Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 8

ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ 7
(PHẠM HẠNH BẤT NHIỄM)


1, Chánh văn:
弟 七 覺 悟 Đệ thất giác ngộ
五 欲 過 患 Ngũ dục quá hoạn
雖 爲 俗 人 Tuy vi tục nhân
不 染 世 樂 Bất nhiễm thế lạc
常 念 三 衣 Thường niệm tam y
瓶 缽 法 器 Ngoã bát pháp khí
至 願 出 家 Chí nguyện xuất gia
守 道 清 白 Thủ đạo thanh bạch
梵 行 高 遠 Phạm hạnh cao viễn
慈 悲 一 切 Từ bi nhất thiết

2, Dịch nghĩa:

Thứ bảy giác ngộ
Năm dục gây hoạ
Vì vậy người tu
Ở giữa cuộc đời
Mà không nhiễm ô
Theo thói trần tục
Thường nhớ ba y
Bình bát, Pháp khí
Chí nguyện xuất gia
Giữ đạo trong sạch
Phạm hạnh thanh cao
Thương yêu muôn loài.


3, Giải thích:

Ở điều giác ngộ thứ hai đã cho chúng ta biết tham muốn càng nhiều thì khổ đau càng nhiều (đa dục vi khổ), và những nỗi khổ đau khốn cùng, mệt nhọc, trôi lăn trong sinh tử chính là từ lòng tham dục mà ra. Tham dục chính là tham đắm năm món dục: tài, sắc, danh, thực, thuỳ; hay sắc, thanh, hương, vị, xúc. Điều giác ngộ thứ bảy này thêm một lần nữa khẳng định sự nguy hại và tính năng gây ra tội lỗi của năm dục. Trong điều giác ngộ thứ hai đã phân tích cho thấy sự nguy hiểm của năm dục, ở điều giác ngộ thứ bảy này chỉ muốn nói đến thái độ sống, phương pháp sống của người Phật tử ở trong hoàn cảnh mà sự nguy hại của năm dục luôn chi phối, rập rình.

Không ai nghĩ rằng tài, sắc, danh, thực, thuỳ có khả năng gây hoạ hay là mối hoạ hết. Ai cũng nghĩ đó là những điều khả ái, khả lạc, là đối tượng của mọi sự tìm cầu, mong muốn. Nói cho cùng, ở thế gian, người ta phấn đấu, nỗ lực lao động và học hành suốt cả đời cũng chỉ vì hai chữ danh và lợi. Có danh để kiếm lợi. Có lợi để mua danh. Có cả danh và lợi thì càng tốt. Đó là mục đích sống của người đời. Không mấy ai nghĩ hay thấy được bên trong năm món dục ấy lại ẩn chứa những mối tai hoạ, những nguy hiểm rập rình.

Xưa, Đề-bà-đạt-đa ngày nào cũng nhận lấy năm trăm chõ thức ăn cúng dường của Vương tử Bà-la-lưu-chi (A-xà-thế) nên “mới khởi lên ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sinh vào trong địa ngục đại A-tỳ”. Hay như Tỳ-kheo Sư-lợi-la tham lợi dưỡng nên đã tạo ra việc sát sinh vô lượng, để thân hoại mạng chung sinh vào trong địa ngục. Cho nên Đức Phật thường cảnh giác “lợi dưỡng rất nặng, làm cho con người không đến được đạo Vô thượng Chánh chơn”, và “sự đắm nhiễm tài vật thật là khó bỏ, khiến người rơi vào trong ba đường dữ, không đến được chỗ vô vi” (Kinh Tăng nhất A-hàm).

Đức Phật thường ví dụ dục vọng như khúc xương khô. Ngài nói: “Cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói”. Cũng vậy, “dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm”.

Hãy hình dung trên cánh đồng cách thôn xóm không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống, một con quạ mang miếng thịt ấy bay đi, rồi những con quạ khác đuổi theo để tranh giành. Thế nào? Nếu con quạ ấy không vội vả xả bỏ tức khắc miếng thịt này thì liệu những con quạ khác có dừng sự truy đuổi chăng? Không thể, những con khác sẽ truy đuổi, tranh giành cho đến cùng. Đức Phật kết luận: “Cũng vậy, dục vọng như miếng thịt, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm”.

Dục vọng cũng như bó đuốc. Người cầm bó đuốc đang cháy mà đi ngược gió, nếu không liệng bỏ tức khắc nhất định sẽ bị cháy tay, cháy người. Dục vọng cũng như hầm lửa lớn, nếu một người không ngu si, không điên đảo, chỉ muốn hạnh phúc, ghét sự đớn đau, thì người ấy không lý do gì lại nhảy vào hầm lửa. Dục vọng như con rắn độc to lớn, dữ dằn. Nếu một người không ngu, không điên đảo, muốn hạnh phúc, ghét khổ đau, muốn sống chớ không muốn chết, thì không dại gì mà thò tay cho con rắn cắn. Dục vọng cũng như giấc mộng. Một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thoả thích, nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Dục vọng cũng như đồ vay mượn. Vay mượn càng nhiều thì trả càng mệt (Kinh Trung A-hàm).

Tóm lại, ngũ dục như xương khô, như miếng thịt, như bó đuốc, như hầm lửa, như rắn độc, như giấc mộng, như vật vay mượn… ẩn chứa tiềm tàng những mối hiểm nguy, vui ít khổ nhiều, đau khổ càng nhiều hơn. Cho nên, người Phật tử, không kể là xuất gia hay tại gia, sống giữa cuộc đời cần phải trang bị cho mình những hành trang, những áo giáp đủ vững chắc để ngăn chặn những pháp bất thiện, để đối phó và trị liệu những hiểm nguy đã xâm nhập, đang xâm nhập và sẽ xâm nhập vào thân tâm của mình. Những ai có sự xả ly dục, xa lìa pháp bất thiện thì tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn, tức là ‘bất nhiễm thế lạc’.

Người xuất gia, nhất là người xuất gia theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, cũng sống trong cuộc đời trần tục để gần gũi, lợi hành và đồng sự với chúng sinh, nên cũng sống chung với ngũ dục, nhưng với sự phòng hộ của giới bổn, các căn được hộ trì, hơn nữa cuộc sống không phải bon chen lợi danh như người cư sĩ, nên khả năng sống thanh tịnh và có cơ hội giác ngộ rất lớn. Ngược lại, người Phật tử tại gia, sống trong xã hội phải đương đầu với cơm ăn áo mặc, phải bon chen danh lợi, phải nuôi sống vợ con, nói chung là sống với năm món dục mà giữ đạo tu tập, để ‘không nhiễm ô theo thói trần tục’ là rất khó. Khó chứ không phải là không làm được. Trong nhiều kinh đức Phật đã đề cao người Phật tử và khuyên họ nên sống với tâm niệm xuất gia, sống theo hạnh ly nhiễm. Và đức Phật cũng nói rằng, xuất gia có bốn hạng:

1. Thân xuất gia mà tâm không xuất gia.
2. Tâm xuất gia mà thân không xuất gia.
3. Thân và tâm đều xuất gia.
4. Thân và tâm đều không xuất gia.

Thân xuất gia mà tâm không xuất gia, đó là những người ‘mượn đạo tạo đời’, lợi dụng chiếc áo để kiếm kế sinh nhai, mưu cầu danh lợi. Hạng ấy Luật tạng gọi là ‘vô đao đại tặc’, tức là một tên đại tướng cướp không cần dao! Còn tâm xuất gia mà thân không xuất gia, ấy chính là người cư sĩ, người Phật tử tại gia. Người cư sĩ sống giữa cuộc đời, bị bao vây bởi năm món dục lạc, nhưng vẫn giữ giới, cố gắng tu tập hạnh bất nhiễm, quyết chí thiết lập, xây dựng cuộc sống theo hạnh của người xuất gia, với tâm nguyện tạo nhân duyên để có thể được xuất gia trong một ngày mai. Tâm nguyện ấy thật cao quý, thật đáng trân trọng, xứng đáng đứng vào hàng ngũ Thất chúng đệ tử của đức Như Lai. Chính người cư sĩ Phật tử làm sáng danh giáo pháp của Đức Phật bằng lối sống Phật cách của mình. Họ đem Phật pháp vào đời, làm sống động và thiết thực lời Phật dạy trong cuộc sống hằng ngày.

Trong lịch sử Phật giáo Việt nam, hình ảnh người cư sĩ tiêu biểu sống cuộc đời bất nhiễm, sống với hạnh của hoa sen, ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’, có thể kể đó là Lý Thái Tôn, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, v.v… Đặc biệt là Trần Thái Tông, một vị vua Thiền sư cư sĩ, sống trong địa vị chí tôn, lãnh đạo cả một đất nước thế mà một ngày vẫn có ‘sáu thời sám hối’. Hình ảnh đó không đáng để cho chúng ta nghiêng mình cung kính sao? Vì vậy, học đến điều giác ngộ này, người xuất gia phải cảm thấy, và phải hành động sao cho xứng đáng với vị trí chúng trung tôn của mình. Nghĩa là phải có cuộc sống thanh tịnh, phạm hạnh hơn hẳn người cư sĩ, nhất là đời sống bất nhiễm.

Để có được đời sống ‘phạm hạnh cao viễn’, người xuất gia không bao giờ quên đi cái nguyên tắc ‘tam thường bất túc’, tức là đối với ba việc ăn, mặc, ngủ đừng bao giờ cho nó quá đầy đủ và sung mãn. Trong Kinh Di giáo Đức Phật từng sách tấn các thầy Tỳ-kheo phải thường xuyên tự sờ đầu của mình để nhớ mình là người xuất gia, đã cạo bỏ râu tóc, tài sản duy nhất là ba y và bình bát, cho nên suốt đời phải ghi nhớ đó là pháp khí của mình. Ghi nhớ như vậy để đừng đánh mất cái chí nguyện xuất gia ban đầu, để nuôi dưỡng hạt giống bồ-đề, để sống đời ‘tịnh như băng tuyết’, để phát triển tâm từ bi ‘thương yêu muôn loài’.

Người Phật tử để có cuộc sống ‘bất nhiễm thế lạc’, không lấm bụi trần, cũng phải luôn luôn nhớ nghĩ đến ba y và bình bát, thờ ba y và bình bát như Bồ-tát giới Phạm vọng đã dạy. Đây là một phương pháp, một lối tư duy giúp người Phật tử gieo trồng hạt giống xuất thế cho đời này và đời sau. Ba y và bình bát là vật sở hữu bất ly thân của người xuất gia. Điều đó cũng hàm ý nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày, người Phật tử luôn để tâm nhớ về người xuất gia, hình ảnh của sự giác ngộ và giải thoát, biểu tượng của đạo đức xã hội. Hình ảnh của một Tỳ-kheo luôn luôn gắn liền với sự xả ly, người từ bỏ, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không có vật sở hữu… Đó là đời sống ly nhiễm. Y phục của người xuất gia được dùng bằng loại vải hoại sắc, mục đích là huỷ đi cái vẻ đẹp của sắc tướng. Bình bát thể hiện tính chất giải thoát sự trói buộc và hệ lụy thức ăn. Do đó, nhớ nghĩ ba y và bình bát, tức là nhớ nghĩ đến đời sống ly nhiễm của người xuất gia, có nghĩa là người Phật tử hướng đến đời sống thoát ly khỏi sự ràng buộc tìm kiếm lạc thú nơi ăn và mặc. Đó là cách mà người Phật tử hướng đến xây dựng đời sống bất nhiễm. Ăn và mặc là hai đối tượng của dục. Con người ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng người Phật tử hiểu rõ bản chất của cuộc đời, hiểu rõ bản chất giả ngụy, không thực của các cảm thọ, nhất là các cảm thọ đến từ cái ăn, cái mặc; và hơn thế nữa, ăn mặc, ngủ nghỉ… còn là nguyên nhân của khổ đau và tội lỗi, cho nên người Phật tử quyết tâm không để những thứ ngũ dục chi phối. Người Phật tử hướng đến đời sống cao thượng hơn, hướng đến những cảm thọ giải thoát, những hỷ lạc chân thật có được từ đời sống thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn. Để cho chí nguyện xuất gia có thể trở thành hiện thực, ngay đời sống hiện tại người Phật tử phải giữ giới, cụ thể là ngũ giới hay bát quan trai giới, là những giới thể căn bản hướng đến đời sống của một thánh giả A-la-hán, là những nguyên tắc để giữ đạo trong sạch và đạo đức cao vời. Nếu không có giới luật thì người Phật tử, hay kể cả người xuất gia, cũng khó có thể sống thanh tịnh được giữa cuộc đời ô trược này.

Từ đời sống đó, người Phật tử nuôi dưỡng được tâm bồ-đề, làm lớn mạnh lòng từ bi, thương yêu hết muôn loài và hướng đến xây dựng xã hội an lạc, hạnh phúc.
Từ bi nhất thiết là bản chất của giới luật. Tức là chúng ta giữ giới vì lòng từ bi chứ không phải vì đã thọ giới. Ví dụ, không sát sinh, không giết hại bất cứ một sự sống nào là vì thương yêu và tôn trọng sự sống của mọi loài chứ không phải vì đã thọ giới bất sát. Đó là ý nghĩa cao siêu của Đại thừa giới mà Bát Đại Nhân Giác giới thiệu ở điều giác ngộ thứ 7 này. Cho nên, ở đây Bát Đại Nhân Giác không nói gì đến giới luật cả mà người Phật tử vẫn có phạm hạnh cao viễn.

Phạm hạnh cao viễn là vì từ bi nhất thiết. Chúng ta còn nhớ trong Tỳ ni nhật dụng thiết yếu có bài kệ Hạ đơn ghi thế này: “Sáng, trưa, chiều và tối; Mỗi loài hãy giữ mình; Nếu dưới chân lỡ đạp, Xin nguyện chóng siêu sinh”. Rõ ràng khi đọc lên câu kệ ấy không phải vì có ai bắt buộc, vì đã thọ giới, vì muốn làm thầy… mà đọc. Từ khi mới ngủ dậy, quơ đôi chân xuống đất, người xuất gia liền nghĩ đến phải làm thế nào để phát khởi tâm từ bi, cho nên phải đọc bài kệ ấy, mục đích là nuôi lớn lòng từ, để thương yêu tất cả chúng sinh.

Cho nên, người Phật tử sống giữa cuộc đời trần tục, ô trược, để hoà nhập với xã hội, đôi khi không cần đến cái vẻ oai nghi giữ giới bên ngoài, mà cốt là phải nuôi dưỡng cái tâm từ bên trong. Khi trong tâm có từ bi thì không cần giới chúng ta cũng đã giữ giới rồi.

4, Kết luận:

Với nguyên tắc thường nhớ nghĩ đến ba y và bình bát, người Phật tử chế ngự những tham muốn dục vọng về cái ăn, cái mặc v.v… tức là nhằm mục đích chế ngự cái tâm tham lam, sân hận và si mê có thể phát sinh từ đối tượng của lòng dục, tức tài, sắc, danh, thực, thuỳ hay sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Và điều đó có nghĩa là, người Phật tử không bắt buộc phải từ bỏ những thói quen về ăn mặc, ngủ nghỉ v.v… Người Phật tử hãy cứ sống trong hoàn cảnh và điều kiện mình đang có, với vợ con, gia đình, bạn bè và xã hội, nhưng hãy bằng cái tâm không tham lam, không sân hận, và không si mê.

Cuộc sống là sống với sống cùng chứ không phải sống một mình. Không một cá thể nào tách rời đoàn thể mà có thể sống được. Đoàn thể đó có thể là một gia đình, một tổ chức xã hội, có thể là rừng cây, bờ suối… Tất cả những thứ ấy đều là điều kiện nhân duyên cho sự sống tiếp tục phát triển. Trong đó, có những thứ đã hấp dẫn, cuốn hút chúng ta vào con đường danh lợi, vào con đường tội ác… Vì vậy, chúng ta phải cẩn trọng, đề phòng. Cẩn trọng và đề phòng bằng giới, định và tuệ chính là kiến thiết một cuộc sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cuộc sống bất nhiễm.

Điều giác ngộ thứ bảy hướng đến xây dựng một xã hội an lạc, hạnh phúc bằng đạo đức ly tham, ly sân, ly si và bằng tình thương yêu chân thật, thương yêu tất cả mọi loài. Đó là lý tưởng kiến thiết nhân gian Tịnh độ, lý tưởng của Bồ-tát. Để thực hiện được lý tưởng đó, người Phật tử phải quán chiếu để thấy được rằng trong hoàn cảnh mà mình đang sống, năm món dục lạc có thể gây khổ đau, đưa đến tội ác và tai họa. Một trong những tai họa lớn nhất mà dục lạc đưa đến là che lấp trí tuệ và chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi. Điều đó có thể thấy ở nơi những con người vì lợi mà quên thân, quên đi tình nghĩa bạn bè, thậm chí cả tình anh em ruột thịt nữa.

Ngoài ra, người Phật tử còn phải lập chí nguyện hướng đến đời sống thanh tịnh, đạo đức, đời sống bất nhiễm, vô uý trong mọi hoàn cảnh, môi trường. Nghĩa là dù trong hoàn cảnh nào, người Phật tử luôn lấy lòng từ bi để thương yêu tất cả, đó là phương pháp duy nhất để dập tắt lòng tham và tâm sân hận.

 

Thích Nguyên Hùng

http://chuavanhanh.free.fr/