Thông Bạch (Thư kêu gọi vốn Đầu tư) xây dựng BỆNH VIỆN PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA VN

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

BAN KIẾN THIẾT ĐẠI TÒNG LÂM PHẬT GIÁO

BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

………….o0o…………..

THÔNG BẠCH

NAMMÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

KÍNH GỞI:

-   CHƯ TÔN HÒA THƯỢNG, CHƯ THƯỢNG TỌA, ĐẠI ĐỨC TĂNG NI

-   KÍNH THƯA CÁC NHÀ ĐẠO TÂM TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

-   KÍNH THƯA CHƯ PHẬT TỦ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

-   KÍNH THƯA CHƯ LIỆT VỊ

Đạo phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ hai mươi thế kỷ qua, từ khi lập quốc đã có các vị Thiền sư hiện diện trong chốn cung đình cùng các vị đế vương chung lo công việc dựng nước và xây dựng đất nước, trải qua 1800 năm đạo Phật đã gắn liền với dân tộc trong những thời Đinh - Lê - Lý - Trần…ngôi chùa cũng là nơi chiêm bái, tịnh dưỡng tâm hồn của đồng bào đồng thời cũng là nơi trị bệnh cho đồng bào trong lúc trái mùa trở gió. Như Tuệ Tĩnh Thiền sư, Hải Thượng Lãn Ông… vì đạo Phật đã gắn liền với dân tộc từ tinh thần cho đến vật chất, nhờ đó mà dù đất nước trải qua bao nhiêu phen chinh chiến của những thế lực ngoại lai mang đến, nhưng thế rồi đạo Phật cũng dành được quyền tự chủ và đem lại nền hòa bình cho ngày hôm nay do những vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đứng ra lãnh đạo.

Hôm nay đứng trước trào lưu khoa học kỹ nghệ, những nhu cầu cuộc sống của nhân loại trên thế giới, những hình ảnh an lành của thiên nhiên không còn được nguyên vẹn nữa. Thay vào đó bao kỹ nghệ máy móc, khoa học, chất độc đã trang trải trên hư không này vô số và cũng đem lại cho nhân loại trên hành tinh này bao nhiêu bệnh tật đau đớn. Dù các nhà y học cũng đã đem hết trí tuệ để chăm sóc cho loài người.

Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ hôm nay không còn như thời xưa nữa mà phải sống hòa đồng với các tôn giáo bạn. Mỗi tôn giáo đều có những hình thức, những điều kiện nghi lễ, những quan niệm trong cuộc sống và khi về bên kia thế giới khác nhau và mọi người chúng ta ai ai cũng nằm chung trong số phận sanh, già, bệnh, chết, đó là một chân lí từ xưa đến nay. Thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật) cũng vì đau xót bốn cảnh này, cho nên Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm đường giải thoát cho chúng sanh, nhưng giáo lí Ngài quá cao siêu và huyền diệu, cho nên chỉ được một số người hữu duyên trong thời chánh pháp mới cảm ngộ lời Phật và mới giải thoát được bốn cảnh sanh già bệnh chết, và hiện nay còn hàng tỷ chúng sanh đang gánh chịu trong cảnh sanh, già, bệnh, chết, quanh quẩn trong kiếp luân hồi, có bao nhiêu người được hữu duyên giải thoát.

Trên thực tế, mọi người chúng ta dù giàu sang quyền quý cho đến nghèo khổ lang thang… tất cả rốt cuộc rồi cũng trở về nơi cát bụi, sanh ra hai bàn tay trắng, khi lìa khỏi cõi đời cũng hai bàn tay trắng, đó là định luật của một kiếp người. Riêng về đạo Phật, đức Phật cũng như chư Tổ đã nhắc nhở, hướng dẫn chúng ta đi trong kiếp luân hồi về Cực lạc, điều đó phương hướng trợ duyên rất là rõ ràng, chẳng hạn như một tăng ni trước giờ thị tịch, ngoài công đức tu tâp hằng ngày còn phải chuẩn bị những thắng duyên tốt như một ly trầm tỏa ngát, một câu niệm phật của chư Tôn đức tiễn đưa, lời pháp ngữ cảnh tỉnh khai thị của những bậc cao tăng trong giờ quan trọng.

Còn hàng phật tử vì gia duyên ràng buộc và bao cuộc sống vay quanh hằng ngày nên giờ phút muốn rời bỏ xác thân ở cõi đời đau khổ cầu về cực lạc cũng phải có những điều kiện tốt, bạn lành gần bên hộ niệm, tăng ni bên cạnh nhắc nhở động viên, từ đó tâm hồn người sắp ra đi mới có đủ duyên đi về cõi tịnh.

Tất cả chúng ta đâu phải ai ai cũng đều có được tự tại như ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, Vạn Hạnh thiền sư, cư sĩ Bàng Uẩn… trong những giờ phút thay hình đổi dạng chúng ta cần phải có những nhân duyên tốt thì chuyến đi của chúng ta có được những cảnh tốt hơn. Đâu phải mọi người con Phật nhất là thời mạt pháp, ai ra đi cũng được ngồi trên thiền sàng, trên pháp tòa, trong những ngôi nhà ấm cúng mà ra đi và phần nhiều chúng ta phải vào bệnh viện nhờ vào những vị y bác sĩ giúp đỡ trong những căn bịnh đau đớn và những giây phút cuối cùng. Nhưng trong Phật giáo chúng ta chưa có đủ điều kiện thực hiện những nguyện vọng của người bệnh mong muốn. Bởi vì ngoài điều kiện trị bệnh về thân còn có những điều kiện tốt, tác động về tâm trong giờ phút quan trọng, nhất là những câu kinh tiếng kệ của Phật trong giờ phút quyết định của đời sau. Chúng tôi cũng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh tăng ni, phật tử trong các bệnh viện hiện tại trong giờ phút ngàn cân trên đầu sợi chỉ nhưng không được tăng ni hộ niệm trợ lực, động viên mà chỉ âm thầm ra đi không một lời tiễn đưa của tình pháp lữ, vì những nơi này đâu phải dành riêng cho Phật giáo mà của cộng đồng quần chúng trong đó có nhiều Tôn giáo bạn, chúng ta đâu có quyền làm theo ý tưởng chúng ta trong cộng đồng được.

Trước cảnh đau lòng đó, chúng tôi dù tài hèn đức bạc nhưng chúng tôi phát nguyện năm 2010 sẽ khởi công xây dựng một bệnh viện của Phật giáo Việt Nam tại mảnh đất Đại Tòng Lâm, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa khai sơn.

Đây là một công trình lớn nhất của Phật giáo Việt Nam và cũng là một nguyện vọng tha thiết nhất của tăng ni và tín đồ phật tử Việt Nam bao nhiêu năm mong muốn. Hôm nay tôi thành kính hướng về mười phương chư Phật, chư vị Tổ sư cầu chứng minh gia hộ và xin đầu thành kêu gọi chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức tăng ni, các nhà đạo tâm trong nước cũng như ngoài nước, các hàng phật tử bốn phương hoan hỉ chứng minh và ủng hộ tinh thần, vật chất cho công cuộc kiến thiết bệnh viện phật giáo Việt Nam sớm được hoàn thành. Dự kiến chương trình đợt đầu chúng tôi xây dựng khoảng 500 giường bệnh, kinh phí trên 3.150 tỉ đồng, và để đáp ứng nhu cầu cấp thiết thực tế cho tăng ni, phật tử Việt Nam, còn những công trình khác sẽ tùy duyên sau này mà thực hiên.

Chúng tôi một lần nữa thiết tha kêu gọi chư tôn đức tăng ni cùng đồng bào phật tử, các nhà đạo tâm hãy thương mình và thương người, thương tất cả mà ủng hộ cho công trình này sớm được hoàn thành viên mãn.

Cầu chúc chư liệt vị được mọi sự an lạc trong ánh hào quang từ bi và trí tuệ của đức Phật.

 

Đại Tòng Lâm, ngày…tháng…năm 2010

TM. BAN TRỊ SỰ VÀ HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

KIÊM TRƯỞNG BAN KIẾN THIẾT ĐẠI TÒNG LÂM PHẬT GIÁO

 

HÒA THƯƠNG THÍCH QUẢNG HIỂN

 

Tài khoản tiền gởi nội tệ:

-         Tên tài khoản nội tệ: MAI VĂN HẬU (HT. Thích Quảng Hiển)

-         Số tài khoản nội tệ: 421101.00.04056

-         Tại ngân hàng: Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, khu Công Nghiệp Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

* Ghi chú: Mọi chi tiết liên hệ và cúng dường xin liên lạc tại văn phòng của Ban Kiến Thiết Đại Tòng Lâm Phật Giáo, tại Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm tự, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điện thoại: 0643876776 -  0643876024 -  DĐ:0909875438, Fax: 0643876776

 

daitonglam.net