Núi cũ


Lần đầu tiên tôi đến Lộc Uyển vào cuối thu khi tu viện chưa tròn tuổi, rồi nấn ná lại đây tới đầu mùa đông để tiễn người bạn thân ra đi không về lại. Cuối hè năm sau tôi theo chân Sư Ông và Tăng đoàn từ Pháp quốc sang đây và gắn bó hẳn với nơi nầy. Tôi gọi núi rừng Lộc Uyển là của tôi, hay tôi của núi rừng đều đúng cả.

Có những nơi chốn và tình người nuôi dưỡng sự trưởng thành trong đời sống tu học, như một ơn phước muôn đời tự nhiên đến với tôi. Chiếc nôi đầu tiên sinh tôi ra bên kia bờ Thái Bình Dương đứng nép mình tựa triền núi lớn Vũng Tàu, tuy có bị nổi chìm nhưng hiện vẫn đang vươn lên và nuôi dưỡng bao người tu trẻ. Tôi đã đến đó vào một chiều cuối đông 1973 như một chuyện tất định trong đời để rồi lột xác người tu, và ký thác đời mình cho vị Thầy già và cho Đức Thế Tôn quyết định. Nhưng lịch sử đất nước sang trang, những đứa con nơi núi cũ bay đi khắp nơi tự mình dang cánh bằng sãi gió bay xa, có những chú chim gãy cánh… Kẻ mất người còn nổi trôi bồng bềnh xô dạt theo khói sương. Có điều, với tôi núi cũ xa xưa như một loại hương thơm giấu kín trong lòng luôn thoảng hương hạnh phúc, như lửa than âm ỉ đun nóng ngày càng làm chín chắn Bồ đề tâm và đạo nghiệp. Rồi ra, tôi lại gặp núi xưa trong khi về Lộc Uyển, và gắn liền với nơi nầy thoáng chốc đã gần mười năm. Nếu có ai hỏi: Núi rừng nơi đây có gì đâu mà gắn bó? Xin thưa: Có rất nhiều. Có cảnh. Có người. Cảnh đẹp, tuy đượm nét tiêu sơ vào mùa nắng nhưng rất hùng vĩ và thanh bình. Tình người tuy thanh đạm, tuy không vồn vã đón mời nhưng cao nhã và ấm nồng đạo vị. Những điều nầy đủ giàu có để nuôi dưỡng và làm lớn dậy đời tu của tôi.

locuyen_10namTất nhiên, núi rừng đây cũng có: “Những buổi sáng sương giăng hững hờ, những buổi chiều chân trời xa lộng lẫy, những đêm có trăng núi rừng sáng bừng mà hồn nhiên tĩnh lặng, những đêm không trăng nhiều cánh sao rực rỡ thân thiết ghé lại thăm đỉnh núi nầy”. Đây là những câu tôi đã viết trong một đoạn tùy bút cách nay hơn ba mươi năm khi nói đến núi Tao phùng và tu viện Chơn Không cũ. Giờ chợt nhớ lại thấy sao rất giống nơi đây và cũng nghe lòng ngây ngất bàng hoàng. Phải chăng núi cũ sinh tôi ra cũng là hiện tại. Thời gian chưa bao giờ đến đi và người năm xưa cũng dừng trong sát na không sinh không diệt.

Cách đây một năm, quyển “Kinh 42 Chương Giảng Giải” được in ra. Tôi lấy quyển đầu tiên gói giấy cẩn trọng ghi bên trong dòng chữ: “Đây là món quà được làm nên từ núi rừng Lộc Uyển, xin kính dâng lên vị Thầy vô vàn kính yêu của chúng con.” Và dâng đến các bậc Ân sư với lời đề như thật lòng tôi đã cảm nghiệm. Hoá ra đời tu của tôi đã được sinh ra từ một vùng núi, phiêu bồng mây nước rồi an trụ lại ở một vùng núi để trưởng thành và sống chân chất quê mùa như thuở mới sinh ra. Xin tạ ơn núi rừng xưa như chiếc nôi đã nuôi dưỡng tôi và bao người bạn tu để họ còn có mặt và đóng góp cho đạo cho đời như hiện tại. Xin tạ ơn núi rừng Lộc Uyển đã chắp thêm cho tôi đôi cánh để dâng hiến đời mình đền ơn các bậc Thầy và mười phương thí chủ đã dưỡng nuôi tôi.
Nếu quá khứ mạng mạch của các dòng thiền đều xuất phát từ núi cao rừng vắng, nơi đủ tú khí để thành tựu các bậc Thầy tài tuấn và đức hạnh cho Già lam, thì hiện tại chắc không thể khác. Tôi nghĩ rằng núi rừng Lộc Uyển sẽ là chiếc nôi sinh trưởng bao người tu trẻ thành tựu phẩm hạnh thanh cao và toả sáng hương thơm đức hạnh, hầu làm cho dòng tuệ giác của Đức Thế Tôn có mặt và hiến tặng hữu hiệu cho con người nơi đất nước nầy.

Lộc Uyển tháng 05, 2010.

Thượng Tọa Phước Tịnh

(langmai.org)