Hãy là mây trắng bay

image

 

Cành thương,

 

Mấy hôm nay thời tiết thật đẹp và ấm. Suối đọc lời chia sẻ hồn nhiên vô tư trong lá thư cuối của em càng làm cho Suối thêm ấm áp. Cành ơi! Em hãy vui lên bởi đôi mắt em còn sáng để thấy trời xanh, trái tim con còn đập nhịp nhàng êm thắm, đôi chân em còn khỏe mạnh để vui chơi nô đùa, và đôi tai em còn thính để nghe tiếng gió thì thầm mời gọi. Em nhìn xem kìa! Lá vàng đang múa ca, bình minh đang tươi sáng. Và tối nay em hãy nhớ ngắm ánh trăng vàng lung linh đầu ngõ. Biết bao nhiêu yếu tố hạnh phúc đang có mặt trong em và chung quanh em. Chỉ cần thắp lên ngọn đèn tỉnh thức, em sẽ tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Lúc đó hạnh phúc sẽ tuôn dậy tràn ngập trái tim, và em sẽ thấy cuộc đời này thương yêu biết mấy!

Cành ơi! Em hãy đừng suy nghĩ nhiều quá bởi suy tư thường không giải quyết được mọi vấn đề. Em nên dùng thì giờ và năng lượng để thực tập hơi thở ý thức, bước chân thiền hành dưới nắng mai, lắng nghe tiếng mưa rơi, ngắm nhìn mây trắng bay. Nghệ thuật sâu sắc là sống bằng tất cả con tim tha thiết nghĩa là trở thành một với sự sống đang xảy ra trong từng giây từng phút. Khi nhìn mây trắng thong dong trên nền trời xanh, em trở về với hơi thở ý thức, làm lắng đọng tâm tư để thật sự có mặt mà tiếp xúc với đám mây. Làm được như thế, em sẽ trở thành một với mây trắng. Khi uống một ly trà nóng, em đưa tâm ý rong ruổi trở về chú ý tới hơi ấm của nó trong lòng hai bàn tay, tới động tác nâng nó lên rồi đưa vào miệng. Nhờ thế khi hớp một ngụm trà, em mới thật sự nếm được hương vị thơm ngon của trà. Do đó khả năng an trú trong hiện tại tùy thuộc vào hơi thở ý thức, bước chân thiền hành và sự dừng lại cûa tâm ý. Vừa thở vừa mỉm cười thường xuyên, em tiếp tục thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để đem thân tâm trở về một mối trong trạng thái sáng suốt và thảnh thơi.

Ở tại chùa Tổ mới gần hai tháng rưỡi mà Suối có cảm tưởng như đã sống ở nơi đây từ lâu lắm rồi. Chùa Tổ có nét trang nghiêm, linh thiêng và cổ kính. Chùa có nhiều cây cổ thụ như cây bùi, cây me, cây bàng, cây khế, cây nhãn, cây mít, cây ngọc lan, cây tùng, cây thông và nhiều loại cây khác tạo thành cánh rừng nhiệt đới xanh tươi, mát mẻ. Chùa có hồ Bán Nguyệt nằm trước chánh điện gần cổng tam quan, bên phải có hồ Sao Hôm với nhà thủy tạ xinh xắn, bên trái có hồ Sao Mai với nhiều hoa súng màu tím, hoa sen màu hồng. Chùa còn có con suối uốn lượn quanh co như một con rồng thiêng ca hát reo vui suốt ngày đêm, và có hai cái giếng làm tăng thêm cảnh đẹp ở chốn già lam. Cái giếng nằm bên cạnh con suối gần hồ Sao Mai là giếng hạ, là nơi tắm giặt của đại chúng vào thời của Sư Ông Làng Mai.

 Mỗi lần đi thiền hành qua cái giếng ấy, anh có cảm giác như đang được gặp Ôn Từ Hiếu. Hình ảnh thân thương hiền hậu với hai con mắt sáng long lanh tỏa rạng năng lượng thánh thiện của Người cứ hiện về trước mắt anh. Suối thấy Ôn đang giặt chiếc áo. Suối không có tưởng tượng đâu em nhé, bởi vì thế giới tâm linh thật vi diệu, chỉ cần lắng tâm sâu sắc thì em có thể tiếp xúc với nó. Ôn tu theo phương pháp mật hạnh (secret practice) nên đời sống của Người thật là đơn giản, khiêm cung và hiền hậu. Hãy nhìn cho thật kỹ Sư Ông Làng Mai thì em sẽ nhận được hình bóng thân yêu của Người. Mỗi lần đi qua giếng ấy, Suối thường đưa bàn tay vuốt ve thành giếng với nhiều cảm xúc ưu ái, kính yêu và lưu luyến. Cảm giác này thật dễ chịu, thật gần gÛi, thật sung sướng lắm Cành ạ! Suối tin chắc rằng Ôn Từ Hiếu luôn luôn thương yêu và che chở cho con cho cháu mặc dù Người đã thị tịch bốn mươi năm về trước.

Suối đang thực tập hết lòng mỗi ngày, do đó anh nếm được một ít niềm vui. Ở đây anh có đầy đủ những điều kiện nuôi dưỡng cho sự tu tập như ở Làng Mai, Lộc Uyển và Rừng Phong. Suối có Sư Thúc thay thế cho Sư Ông, có các sư anh và các sư em. Chùa có thiền đường rộng rãi, thiền lộ mát mẻ, chánh điện trang nghiêm và rừng cây rợp bóng. Vào những đêm rằm, ánh trăng tỏa sáng lung linh cả sân chùa, cùng với tiếng gió thì thầm vi vu làm cho rừng thông trở nên sinh động vô cùng. Những lúc như thế, Suối ngồi yên hòa mình trong không khí tĩnh lặng mà linh thiêng mà huyền diệu, thắp sáng sự biết ơn đối với chư vị Tổ Sư, Sư Ông và đại chúng. Niềm vui này tuy bé nhỏ nhưng bền sâu thấm thía, xin dâng tặng hết cho mọi người, cho quê hương.

Quê hương của mình không còn nghèo nàn, thiếu thốn như ngày xưa nữa nhưng vẫn còn nghèo tâm linh. Món ăn tinh thần rất là quí, vì vậy sự thực tập hàng ngày là món quà đẹp nhất cho quê hương. Người ta không thiếu cơm ăn áo mặc đâu em ạ; họ chÌ thiếu sự trầm tĩnh, an lạc và thương yêu. Không có sự an tĩnh, niềm hạnh phúc thì cũng không có tình thương. Nếu con người cứ lo âu, buồn giận và tranh chấp với nhau thì làm sao tình thương có thể tuôn chảy trong trái tim để chia sẻ cho nhau. Do đó ở đây người ta tu tập thật hết lòng. Họ cứ mong đợi tới ngày chánh niệm mỗi thứ Bảy để lên chùa nghe pháp, thiền hành, tụng kinh cùng với các thầy và các sư chú. Người ta thích nghe pháp từ các thầy giáo thọ, mỗi lần như thế đôi mắt của họ sáng lên với niềm hy vọng và  lòng tin yêu. 

Em hãy sống cho vui tươi, kiên nhẫn với chính mình trong đời sống hàng ngày, bởi vì cái gì cũng cần thời gian mới chín. Tu tập cũng giống như cây ăn trái, khi mới kết thành trái non thì nó còn xanh với hương vị chua chát nhưng vài tháng sau, trái cây ấy sẽ chín thì hương vị sẽ trở nên thơm tho, ngọt ngào. Con người có đầy đủ các tâm hành nên em đừng xua đuổi cái gì hết. Tâm ý thường biểu hiện ra nhiều mặt, do đó em đừng bị kẹt vào bất cứ một hình thức nào cả mà hãy nhận diện chúng để chấp nhận. Vui cũng được, em thở với nó; buồn cũng không sao. Các tâm hành dễ thương, dễ ghét, vương vấn, lo âu đều là em cho nên hãy thở với chúng, hãy ôm ấp chúng cho thời gian nung nấu biến thành những bông hoa của thương yêu, hiểu biết, từ đó em có thể đem dâng cho mọi người. Nhớ đi bách bộ, xem hoa nở, ngắm mây bay, nhìn trăng sáng bằng sự cởi mở và buông bỏ suy tư không cần thiết thì chắc chắn tâm ý của em sẽ được giải phóng, tự do. Em hãy thử đi nhé! 

Anh đã có kinh nghiệm về những tâm hành tiêu cực nên mong em chỉ nhận diện chúng mà không cần phải làm gì hết. Nếu nỗi buồn quá mạnh thì em có thể đi thiền hành, đi chơi, làm vườn, ngồi vẽ hoặc thể dục. Bên cạnh ấy, em tập nhìn tính hay, nét đẹp, sự dễ thương của mọi người như đang nhìn những bông hoa xinh đẹp ngoài vườn. Em hãy học chấp nhận, thông cảm, thương yêu, trân quý sự sống của mọi người mà đừng đòi hỏi, phán xét và trách móc. Cứ để cho sư em là sư em, sư chị là sư chị, sư mẹ là sư mẹ và mình là mình. Vui à, cũng được; buồn à, chán à, cũng không sao! ‘Cũng được’ là giải quyết hết mọi vấn đề phiền muộn, tranh chấp, hơn thua; ‘không được’ mới sinh ra vấn đề khó chịu hay buồn giận. Em hãy thử đi! Anh đang thực tập như vậy đó. Có lúc làm được anh cảm thấy khỏe nhẹ, vui tươi, nhưng có lúc vẫn làm chưa được, do đó anh cố gắng tu tập tha thiết hơn, em ạ!

Tất cả hạnh phúc tự do hay khổ đau ràng buộc đều tùy thuộc vào cách sống, cái nhìn của ta về tự thân và đời sống. Thôi thì, em hãy là mây trắng bay, là suối reo, là trăng sáng. Trăng sáng không phàn nàn gì cả. Suối reo không kỳ thị ai cả. Mây trắng cứ mãi thong dong. Ô kìa! Trăng sáng ngập cả hiên chùa, cả lòng em và khắp mọi nơi. Em có thấy hay không? Một thi sĩ nào đó thốt lên bài thơ sau đây:

“Trăng sáng sau khi trời mới tạnh

Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng

 Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?”  

 

Thương nhiều, chàng Suối

Từ Hiếu Jan. 24, 2006  

Pháp Đăng