Pháp Môn Dược Sư (Tịnh Độ Phương Đông)

Photobucket

Bà Vi Đề Hy khi được Phật Thích Ca cho xem qua 210 ức Phật Độ, đã chọn Cực Lạc thế giới để cầu vãng sanh; như vậy Tịnh Độ Phương Tây của Phật A Di Đà hẳn là thù thắng hơn các cõi Tịnh Độ khác. Chính vì thế khi nói CẦU VÃNG SANH TỊNH ĐỘ, chúng ta đều nghĩ, Tịnh Độ đây là Cực Lạc Thế Giới; mà thực ra mỗi cõi Phật đều là một Tịnh Độ. Có hằng hà sa số Phật nghĩa là có hằng hà sa số cõi Tịnh Độ.

Tuy vậy, khi Phật Thích Ca thuyết kinh Dược Sư, Ngài đã cho là cõi TỊNH LƯU LY Phương Đông của Phật Dược Sư “như cảnh Cực Lạc của Phật A Di Đà“, “Trong cõi Phật ấy, đất bằng lưu ly, nhiều hàng cây quý giăng làm ranh giới, thành quách cung điện, cửa sổ mái hiên, nét đẹp trang nghiêm toàn bằng thất bảo“.

Như vậy Tịnh Độ Phương Đông cũng hết sức thù thắng, là một địa chỉ lý tưởng để cầu nguyện vãng sanh. Có điều đặc biệt là phương pháp cầu nguyện vãng sanh Tịnh Độ Phương Đông là trì tụng chú Dược Sư. Điều nầy được HT. Nguyệt Quang, khi dịch và chú giải kinh Dược Sư năm 1950, đã nói rõ là trong chú Dược Sư có danh hiệu Phật Dược Sư, vì thế trì chú cũng là niệm danh hiệu Phật.

Phật Dược Sư có duyên và gần gũi với thế giới Ta bà. Ngài là bậc Vô Thượng Y Vương, tù bi thương xót tất cả chúng sanh bị bệnh khổ. Như vậy mọi người bệnh đều nên cầu nguyện Ngài (cũng như cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm), và người nuôi bệnh cũng thế. Các bác sĩ, nếu tin tưởng và cầu nguyện Phật Dược Sư thì sẽ được Ngài gia bị cho việc điều trị được thập phần hiệu quả.

Phật Dược Sư ngoài việc chú ý trị bệnh còn quan tâm đến những kẻ nghèo khổ, thiếu cơm ăn áo mặc, thiếu thốn phương tiện vật chất. Vậy thì những việc làm nhân đạo từ thiện trên cuộc đời nầy đều nằm trong Bản nguyện của Phật Dược Sư, ta đều có thể cầu nguyện Ngài.

Nếu ta gặp bệnh khổ nguy cấp lúc nửa đêm nửa hôm, ở nơi không có thầy, không có thuốc thì ta phải làm sao? Có khi nhìn thấy người thân ta đau đớn oằn oại, mà ta thấy mình bất lực; thì người tụng kinh Dược Sư hiểu rằng, không đến nỗi bó tay. Ta có thể trì tụng 108 biến chú Dược Sư vào nước uống, thức ăn của bệnh nhân. Hay ta niệm danh hiệu Ngài hoặc mở đĩa nhạc chú Dược Sư cho người bệnh nghe. Cơn đau sẽ dịu đi; mau hay chậm còn tùy thuộc niềm tin của người bệnh. Người trì chú lâu năm hoặc tu hành có nội lực như HT. Minh Phát, chùa Ấn Quang, cầm một chai nước thông thường đưa cho người bệnh, vẫn chữa được bệnh. Cách trị bệnh bằng … nước lạnh nầy là đúng Chánh Pháp chứ không phải mê tín dị đoan như “tàn hương nước thải “.

Tu Pháp môn Dược Sư là hiện tại lo việc từ thiện (tức làm việc thiện ), đem công đức tụng kinh Dược Sư, niệm Phật Dược Sư, trì chú Dược Sư cầu nguyện vãng sanh Tịnh Độ Phương Đông và hồi hướng cho những người nghèo, người bệnh, cho cả Pháp giới chúng sanh; nói cho mọi người tin nghe về Phật Dược Sư, những điều mầu nhiệm của kinh, danh hiệu và chú Dược Sư (xem đĩa “Những điều mầu nhiêm của Đức Phật Dược Sư “) .

Dù tu Pháp môn nào, mình cũng có thể cầu nguyện Phật Dược Sư để được ít bệnh ít khổ, là thuận duyên để tu hành. Khi đã tu được rồi thì mình có nhiều cách để giải quyết nghiệp chướng: sám hối –niệm Phật – tu đối trị (trước đây sát sanh thì bây giờ phóng sanh, trước đây ăn cắp thì bây giờ bố thí...). Có người cho rằng cầu cứu với Phật Dược Sư hay Bồ tát Quan Âm là không hiểu luật Nhân quả .Nhưng mình đâu có làm sai, mình cầu nguyện là đúng với Bổn nguyện của Phật và Bồ tát, để mình có thì giờ sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ. Phật và Bồ tát cứu mình chứ không phải xóa nghiệp cho mình. Nghiệp của mình là mình tự giải quyết.

Cần có Đạo tràng Dược Sư cho người chuyên tu Pháp Môn Dược Sư. Nhiều chùa có thờ 7 vị Phật Dược Sư, có đèn Dược Sư 49 ngọn nhưng chưa phải là Đạo tràng Dược Sư chuyên biệt, mà chỉ là Đàn Tràng Dược Sư tạm có một thời gian. Bảy vị Phật Dược Sư là:

1. Phật Thiện Danh Xưng Cát Tường ở cõi Vô Thắng
2. Phật Bảo Mục Trí Nghiêm Quan Âm Tự Tại Vương ở cõi Diệu Bảo
3. Phật Kim Sắc Diệu Hành Thành Tựu ở cõi Viên Mãn Hương Tích
4. Phật Vô Lượng Tối Thắng Kiết Tường ở cõi Vô Ưu
5. Phật Pháp Hải Lôi Âm ỏ cõi Pháp Tràng
6. Phật Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hí Thần Thông ở cõi Thiện Trụ Bảo Hải
7. Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương ở cõi Tịnh Lưu Ly

Dưới mỗi Tôn Tượng có ghi rõ Danh hiệu. Có thờ Kinh Dược Sư trang trọng như Pháp bảo, phía dưới ghi câu NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG NHƯ LAI BỔN NGUYỆN CÔNG ĐỨC KINH.

Đây là Đạo tràng để những ai cần đốt đèn tục mạng, để trì chú Dược Sư vào nước, để cầu an, để tu Bát Quan Trai, để cầu vãng sanh Phương Đông,… với sức gia bị cao hơn tại gia vì thanh tịnh hơn .

Những người hành nghề Y, đông hoặc tây, đều nên thờ Đức Dược Sư phía trên Hải Thượng Lãn Ông. Họ và những người thích làm từ thiện, do đang làm việc cho Phật Dược Sư, nên càng dễ cầu sanh Đông Phương. Những ai châm cứu, bấm huyệt, cứu hộ,…những ai sửa cầu, đắp đường, cứu trợ, bố thí cơm cháo trong bệnh viện, hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, phòng chống lụt bão ,…đều là những người đang âm thầm làm việc cho Phật Dược Sư. Nếu họ biết mình đang có một tài khoản phước báo khổng lồ, thì họ đi làm chi chuyện ăn bớt ăn chận!

Người hiểu Kinh Dược Sư và có trì chú Dược Sư sẽ không sợ bị ai ếm đối.Vậy nhà bị ếm, người bị thư, bị bỏ bùa (nếu như có thật như vậy ) thì mình đều có thể tự hóa giải bởi năng lực bất khả tư nghì của Kinh, Chú Dược Sư. Chúng ta hãy thầm niệm NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT để đối phó với những bất an hằng ngày như đau ốm, lạnh, đói,…để cầu về thọ mạng thì niệm NAM MÔ TIÊU TAI DIÊN THỌ DƯỢC SƯ PHẬT. Vào bệnh viện thăm một người thân, ta có thể chúc lành cho tất cả người bệnh khác bằng cách thầm niệm danh hiệu Phật Dược Sư và hồi hướng cho họ.Đó là sự Ủy lạo tinh thần rất thực tế, ai cũng làm được mà không cần phải có tiền. Những người bệnh ấy cảm thấy chóng thuyên giảm mà không biết do đâu, vá ta cũng vừa thực hiện được một bố thí ba la mật, và thực tập được một sự trải rộng lòng từ bi đến những người không quen, và để hiểu Phật sự có thể làm ở mọi nơi, mọi lúc khi tâm ta luôn nghĩ thiện. Vì nghĩ thiện nên ta nghĩ ra điều thiện để làm. Khi những điều thiện như lớp lớp sóng dồi thì ta sẽ luôn bận rộn với điều thiện mà không chán mỏi.

Tây y hoàn toàn hiểu được rằng bệnh có thể có nguồn gốc tâm lý (Tâm-sinh lý học), nhưng Tây y không thể hiểu được bệnh do nghiệp sinh ra. Còn người bệnh nếu nhận thức được điều đó thì sẽ biết cách tự chữa. Bệnh do nghiệp thì thường dây dưa, uống thuốc không hết, phải chữa bằng các liệu pháp phóng sanh, sám hối, niệm Phật, trì chú, bố thí, trì giới ,…Một nhà thuốc có thể bán tân dược, đông nam dược, nhưng không có bán Pháp dược. Một bác sĩ giỏi, người ta gọi là “mát tay”, hay “có tay phục dược”, thì y đức là hàng đầu. Nếu chỉ lo làm giàu thì coi chừng “nhất thế y tam thế suy “. Nếu mình tận tâm tận lực, có trách nhiệm cao, có lương tâm thì không thể tổn đức, thì không có gì phải sợ. Mỗi ngày, phước tích lũy càng lớn, rồi từ từ mình cũng có nhà lầu xe hơi bởi vì “Có đức không sức mà ăn “. Đừng đứng núi nầy trông núi nọ, chưa tích lũy được chút xíu đức nào đã lao vào việc kiếm tiền, bất kể, thậm chí “nuôi bệnh”, bắt chẹt bệnh nhân phải cúng tiền bạc, phẩm vật cho mình thì những người đó đã trượt dài trên cái dốc y đức của mình. Bác sĩ, ngoài tài năng, nhiệt tình, lòng nhân đạo sâu sắc, luôn nâng cao tay nghề, còn nên cầu Phật Dược Sư gia bị. Người bệnh nếu tin tưởng Phật Dược Sư thì sẽ gặp được loại thầy thuốc như vậy. Người công tác trong ngành y nếu đồng thời là Phật tử , thì tự họ sẽ có một chuẩn y đức cao hơn .Có người là hóa thân của Bồ tát như Pasteur, Yersin, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch,… Đạo Phật dạy cho bác sĩ, y tá một đức nhẫn nhục để ứng xử với đồng nghiệp, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Họ biết lắng nghe , biết dùng lời dịu dàng giải thích ,nụ cười rất sẵn .Đó là sự bố thí không cần móc tiền ra, để bệnh viện mãi mãi là Nhà thương, không phải là Nhà ghét ; để Lương y mãi mãi là từ mẫu , không phải là kế mẫu . Nghề y là nghề dễ làm phước, nhưng chỉ cần quá đà thì phước biến thành họa.

Năm giới của người Phật tử sẽ hỗ trợ cho người bác sĩ hoàn thành tốt nghiệp vụ của mình .Uống rượu làm giảm tổn trí huệ ,làm sao định được bệnh ,làm sao nhớ tên thuốc ,thậm chí gây ra sự đãng trí, bỏ quên dao kéo trong bụng bệnh nhân. Không tà dâm, giữ cho tư cách luôn đứng đắn. Không nói dối là giới khó giữ nhất đối với BS.: nói dối để bệnh nhân đừng nản lòng ,để duy trì ý chí sinh tồn, thì không đáng trách. Không sát sanh bao gồm cả không giết bệnh nhân vì tắc trách. Không ăn cắp là không bắt bệnh nhân trả tiền quá mắc, không tương xứng với công sức của mình.

Một bác sĩ Phật tử thọ Tam quy Ngũ giới là một y đức lý tưởng dù chưa ăn chay trường. Người ấy có nghiên cứu sâu về Đạo Phật thì biết ứng dụng của kinh Dược Sư khiến mình trở nên mẫn cảm hơn về trực giác điều trị; còn am hiểu Pháp môn Tịnh Độ thì sẽ biết một bệnh nhân sắp lâm chung cần trợ niệm như thế nào. Nếu bệnh nhân theo Đạo Phật, một thông tin đúng lúc của bác sĩ sẽ hết sức quý giá đối với bệnh nhân để quyết định cảnh giới chuyển thế đầu thai, thay vì quan niệm “còn nước còn tát” mà mình biết rằng chỉ vô ích, chỉ hành hạ bệnh nhân mà thôi; sao bằng một sự ra đi êm ái có trợ niệm. Tất nhiên đây là một sự giằng co giữa nhận thức nghề nghiệp và nhận thức tôn giáo. Rất nhiều bệnh nhân là nạn nhân của y học, đã không cứu sống được họ, mà làm cản trở vãng sanh, đi vào ác đạo hằng tỷ năm mói quay về được con đường cũ. Thôi, âu đó cũng là báo chướng của họ.

Bác sĩ thường hay chứng kiến giây phút lâm chung của bệnh nhân, cho nên bác sĩ dễ trở thành người bạn trợ niệm lý tưởng. Nhưng hiện nay còn hiếm lắm người bác sĩ thiện tri thức ấy .

Theo kinh Dược Sư , Phật Dược Sư luôn hướng đến những bệnh nhân nghèo , mắc chứng nan y (điều nguyện thứ 7 ) , lo cho chúng sanh có đủ cơm ăn, áo mặc, vật dụng (điều nguyện 3 , 11 và 12 ), không để chúng sanh rơi vào tà đạo, ngoại đạo hoặc bị bùa chú ếm đối làm hại (điều nguyện 4 ,9 ), thương xót chúng sanh bị giam nhốt khổ sở trong ngục tù (điều nguyện thứ 10 ). Hiểu được Bổn nguyện của Phật Dược Sư thì hiểu rằng những trường hợp nào chúng ta cầu nguyện chắc chắn thành tựu.

Cõi Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư ở về Phương Đông, cách cõi Ta bà 10 hằng hà sa cõi Phật. Đức Thích Ca đã lặp đi lặp lại 2 lần là :”Những lời nguyện rộng lớn và những công đức trang nghiêm ở cõi Phật Dược Sư dầu ta nói mãn một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể nào hết được “ và Ngài nói tiếp :”Nhưng ta có thể nói ngay rằng cõi Phật kia một bề thanh tịnh , không có đàn bà , cũng không có đường dữ và cả đến tiếng khổ cũng không (…)Thật chẳng khác gì những công đức trang nghiêm ở cõi Tây Phương Cực Lạc vậy .”

Đức Phật Dược Sư dường như không ở xa cõi Ta bà đến thế, Ngài ở ngay giữa đời nầy, rất gần gũi với chúng ta, nên hữu cầu tất ứng.

Thật ra, các Đức Phật đều hướng về chúng sanh. Riêng Đức Dược Sư, Ngài có duyên với chúng ta như thế , tại sao chúng ta không quy hướng Ngài? Không phải mình ỷ lại, nhưng nếu nhờ Phật lực ủng hộ, thì mục đích tốt đẹp của mình mau được thành tựu. Là tự lực kết hợp với tha lực.

Hào quang của Phật Dược Sư cũng chiếu khắp 10 phương , chiếu cả cõi U minh ( điều nguyện 1 và 2 ) .hai vị Bồ tát Thượng thủ ở Phương Đông là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu .Niềm tin cũng là điều cốt yếu để cầu vãng sanh .

Trước khi hộ niệm cho người sắp lâm chung, chúng ta cần phải biết Pháp tu và nguyện vọng của người ấy. Nếu người ấy thường niệm Phật Dược Sư thì chúng ta nên trợ niệm bằng danh hiệu Phật Dược Sư để sự vãng sanh được tương hợp.

Đức Phật Dược Sư có nói , từ cõi Ngạ quỷ hay Bàng sanh , nếu chúng sanh nào còn nhớ được danh hiệu của Ngài để niệm thì sẽ lập tức được thoát kiếp ấy , sanh lại làm người , còn nhớ được tiền kiếp và biết bố thí . Không phải ai cũng có duyên nghe được danh hiệu Phật Dược Sư. Rất nhiều người làm ngành y hoặc công tác xã hội mà chưa có tín ngưỡng. Đức Thích Ca nói :” Nầy A Nan , Thân người khó đặng ,nhưng hết lòng tin kính tôn trọng Ngôi Tam Bảo còn khó hơn , huống hồ nghe được danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại còn khó hơn nữa“ . Vì vậy giới y bác sĩ và những người làm công tác cứu trợ cần hiểu rằng Phật Dược Sư sẵn sàng giúp đỡ họ nếu họ có lòng tin và cầu nguyện .Nhất là những lúc chúng ta thấy mình quá đơn độc ,súc người có hạn , hoặc thấy bế tắc , không đủ phương tiện , hoặc lo sợ thời gian vàng sẽ hết ,những lúc cảm thấy bất lực ,bó tay , …thì lúc ấy chúng ta biết vẫn còn cơ hội , vẫn còn nơi để gõ cửa .

Trong Đạo Pháp, Phật Dược Sư còn ban cho kẻ phạm giới một cơ hội, theo điều nguyện thứ 5, nhưng chúng ta ngầm hiểu rằng ân huệ nầy không lặp lại.

Đối tượng nào được nào được tiếp dẫn về Tịnh Độ Phương Đông?

Ưu tiên cho người xuất gia có nhiều hạ lạp và cư sĩ tu Bát Quan Trai nhiều lần. Xem thế thì chúng ta hiểu rõ tuổi hạ của tu sĩ và việc thọ Bát Quan Trai của cư sĩ đều được chư Phật, chư Bồ tát đánh giá rất cao , chúng ta còn không chịu cố gắng về mặt nầy .

Tiêu chuẩn vãng sanh Đông Phương tương đương với tiêu chuẩn vãng sanh Tây Phương. Nguyên văn trong kinh là : “Lại nầy nữa Mạn thù Thất Lợi , nếu trong hàng tứ chúng là Bí sô , Bí sô ni , Ô ba sách ca, Ô ba tư ca và những người tịnh tín , thiện nam tín nữ, ở ngoài nữa, có người nào thọ trì được 8 phần Trai giới , hoặc trải một năm hoặc một năm ba tháng , nương theo giới pháp làm chỗ tu học rồi lấy căn lành ấy nguyện sanh về thế giới Cực Lạc bên Phương Tây , là nơi của Phật Vô Lượng Thọ giáo hóa , đặng có nghe Chánh Pháp ,nhưng trong tâm chưa quyết định , mà nếu nghe được danh hiệu của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang thì đến lúc lâm chung có 8 vị Bồ tát chỉ đường ,người ấy liền được tự nhiên hóa sanh ở trong các thứ hoa báu đủ màu bên cõi Tịnh Lưu Ly “ .

Chúng ta lưu ý ở chỗ “muốn về học ở cõi Tây Phương nhưng chưa quyết định “; như vậy đây là loại thí sinh đỗ điểm cao ,có quyền chọn lựa , còn thí sinh hạng thấp thì chẳng những Tây Phương mà cả Đông Phương , những cánh cửa Đại học nầy đều đóng kín . (1)

Thần chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn là một phương tiện để vãng sanh, Thần chú ấy có các công năng:

• Trị bệnh
• Sống lâu
• Tùy tâm mãn nguyện
• Tiêu trừ nghiệp chướng
• Vãng sanh cõi Đông Phương.

Nguyên văn của thần chú như sau:”Nam mô bạt xà phạt đế, bệ sắc xả, lũ lô thích lưu ly, bát lặc bà hắc ra xà dã, đát tha yết đa da a ra hắc đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án bệ sắc thệ, bệ sắc thệ, bệ sắc xả, tam một yết đế tóa ha”.

“Nam mô… tam bột đà da”: Có nghĩa là “Quy y Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

“Đát điệt tha”: có nghĩa là “tức thuyết chú viết”

“Án bệ sắc thệ, bệ sắc thệ, bệ sắc xả tam một yết đế tóa ha” là chánh văn của thần chú.

Công đức tụng kinh Dược Sư, in kinh, giảng nói, suy nghĩ nghĩa lý, tôn trí kinh, đựng trong đãy ngũ sắc và công đức cúng dường Pháp Sư, sẽ khiến cho mãn nguyện mọi sự mong cầu, sẽ chứng Đạo quả Bồ đề, được 4 vị Thiên vương và vô số quyến thuộc đến cúng dường thủ hộ. Vậy tu theo Pháp môn Dược Sư là hướng đến Phật quả, mà hiện tại luôn có chư Thần ẩn thân giúp đỡ. Pháp tu này cũng không có ma quỷ nào đền gần quấy phá vì kiêng nể oai lực của mười hai Đại tướng Dược xoa. Đó là pháp tu “ các căn thông lợi, trí huệ sáng suốt, lại thêm đa văn, hằng cầu thắng Pháp, thường gặp bạn lành, đời đời dứt hẳn lưới ma, đập nát vỏ vô minh, tát cạn sông phiền não, thoát khỏi sanh lão bệnh tử và những nỗi đau khổ lo buồn."

Trong dân gian thường có chuyện một người nào đó bị vong theo quấy phá. Nếu mà có thật như thế thì ta dùng Chánh Pháp để chữa trị, không nghe theo tà pháp trừ ma ếm quỷ. Dùng Chánh Pháp là, một mặt cầu siêu cho vong ấy, một mặt tụng kinh Dược Sư cho người bệnh, dạy người bệnh niệm danh hiệu Phật Dược Sư. Kết quả chắc chắn, lại khỏi tiền mất tật mang. Lại có chuyện chủ nhà thường lo sợ vẩn vơ bị thợ mộc thợ hồ ếm đối khi xây cất; khi hiểu kinh Dược Sư rồi, thì không có gì phải lo sợ nữa, trước thì cư xử tốt với thầy thợ, sau là ngày cúng nhập gia nên tụng một thời kinh Dược Sư, cúng một mâm cơm chay, các ếm đối nếu có, sẽ bị hóa giải hết.

Nếu tu hành miên mật ở Đạo tràng Dược Sư bảy ngày đêm thì cầu gì được nấy (thí dụ cầu sống lâu, cầu giàu sang, cầu quan chức, cầu tự).

Các chùa hiện nay không còn cúng sao hạn vì đó không phải là Chánh Pháp, mà thiết lập Đàn tràng Dược Sư vào tháng giêng để cầu an cho mọi người. Chúng ta không cần phải lo sợ mình bị sao gì hay hạn gì, chỉ cần tụng kinh Dược Sư, đảnh lễ, trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư, tụng chú Dược Sư, thì Chánh Pháp sẽ ban cho ta sự vô úy.

Việc đốt đèn phướn tục mạng trong kinh Dược Sư cũng là điều ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, khi người bệnh thập tử nhất sanh mà nếu chưa tận số và thân nhân lại có lòng thành thì cũng có cách cải tử hoàn sanh. Chính ngài A Nan mà còn phải ngạc nhiên hỏi Cứu Thoát Bồ Tát:”Tại sao cái mạng đã hết mà còn sống thêm được?” .Chỉ có nhờ kinh Dược Sư, điều mầu nhiệm ấy mới xảy ra .

Phụ nữ trong giây phút vượt cạn đau đớn và nguy hiểm, hãy thầm niệm danh hiệu Ngài thì sanh nở được bình an , đứa bé đoan trang, thông minh khỏe mạnh, quỉ thần kiêng nể.

Những thiên tai như hạn hán, bão tố, những dịch bệnh, nếu có xảy ra, kinh chỉ dẫn chúng ta nên cầu nguyện Đức Dược Sư. Người niệm Phật và tụng kinh Dược Sư không bị chín thứ hoạnh tử (nghĩa là không bị chết bất đắc kỳ tử).

Trong các điều nguyện 7,8,9, có nói rằng chỉ nghe danh hiệu Đức Dược Sư thôi cũng sẽ được thân tâm an lạc, xả bỏ nữ thân, ra khỏi ma đạo, … cho đến chứng quả Vô thượng Bồ đề.Khi đọc tụng kinh nên suy nghĩ nghĩa lý, nên thọ trì và chép kinh. Nên cúng dường các thứ cần dùng cho Pháp Sư đừng để thiếu thốn . Hễ hết lòng như vậy thì được chư Phật hộ niệm cho mãn nguyện mọi sự mong cầu, cho đến chứng đặng đạo quả Bồ đề.

Ta thấy lòng từ bi của Đức Dược Sư trải rộng đến cả những chúng sanh xấu ác. Ngài cứu cả chúng sanh bỏn xẻn với cha mẹ, kẻ phạm giới, kẻ theo tà đạo, những chúng sanh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chúng sanh đang hấp hối… suy cho cùng chưa có trường hợp nào Ngài không cứu. Những nạn mà Đức Dược Sư cứu giúp kể ra trong kinh gồm có:

1. Sự tối tăm mê muội ở cõi U minh ( nguyện 2)
2. Thiếu thốn vật dụng ( nguyện 3)
3. Đi lầm vào nẻo tà ( nguyện 4)
4. Phạm giới
5. Thân hình xấu xa, các căn không đủ ( tật nguyền, mù lòa, không vừa ý bản thân mình đều có thể cầu nguyện cho thân sau)
6. Lác hủi
7. Điên cuồng
8. Bệnh nan y
9. Thân gái hèn hạ khổ sở
10. Bị giam cầm đánh đập
11. Bị chém giết
12. Tai nạn nhục nhã
13. Đói khát
14. Quần áo rách rưới
15. Lạnh lẽo
16. Đọa lạc vào ngạ quỉ hay bàng sanh
17. Đọa địa ngục
18. Tranh đấu kiện cáo
19. Mưu hại lẫn nhau
20. Ếm đối, hạ độc, bùa chú
21. Bệnh khổ : da vàng, gầy ốm, cảm nhiệt, thương hàn
22. Hoạnh tử
23. Chết non
24. Ác thần đoạt tinh khí
25. Ác mộng
26. Những điều quái dị gây lo sợ
27. Nạn nước, lửa, gươm đao, thuốc độc
28. Thú dữ ăn thịt
29. Rắn, rết,muỗi, mòng
30. Xâm lăng / nội loạn
31. Trộm cướp, rối loạn
32. Sinh nở
33. Kẻ không tin nên hủy báng bị đọa lạc không cùng
34. Dịch bệnh
35. Thiên tai

Cả những chúng sanh bất hiếu ngũ nghịch, hủy nhục ngôi Tam Bảo bị quả báo, Phật Dược Sư chỉ cách thắp đèn, làm phan, phóng sanh, tu phước để cứu thoát.

Người phạm giới, niệm Phật Dược Sư, giới pháp sẽ thanh tịnh. Vậy phải hiểu Niệm Phật Dược Sư là một phép sám hối. Trì tụng chú Dược Sư cũng là sám hối vì công năng bạt nhứt thiết nghiệp chướng. Nên biết Dược Sư Sám Pháp là một pháp Đại Sám Hối, gồm 3 quyển, lạy 194 lạy.

Theo điều nguyện thứ 5, Chư Tăng nhập hạ, hay các Phật tử thọ Bát Quan Trai nên nhớ niệm và đảnh lễ Đức Dược Sư để được gia hộ đầy đủ tam tụ tịnh giới.

Niệm và đảnh lễ Đức Dược Sư là bảo đảm không gặp tà sư ác hữu. Niệm Đức Dược Sư, ta được bảo hộ trọn vẹn một đời tu, có đủ vật dụng, không lầm đường lạc lối, không đau yếu, không bị ma quỷ dụ dỗ, không có nguy cơ phạm giới. Tu trong điều kiện ưu việt như vậy còn không cầu xin được bảo hộ!

Nếu thấy nghề mình đang kiếm sống không phải là chánh mạng, chánh nghiệp dưới ánh sáng của Chánh Pháp, muốn đổi nghề, ta có thể cầu nguyện với Phật Dược Sư (Văn kinh:”Những chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, đến nỗi vì tìm miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ “ ). Những chúng sanh nào có lòng tham nặng nề từ vô thỉ, nay muốn trừ lòng tham, chuyển hóa thành tâm bố thí, nếu tự mình không làm được, hãy cầu Đức Dược Sư.

Trong đời mình đã từng niệm hay nghe danh hiệu Đức Dược Sư thì dù còn trôi lăn trong luân hồi, cũng mãi mãi đem theo hạt giống lành ấy bên mình; để bất cứ khi nào nhớ lại thì sẽ được cứu thoát. Nghe được danh hiệu Đức Dược Sư, bỗng có một tha lực ngăn chận chúng ta không rơi xuống bờ vực thẳm há giới , tăng thượng mạn , chê bai chánh pháp, kết bè đảng với ma.

Nếu chỗ ở chúng ta có chim ác đến đậu nơi vườn nhà ( như chim cú kêu chẳng hạn ) hoặc chỗ ở hiện ra trăm điều quái dị (ma ám ) khiến chúng ta lo sợ .Không sao .Chỉ cần niệm Đức Dược Sư.
Lại nữa, nhờ sự bảo hộ của Đức Dược Sư , chúng ta không rơi vào các tai họa : hỏa hoạn ,lũ lụt, bị hạ độc , bị thú dữ ăn thịt, bị rắn cắn, giặc giã , trộm cướp , đó là một cuộc sống an lành mà ai cũng mong ước.

Người nông dân nếu cầu nguyện Đức Dược Sư thì lúa thóc được mùa mà không cần xịt thuốc trừ sâu mang tội sát sanh.

Ngày nay chúng ta thường mở máy niệm Phật bên tai trước khi đi ngủ chính là ứng dụng lời chỉ dẫn trong kinh Dược Sư : cả trong giấc ngủ dùng danh hiệu Phật thức tỉnh nơi tai .

Thần chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn ngôn có chỗ rất giống với chú vãng sanh Tây Phương :

• Đều có công năng bạt nhứt thiết nghiệp chướng
• Đều là phương tiện cầu vãng sanh

Pháp môn Dược Sư, Phật Thích Ca nói, có nhiều tên gọi :

1. Pháp môn thuyết Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn nguyện công đức.
2. Pháp môn thuyết Thập nhị Thần tướng nhiêu ích hữu tình kiết nguyện thần chú
3. Pháp môn Bạt trừ nhứt thiết nghiệp chướng .

Vậy tu Pháp môn Dược Sư là tu thế nào :

1. Thiết lập Đạo tràng Dược Sư
2. Tụng kinh Dược Sư
3. In kinh Dược Sư
4. Cung kính tôn trí Kinh
5. Niệm danh hiệu Phật Dược Sư
6. Nghe danh hiệu Phật Dươc Sư
7. Tụng chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn ngôn
8. Cúng dường Phật Dược Sư
9. Tạo tượng Phật Dược Sư
10. Cúng dường Pháp Sư giảng kinh Dược Sư.
11. Thỉnh Pháp Sư giảng nói
12. Giới thiệu , quảng bá kinh Dược Sư,chỉ người niệm Phật Dược Sư, trì chú Dược Sư .
13. Tổ chức thọ Bát Quan Trai ,trì tụng Dược Sư
14. Tạo tháp đèn Dược Sư
15. Thắp đèn Dược Sư
16. Cúng dường , bố thí máy niệm Phật Dược Sư
17. Mở tiếng niệm Phật cho nhiều người nghe, nhất là người bệnh
18. Lập chùa chuyên tu Pháp môn Dược Sư
19. Giới thiệu Pháp môn Dược Sư cho nhiều người

Kinh Dược Sư có nội dung vô cùng phong phú, nói về Bổn nguyện và công đức của Phật Dược Sư. Đức Thích Ca mà còn nói một kiếp cũng chưa hết được thì làm sao chúng ta nói hết. Chẳng qua là lời giới thiệu, rồi mọi người phải tìm hiểu thêm. HT. Trí Quảng nói, khi tụng kinh Dược Sư phải “Đọc tụng, suy tư, dạy người làm phước. “Chúng ta hãy suy nghĩ nghĩa lý trong kinh để phát hiện thêm những điều mầu nhiệm và ứng dụng những lời dạy của kinh để cứu giúp chúng sanh, quét sạch mây mù mê tín dị đoan và tà giáo. Vững tin trên mỗi bước hành thiện luôn có nhiều Phật quang soi đường, trong đó đặc biệt có ánh sáng đến từ Phương Đông.

Kinh Dược Sư là một quyển kinh mỏng nhưng có chiều sâu thăm thẳm.


Theo: tangthuphathoc.com
------
CHÚ THÍCH :
(1).Có cách hiểu là: ”Có hành giả muốn vể Tịnh Độ Phương Tây , nhưng chưa quyết định, thì nghe danh hiệu của Thế Tôn Dược Sư , khi lâm chung , có 8 vị Bồ tát chỉ đường về Phương Tây .”
Chỉ đường về Phương Tây hay Phương Đông? Nếu là Phương Tây thì không logic .Vả lại trong sách vở nói về Vãng sanh Phương Tây đều không có nhắc đến 8 vị Bồ tát chỉ đường .Phương pháp Vãng sanh Phương Tây là chính Đức A Di Đà và Thánh chúng đến đón. Phẩm vị vãng sanh thấp thì có Hóa Phật và Thánh chúng đến đón. “8 vị Bồ tát chỉ đường“ có lẽ là đặc trưng của Phương Đông chăng?

NGUYÊN VĂN : ”Nhược hữu tứ chúng: Bí sô, Bí sô ni, Ô ba sách ca, Ô ba tư ca cập dư Tịnh tín, Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn đẳng hữu năng thọ trì Bát Phần Trai Giới, hoặc kinh nhứt niên, hoặc phục tam nguyệt, thọ trì học xứ .Dĩ thử thiện căn nguyện sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới ,Vô Lượng Thọ Phật sở thính văn Chánh Pháp nhi vị định giả .Nhược văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang danh hiệu ,lâm mạng chung thời ,hữu bát Đại Bồ tát, kỳ danh viết :Văn Thù Sư Lợi Bồ tát ,Quan Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát ,Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, Thị Bát Đại Bồ tát, thừa không nhi lai, thị kỳ đạo lộ, tức ư bỉ giới, chủng chủng tạp sắc, chúng bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh”