Xây dựng hạnh phúc chân chính

 

Mùa xuân hoa lá xanh tươi mát dịu, mùa hè nóng oi bức, mùa thu se lạnh hiu hắt, mùa đông mưa dầm gió bấc buốt giá. Đấy là sự biến thiên của không gian và thời gian.

Sự biến thiên ấy, ắt hẳn không tách rời ra ngoài sự sinh họat của con người và vạn vật. Thiếu thời non trẻ vui tươi, ngây thơ; Tuổi thanh thiếu niên nôn nao, bộp chộp, ồn ào, ước mơ; thời trung niên cân nhắc đằm thắm, suy tư; cuối cùng già yếu mỏi mòn theo năm tháng.

Cái hào nhoáng rực rỡ của bao nhiêu vẻ đẹp, cũng mai một theo thời gian, cái náo động xáo trộn điên đảo rồi cũng chìm đắm theo ngày tháng, cái dịu dàng man mác, đằm thắm rồi cũng nhạt nhòa tan biến theo sự vận chuyển của cuộc đời về điểm cuối, để rồi đối diện với già nua, mệt mỏi, đơn côi của tâm hồn.

Con người, luôn lẩn quẩn trong sự sinh hoạt hằng ngày chứa chất nhiều sầu, bi, khổ, ưu, não, chẳng bao giờ tìm được cửa ngõ đi ra. Đấy là nguyên nhân thúc đẩy Thái tử Tất Đạt Đa phải bỏ lại sau lưng bao quyền uy, kế thừa sự nghiệp ngai vàng, bỏ lại sau lưng lâu đài mỹ lệ ngọc ngà châu báu, bỏ lại sau lưng cung tần mỹ nữ, vợ đẹp con khôn, dấn thân vào cuộc sống cam khổ sáu năm với màn trời chiếu đất nơi thâm sơn cùng cốc. Quyết tìm ra lẽ sống hạnh phúc cứu vớt muôn loài thoát khỏi vòng trầm luân sanh tử. Cuối cùng Ngài đã chứng nghiệm được bài học rất căn bản: Biết khổ - Biết nguyên nhân gây ra khổ - Biết phương pháp đoạn trừ nguyên nhân gây ra khổ - và biết thực hành phương pháp đoạn trừ nguyên nhân gây ra khổ ấy. Đấy cũng là bài Pháp đầu tiên mà Đức Phật giảng dạy cho 5 anh em Tôn giả Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, đó là 4 sự thật.

Con người ai cũng phải công nhận và có thể biết rằng: Ai cũng có đau, có bệnh như thế là bệnh có thật. Nếu là một bệnh có thật thì cũng có những nguyên nhân tạo nên bệnh có thật: do ăn uống không điều độ, thức ăn không phù hợp với cơ thể, mất ngủ, lo âu, rượu bia quá độ...

Trong tập thể Y-Bác sĩ Đông cũng như Tây và mọi người trong chúng ta, đều biết rằng: bệnh có thể chữa lành được.

Muốn bệnh chấm dứt, ta phải theo đúng phương pháp trị liệu và đúng thuốc.

Thái tử Tất Đạt Đa thấy rõ được 4 sự thật ấy, nên được thế gian tôn là Phật, là Thiên Nhơn Sư.

Do tâm kiêu căng, ngã mạn, căm thù, đố kỵ, nên thiếu tĩnh lặng để tìm ra những nguyên nhân gây ra đau khổ, đức Phật dạy ta quán chiếu mọi sự vật, mọi dữ kiện đang hiện hành. Tập trung tâm ý vào sự thực nghiệm, ta có thể thấy được những nguyên nhân xa, gần tạo ra những khổ đau. Cần được quán chiếu, khám phá một cách thâm sâu, nếu quả thực ta muốn tìm ra căn nguyên đích thực của chứng bệnh để trị liệu.

Đức Phật dạy: Sự thiếu hiểu biết là một nguyên nhân lớn của khổ đau. Thiếu hiểu biết, thiếu sáng suốt là Vô minh, là những nhận thức sai lầm về con người, về thế giới, về thế giới tự nhiên, tức là không hiểu đạo lý duyên khởi.

Đức Phật dạy: Ai thấy duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Phật (thấy được sự thật). Thấy chính là chìa khỏa mở cửa cho ta đi vào con đường Giác ngộ. Bất cứ một khổ đau nào cũng có những gốc rễ gần hay xa của nó và chúng ta cần đối trị với những gốc rễ ấy ở cá nhân hay tập thể. Ví dụ, không khí bất hòa ngột ngạt trong một gia đình, không khí ngột ngạt ấy không phải tự nhiên mà có. Trái lại, do nhiều nguyên nhân sinh khởi. Có thể là nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân tâm lý, sinh lý, nguyên nhân xã hội. Sự cau có, cộc cằn của người chồng sau một ngày làm việc mệt nhọc, tự nó có nhiều gốc rễ phiền toái. Thái độ trách móc của người vợ và sự thiếu hiểu biết của người con, có thể làm tăng sự cau có ấy lên. Nếu tất cả mọi người trong gia đình biết tĩnh tâm quán chiếu, để thấy rõ những nguyên nhân gần xa của không khí ngột ngạt căng thẳng ấy thì tự nhiên giận hờn, trách móc trong gia đình sẽ tan biến, không khí ngột ngạt căng thẳng sẽ không trầm trọng, và mọi người cùng nhau ngồi lại, tìm cách xóa bỏ dần những nguyên nhân cau có của người chồng vào những giờ phút cuối của ngày làm việc. Thái độ dịu dàng, cảm thông, hiểu biết của người vợ có thể làm giảm đi nhiều nỗi cau có, đó là sự cộng tác của người vợ để chia xẻ những ưu phiền, bực bội của người chồng, sẽ đóng góp rất nhiều trong việc tìm ra và làm tan biến những cau có kia. Muốn có kết quả này, nó đòi hỏi bỏ công tĩnh tâm hằng ngày của từng người. Thiếu sự nhiếp tâm, mọi người sẽ trút hết cơn tức giận và hờn oán cho kẻ khác, tại vì chính bản thân ta không thấy rõ đâu là nguyên nhân đích thực của khổ đau mà ta phải gánh chịu.

Về mặt sinh hoạt xã hội, dân chủ và tự do cũng như bất cứ một thứ hạnh phúc nào khác, không phải là một món quà ân huệ từ trời cao rơi xuống, trái lại chính mỗi cá nhân phải tạo dựng, bồi đắp bảo vệ mới có. Dân chủ, tự do không phải do một nhà cầm quyền tốt ban bố, người dân phải biết học tập và biết sử dụng quyền dân chủ tự do, phải biết tôn trọng các quyền tự do dân chủ của kẻ khác, phải biết hòa hợp, đoàn kết, ngồi lại với nhau, cùng nhau bảo vệ và đấu tranh khi quyền ấy bị đe dọa. Nếu biết rõ nguyên nhân nào khiến cho tự do dân chủ vắng mặt, ta sẽ tìm ra được phương pháp để thực hiện.

Ta không nên nhầm lẫn giữa hạnh phúc chân thực và hạnh phúc huyền ảo của hình tướng. Thoạt nhìn, tưởng rằng đấy là hạnh phúc, thực chất chỉ là sầu, bi, khổ, não... Hạnh phúc được trình bày, diễn tả trong Giáo lý của Đức Phật như là sự vắng mặt của đau khổ, là sự giải tỏa con người ra khỏi tham lam dục vọng, hận thù và si mê, là sự đạt tới đức độ tĩnh lặng đại hùng, đại lực, khiến ta không còn là kẻ sợ hãi những thắng bại tầm thường của đời sống hằng ngày. Sự giải tỏa đó, chắc chắn sẽ là hạnh phúc chân thực. Ta phải nhận thức rằng theo đuổi sự nghiệp trên lộ trình đến giải thoát giác ngộ, không phải từ bỏ hạnh phúc cuộc đời mà chính là để xây dựng nền tảng vững chắc cho hạnh phúc.

Để có một đời sống hạnh phúc an lành cho bản thân và xã hội, ta phải biết phương cách thực hành, bằng những kinh nghiệm sâu sắc về thực tại, mới có thể loại trừ khổ đau, kiến tạo an lạc cho người. Đấy là giá trị hiệu lực cho đời sống.

 

Thích Ngộ Tịnh

(quangduc.com)