Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 3, tháng 9, năm 2010)

 

Di tích Phật giáo tại Mes Aynak, Afghanistan - Photo: Wall Street Journal
Di tích Phật giáo tại Mes Aynak, Afghanistan - Photo: Wall Street Journal

 

 

AFGHANISTAN: Cứu lịch sử Phật giáo tại di tích Mes Aynak 

 

Kabul, Afghanistan - Một di tích khảo cổ Phật giáo ngoạn mục hiện đang được khai quật bởi Viện Khảo cổ Quốc gia của chính phủ Afghannistan.

 

 

Công việc tại di tích Mes Aynak ("Suối đồng nhỏ") đã được tiến hành ở tốc độ nhanh kể từ khi bắt đầu vào tháng 5-2010, vì các nhà khảo cổ học - gồm 16 người Afghan và 2 người Pháp thuộc DAFA (Phái đoàn Khảo cổ Pháp tại Afghanistan) - đang chạy đua với thời gian. Trong vòng 3 năm nữa, di tích sẽ bị hủy hoại bởi một mỏ đồng do Trung quốc khai thác ở cách đó chưa đến 900 yards.

 

 

Kế hoạch khai quật là để thu thập tài liệu di tích này thật đầy đủ, và cố gắng chuyển đi càng nhiều càng tốt các bảo tháp và tượng nhỏ hơn để bảo tồn tại Viện Bảo tàng Quốc gia, hoặc có thể tại một viện bảo tàng tương lai ở địa phương. Vì các tòa nhà ở đây làm bằng gạch bùn và phiến thạch nên việc di dời toàn bộ là bất khả thi.

 

 

Tuy có diện tích chỉ hơn 1 dặm vuông, Mes Aynak là một trong những di tích Phật giáo lớn nhất của Afghanistan, với ngôi đền chính cao 262 x 131 feet và một bảo tháp cao từ 32 đến 50 feet.

 

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của di tích này đối với kiến thức của chúng ta về Phật giáo, Trưởng nhóm DAFA là ông Marquis nói rằng nếu được khai quật và bảo quản phù hợp thì Mes Aynak có thể mang lại một phần thưởng lớn gấp trăm lần mỏ đồng kia.

 

 

(Wall Street Journal - September 17, 2010)  

 

 

 

ẤN ĐỘ: Xe lửa Phật giáo Đặc biệt trong hoạt động du lịch 

 

Là chi nhánh của Đường sắt Ấn Độ, tổng công ty Ăn Uống và Du lịch Đường sắt Ấn Độ (IRCTC) tham gia các hoạt động ăn uống, du lịch và bán vé trực tuyến. Đơn vị này đã tổ chức các chuyến xe lửa Phật giáo IRCTC dành cho du khách trong nước và ngoại quốc.

 

 

Xe lửa Phật giáo IRCTC chuyên chở các tín đồ đến nơi sinh của Đức Phật theo tour Đường sắt Mạng mạch Phật giáo. Du khách cũng có cơ hội chiêm bái và cảm nhận trọn vẹn qua việc tham quan các địa điểm như Chennai, Sarnath, Varanasi, Rajgiri, Kushinagar, Bodhgaya và Nalanda.

 

 

Một xe lửa tuyệt vời khác là tàu Tốc hành Mahaparinirvan, chuyên chở du khách đến nhiều địa điểm khác nhau nơi Đức Phật từng để lại dấu ấn quan trọng.

 

 

Các Xe lửa Phật giáo Đặc biệt của IRCTC này chăm sóc tốt du khách với tất cả sự an toàn và thư giãn. Du khách sẽ rất hài lòng trước sự tiếp đón nồng nhiệt, lòng hiếu khách tận tình và sự an ninh đặc biệt.

 

 

(Articles Base - September 17, 2010) 

 

 

 

NHẬT BẢN: Bộ bình phong miêu tả 12 vị thần Phật giáo 

 

Cuộc triển lãm mùa thu đặc biệt về các bảo vật của Chùa To-ji (toạ lạc tại Khu Minami, Kyoto) được tổ chức tại Viện bảo tàng Houmotsukan của Chùa từ ngày 20-9 đến 25-11-2010.

 

 

Tổng cộng có 63 bức tranh và tác phẩm thủ công được trưng bày, trong số đó có Bảo vật Quốc gia "Juniten Byobu" - một bộ bình phong có tranh vẽ 12 vị thần Phật giáo.

 

 

"Juniten Byobu" được vẽ vào năm 1191 bởi một hoạ sĩ Phật giáo tên là Takuma Shoga. Bộ tranh miêu tả 12 vị hộ pháp của 8 hướng - gồm bắc, nam, đông và tây, thiên, địa, nhật và nguyệt. Mỗi bức cao 130 cm và rộng 42 cm. Bộ tranh trình bày về truyền thống mà theo đó những người đàn ông trong trang phục các vị thần đã diễn hành qua phố thị. Nghi thức gọi là "Kanjo" này  là để khai tâm cho công chúng về giáo lý của Phật pháp nhiệm mầu.

 

 

Vào ngày 22-10, các hiện vật sẽ được thay đổi một phần, và bộ tranh "Juniten Byobu" sẽ được trưng bày thành 2 nhóm (mỗi nhóm 6 tranh) vào giai đoạn giai đoạn đầu và giai đoạn thứ 2 của cuộc triển lãm.

 

 

(Kyoto Shibun - September 17, 2010)   

 

 

 

 

 

1

 

Một nhóm 6 tranh miêu tả các vị thần Phật giáo - Photo: Kyoto Shimbun 

 

 

 

HUNGARY: Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ hy vọng trở về Tây Tạng 

 

Ngày 20-9-2010, tại thủ đô Budapest của Hungary, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói Ngài "lạc quan" rằng một ngày nào đó Ngài sẽ có thể trở về Tây Tạng bằng một hộ chiếu của Trung quốc.

 

 

Phát biểu tại tòa nhà quốc hội vào ngày cuối của cuộc viếng thăm đất nước Trung Âu này, vị lãnh đạo Phật giáo đã kêu gọi tự do hoá chính trị tại Trung quốc.

 

 

Trả lời câu hỏi về cố hương của mình, vị lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng nói rằng cần phải tìm được một giải pháp chấp nhận được cho cả Trung quốc lẫn nhân dân Tây Tạng.

 

 

Trong chuyến thăm Hungary lần thứ 7 này của Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có một số lời khuyên dành cho nhân dân Hungary. Khi đề cập đến cuộc đấu tranh với các vấn đề kinh tế đang diễn ra của họ, Ngài khuyên người Hungary làm việc chăm chỉ và giữ tính lạc quan.

 

 

Trong 2 ngày trước, Đức Đạt Lai Đạt Ma đã diễn thuyết trước hơn 11.000 người tại đấu trường thể thao Budapest.

 

 

Ngài đã được Thị trưởng Budapest là Gabor Demszky phong tặng danh hiệu công dân danh dự của thủ đô Budapest vào ngày 18-9-2010.

 

 

(DPA - September  21, 2010) 

 

 

 

NEPAL: Hội nghị Phật giáo Quốc tế Nam Á 2010 

 

Khoảng 100 đại diện của các tổ chức Phật giáo từ các nước Nam Á tham gia một hội nghị quốc tế về Phật giáo tại thủ đô Kathmandu của Nepal.

 

 

Hội nghị có tên "Giao lưu Thanh niên Phật tử Quốc tế Nam Á - 2010", diễn ra trong 8 ngày, bắt đầu từ 23-9-2010 với khẩu hiệu chính là "Giáo dục, Môi trường và Giải trí Phật giáo".

 

 

Sự kiện này được tổ chức tại đất nước Nepal theo sáng kiến của ban chấp hành Hội Thanh niên Phật giáo Nepal.

 

 

Chương trình cũng bao gồm  một tour tùy chọn đến Lâm Tì Ni, nơi sinh của Đức Phật.

 

 

Ngoài Ấn Độ và Nepal, các nước tham gia khác là Bangladesh, Tích Lan, Thái Lan, Mã Lai và New Zealand.

 

 

(PTI - September 23, 2010)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Diệu Âm lược dịch

Theo haitrieuam.com