Nghi lễ Phật giáo gắn liền với văn hóa dân tộc

Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đến nay đã 30 năm, một phần tư thế kỷ đã đi qua, với truyền thống đoàn kết hoà hợp, tuân thủ nguyên tắc tổ chức, thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các Phật sự, với tinh thần xương minh đạo pháp, lợi lạc hữu tình, Tăng Ni cùng Phật tử đồng tâm nhất trí, vận dụng mọi tình huống khắc phục mọi khó khăn, chung lưng đấu cật gánh vác trọng trách, đặc biệt phát huy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng với Đảng và Nhà nước đưa đất nước Việt nam tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Để góp phần vào việc phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, ngàng Nghi lễ nói riêng, tôi xin nêu mấy vấn đề có liên quan đến lĩnh vực nghi lễ.

I. LỊCH SỬ NGHI LỄ PHẬT GIÁO

Từ khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, các nhà truyền giáo thời bấy giờ như Ngài Mâu Tử, Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực, Chi Khương Lương... ngoài việc phiên dịch kinh điển, thuyết pháp giảng kinh các ngài còn dùng những phương tiện nghi lễ, những pháp khí (chuông, trống, tang, đẩu, mỏ...) để hướng dẫn tín đồ hướng về Chánh pháp. Đó là tính chất đặc thù của Nghi lễ Phật giáo Việt nam, hành sự nhưng vẫn hiển lý và luôn giữ được bản chất thiền vị, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc. Những người hành trì đúng truyền thống Nghi lễ đã tạo cho mình một đời sống lý sự viên dung và tạo thành những giá trị của Nghi lễ “Phương tiện đa môn, quy nguyên vô nhị”. Nói cách khác, Nghi lễ và Hoằng pháp tuy hai mà một, nó song hành một cách thiết thực đi vào cuộc sống của Tăng Ni, Phật tử. Chúng ta vận dụng “Lý sự viên dung” để khai sáng đạo tâm, trang nghiêm quốc độ và dùng Nghi lễ chính thống để trang nghiêm tự thân khi giao tiếp, ứng xử sống đúng lẽ đạo, xóa tan tánh tự thị của một bộ phận Tăng Ni trẻ đang có chiều hướng chạy theo lợi dưỡng mà quên đi bản chất của người tu. Lại nữa, thực hiện đúng nghi lễ chính thống mới có cơ duyên nhiếp hoá lòng người và bài trừ những tập tục lạc hậu. Như vậy, Nghi lễ không chỉ là lễ nghi đơn thuần mà còn góp phần bảo vệ nền văn hoá phi vật thể Phật giáo và thuần phong mỹ tục của Dân tộc.

II. NGHI LỄ PHẬT GIÁO GẮN LIỀN VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

Phật giáo và Dân tộc luôn luôn gắn liền với nhau, do đó văn hóa Phật giáo gắn liền với nền văn hóa dân tộc một cách hài hòa, trải dài, xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử. Do ảnh hưởng âm nhạc của mỗi vùng miền, từng địa phương mà Nghi lễ Phật giáo từ phong cách nhạc điệu, giọng tán giống như âm nhạc của địa phương đó. Ví dụ: ở miền Trung có phong cách tán tụng giống như hò mái đẩy, Nam bình (Huế), miền Nam thì giống vọng cổ, miền Bắc giống Quan họ, ca trù. Hiện nay, xã hội phát triển mọi mặt về kinh tế, chính trị, khoa học kỷ thuật, vì lẽ đó, đòi hỏi Phật giáo phát huy hết vai trò sẵn có của mình trong mọi lĩnh vực để bảo vệ, xây dựng và phát triển Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, nhất là bảo tồn và nâng cao những giá trị ưu việt, những nét đẹp của văn hóa Phật giáo về cả sắc tướng lẫn tâm linh để cùng song hành với nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Vì thế, Nghi lễ Phật giáo trong giai đoạn lịch sử hiện đại đóng vai trò quan trọng không thể thiếu, nhất là khi con người thực hiện nghi lễ góp phần cho sự cấu thành nét đẹp hài hòa của Phật giáo Việt Nam vào vườn hoa văn hóa của Đất nước và Nghi lễ không còn là phương tiện để chuyển tải tâm linh, đưa người vào đạo nữa mà phải là một pháp môn tu học để đạt ngộ chân như Phật tánh bằng sự rung cảm tâm linh. Bởi định tính của Nghi lễ luôn là sự rung cảm, nên Nghi lễ là một trong những con đường đưa hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát nhanh và êm đềm nhất.

III. CÁC YẾU TỐ QUAN TRỌNG CỦA NGHI LỄ

1./ Người hành lễ :

Là người trực tiếp thực hiện nghi lễ hoặc là người trực tiếp truyền bá nghi lễ phải hội đủ ba phẩm chất đạo đức và đạo lực:

· Có Thanh văn tướng trang nghiêm.

· Có chiều sâu về quá trình tu tập tâm linh.

· Có kiến giải uyên thâm về chuyên môn nghi lễ.

2./ Đối tượng của Nghi lễ:

Chính là đối tượng mà nghi lễ hướng đến phục vụ hay nói cách khác là những giới, người có nhu cầu về nghi lễ. Do vậy, đối tượng của Nghi lễ trong xã hội theo diện rộng bao gồm: Người xuất gia, tại gia, Phật tử hay không phải Phật tử. Tuy nhiên, điều quan trọng là đối tượng nghi lễ nhất thiết phải có thành ý, có tâm và có lễ nghi. Đây là trách nhiệm và vai trò của người thực hành nghi lễ và người truyền bá nghi lễ, phải tạo dựng cho được ba yếu tố trên nơi đối tượng nghi lễ thì khi đó giá trị sâu sắc của nghi lễ mới thực sự có hiệu quả thiết thực.

3./ Nội dung Nghi lễ:

Gồm có nghi thức và nhạc lễ. Nghi thức là loại hình nghi lễ tán tụng, ca ngâm... còn gọi là văn chương về lễ nghi. Nói cách khác là lễ văn được biên soạn kỹ lưỡng, bài bản và khoa học; Nhạc lễ tức là âm nhạc biệt dụng cho lễ tế hay còn gọi là lễ nhạc cũng được tinh chọn sao cho hài hòa với từng loại nghi lễ thích hợp, thiền vị sâu lắng.

Đây là ba yếu tố chính yếu làm nên nghi lễ Phật giáo, quyết định sự tồn vong của Nghi lễ Phật giáo, mỗi yếu tố có những phẩm chất riêng biệt nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết và vô cùng chặc chẽ, vì đây là Pháp môn phải có quy tắc cụ thể.

Vì sự trang nghiêm của Giáo hội, vì sự bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, tôi xin nêu một vài ý kiến như sau:

1./ Việc thống nhất nghi lễ là cần thiết, song chúng ta phải thống nhất nghi lễ trong lĩnh vực nào? Có những lĩnh vực nghi lễ chưa thể thống nhất được. Vì Đạo Phật truyền vào đất Việt qua nhiều con đường Nam truyền, Bắc truyền, mỗi Tông phái, Hệ phái có khác nhau về nội dung lẫn hình thức và ảnh hưởng văn hóa của từng địa phương nên nghi lễ từng vùng miền cũng khác biệt, âm sắc nghi lễ đã đi vào tâm thức của người dân địa phương đó nên khó có thể thay đổi. Ví dụ: Lễ cầu siêu, trai đàn chẩn tế của miền Nam rất khác với miền Trung và miền Bắc, các khoa nghi khác cũng thế.

Để thống nhất Nghi lễ phù hợp trong quá trình phát triển chung, Ban Nghi lễ Trung ương cần tổ chức giao lưu nghi lễ giữa các Hệ phái, các vùng miền với nhau để chọn lọc, đúc kết những điểm chung để hình thành nên Nghi lễ chung của Phật giáo Việt Nam.

2./ Nghi lễ đóng vai trò quan trọng làm nên nét đẹp Phật giáo, nhưng hiện nay không ít những hoạt động Nghi lễ đảo ngược vị trí của nó từ phương tiện biến thành cứu cánh, tạo ra những ranh giới kém lành mạnh giữa sinh hoạt nghi lễ với những tâm hồn thiếu quán triệt và khách quan. Đây là vấn đề cần được Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện cùng với Ban Nghi lễ Trung ương quan tâm chỉ đạo và có những quyết sách kịp thời khi phát sinh vấn đề vượt ngoài phạm vi Nghi lễ truyền thống của Phật giáo.

3./ Một yêu cầu đặt ra là “Việt hóa kinh tụng”, rất cần thiết. Vì đa phần kinh sách đọc tụng của chúng ta là âm Hán và Pali, khiến cho Phật tử đọc tụng kinh mà không hiểu ý kinh nói gì. Nên chăng, chúng ta mạnh dạn Việt hóa kinh đọc tụng của Phật giáo bằng tiếng Việt để cho Phật tử Việt nam hiểu biết Phật pháp một cách dễ dàng và góp phần đẩy lùi nạn mê tín dị đoan. Đây không hẳn chỉ mục đích đơn thuần là tạo sự thông hiểu nội dung và ý nghĩa trong văn tự, mà còn là việc làm mang tính nêu cao tính độc lập và giữ gìn quốc hồn và quốc túy .

4./ Những văn hoá phẩm Phật giáo, nhất là kinh sách, băng đĩa thuyết pháp, băng tụng kinh khi ấn hành phải được quản lý theo quy định, nhằm tránh trường hợp một số cá nhân tự ý sửa đổi hoặc thêm bớt rồi in ấn phát hành tùy tiện, không có sự hiệu đính của Giáo hội. Từ đó tạo sự ngộ nhận của Tăng Ni, Phật tử và những nhà nghiên cứu. Xin kiến nghị các cấp lãnh đạo Giáo hội có ý kiến chính thức với Cục xuất bản, những kinh sách, văn hoá phẩm Phật giáo khi các cá nhân in ấn phải có sự đồng thuận và giới thiệu của cơ quan Giáo hội.

5./ Nghi lễ, thật sự đã góp phần tạo nên một sắc thái văn hóa Phật giáo và cũng chính nghi lễ là một phương tiện hoằng pháp rất hữu hiệu. Vì thế một tu sĩ Phật giáo, cho dù ở bất kỳ vị trí nào, cũng không thể không hiểu biết và hành trì được nghi lễ. Muốn vậy, Trung ương Giáo hội, Ban Nghi lễ Trung ương cần phải đưa bộ môn Nghi lễ vào chương trình giảng dạy chính thức của các Trường Phật học trên cả nước.

6./ Hưởng ứng Chỉ thị số 27- CT/TW của Bộ Chính Trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ tập tục đốt vàng mã trong dân gian. Phật giáo là tôn giáo gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt Nam, Trung ương Giáo hội và Ban Nghi lễ Trung ương cần có những giải pháp cùng với các cấp lãnh đạo Nhà nước bài trừ hủ tục này.

Với những giải pháp vừa đề xuất, hy vọng Ban Nghi lễ Trung ương cùng với các cấp Giáo hội, sẽ hoạch định một chiến lược lâu dài trong các Phật sự và có biện pháp đối với những vấn đề mà tôi đã nêu. Với trách nhiệm và bổn phận của một đệ tử Phật, tôi mạo muội đề xuất một vài phương án nêu trên, tin tưởng rằng sẽ có những quyết sách hợp lý cho công tác Phật sự sắp đến.

HT. Thích Huệ Minh