TRỤ TRÌ VÀ Ý NGHĨA TRANG NGHIÊM

I. Dẫn nhập:

Trưởng dưỡng Đạo tâm Trang nghiêm Giáo hội là một vấn đề lớn và bao quát của các thành viên Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội. Nói giới hạn là Trưởng dưỡng Đạo tâm Trang nghiêm cơ sở Giáo hội, thành viên của Giáo hội. Điều ấy, có nghĩa là mỗi thành viên Trụ trì, quản lý cơ sở Giáo hội rất quan trọng. Tại sao? Vì cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường là tế bào của Giáo hội. Thành viên quản lý cơ sở Giáo hội là mạch máu luân lưu trong từng cơ sở, tế bào của Giáo hội. Vì vậy, vấn đề trang nghiêm cho cơ sở rất quan trọng, mà sự trang nghiêm cho tự thân, tự tâm lại càng quan trọng hơn. Điều quan trọng và cụ thể ấy được lý giải như sau:

II. Nội dung:

Đối với ý nghĩa trang nghiêm không ngoài 5 ý nghĩa:

- Trang nghiêm tự Tâm.

- Trang nghiêm tự Thân.

- Trang nghiêm Đạo pháp:

+ Tướng đạo pháp (hình thức tổ chức)

+ Thế đạo pháp (bản thể, tính chất tổ chức)

+ Dụng đạo pháp (tác dụng, ảnh hưởng của tổ chức)

- Trang nghiêm Quyến thuộc.

- Trang nghiêm Thế gian (xã hội).

1. Trang nghiêm tự Tâm:

Muốn xây dựng ngôi Tam bảo, một ngôi chùa, điều cần yếu là cái Tâm. Tâm nầy đầy đủ tất cả. Do đó, Hòa thượng Trường Định nói: Ta có nhà Tam bảo, trong vốn không sắc tướng, ngời ngời tự tại chẳng làm chi. Phơi phới rồi thì sẽ thấy kỷ (Bố Đại Hòa thượng). Vì trang nghiêm Phật (sáng suốt), trang nghiêm Pháp (thường trú), trang nghiêm Tăng (thanh tịnh hòa hợp), từ đó phát sinh diệu dụng, sáng suốt, thường trú, thanh tịnh. Trên cơ sở đó, dù bất cứ thời gian nào, tâm niệm nào, cũng đều khế hợp và không cách ly một niệm. Vì vậy, tương ưng thể tánh sáng suốt, thường trụ, thanh tịnh tại Tâm.

Mặt khác, kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Mười phương ba đời chư Phật đều có đủ trong Tâm các ngươi, ba Tạng giáo điển, 12 Phần giáo đều có đủ trong Tâm các ngươi; nếu không tự nhận để đi tìm bên ngoài thì không có lý ấy. Nhưng nếu không đủ khả năng trực nhận thì phải nhờ Thầy khai thị. Có nghĩa là: Phật tánh, thể tánh sáng suốt là có đủ trong tâm chúng sanh, 10 phương ba đời chư Phật đều y cứ vào đó mà tu hành thành Phật. Thể của Pháp là thường trú, Pháp thân có đủ trong tâm chúng sanh, nếu y cứ vào đấy tu hành thì chứng được Pháp thân thường trú, là bản thể của Tam tạng, 12 Phần giáo”.

Để làm rõ thêm, Đại Nam Quốc Sử cũng xác định: “Cần hỏi ai lương Tâm ấy sáng soi như nhật nguyệt. Cõi lòng nầy rộng lớn đức Từ bi”. Đấy chính là ông thầy của chúng sinh và chúng ta, là những đức tính tốt: Từ, bi, hỷ, xả, thanh tịnh, sáng suốt, là Thầy, là Tăng bảo của mỗi người, cần phải phát huy, cũng có nghĩa là trang nghiêm những đức tính thanh tịnh, giải thoát, an lạc, hòa hợp, sáng suốt, thường trụ trong Tâm mỗi chúng ta, có như vậy, mới đủ năng lực thể hiện bên ngoài để trở thành tác dụng cụ thể. Để từ đó, hình thành ý nghĩa ngôi chùa bên ngoài nhưng cũng không rời tự tâm, tự tánh. Như Cổ đức nói: “Ba môn thanh tịnh dứt sự sai lầm. Đàn na, tín thí quy y thêm phúc huệ” (Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu. Đàn tín quy y tăng phúc huệ). Noi rõ hơn, như Động Sơn Thiền sư nói: “Cửa không có lối nhiều người đến. Đến rồi mới thấy chuyện lạ thường. Trong Tâm không còn cây cỏ mọc. Tự nhiên thân tỏa ánh hào quang” (Không môn hữu lộ nhân giai đáo. Đáo giả phương tri chỉ thú trường. Tâm địa nhược vô nhàn thảo mộc. Tự nhiên thân thượng phóng hào quang).

2. Trang nghiêm tự Thân:

Tự thân là phần biểu hiện hình thức của Tâm, là đối tượng nhận thấy được qua thân, qua miệng, qua hành động. Do đó, trang nghiêm tự thân cũng có nghĩa trang nghiêm về mặt đạo đức bản thân. Đạo đức đó không gì khác hơn là giữ gìn Giới luật và các quy định đạo đức xã hội. Như Cổ đức nói: Thân không làm điều ác, có hại cho mình đời này và đời sau, có hại cho cả hai, có hại cho tập thể, như không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục v.v…; không thực hiện các điều ác qua lời nói: Không nói dối, nói lời chân thật, không nói ly gián, nói lời hòa hợp đoàn kết, không nói thêm bớt, nói lời bình đẳng thống nhất trước sau như sau, không nói lời độc ác, nói lời hòa nhã, nhân hậu, mang nặng chất tình thương, sâu sắc đậm đà, nhân ái v.v… Như Kinh Pháp cú nói: “Tỳ kheo có trí tuệ. Thường phòng hộ các căn. Tri túc và giữ giới. Gần gũi các bạn lành. Sống vị tha, tinh tấn. Hợp Chánh mạng thanh cao” (PC. 375).

Trên cơ sở hành động, thực hiện nếp sống chân chính, phù hợp luật pháp, giới luật, đạo đức xã hội, có lợi cho mình, cho mọi người trong hiện tại và tương lai. Một con người đạo đức thì ảnh hưởng, tác động rất lớn đến tha nhân và xã hội. Như Cổ đức nói: Một người làm phúc, một ngàn người được hưởng nhờ. Một cây nở hoa, mười ngàn cây khác cũng được thơm lây (Nhất nhơn tác phúc thiên nhơn hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ hương). Nói chí lý nhưng cụ thể hơn là: “Người Trí trước đặt mình vào nếp sống Chánh hạnh. Sau giáo hóa người khác, thì khỏi bị gièm pha. Hãy thực hiện cho được những điều mình dạy người. Trước tự chế ngự mình. Sau chế ngự người khác. Chế ngự mình rất khó” (PC. 158 - 159).

3. Trang nghiêm Đạo pháp:

Trang nghiêm Đạo pháp, chính là trang nghiêm Đạo tướng, hình thức Đạo pháp, Đạo thể. Bản chất Đạo pháp và trang nghiêm Đạo dụng, ảnh hưởng của Đạo – Pháp.

Chúng ta là những thành viên đang hiện diện trong Đạo pháp, và Đạo pháp là biểu tượng tôn kính của mỗi thành viên. Do đó, tự thân mỗi thành viên phải trang nghiêm hình thức Đạo pháp, chính là sự kết hợp các thành phần Đạo pháp, hình thành Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam ví như một vườn hoa có đầy đủ các loại hoa. Ngoài trách nhiệm lo chăm bón chung cho vườn hoa, mỗi người có quyền chăm bón cho từng loại hoa mà mình ưa thích. Nói như thế có nghĩa là, chúng ta có quyền nỗ lực phát triển cơ sở, hệ phái, môn phái, truyền thống tu tập của từng thành phần và bộ phận; nhưng không vì lý do ưa thích mà chúng ta chỉ lo chăm bón cho một loại hoa, còn những loại hoa khác thì không quan tâm. Nói khác đi, tự thân Tăng Ni, Phật tử không nghĩ đến tập thể, không tôn trọng Giáo hội, Ban Trị sự, Ban Đại diện, các quy định của Giáo hội và luật pháp cũng như cấp lãnh đạo cơ sở nơi sinh hoạt thực sự hằng ngày và các hệ phái, môn phái khác là thành viên trong lòng Giáo hội. Nếu chúng ta không quan tâm, thì vô tình đã hủy hoại ý nghĩa toàn thể của vườn hoa Đạo pháp. Do đó, các thành viên của Giáo hội phải thực hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp như nước với sửa trong Phật pháp mới được lợi ích, an vui. Như cổ đức nói:

“Mỗi người mỗi nước mỗi non

Khi vào cửa Phật như con một nhà

Cùng nhau thực hiện lục hòa

Chúng sinh lợi lạc, chan hòa tình thương”.

Ý nguyện đoàn kết hòa hợp và mong mõi ấy đã được nói lên trong bài thơ chúc mừng Đại hội: Hương sắc bốn phương cùng hội tụ. Chan hoà một khối đại đồng Tâm. Cùng nhau hòa hợp, nhất tâm. Chúc mừng Đại hội trăm phần thành công (1981)”. Nhất là, Trụ trì không những trang nghiêm Đạo Pháp của mình, mà còn tôn trọng các tôn giáo bạn, vì đất nước Việt Nam là đa tôn giáo. Do đó, tinh thần Tam giáo đồng nguyên có từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, vẫn còn tác dụng soi sáng cho hành động sinh hoạt tín ngưỡng của bối cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, để cùng tồn tại và phát triển trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, phục vụ đất nước, xã hội và chúng sinh trong hiện tại và tương lai. Có như vậy, chúng ta mới chứng minh được Đạo Pháp là đạo Hòa bình, với tinh thần quảng đại, bao dung, vô ngã vị tha, có quan hệ tốt đẹp với tha nhân, với xã hội, thế gian và thế giới.

4. Trang nghiêm Quyến thuộc:

Trong mối quan hệ hữu cơ, tất cả chúng sanh, chúng ta đềi có mối quan hệ hữu cơ. Quan hệ hữu cơ ấy là từ Pháp giới phát sinh, từ đất Tâm hiện lên, không ngoài Pháp giới và đất Tâm mà có. Do đó, kinh Hoa Nghiêm nói: “Không một pháp nào không từ Pháp giới phát sinh, cuối cùng không một pháp nào không trở về Pháp giới” (Vô bất tùng thử Pháp giới lưu, diệc bất hoàn quy thử Pháp giới). Vì vậy, tương quan tương duyên là điều tất yếu trong sự sinh tồn và phát triển chung của Phật giáo Việt Nam, cũng như từng đơn vị, từng cá thể và từng cơ sở. Cho nên, sự trang nghiêm quyến thuộc là điều cần thiết và có lợi cho cộng đồng và cho cá thể để tồn tại và phát triển. Sự tồn tại và phát triển hay sự thành công không thể đơn thuần mà thành tựu, nên Cổ đức nói: “Non cao nhờ có nhiều cây, thành công do sự góp tay nhiều người. Duyên sinh Chân lý muôn đời, sáng soi Pháp giới rạng ngời Chân như”. Vì thế, chúng ta phải đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội, với Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh. Nói hẹp lại là trong cơ sở Tự viện, trong đạo tràng và chúng hội, nhất là thành lậo các đạo tràng, mở các lớp giáo lý, khóa tu Phật pháp, mở Trường dạy học, đào tạo Tăng Ni tài đức cho Đạo pháp, tổ chức các lễ Quy y, độ chúng xuất gia tu học, giảng kinh, thuyết pháp, thỉnh giảng sư đến thuyết pháp tại các cơ sở v.v… đều là trang nghiêm cho quyến thuộc đời này và đời sau, cho đến khi thành tựu đạo quả Bồ đề, như người xưa thường nói: “Linh sơn nghĩa cũ tình xưa. Ta bà, Tịnh độ say sưa Pháp mầu. Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu. Xây tình Pháp lữ, bắt cầu Tâm giao. Đời nay cho đến đời sau, chung lo Phật sự với bao nhiêu tình. Quyết lòng độ tận chúng sinh. Từ bi, Trí tuệ thỏa tình ước mong. Không rời bản thể Chân không. Tùy duyên hóa đạo, thong dong mọi miền”.

5. Trang nghiêm Thế gian:

Sự hiện hữu của chúng ta, không tách rời sự hiện hữu của thế gian, của cuộc đời, của xã hội. Và đấy cũng chính là mối tương quan với xã hội và thế gian. Do đó, trang nghiêm cho thế gian là trang nghiêm Tịnh độ chư Phật, trang nghiêm cho chúng sinh là trang nghiêm cho chư Phật. Vì Tịnh độ và chư Phật không tách rời thế gian và chúng sinh. Thế nên, kinh Pháp Bảo Đàn nói: Phật pháp không tách rời thế gian pháp. Thế gian pháp là Phật pháp. Tách rời thế gian mà mong cầu quả vị Bồ đề như là tìm lông rùa, sừng thỏ, không bao giờ có được.

Thành thử trong sự hiện hữu và trách nhiệm của chúng ta là cần phải làm đẹp cho đời, cho thế gian, bằng tinh thần Bồ tát. Mà Bồ tát thì phải thanh tịnh, giải thoát, an lạc, trí tuệ và từ bi, hỷ xả, với những đức tính ấy sẽ trang bị cho sự trang nghiêm thế gian và xã hội. Như nói: “Nguyện đem thân tứ đại nầy, tô bồi Đạo pháp, đắp xây đạo tràng. Cúng dường Tam bảo trang nghiêm, làm cho Đời Đạo ngày càng đẹp tươi. Người người no ấm, thảnh thơi. Thế gian hạnh phúc, muôn nơi thái bình”.

Nói gần hơn, đất nước, quê hương, nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi trãi thân của bao thế hệ để vun đắp, tô bồi và phát triển bằng tinh thần và nghị lực của tất cả dân tộc, trong đó có Đạo Phật Việt Nam, những người con Phật chúng ta. Vì thế, từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim, những người con Phật chúng ta, những Bồ tát đi vào đời bằng những hạnh nguyện dấn thân cao cả, dù an trụ một nơi nhưng đầy đủ những đức tính cao đẹp, cũng là trang nghiêm cho đời bằng một hành động đẹp, một cử chỉ đẹp, một lời nói đẹp và tất cả cái đẹp cho cuộc đời, cho xã hội và chúng sinh cũng như thế gian. Như Cố Ni trưởng Huỳnh Liên đã nói: “Nguyện xin hiến trọn đời mình. Cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương”.

III. Tạm kết:

Là đệ tử Phật, là thành viên của Giáo hội, một Pháp trong Pháp giới vô tận, trong một phạm vi được ấn định của Giáo hội, của Đạo pháp và các quy phạm. Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực trang nghiêm tự Tâm, trang nghiêm tự Thân, trang nghiêm Đạo pháp, trang nghiêm Quyến thuộc và Thế gian. Mà cơ sở là điều kiện tất yếu để làm phương tiện cho chúng ta thực hiện các hạnh nguyện, các công tác Phật sự hằng mong ước, gieo duyên lành với chúng sanh, đời này và đời sau. Do đó, Cổ đức đã tán thán công hạnh của vị Trụ trì như sau: “Bao năm bồi đắp cảnh chùa chiền. Ngói, sỏi biến thành Thích, Phạm Thiên. Quả phúc đã tròn nay để lại. Tay rung gậy trúc dạo Tam thiên” (Thủy Am Pháp Sư). Và hơn bao giờ hết, chúng ta phải làm thế nào cho tác dụng, ảnh hưởng của ngôi nhà Tam bảo có tác dụng, ảnh hưởng sâu sắc đối với người đời và thế gian đang sinh hoạt, trong cộng đồng xã hội đầy bon chen, hối hả. Như người xưa thường nói: “Sớm trống, tối chuông cảnh tỉnh người đời trong bể ái. Lời kinh, tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê” (Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách. Kinh thinh Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng mê nhơn).

 

(Bài giảng Khóa Bồi dưỡng trụ trì năm 2010 tại An Giang)

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN