Nha Trang ngày về (phần cuối)

 

Donna Donna

8h’05’: Cũng bởi vì chúng ta đã có nhau rồi từ lâu


Buổi văn nghệ và thiền trà như thường lệ là những hoạt động cuối cùng của khóa tu. Tôi đã cùng những người bạn mình hát thật nhiều. Hát cho ý thức mình bừng tỉnh.

Đâu bao giờ có chia ly. Chưa bao giờ là đoạn kết.

Biết vậy, nhưng tôi thấy có rất nhiều những giọt lệ rơi trong những ngày cuối. Tôi được biết rằng có một số thanh thiếu niên đã phải miễn cưỡng đến đây để rồi sau bốn ngày ba đêm chợt nhận ra mình sắp phải mất đi một điều gì đó thiêng liêng và ý nghĩa. Ta cứ tưởng đoá Đỗ Quyên trước hiên nhà không sắc không hương, bỗng một hôm dừng bước ngỡ ngàng thì hương hoa đã phai nhạt cành lá đã rụng rời. Nhưng các bạn ấy đâu có biết rằng, dưới lớp đất đen màu mỡ vẫn còn đó những hạt giống. Ai đó đã nói với tôi rằng Khoá Tu Kim Sơn là một vườn ươm.

 

09. Choi tro choi tap the

Nắng trên hòn Gành chưa bao giờ tắt. Trăng chưa hề tàn trong những đêm liên hoan. Mỗi một thiền sinh đến với nơi đây khi ra về đã mang trong mình một chủng tử. Chủng tử của Ánh Sáng. Nhật Nguyệt - hai nguồn năng lượng lớn lao đó đã đi vào trong tâm thức mỗi người. Tình thương diệu ngọt tựa mảnh trăng vàng. Trí tuệ bừng sáng như mặt trời đỏ. Tất cả hạt giống đã được trao truyền để đợi những mùa sang năm tuôn dậy, trình hiện trên khắp những hàng quán chói chang cuộc đời.


Bài hát Donna


Khóa tu lần này tôi được dịp ngồi bên thầy Đại Hỷ và được nghe thầy giải thích về 14 bài kệ Chỉ và Quán. Khánh Chung có biết tôi luôn ghi nhớ bài nào không? Đó là…


Như chim có hai cánh
Thiền tập có chỉ quán
Hai cánh chim nương nhau
Chỉ và Quán song hành”


Khi học nếp sống tỉnh thức, chúng ta thường có cảm tưởng là mình phải thực tập Chỉ (Dừng Lại) rồi mới đến Quán (Nhìn Sâu). Nhưng thực tế hai phương pháp ấy chỉ là hai mặt của đồng xu, hai cánh của loài chim biển. Ví như khi ta xem một bức tranh thì giây phút ta Nhìn Sâu cũng tức là mình đã Dừng Lại. Càng có thời gian dừng lại thật lâu thì ta càng có cơ hội nhìn sâu và ta có thể phát giác cái hay đẹp của bức tranh ấy. Cho nên khi thục tập Dừng Lại thì tức là ta cũng đang Nhìn Sâu. Khi Nhìn Sâu tức là ta cũng đang Dừng Lại.


Bốn câu xúc tích đã đánh động tôi về một bài hát tuổi thơ. Một đoản khúc đồng quê đã làm say mê bao trái tim, thổn thức vạn tâm hồn. Khúc ca ngắn ngủi đó kể về câu chuyện một chú bò đáng thương. Suốt đời mình, chú chỉ mải miết kéo chở những cỗ xe rau quả, ngũ cốc. Chú luôn mộng ước được bay cao. Chú luôn mong mỏi được là cánh nhạn tung cánh về phương Nam. Chú mơ mình là gió ngàn rong chơi bốn mùa hoa lá. Thực tế là Donna đang bị đem ra chợ bán và sắp phải sang tay một người chủ mới. Kết thúc bài ca là một tiếng vọng về trong hư không. Đó cũng là câu quan trọng nhất toàn bài…


“Whoever treasure the freedom has learn to fly.”

Bạn ơi nếu muốn cất cánh thì phải học cách bay. Nếu không muốn đánh rơi tự do thì phải học cách bay. Chỉ vậy thôi đừng than thở nữa.


Tôi biết rằng bạn cũng như tôi đã bao lần ngần ngại, ngập ngừng khi đứng trước cánh cửa Phật Giáo. Ba tạng kinh điển, 84 vạn pháp môn dễ khiến cho vị hành giả khổ trí lao tâm. Đó như khu rừng mênh mông làm nản lòng lão tiều phu. Đó như biển xanh sâu thẳm bào mòn chí người ngư phủ. Nhưng bạn cùng tôi đã có Chỉ và Quán. Ta có thể yên lòng. Ta không còn lo sợ nữa. Chỉ cần thực tập Dừng Lại và Nhìn Sâu là ta đã có cây gậy băng rừng, chiếc bè vượt biển. Chúng ta có một con đường thật sáng rõ, phải không Khánh Chung?


Đôi cánh của Chỉ và Quán đã có nơi tự tâm mỗi người. Liệu ta có đủ dũng cảm để học, để vài lần vấp ngã, đôi lần trượt té rồi được bay cao hay không? Hay ta giống như Donna, tiếp tục lê bước quanh quẩn trên những nẻo đường bụi bặm. Bài ca Donna là bài hát về tự do. Và nếu ta biết thế nào là “Nhìn Lại” thế nào là “Nhìn Sâu” thì ta có đôi cánh chim trời. Ta có tất cả. Bao la trời cao, mênh mông biển rộng. Không tù ngục nào có thể giam hãm thân xác ta. Không mùa đông nào có thể làm trái tim ta lạnh giá. 


Tự do! Ai mà không trân quý tự do, phải không Khánh Chung? Nhưng chúng ta phải bay, phải học cách cất mình khỏi những điều hữu hạn nơi thế gian này. Bạn có thể cùng tôi mừng vui vì ta đã biết được bí mật muôn đời. Bí mật của hạnh phúc. Chúng ta là những người giàu sang và may mắn nhất trần thế. Mình đã được truyền trao đôi cánh. Và với sự thực tập mỗi ngày, ta sẽ có cơ hội được vỗ đập lên không trung âm thanh của đại bàng. Với đôi cánh này, chúng ta sẽ không như chú bò tủi hờn kia nữa. Ta sẽ không đứng giữa chợ than thân trách phận, hơn thua với những điều nhỏ nhoi, vụn vặt. Ta vươn mình bay cao khỏi ngọn Tứ Sơn chật hẹp, đến với phương trời tự tại, dập dìu áng mây vàng.


Khánh Chung sẽ chọn như thế nào đây? Ngoan ngoãn với những lối cùng hẽm cụt hay phiêu diêu nơi mây trắng, trời xanh…?

 

Tin nhắn của Thầy Quảng Kim


Trong khoá tu, tôi được đọc lá thơ của Thầy Quảng Kim. Tôi muốn chia sẻ với Khánh Chung những cảm nhận của mình. Tôi biết rằng trong thời điểm viết thư, thầy đang gặp nhiều gian khó. Tuy vậy, suốt trong những dòng thơ không thấy một lời trách, tiếng than. Thay vào đó, chỉ là những niềm vui, những kỉ niệm đẹp ở thị xã Vĩnh Ngọc thành phố Nha Trang này. Thầy nhắn chúng tôi rằng dẫu phải chia xa nhưng tâm hồn thầy vẫn dõi theo từng tiếng thở nhịp đập của quê hương yêu dấu. Thầy còn nói đến hai cánh cửa kỳ diệu Bản môn và Tích môn. À phải rồi, Thầy còn nhắc cho chúng tôi về những thanh âm quen thuộc… Đó là những tiếng khua vang ngày mới, xé rách màn đêm…


t.u…..t..u……….t……u……t………u…….t………u.…………t…..u


Tôi xin dành chút câu chữ cuối cùng này để kể cho Khánh Chung về những chiếc hỏa xa chạy dưới chân đồi Kim Sơn. Mỗi khi đi qua thì tiếng còi tàu luôn đánh động tôi về sự sống, ánh sáng, niềm tin, hy vọng và tuổi trẻ. Tất cả đang có mặt. Mọi thứ vẫn hiện hữu.


Khi tôi viết thư thì mỗi dòng chữ cũng là một đoàn tàu. Và âm thanh đánh thức tôi chính là “Khánh” và “Chung”. Tiếng khánh, tiếng chung luôn là pháp khí, là vật thiêng liêng đỡ nâng cho tôi trong sự thực hành nếp sống tỉnh thức. Và khi viết nên hai chữ thân quen “Khánh Chung” cũng là lúc tôi có cơ hội dừng lại. Ý thức tôi có mặt. Ý thức những con chữ bình lặng cũng có thể tạo ra niềm vui hay nỗi khổ. Tôi cẩn trọng từng nét bút giọng văn. Tôi biết rằng viết thư cũng là một sự thực tập Nói Lời Đúng Đắn…Tôi biết rằng có những người người đã vui, đã hạnh phúc khi nghe tôi bày tỏ nỗi lòng. Nhưng bạn của tôi ơi, bạn có biết không? Sự thật là khi trao một bức thông điệp lành, truyền một tin vui thì chính tôi mới là người sung sướng nhất. Bạn có biết không? Chính tôi đã được nuôi dưỡng bởi những trang thơ của mình. Khi trút hết tâm tư vào giấy trắng cũng là lúc tôi thấy rõ khuôn mặt của mình hơn, thấu tận nguồn cơn dòng nước tâm hành ….


Đời người ngắn ngủi. Tri âm khó tìm. Đọc thư của những người thương như anh Lữ như thầy Quảng Kim tôi như em bé thơ hằng đêm bắt ghế trông ngóng theo những toa hàng rực rỡ, chói loá. Những dòng chữ như đoàn tàu lấp lánh, ấm áp giúp tôi có thêm nhiều ước mơ và hy vọng. Và nay tôi lại viết cho Khánh Chung. Con tàu mang tên Thống Nhất, kết nối hai miền Nam Bắc đã lại lên đường, bắt đầu lăn bánh tiếp nối một chu kỳ. Và trong bức tranh tuổi thơ huyền diệu đó, tôi nguyện ước thấy bóng hình Khánh Chung. Thêm một em nhỏ nữa. Hai đứa trẻ. Hai tâm hồn thơ dại cùng nhau dõi theo những khoang tàu cổ tích, ngập tràn mảnh mảnh trăng vỡ sao rơi…


t.u…..t..u……….t……u……t………u…….t………u.…………t…..u

 

Tim an bình. Tâm rộng mở.

HẾT


Và vẫn còn……Những hàng chữ vẫn nối dài….

 

Hương ngả đầu ra sau lên giọng:

- Tên bạn dài quá hà. Từ nay mình sẽ gọi bạn là Xê.

Khánh Chung suy nghĩ, gật gù trả lời:

- Cũng được. Nhưng mà, tên bạn cũng dài. Cái dzì mà Dạ Lai Hương. Hỏng hiểu. Từ nay, mình đặt lại tên cho bạn. Mình sẽ gọi bạn là Hắc.

Hương lắc đầu ngầy ngậy. Khánh Chung chợt la lớn:

-AAA! Tới rồi! Tới rồi! Tàu tới rồi!

-Ờ. Tới rồi!

Hai đứa im lặng hồi lâu. Rất lâu. Hương lim dim, hỏi:

- Xê có nghe cái dzì hôn?

-Nghe dzì?

-Thì tiếng còi tàu đó.
 
-Ừ, mình thích nó lắm. Mà tại sao người lớn lại ghét nó nhỉ?

- Hương cũng hỏng biết nữa? Chắc tại nó ồn?

-Nhưng Chung thấy nó có ồn cái dzì đâu.

Khánh Chung tỏ vẻ hiểu biết:

-Ê, Hắc. Mình thấy có những người hay nói dzống tiếng còi tàu đó.

Hương ngạc nhiên, quay đầu:

-Ai dzậy?

-Thì mấy ông thầy tu đó.

-À, hi hi. Đúng rồi. Họ hay đi chung dzới nhau như một đoàn tàu.

Khánh Chung nhìn Hương chờ đợi. Hương chợt vỗ tay:

- À, hiểu ý rồi. Mấy ổng cũng suốt ngày  t.u…..t..u……….t……u…t……u..

Hai đứa khoái chí cười vang. Hương nghĩ ngợi:

- Mình thích họ. À không, thật ra thì mình thích tiếng còi tàu.

- Ừ, mình cũng thích tiếng còi tàu.

- Bạn xem mình làm có giống không?

- T..u….t…u…..t…….u………..t…………u

- Ha ha! Mình sẽ t…u….t……u như dzậy hoài nhé?

- Ừ, bạn dzà mình sẽ là hai toa tàu không rời.

t…..u…….t….u……t…….u……………tttttttttttttt……….uuuuuuuuuuuuuu

 

Áo Trắng

langmai.org/