KỸ NĂNG HOẰNG PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN NỀN TẢNG TU HỌC VÀ KỸ NĂNG TỔ CHỨC

 

Hoằng pháp nghĩa là làm cho nhiều người thâm tín Phật Pháp, thực hành Phật Pháp:

Để cho nhiều người có thể thấm nhuần Phật Pháp, ta phải có nhiều phương pháp, phương tiện, kỹ thuật, nghệ thuật để triển khai Giáo lý đến với từng người, đến với nhiều nhóm người, đến với nhiều cộng đồng. Cách thức đưa Giáo lý đến với mọi người như thế phải đạt hiệu quả cao, khiến cho mọi người có cảm xúc chấp nhận Phật Pháp, hướng về Phật Pháp, thực hành Phật Pháp lâu dài.

Cách thức căn bản và phổ thông nhất là có một vị Giảng sư trực tiếp dùng ngôn ngữ để thuyết trình cho các khán thính giả nghe một cách sống động. Từ nghìn xưa, thuyết giảng trực tiếp là loại hình Hoằng pháp chủ yếu nhất.

Cách thức gần gũi kế tiếp là trình bày giáo lý qua các bài viết và tìm cách đưa cho nhiều người đọc. Loại hình này cần phải có sự phát triển của chữ viết, kỹ thuật in ấn, kỹ thuật làm giấy đóng sách.

Đến thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ như hiện nay thì nhiều phương pháp mới xuất hiện giúp đưa Giáo lý dễ dàng đến với nhiều người hơn như Phim ảnh kỹ thuật số, Âm thanh kỹ thuật số, Internet, Máy điện toán, Đài phát thanh phát hình, Vận chuyển tốc hành.

Dù kỹ thuật thế nào đi nữa, ban đầu vẫn phải có con người diễn tả Giáo lý qua Ngôn ngữ cái đã. Ta gọi vị diễn tả Giáo lý qua ngôn ngữ này là Giảng sư, Giáo thọ sư, Hoằng pháp viên vân vân… Có Giáo lý hiện ra hình thức ngôn ngữ rồi- Nói hoặc Viết- thì sau đó mới tính đến việc dùng một phương tiện nào để đưa Giáo lý đó đi đến nhiều người.

Chính vì Ngôn ngữ hầu như là hình thức chủ yếu để truyền bá Giáo lý nên phong cách diễn đạt ngôn ngữ, thần thái biểu hiện qua ngôn ngữ, nội dung chứa đựng trong ngôn ngữ, phải đạt được sức mạnh cuốn hút thuyết phục đặc biệt.

Để có sức mạnh cuốn hút đó, vị Giảng sư phải có bản lĩnh Tu Học nhất định. Chính nền tảng Tu Học nhất định đó khiến cho nội dung, thần thái, phong cách của bài giảng chinh phục tâm hồn người tiếp xúc rất cao.

Tu Học nghĩa là Tu và Học, hay nói đúng trình tự hơn, là Học và Tu, Học trước cho nắm vững đường lối, và sau đó là thực hành Tu tập để chuyển hóa nội tâm.

Như vậy, Học để biết cách mà Tu cho đúng phải là mục đích chính của người đệ tử Phật. Mặc dù việc Học sẽ có thêm vài kết quả phụ như Bằng cấp, Học vị, Bạn bè, Quan hệ xã hội, Kiến thức rộng rãi vân vân… nhưng mục đích chủ yếu vẫn là Học để biết cách mà Tu. Người làm công việc Hoằng pháp, hơn ai hết, phải nắm vững mục đích này, Học để Tu, còn mọi kết quả khác không đáng bận tâm.

Tu chính là chuyển hóa nội tâm sao cho càng lúc càng đến gần với trạng thái Vô ngã. Dĩ nhiên ta không phải nhắc lại ở đây Vô ngã là gì, tu làm sao để được Vô ngã, vì ai đã tham gia công việc Hoằng pháp đều phải đã biết qua những vấn đề này cả rồi. Chúng ta chỉ xác định lại một lần nữa rằng Tu chính là chuyển hóa nội tâm tiến về Vô ngã.

Dĩ nhiên trên con đường tiến về Vô ngã lại cũng có những kết quả phụ hiện ra như Trí tuệ, Thần thông, Kiến giải phi thường, Năng lực tâm linh vượt bậc vân vân… nhưng ta cũng không được quan tâm đến các kết quả phụ đó, chỉ hướng đến Vô ngã mà thôi.

Chính bản lĩnh Tu Học này làm nên chất lượng cao cho các bài giảng hoằng pháp. Vì thế, người làm công tác hoằng pháp phải thường xuyên trau dồi công phu Tu Học một cách chuyên sâu chân thật.

Điều quan trọng thứ hai liên quan đến công tác Hoằng pháp chính là kỹ năng Tổ chức:

Người làm công tác Hoằng pháp phải giỏi về kỹ năng Tổ chức, vì để có thể đưa Giáo lý đến với nhiều người, để có thể giúp cho nhiều người tiếp cận với Giáo lý, ta phải làm nhiều công việc khác nữa. Không phải khi không tự nhiên mà nhiều người biết đi đến giảng đường để nghe thuyết pháp, nếu không có ai đã giới thiệu, quảng bá, dẩn dắt.

Khi đến giảng đường cũng không thể ngồi nghe thoải mái nếu không có ai tổ chức, sắp xếp, tiếp đón, trang trí, bày biện kỹ thuật âm thanh màn hình vân vân…

Đó chỉ là việc tổ chức một buổi giảng pháp trực tiếp, còn nếu ta tổ chức các loại hình Hoằng pháp khác như Tổ chức lớp học dài ngày, xuất bản báo chí, sản xuất ấn phẩm sách, sản xuất sản phẩm Kỹ thuật số Đĩa Băng nghe nhìn, tổ chức các Đạo tràng tu tập, tổ chức các nhóm thanh thiếu niên học Phật vân vân… thì còn đòi hỏi kỹ năng Tổ chức cao hơn rất nhiều.

Đó là ta chưa nói đến kỹ năng đối phó với những trường hợp chống phá công tác Hoằng pháp mà ta đang thực hiện, lại còn khó khăn phức tạp hơn vạn lần. Nhưng đó là phạm vi của chuyên đề khác.

Kỹ năng Tổ chức luôn luôn đồng hành với công tác Hoằng pháp. Giáo hội cần cho tập huấn kỹ năng Tổ chức cho các vị làm công tác Hoằng pháp để việc hoằng pháp được hiệu quả hơn.

Kỹ năng Tổ chức bao gồm những tiêu chí như sau:

1. Am hiểu luật pháp quốc gia:

Người làm công việc hoằng pháp phải có kiến thức về luật pháp quốc gia liên quan đến hoạt động tôn giáo, đến văn hóa, an ninh trật tự. Khi làm công việc Hoằng pháp, gây ảnh hưởng vào cộng đồng xã hội, đương nhiên ta phải hoạt động trên khuôn khổ pháp luật, không hoạt động bừa bãi để trở thành vi phạm pháp luật gây mấy uy tín cho ta và cho tôn giáo ta.

Dĩ nhiên luật pháp cũng còn có thay đổi, bổ sung, nhưng ta cố gắng theo sát với Luật pháp hiện hành. Nếu có vài trường hợp phải làm khác với Luật pháp hiện hành thì ta nên gặp gỡ trao đổi với chính quyền để tìm sự đồng thuận trước. Điều may mắn là xã hội Việt Nam có cơ chế mở dành cho sự linh hoạt uyển chuyển, vì phạm trù Đảng lãnh đạo là rất rộng, có thể giúp cho chính quyền điều hành vừa hợp tình vừa hợp lý, rất linh động, không cứng ngắt khô khan.

2. Vạch ra trình tự diễn biến công việc::

Khi tổ chức một sự kiện Hoằng pháp, ta phải hình dung ra diễn biến của sự việc một cách chi tiết nhất. Ta nhắc lại, phải Hình dung trước từng chi tiết nhỏ.

Việc hình dung ra diễn biến công việc phải làm, chương trình phải diễn ra, là thuộc về Trí tuệ. Càng có trí tuệ chừng nào, ta càng Hình dung rõ ràng các sự việc chừng nấy.

Ta phải hình dung ra giờ nào, phút nào, phải làm việc gì, việc gì đến lúc hiện ra, ai thực hiện. Ta phải liệu trước công việc cho đến khi hoàn mãn, cả sau khi hoàn mãn.

3. Phân công cụ thể:

Khi đã biết có bao nhiêu phần việc phải làm thì kế tiếp theo là ta phải phân công Người cho mỗi phần việc đó. Một việc có khi phải có nhiều người cùng làm; và một người cũng có khi phải làm qua nhiều phần việc khác nhau.

Như vậy, để tổ chức một sự kiện Hoằng pháp, ta phải có nhân lực. Nguồn nhân lực này do Giáo hội cung cấp, hoặc do đệ tử trực tiếp của ta gánh vác, hoặc do các chùa bạn đưa sang hỗ trợ. Vài trường hợp đặc biệt, chính quyền cũng đã đưa người sang phụ giúp.

Cái tài của ta là giao việc cho đúng người thích hợp. Đây là trí tuệ bản lĩnh riêng của mỗi người, khó nói thành phương pháp cụ thể.

4. Mua sắm sử dụng thiết bị vật dụng:

Tùy theo mỗi loại hình Hoằng pháp mà ta có những thiết bị vật dụng nào phải mua sắm sử dụng. Từ việc ăn uống, trang trí, kỹ thuật âm thanh, camera quay phim, bàn ghế hội trường, máy vi tính, xe cộ chuyên chở vân vân… Có những vật dụng mà ta đã có sẵn không phải mua, có những vật dụng chưa có mà ta phải mua mới.

5. Tài chánh:

Việc gì cũng phải hao tốn tiền bạc chi phí. Thiếu tiền bạc thì ta cũng khó hoàn thành sự nghiệp Hoằng pháp của mình. Tiền bạc của đàn na tín thí đóng góp là chủ yếu, vì thế ta phải biết quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý cân nhắc, kế toán minh bạch rõ ràng. Hiện nay thì Giáo hội chưa yêu cầu báo cáo chi thu tài chánh nên ta phải tự mình quản lý cho tốt.

Ngoài ra cũng phải có những việc khác như thủ tục phép tắc, thư mời khách, giới thiệu trên phương tiện truyền thông, công tác bảo vệ trật tự, phục vụ văn nghệ vân vân… để cho những sự kiện hoằng pháp được thập phần viên mãn.

Có khi người trình bày giáo lý khác với người tổ chức hoằng pháp. Có khi người hoằng pháp cũng phải đảm đương luôn công tác tổ chức hoằng pháp, nhưng Hoằng pháp thì luôn gắn với Tổ chức.

Có chiều sâu Tu Học, có khả năng trình bày Đạo lý chính xác hấp dẫn, có khả năng tổ chức chu đáo, đó là những yếu tố đưa đến sự thành công của sự nghiệp Hoằng pháp./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011)

TT. Thích Chân Quang

 Theo giaohoiphatgiaovietnam.vn