Học Trò Cũ

Trong một thoáng khi bước lên bục giảng sáng nay, tôi chợt gặp lại tôi của ngày xưa niên thiếu, lạc lõng chơi vơi với nỗi niềm “Thôi Hộ”: “Khứ niên kim nhật thử môn trung” – năm ngoái ngày này tại chốn này!  

 

 

              

          Tôi vốn có thú đam mê đồ cũ, thuở bé, hễ bất cứ thứ gì được sử dụng lâu ngày thì tôi đâm ra yêu mến một cách đặc biệt, áo cũ, đồ dùng cũ, bàn học cũ... lớn lên một chút lại có bạn học cũ, thầy cô giáo cũ, trường xưa lớp cũ... tất cả những gì thuộc về kỷ niệm mỗi lúc chạm vào đều khiến lòng tôi chấp chới, chênh vênh...

 

 

            Bao lâu rồi hồn trẻ thơ của lứa tuổi hoa niên tôi đã đánh rơi ngoài cửa lớp, cảm xúc hồn nhiên cũng nhạt nhòa qua những năm tháng đa đoan, thế mà chiều nay tôi chợt gặp lại chính mình của ngày xưa xa lơ xa lắc đang miên man giữa những cung bậc cảm xúc vơi đầy.

 

 

          

          Học trò ra trường.

Tôi “bặt tăm” sau kỳ thi tốt nghiệp, tôi lãnh đạm thờ ơ trước những chào hỏi ân cần, những ánh mắt thơ ngây bịn rịn. Chu đáo hơn, tôi còn sẵn sàng cho một chuyến đi xa dài ngày để không phải có mặt trong ngày lễ Tạ pháp. Thế nhưng, đến cuối cùng tôi lại chẳng thể dời chân, để giờ đây phải làm người ở lại, mà “làm người ở  lại thì có bao giờ vui!”

 

  

          

         Học trò rời trường, hành trang nặng trĩu, va li nào gói hết nỗi niềm ba năm dài buồn vui chất ngất? chuyến xe nào chở hết cho em những kỷ niệm ngây ngô của ngày xưa thân ái?

         Chiều nay một mình tôi trong căn phòng nhỏ nhìn ra cửa sổ, thấy học trò thơ thẩn đi từ chánh điện xuống vườn rau, chân bước ngập ngừng rồi tần ngần đứng bên giếng nước, ánh mắt rưng rưng ngước nhìn từng hàng cau, khóm mít, từng gốc sứ, cây xoài, từng bể nước hàng cây, đến dãy sào phơi đồ nơi giếng cũ.

 

 

       

            Học trò đi rồi, rẫy vườn im vắng, lặng thinh.

Đâu rồi tiếng cười đùa nhí nhố sau giờ cơm chiều nơi sân đánh cầu? Đâu rồi những bộ mặt căng thẳng, đi tới đi lui nơi vườn rau để “thực tập” trước mỗi buổi thuyết trình? Đâu rồi những huyên náo tạp âm khi học trò thi nhau tập tành làm "Kinh sư" sau sân nhà trẻ? Nào đâu những tiếng cười giòn, nào đâu những ánh mắt long lanh, xa thật rồi tôi ạ! Hương trà nào còn vương nơi đây bời bời nỗi nhớ, kẻ lên đường đã hóa chiếc ly không, “thôi thì thôi thế có ngần ấy thôi!

 

 

 

           Học trò đi rồi, con đường về phòng liêu mỗi ngày như dài ra, khoảng sân nhà tôi phút chốc bỗng rộng thênh. Học trò đi rồi cây xoài sau hè nhà phật tử cũng ngẩn ngơ buồn. Học trò đi rồi giờ tĩnh tọa của tôi mỗi sáng sớm không còn bị lao xao vì “đoàn quân thể dục.” Học trò đi thật rồi!

 

 

          

          Những ngày này, tôi đâm ra e sợ tiếng gõ cửa. Mỗi lần nghe tiếng gõ cửa, là tôi lại phải nhìn một học trò từ tạ ra đi. Học trò đến chào từ biệt, mắt rơm rơm nhìn xuống, can đảm nào mà nhìn lên cô giáo cũ! Người ở lại cũng chỉ nói vài câu chúc phúc rồi vội vội vàng vàng khép cửa. Học trò làm sao biết được khi cánh cửa chính khép lại cũng là lúc bức màn cửa sổ được vén lên, nước mắt không rơi mà trái tim hẫng nhịp, lòng nghe rười rượi, chông chênh...

 

 

          

            Hôm nay, tiếng gõ cửa vang lên từ rất sớm, vừa đủ để cô – trò chẳng phải nhìn quá rõ mắt nhau. Bé LH, người học trò cuối cùng rồi cũng chào từ giã. “Cô ơi, sao giờ phút này con muốn khóc quá!” cô giáo cười tỉnh khô: “thôi đi đường bình an nhé” rồi hấp tấp quay lưng mà lòng như sóng vỗ. Thế là người học trò cuối cùng nấn ná đến mấy rồi cũng ra đi. Ra đến đầu đường đợi đón xe cô bé còn tranh thủ mua ổ bánh mì “cột đèn” gởi vào tặng cô giáo cũ, ơi là học trò!

 

 

          

           Sáng nay, buổi lên lớp đầu tiên cho học trò khóa mới, với tay cầm sách mà dòng cảm xúc trong tôi ùa về như thủy triều, kỷ niệm xưa da diết, trì níu đôi chân... từng khuôn mặt thân quen, từng nụ cười hồn nhiên, từng ánh mắt long lanh hiện ra trước mắt, chỉ mới hôm qua đây, cũng con đường dẫn đến phòng học này.... mới đó mà đã trở thành “ngày xưa” mất rồi!

 

 

          Còn nhớ như in ngày đầu tôi đến lớp, một tràng vỗ tay liên hồi giòn giã vang lên chào đón bước chân cô giáo mới. Cứ mỗi lần chuẩn bị lên lớp là tôi lại hình dung ra vẻ mặt căng thẳng chờ đợi của học trò, nếu hôm nào cô giáo bước chân vào lớp với vẻ mặt tươi cười là nghe những tiếng thở phào nhẹ nhõm, hôm nào với nét mặt nghiêm nghị hoặc kiểm tra bài cũ thì không khí đặc quánh lại, đến nỗi hơi thở học trò cũng trở nên khẽ khàng, rón rén!

 

 

        

         

         Sáng nay, trên con đường đến lớp tôi nghe lòng mình lao xao, gợn sóng, bước chân tôi trên cầu thang vừa nặng nhọc lại vừa hấp tấp như khỏa lấp bao điều không thể gọi thành tên!

         Trong một thoáng khi bước lên bục giảng sáng nay, tôi chợt gặp lại tôi của ngày xưa niên thiếu, lạc lõng chơi vơi với nỗi niềm “Thôi Hộ”: “Khứ niên kim nhật thử môn trung” – năm ngoái ngày này tại chốn này! cũng lớp học đây, cũng bàn ghế đó, cũng bục giảng này, vẫn chiếc bàn giáo thọ kia, tất cả, tất cả không có gì thay đổi, nhưng nào đâu rồi  những học trò nhỏ thân thương năm cũ?

 

 

          

          Ánh mắt tôi lướt nhanh qua từng dãy bàn trước mặt, từ thư viện bước vào, tôi sẽ gặp ngay cô bé bốn mắt lí lắc HH, rồi nụ cười tươi rói như hoa mai buổi sớm của DN, cô bé thường xuyên giúp tôi lau bảng giữa giờ. Đứng trên bục giảng nhìn xuống, thuận mắt nhất vẫn là chỗ ngồi của cô bé lớp trưởng “bắc kỳ nho nhỏ” nghịch ngầm và rất đỗi thông minh, gần đó lại có cô nàng CV sáng dạ, phía trên một chút là CP – người học trò chăm chỉ, dễ thương, và học tốt nhất môn tôi...

 

 

          Nào đâu cái dáng lêu khiêu, cái giọng “chí chóe” của Q ‘cò’, nào đâu nụ cười nhu mì đằm thắm của bé  LH - LN - DN - TN ... cả cái vẻ lém lĩnh, đầu têu cho các trò "nhất quỷ nhì ma" của LH,  tinh thần hiếu học cần mẫn của PD, DL, NT,  v.v...và cả cô nàng “bé bự” DN nữa chứ!... “Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong”...

 

 

 

“Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.”

          Trong một thoáng hồn tôi rong rêu vào cõi mộng, trong một thoáng tim tôi như tan chảy, không gian như ngừng trôi và bước chân tôi bỗng muốn quay về! Ôi, câu niệm Phật sáng nay của tôi sao thiếu định lực đến thế này!

         Những ánh mắt ngỡ ngàng của gần trăm học trò mới đã kéo tôi về hiện thực.Tôi là ai mà sao sáng nay dịu dàng với học trò quá thể, tôi là ai mà sao nghe giọng nói mình hôm nay nhẹ hẫng, mênh mang?

 

         Mới sáng lên lớp, chiều về học trò cũ đã tí tách nhắn tin “phỏng vấn”: “cô ơi, học trò mới có dễ thương bằng học trò cũ không cô? Có giỏi hơn lớp con không cô?” rồi bỏ nhỏ dặn dò: “cô ơi, đừng quên chúng con!”

        Học trò chẳng biết thói quen uống trà của tôi, nước đầu lễnh loảng luôn được bỏ qua, nước hai mới chính là tách trà ngon nhất, đủ đậm đà, đủ hương vị để mà thưởng thức.

 

 

 

          “Dẫu xuôi về phương Bắc
           Dẫu ngược về phương Nam...”

          Mong lắm những người học trò cũ thành công, năm tháng phôi pha, kỷ niệm nhạt nhòa, nhưng bài Kinh “Lõi cây” tôi dành tặng lớp trong buổi học cuối cùng hy vọng học trò mãi khắc cốt ghi tâm.

 

  

        

           Tôi vốn có thú đam mê đồ cũ. Cái gì cũ cũng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, bình cũ, bạn cũ, và cả... học trò cũ!  tất cả những gì thuộc về kỷ niệm mỗi lúc chạm vào đều khiến lòng tôi chấp chới, chênh vênh...

 

Thiện Hòa 3/3/2011

TN. Như Bảo

Thân tặng các Ni sinh TC khóa VI

daitonglam.net