Nghi lễ Phật giáo trong đời sống tâm linh

Đạo Phật đến với dân tộc Việt Nam trên dưới 2000 năm như dòng suối nhẹ nhàng mang tinh hoa đạo mầu giải thoát từ nơi xứ Phật xa xôi về điểm tô cho đất Việt mến yêu thêm rạng ngời hương sắc.

Tâm nguyện lớn của chư Phật là độ khắp chúng sanh đạt thành quả giác, tùy căn cơ của chúng sanh mà Đức Phật mở bày nhiều phương tiện nhằm “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Sau khi Đức Phật diệt độ, chư Tổ thay nhau nối thạnh dòng Phật, truyền tiếp ngọn đuốc Chánh pháp soi nẽo vô minh, đưa chúng sanh lên bờ giải thoát.

Quý Ngài thường dạy hạnh nguyện cao cả của người xuất gia là “Thượng cầu, hạ hóa”. Hoằng pháp lợi sanh là hoài bão của kẻ xuất trần thượng sĩ. Phương tiện dẫn dắt chúng sanh thì nhiều, trong đó nghi lễ đóng vai trò quan trọng không kém.

Trước hết chúng ta định nghĩa hai chữ Nghi lễ.

- Nghi : Là phép tắc, cung cách, oai nghi, dung mạo thể hiện bên ngoài.

- Lễ : Là lề lối cư xử, cách thức thực hiện quy tắc tỏ lòng cung kính ẩn náu bên trong.

Từ xưa đến nay Nghi lễ Phật giáo có rất nhiều nghi thức nhằm mục đích truyền bá giáo lý nhà Phật, đi vào mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội để hướng dẫn mọi người cùng xây dựng cuộc sống an vui hạnh phúc.

Nghi lễ là một trong hai con đường gần gũi hữu hiệu nhất để dẫn dắt chúng sanh vào đạo.

1. Thuyết pháp để tuyên dương giáo lý Phật Đà, giảng giải cho mọi người cùng nghe, cùng tư duy tu tập, cùng giác ngộ chân lý mà phát quảng Bồ đề tâm, quy kính Tam bảo, làm lý tưởng để phụng sự nhân sanh. Con đường này phần đông là những bậc Thiện hữu trí thức có khả năng nghiên cứu giáo lý nhà Phật uyên thâm để rộng đường giáo hóa.

2. Con đường nghi lễ phát khởi từ mạch sống tâm linh thông qua các nghi thức, khoa Nghi trong Ứng Phú Đạo Tràng để cảm hóa tha nhân quy về Chánh đạo.

Sự thật mà nói đông đảo quần chúng đến với đạo Phật bằng những nhu cầu tín ngưỡng như cầu an, cầu siêu, ma chay, cưới hỏi, v.v…. Có những gia đình chẳng bao giờ đến chùa nhưng khi gặp hữu sự như có người thân qua đời, vì nhu cầu cúng tế, lễ nghi họ đến chùa thỉnh chư Tăng, Ni giúp lo việc hiếu sự và sau đó họ trở thành tín đồ nhà Phật .

Nghi lễ Phật giáo không chỉ nhằm khơi dậy mạch sống tâm linh mà còn hướng dẫn cải thiện cuộc sống hiện tại, trực tiếp tác động đến dòng sinh mệnh vô tận trải dài trong kiếp sống hiện tại và lai sinh như Khế Kinh đã từng dạy:

“Yếu tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị”.

(Muốn biết quả báo đời sau

Nhìn xem hành vi tạo tác của mình ở hiện tại).

Nghi lễ còn là bức thông điệp vượt thời gian mang niềm hân hoan của muôn loại từ ngàn xưa vang vọng mãi đến ngàn sau, như khi chúng ta thực hiện nghi thức Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan; bức thông điệp ngợi khen những ai lỡ lầm gây nên tội lỗi mà biết tỉnh ngộ ăn năn như thực hành nghi thức sám hối lạy Hồng Danh chư Phật nguyện bỏ các điều ác, nguyện làm các điều lành, phát tâm thành kính đối trước Tam bảo phát lồ sám hối.

Nhằm tấn đạo nghiêm thân làm người mô phạm cho đời, hàng đệ tử Phật phải luôn luôn giữ gìn oai nghi tế hạnh. Nhất cử, nhất động, đi, đứng, nằm, ngồi phải tuân thủ Thanh Quy, Lục Hòa Cộng Trụ để làm tốt đạo đẹp đời.

Nhằm nâng cao giá trị sự sống, thực hiện nếp sống văn minh, Đức Phật đã nói Kinh Thiện Sanh để dạy lễ nghi phép tắc trong sự đối nhân xử thế cho hàng Phật tử tại gia làm nền tảng xây dựng cõi Cực Lạc ngay trong đời hiện tại.

- Ở trong gia đình thì Ngài hướng dẫn cách thức dạy dỗ con cái phải hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ kính trên nhường dưới.

- Bổn phận trách nhiệm chăm sóc thương yêu dạy dỗ của cha mẹ đối với con cái.

- Phép tắc của chồng đối với vợ và ngược lại bổn phận của vợ kính trọng yêu thương chồng.

- Ngoài xã hội thì Ngài dạy phương pháp đối nhân xử thế giữa người trên và kẻ dưới v.v…

Đó là phép tắc, là lễ nghi thực dụng trong đời sống hằng ngày mà Đức Phật đã chỉ dạy để người Phật tử tại gia làm kim chỉ nam, hướng đến chân trời hạnh phúc.

Thiết nghĩ một gia đình có giáo dục lễ nghi là nhân tố tạo nên một xã hội văn minh, thịnh trị, đêm đêm nhà nhà không cần đóng cửa. Để đạt được mục đích tối thượng và phát huy những tinh hoa trong nghi lễ Phật giáo, đòi hỏi người thực hiện nghi lễ phải đầy đủ hai phương diện Trí tuệ và Hạnh nguyện hầu hướng dẫn Phật tử hiểu và thực hành đúng Chánh pháp làm tròn bổn phận “Báo Phật Ân Đức” thể hiện được câu: “Đạo Pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa”.

Để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, chúng ta cần phải mạnh dạn loại bỏ bớt những gì không còn phù hợp với bản sắc văn hóa Dân tộc, phát huy những mặt tốt trong các nghi lễ, cùng tham khảo chọn ra những phương án khả thi làm lối đi chung để nghi lễ Phật giáo là phương tiện tu tập thiết thực cho quần chúng, Phật tử, mang an vui hạnh phúc đến cho mọi người.

Tóm lại, Nghi lễ Phật giáo là một trong những nhân tố tạo thành những nét đặc thù cho nền văn hóa Dân tộc, góp phần xây dựng đời sống nhân sinh trên nền tảng Đạo Đức. Nên cần phải thống nhất ý chí, tạo lối đi chung cho nghi lễ ba miền cũng như nghi thức của các Hệ phái, phải làm thế nào cho thích nghi với thời hiện đại mà không đánh mất giá trị cao của chư Tổ lưu truyền, nhằm mục đích vừa phát huy vừa bảo tồn kho tàng nghi lễ Phật giáo./.

Đại đức Thích Hạnh Đạt

Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương