ai hết.” Mẹ cảm thấy bị thiệt thòi đứng sau lưng Ba trách móc, Ba mừng vui ra mặt vì cảm giác chiến thắng, kế đến tiếp lấy túi xách, đưa giầy, rót trà cho tôi, cứ thế mỗi ngày tôi đều hưởng được cách đối đãi giống như khách quý vậy.

Mẹ đi rồi, không còn ai tranh mở cửa với Ba, sự linh hoạt và hài hước của Ba cũng đã đi theo Mẹ không ít. Đã vậy tuổi tác lại chất chồng theo năm tháng, tai không còn thính, chân không còn nhanh nhẩu, nhưng vì không muốn trễ giờ mở cửa, canh đến giờ tôi sắp tan ca, Ba đứng giữ sẵn ngay bên cửa, chăm chú lắng nghe tiếng nhạc mà Ba cho là cảm động nhất vang lên, lúc ấy ánh mắt không còn tinh anh giống như bàn tay mẹ hiền lướt nhẹ lên mặt tôi, xua tan bao mệt mỏi phiền muộn trong ngày.

Có một hôm tan ca, trên đường lại bị kẹt xe, về đến nhà trễ hơn bình thường 30 phút, như thường lệ tôi ấn chuông cửa. Một tiếng, hai tiếng, càng ấn càng nôn nóng, nhưng không hề có sự phản ứng nào. Trong lòng tôi hốt nhiên lo lắng: Ba đã xảy ra chuyện gì? Tôi vội vàng lật tung túi xách tìm chìa khóa mở cửa ra thì thấy Ba đang đứng trên sân thượng, hướng mắt trông về một phương trời xa, gió đêm thổi tung mớ tóc bạc trắng lưa thưa của Ba, tình cảnh đó làm lòng tôi đau xót, bất giác nước mắt tuôn chảy thành hàng. Ba quay đầu nhìn thấy tôi, gương mặt vừa rồi hãy còn câm lặng như cao nguyên hoang vắng, thoáng chốc như một loại cúc Ba Tư nở rộ, trong nét cười hớn hở đó có chút vẻ gì đó giống như trẻ thơ mừng vui rụt rè khi được vật mình yêu thích.

Tôi biết trong nửa tiếng chờ đợi đó, lòng Ba bị thêu đốt đến dường nào. Mỗi đêm thưởng thức âm thanh “ting tang” kỳ diệu đã trở thành thói quen của Ba, sự đúng giờ của âm thanh này đã đánh động thần kinh của Ba, chỉ cần hơi trễ một chút là trong đầu Ba suy đoán ra đủ thứ chuyện, dẫn đến sự lo lắng như thế này hoặc như thế khác.

Sự nhớ nhung đó là biểu hiện của chứng bệnh “một mình lên lầu cao, nhìn ra con đường mút tận chân trời”, lại còn mang một chút “ngu ngơ” không cách nào lý giải được. Từ sau sự việc đó, mỗi ngày tan ca tôi đều không dám trễ giờ.

Cách đây không lâu, tôi phát hiện bên cửa có thêm một cái ghế, thật là vướng lối, mỗi đêm tôi đều dẹp đi, sáng hôm sau lại thấy trở về nằm ngay chỗ cũ. Quan sát kỹ, tôi phát hiện ra “thành cửa” này là do Ba đặc biệt thiết lập, ông cụ sợ không nghe tiếng chuông cửa, không thể mở cửa cho con gái ngay tiếng chuông đầu tiên, vậy là ông cụ quyết định ngồi ngay bên cửa, lắng nghe bằng cả tấm lòng, lắng nghe bằng cả tình thương.

Những chi tiết nhỏ ấm áp như thế giống như một ly trà nóng mùa đông, xoa nhẹ ngón tay lạnh cóng nóng lên từng chút từng chút một, lòng cũng theo đó ấm lên, cuộn trào lòng biết ơn vô tận.

Hạnh phúc của việc về đến nhà ấn chuông cửa không phải ai cũng có thể có được. Trong kiếp người hữu hạn, có được cha mẹ hết lòng thương yêu, luôn dõi lòng mình theo bạn, nghĩ về bạn, nhớ đến bạn, quan tâm bạn, dùng tình thương thiêng liêng làm điểm tựa ấm áp nhất cho lộ trình nhân sinh của bạn, đó là một phần phước không nhỏ trong cuộc đời này.

 

 

Tác giả: Trương Nhạn

Bát Nhã lược dịch

Theo tuvienhuequang.com