Cánh đại bàng

 

Mấy năm gần đây, những thiên tai bất ngờ trên khắp thế giới mà sức tàn phá ngày càng khốc liệt, là thông điệp cảnh báo nghiêm trọng của thiên nhiên trước sự lạm dụng của con người. Xứ này phá rừng, xứ kia vét biển, nơi này đập núi lấy đá, nơi kia lấp sông làm nhà; nam bắc ra sức khoan dò, đào sới tìm bí ẩn của thiên nhiên, rồi đông tây mặc tình thải khí độc, tuôn rác rưởi … những chất liệu mà biển chẳng thể tiêu hóa, đất chẳng thể chôn vùi! Thiên nhiên tuy mênh mông nhưng sức chịu đựng nào chẳng có giới hạn. Lời cảnh báo nhè nhẹ là hiện tượng khí hậu bất thường. Âu châu đông đá, Á châu tuyết phủ, ở những thời điểm chưa từng như thế, trước đây. Cũng đã có biết bao người quan tâm, lên tiếng kêu gọi và đưa ra những phương thức bảo vệ trái đất chung, nhưng tỷ lệ đáp ứng chẳng bao nhiêu vì bản chất con người vốn tự tin lạ kỳ “không xảy ra cho tôi, sao tôi phải giảm bớt sự hưởng thụ?” Khác chi, những người đi dự đám tang, tuy thẳm sâu tâm thức, phải chấp nhận có sinh là có tử, nhưng vẫn nhìn người nằm trong quan tài bằng sự thương xót của người “không bao giờ phải nằm trong đó!”

 

Trên chuyến bay hướng về Paris, nơi trước đó mấy ngày đã được thông báo là có thể bị đình trệ nếu thời tiết quá khắc nghiệt, lòng tôi chợt ấm áp với lời nhắn nhủ của Sư Ông Làng Mai “Thế kỷ 20 đầy vị kỷ. Thế kỷ 21 phải đầy tình thương để cùng nhau Leo Đồi Thế Kỷ”

 

Chúng tôi tới tham dự Đại Giới Đàn Lắng Nghe, tại Làng Mai, Pháp quốc, bắt đầu từ 20 tháng hai, 2011 tới 26 tháng hai, 2011. Theo thông lệ của Làng thì thời điểm hoàn mãn Đại Giới Đàn cũng là lễ Tự Tứ kết thúc An Cư Kiết Đông ba tháng, bắt đầu từ trung tuần tháng mười một năm trước, tới cuối tháng hai, năm kế tiếp.

 

Bóng áo nâu thấp thoáng các phi trường Charles De Gaulle, Bordeaux; nhất là tại nhà ga Sainte Foy-La-Grande, khi tăng đoàn đi đón Chư Tôn Đức từ khắp nơi về tham dự, và chứng minh. Sân ga, phút chốc tràn ngập mầu áo nâu, an nhiên từng bước thong dong. Người bản xứ, chắc đã từng thấy hình ảnh này, nên họ mỉm cười, chắp tay cung kính xá. Tôi có cảm tưởng, nếu bất ngờ, Sư Ông ngồi xuống, rồi cất lời ban pháp, thì họ cũng sẽ hoan hỷ ngồi xuống. Rồi những con tầu sẽ dừng lại, còi tầu sẽ lặng thinh để cùng sân ga hóa thân thành một giảng đường lộ thiên. Và lời Đức Thế Tôn được trùng tuyên, giao rảng.

 

 

Quán chiếu sâu xa thì hình ảnh đó, âm thanh đó chưa từng ngưng chuyển động. Hai mươi sáu thế kỷ qua, sự hoằng pháp vẫn chảy như con suối, các tăng đoàn vẫn đi như dòng sông. Có khác chăng chỉ là hình thức, mà hình thức chỉ là phương tiện, và phương tiện chỉ là chiếc bè đưa ta qua sông. Hình thức và phương tiện lại cần được uyển chuyển qua mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại, cập nhật với những bước tiến quá nhanh của văn minh nhân loại thì chiếc bè kia mới đủ sức mời gọi người bước xuống.

 

Ai tu, nấy chứng, mà cũng phải mời gọi ư?

           

Có chứ. Mời gọi là vì lòng từ bi. Đức Phật A Di Đà, chẳng những chỉ mời gọi mà Ngài còn quá lân mẫn, qua lời dạy Xá Lợi Phất mà dỗ dành chúng sanh “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn, kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ”

 

Mỗi lần tụng tới đoạn kinh này, tôi tưởng như đang nghe lời ân cần của một người mẹ: “Chẳng phải chỉ có chút ít căn lành mà được sanh về xứ Phật đâu! Các con ơi, hãy niệm danh hiệu Phật, một lòng không tạp loạn thì phút lâm chung sẽ được Chư Phật đến tiếp rước. Niệm bảy ngày không nổi thì sáu ngày, năm ngày, bốn ngày; mà vẫn không được thì ba ngày, hai ngày; hay thôi, một ngày vậy nghe con …”

 

Chư Phật từ bi và kiên nhẫn như thế. Chỉ cần chúng sanh quyết tâm xuống thuyền, vượt bể khổ, qua sông mê.  

 

            Hãy bỏ lại trên bờ những uế nhiễm, não phiền.

            Hãy thở sâu. Thở nhẹ.

            Hãy lắng nghe ta, bằng chính hơi thở chánh niệm của ta.

            Ta biết ta đang thở, mới là ta đang sống.

 

Hạnh phúc là biết ta đang sống. Vì có sự sống, ta sẽ có tất cả. Sự sống hiện diện ở đây là sự sống từ hơi thở chánh niệm. Sự sống này mới giúp ta biết trân quý mình và người.

           

Thở, và lắng nghe, để đích thực có mặt cho nhau thì đây mới là sự có mặt tuyệt đối và sự có mặt này mới vượt qua mọi ranh giới của mầu da, sắc áo cùng những dị biệt vi tế ẩn sau bản ngã.

 

Hôm nay, sự có mặt này đã hiển lộ rực rỡ trong Đại Giới Đàn Lắng Nghe, hiển lộ tự nhiên như mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, không cần một ngôn từ nào diễn giải hay yểm trợ. Nhưng để đáp tấm lòng bạn hằng theo dõi, nên tôi xin chia sẻ chút cảm nghĩ riêng mà thôi

 

Này bạn.

 

Đây là Xóm Thượng. Từ thiền đường Chuyển Hóa, tiếng chuông, khánh điểm nhẹ, Chư Tôn Đức cung nghinh Giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa dưới hai tàn lọng, nối bước là quý thầy cô, đi theo tuổi hạ. Con rồng vàng nhẹ nhàng uốn khúc, tiến lên thiền đường Nước Tĩnh, nơi âm vang của chuông trống Bát Nhã đang rộn rã đón chờ. Trời không lạnh lắm, vì gió Xuân đến sớm, vờn quanh những nếp y vàng để lắng nghe.

 

           

Lắng nghe.

           

Gió trên đồi nghe và thấy những gì?

           

Gió thấy, không chỉ mọi mầu da trong đoàn tăng ni đang uy nghiêm mà an lạc, thong dong mà vững chãi tiến bước kia, mà đại chúng đông đảo hai bên nghênh đón cũng hiện diện mọi sắc tộc. Họ từ bốn phương trời về đây vì đã lắng nghe được lời mời gọi. Họ đã bỏ lại gánh phiền não, để nghe cho rõ, nhìn cho sâu, cùng với không gian thênh thang, mỉm cười, và an lạc cất bước.

 

 

Suốt thời gian Đại Giới Đàn, trước mỗi thời, họ được nghe lời dâng hương và tụng kinh Bát Nhã bằng ba ngôn ngữ, hoặc Anh, Việt, hay Pháp. Âm thanh trầm bổng mà hùng tráng lạ kỳ. Đây là bản hòa tấu tuyệt vời, đi thẳng vào trái tim người tụng cũng như người nghe, để cùng trực nhận chúng ta đang chỉ là một

 

“The Bodhisattva Avalokita while moving in the deep course of perfect understanding, he light on the five skandhas and found them equality empty. After this penetration, he overcame ill-being …

 

Bồ Tát quán Tự Tại. Khi quán chiếu thâm sâu. Bát Nhã Ba La Mật. Tức diệu pháp Trí Độ. Bỗng soi thấy năm uẩn. Đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong. Ngài vượt thoát tất cả. Mọi khổ đau ách nạn …

 

Le Bodhisattva Avalokita en pratiquant la voie de la compréhension parfaite, posa son regard éclairé sur les cinp skandas et les trouva pareillement vides. Après cette pénétration, il dépassa toute souffrance …”

 

Buổi chiều, ngày khai đàn, là lễ truyền Ngũ giới. Khi vị chủ lễ cất tiếng mời các giới tử đứng lên, tiến về Phật đài thì đa số đại chúng đông đảo phía dưới đã tuần tự đứng lên.

 

Thật cảm động và kinh ngạc.

 

Thì ra họ từ muôn phương lặn lội tới đây chẳng phải chỉ tham dự mà còn để được thọ nhận Năm giới luật căn bản của người xin làm con Phật. Họ bước rất khoan thai, quỳ lạy rất thuần thành, cung kính theo từng tiếng chuông hướng dẫn.

 

 

Với khối lượng đông đảo giới tử mọi sắc dân nên lời truyền giới cũng được thực hiện bằng ba ngôn ngữ chính là Việt, Pháp, Anh. Thật hiếm thấy nơi nào lại có hình ảnh đặc thù trong lễ quy y Tam Bảo như thế. Tự hình ảnh này đã nói lên tinh thần bình bẳng của Đạo Phật, nói lên cái tâm là họa sỹ của chính mỗi người. Họa sỹ đó hướng về cảnh trí nào mà phác họa thì người sẽ nương cảnh đó mà tới.

 

Vậy tại sao họa sỹ kia không chỉ vẽ cảnh đẹp, cảnh thiện, mà còn khi là cảnh xấu, cảnh ác?

 

Đó là bởi chúng sanh đã từng tạo nghiệp ác, gieo duyên xấu nên cái tâm còn vướng theo nghiệp đó mà đi. Khi vừa Giác Ngộ, Đức Thế Tôn đã nhìn rõ, mọi chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ bởi vô minh che lấp mà thôi, nên Ngài đã ở lại ta-bà, nguyện giáo hóa và độ cho những ai còn độ được.

 

 

Đại Giới Đàn Lắng Nghe, đã theo dấu chân Như Lai mà thể hiện từng bước như thế. Từ lễ truyền Ngũ giới cho đại chúng ở thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng, tới lễ truyền giới Thức Xoa cho các Sa-di-ni ở thiền đường Hội Ngàn Sao, Xóm Hạ,  rồi lại lên Xóm Thượng với ngày truyền giới Khất- sỹ- nam, Khất- sỹ- nữ, và cao hơn, là lễ truyền Đăng tại thiền đường Trăng Rằm cho các vị đã được hội đồng duyệt xét cẩn thận sau nhiều tháng năm, đủ vững chãi để trở thành những vị Giáo thọ.

 

 

Trong không khí cực kỳ trang nghiêm, nhìn đoàn giới tử xin thọ giới Khất sỹ được xướng danh, tiến về bàn Phật, lạy Phật, rồi cùng quỳ xuống, thành khẩn lắng nghe lời đàn hạch của vị ni trưởng Yết Ma, mới cảm thông lời phát nguyện của họ là cội phước đã gieo trồng và tưới tẩm mới tới ngày được thọ nhận Y Bát trước hai hàng Chư Tôn Đức uy nghiêm như thế, chứng minh cho:

Đẹp thay áo giải thoát

Áo ruộng phước nhiệm mầu

Con cúi đầu tiếp nhận

Đời đời nguyện mang theo.

 

 

Và cùng cung kính nâng bình bát ngang trán, thầm đọc bài kệ đã từng đọc mỗi khi thọ trai:

Bình bát của Như Lai

Nay được nâng trên tay

Nguyện hết lòng thực tập

Pháp tam luân không tịch.

 

 

Trở về thiền đường Trăng Rằm là lễ truyền Đăng. Được hiện diện trong không gian đó, được thở không khí đó, được theo dõi bước chân từng vị Giáo thọ tương lai chậm rãi tiến đến trước Sư Ông, quỳ xuống, dâng kệ kiến giải, nhận đèn Chánh pháp, nhận kệ trao truyền, mới thấy rõ được sức mạnh của những dòng sông đang cùng chảy ra biển lớn.

 

 

Bạn ơi, bạn sẽ cảm thấy gì khi nhìn một giới tử, gốc Do Thái, quỳ trước vị Thiền sư truyền giới, người Việt Nam, để đọc bài kệ kiến giải của mình bằng tiếng Do Thái? Riêng tôi, tôi cảm nhận là vị đó đã không phụ đất nước mình, tổ tiên mình, qua hình thức dùng ngôn ngữ chưa được phổ thông trên toàn cầu để dâng bài kệ kiến giải lên Chư Phật. Đó phải chăng, không chỉ là xin đất nước, tổ tiên chứng minh, mà còn là sự mời gọi gia đình huyết thống về với gia đình tâm linh mà vị đó đã có cơ duyên gặp được.

 

Lạ thay, bài kệ kiến giải bằng tiếng Do Thái lại được Sư Ông trao kệ truyền đăng bằng tiếng Hán. Sư Ông bảo “Tự nhiên chữ Hán hiện ra. Thế thôi!”

 

 

Rồi cứ thế, bài kệ tiếng Việt cũng “tự nhiên” hiện ra để trao cho thầy Pháp Đệ, người Hoa Kỳ. Nếu tôi nhớ không lầm thì trước khi hội đủ duyên đến với đạo Phật, Thầy đã từng là một Linh mục, nên bài kệ Sư Ông trao cho thầy Pháp Đệ như vầy:

Pháp thiêng nuôi dưỡng tình huynh đệ

Kết hợp đông tây một giải đồng

Thế giới đi về phương hướng ấy

Suối nguồn tuệ giác đã khai thông

 

Và tiếp tục lễ truyền đăng, kệ tiếng Việt lại được đọc lên, trao cho cư sỹ Giác Uyển (Steffi Holtjie) người Hòa Lan:

Giác hoa vừa hé trong thiền uyển

Áo mới xuân về đẹp sắc xuân

Thuyền xưa lướt sóng tìm chân tế

Mây trắng về non thấy cội nguồn

 

Cũng tình cờ, kệ tiếng Hán lại được trao cho cư sỹ Mật Chiếu (Denise Bergez) người Đức:

Tuệ nhật miên mật chiếu

Từ nhãn thị nhân gian

Bộ bộ trước thật địa

Xúc xứ phóng hào quang

 

Và có những vị tân giáo thọ người Việt, được trao kệ tiếng Việt, cũng là do khi ấy tiếng Việt tự nhiên tới mà thôi (Thưa Sư Ông, có phải thế không ạ?) Chẳng hạn như cư sỹ Chân Minh, người phụ trách trang mạng Phù Sa. Trước khi đọc kệ, trao đèn, Sư Ông đã ưu ái giới thiệu Chân Minh như một chiến sỹ can trường, đã dũng cảm dùng toàn trí lực, toàn thời gian để cập nhật và phổ biến tin tức về pháp nạn Bát Nhã khi nơi này bị quyền lực đương thời thẳng tay đàn áp! Cũng nhờ sự chuyển đạt thông tin nhanh chóng của trang mạng này mà dư luận toàn cầu đã nhìn thấy tận mắt những gì cực đẹp cũng như cực xấu trong biến cố lịch sử này. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thế giới đã cảm phục và yêu thương, giang rộng tay đón nhận những đứa con bị đánh đuổi ra khỏi đất mẹ!

 

Suốt thời gian biến động đó, Phù Sa thường xuyên bị đánh phá, cá nhân người phụ trách nhận nhiều lời hăm dọa, bị ngộ nhận là một cơ phận của Làng Mai, trong khi Phù Sa chỉ là nhóm thông tin hoàn toàn tự lập và độc lập. Nhưng Phù Sa đã không nao núng, cũng chẳng cải chính, chỉ thấy những gì đáng nói thì nói, đáng làm thì làm thôi. Hôm nay, trước đông đảo Chư Tôn Đức khắp năm châu về chứng minh, trước Tăng thân và đại chúng, Chân Minh đã thẳng thắn xác nhận quan điểm của mình, khi thành kính nhận đèn truyền đăng với bài kệ nhắn nhủ:

Chân nghĩa không quản ngại

Quang minh đường lớn đi

Nguyền xưa nay trọn vẹn

Một lối thênh thang về

 

Chẳng phải những nét đặc thù chỉ dừng lại ở đấy, mà năm nay, trong số tân giáo thọ, sư cô Đắc Nghiêm đã lên nhận đèn trong hình ảnh tuyệt vời của ba thế hệ tinh chuyên tu tập. Thân mẫu của sư cô là sư cô Hiền Hải, tu trên tu viện Lộc Uyển đã hơn mười năm, được các thầy cô trên đó yêu thương, đặt biệt danh là “Sư ngoại, thiên thần quét lá” vì sư ngoại thường siêng năng quét sạch lá rừng quanh thiền đường và tịnh xá. Sư ngoại là câu trả lời cho bài hát “Đố ai quét sạch lá rừng. Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”. Con trai của sư cô chính là thầy giáo thọ Chân Pháp Uyển. Năm trước, khi lên nhận đèn, thầy Pháp Uyển đã đọc bài kệ kiến giải của mình bằng bốn ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt và Nhật. Bài kệ của thầy, bằng Việt ngữ như vầy:

Đứng yên giữa cuộc bão giông

Nhìn sâu, hiểu rõ ngọn nguồn thế gian

Ra vào ba nghiệp tịnh an

Đóa hoa tuệ giác trong lòng nở ra.

 

Duy tuệ thị nghiệp có đâu xa! Chỉ vài nét chấm phá cũng có thể thấy, với một Đại Giới Đàn mở rộng mọi cánh cửa như thế, tự thân nơi chốn này đã lung linh thiền vị của Vô Môn Quan.

 

Cửa không cánh cửa mới thực là cửa Phật.

 

Còn nhớ, khi được thỉnh ý đặt tên cho thiền đường Bát Nhã ở Việt Nam, lúc mới thành lập, Sư Ông im lặng giây lát, rồi buông ba tiếng: “Cánh Đại Bàng”. Có vị hiện diện hôm đó đã thưa: “Đại Bàng bay cao lắm, xa lắm, lỡ bay mất luôn thì sao ạ?”

 

 

Quả thật, giữa muôn điểu, chỉ đại bàng mới có thể soải cánh bay xa, và đại bàng vỗ cánh là để tới khắp mọi phương trời cao rộng chứ mất đi đâu được!

 

Trong tinh thần đó, bạn ơi, bằng tâm thảnh thơi hòa ái, hãy nhìn và lắng nghe xem, có phải như muôn chim từ tám hướng mười phương tụ về, nhận những hạt lành để rồi sẽ tung cánh thật cao, thật xa, rải những hạt ấy khắp đại địa với tâm nguyện hạt lành này sẽ trổ hoa trái tình thương, cho thế giới thanh bình, chúng sanh an lạc.

 

 

Xin chào mừng những Cánh Đại Bàng, vẫn kiên cường, âm thầm tiếp nối đến và đi khắp năm châu, để những lời thuyết pháp năm xưa còn được truyền mãi, trong nắng và trong gió.

 

Huệ Trân

(Đại Giới Đàn Lắng Nghe 02/20/11 - 02/26/11 Làng Mai, Pháp quốc)

Theo phusaonline