Đạo từ của trưởng lão Tỳ kheo đại diện tăng đoàn trong lễ khai mạc ngày về nguồn lần thứ IV

 

TĂNG NI VIỆT NAM HẢI NGOẠI
ĐẠO TỪ CỦA TRƯỞNG LÃO TỲ KHEO ĐẠI DIỆN TĂNG ĐOÀN
TRONG LỄ KHAI MẠC NGÀY VỀ NGUỒN LẦN THỨ IV
17 tháng 9 năm 2010
TẠI CHÙA VIÊN ĐỨC, ĐỨC QUỐC

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Trưởng lão cùng chư tôn thiền đức Tăng Ni tham dự Lễ Khai Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ IV hôm nay,

Kính thưa quý thiện nam tín nữ tháp tùng các phái đoàn Tăng Ni và tự viện Phật giáo đến đây để hộ trì, thính pháp và tham dự Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư,

Kính thưa liệt quý vị,

Vừa rồi, Hòa thượng được Tăng sai đã tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối do Phật chế định. Bảy pháp này được xem là giềng mối để bắt đầu cho các sinh hoạt Tăng đoàn. Nhờ tuân thủ Bảy Pháp Bất Thối, các hội chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni từ 2500 năm qua, đã giữ được sự thanh tịnh hòa hợp trong các sinh hoạt và cũng chính nhờ đó mà Phật Pháp được vững bền, hưng thịnh.

Trong bảy pháp ấy, pháp nào cũng thật quan trọng, nhưng tôi đặc biệt lưu tâm 3 pháp liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại thông qua Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư:

Pháp thứ nhất, “Các Tỷ-kheo cần phải thường xuyên tụ họp, và tụ họp đông đảo để giảng luận Chánh pháp, khiến cho có sự hòa hợp trên dưới của các Tỷ-kheo.” Đây là lý do mà đến đâu chúng tôi vẫn thường kêu gọi chư tôn thiền đức cố gắng tổ chức lễ Bố-tát hàng tháng tại các địa phương; và đây cũng là lý do mà mỗi năm chúng ta tổ chức Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư. Ở hải ngoại, Tăng Ni Việt Nam chúng ta sống rời rạc, trải rộng trên địa bàn thế giới, khó có cơ hội để “thường xuyên tụ họp, và tụ họp đông đảo để giảng luận Chánh Pháp” như pháp thứ nhất của Bảy Pháp Bất Thối huấn dụ. Cho nên, cần tổ chức Bố-tát, cần tổ chức Lễ Hiệp Kỵ chung cho Tăng đoàn, cần tổ chức các khóa tu nghiệp cho Tăng Ni, hay khóa tu học Phật Pháp dành cho Phật tử mà nhờ đó chư tôn đức Tăng Ni có nhân duyên tụ họp đông đảo. Ngày Về Nguồn do chúng ta tổ chức là phụng mệnh Đức Bổn Sư nơi pháp thứ nhất này: tụ họp, hội thảo, giảng luận Chánh Pháp.

Pháp thứ hai, “Các Tỷ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết.” Đây là điểm mà chúng ta đã thực hiện được trong 3 lần tổ chức Ngày Về Nguồn trước, và chắc chắn sẽ thực hiện được trong Ngày Về Nguồn lần thứ IV năm nay. Trong khi pháp thứ nhất kêu gọi chúng ta nên thường tụ hội thì pháp thứ hai, nhắc nhở chúng ta hội họp trong tinh thần hòa hợp, thanh tịnh và đoàn kết. Không tổ chức tụ hội đông đảo, chúng ta sẽ không có cơ hội để biểu hiện sự hòa hợp, đoàn kết và không có cơ hội để trắc nghiệm tinh thần vô ngã của mình trong sinh hoạt Tăng đoàn. Nếu mỗi thành viên Tăng Ni không thực hiện tinh thần vô ngã thì không làm sao có được sự hòa hợp, thanh tịnh. Điểm mấu chốt này, chúng ta cần lưu ý. Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư tạo nhân duyên cho chúng ta thực hiện tinh thần này.

Pháp thứ bảy, “Các Tỷ-kheo sống an trú trên chánh niệm tạo thành một cộng đồng sinh động, khiến cho các bạn đồng tu từ những phương khác nếu chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn cùng sống và cùng tu tập trong sự an lạc.” Một cộng đồng sinh động là một cộng đồng biết thực hiện tinh thần vô ngã; nhờ vô ngã mà có được đoàn kết hòa hợp; nhờ đoàn kết hòa hợp mà Tăng đoàn được trang nghiêm; Tăng đoàn trang nghiêm thì các bạn đồng tu từ những phương khác mới tụ về, cùng sống chung và tu tập trong an lạc. Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư do chúng ta tổ chức chính là nỗ lực của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại nhằm thực hiện lời dạy cốt thiết này của Đức Thế Tôn.

1


Kính thưa quý liệt vị,

Tôi nhắc đến 3 trong Bảy Pháp Bất Thối ở trên với lòng chân thành tán dương chư tôn thiền đức đứng ra vận động, tổ chức và tham dự Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư mà bản thân tôi được góp mặt từ những ngày đầu phôi thai.

Từ những cảm xúc chân thành của tăng nhân đi gần hết một đời trong nẻo đạo huyền vi, dưới sự dẫn dắt của Đức Thế Tôn kỳ vĩ và chư lịch đại tổ sư, tôi xin thay mặt chư tôn trưởng lão hiện diện, cảm tạ những tấm lòng và tâm nguyện cao đẹp của quí liệt vị. Riêng đối với chư tôn đức Tăng Ni các thế hệ đi sau, tôi xin có một lời chân tình: quý vị không cần tìm kiếm ở đâu xa, chính ngay nơi Bảy Pháp Bất Thối này, quý vị có thể nhìn rõ con đường và trách nhiệm của mình đối với sự hưng thịnh của Tăng đoàn, của Chánh Pháp.

Nam mô Thập phương Thường Trú Tam Bảo tác đại chứng minh

Sa Môn Thích Thắng Hoan