Hoa Tử Kinh

 

紫荆花-Tử Kinh

紫荆花-Tử Kinh

 

Sáng nay thức giấc, ngoài trời gió thổi mạnh và cảm giác cái lạnh đang thực sự tràn về. Quảng Châu, một thành phố công nghiệp nằm về đầu phía Nam của dãy đất Đại Lục mênh mông. Có lẽ vì thế mà mùa Đông luôn gõ cửa muộn. Cái lạnh ở đất Quảng Châu này hầu như không khắc nghiệt mà lại hiền hòa hơn, ít ra là riêng tôi cảm nhận thế, so với những miền khác của Đại Lục mà tôi từng biết.

Mở cửa phòng nhìn ra ngoài, một luồng gió sớm ập vào, lạnh buốt. Hơi bất ngờ, tôi vội khép cửa, lấy chiếc áo  lạnh khoác lên mình, rồi nhẹ kéo rèm cửa sổ đưa mắt nhìn ra ngoài. Cả khuôn viên ký túc xá vẫn im lìm vì đêm qua mọi người đều ngủ muộn.

Bầu trời có chút âm u, không hiểu vì nhiều mây hay vì trời còn sớm. 7 giờ sáng rồi còn gì! Ông mặt trời đâu trễ hẹn đến thế. Ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, tôi quan sát bên ngoài qua cánh cửa kính, thật lặng. Một khung trời màu xám, với gió và lạnh, tạo cảm giác cho người ta biết rằng đó chính là âm hưởng của mùa đông. Nhìn ra cổng chính ký túc xá, quán xá sinh viên vẫn còn đóng kín cửa. Chỉ thấp thoáng vài bóng dáng của những người bảo vệ với bộ đồng phục thường ngày, nhưng hôm nay lạ hơn với chiếc áo rét bên ngoài.

Gió vẫn thổi mạnh, và cái lạnh tan đều vào không gian, trong phòng dù còn giữ lại chút hơi ấm của con người, nhưng không phải thoát được hoàn toàn cái lạnh vốn dĩ đã thấm ngầm trong bầu không gian mùa đông ấy. Cụm cau cao vút nằm ngay trước sân cứ đong đưa tàu lá, thân nghiêng ngả hòa điệu cùng chiều gió.

Khung cảnh thật đẹp và nên thơ nhất lúc này chính là những cánh hoa Tử Kinh trong sân trường. Nếu được nhìn từ trên cao có lẽ sẽ dễ nhận ra đâu là khung viên của trường đại học, vì Trung Sơn đặc biệt nổi bật với những tàng cây cổ thụ cao vút, tọa lạc giữa một thành phố công nghiệp đông đúc được tạo nên phần lớn là các tòa cao ốc và phố xá hiện đại. Nhưng Trung Sơn sẽ dễ nhận ra hơn là chính bởi những gam màu chấm phá điểm tô khéo léo của nó, màu tím của Tử Kinh Hoa.

alt
Một khóm hoa Tử Kinh ở Trường ĐH.Trung Sơn (Photo: ĐT)

Cứ mỗi đợt gió đi qua là mỗi lần tàng hoa Tử Kinh cứ tung lên rồi lả tả rơi đều trên từng cụm lá, trên những mái nhà và trên cả lối đi. Mới chiều hôm qua đây, khi đi học về, bước trên lối mòn trong sân trường đại học tôi cảm nhận rõ ràng như chính mình đang bước trên thảm hoa lấp đầy những cánh Tử Kinh màu tím. Thật thú vị!

Và bây giờ mới hiểu thêm rằng vì sao khung viên ký túc xá nơi chúng tôi đang ở có tên là Tử Kinh Viên.

Về cây Tử Kinh có lẽ nên lạm bàn đôi chút về những sáng tác xuất phát từ ‘loài cây hoa’ đặc biệt này. Rất nhiều tác phẩm văn học Trung Hoa đã lấy đó làm đề tài nghệ thuật. Nói đến sự tích cây Tử Kinh thì vẫn nổi tiếng và điển hình nhất là câu chuyện của ba anh em nhà họ Điền. Theo “Tục Tề Hài Ký-Tử Kình Thọ” của Ngô Quân thuộc triều nhà Lương thời Nam Bắc Triều có chép:

Ba anh em Điền Chân lúc phân chia gia sản, trước nhà có cây Tử Kinh, họ đề nghị chia cây làm ba phần. Cây Tử Kinh đột nhiên chết khô. Chân liền bảo với các em rằng:

“Cây và gốc vốn là một. Biết anh em mình sắp mang nó ra chia cắt, nên đã héo hon, thế mới thấy con người không bằng cây vậy!” Thế rồi buồn rầu thảm thiết. Ba anh em từ đó mới hiểu lẽ và không phân chia tài sản nữa. Cây Tử Kinh cũng xanh tốt trở lại.

Nhân đó mà về sau người Trung Hoa dùng “Tử Kinh” để nhắc lại câu chuyện tình cốt nhục anh em.

Bài thơ “Đắc Xá Đệ Tiêu Tức” của Đỗ Phủ đời Đường cũng từ tích ấy ra:

“Phong xuy Tử Kinh thọ

Sắc dữ xuân đình mộ

Hoa lạc từ cố chi

Phong hồi phản vô xứ

Cốt nhục ân thư trọng

Phiêu bạt nan tương ngộ

Do hữu lệ thành hà

Kinh thiên phục đông chú”

Nhắc lại điển tích về loài hoa Tử Kinh này mới càng thấm thía tâm trạng của mình trong khoảnh khắc này. Lòng vu vơ - ai ra đi không hẹn ngày về, ai tha hương không khắc khoải nỗi niềm cố xứ. Và càng cảm thông hơn với hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan xưa:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Mùa hoa Tử Kinh chuyển sắc không chỉ là làm đẹp cho đất trời, làm đẹp khung viên trường đại học mà còn báo hiệu cho cái Xuân đang lấp ló gần kề trước mặt. Là thời khắc cho các sĩ tử nên biết gói gém thời gian, hoàn thành nhiệm vụ của một thư sinh để sớm được khải hoàn về cố hương thăm lại hai đấng sinh thành, cùng gia đình đoàn viên trong ánh Xuân nồng nàn ấm áp.

 

Đồng Thọ
ĐH.Trung Sơn, Quảng Châu.TQ 2010

(tuvienhuequang.com)