NGUỒN GỐC HẬU DUỆ THÁNH VƯƠNG LÝ THÁI TỔ Ở HÀN QUỐC

Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long là dịp để đồng bào quốc dân Việt Nam, kiều bào khắp nơi trên thế giới ôn lại một thời vàng son, văn minh vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc Đại Việt ngược dòng lịch sử hàng nghìn năm văn hiến. Triều Lý tôn Phật giáo làm Quốc đạo, dùng chủ nghĩa từ bi hiện thực, lý tưởng Bồ tát đạo làm kim chỉ nam và quốc sách an dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực. Mô tả về giai đoạn này, một bài sám có đoạn:

Lý Thái Tổ xuất thân học Phật,

Lấy đức lành dạy bảo dân yên,

Lẫy lừng phạt Tống, bình Chiêm;

Mấy trăm năm Lý văn minh rạng ngời.

Như vậy triều Lý đã xây dựng nền tảng vững chắc để triều đại nhà Trần phát huy ý thức độc lập tự cường:

Trần Thái Tông dựa nơi Phật pháp,

Dùng tu hành trị nước an dân,

Mấy lần đuổi giặc ngoại xâm;

Truyền ngôi kế vị mấy trăm năm liền.

Triều đại nhà Lý được thừa hưởng di sản văn hóa Phật giáo qua ba dòng thiền: thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền Vô Ngôn Thông, và thiền Thảo Đường. Thánh vương Lý Thái Tổ (974 – 1028) xuất thân nơi cửa Phật từ thuở nhỏ, đã thắm nhuần giáo lý từ bi của Phật giáo, là một trong những đệ tử xuất chúng, thuộc thế hệ thứ 13 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và đại Hộ pháp Phật giáo Việt Nam. Nhà vua còn là đệ tử ưu tú của Quốc sư Vạn Hạnh (người thuyết phục Thánh Vương Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long với ý nguyện cho nền độc lập được lâu dài, thỏa chiếu dời đô và thiết kế họa đồ cho kinh đô Thăng Long, Tổ sư đời thứ 12 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi).

Thánh Vương Lý Thái Tổ (1000 – 1054) là một trong những đệ tử đắc pháp truyền tâm ấn, thế hệ thứ 7 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Thánh Vương Lý Thánh Tông (1023 – 1072), đặt nền móng giáo dục Độc lập cho dân tộc Việt, khai sáng Quốc Tử Giám, mở khoa thi Trạng nguyên (tiến sĩ) đầu tiên ở nước ta. Ngài sáng lập dòng thiền Thảo Đường, đắc pháp truyền Tâm ấn tiếp nối thế hệ thứ 2 dòng thiền Thảo Đường. Vua Lý Anh Tông (1136 – 1175) là một trong những đệ tử đắc pháp truyền thừa thế hệ thứ 4 dòng thiền Thảo Đường. Vua Lý Cao Tông (1173 – 1210) là một trong những đệ tử tiếp nối sự nghiệp dòng thiền Thảo Đường thế hệ thứ 6.

Như vậy, triều Lý dùng đức trị, hộ quốc an dân quá tuyệt vời. Một triều đại thừa hưởng di sản văn hóa tâm linh qua 3 dòng Tổ sư thiền, trị vì thiên hạ suốt 215 thịnh trị thái bình. Thiền tông Việt Nam luôn làm chủ lực trong mọi thời đại để kiêm hoằng các tôn phái khác bao gồm Tịnh, Mật, Giá… khác hẳn Phật giáo Trung Quốc ở điểm này.

Đã biết thịnh suy là quy luật, rõ được vũ trụ nhân sinh, vì thế triều Lý cũng tự biết thời vận đã hết, vua Lý Huệ Tông sãn sàng nhường ngôi và chuyển giao ương quyền để trở thành một nhà sư an nhàn sống ẩn vật tu hành.

Hoàng thúc Lý Long Tường thì bất bạo động, thản nhiên trước hoàn cảnh đổi thay và âm thầm thỉnh long vị, ngậm ngùi bưng lư hương hoàng tộc họ Lý và tất cả những vật tế khí, hạ thuyền vượt biển ngàn trùng đại dương và cặp bờ bán đảo Cao ly chọn làm quê hương thứ hai… Thật đúng như lời di huấn cảu Quốc sư Vạn Hạnh:

Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời,

Sá chi suy thạnh việc đời;

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ nước ta bắt đầu mở rộng chính sách ngoại giao hữu nghị Việt – Hàn. Viêc này không phải mới đây mà vốn là hai nước đã từng gắn bó mối “Thông gia”, quan hệ vô cùng mật thiết từ xa xưa, với nhiều truyền thuyết tuyệt đẹp và trang sử kỳ tích oai hùng về các Hoàng tử họ Lý Việt Nam tại Cao Ly, qua truyền thuyết về hai hoàng tử Lý Dương Côn, người đầu tiên khai sáng ra dòng tộc Lý Tinh Thiện và Lý Long Tường đã trở thành người đầu tiên sáng lập ra dòng tộc Lý Hoa Sơn (Hwa San), phía Bắc Hàn Quốc.

Theo Giáo sư Phiến Hoằng Cơ (Pyon – Hong – Ke) ở Hàn quốc cho biết, căn cứ theo tộc phả của giòng họ mang tên Tinh – Thiện Lý thị tộc phả, đang lưu trữ tại thư viện Quốc – gia Hán – thành, thì thủy Tổ của giòng họ Lý Tinh – thiện là Hoàng tử Lý. Dương Côn (Lee Yang Kon) đến Đại – hàn vào thế kỷ thứ 12. Hoàng tử Lý Dương Côn là nghĩa tử của vua Lý Nhân Tông, con nuôi thứ ba, và là con của Thành Quảng Hầu. Hoàng tử Lý Dương Côn, được phong tước Kiến Hải vương.

Giáo sư Phiến Hoằng Cơ (Pyon Hong Ke) nương theo Tinh – thiện Lý thị tộc phả và bộ Cao – ly sử, cho rằng hậu duệ đời thứ sáu của hoàng tử Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn (Lee Uimin) trở thành nhân vật anh hùng hào kiệt trong lịch sử. lúc bấy giờ vua Nghị - tông (Ui-jiong 1146 – 1170) đang trị vì Cao Ly. Nhà vua rất quý mến Lý Nghĩa Mẫn, phong cho chức Biệt – trưởng. Tổ quốc Cao – ly hiện đang kháng chiến với cuộc xâm lăng của Khiết – đan tức Đại – liêu, hầu hết các võ tướng nắm hết quyền hành. Năm 1170 tướng Trịnh Trọng Phu (Jeong Jung – bu) chưởng môn của một phái võ thuật, âm mưu đảo chính vua Nghị - tông lập vua Minh – tông (Myeongjong) 1170 – 1179). Trọng Phu bị các môn phái võ, cùng các vị võ tướng nổi lên chống đối. Lý Nghĩa Mẫn là người phụ tá đắc lực cho Lý Trọng Phu, đem quân dẹp các cuộc nổi dậy. Ông được thăng chức Trung – lang tướng, rồi dần dần thăng Tướng – quân, Đại – tướng quân (1173), Thượng – tướng quân (1174), cuối cùng là Tây Bắ bộ binh mã sứ (1178) (tức Tư – lệnh quân lực miền Bắc Cao – ly).

Năm 1179, một võ quan khác là Khánh Đại Thăng (Gyeong Dae – Seung) làm cuộc chính biến, giết chết Trịnh Trọng Phu, lên nắm quyền. Bấy giờ Lý Nghĩa Mẫn giữ chức Hình – bộ thượng thư (1181) (Bộ trưởng Tư – pháp). Vì ông thuộc phe Trịnh Trọng Phu, nên bị nghi ngờ, luôn bị theo dõi và bị hạn chế hoạt động. Ông cáo từ quan về hưu.

Sau khi Khánh Đại Thăng chết, vua Minh – tông mời Lý Nghĩa Mẫn và bệ kiến, được troa chức Tư – không, Tả - bộc xạ, Đồng – trung thư môn hạ bình chương sự tức Tể - tướng trong 14 năm (1183 – 1196).

Năm 1196, một phe Võ tướng do Thôi Chung Hiếu (Choe Chung – heon) cầm đầu làm cuộc đảo chính, giết Lý Nghĩa mẫn. ba người con ông là Lý Chính Thuần, Lý Chí Vinh, Lý Chí Quang đều là tướng cầm quân, cũng bị giết chết. Quân phiến loạn chỉ tha cho người con gái ông là Lý Hiền Bật. Giòng họ Lý Tinh – thiện tưởng đâu tuyệt tự. Nhưng may mắn thay, giòng họ này còn kế tục là nhờ người anh Lý Nghĩa Mẫn và các con không bị hại.

Phối hợp chính sử với gia phả, giáo sư Phiến Hoằng Cơ (Pyon Hong Ke) kết luận rằng dòng họ Lý tại Tinh – thiện thuộc đạo Giang – nguyên, phía Đông Nam Đại – hàn ngày nay là con của Hoàng tử Lý Dương Côn thuộc triều Lý, Việt Nam (1010 – 1025).

Hiện dòng tộc phả này vẫn duy trì và phát triển tại Hàn quốc và cũng đã về quê hương đất tổ bái yết chư vị quốc vương Lý triều tại đền Bát Đế ở Bắc Ninh. Phó chủ tịch Hội hữu nghị Hàn – Việt và những hậu duệ họ Lý Hoa Sơn kể lại rằng: Lý Tinh Thiện tộc phả chúng tôi chưa từng xem và cũng chưa được tiếp xúc với hậu duệ dòng họ này. Chỉ được ghe Giáo sư Cho Jae Hyun (Tào Tại Huyên) là một trong các cố vấn về các chính sách đối với Việt Nam cho Tổng thống Hàn Quốc.

Về dòng tộc họ Lý thứ hai: Khi biến cố Trần Thủ Độ có ý đồ muốn lập nhà Trần laaen nắm vương quyền thì Hoàng thúc Lý Long Tường thầm thỉnh long vị, ngậm ngùi bưng lư hương Hoàng tộc họ Lý và tất cả những vật tế khí, hạ thuyền vượt biển và cặp bờ bán đảo Cao Ly chọn làm quê hương thứ hai…

Lúc bấy giờ vua Cao Ly nằm mơ thấy một con phụng hoàng lớn bay từ phương Nam đến, lượn ba vòng rồi hạ xuống biển Tây Hải. Vua Cao Ly cho người đi tìm và đã tìm thấy Lý Tông Tường. Vua than rằng: “Tệ ấp cũng đang gặp phải giặc Mông hung hãn, sắp sửa vượt biển ồ atk kéo đến, con cháu của ta sau này giả sử gặp phải tai họa như người ấy, thì cóa khác nào cảnh ngộ của công tử. Hơn nữa, An Nam và nước ta từ tiền Triều đã giao hiếu với nhau”. Thế rồi đem đất Hoa Sơn (Hwa San) ban cho làm thực ấp vì ở An Nam cũng có đất tên là Hoa Sơn, và phong làm “Hoa Sơn Quân”. Ông đã hòa nhập với cuộc sống ở đây và cùng quân dân Cao Ly kháng chiến, đánh tan 2 cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ năm 1253 và 1258.

Năm Quý Sửu (1253), tức năm 40 của Cao Ly Vương, quân Mông Cổ tấn công ào ạt như vũ bão thig Hoàng thúc Lý Long Tường tuổi đã ngoài 70, là một Phật tử thuần thành của nước Đại Việt và là nhà chiến lược quân sự. Ngài dùng binh pháp Đại Việt trong những lần phạt Tống, bình Chiêm để phò giúp vua Cao Ly chiến thắng quân Mông Cổ. Với những chiến công oanh liệt đó, ngài được triều đình tuyên dương công đức và được nhà vua ngự bút sắc tứ châu phê biển vàng ba chữ “Thụ Hàng Môn” (cửa tiếp thụ giặc đầu hàng). Cho đến nay gần 800 năm, trỉa biết bao nắng táp phong ba, tấm bia ấy vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, được tổ quốc nhân dân Korea đời đời ghi nhớ.

Vua Cao Ly cấp 30 dặm đất, nhân khẩu 2.000 người cho ông lập ấp, ban bổng lộc để phần hương hoa thờ cúng tổ tiên. Đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong cho ông tước Hoa Sơn Quân lấy nghĩa là nước An Nam có núi Hoa Sơn.

Sau khi chiến thắng quân Mông Cổ thì Hoàng thúc Lý Long Tường thường cưỡi bạch mã đó đây ngao du sơn thủy, xem tình thế, tìm cách để chia sẻ với dân chúng khắp nơi và tiếp tục đóng góp cho xã hội Cao Ly vào thời đất nước hòa bình. Vì thế người đương thời quen gọi là “Bạch Mã Tướng Quân”.

Nắm được tình hình bối cảnh thực tế xã hội Cao Ly, Hoàng thúc Lý Long Tường cho xây dựng trường học ở phía Bắc huyện ngay dưới chân thành Thụ Hàng Môn, cho xây dựng Văn Nhã Đài Độc Thư Đường ở hai bên tả hữu. Chính Hoàng thúc Lý Long Tường và quan Tri huyện tự làm giáo thọ dạy học trò. Xuân, Thu dạy bảo thi thư, võ thuật. Đông, Hè rèn luyện lễ nhạc. Khi dựng một ngôi am nhỏ dưới chân núi Cựu Chân ở phía Nam huyện, Hoàng thúc Lý Long Tường tự tay viết ba chữ “Độc Thư Đường” treo ở trước cửa, lại để hòm ngân khố, kho chứa thóc để giúp cho con em, học trò đi lại, học tập. Học trò theo học đông đến hàng nghìn người, phong thái văn học của sĩ tử vùng Tây Hải dần dần được chấn hưng. Trước đó, giặc Ly nhiều lần đến quấy phá, rồi quân Mông Cổ đến xâm phạm khiến cho dân cư thưa thớt, văn chương học nghiệp quá kém chất lượng thì đến đây trường học được mở lại, học phong được chấn chỉnh và ngày càng thịnh đạt. Nay ở nền cũ của Văn Nhã Đài còn một cây Ngân Hạnh lớn, tương truyền là do chính tay Hoàng thúc Lý Long Tường tự trồng và ngài dạy học ngay dưới gốc cây, do vậy mà người đời gọi là “Hạnh Đàn công tử”.

Con chúa của Hoàng thúc Lý Long Tường đời đời sống trên đất Hoa Sơn. Ông đã giáo dục con cháu trở thành những hiếu tử, hiền tôn, là người có ích trên mảnh đất cưu mang ông. Văn bia “Thụ Hàng Môn Ký Tích Bi” có ghi sự tích về ông và cả tên tuổi các con hiền, cháu thảo thành đạt của ông. Nhiều người đã đổ tiến sĩ làm quan to. Ví dụ như người con tên Cán làm “Nghệ văn đại đề học”; người con tên Huyền Lượng làm “Tham nghị bộ Lễ”; người con tên Dụ làm “Thượng thư hữu bộc xạ” và người con tên Mạnh Vân làm “Điển thư bộ Hộ”.

Con cháu của Hoa Sơn Quân nổi tiếng là người trung nghĩa, thanh liêm, chẳng hạn như cháu của ông là Duy và cháu thứ 6 tên là Mạnh Nghệ là hai người được xếp vào hạng 72 vị hiền thần của Làng Đồ Môn (Dumundong), được tôn sùng giữ trung nghĩa vào cuối thời Cao Ly khi triều Cao Ly bị Thái Tổ Lý Thành Quế thoáng đoạt lập nên vương triều mới nhà Lý (1392 – 1910).

Về văn hóa, con cháu Lý Long Tường không ít người văn chương nổi tiếng ở đời. Cũng có người được tin cậy làm “Quốc sử quan” hoặc giữ chức “Học quan”. Hoàng thúc Lý Long Tường để lại kỳ tích chiến công oanh liệt và để lại trang sử vàng son rạng rỡ nước Cao Ly thật xứng với danh Hoàng thúc Lý Long Tường, nhà chiến lược quân sự - văn hóa – giáo dục như chúng tôi góp ý đề nghị ban biên tập nhà xuất bản chính trị quốc gia khi tái bản quyển Hoàng thúc Lý Long Tường – Tiểu thuyết lịch sử nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Năm 2006 chúng tôi có dịp được gặp ông Lý Tường Hiệp hậu duệ bua Lý Thái Tổ đời thứ 29 ở thành phố Incheon và được mời dùng cơm chay thân mật tại tư gia. Lúc ấy, ông là hội trưởng tộc phổ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc và ông đã trao tặng cho tôi quyển “Lý Hoa Sơn tộc phổ” dược ghi chép bằng tiếng Hán – Hàn, quyển tộc phổ in giấy rất đẹp, dầy khoảng trên 800 trang, chép gia phả từ Thánh vương Lý Thái Tổ đến nay thế hệ sau cùng ở Hàn Quốc là hậu duệ đời thứ 44. Và cũng đã có vài lần tiếp xúc với ông Lý Hy Huyên tại thủ đô Seoul, hiện nay ông là hội trưởng Tộc phả Lý Hoa Sơn – Chủ tịch Hội hữu nghị giao lưu Hàn – Việt.

Khi trao đổi và chia sẻ cùng hai vị hậu duệ này cho biết chi phái chính của hậu duệ họ Lý Hoa Sơn từ Bắc Hàn di cư qua vùng Nam Hàn, sống rải rác ở vùng Seoul và vùng lân cận. Chi phái phụ, tức là chi con thứ của Hoa Sơn Quân tên là Lý Nhất Thanh thì ở các tỉnh phía Đông Nam của Hàn Quốc, chủ yếu là An Đông (Andong), Phong Hỏa (bongwha)… Có khoảng 200 hộ, mỗi năm họp dòng tộc một lần, do ông Lý Vĩnh Kiệt làm tộc trưởng. Ông Lý Thánh Huân là cháu 25 đời của Hoa Sơn Quân (tức là đời 31 của Thánh vương Lý Thái Tổ) cùng với 2 em ruột là Lý Anh Huân và Lý Khánh Huân là những người đã từng chăm sóc phần mộ của hoàng thúc Lý Long Tường trước thời kỳ Nam, Bắc Hàn chưa phân tranh đã di cư đến vùng Seoul. Hiện dòng họ Lý Hoa Sơn có khoảng 4.500 người, ở Bắc Hàn thì đông hơn.

Trên đỉnh Hoa Sơn có một tảng đá xanh lớn, khoảng 10 người có thể ngồi lên được. Sinh thời Hoàng thúc Lý Long Tường hay lên đó vọng về tổ quốc mà khóc và sau này con cháu người Việt cũng vậy. Cho nen nơi đây có tên là “Việt Thanh Nam” nó đã in đậm vết tên người Việt, luôn hướng về quê hương, đất tổ mà khóc:

Thân thương tuy xa cách vạn dặm

Đất tổ quê hương mãi trong tâm

Ông Lý Xương Căn (Lee Chang Kun) cháu 26 đời của Hoa Sơn Quân (tức là đời 31 của Thánh vương Lý Thái Tổ) là con của ông Lý Khánh Huân đang tích cực hoạt động với cương vị Hội trưởng Hội kỷ niệm Hoàng thúc Lý Long Tường, cùng dòng họ Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện đã về thăm đền đô của thủy tổ nhà Lý tại Đình Bảng, Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đã thành lập Cty TNHH Việt Lý miền Trung tại quận hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đặc biệt nhân dịp cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường ra mắt tại Hà Nội như một sự kiện chào mừng 1.000 năm Thăng Long, chiều ngày 28-6-2010, tại hội trường khách sạn La Thành, Hà Nội, Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Sự thật, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp lễ công bố cuốn sách “Hoàng thúc Lý Long Tường” và trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông Lý Xương Căn – hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường – cùng gia đình. Công bố quyết định số 1532/QĐ-CTN của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận quốc tịch Việt Nam của ông Lý Xương Căn cùng gia đình, và công bố tất cả hậu duệ Thánh vương Lý Thái Tổ khắp nơi ở hải ngoại đều là Việt kiều. Đây là việc làm thiết thực thể hiện chủ trương nhất quán, khẳng định quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, đồng thời có tác dụng khuyến khích, vận động bà con hướng về cội nguồn và tuyên truyền về chủ trương đại đoàn kết dân tộc.

Nhưng theo sự phát hiện của chúng tôi thì có mọt vị hậu duệ thánh vương Lý Thái Tổ đời thứ 30 đã xuất gia và trở thành danh Tăng thạch trụ tòng lâm, trụ trì 3 ngôi tổ đình thuộc hạng đại già lam và những nơi được xem như Quốc bảo Korea và được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới… Đó là ngìa Nguyệt Nam lão Hòa thượng (1920 -1991).

Nguyệt Nam hòa thượng hiệu Sương Hải đường dại tông sư, thuộc dòng thiền Tào Khê, trụ trì Pháp Trụ tự (beopjusa) đời thứ 13. Ngìa tục danh Lý Tương Học, hậu duệ Thánh vương Lý Thái Tổ đời thứ 30, hậu duệ Hoàng thúc Lý Long Tường dời thứ 25. Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm Canh Thân (6/4/1920) tại thị trấn An Đông, Hàn Quốc.

Ngài là một trong những Tăng sĩ ưu tú, được sự quý mếm và tín nhiệm của tứ chúng Phật tử, cho nên Tông phái Tào Khê giao trọng trách bổ nhiệm ngài trụ trì nhiều ngôi Cổ tự Danh lam như:

- Trụ trì Tổ đình Pháp Trụ tự (Beopjusa) từ ngày 20 tháng 10 năm 1969 đến ngày 06 tháng 10 năm 1972.

- Trụ trì Thạch Quất Am, Gyeongsangbuk-do. Từ năm 1972 đến năm 1980.

- Trụ trì Tổ đình Phật Quốc tự, Gyeongsangbuk-do từ ngày 29 tháng 11 năm 1980 đến ngày 3 tháng 3 năm 1984. Từ 1984 cho đến cuối đời thì ngài trở về bổ tự Pháp Trụ để gánh vác Phật sự cho thầy Bổn sư.

- Năm 1986 ngài bắt đầu khởi công trùng tu tượng Phật Di Lặc với tư thế đứng chiều cao 33 mét để thay thế tượng cũ bằng bê tông cao 27 mét va hoàn công vào tháng 4 năm 1990, tổng số đồn đúc pho tượng lên đến 160 tấn (năm 2002 bổn tự tứ chúng Phật tử đã thếp lên bức tượng 80 ký lô vàng nguyên xi).

- Ngài hiện chút bệnh duyên và an nhiên xã báo thân, thể nhập pháp thân vào ngày 14 tháng Giêng năm Tân Mùi (thứ năm 28-2-1991). Trụ thế 72 xuân. Trụ trì 23 Đông.

Ước mong chủng tử bồ đề, hoa bát nhã của hậu duệ Thánh vương Lý Thái Tổ mãi xanh tươi, và nhân rộng cùng khắp cộng đồng họ Lý, luôn tỏa ngát hương trong vườn thiền Phật giáo Việt – Hàn. Đồng kính mong mối thâm giao giữa hai nước Hàn – Việt, Phật giáo Việt – Hàn mãi bền chặt để cùng nhau chia sẽ và song phương phát triển.

 

ĐĐ. Thích Vân Phong

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)