Rải vàng mã khi đưa tang: Không phải tập tục của người Việt

Tiếp tục có nhiều ý kiến gửi về Tuổi Trẻ khẳng định việc rải vàng mã khi đưa tang là một hủ tục có nguồn gốc từ nước ngoài, các tôn giáo đều không ủng hộ và nhiều nơi đã bỏ được.

 

Gia đình tôi theo Phật giáo, tôi đọc nhiều kinh sách nhà Phật không hề thấy chỗ nào nói về vàng mã, kể cả trong các nghi thức thờ cúng. Bản thân tôi thường xuyên đi làm trên xa lộ, khi gặp những đám tang đi cùng chiều rải vàng mã bay tứ tung là nỗi ám ảnh đối với tôi. Có những lúc vàng mã dính lên kính mũ bảo hiểm, cản tầm nhìn làm tôi suýt gây ra tai nạn. Theo tôi, việc rải và đốt vàng mã vừa lãng phí vừa là hình thức xả rác gây khổ thêm cho các công nhân vệ sinh, nhất là lúc trời mưa giấy vàng mã rất khó thu dọn. Đây là việc làm trái với tinh thần Phật pháp. Tiền mua vàng mã để dùng làm công việc từ thiện thì thiết thực hơn.

NGUYỄN ANH LƯƠNG

* Gốc gác việc đốt vàng mã không phải là tập quán của người Việt từ lâu đời, mà xuất phát từ văn hóa nước ngoài ảnh hưởng một cách vô tình hoặc cố tình trong thời gian đất nước ta bị đô hộ. Chúng ta gạn lọc điều hay mà học và từ đặc điểm người Việt mà xây dựng văn hóa. Cách đây vài năm, tôi có đến dự lễ tang tại làng quê gốc của tỉnh Bắc Giang. Đó là đám tang của vị trưởng họ.

Tuy nhiên, theo thỏa ước giữa người dân và chính quyền xã, họ đã có những cải cách rất văn minh. Họ thông báo sẽ ngưng nhạc và ngưng viếng từ 22g để không ảnh hưởng hàng xóm. Họ thông báo sẽ không rải vàng mã để không gây ô nhiễm môi trường dù đó là vùng làng quê, đường bêtông và đường đất.

BÙI ĐỨC QUỐC

* Không rải vàng mã khi đưa tang thật ra không khó nếu làm tốt công tác truyền thông kết hợp với quy định của từng địa phương. Việc này ở quê tôi đã thực hiện được mấy năm nay (TP Vinh, Nghệ An). Tôi rất ngạc nhiên khi vào công tác ở trong Nam đám tang nào cũng rải vàng mã. Sẽ thành công nếu các tổ chức, đoàn thể tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân.

VI BẢO

* Tập quán là thói quen nhưng cũng chia làm hai loại: phong tục và hủ tục. Tang lễ với phong tục tín ngưỡng thể hiện đạo hiếu phải duy trì, nhưng việc rải vàng mã mà kinh sách nhà Phật không dạy là hành vi mê tín, hủ tục cần vận động đẩy lùi. Riêng trong đạo Cao Đài, kinh sách dạy rất rõ: “Tuyệt đối không dùng giấy tiền hàng mã, đồ âm công”!

B.Đ.

* Theo tôi, việc rải vàng mã là tập tục vừa tốn tiền bạc vừa ảnh hưởng đến vệ sinh nơi công cộng và mỹ quan đô thị. Không ít người đi đường đã rất bức xúc khi tận mắt chứng kiến hình ảnh công nhân vệ sinh đẩy thùng đựng rác thu lượm từng tờ giấy hoặc bao nilông trên đường phố.

Tôi còn nhớ chủ trương cấm đốt pháo và đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây cũng đã có người không đồng tình, thậm chí phản đối vì mọi lý do. Song vì lợi ích của đa số người dân và toàn xã hội, chủ trương đó đã được thực hiện khá tốt. Do vậy có nên chăng chúng ta mở cuộc vận động không rải vàng mã trên đường phố, sau đó cấm luôn như một số nước khu vực châu Á đã làm?

B.H.

Giáo lý nhà Phật không dạy rải vàng mã

Thầy Thích Viên Khương, quản lý tháp cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM, giải thích: Khi chúng sinh đã thác, qua bờ bên kia rồi, những người thân của họ chưa ngộ được chuyện sinh lão bệnh tử nên làm một số chuyện chưa thích hợp. Ví dụ như chuyện đốt hay rải tiền, vàng mã trên đường đưa linh cữu người thân đi chôn, hỏa táng là việc hoàn toàn không đúng, chỉ mang tính tự phát.

Điều này chỉ gây hao tốn tiền của cho phật tử, làm mất mỹ quan môi trường xung quanh. Giáo lý nhà Phật không dạy người dân phải đốt hay rải tiền, vàng mã. Thầy nói: “Với tư cách là một người tu hạnh đạo pháp, tôi xin khẳng định chưa bao giờ Đức Phật dạy chúng ta phải đốt hay rải tiền, vàng mã cho người thân đã thác cả”.

Theo thầy Thích Viên Khương, những người đốt hay rải tiền, vàng mã là chưa chánh niệm, chưa hiểu rõ được việc mình làm là để phục vụ điều gì. Những người có thói quen đốt hay rải tiền, vàng mã chỉ vì học làm theo người khác. Nhiều khi có người bỏ ra một số tiền lớn để mua đồ vàng mã như tiền, vàng, nhà cửa, xe hơi, quần áo... về đốt nhưng không biết rằng điều này chẳng mang lại ý nghĩa gì cho người thân đã thác. Số tiền ấy nếu dành làm việc thiện sẽ tốt hơn.

“Tôi đang quản lý tháp cốt với trên 30.000 hũ cốt. Những ngày lễ, giỗ... tôi cũng khuyên người dân nên hạn chế việc đốt vàng mã nhưng không phải ai cũng hiểu và nghe theo...” - thầy Thích Viên Khương nói.

Đ.TUYÊN ghi