Bài văn bia do vua Minh Mệnh ngự chế hiện lưu giữ tại chùa Thúy Vân

1. Vài nét về chùa Thánh Duyên và bài văn bia do vua Minh Mệnh làm.

Chùa Thúy Vân hay Thánh Duyên (tên dân gian thường gọi là chùa Túy Vân hoặc Túy Ba; chữ "Túy" đúng ra phải đọc là "Thúy") tọa lạc trên ngọn núi Thúy Vân nổi lên giữa đầm nước mặn Cao Đôi (đầm Cầu Hai). Muốn tới đó, chúng ta sẽ từ thành phố Huế xuôi theo đường quốc lộ số 1 vào Nam khoảng gần 30 km tới đầm Cầu Hai ở gần cửa Tư Dung - nơi Lê Thánh Tông đã từng qua và làm thơ vịnh cửa biển này (nay là cửa Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Núi Thúy Vân nằm trong chi nhánh Hải Vân Sơn thuộc hệ Trường Sơn chạy ra tận biển. Cảnh sắc ở đây nhìn xa như một bức tranh thủy mặc. Vì vậy chùa Thúy Vân nằm trên ngọn núi này được vua Thiệu Trị xếp vào cảnh thứ 9 trong 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh. Chùa do chúa Nguyễn Phúc Chu dựng và về sau được vua Minh Mệnh cho trùng tu lại. Do vậy nó cũng là một trong ba ngôi quốc tự ở Thuận Hóa.

Ngôi chùa này có hai tấm bia. Tấm bia thứ nhất dựng trong nhà bia ở dưới chân núi có tên là "Vân Sơn thắng tích" do vua Thiệu Trị viết vào năm 1841. Tấm bia thứ hai đề là "Ngự chế" bao gồm 4 bài thơ, xen kẽ mỗi bài thơ là những đoạn văn chú thích cho rõ nghĩa, do vua Minh Mệnh viết và được khắc vào năm 1837. Tấm bia này được dựng ở nhà bia trong chùa. Bia cao 1,72m, rộng 0,84m, dày 0,25m. Trán bia chạm lưỡng long triều nguyệt, riềm bia chạm hình hoa lá. Nội dung bia viết lý do vua Minh Mệnh cho tái thiết chùa, giới thiệu toàn cảnh chùa, ca ngợi cảnh đẹp chùa. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ bài văn bia này.

2. Phiên âm, dịch nghĩa, chú thích bài văn bia.

Phiên âm:

Thánh Duyên tự chiêm lễ.
(Bát vận)
Tàn khuyết tích cơ tận,
Trang nghiêm kim nhất tân.

(Thử sơn tích thời tự vũ thậm đa, giai Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế sở kiến. Hậu kinh Tây Sơn tàn tặc hủy cơ tận. Khứ niên tằng kinh lâm hạnh, niệm danh sơn thắng tích bất khả luân một vô truyền. Huống thử xứ thị ngã Hoàng Tổ vi thần dân kỳ phúc. Thả khai niên vi Thánh mẫu Hoàng Thái hậu thất tuần đại khánh. Viên quảng thôi từ niệm sung khuếch Thánh Duyên, ư thị niên thu cát thần vu cựu chỉ kiến tự, danh: Thánh Duyên tự, Ngôn Hoàng Tổ lưu tích dã. Cố dư sở chế đối liên vân:

Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm,

Duyên bản hữu Nhân, Nhân bản hữu Duyên, hữu thị Nhân nãi khuếch thiện Duyên chi quảng bị.

Hựu ư kỳ hậu sơn yêu kiến nhất các danh Đại từ các. Phật ư sơn điên kiến nhất tháp danh Điều Ngự tháp. Bản niên chính nguyệt cáo thành, kính phụng chư thiên tôn Phật. Nẵng dĩ xuân sơ vị hạ lâm hạnh, tư tam xuân hòa sướng, vạn cơ sảo hạ, thân dịch an dư đăng tư danh thắng. Huy hoàng điện vũ bảo tướng trang nghiêm. Duyệt dịch Thánh tâm, khang cường bộ lý, cố dự du viết: "Hoàng đế khả vị thiện kế thiện thuật hỹ". Dư tiểu tử tạ bất cảm đương. Đản năng thượng phó Hoàng tổ chi thiện tâm, thứ duyệt Hoàng mẫu chi từ niệm, dụ kỳ Thánh mẫu hà linh thượng thọ, gia quốc an ninh, hạ ký thần dân hàm mông khang thái, niên phong hà thuận, nội tĩnh ngoại an, thực dư chi tố nguyện giả dã).

Tường quang ngưng bảo tướng,
Tuệ nhật huyến kim thân.
Bối ỷ Thúy Sơn kiểu,
Diện lâm tiểu hải tân.

(Tức Hà Trung hải nhi)
Tùng quan hoa tiếu khách,
Thạch kính điểu nghênh nhân.
Khánh vận xuyên lâm hưởng,
Kinh thanh nhiễu thụ tần.
U nham ứng thắng họa
Diệu cảnh khả di thần.
Khấu trúc kỳ từ thọ,
Đảo cầu phúc tử dân.
Cảm vân năng hậu thuật,
Đản đắc xiển tiền nhân.

Đại từ các.
Cao các cứ sơn yêu,
Phủ quan cảnh sắc nhiêu.
Đăng lâm du bách cấp,
Tuấn trĩ tủng tằng tiêu.
Nam liệt quần phong củng,
Bắc lai đại hải triều.
U lâm thụ mật mật,
Khúc kính lộ điêu điêu.
Hoa vũ bán không lạc,
Hương phong ngọ nhật phiêu.
Chân như cư thắng địa,
Kim bảng đại từ tiêu.

Đăng Điều Ngự tháp.
Nguy nga bảo tháp cứ sơn điên,
Thập cấp nhi đăng khởi quyện yên.
Tứ diện hà quan lâm đại địa,
Tam tằng cao súc lập trung thiên.
Vĩnh lưu Điều Ngự thiên thu tại,
Thường chuyển pháp luân vạn cổ truyền.

(Điều Ngự tháp thượng kiến đồng trục pháp luân. Luân giai chuyết linh, nhập phong thường chuyển, viễn cận thính văn. Hựu tháp vi tam tằng: Thượng, phụng Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương; trung, phụng Nhân Gian Điều Ngự Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn; hạ, phụng Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diêm La Chủ Tể. Trung Thiên Điều Ngự nãi Pháp Vương chi hiệu, sự kiến kinh văn. Kỳ nhị, nãi dư chi ý kiến sáng thủy dã. Hựu như Địa Phủ Điều Ngự U Huyền diệc bất tất thuyết. Chí như Nhân Gian Điều Ngự nhi hiệu dĩ Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn, hoặc vấn diệc hữu thuyết hồ ? Viết hữu phù. Nhân thế chi quân như Nghiêu Thuấn chi chí Thánh, dĩ chí Nam Bắc lịch triều vi nhân chủ nhi năng đức trạch cập nhân, hậu thế mông phúc hựu vô tàm đức khả chỉ, tắc Thích gia chi sở vị Phật, Nho gia chi sở vị Giác, tắc pháp chi dĩ vi sư biểu. Phụng chi dĩ úy quần sinh, hữu hà bất khả, nhi ư lý lượng diệc bất bội).

Nội điển vị am thông Diệu đế
Thiện tâm sung khuếch ngộ chân thuyên.

Thúy Hoa sơn hành cung tức cảnh.
(Lục vận)
Tường hậu ỷ sơn lộc,
Song tiền lâm thủy biên.
Thái đầu thốn Bắc hải,
Đối đỉnh kình Nam thiên.

(Linh Thái sơn đầu hướng Bắc dĩ lâm hải. Cao Đôi sơn tại Miêu Ngạn chi Nam. Kỳ cao Kinh kỳ vô hữu tỉ giả).

Túng mục hà quan thậm,
Ngô tâm khôi khuếch nhiên.
Thử khí dĩ tiềm quyên,
Thanh phong tài sạ chí,
Nhai thụ như vân ấm,
Lâm hoa đắc vũ tiên.
Chung thanh bán dạ hưởng.
Ngọ nhật phạn âm tuyên.

Minh Mệnh thập bát niên Đinh Dậu tam nguyệt cát nhật cung tuyên.

Dịch nghĩa:

Ngự chế
Dự lễ chùa Thánh Duyên
(Tám vần)
Xưa đổ nát gần hết,
Nay hầu hết trang nghiêm
Hào quang ngời bảo tướng,
Tuệ nhật sáng kim thân.(1)
Lưng dựa núi Thúy Vân,
Mặt hướng về biển cả
Cửa tùng hoa mừng khách,
Lối đá chim đón người.
Khánh rung xuyên rừng rậm
Tiếng kinh rộn hàng cây.
Núi sâu đẹp như vẽ,
Cảnh đẹp vui lòng người.
Khấu đầu chúc thọ mẹ,
Cầu đảo phúc con dân.
Đâu dám xưng hậu thuật(2)
Chỉ cốt rạng tiền nhân(3)

* (4) Thời xưa núi này chùa rất nhiều, đều do Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế(5) xây dựng. Về sau trải qua nạn giặc Tây Sơn, nơi đây bị tàn hủy gần hết. Năm ngoái ta đi kinh lược tới đây, nghĩ rằng: danh sơn, thắng tích không thể để mai một mà không truyền lại. Huống chi đây là nơi Hoàng Tổ của ta làm ra để cầu phúc cho thần dân, vả lại đầu năm sau là đại lễ mừng thọ bảy mươi tuổi cho Thánh mẫu Hoàng thái hậu, vì nhớ nghĩ đến mẹ nên đẩy mạnh việc mở rộng Thánh Duyên. Vào dịp tốt mùa thu năm đó ở nền cũ xây chùa rồi đặt tên là: “Thánh Duyên tự”, ý nói rằng Hoàng Tổ lưu dấu tích ở đây, cho nên ta đặt ra câu đối rằng:

“Thánh tức là Phật, Phật tức là Thánh, có Thánh ấy mới mở ra sự cao sâu của Phật pháp.

Duyên vốn có Nhân(6), Nhân vốn có Duyên, có Nhân đó mới khuếch trương sự đủ đầy của thiện duyên.”.

Lại ở sau đó trên lưng chừng núi cho xây một cái gác tên là “Đại từ các”. Lại nữa, ở trên đỉnh núi xây một cái tháp tên là “Điều Ngự tháp”. Vào tháng Giêng năm này cũng đã hoàn tất để cung kính phụng thờ chư thiên tôn Phật. Hồi đầu mùa xuân, vì chưa rảnh rỗi đến đây. Nay là tháng ba tiết trời mùa xuân mát mẻ, vạn việc triều chính vơi bớt, ta mới thân hành dìu mẫu thân lên danh thắng này, thấy điện vũ huy hoàng, bảo tướng trang nghiêm. Trong lòng Thánh mẫu vui vẻ, khỏe khoắn bước chân, liền quay lại dạy ta rằng: “Hoàng đế có thể nói là người giỏi kế tục những việc làm tốt của các vị tiên vương đặt ra vậy”. Ta là phận làm con chỉ biết cảm tạ mà không dám nhận lời ban khen. Chỉ cốt trên thì phụ giúp hoàn thành thiện tâm của Hoàng tổ, thứ đến là làm đẹp lòng Thánh mẫu, cầu mong cho Thánh mẫu được thượng thọ sống lâu, quốc gia đươc an bình, dưới thì thần dân được khang thái, mùa màng tươi tốt, sông nước thuận hòa, nội tĩnh ngoại yên, đó thực là ý nguyện vốn sẵn từ trước của ta vậy.

* Tức biển Hà Trung.
Đại từ các
Gác cao dựa lưng núi
Cúi nhìn cảnh sắc nhiều.
Vượt lên cao trăm bậc,
Núi thẳm vờn mây trời.
Phía Nam ngàn núi phục,
Phía Bắc biển rộng chầu,
Rừng sâu cây rậm rạp,
Quanh co lối dẫn vào.
Lưng trời mưa hoa tụ,
Giữa trưa gió cuốn hương.
Chân như(7) nơi thắng địa
Bảng vàng đề “Đại từ”
Lên tháp Điều Ngự
Bảo tháp nguy nga tận núi cao
Mười bậc trèo lên há mỏi sao,
Bốn mặt mênh mông ngàn đất rộng,
Ba tầng chọc thẳng giữa trời cao.
Điều Ngự ngàn thu còn lưu dấu,
Pháp luân thường chuyển vạn cổ truyền
Nội điển(8) chưa am, thông diệu đế (9)
Thiện tâm rộng mở hiểu chân thuyên(10)

* Trên tháp Điều Ngự dựng trục pháp luân bằng đồng. Bánh xe đều gắn chuông. Đến lúc gió thổi vào, bánh xe chuyển động và phát ra tiếng, xa gần đều nghe thấy. Lại nữa, tháp xây ba tầng. Tầng trên thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương. Tầng giữa thờ Nhân Gian Điều Ngự Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn. Tầng dưới thờ Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diêm La Chủ Tể. Trung Thiên Điều Ngự là hiệu của vị Pháp Vương, sự tích này thấy trong Kinh văn. Thứ hai theo ý của ta, thấy đây là vị đầu tiên sáng lập ra đạo Phật. Còn về Địa Phủ Điều Ngự U Huyền khỏi phải nói cũng rõ. Đến như Nhân Gian Điểu Ngự mà hiệu là Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn, hoặc có người hỏi có thuyết nào nói không ? Thưa rằng, có thể đấy. Các vị vua trên thế gian chí thánh như hai ông Nghiêu, Thuấn cho đến các triều đại Nam Bắc (hễ ai) làm chủ thiên hạ mà ban ơn đức đến cho mọi người, để cho đời sau chịu phúc mà không có điều gì đáng hổ thẹn, chê trách, người như thế thì Thích gia gọi là Phật, Nho gia gọi là Giác, còn Pháp gia gọi là Thầy. Phụng sự các vị ấy để an ủi quần sinh, thì có gì không được. Xét về lý thì cũng chẳng có gì sai trái.

Thúy Hoa sơn hành cung tức cảnh.
(Sáu vần)
Sau tường dựa chân núi,
Cửa sổ sát bờ nước
Non Thái nuốt Bắc hải.
Núi Đôi chạm nam thiên
Mắt phóng xa nhìn ngắm,
Lòng vui mở mang nhiều.
Gió mát từ đâu thổi,
Khi nóng đã dần tiêu.
Sườn núi cây mây phủ,
Rừng hoa được mưa tưới.
Nửa đêm tiếng chuông vọng,
Giữa trưa kinh chùa vang.

* Núi Linh Thái đầu hướng ra phía Bắc cho tới biển. Núi Cao Đôi nằm ở phía Nam của Miêu Ngạn, đây là ngọn núi cao ở chốn Kinh kỳ mà không núi nào có thể sánh bằng.

Cung kính khắc vào ngày tốt tháng ba năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 18.

Trần Thị Thanh (Theo tạp chí Hán Nôm)

-------

CHÚ THÍCH:

(1) Kim thân: giống như kim tướng. Những chữ này đều chỉ Phật hoặc tướng Phật. Trong truyền thuyết của Trung Quốc có nói: Hán Minh Đế nằm mộng thấy Phật bằng vàng nên khi tỉnh dậy liền cho người đến Nguyệt Thi quốc thỉnh tượng Phật về thờ, lấy kinh điển rồi vời tăng già về tu tập.

(2) Hậu thuật: tiếp nối phát triển sự nghiệp đời trước.

(3) Tiền nhân: nhân duyên đời trước.

(4) Những phần nguyên chú của chính văn trong văn bia chúng tôi ký hiệu bằng dấu * đồng thời đưa xuống cuối mỗi bài.

(5) Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế: là Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) là vị chúa thứ sáu trong chín vị chúa của triều Nguyễn. Khi lên ngôi chúa, ông lấy hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân, khi mất được truy tôn là Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế.

(6) Nhân duyên: Phật giáo cho rằng mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp sinh ra. Từ hải giảng nhân là thế mạnh, trực tiếp, duyên là thế lực yếu, gián tiếp. Giống như trong việc trồng cây thì hạt giống là nhân còn gió mưa và người nông dân là duyên.

(7) Chân như: nguyên lý tự có vĩnh cửu, không thay đổi, không sinh, không diệt theo quan điểm của đạo Phật.

(8) Nội điển: tín đồ Phật giáo gọi kinh, luận của nhà Phật là nội điển.

(9) Diệu đế: là một trong “tứ diệu đế”: Khổ đế, Tập đế, Diệu đế, Đạo đế. Đây là bốn chân lý đúng đắn của nhà Phật.

(10) Chân thuyên: chỉ chân lý của nhà Phật.