Sống Trên Nền Tảng Phật Tánh

alt

Ba truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng đều cho rằng Phật tánh hay Như Lai tạng là lần thuyết pháp sau cùng và cũng là cực điểm của kinh điển.

Ngoài những kinh của lần chuyển pháp luân thứ ba nói về Phật tánh như kinh Thắng Man, kinh Lăng Già, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn… chúng ta có nhiều luận nói về Phật tánh như Luận Đại Thừa Khởi Tín, Luận Phật tánh (của Maitreya)…

Trong bài này chúng tôi sử dụng kinh Đại Bát Niết Bàn dựa trên các bản Việt dịch, một là bản dịch của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến và một là bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

1. Phật tánh

Kinh Đại Bát Niết Bàn nói nhiều lần trong chương Như Lai tánh: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. “Sư tử rống gọi là lời nói quyết định: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không có biến đổi. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được thành Vô thượng Bồ đề. Do nghĩa này nên trong kinh Phật nói tất cả chúng sanh nhẫn đến kẻ tạo tội ngũ nghịch, phạm tứ trọng tội và nhất xiển đề đều có Phật tánh” (Chương Sư tử hống Bồ-tát).

Sự khẳng định này không chỉ là sự khẳng định tất cả chúng sanh đều sẽ đạt đến Đại Niết-bàn, mà còn khẳng định tất cả mọi biểu hiện của đời sống đều có mục đích để đạt đến Phật tánh Niết-bàn. Phật tánh là bản đại giao hưởng anh hùng ca hài hòa mọi kinh nghiệm sống, mọi kiếp sống, thành một vị Niết Bàn của chiến thắng tối hậu.

“Phật dạy: Y vào pháp tức là Như Lai Đại Bát Niết Bàn. Tất cả Phật pháp tức là Pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai. Thế nên Như Lai thường trụ bất biến. Nếu có người bảo: Như Lai vô thường, thì người đó không biết không thấy Pháp tánh” (chương Như Lai tánh, Tứ y).

“Phật tánh tức là Pháp thân Như Lai. Thân Như Lai là thân thường trụ, bất sanh bất diệt, là thân kim cương vĩnh viễn bất hoại, tức đây là Pháp thân” (chương Thân Kim Cương).

Phật tánh là Chân Không Diệu Hữu:

“Pháp thân là Thường, Lạc, Ngã Tịnh, lìa hẳn tất cả sanh già bệnh chết, chẳng phải trắng đen, chẳng phải cao thấp, chẳng phải đây kia, chẳng phải học vô học, Phật ra đời hoặc chẳng ra đời vẫn thường trụ, chẳng động, không biến đổi. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý, bèn cho rằng Như Lai nói thân Phật là pháp vô vi”.

“Ta từng nói Phật tánh có đủ sáu tính chất: Một là Thường, hai là Thật, ba là Chân, bốn là Thiện, năm là Tịnh, sáu là Có Thể Thấy. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý bèn cho rằng Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có”.

“Ta lại nói Phật tánh của chúng sanh như hư không. Hư không chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải trong ngoài, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc, Phật tánh cũng như vậy. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý bèn cho rằng Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có”.

“Ta lại nói chúng sanh chính là Phật tánh, vì nếu rời chúng sanh thì chẳng được Vô thượng Bồ đề” (chương Ca-Diếp Bồ-tát).

“Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị lôi kéo, chẳng bị bắt, chẳng bị trói buộc” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).

Qua những câu kinh này, chúng ta thấy Phật tánh là thường trụ, không biến đổi, trùm khắp, không bị nhiễm ô dù bởi trọng tội hay biến mất bởi kẻ không tin (nhất xiển đề). Phật tánh chẳng hề rời ngoài chúng sanh, dù chúng sanh còn chưa biết nó.

Nghĩa chính yếu của Phật tánh là thường trụ, như Phật, Pháp, Tăng là thường trụ (chương Kim Cương Thân). Thường trụ nghĩa là vẫn có ở đó, bất chấp chúng ta có biến đổi thế nào, bất chấp chúng ta có hiện hữu hay không.

Phật tánh nội tại trong ngã và pháp, nhưng siêu việt khỏi ngã và pháp. Kinh nói: “Tánh ngã và tánh Phật. Không hai, không sai biệt” (chương Như Lai tánh). “Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, vốn không chỗ trụ. Dùng phương tiện khéo thì thấy được. Vì được thấy nên được Vô thượng Bồ đề (chương Quang Minh Biến Chiếu).

Phật tánh thì đồng nhất ở cả ba thừa: “Thiện nam tử! Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đồng một Phật tánh như vậy… Tại sao ba thừa không khác nhau? Sau này, các chúng sanh ấy mới tự hiểu rằng tất cả ba thừa là đồng một Phật tánh” (chương Như Lai tánh).

Chính vì đồng một Phật tánh, nên Phật giáo rốt lại chỉ có Nhất thừa: “Ba là đồng một vị: Tất cả chúng sanh đồng có Phật tánh, đều đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, một nhân một quả, đồng một cam lộ. Tất cả đều sẽ được thường, lạc, ngã, tịnh; đây gọi là đồng Một Vị” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).

Kinh ví Phật tánh như biển cả chung cho mọi làn sóng hiện tượng chúng sanh: “Điều thứ tám là Phật tánh chẳng thêm chẳng bớt, vì không ngằn mé, vì không bắt đầu và chấm dứt, vì chẳng phải sắc, vì chẳng phải tạo tác, vì là thường trụ, vì chẳng sanh diệt, vì đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, vì tất cả đồng một tánh là Phật tánh. Đây gọi là không thêm không bớt. Do đây nên kinh Đại Niết Bàn này có tám điều chẳng thể nghĩ bàn như biển cả kia” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).

2. Phật tánh trong các tông phái thực hành

Trong Thiền tông, Lục tổ Huệ Năng gọi Phật tánh này là tự tánh: “Các thiện tri thức! Tự tánh Bồ đề xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ dùng tâm này bèn được thành Phật” (Phẩm Hành Do thứ nhất). “Thiện tri thức! Trong mỗi niệm mỗi niệm, thường tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo”.

Trong phẩm Hành Do thứ nhất, Lục Tổ kể về cơ duyên ngộ tánh của mình: “Ngũ Tổ giảng cho Huệ Năng kinh Kim Cương, khi nghe tới câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, thì Huệ Năng ngay dưới lời nói đại ngộ, thấy rõ tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh. Mới thưa với Tổ rằng:

Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh

Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt

Nào ngờ tự tánh vốn tự tròn đủ

Nào ngờ tự tánh vốn không động lay”.

Lục tổ có giảng về Phật tánh trong phẩm thứ nhất như sau: “Phật nói: Thiện căn có hai: một là thường, hai là vô thường; mà Phật tánh chẳng phải thường chẳng phải vô thường, vậy nên chẳng dứt, ấy gọi là ‘chẳng hai’. Lại nữa, một là thiện, hai là chẳng thiện, mà Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải chẳng thiện, ấy gọi là pháp ‘chẳng hai’. Năm uẩn và mười tám giới từ nơi phàm phu thấy thành hai, còn người trí thì rõ suốt tánh nó ‘không hai’, cái tánh ‘không hai’ ấy tức là Phật tánh”.

Lục tổ còn nói về Phật tánh khá nhiều như nói với Phương Biện rằng “Ngươi khéo về tánh đắp tượng mà chẳng rõ tánh Phật”, giảng cho Ni cô Vô Tận Tạng về kinh Đại Bát Niết Bàn, hay giải rõ cho Chí Triệt về Phật tánh trong kinh Đại Bát Niết Bàn

Đại sư Padmasambhava, sơ tổ dòng Nyingma, người đã đem hệ thống Mật giáo Ấn Độ vào Tây Tạng, trong đó pháp Đại toàn thiện Dzogchen là pháp cao nhất thì luôn luôn đưa đệ tử vào Phật tánh để đệ tử thấy Phật tánh và thường trực an trụ trong đó:

Hãy nghe đây, Dorje Dudjom họ Nanam!

Cái có tên là ‘tâm sáng tỏ của giác ngộ’

Là vốn sẵn bên trong, bổn nhiên tự hữu và không tâm điểm cũng chẳng chu vi.

Chớ sửa chữa, chỉnh trang nó, mà ngay trong trạng thái vốn tự giác và trong sáng tự nhiên

Hãy không thay đổi, không làm biến chất, mà hãy an trụ, giải thoát trong tánh bổn nhiên!

Ở yên như thế, tâm con thoát khỏi vọng niệm

Chính nó là Phật!

(Những Khai Thị của Đức Liên Hoa Sanh về Con Đường Đại Toàn Thiện, Thiện Tri Thức, Nxb VHSG, 2009, trg 105).

Đại sư Milarepa, vị Tổ thứ tư của dòng Kagyu Tây Tạng nói về Phật tánh:

Thức nền tảng, vĩnh cửu và không biến dịch

Là người dẫn đường để thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Hạnh phúc thay cho người nào biết được sanh tử và niết-bàn là không hai;

Kỳ diệu thay, sự gieo trồng cho vụ mùa này!

Sự tu hành định thanh tịnh không phóng dật này

Là người dẫn đường cho tánh Giác tinh khiết.

Hạnh phúc thay cho người nào biết cái hiện tiền là không hai

Kỳ diệu thay tánh Giác thanh tịnh như hư không này!

(Uống Dòng Suối Núi, Milarepa, Thiện Tri Thức 2002).

Như thế, Thiền, Dzogchen và Mahamudra đều giống nhau ở Nền tảng là Phật tánh, Con đường đi đến Phật tánh trọn vẹn, và Quả là Phật quả.

3. Phật tánh trong Phật giáo Việt Nam

Thế kỷ thứ Sáu, Đại sư Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi đem Thiền tông vào Việt Nam. Cái ngài trao truyền, khai thị ngài gọi là Tâm Ấn. Cái tâm ấn này chính là Phật tánh:

Tâm ấn chư Phật

Tất không lừa dối

Tròn đồng thái hư

Không thiếu không dư

Không đi không đến

Không được không mất

Chẳng thường chẳng đoạn

Vốn không chỗ sanh

Cũng không chỗ diệt

Bởi thế chư Phật ba đời

Cũng dùng như thế mà được

Tổ sư nhiều đời

Cũng dùng như thế mà được

Ta cũng dùng như thế mà được

Ngươi cũng dùng như thế mà được

Cho đến hữu tình vô tình

Cũng dùng như thế mà được…

Dòng Thiền thứ hai, do Đại sư Vô Ngôn Thông truyền vào ở đầu thế kỷ thứ chín. Cái ngài truyền cũng là Phật tánh bất sanh bất diệt:

Truyền pháp nhãn tạng

Gọi đấy là Thiền

Tâm tông đều gọi

Thanh tịnh bản nhiên

Tây Thiên cõi này

Cõi này Tây Thiên

Xưa nay nhật nguyệt

Xưa nay sơn xuyên

Chạm đến thành trệ

Phật Tổ thành oan

Sai Nó mảy may

Mất Nó trăm ngàn.

Ngươi khéo quán sát

Chớ lừa cháu con

Có hỏi thẳng ta

Ta vốn Vô Ngôn.

Nhà vua thiền sư Trần Thái Tông (thế kỷ 13) nói:

“Nào biết tánh Giác Bồ-đề, ai nấy đều vốn viên thành, có biết đâu thiện căn trí huệ, người người nguyên đều sẵn đủ. Chẳng kể đại ẩn hay tiểu ẩn, đâu có phân gì tại gia xuất gia. Chẳng nề tăng hay tục, chỉ cốt rõ tâm, nào kể gái trai, cớ sao vướng mắc hình tướng? Người chưa hiểu chia bừa thành Tam giáo, kẻ rõ rồi cùng ngộ một chữ Tâm. Nếu có thể hồi quang phản chiếu, đều được rõ tánh thành Phật. Huống gì thân người dễ mất, Phật pháp khó gặp. Muốn vượt vòng luân hồi sáu nẻo, chỉ có con đường tắt Nhất thừa”.

Tác phẩm Nam Hải Quan Âm mở đầu bằng các câu:

Chân Như đạo Phật rất mầu

Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân

Hiếu là độ được đấng thân

Nhân là cứu thoát trầm luân mọi loài

Thần thông nghìn mắt nghìn tay

Cùng trong Một Điểm Linh Đài hóa ra.

Thiền sư Chân Nguyên (thế kỷ 17) viết trong Thiền Tông Bản Hạnh:

Thuở xưa trời đất chưa sanh

Cha mẹ chưa có, thực mình Chân Không

Chẳng có tướng mạo hình dung

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư

Thánh phàm vô khiếm vô dư

Bất sinh bất diệt như như Di Đà

Liễu tri vạn pháp không hoa

Văn tự ngôn ngữ ấy là vọng duyên

Chân Như tánh vốn thiên nhiên

Vô tạo vô tác căn duyên của nhà.

Con đường Thiền Việt Nam là thấy Phật tánh, tin nhận Phật tánh rồi y vào đó mà tu, mà phát huy, mà tự khai mở trước Phật tánh vốn có từ “thuở trời đất chưa sanh”, đó là ‘khuôn mặt xưa nay’ thuở “cha mẹ chưa có thật mình Chân Không”, đó là cái “vô tạo vô tác căn duyên của nhà”, cái “bất sanh bất diệt như như Di Đà”, mà “thánh không dư phàm không thiếu”.

Con đường Thiền Việt Nam là con đường Nhất thừa “khai thị ngộ nhập” Phật tánh vậy.

4. Phật tánh: nền tảng của sinh hoạt đời thường và nền tảng của tu hành

“Kinh Đại Niết Bàn vi diệu đây rất kỳ diệu, rất đặc biệt. Nếu có người được nghe mà kính tin thọ trì, cùng tin chắc Như Lai là pháp thường trụ, thì người này rất là hy hữu như hoa Ưu Đàm” (chương Tứ Y).

Để có sự tin chắc như vậy, bước bắt đầu là sự quy-y: “Chúng sanh cũng thế, vì sợ sanh tử cho nên thọ Ba quy-y. Do thọ Ba quy-y Phật, Pháp, Tăng nên được an lạc. Được an lạc tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật, đó là Như Lai. Như Lai tức Niết-bàn. Niết-bàn ấy tức là vô tận. Vô tận tức là Phật tánh. Phật tánh tức là quyết định. Quyết định ấy tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác… Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh vì sợ hãi sanh tử nên cầu Ba quy-y. Đã quy-y rồi nên biết Phật tánh, quyết định, Niết-bàn” (chương Như Lai tánh).

Quy-y là để được sự hộ trì và hướng dẫn. Phát tâm Bồ đề là động lực để tiến tới và mở rộng con đường thể nhập Phật tánh. Kinh nói: “Thiện nam tử! Nếu chúng sanh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát sông Hy Liên mà phát tâm Bồ đề, thì trong đời ác năm trược này mới có thể thọ trì kinh điển này mà không sanh phỉ báng” (chương Như Lai tánh).

Trong bài này chúng ta chỉ nói một phần rất nhỏ về tính chất Thường của Phật tánh, tức là một trong bốn đức Thường Lạc Ngã Tịnh của Phật tánh.

Như đoạn kinh trên nói “Phật tánh là vô tận”, cuộc đời chúng ta là hữu tận, hữu hạn, nên cuộc đời hữu tận hữu hạn ấy phải luôn luôn nằm trong Phật tánh vô tận vô hạn. Chúng ta luôn luôn ở trong Phật tánh dù chúng ta có biết điều đó hay không.

Phật tánh đồng nghĩa với Như Lai, mà Như Lai là chân giải thoát, Như Lai cũng tức là pháp giới tánh: “Lại nữa hư tịch vốn ở trong pháp giới. Như pháp giới tánh tức là chân giải thoát. Chân giải thoát tức là Như Lai”.

Phật tánh là pháp giới tánh, nghĩa là Phật tánh là bản tánh của vũ trụ, và cũng là bản tánh của tâm thức con người. Sở dĩ con người bình thường chúng ta không thấy Phật tánh, không tiếp xúc, tương ưng được với Phật tánh, bởi vì những phiền não ngăn che do chúng ta tự tạo lấy:

“Có Như Lai tạng. Tuy chưa thể thấy được nó, nhưng nếu diệt trừ tất cả phiền não bèn có thể nhập được. Nếu phát tâm như vậy thì từ một niệm làm nhân duyên, ở trong các pháp bèn được tự tại” (chương Như Lai tánh).

Trong chương Thọ mạng, kinh nói Phật tánh như viên ngọc lưu ly nằm dưới đáy tâm thức của chúng ta: “Ví như mùa xuân có một số người đến một ao lớn ngồi thuyền rong chơi rồi làm rớt viên ngọc lưu ly; nó chìm dưới nước sâu. Lúc ấy, họ đều cùng nhau lặn xuống nước tìm kiếm viên ngọc. Họ đua nhau bốc lấy gạch đá, cát sỏi, cỏ cây. Ai nấy đều tự cho là mình tìm được ngọc, vui mừng trồi lên mặt nước; bấy giờ mới biết chẳng phải là ngọc thật. Viên ngọc vẫn ở dưới nước, do năng lực của nó, nước ao được trong trẻo. Bấy giờ mọi người mới thấy viên ngọc, như nhìn lên trời trong thấy mặt trăng. Trong số ấy, có một người trí, dùng sức phương tiện nhẹ nhàng lặn xuống vớt được viên ngọc”.

Mọi người đều có Phật tánh, tại đây và bây giờ, nó chưa từng mất, chưa từng lìa xa mình. Trong kinh có rất nhiều thí dụ nói về Phật tánh, ở đây chỉ trích ra một thí dụ: “Thiện nam tử! Thí như nhà vua có một đại lực sĩ. Người này trên trán giữa hai lông mày có một viên kim cương. Trong khi thi đấu với lực sĩ khác bị người ấy húc đầu vào trán làm viên kim cương lún vào trong da, rồi chẳng tự biết viên ngọc thất lạc ở đâu. Chỗ ấy phát sanh mụt nhọt nên mời lương y đến chữa trị.

“Lương y hỏi: Viên ngọc trên trán giờ ở đâu rồi? Lực sĩ kinh hãi đáp: ‘Đại sư y vương! Viên ngọc trên trán của tôi đã mất rồi sao? Hay là ảo hóa ư?’ Rồi buồn rầu khóc lóc. Lúc ấy lương y an ủi lực sĩ: ‘Ông chớ buồn khổ quá. Khi thi đấu, viên ngọc lún vào thân thể, nay ở dưới da, nhìn ở ngoài vẫn thấy. Trong lúc xáp trận, sự tức giận quá lớn nên hạt ngọc lún vào trán mà chẳng tự biết đấy thôi’.

“Lực sĩ không tin… Bấy giờ lương y cầm gương soi cho thì thấy trong gương hạt ngọc rõ ràng. Lực sĩ thấy ngọc ngạc nhiên mừng rỡ.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh cũng như vậy. Không gần gũi thiện tri thức nên tuy có Phật tánh mà chẳng thấy được” (chương Như Lai tánh).

Viên ngọc Phật tánh ấy chỉ vì phiền não chướng và sở tri chướng mà lún khuất vào trong trán, chứ chưa từng lìa khỏi chúng ta một khoảnh khắc nào. Mặc dù không mất, nhưng làm sao thấy nó, tìm nó ở đâu? Vì lý do gì nó bị che khuất, khó thấy? Cũng ở đoạn tiếp, kinh nói:

“Thiện nam tử! Như vậy Như Lai nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, như lương y chỉ cho lực sĩ kia viên ngọc kim cương. Các chúng sanh vì bị vô lượng phiền não che phủ nên không biết Phật tánh. Nếu phiền não hết bấy giờ mới chứng biết rõ ràng, như lực sĩ kia thấy viên ngọc quý trong tấm gương sáng” (chương Như Lai tánh).

“Thiện nam tử! Phật tánh của chúng sanh ở trong năm uẩn”.

Tất cả những điều chúng ta thấy hay kinh nghiệm đều là biến tướng của Phật tánh được thấy qua nghiệp phiền não riêng của mỗi người.

“Như Lai tạng bí mật cũng có vị thuốc như vậy. Vì bị rừng cây phiền não rậm rạp che chắn, nên chúng sanh chẳng có thể thấy. Mùi vị duy nhất của cây thuốc thí dụ như Phật tánh. Vì phiền não nên xuất hiện đủ thứ mùi vị khác như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, loài trời, loài người, nam nữ, các giai cấp…”

Chúng ta có thể nhìn thấy Phật tánh bằng thiền định (Chỉ), thiền quán (Quán), và thiền định thiền quán đồng thời (Chỉ Quán song tu). Thiền định để làm cho “nước ao trong lặng”, thiền quán để nhìn thấy đáy ao. Rồi dùng “sức phương tiện” (các phương tiện thiện xảo) để vớt viên ngọc lên.

Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu đều y cứ trên sự hiện hữu đã có, đang có và vẫn sẽ có của viên ngọc Phật tánh. Trong quá trình này có được người hướng dẫn hay thiện tri thức là điều rất tốt.

Chương Như Lai tánh nói Phật tánh là “Giác bảo tạng”, tạng giác quý báu của tất cả chúng sanh. Ở những kinh khác “tạng giác” này được gọi là tánh giác. Tánh Phật cũng có nghĩa là tánh giác, vì Phật là giác, giác ngộ.

Phật tánh hay tánh giác “chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, thanh tịnh rốt ráo, không có động lay, không mùi vị, không pha tạp…, không có thức, lìa khỏi tâm mà cũng chẳng lìa tâm” (chương Kim Cương thân). “Phật tánh hay tánh giác ấy ở trong năm uẩn”, như “tô lạc ở trong sữa”, “vàng ròng ở trong quặng”…

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật tánh hay Như Lai tạng hay tánh giác này được chỉ ra là tánh thấy, tánh nghe…, nghĩa là cội nguồn của các giác quan chúng ta đang sử dụng. Các giác quan là cành ngọn của gốc rễ là tánh giác. Thế nên nơi mỗi giác quan có sự hiện diện của tánh giác. Kinh nói: “Phản văn văn tự tánh”, hãy xoay cái nghe lại để nghe tự tánh.

Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Này đại chúng! Sắc thân của người đời là thành; mắt, tai, mũi, lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, Tánh là vua. Vua ở trên đất tâm. Phật do hướng vào trong tánh mà thành, chớ hướng ngoài thân mà tìm kiếm… Trên đất tự tâm, giác tánh Như Lai phóng ánh sáng lớn, ngoài soi chiếu sáu cửa thanh tịnh, phá sạch các cõi trời Lục Dục; tự tánh soi chiếu bên trong, ba độc liền trừ, các tội địa ngục nhất thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng suốt, không khác cõi Tây phương. Nếu không tu như vậy làm sao đến cõi ấy được?”.

Tu hành là nhận ra được nơi hình tướng có cái vô tướng, nơi các cửa giác quan có tánh giác, nơi sanh tử có Niết-bàn. Như những thí dụ của Đại thừa: nơi sóng là nước, nơi sóng là đại dương. Tất cả sóng có bản tánh là đại dương, đại dương không tăng thêm, không giảm bớt, không nhiễm ô bởi sóng. Nơi bóng là gương, tất cả bóng là gương, nhưng gương không tăng giảm, không nhiễm ô bởi bóng.

Như vậy, chúng ta thấy con đường Đại thừa: nhờ sanh tử mà tìm thấy Niết-bàn; đến mức rốt ráo như kinh Duy Ma Cật: “tánh của sanh tử tức là Niết-bàn”. Nhờ giác quan mà tìm thấy tánh giác, nhờ chân lý tương đối (tục đế) mà chứng ngộ chân lý tuyệt đối (chân đế).

Người xưa có câu nói: “Chư Phật Niết-bàn trong sanh tử của chúng sanh; chúng sanh sanh tử trong Niết-bàn của chư Phật”.

5. Tu hành trên nền tảng Phật tánh

Sở dĩ có thể trừ bỏ phiền não để Phật tánh hiển lộ là vì bản tánh của tâm hay Phật tánh thì không hề bị ô nhiễm, mà những phiền não ô nhiễm thì vô tự tánh:

“Bản tánh của tâm không bị tham sân si trói buộc… Này Thiện nam tử! Tâm cũng chẳng bị tham kết trói buộc cũng chẳng không bị trói buộc, chẳng phải giải thoát cũng chẳng phải không giải thoát, chẳng phải có chẳng phải không chẳng phải hiện tại chẳng phải quá khứ chẳng phải vị lai. Vì tất cả pháp đều không có tự tánh” (chương Quang Minh Biến Chiếu Bồ-tát).

Kinh Đại Bát Niết Bàn đặt hai chương Kim Cương thânNhư Lai tánh (cả hai cùng một nghĩa Phật tánh) ở phần đầu kinh. Sau đó mới đến những chương giảng về những cách tu của Bồ-tát (Đại chúng sở vấn, Thánh hạnh, Thanh tịnh hạnh, Anh nhi hạnh, Quang Minh Biến Chiếu Bồ-tát, Sư Tử Hống Bồ-tát, Ca Diếp Bồ-tát, Kiều Trần Như…). Điều đó muốn nói rằng Phật tánh là nền tảng, là tâm địa, từ đó phát sanh và lớn lên mọi cây trái của sự tu hành. Phật tánh là chánh nhân của mọi hạnh Bồ-tát: “Chánh nhân gọi là Phật tánh, duyên nhân là phát tâm Bồ đề” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).

Đối với Phật tánh mà Đức Phật khai thị, hành giả có được đức tin. Rồi chính trên sự tin rằng mình đang có Phật tánh, đang sống trong Phật tánh (mà có thể mình còn chưa hay biết), hành giả thực hành các pháp môn, các hạnh Bồ-tát để dần dần tự khai mở ra với Phật tánh. Các pháp môn, các hạnh Bồ-tát đều y cứ trên Phật tánh này, phát sanh từ Phật tánh này, lưu xuất từ Phật tánh tại tâm này.

Thế nên, tu là tu trên chính Phật tánh này, thiền định hay thiền quán là thiền định thiền quán trên chính Phật tánh này. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí huệ (sáu Ba-la-mật) là thực hành sáu Ba-la-mật trên chính Phật tánh này. Thực hành như vậy được gọi là “khéo tu học, chánh kiến, chánh tri”: “Thân Như Lai tức là thân Kim Cương chẳng hoại. Bồ-tát hãy nên như vậy mà khéo tu học, thấy chánh, biết chánh. Nếu có thể thấy, biết rõ ràng như vậy, tức là thấy thân Kim Cương của Phật, vốn không thể hư hoại, như trong gương thấy rõ ràng các hình tượng” (chương Kim Cương thân).

Hành giả theo kinh này cũng thực hành tất cả pháp môn của con đường Bồ-tát: phước đức và trí huệ (Sư Tử Hống Bồ-tát), Chỉ và Quán (Kiều Trần Như), từ bi hỷ xả, chịu khổ cho chúng sanh, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự… (Sư Tử Hống Bồ-tát), nhưng tất cả các pháp thực hành đều dựa trên nền tảng Phật tánh. Chính từ Phật tánh mà trổ sanh mọi thực hành.

Nói theo quan niệm của Phật giáo Ấn Độ - Tây Tạng, thì tu theo kinh này là tu theo thừa Quả. Thừa Quả là dựa trên quả đã có sẵn (“Nhất thiết chúng sanh tất hữu Phật tánh”) mà tu. Còn thừa Nhân là tạo ra những nhân để có quả là giải thoát, giác ngộ. Về thừa Nhân (Hetuyana) và thừa Quả (Phalayana), chúng ta có thể xem Tantra in Tibet, Tsongkhapa, Dalai Lama và Jeffrey Hopkins, Snow Lion 1987: “Trong Mật thừa, hiểu biết về bản tánh thường trụ một cách uyên nguyên trong Quả nội tại và toàn thiện của pháp giới được dùng như là nền tảng và được thực hành. Bởi thế nó được gọi là thừa Quả” (chương Chuyển hóa). “Bởi vì chính kết quả trở thành con đường, nó là thừa Quả”. (chương Kim Cương Thừa)

Tu hành sáu Ba-la-mật mà không y vào Phật tánh được cho là thừa Nhân, vì sáu Ba-la-mật nếu đứng riêng tự chúng, thì đó là những nhân để tạo thành quả Phật. Còn trong thừa Quả thì sáu Ba-la-mật là những hạnh lưu xuất từ Phật tánh. Dĩ nhiên ở trên cái gì có sẵn, “tất hữu” mà tu hành, khai triển thì dễ dàng hơn, tin tưởng an tâm hơn là tạo ra những nhân mà không biết chất lượng chúng thế nào để đi trọn vẹn một tiến trình từ nhân đến quả.

Lấy một thí dụ cụ thể, nếu tôi ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, lễ lạy, sám hối… mà nghĩ rằng làm những việc này để đạt đến giác ngộ thì sẽ thấy khó khăn, cách trở xa xôi – sự xa cách này cũng chỉ là một cái tưởng của tôi mà thôi. Còn nếu tôi ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, lễ lạy… mà tin rằng mình đang làm những việc ấy trên chính Phật tánh tất hữu, tất cả những việc này đều không ra ngoài Phật tánh, hoặc hơn nữa, đều lưu xuất từ Phật tánh, thì sự tu hành sẽ dễ dàng, hưng phấn và hiệu quả hơn. Nếu tôi ngồi thiền để tạo ra một cái định thì đó chỉ là việc tạo ra một khoảng trời trong bầu trời vốn “tự tịnh tự định” (Tổ Huệ Năng: “Bổn tánh mình vốn tự tịnh tự định”) mà thôi. Đó là điều Thiền tông hay nói: “Trên đầu lại chồng thêm đầu”, “trên tuyết lại thêm sương”, “cưỡi trâu lại tìm trâu”…

Kinh Viên Giác gọi Phật tánh là “giác địa thanh tịnh của các chúng sanh”, “nhân địa của Như Lai”:

“Như vầy tôi nghe: Một thời Đức Thế Tôn vào Tam muội Đại Quang Minh Tạng, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai. Đó cũng là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Thân tâm tịch diệt, bình đẳng cùng pháp giới, viên mãn khắp mười phương, tùy thuận tánh bất nhị. Trong cảnh giới Bất Nhị này hiện hết thảy cõi nước thanh tịnh cùng với trăm ngàn Đại Bồ-tát… Nhân địa của tất cả Như Lai là y vào tánh giác thanh tịnh tròn đầy soi khắp này mà vĩnh viễn đoạn dứt vô minh trọn thành Phật đạo”.

“Thảy cả mọi thứ huyễn hóa của tất cả chúng sanh đều sanh trong Diệu Tâm Viên Giác của Như Lai, giống như hoa đốm giữa hư không ở trong hư không mà có, hoa huyễn tuy diệt mà tánh hư không chẳng hề hoại diệt”.

Chúng ta trích thêm một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm để hiểu thêm về nhân địa Phật tánh này:

“A Nan, nếu các ông muốn tu Bồ-tát thừa để vào Tri Kiến Phật, thì nên xét kỷ cái Nhân địa phát tâm và cái Quả địa giác ngộ là đồng nhau hay khác nhau. A Nan, nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, nhân đó mà tu để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thừa thì không thể có chuyện ấy được”.

“Tất cả đều do không biết hai loại căn bản, lầm lộn tu tập, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu có trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt cũng chẳng được. Thế nào là hai loại căn bản? A Nan, một là căn bản của sanh tử vô thủy: Tức là ông và các chúng sanh hiện giờ dùng cái tâm bám víu theo duyên (tâm phan duyên) mà làm tự tánh. Hai là Thể Bồ đề Niết-bàn vô thủy xưa nay thanh tịnh. Tức là chân tâm vốn sáng soi của ông hiện giờ, hay sinh các duyên, nhưng ông bỏ quên nó để lại chạy theo tướng duyên. Vì các chúng sanh bỏ quên cái Vốn Tự Sáng này nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng biết, uổng oan lạc vào sáu nẻo”.

Y nơi Phật tánh để phát khởi sự tu hành, ở trong Phật tánh để tùy thuận Phật tánh, chính trên nhân địa của Như Lai là Phật tánh, mà khai mở ra với Phật tánh, đây là cách tu của Đại thừa. Mọi sự tu hành của Đại thừa đều không lìa ngoài Phật tánh và phát khởi từ Phật tánh có sẵn vô thủy vô chung này.

6. Phần kết thúc của kinh Đại Bát Niết Bàn

Những lời cuối cùng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với thế gian trước khi Ngài nhập diệt là như sau:

“Đức Thế Tôn thuận nghịch nhập các thiền định xong, lại phổ cáo đại chúng: “Ta dùng thậm thâm Bát Nhã xem khắp ba cõi chúng sanh, ba cõi này bản tánh là lìa, rốt ráo tịch diệt, đồng như hư không, không danh không thức, dứt hẳn các cõi, bổn lai bình đẳng, không có tưởng niệm cao thấp, không thấy nghe, không hay biết, không trói buộc, không giải thoát, không chúng sanh, không thọ mạng, không sanh diệt, chẳng phải thế gian chẳng phải chẳng thế gian. Niết-bàn sanh tử đều bất khả đắc, trước sau bình đẳng vì bình đẳng với các pháp, an cư tịnh trụ không có chỗ tạo dựng, an trú rốt ráo quyết định bất khả đắc, từ pháp tánh vô trụ mà ứng hiện, dứt tất cả tướng, trọn không chỗ có. Pháp tướng như vậy, ai biết rõ thì gọi là người xuất thế, chẳng biết như vậy thì gọi là đầu mối sanh tử. Đại chúng phải dứt vô minh, diệt đầu mối sanh tử!

“Đức Thế Tôn thuận nghịch nhập các thiền định xong, lại bảo đại chúng: ‘Ta dùng Ma-ha Bát Nhã xem khắp ba cõi tất cả nhơn và pháp hữu tình vô tình rốt ráo thảy đều không trói buộc, không giải thoát, không chủ thể, không đối tượng để nương y, không thể nắm giữ, chẳng ra ba cõi, chẳng vào các cõi, bổn lai thanh tịnh không dơ nhiễm, không phiền não, đồng như hư không, chẳng bình đẳng chẳng phải chẳng bình đẳng, dứt sạch những động niệm tư tưởng tâm thức. Pháp tướng như vậy gọi là Đại Niết-bàn, thấy rõ được pháp tướng này thì gọi là giải thoát. Phàm phu chẳng thấy biết thì gọi là vô minh”.

“Thuận nghịch nhập thiền định xong, Đức Thế Tôn lại bảo đại chúng: Ta dùng Phật nhãn xem khắp ba cõi, tất cả các pháp, thể tánh của vô minh vốn là giải thoát, tìm khắp mười phương trọn bất khả đắc. Vì cội gốc đã không nên nhánh lá thảy đều giải thoát. Vì vô minh giải thoát nên hành đến lão tử đều được giải thoát. Do đây nên ngày nay ta an trụ thường tịch diệt quang gọi là Đại Niết Bàn”.

Văn Hóa Phật Giáo số 108 – 109

Nguyễn Thế Đăng

tuvienhuequang.com/phat-hoc