Những Nét Đặc Sắc Phật Giáo Thời Lý

 

Trong suốt chặng đường hai ngàn năm hiện hữu trên đất Việt, đạo Phật đã hoà chung cùng bước thăng trầm lịch sử dân tộc. Tinh thần phóng khoáng, siêu việt giáo lý Phật được các bậc Tổ đức Thiền Sư kết hợp với bản sắc văn hoá cổ truyền yêu cuộc sống quê hương đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong trang sử vàng đó phải kể đến thời kỳ “hoàng kim” Phật giáo thời Lý.


Dưới triều đại Lý, cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược (1075-1077) đã kết thúc thắng lợi. Nho giáo đang có những tác động cố vươn lên chiếm địa vị tư tưởng quần chúng, nhưng uy tín của Phật giáo không vì thế mà kém sút, ngược lại đã phát triển tới đỉnh cao bởi lòng sùng kính của các vị Vua anh minh với sự đóng góp trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước của các Thiền Sư, Quốc Sư.

Các Vua Nhà Lý Sùng Kính Phật Giáo

1. Lý Thái Tổ (974-1028)

Vua tên húy Công Uẩn miếu hiệu Thái Tổ, sinh ngày 12/02 Giáp Tuất (08/03/974) mất ngày 03/03 Mậu Thìn (31/03/1028) thọ 55 tuổi, vốn xuất thân từ chốn Thiền môn, được Quốc Sư Vạn Hạnh giúp đỡ làm quan triều Lê tới chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Ông là người thông minh nhân ái, có chí lớn lập được nhiều chiến công, năm 35 tuổi (15/03/1009) được tôn là Vua khai sinh vương triều Lý, đổi niên hiệu Thuận Thiên, dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Ngay khi lên ngôi đã có chính sách rất trọng đãi Phật giáo: ban phẩm phục cho Tăng Ni, xây dựng 8 ngôi Chùa mới: Chùa Hưng Thiên Ngự, Vạn Tuế, Thắng Nghiêm, Thiên Vương Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang, Thiên Đức.

Năm 1014, Tăng thống Thẩm Văn Uyển lập giới đàn ở Chùa Vạn Tuế.

Năm 1016, độ một ngàn dân kinh đô Thăng Long xuất gia

Năm 1019, lại một lần nữa độ dân làm Tăng sĩ, cũng năm này sai sứ thần Phạm Hạc và Đạo Thanh qua Trung Quốc thỉnh Đại tạng.

Năm 1024, lập Chùa Chân Giáo.

Năm 1026, Vua sắc lệnh đúc chuông Chùa Hưng Thiên, Đại Giáo, Thắng Nghiêm.

2. Lý Thái Tôn (1000-1054)

Vua húy Phật Mã, còn có tên là Đức Chính, con trưởng Thái Tổ, sinh 26/06 Canh Tý (29/07/1000), mất 01/10 Giáp Ngọ (03/11/1054) thọ 55 tuổi, được đăng quang nối ngôi Thái Tổ từ 1028-1054, làm Vua 27 năm, trị vì trong giai đoạn thịnh trị; là người nhân từ, sùng kính đạo Phật, chú ý đến đời sống nhân dân, coi trọng việc mở mang kinh tế. Khi Thái Tổ lên ngôi, được phong là “Khai Thiên Đại Vương.” Dưới thời Vua soạn bộ “Kinh thư” làm nền tảng pháp luật triều đình, thơ “Truy tán Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi”, bài kệ “Thị chư Thiền Lão tham vấn Thiền Thiền chỉ.”

Tháng 8 Thiên Thành thứ 4 (1031), chiến thắng Chiêm Thành, sắc lập dựng 95 ngôi Chùa để tạ ân, miễn thuế cho dân một năm.

Năm 1034, đổi niên hiệu Thông Thuỵ, dựng thêm tàng Kinh Trùng Hưng, thỉnh Đại Tạng Kinh (lần thứ 3 nước Việt thỉnh Đại tạng ở Trung Hoa)

Năm 1036, chép sao Đại tạng để ở kho Trùng Hưng.

Năm 1049, sắc dựng Chùa Diên Hựu và Nhất Trụ theo thế hoa sen. Vua Thái Tông là đệ tử đắc pháp của Thiền Lão (đời thứ 7 phái Vô Ngôn Thông)

3. Lý Thánh Tông (1023-1072)

Vua húy Nhật Tôn, là con trưởng Thái Tông, sinh ngày 25/02 Quý Hợi (19/03/1023), mất ngày Canh Dần Tháng giêng năm Nhâm Tý (tháng 02/1072), thọ 50 tuổi, làm Vua 18 năm; là Vua thông minh nhân từ, chủ trương khoan giảm luật hình, coi nhẹ nghề nông, mở mang việc học, là người đầu tiên xây dựng văn miếu, mở khoa thi, sùng kính đạo Phật. Bài “Cố Động Thiên công chúa, vị ngục lại” (nhìn công chúa Động Thiên, bảo lính ngục) và bài “gặp tiết đại hàn bảo các quan tả hữu” là những bản chiếu chỉ mang tính nhân đức từ bi của Vua.

Năm 1056, lập Chùa Sùng Khánh, xây “Tư Thiên Báo Thắng Tháp” gọi tắt là Tháp Báo Thiên, 12 tầng (1 trong 4 kỳ quan Phật giáo nhà Lý): Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh.

Năm 1057, tạc tượng Di Đà ở Tiên Du.

Năm 1058, xây Tháp Tường Long ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

Năm 1069, tôn vinh Thiền Sư Thảo Đường làm Quốc Sư, lập Thiền phái Thảo Đường ở Việt Nam tại Chùa Khai Quốc (Trấn Quốc). Vua là thế hệ thứ 2 dòng Thiền này.

Năm 1070, lập văn miếu ở Thăng Long, dựng Chùa Nhị Thiên Vương.

Năm 1071, viết chữ “Phật” ở núi Tiên Du cao 1 trượng 6 thước.

4. Lý Nhân Tông (1066-1128)

Vua húy Càn Đức, con trưởng Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan, sinh 25/01 Bính Ngọ (23/02/1066), mất tháng 12 Đinh Mùi (từ 4 đến 31/01/1027), thọ 62 tuổi, tức vị 56 năm (1072-1128). Ông là vị Vua kiệm ước, nhân ái và có tài. Lê Quý Đôn viết về Vua: “xứng đáng là vị anh quân đời Lý”; được các bề tôi giúp đỡ, nhân dân ủng hộ, dẹp tan âm mưu xâm lược của quân Tống, quan tâm đến công việc nhà nông, xuống chiếu cấm giết trâu bò; đối với văn học lập Quốc Tử Giám, mở khoa thi Tam trường. Vua rất sùng kính Phật giáo, là tác giả bài truy tán Thiền Sư Vạn Hạnh; truy tán Thiền Sư Sùng Phạm, tán Giác Hải Thiền Sư, Thông Huyền đạo nhân. Trước lúc băng hà Vua để lại “Lâm chung di chiếu” mang tính nhân từ, kiệm ước, khiêm cung của một hoàng đế Phật tử.

Năm 1081, sai sứ Lương Dụng Luật qua Tống thỉnh Kinh.

Năm 1086, dựng Chùa Lâm Sơn, xây dựng Tháp đá tại Quế Dương (Bắc Ninh)

Năm 1098, sai sứ nguyễn Văn Tính qua Tống thỉnh Kinh.

Năm 1105, dựng 3 Tháp đá ở Chùa Lâm Sơn.

Năm 1112, khánh thành Tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đại Sơn (Hà Nam)

Năm 1114, dựng lầu Thiên Phật.

Năm 1118, Vua Chiêm Thành và Chân Lạp sai sứ mang lễ vật đến triều cống, Vua mở hội lễ Phật lớn.

Ngoài 4 vị tiên đế, các vị Vua sau như Thần Tôn, Anh Tôn, Cao Tôn, Huệ Tôn cũng rất sùng kính Phật. Vua Lý Huệ Tôn năm 1224 truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, xuất gia tại Chùa Chân Giáo với pháp danh Huệ Quang Đại Sư.

Chính Trị, Văn Hoá, Thẩm Mỹ, Chùa Chiền, Kinh Điển, Phật Giáo Thời Lý

Các Thiền Sư Vạn Hạnh, Thiền Sư Tăng Thống Huệ Sinh, Đạo Hạnh, Quốc Sư Minh Không, Chân Không, Viên Thông thuộc phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi; Quốc Sư Thông Biện, Mãn Giác, Ngộ Ân, Không Lộ, phái Vô Ngôn Thông là những người tham gia đóng góp vào việc chính trị, cố vấn cho Vua trong việc yên xã tắc, an dân.

Văn Hoá

Các Thiền Sư là những người có Nho học, giỏi Giáo lý, thông suốt Y, Toán, nên đã mở trường dạy học không những đào tạo Tăng tài mà cả dạy cư sĩ và đào tạo nhân tài cho đất nước, như Vạn Hạnh Thiền Sư đào tạo nên Lý Công Uẩn, Trí Thiền Sư đào tạo nên Thái úy Tô Hiến Thành, Ngô Nghĩa Hoà.

Các Thiền Sư sáng tác nhiều thi ca, kệ. Di ý các ngài còn lưu dấu tại nhiều văn bia:

Bia Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng Duy Tĩnh, dựng năm 1110, do Thiền Sư Pháp Bảo (Hải Chiếu) soạn.

Bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh, núi Long Đội, dựng năm 1121 do Mai Bật soạn.

Bia Chùa Hương Nghiêm, núi Càn Nê, làng Phủ Lý, dựng năm 1124, không biết ai soạn.

Bia Chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn, làng Thọ Xá, dựng năm 1126, do Thiền Sư Pháp Bảo (Hải Chiếu) soạn.

Bài minh quả chuông Chùa Thiền Phúc trên núi Phật Tích do Thiền Sư Huệ Hưng soạn năm 1109.

Bài minh trên bia Tháp Hội Thánh ở núi Ngạc Già, do Thiền Sư Lê Kim soạn năm 1092.

Bài văn bia Tháp Lăng Già do Thiền Sư Lê Kim soạn năm 1092.

Bài minh quả chuông và bài văn bia của Chùa Viên Quan, do Thiền Sư Dĩnh Đạt soạn năm 1122.

Bài văn bia Chùa Diên Phúc, thôn Cổ Việt, do Nguyễn Diệm soạn năm 1121.

Mỹ Thuật

Phật giáo nhà lý kiến tạo nhiều công trình mỹ thuật, trở thành danh thắng nổi tiếng:

Năm 1049, dựng Chùa Một Cột.

Năm 1056, dựng Chùa Sùng Khánh. Tháp Bảo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Quỳnh Lâm (An Lam Tứ đại khí) 4 kỳ quan của nước Nam.

Năm 1057, dựng Tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng).

Tăng Sĩ, Tự Viện, Kinh Điển, Ruộng Đất.

Nhà Lý nhiều lần độ dân xuất gia làm Tăng.

Năm 1014, Tăng thống Thẩm Văn Uyển lập giới đàn ở Chùa Vạn Thọ

Năm 1016, có 1000 người ở kinh đô xuất gia.

Năm 1019, lại lập giới đàn.

Năm 1034, độ dân làm Sư Tăng.

Năm 1179, Vua khảo hạch Tăng quan.

Nhà Lý vẫn giữ hệ thống quan chức Phật giáo nhà Đinh Lê: Tăng thống, Tăng lục, nhưng lại chia tả nhai Tăng thống, hữu nhai Tăng thống; tả, hữu nhai Tăng lục.

Triều Lý xây dựng nhiều Chùa, chia 3 loại: đại danh lam, trung và tiểu danh lam.

Kinh điển: Triều Lý lần cho 3 sứ sang Trung Hoa thỉnh đại tạng; 2 lần sao chép Đại tạng (1023 và 1027).

Năm 1020, Nguyễn Đạo Thành, Phạm Hạc qua Trung Hoa thỉnh Kinh Vua sai, Sư Phổ Trí đi đón.

Năm 1081, Vua sai Lương Dụng Luật sang Tống thỉnh Đại tạng.

Năm 1098, lại thỉnh thêm Đại tạng.

Ruộng đất, tài sản: Chùa nhiều ruộng do Vua quan tiến cúng như Chùa Long Đọi (Hà Nam), có hàng ngàn mẫu ruộng ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Trong Chùa có “điền nô” hoặc phát canh thu tô.

Hiệu Đính Hành Trạng Quốc Sư Minh Không Và Thiền Sư Không Lộ

Thiền Sư Không Lộ: Sư họ Dương húy Minh Nghiêm, đạo hiệu Không Lộ, sinh 14/09 Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) tại Vĩnh Lại, Hải Dương (quê ngoại), mẹ họ Nguyễn; trước theo gia đình làm nghề chài lưới, sau xuất gia kết huynh đệ với Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và Giác Hải. Sư tạo nên “An nam tứ đại khí”, trụ trì Chùa Nghiêm Quang huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, tịch ngày 03/06 Giáp Tuất niên hiệu Hội Phong thứ 3 (1094) triều Lý Nhân Tông, Sư thọ 79 tuổi.

Quốc Sư Minh Không họ Nguyễn húy Chí Thành, đạo hiệu Minh Không, sinh ngày 14/08 Bính Ngọ (1066) niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1016) triều Thánh Tông, tại làng Điếm Xá phủ Trường Yên (nay là Điềm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), đệ tử đắc pháp của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh thuộc đời thứ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Năm 1136, chữa cho Vua khỏi bệnh, thần Tông phong ngài chức Quốc Sư. Ngài tịch 01/08 Tân Dậu niên hiệu Đại Định thứ 2 triều Anh Tông (1141), thọ 76 tuổi. Tháp tại Chùa Diên Phúc, Giao Thủy Nam Định. Sở dĩ nhiều nhà sử học gọi thời kỳ này là “Hoàng kim Phật giáo” vì có các Vua hiền ủng hộ Phật giáo nhiều cao Tăng xuất hiện có học vấn uyên thâm về nội và ngoại điển. Nhiều Thiền Sư học rộng, hiểu nhiều, bài bác những tín ngưỡng và pháp thuật dị đoan, đóng góp lớn lao trong phạm vi học thuật, văn hoá và xã hội.

 

TT THÍCH BẢO NGHIÊM

Hoa Sen Hồng