Tết Chùa

Cuộc hành trình của thời gian hình như dừng lại ở cái tiết đông tàn xuân đáo. Có phải dòng chuyển động ấy đã ngưng lại để chúng ta tìm vui nơi cái tấp nập, hạnh phúc với khúc khải hoàn sau một năm lo cho cuộc mưu sinh? Một năm trôi qua, một năm mới đến, cuộc sống có nhiều thay đổi. Đón một năm mới, ai cũng ý thức được rằng sự chuẩn bị chu đáo cho những ngày tết cũng chính là mong ước cả năm được đầy đủ và sung túc như ngày đầu năm.

Cái không khí mua mua bán bán tấp nập trên các con đường làm tăng thêm sự náo nhiệt cho những ngày cận xuân. Đâu đâu cũng thấy nhan nhản nào là lồng đèn, bao lì xì, câu đối chúc xuân… với màu đỏ là gam màu chủ yếu. Từ phố phường tấp nập đến những vùng quê xa xôi đều được bao trùm bởi sự ấm áp và cái hương vị thân quen của ngày tết.

Hòa chung với nhịp sống của sắc xuân, chùa chúng tôi cũng tất bật đón một năm mới trong niềm hoan hỷ. Trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người, tết là mùa vui chơi, nghỉ ngơi và ăn uống. Nhưng tết ở chùa lại mang một hương vị khác, nói không chừng lại khác xa so với cái không khí của thế giới ngoại tự. Tất bật một năm trời lo học hành, đến ngày 20 tháng chạp huynh đệ chúng tôi kết thúc kì thi học kì 2 năm thứ hai của bốn năm Trung Cấp Phật học. Như vậy thời gian chuẩn bị cho tết chỉ còn lại chưa đến mười ngày. Nỗi lo lắng tràn ngập trong lòng mỗi người. Không biết với một khoảng thời gian ngắn như vậy chúng tôi có làm được gì để trang trí cho chùa trong dịp tết này không. Lo lắng là thế nhưng với sự động viên của sư phụ và tinh thần quyết tâm của đại chúng trong tâm nguyện đem đến những niềm vui cho Phật tử khi về chùa, huynh đệ chúng tôi bắt tay vào công việc thiết kế và trang trí những mô hình hoa đăng.

Ngay chiều ngày 20, công việc được chính thức triển khai và chúng tôi bắt tay vào làm. Hai mô hình chủ yếu là cổng vào trước tượng Di Lặc và cổng vào đài Quan Âm. Mỗi người phụ trách một công việc. Ai biết hàn thì hàn, ai cắt thì cắt, ai khéo tay thì trang trí, ai bắt đèn nháy thì lo liệu hệ thống đèn nháy trang trí trong khuôn viên chùa. Tết chùa là thế - tất bật và hoan hỷ.

Người ta thường nói, cuối năm là dịp để mọi người đi mua sắm và nghỉ ngơi. Cũng đúng, sau một năm trời ròng rã làm ăn, tích góp được một ít tiền họ đem ra sắm sửa đồ tết để trang hoàng nhà cửa, mua bánh mứt tiếp đãi họ hàng và đi đây đó để nghỉ ngơi. Nhưng chùa lại khác, khác trong sự chuẩn bị và khác trong cách ăn tết. Thông điệp đó được thầy chúng tôi nhắc đến trong buổi sáng ngày 30 – ngày cuối cùng của năm. Nội dung chính mà thầy chúng tôi muốn nhắc đến đó là sự bận rộn của những ngày tết ở chùa. Bởi vì có một số Phật tử mới đến chùa lần đầu tiên cứ tưởng ở chùa ăn tết sẽ thoải mái hơn ở ngoài. “Chùa chúng ta là một ngôi chùa lớn, số lượng Phật tử về rất đông, cho nên quý vị về đây làm công quả hay ăn tết đều phải có một tinh thần phục vụ. Ăn tết ở chùa cũng có nghĩa là đem tấm lòng vị tha để phục vụ mọi người. Tết ở đây chỉ dùng mì gói và tự phục vụ là chủ yếu, nhà bếp sẽ không nấu nướng gì từ mùng một đến mùng ba.

Đa phần các cơ quan tổ chức ở bên ngoài vào các buổi họp cuối năm đều có những sự khen thưởng hay tiệc tùng. Nhưng buổi họp cuối năm ở chùa chúng tôi là buổi để phân công những công việc cho mấy ngày tết. Người thì phát lộc, người rút nhang, người bảo vệ… tất cả đều hoan hỷ chấp hành sự phân công của quý thầy. Tết chùa mà, ai cũng lấy tinh thần phụng sự mọi người làm vui nên đều cảm thấy hoan hỷ.
Đến sáng ngày 30 tháng chạp, tất cả mọi công việc đều đã được ổn định. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm và thoải mái. Thế là mùa xuân này quý Phật tử về chùa có cái để lưu niệm, có được niềm vui nơi chốn gởi gắm tâm linh của mình.

Đúng 0 giờ - giao thừa tết Tân Mão, thầy trò chúng tôi vân tập lên chánh điện để đón giao thừa cùng quý Phật tử xa gần. Tôi biết, giờ này ở ngoài kia, nơi phố thị náo nhiệt người ta đang tưng bừng vui chơi. Nhưng nơi đây, chốn Già lam thanh tịnh, với tấm lòng vị tha vô ngã, thầy chúng tôi đã cùng quý Phật tử tận hưởng không khí xuân trong sự tỉnh thức, trao truyền những lời dạy quý báu đến hàng con Phật. “Quý vị là những người con Phật phải sống đúng tinh thần của Ngài. Chúng ta có những ước mơ đó là quyền của chúng ta. Nhưng muốn những ước mơ đó trở thành hiện thực thì chúng ta không nên cầu nguyện suông mà cần phải có sự thực hành. Ví dụ như một người nông dân ước mơ mình có được lúa thì anh ta phải cố gắng ra công cày cấy thì ước mơ của anh ta mới thành hiện thực.” Sau những lời chia sẻ chúc tết đầu năm, thầy chúng tôi đã tặng cho toàn thể Phật tử mỗi người một bao lì xì xem như là lộc đầu năm với tâm nguyện mong mọi người sống đạo đức và hiền thiện để họ có được an lạc hạnh phúc.

Phúc lộc bình an hưng gia đạo
Phú quý trường tồn thịnh nước non.

Thế là một năm mới đã đến. Không khí tết đã bao trùm lên tất cả mọi vật. Trăm hoa đua nở, mọi người vui tươi, cây cối khoác lên mình chiếc áo mới. Sáng ngày mồng 1 tết, hàng nghìn Phật tử xa gần tấp nập về chùa để xin lộc đầu năm cũng như chúc tết thầy tôi. Thầy tôi là người bận nhất trong các ngày tết, thầy phải ngồi phát lộc cho Phật tử từ sáng cho đến chiều. Thế mà đến tối thầy vẫn thực hành công phu niệm Phật đều đặn. Như lời thầy nói:

Mừng xuân thiên hạ vui chơi
Mừng xuân ta vẫn thời thời công phu.

Thầy thường nhắc nhở huynh đệ chúng tôi cần phải siêng năng tu học. Sự tu học là của mỗi người, tu là tu cho ta cho nên tinh thần tự giác là chủ yếu. Chúng tôi còn nặng nghiệp quá, hễ cứ rảnh là buông lung. Đôi khi cũng công phu nhưng lại còn nhiều giải đãi. Đúng là năm mới đến thì cái gì cũng phải mới, từ sự tu cho đến sự học. Đầu năm là thời gian giúp mỗi người hãy tự phản tỉnh một năm qua mình đã làm được gì, phản tỉnh để thấy lại bản thân ta đã tiến bộ hay chưa. Các Thiền sư thường nhắc:

“Cháo đến cơm đi chớ để tháng ngày che diện mục.
Chuông vang bảng dội thường đem sinh tử nhắc tâm tư.”

Người tu đón tết chỉ có thế. Ai làm được như vậy mới chính là người tận hưởng một mùa xuân đích thực.

Xuân đến, xuân đi là sự thay đổi của thời gian. Ta không gọi mời mùa xuân đến, ta không níu giữ khi mùa xuân đi qua, tất cả là quy luật muôn thuở của vạn vật, chỉ cần trong ta luôn đổi mới, luôn sống với tinh thần vô chấp thì xuân đến xuân đi có ý nghĩa gì.

Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Tết chùa – cái tết mang đầy âm hưởng vui tươi nhộn nhịp. Từ người đi hái lộc đầu xuân cho đến những người phụng sự, ai cũng mang niềm hân hoan trong chánh pháp. Chỉ có nơi đây mới hội tụ sự chân thật và tinh thần bao dung rộng lớn. Nếu có cơ hội mời bạn một lần ghé lại nơi đây để tận hưởng một mùa tết cổ truyền của dân tộc đầy ý nghĩa…

 

TÂM TIẾN