Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 7

  

ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ 6
(BỐ THÍ BÌNH ĐẲNG)


1, Chánh văn:

弟 六 覺 知 Đệ lục giác tri
貧 苦 多 怨 Bần khổ đa oán
橫 結 惡 緣 Hoạnh kiết ác duyên
菩 薩 布 施 Bồ-tát bố thí
等 念 冤 親 Đẳng niệm oán thân
不 念 舊 惡 Bất niệm cựu ác
不 憎 惡 人 Bất tắng ác nhơn

2, Dịch nghĩa:

Thứ sáu biết rằng
Nghèo khổ thường hay
Oán thán, trách móc
Vì vậy càng thêm
Kết tạo điều ác.
Bồ-tát bố thí
Oán thân đồng đều
Không nhớ thù xưa
Chẳng ghét người ác.


3, Giải thích:

Điều giác ngộ thứ sáu giải thích rõ ràng nguyên nhân của sự bần cùng, nghèo khổ, đó là do không thực hành bố thí. Và vì vậy, để chấm dứt cái nhân nghèo khổ, bần cùng, Bát Đại Nhân Giác nêu cao hạnh bố thí ba-la-mật của hàng Bồ-tát.

Ông bà mình thường nói “Bần cùng sinh đạo tặc”. Thật vậy, cái nghèo, cái khổ, cái bần cùng dễ làm cho người ta sinh tâm tham lam, dễ sinh tâm trộm cắp, sinh tâm bất mãn, ganh tị, hận thù. Những người nghèo khổ thường mặc cảm với bạn bè, với xã hội, và vì vậy hay sinh tâm oán hận, oán hận ông trời, oán hận cha mẹ, oán hận xã hội và oán hận cả bản thân mình. Cái nghèo về vật chất đã vậy, mà cái nghèo về tri thức, về đạo đức cũng vậy. Nói như vậy không có nghĩa là quy trách nhiệm cho tầng lớp đói nghèo và thất học trong xã hội đều là thành phần bất hảo, không có đạo đức. Trong xã hội, nhất là xã hội Việt Nam, không ít những con người nghèo mà trong sạch, không có chữ nghĩa nhưng giàu lòng nhân ái. Ở đây nói bần khổ đa oán, hoạnh kết ác duyên là nói chung, sống trong cảnh nghèo khổ bần cùng thì hay sinh tâm oán hận, than trời trách đất và dễ vi phạm pháp luật, gây thêm nghiệp ác. Bởi vậy ông bà mình mới khuyên “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo mà trong sạch, rách mà thơm tho, giữ được vậy là khó.

Nghèo nàn và lạc hậu là một mối nguy hại cho tất cả những quốc gia trên trế giới. Tất cả những bệnh tật, tệ nạn, bạo động, bất an… đều tập trung ở những nước chưa phát triển hoặc chậm phát triển. Vì vậy, những nhà lãnh đạo quốc gia không ngừng nỗ lực để đưa đất nước mình thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu. Đồng thời, cộng đồng thế giới, hiệp hội các nước phát triển trên thế giới cũng nỗ lực giúp đỡ để đưa những nước chậm phát triển thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Hồi đức Phật còn tại thế, Ngài cũng đã từng nêu lên thực trạng của một đất nước nghèo nàn, rằng: “Do nghèo khổ mà trộm cướp bạo hành, giết hại, dối trá tăng trưởng làm cho xã hội băng hoại” (Trường bộ kinh, Chuyển luân thánh vương sư tử hống). Từ đó, đức Phật khuyên các nhà lãnh đạo đất nước nên dùng phương pháp này để mà trị dân: “Những người nào có khả năng về nông nghiệp và chăn nuôi hãy cung cấp cho họ hạt giống và thực vật, những người nào có khả năng về thương nghiệp hãy cung cấp cho họ vốn đầu tư, những người nào có học thức và khả năng lãnh đạo hãy cho họ vật thực và lương bổng. Như vậy, người dân sẽ chuyên tâm vào những nghề riêng của mình, họ không nhiễu hại đất nước. Và ngân quỹ quốc gia sẽ dồi dào, nhân dân an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và sống vui hoan hỷ” (Trường bộ kinh, Kutadanda). Ngày nay, nếu trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu mà các nhà lãnh đạo biết ứng dụng lời dạy này của đức Phật thì hay biết mấy!

Trong quá trình hành đạo, biết được nghèo nàn là một mối nguy hại, cho nên, đức Phật đã dạy các Phật tử phát nguyện thực hành hạnh bố thí để cho sự nghèo khổ giảm bớt áp lực, để cho tâm tư của người nghèo được an ổn và để cho xã hội được bình an, thịnh vượng. Hơn thế nữa, bố thí là phương pháp duy nhất để chấm dứt cái nhân của sự nghèo khổ, là phương tiện để hoàn thành Bồ-tát đạo.

Bố thí thì có nhiều cách và ai cũng có thể bố thí được. Chẳng hạn, người có tiền của, vật chất thì bố thí tiền của vật chất; người có trí tuệ thì bố thí sự hiểu biết… Ngoài ra, chúng ta không giết hại là bố thí sự sống và không sợ hãi (vô uý thí), không trộm cắp là bố thí tài vật và sự công bằng, không dâm dục là bố thí hạnh phúc và tình thương, không nói láo là bố thí niềm tin và sự cảm thông, không uống rượu là bố thí sự bình yên và trật tự xã hội… Sự bố thí như vậy thì ai cũng có thể bố thí được.

Mục đích cứu cánh của sự bố thí là tiêu trừ những tư tưởng ích kỷ, xấu xa, và phát triển những tư tưởng vị tha, trong sạch. Bố thí là một niềm hân hoan, một phước lành cho cả người cho lẫn người nhận. Vì vậy, khi thực hành bố thí, Bồ-tát không thắc mắc tìm hiểu người mà mình muốn cho sự vật, hoặc ban một đặc ân, có ở trong tình trạng thiếu thốn món đó không. Bồ-tát cho ra mà không chạy theo vật mình cho. Cái đó được gọi là:

Đẳng niệm oán thân
Bất niệm cựu ác
Bất tắng ác nhân.


Bồ-tát bố thí vì lòng quảng đại mà cũng là để diệt trừ mọi luyến ái còn tiềm tàng trong tâm. Khi bố thí, Bồ-tát không hề lộ vẻ quan trọng hoặc tỏ ý tự tôn tự đại, trái lại, thấy đó là một cơ hội quý báu để làm bổn phận mình nên sẵn sàng và vui vẻ phục vụ kẻ khác một cách khiêm tốn. Bồ-tát không bao giờ thấy mình cao hơn ai vì lẽ người đó nhờ mình, không bao giờ thấy mình thi ân và người được giúp đỡ đã thọ ân mình, không tìm danh vọng, không mong đến đáp. Đó là sự bố thí chân chính. Ngoài ra, mọi cách thức bố thí khác, như bố thí vì danh, vì lợi, vì mong cầu một điều gì đó đều không phải là sự bố thí chân chính. Hay nói cách khác, bố thì mà còn ý niệm có người cho và người nhận, còn có ý niệm thi ân và thọ ân, còn có tâm phân biệt, còn có tâm mong cầu… đều là sự bố thí không đúng chánh pháp. Sự bố thí ấy chỉ làm tăng thêm phiền não, và do vậy, không có phước báo gì cả.

Thực tế, khi thực hành hạnh bố thí, con người khó thoát ra khỏi ý niệm mình là người thi ân và có người thọ ân. Luận Đại Trí Độ có nói: “Hàng ngu si bố thí mà không hiểu gì; hoặc vì cầu tài nên bố thí, vì sợ hiềm trách nên bố thí, hoặc sợ sệt nên bố thí, hoặc vì muốn cầu ý người nên bố thí, hoặc sợ chết nên bố thí, hoặc dối người làm cho họ mừng nên bố thí, hoặc tự cho mình giàu nên bố thí, hoặc tranh hơn nên bố thí, hoặc ganh ghét sân si nên bố thí, hoặc kiêu ngạo tự cao nên bố thí, hoặc vì danh dự nên bố thí, hoặc vì chú nguyện nên bố thí, hoặc vì giải trừ suy hoại cầu tốt lành nên bố thì, hoặc vì qui tụ đông người nên bố thí. Cách bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh”. Sự bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh, không đúng chánh pháp và dĩ nhiên không có phước báo gì cả. Điều đó gợi cho chúng ta nhớ câu chuyện lịch sử giữa Tổ Bồ-đề Đạt-ma với vua Lương Vũ Đế. Lương Vũ Đế là người thâm tín Phật pháp, đúc chuông, tạo tượng, xây dựng chùa tháp, bảo trợ Tăng ni tu học khắp nước, nhưng Bồ-đề Đạt-ma nói làm như vậy không có phước báo gì cả? Chúng ta đã biết được nguyên do vì sao.

Như vậy, việc bố thí phải dựa trên nguyên tắc, như kinh Kim Cang nói rõ, là Không – Vô tướng – Vô nguyện:

Bồ-tát không nên
trú ở đâu cả
mà làm bố thí:
không ở nơi sắc
mà làm bố thí,
không ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.


Và sự bố thí như thế thì:

vì nếu Bồ-tát
không ở đâu cả
mà làm bố thí
thì được phước đức
không thể lường được.


Đó là sự bố thí thanh tịnh, và đó là điều mà Bát Đại Nhân Giác muốn nói đến.

Tuy nhiên, bố thí một cách bình đẳng, không phân biệt người thân, kẻ thù, không ghét bỏ người ác; bố thí theo tinh thần, theo nguyên tắc Vô tướng, Vô nguyện, Vô chấp không có nghĩa là nhắm mắt cho càn. Điều đó trái với tinh thần trí tuệ của đạo Phật. Khi giúp đỡ một người ác, người Phật tử không có tâm ghét bỏ, phân biệt đối xử với người đó, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là tạo điều kiện cho người đó tiếp tục làm việc ác. Ngược lại, người Phật tử tìm mọi biện pháp và bằng tình thương của mình, giúp đỡ người đó cải tạo cuộc sống, hướng đến con đường thánh thiện. Đó là một sự bố thí cao thượng.

4. Kết luận:

Bố thí là một trong sáu pháp Ba-la-mật mà Bồ-tát nương theo đó tu tập để độ thoát chúng sinh, chứng thành Vô thượng giác. Thực hành bố thí viên mãn hành giả sẽ thành tựu cả hai mặt phước đức và trí tuệ.
Phước đức có được là do chúng ta thực hành bố thí đã đem đến niềm vui cho kẻ khác. Trí tuệ tựu là do trong quá trình bố thí chúng ta đã quán chiếu đến sự bình đẳng, vô phân biệt.
Thành tựu phước đức nhờ vào sự bố thí bằng cách đem niềm vui đến cho người khác thì ai cũng có thể thực hành được. Vì trong cuộc sống, chỉ bằng một ánh mắt, nụ cười, lời nói dễ thương… là chúng ta đã ban phát được rất nhiều niềm vui rồi!
Mong rằng tất cả chúng sinh mỗi ngày đều thực hành được công hạnh này. Như vậy cuộc đời sẽ giảm bớt sự căng thẳng và cuộc sống sẽ an vui biết bao!

 

Thich Nguyên Hùng

(chuavanhanh.free.fr)