Lễ Vu Lan - Ngẫm và hành động về đạo hiếu

Lễ Vu Lan là dịp làm ấm ân nghĩa sâu đậm của cha mẹ, công ơn sinh thành dưỡng dục, để rồi trong mỗi thời khắc của cuộc sống, chúng ta không bao giờ quên ơn cha mẹ dù người còn sống hay đã khuất. Trong Tứ trọng ân, ơn cha mẹ là lớn nhất.  Nhưng “Chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con, ở tấm lòng thành kính, ở cách sống và làm việc của họ trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau”. Mùa Vu Lan năm nay, không chỉ những người  già, mà ngày càng nhiều bạn trẻ nô nức lên chùa mừng ngày báo hiếu.
Hoa hồng tặng mẹ trong ngày Lễ Vu Lan
Ảnh: HOÀNG LONG
Khi tôi còn nhỏ, cứ đến ngày rằm tháng bảy, bà tôi lại tất bật sắm sanh lễ vật: xôi, chuối, oản... để cúng gia tiên và nấu cháo thí để cúng các cô hồn. Bà hì hụi nấu một nồi cháo to từ chiều để nguội. Cậu tôi phụ bà làm những cái phễu nhỏ bằng lá đa, lá mít có gắn que tre ở đầu. Chờ mãi đến nửa đêm, khi chúng tôi buồn ngủ díp cả mắt, bà mới sai cậu khiêng nồi cháo thí (cháo trắng được nấu rất loãng) ra ngoài ngõ múc từng muôi nhỏ đổ vào phễu lá đã được cắm xuống đất, trải từ sân nhà ra ngoài đường lớn. Rồi bà quay vào, đứng trước cái bàn nhỏ kê trước sân bên trên có lễ vật đã sắp sẵn lầm rầm khấn vái. Hình ảnh những que hương cháy đỏ trước sân và tiếng khấn vái của bà khiến tuổi thơ tôi đã khắc sâu về một nghi thức đầy ý nghĩa nhân văn của ngày lễ Vu Lan - báo hiếu, ngày xá tội vong nhân. Giờ đây, ngày này đã trở thành phong tục truyền thống của văn hoá Việt.

Lễ Vu Lan là dịp làm ấm lại ân nghĩa sâu đậm của cha mẹ, công ơn sinh thành dưỡng dục, để rồi trong mỗi thời khắc của cuộc sống, chúng ta không bao giờ quên ơn cha mẹ dù còn sống hay đã khuất. Trong Tứ trọng ân, ơn cha mẹ là lớn nhất. “Biển cả mênh mông không đong đầy lòng mẹ/ Trời mây lồng lộng không phủ kín công cha”. Đức Phật dạy rằng, công cha mẹ lớn hơn trời biển. Trăm kiếp nghìn đời, gặp những lúc đói khát, nhiều đứa con dẫu có “máu đổ, thịt rơi” cũng chưa đền đáp hết công ơn của cha mẹ. Nghĩa cử này chưa ai làm được. Khi bước vào đời cuộc sống bận bịu, đôi khi chúng ta quên mất công ơn cha mẹ, thậm chí, nhiều khi chúng ta còn nghĩ trước tính sau, làm cha mẹ buồn. Trong các tội, nặng nhất là tội bất hiếu. Để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta cần tu tâm, hành thiện giúp đỡ mọi người xung quanh để cha mẹ được vui. Mùa vu lan là mùa báo hiếu của những người con đối với mẹ cha.
Hơn 1.000 vị chư tôn giáo phẩm, tăng ni dự lễ
khai hội Đại lễ Vu Lan tại TP. Hồ Chí Minh

Ơn chúng sinh. Mọi người xung quanh đều là ân nhân của chúng ta. Nếu không có người nông dân làm ra hạt thóc, hạt gạo cho chúng ta ăn thì chúng ta sẽ đói. Bao nhiêu cái gì hiện hữu trên thế gian này đều là ân nhân của chúng ta, từ người thợ xây, thợ may... Vì vậy, chúng ta cần phải suy nghĩ về sự tương quan, sinh tồn nếu không nghĩ đến ta thành người vong ân bội nghĩa. Trong xã hội hiện nay, chúng ta đang phát động bảo vệ môi trường. Nhưng nhiều người lại bắt các loài động vật trên rừng, tàn phá môi sinh, môi trường mà không biết cây cối đem lại sự sống cho chính chúng ta, nên chúng ta cần bảo vệ.

Ơn Quốc gia, xã hội. Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thời dựng nước Hùng Vương tới thời đại Hồ Chí Minh. Ơn đức của các bậc tiền bối đã hy sinh cho nhân dân, xã hội không thể kể xiết. Giờ đây, chúng ta đang được sống trong yên bình, nhưng có ai nghĩ đến, ở nơi biên cương, hải đảo có những người lính đang thức để ngày đêm bảo vệ cho chúng ta. Quốc gia là nền tảng căn bản để cho chúng ta sống, nên chúng ta phải luôn luôn phấn đấu trở thành người công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội, làm tròn tất cả nghĩa vụ của quốc gia.
Ảnh: Quốc Anh

Ơn cuối cùng là Ơn Tam Bảo. Đức Phật là Người có trí tuệ tuyệt luân, hơn trí tuệ của mọi người. Ngài là một vị thái tử, nhưng vì muốn giải thoát khổ đau cho kiếp người nên ngài bỏ tất cả của cải, vật chất, vợ con... để tu. Nếu thế giới không có từ bi hỷ xả, con người sẽ khổ đau. Vì vậy, ngày nay, nhiều người hướng tới Tam Bảo. Thực hành theo Đức Phật là đền ơn đáp nghĩa.

Lễ Vu Lan là dịp để mỗi người trong chúng ta truy niệm nguồn gốc hiện hữu của mình trên thế gian, và những ân tình trong sống trong cuộc đời này. Ai cũng phải sống giữa mối tương duyên, tương quan giữa mình và vạn loại. Mọi người (thân, sơ) đều ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chúng ta. Thấu hiếu được điều này, chúng ta sẽ hiểu được tinh thần từ bi, vô ngã vị tha của Đạo Phật, sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình” để xã hội  ngày càng tốt đẹp hơn. Hiểu đúng về lễ Vu Lan để hành động của mỗi người chúng ta thêm ý nghĩa

Đức Khách - V. Minh
Nhiều hoạt động trong muà Vu lan tại TP. Hồ Chí Minh

Với chủ đề “Vì sức khỏe và môi trường”, lễ hội ẩm thực chay lần thứ 1 năm 2010 diễn ra trong suốt tuần lễ từ 26-8 tới đầu tháng 9-2010 tại Công viên 23/9. Theo Ban tổ chức lễ hội, bắt đầu từ năm nay,  lễ hội  sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 7 Âm lịch nhằm khơi gợi người trẻ nhớ về truyền thống gia đình và có dịp báo hiếu với cha mẹ. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Trưởng Ban tổ chức lễ hội) cho biết, lễ Vu Lan đã ngày càng trở thành hoạt động cộng đồng của người Việt, vượt qua khuôn khổ của một ngày lễ tôn giáo đơn thuần. Ngoài các giá trị nhân bản hướng về truyền thống gia đình, Ban tổ chức cũng mong muốn mang tới thông điệp “Sử dụng thực phẩm chay vì sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng”.

Theo ông Hưng, chính nhờ ý nghĩa thiết thực của chương trình mà cho đến nay, chương trình lễ hội đã có khoảng 50 doanh nghiệp với 80 gian hàng thực phẩm chay tham gia. Đây cũng là sự kiện TP. Hồ Chí Minh hưởng ứng kêu gọi của Liên hợp quốc về ý thức bảo vệ môi trường qua việc giảm tiêu thụ thịt động vật – nguyên nhân thứ 2 gây hiệu ứng nhà kính hàng năm. Ngoài hoạt động chính tại lễ hội, nhiều hội thi và diễn đàn cũng sẽ được tổ chức nhân lễ Vu Lan tại TP. Hồ Chí Minh như hội thi “Sắc màu ẩm thực chay” (26/8); diễn đàn “xu hướng ẩm thực chay hiện đại”; đêm “Tri ân mẹ” với nghi thức thả đèn hoa đăng;…

Với chủ đề “Trở về cội nguồn dân tộc”, từ ngày 22 đến 24-8-2010, tại Long Hoa Thiên Bảo (quận Thủ Đức), Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh phối hợp với khu du lịch văn hóa Suối Tiên tổ chức Đại lễ Vu Lan với sự tham dự của hơn 1.000 vị chư tôn giáo phẩm, tăng ni cùng hàng ngàn phật tử, du khách thập phương đến chiêm bái và lễ Phật.

Sáng 23-8-2010, sau lễ An vị tượng Đức Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn Bảo, Ban hành lễ Phật giáo đã tổ chức các nghi lễ cầu chúc cho quốc thái dân an, khai kinh Vu Lan, tụng kinh địa tạng, lễ cầu siêu độ, cúng dường và Trai Đàn Chẩn Tế. Đây là dịp để bà con phật tử trên mọi miền đất nước thắp nén hương thành kính tỏ lòng hiếu hạnh, sự tôn kính đối với tổ tiên, gia đình.

Ngoài ra, trong mùa Vu lan – Báo hiếu, Ban tổ chức đại lễ Vu Lan tại TP. Hồ Chí Minh sẽ dành hơn 300 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh  và các tỉnh lân cận phía Nam.
Hồng Phúc (Theo DDK)