Hai Lần Về Thăm Quê Nội

 

Vào năm 1994, khi ngôi Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm vừa ổn định và đã dời vào bên trong khu Đại tự, mọi sinh hoạt được bình thường, không còn lo âu hồi hộp cho đời sống tu học của Tăng sinh khóa I. Vì nơi đây, chúng tôi vừa mới quy hoạch xong khu Học viện cho Tăng sinh sau Đại giới đàn 1993 lần đầu tiên trên mảnh đất Đại Tòng Lâm đã trải qua gần 40 năm mong đợi của Đại lão Hòa thượng khai sơn.

          Sau ngày Đại giới đàn tháng 11 năm 1993, chúng tôi đưa toàn bộ Tăng sinh khóa I vào tu học nơi đây, với một số dãy nhà ngói cấp 4. Chánh điện nơi đây thờ Phật cung tạm bằng dãy nhà cấp 4 gồm 6 gian. Bởi vì khi mới thành lập trường khu đất này bị dân lấy canh tác chưa thu hồi được. Đặt Tăng sinh tu học nơi khu chùa cũ, rất nhiều phiền muộn. Vì nơi này sát quốc lộ, gần gũi với sự bán buôn quần chúng, nên khó mà tìm được sự an lạc tâm hồn cho những Tăng sinh còn trẻ. Dù rằng nơi mảnh đất mới còn nhiều cảnh đìu hiu, thiếu thốn, thế mà đã tạo được sự an tâm của Ban Giám hiệu và sự phấn khởi tinh thần tu học của Tăng sinh.

ẢNH

          Thế là một dịp may đưa đến, Trung ương Giáo hội tổ chức một cuộc “chiêm bái về xứ Phật”. Trong đó có hai Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng và Phó đoàn. Tôi diễm phúc được phái đoàn cho tin phải chuẩn bị gấp để cùng tham gia trong phái đoàn này, cũng may là Passpost của tôi còn hạn, vì năm 1990 tôi có đi tham quan Đài Loan một lần, hôm nay vẫn còn hiệu lực.

          Suốt một tuần lễ đợi chờ và chuẩn bị, thật ra nói chuẩn bị nhưng có chuẩn bị gì đâu, chỉ vài bộ áo quần, y hậu đã có sẵn, nhưng không biết tâm hồn tôi sao cứ miên man trong suốt những đêm dài không ngủ được. Hai chữ “đất Phật”, ba chữ “về chiêm bái” sao cứ bâng khuâng, lẩn quẩn trong tâm hồn của tôi, trong những đêm dài không ngủ được! Hết xuống võng rồi lên đơn, đầu óc vẫn luôn luôn khơi dậy “đất Phật” nơi Đức Phật ra đời. Lúc đó mình làm gì? Mình ở đâu? Tại sao lúc đó mình không gặp Phật? Lúc đó mình có được làm thân người không? Hay lúc đó mình đang làm thân con trùng, con dế… hoặc có khi mình làm thân người, nhưng mắc phải lòng điên đảo tin theo bao phái ngoại đạo… mà không được Phật hóa độ! Ba chữ “về chiêm bái” đã khơi dậy lòng tôi bao ý niệm miên man và bao dòng nước mắt tuôn trào khi tôi đặt câu hỏi: Tại sao hôm nay mình làm thân người mà sao không sanh nơi đất Phật! Và phải sanh nơi đất nước cách xa hàng mấy ngàn cây số? (Cũng rất may, nếu thật sự hôm nay tôi sanh ra nơi đất Phật thì chưa chắc tôi xuất gia theo Phật được. Vì hiện nay nơi đây toàn là ngoại đạo, rất ít người nơi đây xuất gia theo Phật, phần nhiều chư Tăng khắp thế giới về đây lập chùa tu học mà thôi).

          Câu hỏi đặt ra: hôm nay mình chuẩn bị về chiêm bái “đất Phật”. Ôi! Thật sung sướng quá, thật hân hạnh quá! Bâng khuâng quá, xúc động quá! Thú thật, từ lúc tôi xuất gia theo Phật, tôi chỉ thấy Đức Phật bằng biểu tượng xi măng cốt sắt, rồi tôi kính mến mà phát tâm theo Phật. Hôm nay, chuẩn bị về thăm “đất Phật”, nơi Đức Phật ra đời bằng xương bằng thịt, bằng con người vĩ đại, lại một phen trỗi dậy tràn ngập trong tâm hồn của tôi, với niềm tôn kính vô tận! Cũng giống như hình ảnh cách đây trên 50 năm, khi tôi lên 9 tuổi, được phụ thân tôi đưa tôi về thăm quê nội. Dù rằng hình ảnh lúc lên 9 và hình ảnh hôm nay đầu hai thứ tóc cách xa ngàn trùng, nhưng chắc chắn những hình ảnh này đã ghi đậm và thẳm sâu trong tâm hồn của tôi và không bao giờ tôi quên được.

          Thế là vào lúc 11g trưa ngày …, nơi mái trường thân yêu, qua bao năm ôm ấp xây dựng, tôi được đáp lại niềm vui của Tăng Ni, đứng sắp hàng hai bên đường cây khô cỏ nội và 3 hồi chuông trống bát nhã ngân vang, lòng xúc động vui mừng của Tăng Ni sinh tiễn đưa tôi lên xe về thăm đất Phật, vui mừng quá, sung sướng quá, hạnh phúc quá, lần đầu tiên trong cuộc đời xuất gia tu học của tôi, không bao giờ tôi quên được.

          Chiếc xe chở phái đoàn từ thủ đô Ấn Độ đến chiêm bái Thánh tích đầu tiên, trong chuyến chiêm bái này là tại thành Câu Thi Na, nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Suốt đoạn đường dài trên 600 cây số, lòng tôi miên man suy nghĩ, tại sao Ban tổ chức không sắp xếp đưa phái đoàn đi thăm nơi Đức Phật chuyển Pháp luân hay nơi Phật thành đạo trước… trong tứ động tâm, mà lại đưa phái đoàn về thăm nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Hình ảnh vô số hàng Tỳ kheo vây quanh Đức Phật nơi rừng Ta La Song Thọ, những lời dạy cuối cùng của Đức Phật nhắc nhở các hàng Tỳ kheo, kinh Đại Bát Niết Bàn lớp lớp hiện về trong tâm trí sầu buồn và tôn kính của tôi vô cùng tận. Ôi cao đẹp quá, buồn đau quá, cao cả quá! Hình ảnh mấy ngàn năm trong kinh Phật tôi từng đọc tụng, nhưng hôm nay lại bỗng dưng hiện về tràn ngập cả lòng tôi.

          Thế rồi, một buổi sáng bình minh nơi đất Phật, phái đoàn chúng tôi thật sự bước vào chiêm bái nơi Đức Phật nhập Niết bàn.

         ẢNH

          Phái đoàn chúng tôi gồm có 25 vị, khi bước chân vào bảo tháp, nơi tôn trí tượng Phật nhập Niết bàn, không ai bảo ai nhưng tự mỗi người chọn một vị trí để quỳ dâng lễ. Hai Hòa thượng Trưởng và Phó đoàn quỳ ngay trước mặt của Đức Phật, tuần tự từ trên chọn xuống. Tôi và Hòa thượng Minh Thành chọn ngồi ngay bàn chân của Đức Phật.

ẢNH

          Không biết tại sao lúc đó tôi chọn ngồi nơi bàn chân của Đức Phật (vị trí cuối cùng). Khi phái đoàn dâng hương lễ Phật xong, Hòa thượng Từ Đàm (Thích Thiện Siêu) vừa cất tiếng đọc bài kinh Di Giáo (Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn), Hòa thượng đọc: “Này các Tỳ kheo! Sau khi ta diệt độ, các ngươi phải tôn kính Ba la đề mộc xoa. Vì tôn kính Ba la đề mộc xoa này, như người nghèo được của báu, người mù được ánh sáng… phải biết pháp này là thầy của các ông, dù ta có trụ ở đời cũng không khác pháp này vậy”.

          (Nhữ đẳng Tỳ kheo, ư ngã diệt hậu đương tôn trọng, trân kính Ba la đề mộc xoa, như áng ngộ minh, bần nhân đắc bảo. Đương tri thử tắc thị nhữ đẳng đại sư, nhược ngã trụ thế vô dị thử dã).

          Hòa thượng vừa đọc được bấy nhiêu lời thì Hòa thượng bỗng òa lên khóc nức nở. Hình ảnh hai Hòa thượng già ngồi khóc bên Đức Phật thật là tôn kính và xúc động làm sao, chúng tôi không bút mực nào diễn tả được! Hình ảnh này gợi lại cho chúng tôi hình ảnh ngài Ca Diếp, đệ tử lớn của Đức Phật khi hay tin Đức Phật nhập Niết bàn, ngài về đến nơi, thì báo thân của Phật được đưa vào kim quan chuẩn bị trà tỳ. Ngài Ca Diếp nghẹn ngào khóc lóc sầu thương, hai tay ôm chầm lấy hai bàn chân của Đức Phật từ trong kim quan hiện ra cho người đệ tử lớn ôm hôn lần cuối!

          Đồng loạt trong 25 thành viên chúng tôi, từ tiếng thút thít, từ dòng nước mắt, từ tiếng nấc nghẹn ra lời, đồng phát ra chung quanh Đức Phật. Đến giờ phút này, chúng tôi mới cảm nhận được thế nào là tứ động tâm (bốn Thánh cảnh làm cho người động tâm hướng về Đức Phật khi chiêm bái), đó là: Nơi Phật đản sanh, nơi Phật chuyển Pháp luân, nơi Phật thành đạo, nơi Phật nhập Niết bàn). Lúc này tâm hồn tôi xúc động mạnh bậc thành những tiếng khóc to và nước mắt trào tuôn xối xả. Trong cuộc đời của tôi chưa bao giờ có được sự xúc động và những giọt lệ tuôn trào như lúc này, và cũng chưa bao giờ có được sự xúc động và bậc ra từng tiếng khóc ngon lành như lúc này!

ẢNH

          Tôi gục đầu và ôm hai bàn chân của Đức Phật, nước mắt tuôn trào và lòng sầu thương suy nghĩ: Thật vĩ đại thay Đức Từ phụ, vĩ đại thay Đức Từ phụ! Bàn chân của Ngài là bàn chân của một vị hoàng tử, trân trọng nõn nà, lên xe xuống kiệu, giày tất bao lớp quấn quanh, thế mà Ngài đã lột bỏ tất cả, để sáu năm vào non tu khổ hạnh. Khi đắc đạo, Ngài có đầy đủ pháp thần thông bay đi tự tại, thế mà Ngài không dùng đến, Ngài hiện thân như bao con người khác. Ngài không mang giày, mang dép như chúng con hiện nay, mà Ngài đi chân không, đầu không đội dù, đi bộ hàng trăm ngàn cây số cùng những đoàn đệ tử tùy tùng. Thật vĩ đại thay đôi bàn chân cao cả vĩ đại của Ngài làm cho lòng con xúc động quá, tôn kính quá. Ôm bàn chân bằng xi măng hôm nay mà con nhớ lại bàn chân bằng xương bằng thịt thuở xưa. Thật là vĩ đại biết bao, tôn kính biết bao, xúc động biết bao! Con không biết làm sao diễn tả hết được. Trong cuộc đời của con, hôm nay mới có được một lần khóc trào dâng thiết tha ngon lành nhất và cũng là an lạc nhất! Càng khóc, càng tuôn trào nước mắt, lòng con càng cảm nhận sự an lạc lạ thường. Khác với những lần khóc sau này, khi tiễn đưa thân phụ và bổn sư tôi trở về bên kia thế giới!

ẢNH

          May mà phái đoàn chúng tôi đến đây trong một buổi sáng bình minh mà còn xúc động đến thế. Nếu phái đoàn đến đây vào một buổi chiều tà nhẹ nắng thì chắc nỗi buồn và nước mắt chứa đâu cho hết! Đến giờ phút này tôi mới hiểu được tại sao Hòa thượng trưởng đoàn chọn điểm chiêm bái đầu tiên là nơi Phật Niết bàn. Cũng chính nơi này, trên hai ngàn năm về trước, vạn ức con tim cũng rung động và tuôn trào dòng lệ sầu thảm nơi đây. Hôm nay, dầu trải qua hàng mấy ngàn kiếp luân hồi trong sáu nẻo, lòng con nhìn cảnh nay mà xúc động đến cảnh xưa, lòng buồn thương vô tận không bút mực nào diễn tả hết được! Hòa thượng Trưởng đoàn tâm sự: con người chúng ta, sống trên cảnh đời này chỉ có cảnh sanh ly tử biệt thì dễ làm cho con người chúng ta vấn vương, xúc động, khổ đau hơn cả. Hòa thượng chọn nơi này là nơi chiêm bái đầu tiên để thử xem đoàn chúng ta ai là người xúc động mạnh (động tâm) và để trắc lượng được lòng mình đối với Đức Phật, đồng thời cũng để kích động những thành viên trong đoàn sau bao kiếp luân hồi phủ đầy dòng si mê cát bụi.

ẢNH

          Chiêm bái xong, đoàn từng bước ra khỏi thành, nhưng tất cả đều êm đềm lặng lẽ không ai nói chuyện với ai. Chắc giờ phút này, ai ai cũng mang bầu tâm sự buồn sầu tôn kính. Đoàn tiếp tục đi chiêm bái nơi dòng sông mà thuở xưa ngài A Nan (thị giả) múc nước đục dâng cho Phật, vì dòng nước trên thượng nguồn vừa bị 100 chiếc xe vừa đi qua. Sự kiện này đã cảm nhận niềm thương kính sâu xa trong đoàn tùy tùng theo Phật. Vì vậy mà khi kiết tập kinh điển lần thứ nhất, ngài Ca Diếp cật vấn ngài A Nan, ngài A Nan thành kính nhận đi một lỗi (xem bài nói về ngài A Nan trong quyển Soi gương ngữ hạnh thiền môn).

ẢNH

          Đoàn tiếp tục đi chiêm bái các Thánh tích như: Nơi trà tỳ Đức Phật, nơi Đề Bà Đạt Đa thân còn sống mà đã rơi vào địa ngục. Vì em chú bác này suốt cuộc đời mãi mãi theo làm khổ Đức Phật( nghịch hạnh Bồ tát).

ẢNH

          Đoàn tiếp tục đi chiêm bái thành Ba La Nại, nơi Đức Phật thuyết pháp và thành lập giáo đoàn đầu tiên, (động tâm thứ hai). Nơi đây, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi, xúc động, trước cảnh đập phá hoang tàn trên 700 năm của người Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ. Trụ đá ghi dấu của vua A Sô Ca đã đứt thành từng đoạn và đã được Hội Phật giáo thế giới chất thành đống và rào kỹ lại bằng những lớp kẽm sưa để làm lưu niệm. Đoàn rời nơi đây và tiếp tục đi chiêm bái non Linh Thứu, nơi xứ Ma Kiệt Đà, nơi mà hàng vạn ức Bồ tát vân tập để nghe Đức Phật diễn giảng các kinh điển Đại thừa như kinh Pháp Hoa chẳng hạn…

ẢNH

          Rồi đến chiêm bái Đại học Na Lan Đà mới và Na Lan Đà cũ.

         ẢNH

          Tinh xá Trúc Lâm, tinh xá Kỳ Viên, Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Phật tu khổ hạnh.

         ẢNH

          Rồi đoàn tiếp tục đi bộ qua dòng sông Ni Liên Thiền, nơi Đức Phật thả bình bát xuống sông và phát nguyện: “Nếu cuộc tắm rửa hôm nay, (sau 6 năm khổ hạnh) nơi dòng sông này để thân tâm thanh thoát và tìm ra ánh đạo, thì chiếc bình bát này trôi ngược dòng sông. Thế là chiếc bình bát cứ lững lờ trôi ngược theo dòng sông đầy hùng lực.

ẢNH

          Đoàn vào nghỉ nơi Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa do Hòa thượng Thích Huyền Diệu, người Việt Nam đầu tiên đến xây dựng một ngôi chùa nơi đây với một số chùa ở các nước bạn… ngôi chùa này cách Bồ Đề Đạo Tràng không xa mấy.      

ẢNH

          Sáng hôm sau, đoàn đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng, chung quanh Thánh tích này có rất nhiều chùa trên thế giới, ngôi Bảo tháp cách đây trên 2250 do vua A So Ka xây dựng vẫn còn nguyên vẹn, cây Bồ đề nơi Phật ngồi 49 ngày đêm, sau đó chứng thành đạo quả đã bị quân Hồi giáo chặt phá đến nay đã trên 700 năm nhưng vẫn còn sum sê tỏa rạng.

ẢNH

          Hòa thượng Trưởng đoàn cùng chúng tôi hân hạnh được vào sát cây Bồ đề và tòa kim cương của Đức Phật ngồi khi thành đạo mà lễ bái với bao nỗi niềm tôn kính thiết tha. Hòa thượng Phó đoàn (Thích Minh Châu), Hòa thượng vừa cất tiếng đọc bài kinh Chuyển pháp luân : “Này các Tỳ kheo! Đây là khổ các ông nên biết, đây là tập các ông nên đoạn, đây là diệt các ông nên chứng, đây là đạo các ông nên tu…” Hòa thượng nói đến đây, Hòa thượng òa lên tiếng khóc lớn, cả đoàn xúc động khóc theo. Đoàn thành tâm vừa khóc vừa lạy cây Bồ đề. Hòa thượng Thích Minh Thành vừa cúi đầu lạy, một lá Bồ đề cũng vừa rơi xuống ngay đầu ngài, ngài liền hai tay kính nhận và cất kỹ vào tay áo hậu, ngài rất sung sướng được lá Bồ đề rớt ngay thời hành lễ và được rơi vào đầu sau giờ hành lễ, ngài đem lá Bồ đề ra khoe với mọi người, ngài là người diễm phúc được lá Bồ đề nơi Phật thành đạo, rơi ngay đầu ngài, ngài rất vui mừng sung sướng chưa từng có. Nhưng ôi, đây cũng là niềm hạnh phúc của người xuất gia, và đây cũng là điềm thọ ký của Đức Phật cho ngài, ngài là người trong đoàn được về cõi Phật sớm nhất.

          Bao nhiêu vị trong đoàn đều thành kính quây quanh lễ lạy cây Bồ đề. Hình ảnh hoàng đế A So Ka trước đây trên 2250 năm, một vị hoàng đế vĩ đại nhất tại xứ Ấn Độ, sau khi hoàn thành ngôi bảo tháp và mỗi ngày đều đến đây lễ lạy và xem đây là một sự nghiệp vĩ đại của đời ngài. Lòng tôi bỗng nhiên xúc động và khơi dậy lòng tôn kính sâu xa với cây Bồ đề vĩ đại. Cũng từ nơi tòa kim cương dưới gốc cây này mà Đức Thế Tôn hàng phục Ma quân chứng thành đạo quả. Và cũng từ nơi đây Đức Thế Tôn diễn thuyết kinh Hoa Nghiêm vô thượng, nêu bày cảnh giới cao tột của Phật, và cũng từ nơi đây Đức Phật quyết định đi đến thành Ba La Nại chuyển pháp luân độ 5 anh em Kiều Trần Như… và thành lập giáo đoàn. Tôi liền đứng dậy một mình, rảo bước kinh hành chung quanh Bảo tháp và cây Bồ đề, bỗng một luồng gió nhẹ thổi qua, lòng tôi cảm thấy an lạc và thanh tịnh lạ thường chưa từng có. Tôi không còn thấy tôi là ai nữa mà tâm hồn thả vào một thế giới lung linh huyền diệu mà suốt cuộc đời xuất gia học đạo của tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Chắc có lẽ Phật tánh của tôi trong giờ phút thiêng liêng này cảm nhận được đức đại từ đại bi của Phật, nên tạo thành tâm thanh tịnh an lạc lạ thường. Tôi quên cả thời gian, không gian, tâm hồn an lạc vào cõi tịnh. Bỗng đâu một tiếng động đưa đến, tôi đưa mắt nhìn, thì ra Thượng tọa Thích Giác Toàn cũng đang kinh hành ngay trước chúng tôi, không ai để ý đến ai, mỗi người đều đang đi theo dòng tư lự… và cũng chính giờ phút này, lòng tôi cảm thấy tan biến tất cả. Và cũng chính giờ phút này, tôi mới cảm nhận được sự gia hộ của Phật đối với tôi vô cùng tận! Chỉ có giây phút thôi, giây phút mà cả cuộc đời tôi chưa bao giờ có, tâm tôi hòa nhập cùng tâm Phật mà tạo nên niềm an lạc vô biên trong cuộc đời tu học của tôi. Thế rồi, mọi diễn biến đều tan biến theo thời gian động niệm của tôi, mọi sự thanh tịnh an lạc nhiệm mầu của tâm tạm thời dừng lại để cho dòng thác vô minh che lấp cả đời tôi trong kiếp sống đời thường của một chúng sanh trong kiếp luân hồi vô tận! Tôi liền vào lại gốc cây Bồ đề để cùng với đoàn từ giã nơi đây rồi sửa soạn trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

          Đã về đến quê nhà, trải qua bao năm tháng nhưng lòng vẫn luôn luôn nhớ tưởng đến cây Bồ đề vĩ đại. Cây Bồ đề vĩ đại này đâu phải chỉ làm cho tôi xúc động mà hằng ngày hằng năm và hằng bao thế kỷ đã làm cho hàng triệu con tim trên thế giới cũng đều xúc động. Nơi đây, hoàng đế A Dục Vương vì xúc động và cảm nhận nỗi niềm tôn kính vô biên với cây Bồ đề này, nên ngài quên tất cả ngai vàng điện ngọc, mà ngày ngày đến chiêm bái nơi đây.

           Hằng ngày với bao công việc Phật sự phủ vây, nào trường, nào Giáo hội, nào chùa… nên chẳng có mấy khi rỗi rảnh mà ôn lại cảnh xưa, nhưng những hình ảnh cây Bồ đề tôi không thể nào quên được.

          Đến đầu năm 2005, ngôi Đại tự cũng vừa làm xong và cũng chính là lúc người pháp lữ của tôi (Hòa thượng Thích Huyền Diệu) đã được Phật bổ xứ về xây dựng cơ đồ nơi đất Phật, về  thăm lại Đại Tòng Lâm và ngỏ ý mời tôi và Tăng Ni tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về dự lễ khánh thành ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự nơi vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật ra đời, Hòa thượng mới xây dựng vừa xong. Tôi liền nhận lời, với ý định là về chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật giáng trần, vì kỳ chiêm bái trước nơi đây chưa có an ninh nên đoàn không đến được. Hôm nay nơi đây trở thành cái nôi của Phật giáo, hàng vạn người trên thế giới đã hối hả về đây chiêm bái nơi ra đời của Đức Phật.

ẢNH

          10g30 sáng ngày 11-11-2005, tất cả chư tôn đức Tăng Ni tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, như Hòa thượng Thích Nguyên Trực, TT.Thích Giác Hạnh, TT.Thích Như Thị, TT Thích Giác Hải, TT.Thích Định Ngộ, TT.Thích Thiện Trung, TT.Thích Minh Hiển, TT.Thích Huệ Minh, ĐĐ.Thích Nhuận Trí, ĐĐ.Thích Tâm Phát, Ni sư TN.Như Thiền, Ni sư TN.Như Thiện và một số Phật tử ở thành phố Vũng Tàu. Đoàn tập trung lên Đại tự lễ Phật rồi lên xe thẳng về phi trường. Về đến phi trường Tân Sơn Nhất thì có thêm một số pháp lữ cũng đồng đi trong chuyến này như HT.Thích Như Tín, HT.Thích Tịnh Nghiêm, TT.Thích Như Thọ, ĐĐ.Thích Giác Hạnh, Sư cô TN.Huệ Dâng và một số quý Sư cô cùng Phật tử thành phố Hồ Chí Minh.

          Kỳ chiêm bái lần này, tôi được Ban tổ chức mời làm Trưởng đoàn vì tôi đi qua đất Phật một lần rồi. Khi xuống phi trường Ấn Độ, đoàn lên tàu hỏa đi thẳng về chiêm bái thành Ba La Nại, nơi tu hành của 5 anh em Kiều Trần Như… trước khi được Đức Phật cảm hóa. Nơi này ghi dấu đặc biệt, là khi Đức Phật cùng tu với năm vị này, với lối tu đầy khổ hạnh, thân thể còn da bọc với xương… Đức Phật nhận thấy người đi tìm chân lý mà thân thể quá ốm gầy tiều tụy thì tinh thần làm sao phát ra trí huệ (minh sáng) được. Vì vậy mà Đức Phật quyết định không tu theo lối khổ hạnh nữa mà Ngài quyết chí trở lại ăn uống bình thường để thân thể khỏi bị hao mòn và tinh thần càng thêm tỏa sáng. Năm vị Tiên nhơn này tưởng đâu Đức Phật đã thối chí nên họ từ giã Đức Phật nơi Khổ Hạnh Lâm và đi lần lần về xứ Ba La Nại để chuyên tu. Nhưng trước khi đi, 5 vị Tiên nhơn đồng thưa với Đức Phật: Sau này nếu chúng tôi tìm ra chân lý trước thì chúng tôi sẽ tìm đến độ Ngài, và nếu Ngài tìm ra chân lý trước thì xin Ngài đến độ chúng tôi. Vì những lời hứa đó, nên sau khi Đức Phật thành đạo nơi cội cây Bồ đề tại xứ Bodhagaya-Bihar.   

ẢNH

          Sau khi thành đạo, lời nói đầu tiên của Đức Phật nơi Bồ Đề Đạo Tràng: “Lạ thay! Tất cả muôn loài chúng sanh đều có đầy đủ đức tánh thanh tịnh trang nghiêm trí tuệ thế mà tại sao phải bị luân hồi sanh tử. Ngài quán sát mọi hiện tượng thế gian, lấy con người làm trung tâm điểm, qua sự luân chuyển trong 12 nhân duyên. Trong đó đi qua 3 yếu tố chính “hoặc, nghiệp, khổ”. Khổ đóng vai trò chủ chốt, từ khổ mà có lão, bệnh, tử. Vì đâu có lão, bệnh, tử? Vì có sanh. Sanh do đâu mà có? Do lòng ham muốn mà có, tức là hữu hay là nghiệp lực. Tiếp đến thủ, ái, thọ, xúc, lục, nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh (mê hoặc). Muốn phá 12 vòng lẩn quẩn này phải dùng Bát chánh đạo mà tiêu diệt. Và sau đó, trong 21 ngày Ngài nhập vào đại định và nói kinh Hoa Nghiêm, nêu bày cảnh giới thanh tịnh nhiệm mầu và sự sự vô ngại của 10 phương chư Phật. Sau đó, Đức Phật có ý định nhập vào Niết bàn. Vì Ngài nhận thấy cảnh giới chư Phật thì quá cao siêu huyền diệu mà chúng sanh thì quá si mê đần độn, khó mà dắt dẫn được. Sau đó trời Phạm thiên đã ba phen thưa thỉnh xin Phật lưu lại thế gian và hóa độ chúng sanh, vì đây là hoài bão của ba đời chư Phật… và cũng từ lòng tha thiết thỉnh cầu của trời Phạm thiên mà Đức Phật quyết định vượt qua cánh đồng dài hằng trên 300 cây số và dòng sông Hằng vĩ đại với bao cảnh nắng táp mưa sa mà đến thành Ba La Nại - Vararasi, độ 5 anh em Kiều Trần Như. Khi Đức Phật đến thành Ba La Nại, năm vị Tiên nhơn vừa trông thấy liền bàn với nhau, chúng ta không nên tiếp tu sĩ Sĩ Đạt Đa này vì người này thối tâm trên đường tu… Nhưng lạ thay! Khi Đức Phật đến gần thì không ai nói ai, 5 vị Tiên nhơn liền tự nhiên đứng dậy và cung kính chào đón Ngài hết sức trân trọng và liền mời Đức Phật ngồi. Đức Phật hoan hỷ nhận lời và nói: Người tu cần phải xa lìa hai con đường thái quá thì mới tìm ra chân lý: Một là không nên đắm theo dục cảnh, không cố gắng thoát ly, đó không phải là nhân giải thoát. Hai là không chịu suy nghĩ chính chắn, tự làm khổ thân mình để cầu giải thoát, đó cũng không phải là nhân giải thoát mà phải sống theo con đường trung đạo thì mới tìm ra được chân lý. Sau đó, 5 vị Tiên nhơn  đứng dậy đảnh lễ Phật và tha thiết thỉnh cầu Phật hóa độ, Đức Phật liền gọi: Thiện lai Tỳ kheo! Tức thời 5 vị Tiên nhơn râu tóc đều rụng hết và trở thành 5 vị Tỳ kheo.

ẢNH

          Đức Phật liền vì 5 vị Tỳ kheo mà chuyển Pháp luân và nói pháp Tứ đế: Này các Tỳ kheo! Đây là khổ các ông nên biết, đây là tập các ông nên đoạn, đây là diệt các ông nên chứng, đây là đạo các ông nên tu… Sau bài kinh này năm vị Tỳ kheo liền chứng quả A la hán và Đức Phật  liền thành lập Giáo đoàn. Như vậy, nơi Bồ Đề Đạo Tràng, Đức Phật thuyết giáo lý Thập nhị nhân duyên, nói rõ pháp trùng trùng duyên khởi, qua 12 nhân duyên, qua 3 con đường lẩn quẩn là: Hoặc nghiệp, khổ. Và nơi thành Ba La Nại, Đức Phật nói pháp Tứ đế, đây là hai giáo lý trụ cột của đạo Phật.

ẢNH

           Thành này hiện nay phố sá còn ghi dấu cổ kính và dân chúng vẫn còn đông đảo sung túc. Tiếc rằng trụ đá của vua A Dục tôn trí nơi đây hôm nay chỉ chất dồn một đống trong vòng rào vì do người Hồi giáo đập phá vào thế kỷ thứ XIII.

          Rời thành Ba La Nại, đoàn chúng tôi tiếp tục thăm viếng sông Hằng, dòng sông mà có nhiều huyền thoại và dài rộng nhất thế giới và đã được Đức Phật nhắc nhiều trong kinh điển Đại thừa. Và cũng nơi đây chúng tôi chứng kiến cảnh hỏa táng của người Ấn Độ, thật hết sức buồn tẻ thê lương!

ẢNH

            Sau đó tiếp tục lên đường đi thẳng về Thánh tích Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật ra đời. Buổi chiêm bái ở động tâm này, Hòa thượng Thích Huyền Diệu sắp xếp rất là ý nghĩa. Nghĩa là để cho đoàn nghỉ ngơi một đêm cho khỏe để sáng ra vào lúc 5 giờ sáng Hòa thượng hướng dẫn đoàn đi bộ chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni. Từ Việt Nam Phật Quốc Tự đến vườn Lâm Tỳ Ni không xa lắm, khoảng chừng một cây số. Đây là ngôi chùa được xây dựng gần vườn Lâm Tỳ Ni nhất. Đêm đó nằm nơi khách sạn sang trọng vừa mới được xây dựng nhưng không biết tại sao tôi không ngủ được. Hình ảnh hoàng đế A So Ka, một vị vua anh hùng cái thế, sau khi thu phục giang san rộng lớn cho xứ Ấn Độ và lên ngôi hoàng đế. Khi lên ngôi nhà vua trị dân rất là tàn bạo, như là thiết lập địa ngục trần gian, tạo cảnh thiêu đốt, lăn trì, mổ bụng cho bao người chống đối phạm tội… Nhưng sau đó nhà vua được một vị A la hán trước khi chứng quả A la hán, ngài cũng là một phạm nhân cảm hóa, nhà vua liền quy hướng về đạo Phật.

Sau khi lên ngôi được 20 năm, nhà vua nghe theo lời khuyên của trưởng lão Ưu Ba Cấp Đa (Uppagutta), phát tâm đi chiêm bái các Thánh tích của Đức Phật. Khởi đầu từ thành Ba Tra Lỵ Phất hướng về phương Bắc, trải qua thành Tỳ Xá Ly, đến chỗ Đức Thế Tôn đản sanh, rồi qua thành Câu Thi Na nơi Phật Niết bàn. Ngài cho xây dựng năm trụ đá lớn và ghi dau năm Thánh tích quan trọng: 1- Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sanh; 2- Thôn Ưu Lâu Tần Loa, nơi Đức Phật tu khổ hạnh; 3- Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Thế Tôn thành đạo; 4- Vườn Lộc Giả, nơi Đức Phật chuyển Pháp luân đầu tiên; 5- Rừng Câu Thi Na (Ta La Song Thọ), nơi Đức Phật nhập Niết bàn và sau đó ngài Ưu Ba Cấp Đa hướng dẫn nhà vua đi chiêm bái cúng dường. Đầu tiên Tôn giả đưa nhà vua đến chỗ Phật đản sanh. Tôn giả nói kệ:

Nơi Như Lai đản sanh

Khi sinh đi bảy bước

Xoay nhìn khắp bốn phương

Đưa tay chỉ lên trời

Nay ta sinh thân cuối

Sẽ đắc đạo vô thượng

Trên Trời và cõi người

Ta là Vô Thượng tôn.

Bấy giờ, nhà vua năm vóc sát đất, cúng dường lễ bái và cho xây dựng trụ tháp. Tôn giả tâu vua: Đại vương muốn thấy chư Thiên, thấy chỗ Đức Phật khi đản sanh đi bảy bước không? Nhà vua thưa:

- Trẫm rất muốn được thấy.

Tôn giả đưa tay chỉ cành cây mà hoàng hậu Ma Da đã vịn vào, Tôn giả bảo Thần cây:

- Thọ Thần, bây giờ hãy hiện ra để vua được thấy. Thọ Thần liền hiện ra đứng sau Tôn giả và nói: “Tôn giả dạy điều gì tôi sẽ vâng theo”. Tôn giả nói với vua: Vị Thần này đã thấy lúc Đức Phật đản sanh và nói kệ:

          Tôi thấy thân tướng đẹp

          Lúc sanh đấng Thế Tôn

          Chân bước đi bảy bước

          Miệng cất lên tiếng nói

          “Ở trong Trời và người

          Ta là Vô Thượng tôn”.

Vua hỏi Thần:- Khi Phật sanh có điềm lành gì? Thần đáp:- Tôi không thể nói hết những việc quá nhiệm mầu mà thế gian này không có được. Nhà vua liền ban cho vị Thần mười muôn lượng trân bảo, rồi đi chiêm bái các Thánh tích như: Nơi Thái tử sinh ra và nhà vua đi đến Thiên Tự lễ bái, các vị Thần đều đứng dậy lễ bái Thái tử. Nơi xem tướng Thái tử, nơi bốn cửa thành Thái tử dạo chơi, nơi Thái tử cắt tóc giao cho Xa Nặc đem về. Nơi Bồ tát hỏi đạo, nơi Bồ tát tu khổ hạnh, nơi hai Mục nữ dâng sữa cho Phật, nơi Phật thành đạo, nơi Tứ Thiên Vương đem bốn bình bát hợp thành một cái cúng dường Phật, nơi thành Ba La Nại chuyển Pháp luân, chỗ Đức Phật hóa độ năm anh em Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp … Nơi Phật nói pháp vua Bình Sa nghe, nơi Đức Phật lên Thiên cung vì mẹ thuyết pháp, đem theo vô lượng Thiên chúng đến nhân gian. Cuối cùng vua đến Câu Thi Na, nơi Phật Niết bàn: Đến chỗ này vua nằm lăn khóc lóc, ngất xỉu trên đất, hồi lâu mới tỉnh… Vua cho xây bảo tháp tôn thờ.

Những hình ảnh thành kính của nhà vua cũng như bao hình ảnh các bậc Thánh Tăng thời Chánh pháp chỉ cách Phật 2500, làm cho lòng tôi bao nỗi tôn kính sầu thương xúc động sâu xa, vì vậy mà tôi không ngủ được.

Sau một đêm dài băn khoăn, xúc động không nhắm mắt được. Đến 5g sáng (thuở xưa Đức Phật đản sanh cũng vào giờ này), chúng tôi được Hòa thượng Thích Huyền Diệu hướng dẫn y hậu chỉnh tề sắp thành một hàng dài dẫn đoàn chúng tôi thẳng đến nơi Phật giáng trần. Trên đường đi Hòa thượng nói: Hôm nay tôi sẽ đưa quý ngài đến chiêm bái một trụ đá biết nói, Hòa thượng nói với vẻ mặt hết sức trang nghiêm và thầm kín. Nghe Hòa thượng nói, lòng tôi băn khoăn suy nghĩ: Hồi giờ mình đã từng đọc lịch sử nơi đây và chưa bao giờ nghe trụ đá biết nói bao giờ! Mãi vừa đang miên man suy nghĩ, vừa đưa mắt nhìn xem cảnh vật hai bên đường thật là êm đềm thanh thoát làm sao. Những tàn cây Vô ưu không còn nữa và thay vào bao cây rừng thẳng tắp xinh xinh trong phạm vi hai mươi mốt ngàn mẫu mà Chính phủ Nepal dành cho khu vực bất khả xâm phạm này. Đây là một niềm vui của Phật giáo, vì trên thế giới chưa có vị giáo chủ nào đã vắng bóng trên 25 thế kỷ mà còn được thế gian tôn kính tự nguyện dành cho một di tích rộng lớn bao la như thế! Mãi còn đương miên man suy nghĩ, bất chợt đoàn đã từ từ dừng chân, tôi đưa mắt nhìn lên một trụ đá tròn cao đứng sừng sững trước mắt tôi, trên trụ đá ghi những hàng chữ Phạn của vua A So Ka lưu lại: “Sự thắng lợi chính đáng vẻ vang nhất của tôi là ở đạo đức chứ không phải là vũ khí”. Không ai nói với ai mà tất cả chư tôn đức và các Phật tử tự mình chỉnh y phục trang nghiêm chắp tay hướng về trụ đá trang nghiêm nhất. Hòa thượng Huyền Diệu liền đọc bài Minh của vua A Dục và giới thiệu: Tôi xin giới thiệu chư tôn đức Tăng Ni, đây là trụ đá biết nói. Chúng tôi không cần suy nghĩ gì cả, mọi người đều quỳ xuống chắp tay hướng về trụ đá, tôi cầm 3 cây hương để ngang trán thành kính đọc bài nguyện hương cúng dường:

          Xin nguyện hương mầu này

          Cúng dường đến Đức Phật

          Tôn pháp hiền Thánh Tăng

          Khi Phật sanh ra đời

          Chúng con chìm đắm trong sáu nẻo

          Nay Phật nhập Niết bàn

          Chúng con lại được làm người

          Và được đến nơi đây

          Được làm người đã là khó lắm rồi

          Nhưng chưa biết chừng nào chấm dứt nẻo luân hồi

          Quỳ dưới mảnh đất thiêng liêng này

          Lòng chúng con vô cùng tủi hận

          Mong Phật từ bi gia hộ cho chúng con

          Mong Phật từ bi gia hộ cho chúng con.

Đọc đến đây lòng tôi bỗng nhiên đầy xúc động, bật ra từng tiếng khóc nỉ non với hai dòng nước mắt. Cả đoàn đều xúc động khóc to. Nhất là Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm, một người pháp lữ ăn một mâm ngồi một chiếu cùng chúng tôi cách đây 40 năm về trước, một người có tướng trạng chậm chạp ít nói, ít cười ít quan tâm đến việc người và có tâm hồn chai đá. Thế mà hôm nay đứng bên cạnh tôi bỗng nhiên bậc thành tiếng khóc rất to và mặt mày mếu máo run rẫy. Thượng tọa Nguyên Tiềm thì bật thành tiếng khóc hu hu như trẻ em vậy, thầy xúc động mạnh vì thầy đang lúc cô đơn buồn tủi. Đến giờ chúng tôi mới hiểu thế nào là trụ đá biết nói. Không biết trụ đá đang nói gì, đang dạy gì mà cả đoàn chúng tôi cả Tăng tục, trẻ già đều khóc, khóc để tỏ niềm tôn kính, khóc để vơi đi bao nỗi niềm khắc khoải lang thang trong kiếp luân hồi, khóc để vơi đi bao nỗi buồn trên hai ngàn năm nay mới được làm người và được tin theo Phật. Khóc để cầu mong Đức Phật gia hộ cho chúng con đầy dũng mãnh tinh tấn tu hành, hầu mong thoát khỏi nẻo luân hồi đầy khổ hận. Khóc để vơi đi bao nỗi buồn của kẻ cùng tử lang thang bao kiếp luân hồi, hôm nay mới về nơi đất Phật và còn khóc với bao nhiêu là nỗi niềm sâu xa khác mà mỗi người đều có tâm trạng buồn khổ riêng, không ai giống ai cả.

ẢNH

Khóc và thầm nguyện xong, đoàn đứng dậy lạy tạ và thành kính cảm ơn trụ đá. Nhờ trụ đá này mà khơi dậy lòng chúng tôi bao nỗi niềm tôn kính Đức Phật và buồn tủi cho chính bản thân mình. Nhờ trụ đá này cảnh tỉnh cho chúng con trên bước đường tu tập.Nhờ trụ đá này mà chúng con hiểu chân lý của Phật dạy và giả dối của cuộc đời. Mỗi người không ai nói ai, tự mỗi người thành tâm đọc:

Đệ tử hôm nay quỳ trước Phật

Chí tâm đảnh lễ Đấng Từ Tôn

Đã bao phen sanh tử dập dồn

Trôi lăn mãi trong vòng lục đạo

Thế Tôn đã đinh ninh di giáo

Mà chúng con còn đắm đuối mê say

Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày

Tai thích tiếng mật đường dua nịnh

Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh

Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gây go

Thân ham dùng gấm vóc se xua

Ý mơ tưởng bao la vũ trụ

Bởi lục dục lòng tham không đủ

Lấp che dần trí huệ từ lâu

Hôm nay con giác ngộ hồi đầu

Xin sám hối phơi bày tỏ rõ

Nguyện tội ác từ nay lìa bỏ

Chuyển sáu căn ra khỏi lầm mê

Trước đài sen thành kính hướng về

Tịnh tâm ý quy y Tam bảo

Phật giới cấm chuyên trì chu đáo

Dứt tận cùng cội rễ vô minh

Trí phàm phu tự lực khó thành

Cầu đại giác từ bi gia hộ

Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ

Con dốc lòng vì đạo hy sinh

Nương từ quan tìm đến bảo thành

Đặng tự giác giác tha viên mãn.

Lễ Phật xong, đoàn tuần tự vào kinh hành 3 vòng nơi ngôi nhà của Hội Phật giáo thế giới xây để lưu niệm nơi Phật ra đời.

Sáng ngày 17-11, đoàn rời khách sạn và đến Việt Nam Phật Quốc Tự làm lễ khánh thành ngôi chùa Việt Nam đầu tiên, nơi Phật ra đời. Buổi lễ hôm nay diễn ra trong không khí thật là trang nghiêm thầm kính. Hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử trên thế giới tham dự tán dương. Chúng tôi suy nghĩ: À! Cũng chính nơi đây mà trên hai ngàn năm về trước Đức Phật ra đời với khung cảnh trăm hoa đua nở, ao hồ trong lặng, chim chóc líu lo. Hàng vạn Chư thiên rải hoa cúng dường, bảy hoa sen đỡ chân cho Phật, chín con rồng phun nước tắm Phật, hàng vạn ức nhạc trời trỗi dậy cúng dường để đón nhận đấng giác ngộ bằng xương bằng thịt, bằng con người ra đời. Và cũng chính nơi đây, hôm nay chúng tôi cùng hàng ngàn Tăng Ni Phật tử khắp trên thế giới đồng quỳ dưới bức tượng Phật bằng xi măng cốt sắt đọc bài kinh cầu nguyện. Cũng tại một mảnh đất mà hai khung cảnh khác nhau ngàn trùng! Lễ khánh thành xong, đoàn vội vã lên xe đi về thành Tỳ Xá Ly để thăm tu viện Kiều Đàm Di Mẫu, đây là một tu viện dành cho Ni giới và do Ni sư Thích nữ Khiết Minh trụ trì chùa Kim Liên thành phố Hồ Chí Minh qua đây thành lập, một mình một thân ngàn dặm về xứ Phật lập nên tu viện, đây cũng là một Ni sư kiên cường ít có và cũng đáng trân trọng kính yêu.

Ngồi trên xe mà lòng miên man suy nghĩ, cũng tại nơi đây (nơi Lâm Tỳ Ni) mà thời gian và khung cảnh khác nhau ngàn trùng. Cũng tại nơi đây mà 2500 năm về trước phái đoàn vua Tịnh Phạn đến đón mừng vị Phật bằng xương bằng thịt ra đời. Và cũng từ nơi đây (2500 năm về sau) chúng tôi mừng và lễ lạy Đức Phật bằng xi măng cốt sắt mà lòng cảm thấy diễm phúc vô biên! Lễ lạy Đức Phật bằng xi măng cốt sắt, còn hơn là hàng triệu người hiện nay trên thế giới chẳng biết Phật là gì trong thế kỷ 21 này.

Lòng thoáng buồn và suy nghĩ, không biết trên hai ngàn năm về trước, Quảng Hiển này làm thân gì, thân súc sanh ư, thân người, thân trời, thân quỷ đói, thân muỗi mòng, thân trùng, dế ư? Thân hư hỏng, trộm cướp giết người ư! Tại sao và tại sao khi Phật ra đời mình không được gặp Phật? Trải hàng ngàn ngàn kiếp sanh sanh tử tử hôm nay làm được thân người lại mang lấy thân đầy nghiệp chướng, muốn tu mà tu không được, muốn niệm Phật mà niệm Phật không xong! Đọc trong kinh “Ban Chu Tam Muội” Đức Phật dạy: Nếu hành giả chí thành buông bỏ các duyên, chí thành đi đứng niệm Phật trong suốt 21 ngày đêm thì sẽ chứng được “Niệm Phật Tam muội” và sẽ được Đức Phật A Di Đà hiện thân đứng trên đỉnh đầu và trong sát na sanh về thượng phẩm thượng sanh nơi Cực Lạc. Thấy mà mừng mà ham, hạ quyết tâm làm thử, ôi thôi chỉ mới một ngày một đêm liên tục, đi niệm Phật và lạy Phật, gắng đến cuối ngày vào lúc 6g chiều thì thân thể rả rời, chân đi không nổi nữa… Tôi tạm thời dừng lại và mới thấm thía câu: “Áo não thử thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như lai kim sắc thân” một ngày một đêm đi đứng niệm Phật không ngủ nghỉ đã là khó lắm rồi thì thử hỏi trong 21 ngày đêm không ngủ nghỉ làm sao làm được! Tại sao người xưa làm được mà ta nay không làm được? Xem đây đủ biết, biết là dễ mà làm thì khó! Càng cách xa Phật

 

Hòa thượng Thích Quảng Hiển

daitonglam.net/