Quan Âm Linh Cảm

quan the am.jpgHuyền Trang Pháp sư khi đi qua Ấn Độ, trải qua Lưu Sa Hà hơn tám trăm dặm, vắng tanh, trên không có bóng chim bay, dưới không có dấu thú chạy. Đây là đất ngự trị của vô số yêu tinh quỷ mị, nhưng Pháp sư không hề sợ hãi. Đi được 5 ngày 5 đêm không còn có một giọt nước, cả người lẫn ngựa khát nước mệt lả, coi chừng tưởng như không đi được nữa! Pháp sư nằm lụy giữa cát, âm thầm cầu nguyện Đức Bồ Tát Quán Âm. Ngài chú nguyện rằng: “Phen này Huyền Trang tôi đi Ấn Độ, mục đích duy nhất là chỉ cầu vô thượng chánh pháp mà thôi; Bồ Tát xưa nay lấy làm từ niệm đối với chúng sanh, lấy cứu khổ làm chức vụ, vì sao Ngài không biết nỗi khổ của tôi ư?” Nói như thế rồi Ngài nằm thiếp đi. Đến nửa đêm bỗng có gió mát chạm vào thân, lần lần hình như nước lạnh mát xối vào mặt và cả toàn thân đều như vừa tắm gội. Không những toàn thân mát mẻ, luôn cả đôi mắt sáng ra, ngựa cũng thấy khẻo mạnh đi được. Sáng ra cứ thẳng đường mà đi tới, nhưng ngựa chạy loạn qua đường khác ngăn không lại. Xa xa trông thấy cỏ xanh, lại hồ nước trong veo, ngựa và người dừng lại uống, đều thoát được nạn chết khát! Lạc lối giữa sa mạc mà tìm được cỏ xanh nước ngọt thật là một việc lạ. Ốc đảo ấy vốn có thật hay do Đức Quán Âm Bồ Tát hóa hiện ra? Giả sử nó vốn có thì sức nào sui đẩy ngựa quay hướng? (Trích Tam Tạng truyện)

Quan Âm Linh Cảm

CỨU BẢY NẠN

THỦY ÁCH

Triều nhà Thanh năm Khương Hy thứ 2, có người đánh cá đậu thuyền ở dưới bờ núi Tiểu Cô Sơn. Nửa đêm, thức giấc có nghe rằng: “Sáng sớm có chiếc thuyền chở muối đi ngang qua đây, bọn bay phải nhận chìm cho ta!” Sáng sớm quả có chiếc thuyền chở muối đi qua, gặp phải gió to sóng lớn, chiếc thuyền ấy gần như đã chìm, nhưng trong chốc lát thuyền vẫn bình an lướt sóng đi qua. Đến tối người đánh cá lại nghe tiếng trên núi trách phạt vì sao lại sai lệnh? Có tiếng đáp lại: “Khi bọn tôi đến gần thuyền, thấy có Đức Quán Âm Bồ Tát đứng ở sau thuyền, vì vậy không giám lại gần.” Đến sáng sớm người đánh cá tìm đến chiếc thuyền chở muối để dò hỏi, mới biết người cầm lái chiếc thuyền kia là một bà đã trì trai Quán Âm. Chúng ta thử xem oai lực của Bồ Tát Quán Âm vĩ đại biết chừng nào? (chép theo Vạn Thiện Tư)

Về đời nhà Đường có một người tên là Sầm Cảnh Nhơn, lúc thiếu niên, chuyên tụng Kinh Phổ Môn. Một hôm mướn thuyền đi Tô châu, rủi bị thuyền chìm anh ta rơi xuống nước! Bên tai có nghe thấy tiếng người nói: “Cho người tụng Kinh Phổ Môn thoát nạn.” Nghe như vậy ba lần, liền thấy mình nổi lên mặt nước và tấp vào bờ được sống sót. (theo Pháp Hoa Cảm Thông Lục)

Anh Đáo người làng An Truyền, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, năm 1953 được lệnh động viên, anh phải nhập ngũ. Năm ấy Huế gặp trận lụt to nhất, xưa nay chưa từng có. Anh Đáo với bạn đồng đội 8 người gác tại lô cốt gần cửa biển Thuận An. Đêm 24 sáng ngày 25, gió to dâng cao vùn vụt không kịp trở tay. Anh em đồng đội đều là người khác đạo kêu gào cầu cứu nhưng vô hiệu quả, giữa sóng to gió lớn không thấy tăm dạng một bóng người, một ghe thuyền nào cả, lại thêm trời tối như mực, mưa đổ như xối. Cả đội đều khoanh tay đợi chết vậy! Riêng Đáo bình tĩnh chí thành niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chết sống phó mặc cho ba đào! Nước mỗi lúc một cao, gió mỗi lúc một lớn. Lô cốt đổ nhào theo giòng nước cuốn đi. Tự nhiên Đáo thấy mình tấp vào một gành đá cao, gió rét thấm xương, tưởng mình đã chết rồi, nhưng không dứt tiếng niệm Phật, thế rồi ngủ thiếp đi bao giờ không biết. Bỗng có người đánh vào vai bảo dậy mà về. Bừng mắt dậy thấy trời đã chiều, xa xa có chiếc đò đi vớt củi, liền kêu cứu, được đò ấy đến chở về. Còn bạn đồng đội chẳng biết trôi dạt về đâu!

Sau khi thoát hiểm, Đáo lên Báo quốc lạy Phật và kể rõ lại sự việc đã gặp. (Sự này được ghi chép lại theo đời Đáo thuật.)

Ngài Thích Đạo Hiền ở về đời nhà Đường, nhơn ông Thứ Sử nhờ vẽ giúp 7 bức tượng Quán Thế Âm, Ngài kêu thợ vẽ đến bắt phải trai giới trước đã rồi dùng Trầm nhũ làm keo, đốt hương lễ bái xong mới vẽ. Khi vẽ rất là tôn nghiêm trang trọng đầy đủ tướng hảo. Về sau nhơn qua sông chìm đò té xuống nước, vội vã niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, liền trông thấy dưới nước có hào quang, hai bên là 7 vị Tượng vẽ trước đều nói rằng: Cứ niệm Đức Phật A Di Đà đi. Đạo Hiền lật đật niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, 7 vị Bồ tát đỡ hai chân, Ngài liền nổi lên mặt nước, đi chừng 40 dặm mới đến bờ. (Trích Quản Ký)

HỎA TAI

Dân quốc năm thứ 11, nạn địa chấn ở Nhật Bổn, Đại biểu Hội Phật giáo Phổ Tế là các ông Bao Thừa Chí, Dương Thức Các v.v…đi qua Nhật điếu ủy về, báo cáo tình hình, các ông cho biết: Dân số Nhật chết trong nạn địa chấn này ước chừng 30 vạn người, thi hài chất cao như núi! Cứ riêng một địa phương mà nói thì khu vực “Thiển Thảo” ở Đông Kinh là hoàn toàn trở thành tiêu thổ! Ở trong khu vực Thiển Thảo ấy có một công viên, trong công viên có một hồ nước và một tòa Quan Âm Các ba gian, kiến trúc theo lối Nhật Bổn cũ. Khi nhân dân bị hỏa tai, bốn phía bị bao bọc lửa cháy. Không biết trốn tránh vào đâu, nhân dân nhau chạy vào công viên. Tất cả tụ tập vào tòa Quan Âm Các ước chừng hơn 3 vạn người; trong lúc tình cảnh bức thúc, mọi người đều niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chí thành cầu nguyện may ra thoát khỏi tai nạn! Từ trong ra ngoài, dị khẩu đồng tâm, vang dội tiếng niệm: “Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát”. Lửa lan đến hồ, đốt cháy khô cả hồ nước rồi dừng lại. Thật là một công việc chưa từng có! Không những đám dân không ai bị tai nạn, mà luôn cả ba gian nhà kia hiện nay vẫn còn. Chính phủ Nhật hiện bảo tồn để làm nơi Thánh tích kỉ niệm. Ai là người đã đến Nhật Bổn chắc không khỏi tham bái ở đó. Đức từ bi cứu khổ của Bồ Tát Quan Âm thật cùng khắp đúng như lời Phật dạy trong Kinh Phổ Môn. (thuật theo thư của Ngài Ấn Quang Pháp Sư)

Về thời Mãn Thanh, ông Thái Ân Tương làm chức vận lương, có một công quán để cho nhân dân đến nạp thuế, bốn phía không có vách tường, liên tiếp với nhà của dân chúng. Một hôm nhà hàng xóm bị cháy, mọi người lo khuân vác của cải, thì Thái Ân Tương vẫn điềm nhiên bất động! Bao nhiêu người la thúc ông ta tránh thoát, ông ta vẫn bình tĩnh dường như không để ý. Lạ nhất là khi ngọn lửa cháy qua Đông, bỗng nhiên trở về Tây, tả hữu bốn mặt đều bị lửa cháy tràn lan, chỉ còn xót lại khoảng giữa một nhà ông ta là không cháy. Bao nhiêu người xúm lại hỏi ông ta có phép thuật gì, ông ta đáp: Tôi chỉ biết niệm chú Đại bi. Có người nói: vạn nhất là thần chú Đại bi không linh nghiệm, luôn cả tánh mạng ông cũng khó bảo tồn thì ông tính sao?

Đáp: Gia đình tôi đã nhiều đời trì tụng chú Đại bi, thảy đều có linh nghiệm và thảy đều thoát qua bao nhiêu tai nạn về Đao binh, Thủy hỏa không thể kể xiết! Chính bản thân tôi đã trì tụng hơn 20 năm nay, mỗi khi gặp phải tai nạn gấp rút, đều được cảm ứng che chở. Tôi còn nhớ về niên hiệu Càn Long, nhà tôi ở Bắc Bình, bên phía Nam có nhà hàng xóm bị cháy, lại gặp phải gió Nam, ngọn lửa theo gió vùn vụt táp đến cạnh nhà tôi. Bấy giờ muốn thoát thân e cũng không kịp. Tôi cứ điềm nhiên y theo thường lệ trì tụng chú Đại bi. Chưa hết một biến, rất lạ là ngọn gió thổi vật trở về. Nhà tôi thoát nạn, vì thế tôi không có gì sợ hãi cả và rất tin tưởng đức từ bi bất khả tư nghì của Bồ Tát. Có sợ chăng là sợ lòng mình không chí thành đã gây nhiều tội lỗi mà thôi. Chúng ta nên chí thành sám hối những tội lỗi đã lỡ lầm và mỗi ngày trì tụng ít biến Chú Đại bi, chắc chắn được cảm ứng không sai. (Xuất Tín Tâm Lục)

Triều nhà Minh có một người họ Uông, nhà ở gần núi Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô. Anh ta phát nguyện ăn 3 năm chay và trì niệm danh hiệu Quán Âm. Sau khi hoàn nguyện lại đi chiêm bái núi Nam Phổ Đà là nơi Đức Quán Âm thị hiện. Đến ngày Nguyên đán thì xuống thuyền đi. Khi thuyền đã nhổ neo, bỗng người nhà chạy đến báo tin nhà hàng xóm bị cháy đã lan đến nhà mình, gọi anh ta trở về cứu chữa. Anh ta đáp: “Tôi chí thành đã ba năm, hôm nay đi chiêm bái, không lý vì cháy nhà mà đổi chí nguyện; dù cho có cháy hết nhà cửa, tôi quyết không trở lui”. Nói xong vẫn dong thuyền buồm thẳng tiến. Lễ bái rồi trở về, trông thấy bốn phía xóm đều thành tiêu thổ, chỉ có một mình nhà anh ta vô sự. Thật là lòng chí thành bao giờ cũng được cảm cách. (Trích Hiện Quả Tùy Lục)

GIÓ BÃO

Đời Tống Thần Tông niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 3. Chức Hàn Lâm Vương Thần Phong, vâng chỉ đi xứ Tam Hàng, khi đi ngang qua biển gặp phải gió to sóng lớn, lại thêm có một con rùa lớn ép vào thuyền, vô cùng nguy hiểm! Thần Phong rất sợ hãi liền vội vã hướng về núi Phổ Đà trong động Triều Âm cầu đảo. Bỗng trông thấy hào quang chói lọi; thân tướng đẹp đẽ của Bồ Tát hiện ra, ngọc báu lung linh, mây năm sắc lóng lánh, con rùa lớn liền bỏ đi, cả thuyền đều vô sự! Sau về tâu lai triều đình, sắc phong “Bửu Đà Quan Âm tự”. (Trích Phổ Đà Sơn Chí)

GƯƠM ĐAO

Thời gian đầu tiên nhà Thanh, có một người tên là Trình Bá Lân. Trước là một nhà buôn các tỉnh Giang Tô, Dương Châu, v.v… thờ Đức Quán Âm rất chí thành! Đến năm Ất Dậu, bị giặc đánh phá Dương Châu. Trình Bá Lân cầu đảo Ngài cứu hộ! Đêm nằm mộng thấy Đức Quán Âm dạy rằng: Nhà ngươi 17 người, 16 người khỏi chết, chỉ có một mình ngươi là không thể trốn được; vì kiếp trước nhà ngươi đã giết chết tướng giặc tên là Vương Ma Tử 26 nhát dao, nay thì phải đền trả mạng trước! 16 người nhà thì nên đi đánh chỗ khác ắt khỏi bị chết, còn ngươi nên sắm sửa đồ ăn uống đợi đó, tối nay đúng hai canh, có người đến kêu cửa, chính là Vương Ma Tử vậy. Ông Trình rất tin nên làm y như lời Bồ Tát dạy. Đến canh hai quả có người đến la to gọi cửa. Ông Trình thung dung mở cửa nói rằng: Ông chính là Vương Ma Tử phải không? Tôi đã sắm đồ ăn uống đợi ông từ lâu, vậy xin mời ông vào. Vương Ma Tử thấy trong nhà đèn sáng như ban ngày, đồ ăn uống linh đình đang đợi, cho là lạ hỏi rằng: Vì sao anh biết tôi họ Vương? Ông Trình trình bày đầu đuôi sự chỉ giáo của Đức Quán Âm Bồ Tát trong mộng. Vương nói: “Nếu quả như vậy, kiếp trước anh giết tôi, kiếp này tôi giết anh, kiếp sau anh lại giết tôi, thế thì không biết tới lúc nào mới đình chỉ? Chi bằng hai ta hòa hảo cùng nhau, may ra giải thoát được oan khiên. Thôi anh đưa lưng lại đây tôi làm phép giả chặt anh 26 nhát để gọi là đền nợ xưa, và xin bảo hộ toàn gia vô sự, nguyện suốt đời ăn ở tốt với nhau”.

Xem thế ta biết sự cứu độ chúng sang của Bồ Tát ứng hiện đủ mọi cách không thể nghĩ bàn được. (Trích Dĩ Cầu Thơ)

Đời nhà Tống tại Lâm An, có một vị tên là Trương Công Tử, một hôm đến xem một ngôi Chùa đã gần sụp, trong ấy có một vị tượng Quán Âm, tay chân bị sứt xẻ, ông ta xin với vị Sư ở đó đem về tu bổ để thờ. Về sau gặp giặc ông ta nhảy xuống giếng để trốn, thấy Đức Quán Âm hiện hình nói với ông ta: Ngươi hiện nay phải bị chết, ta không thể cứu ngươi được, vì rằng kiếp trước ngươi đã giết một tên là Đinh Tiểu Đại; nay y tới sẽ giết ngươi để báo thù. Nói chưa dứt lời thì liền có một người tay cầm xà mâu đến trên giếng kêu Trương Công Tử lên. Trương Công Tử liền hỏi: Ông có phải là Đinh Tiểu Đại không? Ông ngạc nhiên hỏi Trương Công Tử: vì sao anh lại biết được tên họ của ta? Trương đáp: chính do Đức Quán Âm Bồ Tát chỉ thị cho tôi, tôi sẽ đền mạng cho ông. Đinh nói: thế thì anh và tôi nên giải oan thù, không nên kết oán nghiệp lại đời sau làm gì nữa. Hai người vui vẻ chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Đây cũng là một phương thiện xảo do lòng từ bi phổ độ của Bồ Tát bất khả tư nghi vậy.

ÁC QUỶ

Triều nhà Tùy niên hiệu Nhơn Tho, núi Chung Nam Sơn ở Tây An gọi là Nam Ngũ Đài, trên núi có một con độc long hay biến hình, thường thường hiện thân đạo sĩ đến Tây Kinh bán thuốc. Tuyên bố rằng: “Hễ ai uống thuốc này có thể lên trời được”. Không ngờ nó dùng phép yêu thuật bắt bao nhiêu người đem bỏ vào trong núi để ăn thịt, thật là nguy hiểm. Bỗng có một Tăng sĩ không biết từ đâu đến, dựng am tranh ở trên chót núi, yêu thuật của Độc long từ đó không còn lộng hành nữa. Dân chúng gần xa sùng bái rất đông! Đến năm thứ 2 ngày 19 tháng 6 âm lịch, vị Tăng sĩ không bệnh mà tịch (chết). Sau khi hỏa táng tự nhiên về hướng Đông hiện ra một Kim Kiều, thiên nhơn sắp hàng hai bên đánh nhạc rải rác thứ hoa thơm ngát. Mọi người trông thấy ở trong mây hiện ra trăm đạo hào quang rực rỡ phi thường! Trên hào quang có Bồ Tát hiện thân, hình tướng trang nghiêm, diện mạo hiền từ vô cùng đẹp đẽ, đầu đội mão anh lạc, mình bận áo kim cương, mỗi mỗi đều trông thấy rõ ràng. Giờ lâu mới ẩn vào trong mây bạc. Ai cũng cho đó là hóa thân của Đức Quán Âm Bồ Tát. Từ đó người ta ấy ngày 19 tháng 6 âm lịch làm ngày vía của Ngài. (Trích Nam Ngũ Đài Sơn Thị Tích Ký)

Ngài Huyền Trang pháp sư trong thời gian còn ở Tứ Xuyên trông thấy một người bệnh, thân mình đầy cả ghẻ chốc, hôi thối không chịu nổi. Động mối từ tâm, Ngài đã trao cho một ít tiền, áo quần và đồ ăn. Rất lạ là người bệnh ấy đọc thuộc lòng bài Bát Nhã Tâm Kinh, truyền dạy cho pháp sư và dạy rằng: Nếu đi đâu găp hoạn nạn nên đọc bài Kinh ấy thì khỏi. Về sau Ngài đi Ấn Độ cầu pháp, trải qua tám trăm dặm Lưu sa hà, gặp không biết bao nhiêu gian nan hiểm trở và vô số ma quỷ yêu quái đoanh vây, Ngài chỉ niệm Tâm Kinh ấy mà đều thoát nạn. Nhờ thế Ngài đạt được mục đích, đến Ấn Độ bình an vô sự. (Trích Tây Du Ký)

Tại Giang Hạ có nhà làm chay. Một em bé gái tới xem, bỗng có một con quỷ hình thù to lớn bắt em ấy bỏ vào trong một căn phòng tối đóng cửa lại. Em la hét rầm lên mà người hai bên đều không nghe thấy. Chốc lát con quỷ ấy dắt em bé chạy! Chạy độ một quãng đường, thoạt thấy ánh sáng hồng chiếu đến, con quỷ rất sợ hãi, bỏ em bé trốn mất. Ánh sáng càng lại gần, em trông thấy, một đoàn người hộ vệ một vị cao lớn mình đeo toàn ngọc anh lạc, cất tiếng hỏi em muốn đi về đâu và tự giới thiệu: “Ta là Nam Hải đại sĩ, nên đi theo ta”. Chốc lát, em thấy đi đến một chỗ đền đài lầu các lung linh, tráng lệ, không phải cảnh giới phàm trần sánh kịp. Đại sĩ cùng nhiều thị giả nói chuyện. Trong số đó có một thị giả dắt đến một con quỷ. Đại sĩ bảo một người bận kim giáp đuổi đi! Lại trông thấy một người đội mão vàng, cúi đầu đảnh lễ đại sĩ và thưa: “Người mẹ em bé này ăn trường trai và thờ Phật rất thành kính”. Đại sĩ nói với em bé: “Mẹ con làm lành rất đáng khen, con nên theo người đội mão vàng này mà trở về, khi đi nên nhắm mắt lại”. Em bé vâng lời nhắm mắt đi theo người đội mão vàng, trong nháy mắt đã đến nhà, thấy mẹ ngồi đầu giương tay bồng một em bé giống hệt như mình. Nó bỗng mê đi rồi tỉnh lại liền ngồi dạy bên giương mở miệng kêu: “mẹ! mẹ!” Hỏi ra mới biết từ khi em bé đương xem đám chay thì bị xâm ngạt nằm thiêm thiếp đã hơn một tháng nay, bây giờ mới tỉnh lại, cả nhà rất mừng rỡ. Về sau em bé ấy lớn lên phát nguyện ăn trường trai và thọ trì Kinh Quán Âm rất chuyên cần. (Trích Dạ Đàm Tùy Lục)

LAO TÙ

Đời nhà Đường có một người tên Đổng Hùng, ông ta làm chức Đại lý quan về triều Đường Thái Tôn, lúc nhỏ đã ăn chay thờ Phật rất thành kính. Nhơn vì có hiềm khích với bạn đồng liêu, bị vu cáo, phải tống giam vào ngục. Không biết kêu cứu vào đâu, chỉ nhất tâm đọc tụng “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ môn phẩm” và niệm danh hiệu Ngài. Rất lạ là gông xiềng tự nhiên được cởi mở mà khóa xiềng vẫn y nguyên. Giám ngục bẩm lên, ngự sử Trương Thủ Nhất thân hành đến khám nghiệm, cho là kỳ quái, và cho xiềng khóa lại rất kỹ lưỡng. Đổng Hùng chiếu thường lệ chí thành tụng Kinh, khóa xiềng laị tự nhiên rớt xuống đất mà niêm phong vẫn như cũ. Nhờ thế được xét lại mới biết là oan, liền được trả lại tự do. (Trích Pháp Uyển Châu Lâm)

Triều nhà Trần có một người tên là Đậu Truyền, khi làm chức bộ binh ở Cao Xương, bị Lữ Hộ bắt làm tù binh, đồng đội 7 người đều bị giam vào ngục thất, định đến vài ngày sau sẽ đem đi giết. Đậu Truyền chuyên tâm niệm danh hiệu Quán âm Thế Bồ Tát 3 ngày đêm, xiềng xích tự nhiên được cởi mở. Đậu thuyền nói: Cá nhơn tôi tuy được thờ Đức Từ bi Bồ Tát cứu độ, nhưng bạn đồng đội còn bị bắt, nỡ nào một mình thoát nạn! Cầu mong Đại sĩ rủ lòng phổ độ. Nói xong đoạn đồng đội tự nhiên cũng được tháo mở xiềng xích. Thừa trong lúc đêm tối mở cửa trốn thoát. (Trích Pháp Uyển Châu Lâm)

GIẶC CƯỚP

Đời nhà Ngụy có một người xuất gia tên là Lãng Đại Sư bị giặc bắt đem đi, giam tại trong vòng vây. Đại Sư cùng bạn đồng học muốn trốn thoát, nhưng bốn mặt bị canh phòng nghiêm mật, vô lộ khả đào, hai bên đều vách đá lởm chởm không biết mấy tầng lớp! Có một cây đại thọ nằm sát bên góc thành, liền leo lên cây dòng dây trụt xuống, đêm đã tối dưới hố lại toàn là gai góc chẳng biết sâu cạn! Không biết để chân vào đâu mà xuống, níu dây thầm nghĩ: nguy rồi đây! Thế rồi mặc niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát! Giây lát thấy hào quang chiếu sáng. Lần trụt xuống đến đất lại thấy một con cọp to lớn, đồng bọn hết sức sợ hãi, không sao thóat khỏi miệng cọp. Đại Sư nói: Chúng ta được cứu, nhất định là nhờ oai lực của Bồ Tát, cọp này chắc chắn không ăn người, phải chăng là Bồ Tát thị hiển để đem đường cho chúng ta, chúng ta cứ theo cọp mà đi, chắc thoát được tai nạn. Lạ thay! Hễ người đi chậm thì cọp cũng đứng đợi. Trời sáng thấy được đường về thì cọp cũng biến đâu mất! (Xuất Cao Tăng Truyện)

Đời nhà Minh, liên hiệu Gia tịnh, có người tên Hoàng Ngạn Sĩ, cùng vợ tên Nhan Thị, gặp thời loạn ly, mỗi người chạy một ngả. Nhan Thị trốn ẩn vào Chùa các Ni cô. Ngạn Sĩ tìm đã 3 năm không dò ra tông tích. Một hôm đi lang thang bên cạnh một ngôi Chùa, trông thấy một cây dương khô. Trong cây có một cái bộng. Ông ta thò tay vào trong bộng lôi ra được một cái gói vàng và một bổn phổ khuyến, tự suy nghĩ: Đây không phải là vàng rơi mà lại là của mười phương Tam Bảo. Ông ta đợi ở đó xem thử có người nào đến nhìn không. Cách một vài hôm thấy có một Ni cô già đến khóc lóc van: “Ta phát nguyện đúc một vị tượng Quan Âm, nên đã khuyền giáo được 3 ngàn vàng, vì sợ gian đạo dòm thấy, nên dấu vào trong mộng cây khô này, không ngờ ai đã lấy mất, bây giờ chỉ có nước chết để đi đền tội mà thôi!” Hoàng Ngạn Sĩ nói: “Tôi ở đây đã 2 ngày đợi người đến nhìn, nay xin y số trả lại bà”. Ni cô già bái tạ và xin mời ghé lại Chùa xơi nước. Ông Hoàng theo Ni cô vào Chùa, đi đến cửa thì nhìn thấy vợ là Nhan Thị ra đón, hai người nhìn nhau chảy nước mắt, kể lại sự tình ly biệt! Kế đó có nhà buôn nọ mời ông ta về kèm trẻ trong gia đình. Về sau ông thi đậu làm quan lên đến chức nhị phẩm, sanh 2 con, vợ chồng đều lên thượng thọ! (Trích Hàng Trung Phàm)

GỈAI BA ĐỘC

THAM

Triều nhà Lương, ở Kim Lăng, có người đàn bà họ Châu nghe trên ổ chim ưng có tiếng con nít khóc, liền Bắc thang lên dòm, trông thấy một em bé, đem về nuôi Làm con. Sau đi xuất gia lấy hiệu là Bửu Chí đại sĩ, chuyên tu Thiền định. Đầu niên hiệu Thái Thủy nhà Tống, lập hạnh đặc biệt: trên vai thường mang một cái kéo và một cái gương, có khi mang một tấm vải. Niên hiệu Kiến Nguyên đời nhà Tề, lần lần hiện ra nhiều di tích, gặp người hay nói những những việc chưa đến, lúc đầu người nghe không ai để ý, nhưng về sau đều có hiệu nghiệm. Vua Lương Võ Đế rất sùng mộ, thường cung kính lễ bái và tán thán Ngài rằng: “Nước không trôi, lửa không cháy, rắn không cắn, cọp không sợ, nói đến Phật lý thì ở trên các hàng Thanh văn v.v…” Nhà vua sai họa sĩ Trương Tăng Do vẽ tượng Ngài. Bửu Chí biến hiện hình Quán Âm 12 mặt, thân tướng vô cùng trang nghiêm, hoặc Từ hoặc Oai, ông Do không thể vẽ được. Lại có ông Trần Chinh Lỗ toàn gia đều cúng thờ Bửu Chí, Ngài hiện ra chơn hình, quang tướng, hoàn toàn như hình Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài biến hiện vô số linh tích, không thể chép hết. (Trích Cao Tăng truyện tập đầu)

Đời nhà Đường, niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 12 tại Hiệp Thanh trên thác Kim Sa, có một người con gái đẹp đẽ vô cùng, thường xách giỏ đi bán cá, ai trông thấy cũng mướn cưới làm vợ. Người con gái tuyên bố: “Trong một ngày ai đọc thuộc lòng được phẩm Phổ Môn, thì tôi xin nguyện theo sửa áo nâng khăn”. Qua ngày thứ 2 có 20 người đến đọc thuộc phẩm Phổ Môn. Nàng nói: “không lẽ một mình tôi mà làm vợ cả 20 người! Thôi thì ai đọc thuộc quyển Kinh Kim Cang Bát Nhã, tôi sẽ là vợ người đó”. Lại có đến 10 người đọc thuộc. Nàng lại nói: “trong 3 ngày hễ ai đọc thuộc bộ Kinh Pháp Hoa 7 quyển thì tôi xin làm vợ”. Chỉ có một mình Mã Sanh đọc thuộc. Đến ngày nghênh hôn, thì nàng chết tại trong phòng tân lang! trong chốc lát thân hình vữa nát, thối tha hôi hám. Cả nhà vội vã lo mai táng. Về sau có một vị Hòa Thượng không biết từ đâu đến xin với Mã Sanh cho đào mả nàng, khi dở quan tài để xem, chỉ thấy dây vàng ròng khóa lấy xương cốt trong hòm. Hòa Thượng nói: Đây là Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiển để hóa độ người tham dục. Nói xong. Hòa Thượng tay xách bộ hài cốt bay lên giữa hư không đi mất. (Trích Quan Âm Cảm Ứng Thiên)

Vua Minh Vương là Văn Túc Công cho tước người con gái là: Đàm Dương Đạo Nhơn. Lúc nhỏ Đàm Dương thơ Đức Quán Âm rất chí thành. Một hôm mộng thấy Bồ Tát dẫn đi xem tòa sen thất cửu ở Tây phương. Lại có một Ngài Bồ Tát hiện thân đầy đủ 32 tướng tốt trang nghiêm, hỏi Đàm Dương: “Đẹp không?” Đáp: “Đẹp”. Hỏi: “Ưa không?” Đáp: “Không”. “ Đã đẹp, vì sao không ưa?” “Đệ tử nghe Phật dạy: Nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người ấy là tà đạo, không thể thấy Như Lai”. (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai). (Kinh Kim Cang). Bồ Tát hết sức hoan hỉ. (Trích Nhất Hạnh Cư Tập)

Vua Văn Tôn Hoàng Đế nhà Đường ưa ăn thịt bọp bọp (sò) có một hôm Lý Thiện mua một con bọp bọp rất lớn, giao mổ không ra. Tự tay Hoàng Đế gõ vào thì hả ra, trong ruột có một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Hoàng Đế hết sức kinh dị, liền sắc dùng vàng trang sức một cái khảm bằng gỗ hương chiên đàn, đem đến Chùa Hương Thiện phụng thờ. Từ đó nhà vua không ăn sò nữa. (Trích Truyền Đăng Lục)

SÂN

Đời nhà Tùy, Ngài Huệ Cung, đương lúc gặp vua Châu Võ phá pháp, Ngài qua Kinh Dương học đạo; Ngài Huệ Viễn ở chung Chùa thì qua Trường An nghe Kinh. Hơn 30 năm, hai Ngài mới gặp nhau lại. Ngài Huệ Viễn thuyết pháp, lời lẽ lưu loát nghe như suối chảy; Ngài Huệ Cung trái lại không biết thuyết pháp. Ngài Huệ Viễn nói: “Cách nhau đã nhiều năm, nay vui mừng được hội ngộ, tại làm sao không nói được lời gì? Phải chăng Ngài đã chứng được cảnh giới vô sở đắc ư?” Huệ Cung đáp: “Tôi chỉ tụng được một quyển Kinh Quán Thế Âm”. Huệ Viễn nói: “Cái đó ai cũng biết tụng, ông trước cùng tôi thề nguyện, trông mong chứng được đạo quả, không lý đã hơn 30 năm nay mà chỉ tụng được một quyển Kinh ư? Nếu không phải ám độn, thì cũng là biếng nhác! Vậy từ đây xin tuyệt giao”. Huệ Cung nói: “Một quyển Kinh tuy ít, nhưng chính là miệng Phật dạy ra, nếu ai tôn kính thì quyết được vô lượng phước đức, ngược lại khinh mạn thì bị vô lượng tội khổ. Mong rằng Ngài bớt giận, tôi xin tụng một biến, rồi sẽ cùng Ngài từ biệt”. Nói xong, đảnh lễ Phật, lên Pháp tọa, xướng câu đề Kinh thì hương thơm ngào ngạt khắp gần xa, đọc đến chánh văn thì nghe trên trời đánh nhạc, giữa hư không tự nhiên rải hoa cúng dường, tiếng nhạc du dương vang dội cả trời, hoa bay xấp xới rải rác khắp đất! Tụng xong hạ tọa, hoa nhạc mới ngưng. Ngài Huệ Viễn cúi đầu đảnh lễ khóc lóc sám hối rằng: “Huệ Viễn ngu độn, đâu dám sống còn ở dưới mặt trời, cúi mong Ngài tạm thời lưu trú day dỗ cho!” Ngài đáp: Huệ Cung bất tài không có năng lực, đó chẳng qua nhờ Phật lực mà thôi”. Nói xong vái chào từ biệt. (Trích Cao Tăng truyện tập II)

Ông Du Tập đời nhà Tống làm quan ở quận Hưng Hóa. Nhân đi thuyền đến xứ Hội Thượng, người trong thuyền đều mua bọp bọp nấu ăn, Du Tập không ăn đem thả xuống nước. Có một hôm gặp con rất lớn, Du Tập trả giá gấp hai để mua. Thuyền trưởng không bán, đem bỏ vào nồi nấu. Bỗng nghe tiếng kêu rất lớn, ánh sáng từ trong nồi tuôn ra. Dở nắp xem, con bọp bọp hả miệng, bên trong hiện một tượng Quán Thế Âm tướng tốt trang nghiêm, áo mũ, chuỗi nhọc anh lạc và buị trúc cành lá sum sê, đều là ngọc quý tạo thành. Du Tập gọi người cả thuyền đến xem, ai cũng niệm Phật sám hối, phát nguyện không ăn thịt bọp bọp nữa. (Trích Di Kiên Chí)

SI

Đời nhà Đường, Ngài Huệ Nhật thuyền sư, đáp thuyền đi Ấn Độ lễ bái các Thánh tích Đức Phật Thích Ca Mưu Ni tại nước Kiền Đà La. Khi lên núi hướng Đông của thành ấy, chí thành cầu đảo Đức Quán Âm Bồ Tát, trông thấy Đại sĩ hiện thân bảo: “Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà và phát nguyện vãng sanh Cực lạc thế giới, thấy Phật và ta, được rất nhiều lợi ích! Nên biết pháp môn Tịnh độ hơn tất cả các pháp môn khác”. Khi về nước, Ngài Huệ Nhật được nhà vua sắc tứ hiệu là Tứ Mẫu Tam Tạng, chuyên tu Tịnh độ, viết sách “Vãng sanh Tịnh độ” lưu hành ở đời. (Trích Cao Tăng truyện tập III)

Ở Ấn Độ Ngài Luận Sư Giới Hiền, trong thời gian giảng luận Du Già sư địa cho pháp sư Huyền Trang, có một người Bà la môn đến nói: “Tôi từng phát nguyện trước tượng Đức Quán Âm Bồ Tát tại núi Phổ Đà Lạc Già, kiếp sau làm Quốc vương; Bồ Tát hiện thân quở tôi rằng: “Tương lai có Luận Sư Giới Hiền, giảng luận Du già sư địa cho một vị Hòa Thượng người Trung Quốc, ngươi nên đến đó nghe, nhơn nhờ nghe pháp đó rồi được thấy Phật, cần chi phải làm quốc vương!” Nay quả nhiên như lời Ngài dạy, được nghe giáo pháp”. (Trích Đường Tam Tạng truyện)

Khi vua thành tổ nhà Minh đang làm Yên Vương, bà Vương hậu gặp ngày Nguyên đán ngồi tịnh niệm, thấy mình đi đến chỗ Đức Quán Âm Bồ Tát, hào quang rực rỡ, tràng phan bảo cái châu ngọc linh lung, đền đài rất tráng lệ. Bồ Tát bảo: “Phật dạy Kinh “Đệ nhất hi hữu đại công đức”, có thể tiêu tai chứng quả. Ngươi sẽ làm quốc mẫu thiên hạ, phước đức quang minh, có thể lãnh nhậm sự phó chúc này, để cứu bạt sinh linh”. Nói xong liền dùng nước cam lộ rưới lên đảnh, cảm giác thân tâm vô cùng mát mẻ! Khi tỉnh mộng trong miệng còn nghe mùi thơm, bèn đọc tụng những Kinh chú mà Bồ Tát đã truyền thọ trong khi mộng, không sót một chữ. Về sau gặp nạn giặc, binh vây thành rất nguy khốn, đều nhờ trì tụng Kinh Chú ấy mà cả thành nhơn dân đều được an ổn.

Ông Lý Văn Công đời nhà Đường, hỏi Ngài Dược Sơn Thiền sư rằng: Thế nào gọi là “Hắc phong xuy kỳ thuyền phưởng, phiêu nhập La sát quỷ quốc?” ( gió giữ thổi thuyền bè, trôi vào nước quỷ La sát?) Thiền sư đáp: Lý Tiểu Tử hỏi việc đó làm gì? Văn Công nổi giận đỏ mặt. Ngài cười bảo: Đó chính là gió dữ trôi thuyền bè vào nước quỷ La sát vậy. (Trích Cao Tăng truyện)

TOẠI HAI CẦU.

Ở Kinh Châu có một người họ Hoàng, tuổi già vợ chết, chỉ có một người con gái, định gả cho một người cháu bên ngoại. Người con gái lên 14 tuổi theo cha học tập, đã thông minh lại hiền đức, chị ta thêu một bức tượng Quán Âm Bồ Tát thờ phụng hết sức kiền thành. Một hôm nằm mộng thấy Đức Quán Âm đến bảo: cha ngươi người hiếu nghĩa, không lẽ vô hậu, ngặt vì tuổi già, nay ta làm cho ngươi biến thành nam tử. Liền trao cho một hoàn thuốc đỏ bảo bỏ vào miệng nuốt đi. Nuốt xong có cảm giác hơi nóng từ trong bụng đi thẳng xuống, ngủ luôn một giấc đến bảy ngày, tỉnh dậy thì đã biến thành con trai. Người cha nói với nhà rể, không ai tin cả cho là bội ước, kiện lên đến quan. Quan cho xét đúng sự thật, đôi bên đều lấy làm lạ, mọi người hết sức kinh ngạc! Sau đó người làm hai câu thơ:

Mộng trung biến hóa chơn kỳ sáng,

Hồng nhan hốt tái nam nhi tướng.

Dịch:

Chiêm bao biến hóa thật kỳ lạ,

Gái đẹp trở thành tướng trượng phu.

(Trích Thuật Dị Ký)

Triều nhà Minh có một người tên Dương Hoàng, con nhà Nho học, có tiết tháo, thường thanh khiết. Một hôm gặp giặc bao vây cả hương thôn, không nỡ ly khai phần mộ để tản cư, nên đem vợ con trốn vào trong rừng, cắt một người giữ mộ. Giặc vây đuổi quá gấp định bắt ông ta, ông ta liền nhảy xuống sông, người con trai 10 tuổi cũng nhảy theo cha, hai cha con đều chết chìm! Việc xảy ra vào năm Thuận Trị, Bính Tuất, tháng 3 ngày 26. Vài ngày sau thấy hai cha con ôm nhau nổi lên mặt nước, ai trông thấy cũng thương tâm rơi lệ! Vợ là Lục Thị, đương có mang, từ đó ăn chay niệm Phật, thờ Đức Quán Âm rất thành kính. Một hôm nằm mộng thấy một bà già đem đến một em bé, nói với Lục Thị rằng: Ta cho ngươi đây. Tỉnh dậy, đối trước bàn thờ Đức Quán Âm cầu nguyện rằng: “Con nguyện giọt máu sót trong bụng này, nếu là con trai thì quả thật là ân Bồ Tát ban cho.” Cuối năm sanh một gái! Lục Thị nói: “xong rồi! Nhà ta thế là vô hậu!” Qua Xuân nhóm họp thân tộc thưa rằng: “Chồng tôi không con trai, hiện có bao nhiêu điền sản, nên quân phân cho các cháu, xin lưu lại một ít vừa đủ mẹ con sống qua ngày mà thôi!” Nói xong lăn ra khóc nức nở, thân tộc ai cũng ngậm ngùi bất nhẫn, đều hẹn đến ngày chu niên làm Phật sự cho Hoàng rồi sẽ liệu. Đến ngày hội thân tộc làm Phật sự cầu siêu cho Hoàng viên mãn, đúng vào ngày 16 tháng 3. Bỗng em bé khóc rất lớn, bà mẹ ẵm con đi ngủ, mơ màng in như mộng mị. Bé càng khóc to. Khi bồng dậy thì tự nhiên đã biến thành con trai. Toàn cả thuộc tộc đều cho là lạ lùng, mới cảm thấy sợ cảm ứng của Quán Âm Bồ Tát thật không thể nghĩ bàn được. Mọi người đều phát lòng tin Phật, và đặt tên cho em bé là Phật tử( Phật cho.) (Trích Kỷ Cầu Thơ)

Lữ Mông Chánh ở triều nhà Tống, ai cũng biết danh, sau được sắc phong Văn Chánh Công. Ông ta mỗi sáng đều lạy Phật cầu nguyện: “Nếu không tin Phật thì đừng cầu thai vào nhà tôi, nguyện đời đời con cháu tôi đều là những người hộ trì Tam Bảo”. Về sau con cháu có người làm nên tướng quốc và đều phát tâm hộ trì Tam bảo cả. (Trích Tây Quy Trực Chỉ)

Triều nhà Tống, có Ngài Tuần Thức Đại Sư. Bà mẹ Ngài thường cầu nguyện với Đức Quán Âm Bồ Tát, một hôm đương nằm mộng thấy có người mỹ nữ trao cho một hột minh châu thì vừa sanh Ngài. Sanh được 7 tháng, Ngài đã biết niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi khôn lớn, vì quá ham học đến đỗi bị bệnh thổ huyết. Thấy đức bạch y Đại sĩ thò tay vào miệng bắt ra một ít sâu nhỏ, đầu ngón tay của đại sĩ lại tuôn ra nước cam lộ rớt vào trong miệng. Từ đó, NGÀI cảm thấy thân tâm mát mẻ, bệnh trước đều lành; trên đảnh Ngài nổi lên nhục kế cao gần một tấc, hai tay Ngài dài quá đầu gối, tiếng nói trong như chuông, dáng điệu uy nghi ai trông thấy cũng sanh lòng cung kỉnh. Nhà vua sắc phong Ngài hiệu là: “Từ Vân Sám chủ”. Ngài trước tác bài “Nhất tâm qui mạng” mà ta thường tụng hôm mai. (Trích Liên Tôn Bửu Giám)

Triều nhà Minh, Ngài Hám Sơn Đại Sư (lại có tên là Đức Thanh) là người họ Thái. Một đêm mẫu thân Ngài nằm mộng thấy Đức Quán Âm Đại Sĩ trao cho một em bé, thì vừa sanh hạ Ngài. Chín tuổi đã đọc được Kinh Phổ Môn. Sau xuất gia tu hành trở nên một đại danh đức, trước thuật rất nhiều. Thật là một bậc long trượng trong thiền học! (Trích Nhất Hạnh Cư tập)

Triều nhà Minh, Ngài Ngẫu Ích Đại Sư (lại có tên là Trí Húc) vốn con nhà họ Chung ở Ngô Huyện. Thân phụ Ngài gọi là Kỳ Trọng, chuyên trọ trì chú Quán Âm và chú Đại bi hơn mười năm, vợ chồng thành kính cầu con, sanh hạ được Ngài, sau xuất gia học đạo. Ngài Ngẫu Ích Đại Sư thật là một bậc đại thiện trí thức về triều nhà Minh, bác thông Tam tạng. Sanh bình trước thuật rất nhiều, giảng giải hơn 40 bộ cả Kinh và luật, trong số đó có bộ Di Đà yếu giải rất là tóm tắt và minh xác, được đời ham chuộng. (Trích Cao Tăng truyện)

CÁC TRUYỆN PHỤ

Huyền Trang Pháp sư khi đi qua Ấn Độ, trải qua Lưu Sa Hà hơn tám trăm dặm, vắng tanh, trên không có bóng chim bay, dưới không có dấu thú chạy. Đây là đất ngự trị của vô số yêu tinh quỷ mị, nhưng Pháp sư không hề sợ hãi. Đi được 5 ngày 5 đêm không còn có một giọt nước, cả người lẫn ngựa khát nước mệt lả, coi chừng tưởng như không đi được nữa! Pháp sư nằm lụy giữa cát, âm thầm cầu nguyện Đức Bồ Tát Quán Âm. Ngài chú nguyện rằng: “Phen này Huyền Trang tôi đi Ấn Độ, mục đích duy nhất là chỉ cầu vô thượng chánh pháp mà thôi; Bồ Tát xưa nay lấy làm từ niệm đối với chúng sanh, lấy cứu khổ làm chức vụ, vì sao Ngài không biết nỗi khổ của tôi ư?” Nói như thế rồi Ngài nằm thiếp đi. Đến nửa đêm bỗng có gió mát chạm vào thân, lần lần hình như nước lạnh mát xối vào mặt và cả toàn thân đều như vừa tắm gội. Không những toàn thân mát mẻ, luôn cả đôi mắt sáng ra, ngựa cũng thấy khẻo mạnh đi được. Sáng ra cứ thẳng đường mà đi tới, nhưng ngựa chạy loạn qua đường khác ngăn không lại. Xa xa trông thấy cỏ xanh, lại hồ nước trong veo, ngựa và người dừng lại uống, đều thoát được nạn chết khát! Lạc lối giữa sa mạc mà tìm được cỏ xanh nước ngọt thật là một việc lạ. Ốc đảo ấy vốn có thật hay do Đức Quán Âm Bồ Tát hóa hiện ra? Giả sử nó vốn có thì sức nào sui đẩy ngựa quay hướng? (Trích Tam Tạng truyện)

Ở Quý Châu, huyện Tư Văn, có động Bạch Thủy là địa phương sản xuất thủy ngân, công nhân lấy thủy ngân trên ngàn người. Mấy trăm gia đình lập nghiệp ở dưới hố đá, quanh nam ăn làm lương thiện. Cách động thủy ngân chừng vài dặm, có một khe nhỏ. Một hôm bỗng nhiên không biết từ đâu lại, một thiếu phụ rất đẹp đẽ đến tắm ở bên khe. Sự lạ lùng đồn đãi ra, dân cư ở dưới hố, một truyền mười, mười truyền trăm, nam phụ lão ấu chen lấn nhau đến xem. Khi tất cả dân cư đã đến bên khe, thì hố đá sau lưng lở sụp, bao nhiêu nhà cửa đều bị đè bẹp tất cả, xem lại thiếu nữ thì chẳng thấy đâu, mọi người đều thoát nạn. Phải chăng đó là Đức từ bi thi hiện cứu khổ của Quán Thế Âm Bồ Tát? (Trích Dị Đàm Khổ Tín lục)

Đời nhà Tống có nhiều người vào núi lấy đồng quánh, đào thành hầm hố rất sâu. Một hôm mọi người đang làm trong hầm, bỗng có người con gái, tay xách một cái giỏ, trong giỏ đựng một con cá kình sắc vàng rất đẹp. Người con gái ấy như một nàng tiên giáng trần, mọi người cho là lạ kêu gọi nhau lên xem. Khi mọi người đã khỏi hầm sâu, thì may thay hầm sụp. Tất cả đều được thoát chết! Xem lại người xách giỏ không biết đã đi vào ngõ nào, tìm xem bốn phía đều không tăm dạng. Về sau người ta nghiệm rằng đó là Đức Quán Âm thị hiện đến cứu khổ. (Trích Quảng Tín Phủ Chí)

Ở Ấn Độ Ngài Luận Sư Giới Hiền, ở Chùa Nalanđa, thường bị bệnh phong, mỗi lần phát bệnh tay chân nhức mỏi khác nào như lửa đốt, dao đâm. Nhiều lần Ngài nghĩ quẩn định nhị ăn mà chết. Một hôm Ngài nằm mộng thấy 3 người đứng trước mặt, một người sắc vàng, một người sắc lưu ly, một người sắc bạch ngân, bảo Ngài rằng: “Đời trước ngươi làm quốc vương, giết hại chúng sanh rất nhiều, cho nên mới chịu quả báo đau đớn ấy. Nên thành tâm sám hối, siêng năng đọc tụng Kinh điển, tự nhiên sẽ tiêu diệt”. Vị ấy nói tiếp: “Ngài sắc lưu ly là Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài sắc bạch ngân là Di Lặc Bồ Tát, còn ta là Văn Thù”. Nói xong liền trao cho Ngài một chén nước bảo uống. Nước rất mát và ngọt. Lại bảo: “Ngươi sau làm bệnh, có một vị cao Tăng ở Trung Quốc đến đây cầu pháp, ngươi nên tận tâm truyền thọ”. Về sau vị cao tăng Trung Hoa đến cầu pháp chính là Huyền Trang pháp sư vậy. (Trích Đường Tam Tạng truyện)

Người vợ ông Trần Tích Châu họ Hồ thường lễ Phật, tụng Kinh rất chí thành, khi gần lâm sản, bỗng bị bệnh nặng, trong mình nóng như lửa đốt, miệng nói không được, thân thể cứng đờ không sao cử động, đã hơn 20 ngày không nuốt được hớp nước. Thuốc thang đã cùng, không mấy thuyên giảm. Bỗng có một hôm nằm mộng thấy có một bà già, tay cầm một đóa hoa sen nói rằng: “Ngươi, nhơn vì nghiệp dữ đời trước mới bị ác bệnh như thế này! Nay nhờ tạo nhiều căn lành nên ta từ Nam Hải đến đây để an ủy ngươi”. Liền dùng hoa sen quét vuốt ở trên thân và nói: “Ta quét sạch nghiệp chướng cho ngươi, và sẽ cho sanh con quý”. Khi tỉnh dậy thấy trong mình mát mẻ nhẹ nhàng, bệnh hoạn đi dâu mất, ngày sau sanh một con trai, mẹ tròn con vuông! (Trích Ấn Quang Pháp Sư văn sao)

Đời nhà Thanh niên hiệu Gia Khánh Năm thứ 24, trời đại hạn. Khắp đường đầy người chết! Nhân dân cầu đảo đều vô hiệu. Về sau nhà vua sắc lệnh cho triều thần và các bậc huyện lệnh cùng vua đều bận áo trắng, đi bộ đến núi Thiên Trú ở Hàng Châu cung nghênh Thánh tượng Quán Thế Âm Đại Sĩ và mời Ngài Thích Huệ Lâm tụng Kinh, trì chú, đồng thời đem một cái tịnh bình đựng nước để thí nghiệm. Qua một đêm thì ở trong tịnh bình tự nhiên có nước đọng chừng vài giọt lớn bằng hột ngọc người đeo; ngoài trời hơi lâm râm mưa. Qua một đêm nữa, tịnh bình lại có nước nhiều; tiếp trời đổ mưa rất lớn. Nhơn đó triều thần làm những bài tụng để kỷ niệm sự linh ứng ấy. (Trích Cảm Ứng lục)

Niên hiệu Càn Long năm Ẩ Tỵ, tỉnh Tô Châu bị đại hạn, ông cư sĩ Nhị Lâm, kiết 3 kỳ thất 21 ngày, mỗi ngày ăn một bữa, chuyên trì chú Đại bi và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu xin mưa xuống. Khi mãn kỳ, mưa lớn gần thước nước. Có làm bài thi kỷ niệm:

“Hung liên bất đáo Liên hoa quốc

Tư tế trường hoài Tử trúc lâm

Phân đắc tư nhơn cơ bán nhật

Chi đầu điểm đích giả thành sum.”

Tạm dịch:

Mất mùa không có ở Liên bang

Cứu tế ghi ân đấng Giác hoàng

Người ấy chí thành không quản đói

Đầu cành nặng trĩu nước mưa chan.

Tỉnh Phước Châu có một năm bị đại hạn. Vị Quản đạo mời ông trinh đô đốc lên núi Cổ Sơn nghênh Thánh tượng Quán Thế Âm để cầu mưa. Ông Trình ngửa mặt lên trời cười nói rằng: “Bồ Tát ở Tây Thiên, ở đâu trên núi Cổ Sơn! Các ông tự đi đi vậy”. Về sau cung nghênh nhập thành cũng thỉnh ông Trình niệm hương. Ông ta lại nói: “Hôm nay đã không mưa, ngày mai lại không mưa thì biết làm thế nào? Há không phải ta đã làm một việc uổng công vô ích ư?” Nhưng đến chiều thì trời mưa rất lớn, suốt đêm cho đến sáng. Ông Trình mới tin và lưu lại một ngày, tự mình tụng Kinh và đảnh lễ tỏ lòng sám hối. (Trích Lãng Tích Tục Đàm)

Trước đây có hai người học trò, một người thật thà chất phác, một người thông minh lanh lợi. Người thật thà đêm ngày lễ bái cầu đảo với Bồ Tát Quan Âm, xin cho biết được văn đề trước. Người thông minh muốn gạt chơi, liền lén viết 7 đề bỏ vào trong lư hương, làm như Bồ Tát ban cho. Người thật thà lượm được, tin tưởng là Ngài ban cho thật, ngày đêm học thuộc lòng. Đến khi vào thi, quả nhiên trúng cả 7 đề, và được trúng tuyển! Còn người thông minh làm xong quyển bị lửa đốt cháy, hỏng thi! Lão tử nói: “Xảo giả chuyết chi nô” (khéo làm tôi vụng). Khéo mà thiếu phước không bằng vụng mà có phước dư. (Trích Cảm Ứng thiên)

Triều nhà Minh có một người ho Lâm, làm tại bộ Hình, luôn luôn tính âm đức, phàm có việc gì nghi ngại, ông ta hết lòng cứu xét. Có một phen gặp một bản án chưa được minh xác, sợ có gì oan khuất chăng nên ông ta chí thành cầu đảo Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ thị. Liền mộng thấy Bồ Tát bảo: “Án viện thẩm xét sai lầm, hình quang trình bày chưa xác”. Nhơn đó ông Lâm đình lại, thay thế bị can chống án. Quả nhiên được minh oan. Người đó hết lòng cảm ơn và thấy Lâm chưa có con, liền đem con gái mình để tạ. Ông Lâm không chịu nhận nói rằng: “Bất khả”. Người kia thiết tiệc mời Lâm dụ ép rượu thật say, khiến con gái tới gần. Lâm nói: “Bất khả, bất khả!” Liền từ biệt ra về. Từ đó về sau nhất định không đến nhà đó nữa. Đến 50 tuổi mới sanh được một người con, đặt tên là Đại Khâm; khi khôn lớn vào kinh đô dự thi, chủ quán cơm nằm mộng thấy Đức Quán Âm bảo: “Ngày mai có người con trai của ông “Tam bất khả” đến ngủ trọ ở đây, sẽ là người đậu trạng nguyên khoa này”. Khi treo bảng quả nhiên không sai. Về nhà hỏi lại mẹ, mới biết là nhờ âm đức của cha trước. (Trích Cảm Ứng thiên)

Triều nhà Minh có một người tên là Hàng Hoằng Nho, bà vợ anh ta nằm mộng thấy bà già về bảo rằng: “Chồng ngươi sang năm đến ngày trùng cửu mồng chín tháng chín nhất định phải chết”. Bà vợ trong lòng sợ hãi, ngày đêm cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm cho chồng được trường thọ. Qua đầu năm, Hàng Hoằng Nho muốn đi dạy học. Khi đi bà vợ ân cần căn dặn chồng lưu ý làm nhiều việc thiện. Chồng đáp: “Tôi đã làm những việc như khuyên vài gia chủ gả chồng cho những cô gái lớn tuổi; thấy con một nhà quan ỷ thế mua rẻ của người, tôi ra sức khuyên can không nên làm những việc ích kỷ hại nhơn; thấy có một người đầy tớ nhà có thế lực thường hay ức hiếp người, tôi thay thế cho kẻ yếu bày tỏ những oan ức với nhà chức trách; tôi lại khuyên lơn người kia không nên ỷ thế lực che dấu tội lỗi và bảo toàn cho thân thuộc mình; khi gặp những học trò đến thăm tôi đều khuyên bảo không nên cưới hầu, không nên xa cố cựu, không nên nuôi nhiều tôi tớ, không nên hoang phí của cải…” Hôm ấy bà vợ nằm mộng thấy Đức Quán Âm đến bảo: “Chông ngươi đến tháng chín không chết đâu. Vì đã làm được năm điều lành, được phước đức rộng lớn, nên được sống thêm 24 năm nữa”. Hàng Hoằng Nho đã thông hiểu ngũ kinh, tứ thơ lại thêm nghiên cứu Phật học. Sau khi thi đỗ, làm quan rất minh chánh, được nhiều tiếng khen khắp trong triều ngoài quận. (Trích Giác Thể Kinh Vương Toản)

Có một vị Thái thú tên Đồ Tiềm Viên, mắc trọng bệnh, nằm mộng thấy Đức Quán Âm Bồ Tát bảo rằng: “Trong âm luật chỉ có sự cứu sống (phóng sanh) là có thể đem lại trường thọ và thêm tước lộc, người nên cố gắng”. Thái thú tỉnh dậy khuyên bảo toàn gia giới sát phóng sanh, giúp đỡ cho những người tật bệnh nghèo đói. Qua mùa Đông được thăng trật Lãnh Thái thú Cửu giang. Bệnh căn cũng từ đó lành hẳn! Về sau ông ta làm bài “Phóng sanh lục” để khuyên đời. (Trích Lâm Tắc Từ Bạt)

Ông Lưu Sơn Anh phát tâm quỳ niệm Kinh Quán Âm và chú Chuẩn Đề cầu cho mẹ sống lâu. Lúc đầu thấy trong mình mệt nhọc, lại thêm đau chân không nhẫn được, bụng bảo dạ rằng: “Mẹ ta bị bệnh đàm hỏa, dù niệm Kinh e chưa chắc đã lành được” nên có ý thối tâm. Về sau lại suy nghĩ lời Khổng Tử đã nói: “Vô hành bất khả dĩ tác vu y” (không bền chí, không thể làm Thầy thuốc). Làm Thầy thuốc mà không bền chí còn không được thay, huống là tu niệm! Vì thế cố gắng. Ngoài việc niệm Kinh, còn làm những việc cứu người, giúp vật. Nhưng lâu ngày không những bệnh mẹ không lành mà lại càng thấy trầm trọng thêm. Một hôm bà mẹ kêu anh ta đến bảo: “Bệnh ta đã hơn vài mươi năm nay chữa thuốc cũng đã cùng, khi bớt khi thêm, nay con thay thế mẹ quỳ niệm kinh, bệnh lại càng trầm trọng thêm, e rằng do bạc phước của ta mà không thể tiêu thụ nổi. Thôi con nên đình chỉ việc tụng Kinh”. Anh ta thưa lại mẹ: “Có lẽ vì con chưa hết lòng chí thành, nghi niệm chưa trừ hết chăng? Xin mẹ cứ yên tâm.” Khi đó anh ta liền đót hương, cúi đầu trước Phật khóc lóc xin thề dứt trừ nghi niệm, cầu cho mẹ tật bệnh được tiêu trừ. Đêm đó nằm mộng thấy Đức Quán Âm dắt bà mẹ đến cùng ngồi và trao cho một chén nước bảo bà uống. Sáng dậy thấy bệnh lành hơn một nửa. Qua vài ngày sau hoàn toàn lành hẳn. Cố tật trên 30 năm, trong một giờ đều tiêu diệt! (Trích Tín Tâm lục)

Ngài Vĩnh Gia Huệ Nhật Pháp Sư, thờ Đức Quán Âm Bồ Tát trong trượng thất, thường có hào quang chiếu vào. Khi tụng Kinh, trì Chú, nghe có mùi hương lạ thơm ngào ngạt. Một hôm nằm mộng thấy Bồ Tát lấy tay phách bụng, bày ra một vị Phật quang minh chói lọi. Tỉnh dậy thì trí huệ mở mang, đọc thông tất cả Kinh tạng.

Ngài Châu Tăng Thật, tròng mắt có 2 con ngươi, dưới 2 nách như 2 trứng phụng, đạo cao đức trọng. Một hôm Ngài leo lên gác đánh chuông, liền vội vã bảo chúng Tăng thắp hương và nói: “Giờ này ở Giang Nam có một ngôi Chùa lớn, giảng đường sẽ bị sập đến nơi, thỉnh đại chúng đồng niệm Quán Âm Bồ Tát cầu người cứu hộ, may ra khỏi đè chết hơn một ngàn người”. Giây lát tiếng niệm Phật vang dội cả vùng Chùa. Về sau có ngươi ở Giang Nam đến báo tin: Ngày ấy ở Dương Châu, giảng đường có trên một ngàn người đến nghe giảng Kinh, bỗng nhiên có mùi thơm ngào ngạt, tiếng tụng Kinh vang dội từ cửa Bắc giảng đường đi vào, rồi theo cửa Nam đi ra. Đại chúng lấy làm lạ đều nghe tiếng tụng Kinh đi ra tất cả. Liền đó nhà giảng đường sập đổ, không một ai bị tổn hại gì. (Trích Cao Tăng truyện tập II)

Phụ lục: Trường hợp này xảy ra gần giống như trường hợp hồi tôi làm lại Chùa Ba La Mật. Lúc bấy giờ, khi thợ hồ cuốn xong vòng cuốn nhà chuông, vừa leo xuống thì có một em bé con của bác thợ hồ vào chơi. Em bé thấy có con bướm to bằng bàn tay lông cánh rất đẹp bay từ trong nhà chuông bay ra. Em chạy theo bắt bướm thì trong nhà chuông sập. May cho em, không thì nát như tương vậy.

Đời nhà Tống Ngài Khế Tung hiệu là Tiềm Tử, trên đầu đội mũ thêu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, miệng niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm mỗi ngày 10 vạn tiếng. Thấy đức Bồ Tát lấy nước cam lồ rưới khắp mình, thế rồi tất cả Kinh sách ở thế gian nghe qua đều thông hiểu cả. Ngài trước tác những bộ sách: “thuyền môn định tổ đồ”, “truyền pháp chánh tôn ký”, “nguyên giáo luận” v.v …Vua Nhơn Tông nhà Tống ban khen bốn chữ: “Văn chương đạo đức” và một cái đãy bằng vàng. Lại sắc phong Minh giáo thuyền sư. Các bậc đại nho như Hằng Kỳ, Âu Dương Tu v.v…đều tôn kính Ngài. Sau khi thị tịch hỏa táng (thiêu), đảnh đầu, vành tai, đầu lưỡi, đồng chơn và chuỗi hột không cháy; xương ở đầu biến thành ngọc xá lợi, sắc trắng ẩn hồng có ánh sáng lóng lánh, lớn bằng hột đậu xanh. Trong số sách do Ngài trước tác có bộ Đàm Tân Văn Tập rất được đời hâm mộ. (Trích Tăng Hữu truyện)

Triều nhà Thanh có một vị tên là Ngô Doãn Thăng. Ông ta ngờ niệm Phật và thọ trì thần chú Đại bi mà một hôm bị rơi xuống nước liền được cứu sống. Vì thế càng gia công tinh tấn hơn và nguyện đốt hương trên cánh tay để cúng dường; khi hương tắt, sẹo thành 4 chữ: Cầu sanh Tây phương. Ông lại tổ chức hội niệm Phật, khuyến hóa người theo rất đông, xây dựng một điện “Trấn Tây phương”, và chú một kim thân trượng lục để phụng thờ, cảm đức Đức Đại Thế Chí phóng hào quang hiện điềm tốt. Đến ngày lâm chung, trông thấy vô số Phật và Bồ Tát hiện ra trước mặt tiếp dẫn về Tây phương, mỉm cười mà thác! (Tịnh Độ Thánh Hiền lục)

Triều Vạn Giám có một người. Con bị bịnh lao. Khi con lâm chung, ông khuyên niệm Phật mà chết. Lại khuyên bà mẹ trường trai niệm Phật. Tự thân ông ta bị bệnh thổ huyết, vì thế càng tinh tấn niệm Phật nhiều hơn, niệm suốt đêm không ngủ! Có người hỏi ông ta có khổ lắm không, ông ta trả lời: “Lợi dụng sự không ngủ được mà niệm Phật thì còn gì sung sướng hơn”. Có hồi thần thức rối loạn, trong lòng rất sợ hãi, nằm chắp tay niệm Phật mà tâm niệm đốt cánh tay để cúng dường. Có người thân thích tên Tạ Phụng Ngô nói với ông ta rằng: “Người phát nguyện như thế tức là đốt tay rồi vậy, chi bằng nhứt tâm nhứt chí nguyện sanh về Tây phương thì tốt hơn”. Nhơn đó ông ta tinh tấn niệm Phật, niệm thần chú nhờ thế mà an định. Lại nhờ được nhiều người giúp đỡ hộ niệm luôn mấy ngày đêm, tiếng niệm Phật không hở. Bỗng thấy Tây phương Tam Thánh hiện ra hào quang sáng rực rỡ đứng ngay ở trước mặt. Ông ta toan bước lên để Kim đài mà đi thì nghe đức Phật bảo: “Thân nhà ngươi còn chưa thanh tịnh”. Liền bảo người nhà nấu nước hoa tắm rửa sạch sẽ. Tam Thánh lại hiện ra như trước, ông ta nói với đại chúng rằng: “Tôi sẽ về Tịnh độ, thấy vô số hoa sen, tôi đã ngồi trong hoa sen ấy, sự sung sướng không thể hình dung được”. Lại chỉ vào tự thân mà nói rằng: “Đây không còn là thân tôi nữa”. Liền nhắm mắt mà vãng sanh. (Trích Tịnh độ Thánh Hiền lục)

THIÊN CẢM ỨNG CỨU NẠN

Trích “Mẹ hiền Quan Âm”

Hòa thượng Thích Trí Thủ

Phật học viện trung phần xuất bản, PL.2503

 

(Luy lâu sửa)