NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP THỜI HIỆN ĐẠI

 

Vài nét về hoằng pháp và đối tượng hoằng pháp:

Mục đích ra đời của đức Phật là khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian. Nguồn sống tuệ giác đó chính là nền tảng đạo đức, phẩm hạnh từ bi và trí tuệ. Thông qua bốn đức hạnh từ bi hỷ xả, luật nhân quả, lý duyên sinh, tinh thần vị tha vô ngã, cùng vô số phương tiện thiện xảo khác, nguồn sống tuệ giác từng bước dần dần thấm sâu vào tâm hồn mỗi người con Phật, gieo vào tạng thức mỗi người hạt giống từ bi và trí tuệ, để từ đó đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát.

Mục đích ra đời của đức Phật là để hoằng pháp lợi sanh, nên ý nghĩa của hoằng pháp là truyền bá giáo lý của đức Phật đi vào mọi ngõ ngách đời sống, đến với từng con người, hầu giúp mọi người nhận ra chân lý giác ngộ giải thoát. Theo nghĩa gần gũi và phổ biến, thì hoằng pháp có nghĩa là giúp cho con người ươm mầm cây đạo đức, gieo hạt giống từ bi, hướng mọi người đến một đời sống chân thiện mỹ, từ đó tiến đến nấc thang cao hơn là thực hành đời sống “trung đạo”, tu tập theo “Tám con đường chân chánh” (Bát Chánh Đạo) mà đức Phật đã dạy, để tâm hồn được thanh tịnh an lạc, trên nền tảng này, đi sâu vào công phu tu tập sẽ chứng đạt trí tuệ bát nhã, giải thoát mọi khổ đau phiền não trong kiếp nhân sinh. Còn nói một cách đơn giản dễ hiểu hơn thì hoằng pháp tức là đem đạo vào đời.

Xuất phát từ mục đích và ý nghĩa của hoằng pháp là như vậy, nên đối tượng hoằng pháp là tất cả mọi thành phần trong đời sống xã hội, bình đẳng không phân biệt giai cấp sang hèn nghèo giàu, ý thức hệ tư tưởng, lãnh vực ngành nghề, giới tính tuổi tác. Không chỉ bình đẳng với mọi đối tượng, các nhà hoằng pháp còn linh động uyển chuyển tùy thuận nhân duyên với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh, để mang lại hiệu quả cao nhất, nhằm giúp tất cả mọi người được giải thoát an lạc, đạt đến nguồn sống chân hạnh phúc.

Những cơ hội mà ngành hoằng pháp đang có được:

Khi nói về những cơ hội và thuận lợi mà Phật giáo nước nhà đang có được trong hoàn cảnh đất nước phát triển như hiện nay, nếu quan sát tình hình thế giới, chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta đang có quá nhiều cơ hội và may mắn để nâng cao chất lượng tu học và làm tốt hơn nữa vai trò hoằng pháp độ sanh.

- Kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, trong khoảng thời gian suốt 36 năm qua, người dân Việt Nam chúng ta nói chung và Phật giáo đồ Việt Nam nói riêng, được sống trong cảnh đất nước hòa bình, thống nhất, không còn cảnh bom rơi đạn lạc, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động, từ thiên tai dịch bệnh đến khủng bố, xung đột, không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Trong khi đó trên đất nước ta, may mắn là mọi công dân được sống thanh bình hạnh phúc. Đây chính là cơ hội thuận lợi để Phật giáo Việt Nam tận dụng tốt thời cơ quý báu này để ra sức công phu tu tập, để nâng cao chất lượng hoằng dương chánh pháp, cải thiện đời sống đạo đức xã hội, khơi nguồn tuệ giác sâu rộng trong đời sống nhân gian.

- Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam đã được hiện hữu và lớn lên nhờ vào sự đùm bọc của dân tộc và Phật giáo Việt Nam cũng đã cống hiến trọn vẹn tấm lòng mình để nuôi lớn dân tộc từ kinh tế chính trị, văn hóa, kiến trúc, giáo dục. Hầu như lãnh vực nào Phật giáo cũng để lại dấu ấn cho đời.

Điểm nhấn của Phật giáo thời nay là được Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao vai trò đồng hành của Phật giáo với dân tộc, hãy công nhận những đóng góp quý báu và thiết thực của Phật giáo từ ngàn năm qua. Đặc biệt là trong công cuộc tái thiết xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy mà Phật giáo luôn nhận được sự tín nhiệm, sự quan tâm sâu sắc và sự hỗ trợ trên mọi phương diện để Phật giáo làm tròn vai trò hoằng pháp lợi sanh, đóng góp thiết thực cho đất nước trên bước đường đồng hành cùng dân tộc. Có thể nói rằng, đây chính là cơ hội quý báu để Phật giáo phát triển công tác hoằng pháp và nâng cao chất lượng hoằng pháp.

- Cách đây đúng 30 năm (năm 1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được ra đời, khởi đầu cho một thời đại mới. Kể từ đây Phật giáo Việt Nam mang diện mạo mới và trọng trách mới: Đồng hành cùng dân tộc với phương châm “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Đây là cơ hội tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước và phát huy tính ưu việt của Phật pháp thông qua con đường hoằng pháp độ sanh.

- Trong hoàn cảnh đất nước mở cửa hội nhập, bên cạnh những thuận lợi về mặt vật chất, với các phương tiện tiện ích của nền văn minh thời hiện đại mang đến, chúng ta còn có thêm nhiều cơ hội quý báu khác để nâng cao chất lượng học Phật và phát triển Phật giáo nước nhà. Một trong những cơ hội quý báu mà Phật giáo thời hiện đại có được nữa, đó chính là sự gắn kết giữa các tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới. Những sự kiện Phật giáo quốc tế và khu vực thường xuyên tổ chức tại nước ta, các đoàn Phật giáo nước ta cũng thường xuyên có mặt với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, điều này tạo nên sự tương thông hấp thụ lẫn nhau giữa các nền văn hóa một cách có chắc lọc, có định hướng, nhờ đó mà công tác hoằng pháp được cải thiện, bồi bổ, nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác hoằng pháp độ sanh trong thời đại mới.

Những hạn chế trong công tác hoằng pháp thời hiện đại :

Như đã trình bày, sinh hoạt Phật giáo hiện nay được tồn tại và phát triển trong một thế giới sung mãn vật chất và quá đầy đủ về phương tiện sinh hoạt. Một ngôi chùa từ thị thành đến thôn quê đều được trang bị tương đối các phương tiện truyền thông và phương tiện đi lại, rất tiện ích cho việc di chuyển lộ trình dài để trực tiếp đến những nơi xa xôi làm Phật sự.

Trong khi đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ chư Tăng Ni tu hành và hoằng pháp. Đặc biệt, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội luôn quan tâm sâu sắc đến từng bước đi của Phật giáo các tỉnh thành, của quần chúng Phật tử, thường xuyên chỉ đạo, động viên, khích lệ… Qua đó chúng ta thấy rằng, cơ hội và điều kiện thuận lợi trong đời sống tu tập và trong công tác hoằng pháp độ sanh lúc nào cũng bày sẵn ra trước mắt. Điều còn lại là chúng ta đã làm được gì trước những cơ hội quý báu và quá nhiều thuận lợi như vậy?.

Trước những cơ hội quý báu và thuận lợi như vậy, trong thời gian qua, ngành hoằng pháp đã thực hiện được nhiều Phật sự quan trọng góp phần vào sự phát triển của Phật giáo nước nhà. Trong đó, Ban hoằng pháp Trung Ương đã ba lần tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc, định hướng cho công tác hoằng pháp của Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước; cùng với các Ban ngành trực thuộc Giáo Hội tổ chức các Hội thảo khoa học, các sự kiện văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội. Theo đó, Ban hoằng pháp các tỉnh thành cũng đã tích cực phân công chư Tăng thuyết giảng theo lịch trình tại các trường hạ cho Tăng Ni Phật tử, thuyết pháp cho quần chúng Phật tử trong các sự kiện đại lễ của Phật giáo, đặc cử chư Tăng đến thuyết pháp vùng sâu vùng xa, miền núi, trại giam, trung tâm giáo dưỡng. Tham gia trình bày tham luận tại các Hội nghị, Hội thảo chuyên ngành hoằng pháp và các ngành liên quan…

Tuy nhiên, nếu công tâm nhận xét, dù ngành hoằng pháp đã có nhiều cố gắng, nhưng trên thực tế công tác hoằng pháp trong thời gian qua đã chưa tận dụng hết những cơ hội và điều kiện thuận lợi mà chúng ta đang có, nếu không muốn nói là chúng ta còn quá nhiều hạn chế trong công tác lãnh đạo và thiếu vắng nhân sự đủ năng lực để gánh vác sứ mạng hoằng pháp cao cả này.

Những ưu điểm hay hạn chế phản ảnh hiệu quả trong công tác hoằng pháp thường được biểu hiện qua hai tiêu chí, đó là số lượng và chất lượng. Nói về số lượng, rõ ràng tín đồ Phật giáo hiện nay tăng nhiều hơn so với thời gian trước đây. Tuy nhiên chúng ta không nên quá chủ quan khi cho rằng số lượng quần chúng đến chùa ngày càng đông, quy y Tam Bảo càng nhiều, tín đồ Phật giáo ngày càng tăng, tức là Phật giáo phát triển, tức là ngành hoằng pháp đã hoàn thành trọng trách của mình, mà chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế đời sống sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử hiện nay, bởi đây mới đích thực là chất lượng của Phật giáo, mới phản ảnh một cách trung thực hiệu quả hoằng pháp và sự phát triển của Phật giáo nước nhà nói chung và của công tác hoằng pháp nói riêng.

Nói về chất lượng hoằng pháp, nó phản ảnh qua sự chánh tín hay mê tín của quần chúng Phật tử, nó cũng được phản ảnh một cách trung thực qua sinh hoạt đời sống thực tế của Tăng Ni Phật tử.

Trước hết chúng tôi xin nói vài ý về đời sống sinh hoạt của giới xuất gia. Nếu nhìn vào hành trạng tu học của đại bộ phận Tăng Ni trẻ hiện nay, chúng ta sẽ thấy còn nhiều bất cập, cán cân giữa tu và học bị nghiêng lệch về phần học quá nhiều, càng bất cập hơn khi sự học đó lại không đến nơi đến chốn, không chuyên sâu, không phục vụ cho sự nghiệp tu hành của người xuất gia tu theo hạnh Phật, bằng chứng là qua bao nhiêu khóa đào tạo trải dài mấy thập niên qua, thực tế đã có hàng ngàn, thậm chí hàng vạn Tăng sinh ra trường mà vẫn chưa thấy xuất hiện một đội ngũ Tăng tài đứng ra cùng chung lo gánh vác trách nhiệm với giáo hội, nếu có chăng chỉ lác đác một vài vị có năng lực đặc biệt, có tâm huyết dấn thân phụng sự Phật pháp, nhưng trường hợp này quá hiếm hoi.

Ngoài việc học tập ra, nếu nhìn vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của giới Tăng trẻ hiện nay, chúng ta sẽ thấy họ hầu như chưa thể hiện trọn vẹn hoài bão gì lớn lao trong sự nghiệp xuất gia tu hành của bản thân. Đã vậy, họ còn quá lạm dụng vào tiện ích thời đại, so với nhu cầu thực tế đáng lý ra họ chưa có quyền sử dụng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa trong công phu tu tập, biến chất trong một bộ phận Tăng trẻ là điều không thể phủ nhận.

Thực tế này đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng, công tác hoằng pháp trong nhiều năm qua tuy có cố gắng như chưa thật sự làm tròn được sứ mạng cao cả của mình. Công tác Hoằng pháp của giáo hội mới chỉ có quanh quẩn trong một vài ngôi chùa. Trong khi đại bộ phận Tăng Ni và phật tử chúng ta chưa có phong cách giáo hóa.

Như chúng ta biết, thế hệ Tăng trẻ là rường cột của Giáo hội, là nền tảng để xây dựng và phát triển ngôi nhà Phật giáo trong tương lai, và những điều mà chúng tôi trình bày trên đây là một thực tế cần chấn chỉnh, và đây cũng là bài học lớn cho ngành hoằng pháp trên bước đường bồi bổ và nâng cao chất lượng. Nếu sự mất thăng bằng giữa tu và học trong giới trẻ đã dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sự nghiệp phát triển chung của Phật giáo nước nhà, thì trong đời sống tu hành của chư Tăng Ni hiện nay cũng có đôi điều cần lưu ý. Trước hết đó là nguồn vốn tri thức còn giới hạn so với trình độ hiểu biết của một bộ phận quần chúng Phật tử ưa tìm hiểu học hỏi trong thời đại ngày nay, điều này dẫn đến khả năng hoằng pháp rất hạn chế.

Đối với quần chúng Phật tử hiện nay, thì tình trạng mê tín vẫn luôn là nỗi trăn trở của những người làm công tác hoằng pháp. Bằng chứng là hầu như đa số quần chúng Phật tử hiện nay vẫn đặt nặng việc cúng bái, cầu khẩn nhiều hơn là việc tu hành một cách chánh đáng. Tại một số đền thờ ngoại đạo, tình trạng Phật tử đến xin xăm bói quẻ, coi ngày giờ tốt xấu để quyết định cho số mạng của mình.

Có thể nói rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do Giáo hội thiếu một chiến lược hoằng pháp ở tầm vĩ mô,còn hạn chế trong việc tập hợp đội ngũ thật sự có tâm huyết để dấn thân với sự nghiệp hoằng dương chánh pháp. Công tác hoằng pháp ở cơ sở chỉ được thể hiện một cách máy móc, đa số chỉ nương theo các ngày lễ lớn của Phật giáo như Đại Lễ Phật đản, Đại Lễ Vu Lan, nên nặng về hình thức (không gian, mầu sắc), nội dung được tái diễn năm nào cũng vậy, nên không có sức thu hút, nội dung thuyết giảng cũng không mới và đặc biệt là thành phần thính giả cũng không mới, vì họ vốn là những Phật tử thuần thành “đến hẹn lại lên”.

Ở đây chúng ta sẽ nhận ra một điều, nếu chư Tăng Ni ở cấp cơ sở toàn tâm toàn ý vào sự nghiệp tu hành và hoằng pháp lợi sanh, thì chắc chắn rằng, chỉ trong thời gian không lâu, tình trạng mê tín dị đoan trong đời sống của quần chúng trong dân gian sẽ được xóa sổ và thay vào đó là niềm tin chánh tín, đây mới là điều thật sự làm thay đổi diện mạo Phật giáo nước nhà, đây mới là việc làm thiết thực của các nhà hoằng pháp.

Hoằng pháp thời hiện đại:

Như chúng ta đã biết, hoằng pháp là đem đạo vào đời.

Đạo ở đây là nguồn sống tuệ giác khởi nguyên từ nền tảng giáo lý Phật Đà và suối nguồn đại từ đại bi tràn đầy yêu thương lân mẫn của mười phương chư Phật. Nguồn sống tuệ giác này được lưu xuất từ nền tảng đạo đức, phẩm hạnh từ bi và trí tuệ của chư Tăng Ni, cùng với quy củ thiền môn nghiêm tịnh.

Đời ở đây là những tâm hồn còn vô minh mê muội, còn đau buồn phiền não, còn tà kiến, tà nhân, còn chung sống với tập tục hủ lậu, mê tín dị đoan…

Như vậy hoằng pháp, chính là khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, là giúp cho người còn mê tín trở nên chánh tín, giúp người tà kiến trở nên chánh kiến, giúp người đời trong thế gian hiểu được đạo lý giải thoát, giúp người đã hiểu đạo phát tâm tu hành, giúp người đã phát tâm tu hành tinh tấn không thối chuyển…

Nói như vậy để chúng ta nhận biết, đối tượng hoằng pháp là không giới hạn người xuất gia hay người tại gia, người đã hiểu đạo hay người chưa hiểu đạo.

Tuy nhiên, đối tượng hoằng pháp hướng đến thường là những người chưa hiểu đạo, giúp người thế gian nhận ra chân lý giác ngộ giải thoát, thì mới gọi là đem đạo vào đời, mới gọi là truyền bá Phật pháp trong đời sống nhân gian.

Như vậy, tinh thần hoằng pháp là chuyển hóa tâm thức, giúp cho người đời nhận ra ánh đạo, chứ không đơn thuần là công việc truyền đạt kiến thức Phật giáo theo nghĩa thông thường. Chính vì vậy mà các nhà hoằng pháp trước hết phải xác định hoằng pháp là công việc của con tim, tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh, tùy theo căn cơ và trình độ mà truyền dẫn nguồn sống tuệ giác từ nhiệt huyết và sự rung động trong tâm hồn nhà hoằng pháp đến tâm hồn người học Phật.

Khi đã xác định hoằng pháp là “công việc của con tim” tức là chúng ta nói đến tính đặc thù của ngành hoằng pháp. Chúng ta thường ví nhà giáo như những “kỹ sư tâm hồn” thì trong công tác hoằng pháp cũng vậy, nó xuất phát từ nguồn tuệ giác và tâm từ bi yêu thương bao la, mong muốn mọi người đều trở nên từ bi trí tuệ, cao thượng hoàn hảo, nên nhà hoằng pháp phải thật sự khiêm tốn chan hòa, nhất là không nên cống cao ngã mạn, không nên áp đặt mọi người theo tư kiến của mình, càng không nên tự cho mình là “Phụ mẫu thiên hạ” (Duy phụ mẫu).

Đã là công việc của “con tim” thì nhà hoằng pháp phải hết lòng tận tâm giúp người học Phật nhận ra giá trị thật trong con người của họ. Nói một cách khác hơn là để giúp cho người học nhận ra con tim đang rung động của chính họ, con tim đang rất khát vọng vươn lên vượt thoát khỏi mọi ràng buột phiền não khổ đau nơi chính họ, do vậy nhà hoằng pháp phải làm tất cả những gì mang lại điều tốt đẹp cho người học Phật. Hướng dẫn dìu dắt giúp đỡ họ trên đường thăng tiến.

Đối với giới trẻ, nhà hoằng pháp càng phải đem lòng thương yêu nhiều hơn để giúp họ nhận ra những hạn chế của bản thân, nhận ra những điều tốt đẹp trong đời sống, đồng thời giúp họ tìm những phương thế để thực hiện những điều tốt đẹp trong đời sống một cách hiệu quả. Đây chính là tiếng nói đích thực xuất phát từ con tim yêu thương luôn hiện diện trong tâm hồn mỗi nhà hoằng pháp. Chúng tôi thiết nghĩ, đối với thế hệ trẻ thời đại ngày nay, mỗi nhà hoằng pháp, thường phải luôn tâm niệm: “Yêu mến thế hệ trẻ vẫn chưa đủ, mà còn phải làm cho họ ý thức rằng họ đang được yêu mến. Hãy hết lòng yêu thương lớp trẻ vì lợi ích của chính các em. Hãy tận tâm dìu dắt, định hướng, nâng đỡ người trẻ, giúp họ không ngừng thăng tiến, mai hậu chính lớp người trẻ sẽ tự thực hiện điều mà các nhà hoằng pháp mong muốn”. Tâm niệm sâu sắc điều này và làm thật tốt công việc con tim mách bảo như vậy thì riêng bản thân nhà hoằng pháp đã gặt hái rất nhiều lợi ích, nhà hoằng pháp sẽ trưởng thành từng giờ từng khắc trong sự nghiệp tu hành và trong công tác hoằng pháp mà mình đang đảm trách.

Mặt khác, chúng ta cũng cần ý thức rằng, hoằng pháp còn là công tác nhân bản, bởi nó nhằm vào con người để xây dựng con người hoàn hảo, nên muốn công tác hoằng pháp đạt được hiệu quả như mong muốn, thì bắt buộc nhà hoằng pháp phải thấu hiểu về đối tượng mà mình trực tiếp hướng đến, nếu đối tượng là một tập thể, các nhà hoằng pháp nên chọn những đề tài mà đa số đều cảm thấy thiết thực. Chúng ta cũng cần ý thức rằng, thấu hiểu ở đây là hiểu rõ, hiểu một cách cụ thể và thực tế, sự hiểu biết về con người trong công tác hoằng pháp cũng như trong công tác giáo dục tối kỵ nhất là mơ hồ hay chung chung. Sự hiểu biết này phải song hành với sự cảm thông yêu thương thật sự từ con tim của nhà hoằng pháp, có như vậy mới có thể nhập cuộc, đồng hành với họ, hướng dẫn dìu dắt họ bước đi đúng hướng hầu đạt mục đích xây dựng nhân cách đạo đức, giúp họ tự tin trưởng thành, hoàn thiện bản thân và phát triển sự nghiệp, từ đó tiến đến những nấc thang cao hơn trong đời sống tu tập giác ngộ giải thoát.

Trong hoằng pháp cũng tối kỵ sự áp đặt, bắt người ta phải chấp hành tuân thủ một cách tuyệt đối những gì nhà hoằng pháp muốn truyền đạt, nhất là đối với giới trẻ, chúng ta càng không nên áp đặt bất cứ điều gì đối với họ. Bởi hoằng pháp không đơn thuần là một công việc truyền đạt kiến thức mà đó chính là một nghệ thuật ươm mầm đạo đức, gieo hạt từ bi trí tuệ cho người.

Trong thời đại ngày nay, nhờ rất nhiều thuận duyên và điều kiện thuận lợi trong cuộc sống mang đến, chúng ta có thể sử dụng vô số phương tiện của nền văn minh hiện đại phục vụ cho công tác hoằng pháp. Về mặt kinh điển và văn hóa phẩm Phật giáo, chúng ta rất dễ dàng và thuận lợi trong việc in ấn kinh điển, báo chí, sản xuất và phát hành băng đĩa, tổ chức các game show phục vụ công tác hoằng pháp dành riêng cho các em thiếu niên nhi đồng, thậm chí có thể cộng tác lâu dài với các kênh truyền hình (cáp) để chuyển tải những chương trình đặc thù của Phật giáo, như cách dạy nấu món ăn chay, giới thiệu các ngôi chùa là danh lam thắng cảnh trong cả nước, thông tin những sự kiện Phật giáo nổi bật mang tính thời sự… Về mặt truyền thông, chúng ta có mạng báo chí, thư viện điện tử rất tiện ích với mặt bằng dung lượng không giới hạn và sự nối kết tương thông bao trùm cả thế giới. Có thể nói đây chỉ là một vài trong vô số phương tiện hoằng pháp rất tiện lợi phổ biến trong thời hiện đại.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng rất thuận lợi trong việc xây dựng giảng đường, chùa chiền tịnh viện, xây dựng niệm Phật đường, thành lập thiền đường, để phục vụ nhu cầu nghe pháp và chuyên tu của quần chúng Phật tử. Cũng trên phương diện xây dựng kiến tạo cơ sở tu học, chúng ta có thể kết hợp việc kiến trúc những cảnh quan vừa đậm đà dấu ấn nghệ thuật, vừa lắng sâu thiền vị, bởi thông qua những “tịnh tâm viên”, những “già lam”, những “rừng thiền”, những “trung tâm văn hóa Phật giáo” này… Tất cả dường như có sức thu hút mạnh mẽ khiến quần chúng đến với đạo Phật một cách tự nhiên và tự nguyện. Cảnh trí thiền môn nghiêm tịnh, thanh thoát lắng sâu, sẽ là những bài pháp vô ngôn nhưng hữu hiệu đối với những tâm hồn nhạy cảm, sẽ hấp dẫn và níu chân họ trở về với cõi nguyên sơ, mà những nơi khác ắt sẽ khó gợi lên trong tâm hồn họ những giây phút nội tĩnh lắng sâu như vậy!.

Thời đại ngày nay, thật có quá nhiều phương tiện để quần chúng tiếp cận với đạo Phật. Những hệ thống thiền đường tầm cở quy mô, những đạo tràng niệm Phật trang nghiêm, những chốn tòng lâm quy tụ hàng trăm hàng ngàn chùa chiền am cốc, những làng chùa, xóm chùa trên khắp cả nước tuần tự hình thành, điều này không những cho chúng ta thấy, Phật giáo thời nay vô cùng hưng thạnh, mà còn chứng tỏ phương tiện hoằng pháp thời đại ngày nay quả là vô cùng phong phú, đa dạng và sinh động.

Công tác hoằng pháp thời hiện đại còn được trợ duyên rất nhiều nhờ bởi sự ưu ái của Nhà Nước và sự quan tâm của Giáo hội. Ở đây chúng tôi muốn nói đến các lễ hội lớn của Phật giáo như: Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Vu Lan, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ vía Phật A di Đà… các sự kiện quan trọng của Phật giáo như: Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Hội thảo Khoa học chuyên đề quốc tế và trong nước… đều đã được tổ chức quy mô hoành tráng, trọng thể trang nghiêm, tạo ấn tượng tốt đẹp hân hoan trong lòng quần chúng Phật tử, từ việc tham quan, hòa nhập vui chơi trong chuỗi ngày lễ hội, rõ ràng đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất để quần chúng đến với đạo Phật…

Cơ hội, điều kiện và phương tiện hoằng pháp thời hiện đại là vô cùng phong phú, đa dạng, sinh động. Với quá nhiều mặt thuận lợi như vậy, tất nhiên công tác hoằng pháp sẽ gặt hái những kết quả nhất định. Trước hết, hiệu quả hoằng pháp là số lượng tín đồ ngày càng tăng cao (điều này chúng tôi đã trình bày) kế đến là sự hình thành của hệ thống chùa chiền tự viện, kinh sách, báo chí, văn hóa phẩm Phật giáo, mang tính quy mô rộng khắp trên toàn quốc. Tuy nhiên đi sâu vào công tác hoằng pháp thời hiện đại chúng ta sẽ nhận ra một số điều bất cập rất đáng quan ngại, như sau:

- Các nhà hoằng pháp hiện nay, đa số chỉ xem công tác hoằng pháp đơn thuần là công việc truyền đạt kiến thức từ giáo lý, chứ chưa thật sự xem hoằng pháp là nhịp đập của con tim thao thức trăn trở trước mọi tình huống diễn ra. Điều này vô tình đồng hóa công việc hoằng pháp với một công việc hành chánh nào đó. Nghĩa là đến giờ thì vào giảng pháp, hết giờ thì ra về, miễn sao hoàn thành một thời thuyết giảng là được. Hoặc có vị xem hoằng pháp như là một cơ hội để trình bày quan điểm, kiến giải, phô trương sự hiểu biết, cũng có vị xem việc thuyết pháp là cơ hội để tiếp cận Phật tử nhằm thỏa mãn nhu cầu lợi dưỡng… Chính vì vậy mà tính tác động, tính lay thức, tính chuyển hóa hoàn toàn không hiện diện trong suốt buổi thuyết giảng. Một khi đã như vậy, thì những gì mà người học Phật thu thập được trong thời thính giảng, cũng nhanh chóng theo gió bay đi, thật chẳng thiết thực gì đối với những tâm hồn khát khao tìm cầu chân lý.

- Đội ngũ các nhà hoằng pháp hiện nay, đa phần đều mất thăng bằng giữa lý và sự. Nói một cách trung thực và thẳn thắn hơn, thì sự tu hành của các nhà hoằng pháp thời hiện đại còn quá hời hợt, chưa đủ năng lực để truyền đạt tri kiến Phật pháp, chưa đủ đạo lực để lay thức nhiếp dẫn cảm hóa quần chúng vào ngôi nhà Phật pháp. Bên cạnh đó, oai nghi hạnh kiểm của một bộ phận các nhà hoằng pháp trẻ, đã gây phản cảm cho quần chúng đến thính pháp, khiến quần chúng phải thốt lên “Năng thuyết bất năng hành”!.

Mặt khác, thời đại ngày nay, trình độ nhận thức của quần chúng rất cao, khả năng cảm nhận của họ cũng rất tinh tế, kiến thức của họ cũng rất sâu dày phong phú, do vậy, một nhà hoằng pháp đã thiếu sở hành, nay lại thiếu kiến thức giáo lý căn bản hoặc chủ quan về sở học của mình, ắt dễ khiến quần chúng xem thường, thậm chí thiếu tôn trọng. Điều này dẫn đến sự chán chường mõi mệt của quần chúng khi đi nghe thuyết pháp, mà đã vậy thì không những không mang lại lợi ích cho quần chúng mà còn khiến cho họ dễ sanh tâm cống cao ngã mạn, coi thường Tăng bảo.

- Sự phân bố nhân sự trong ngành hoằng pháp hiện nay vẫn chưa hợp lý, có nơi rất nhiều giảng sư có năng lực, có nơi lại thiếu vắng trầm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho Phật giáo bị “tín ngưỡng dân gian hóa” và cũng là nguyên nhân khiến cho tín ngưỡng dân gian len lõi vào chốn thiền môn.

Cũng tình trạng tương tự, hiện nay có những nơi, vị trụ trì làm không ngớt việc, trong khi đó, tăng chúng lại nhởn nhơ nhàn hạ, sở dĩ như vậy là do trình độ năng lực của chư Tăng trong các già lam còn chênh lệch khoảng cách quá xa, vị trụ trì muốn nhờ tăng chúng trong chùa trợ giúp nhưng cũng không thể nào nhờ được, vì lý do là họ thiếu chuyên môn, thiếu kiến thức, thiếu cả căn bản hành trì. Chính vì vậy mà người có năng lực phải ôm đòm một lúc trăm công ngàn việc, trong khi đó, những người khác thì vô cùng nhàn hạ thong thả. Điều đáng nói là, những thành phần ít học, thiếu công phu (tu) lại nhởn nhơ trong đời sống sinh hoạt Tăng già hiện nay.

- Một điều nữa, trên thực tế trong sinh hoạt Phật giáo, vai trò hoằng pháp của vị trụ trì là rất cao, bởi vị trụ trì là người thường xuyên tiếp cận Phật tử, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong đời sống tu học và sinh hoạt đời thường của Phật tử, do vậy mà vai trò của vị trụ trì trở thành trung tâm chuyển tải nội dung Phật pháp và là trung tâm vận động mọi Phật sự khi cần thiết, điều này cho thấy, những vị trụ trì có rất nhiều thuận lợi trong vai trò hoằng pháp. Dù có rất nhiều ưu thế đối với sứ mạng hoằng pháp lợi sanh như vậy, nhưng trên thực tế, các vị trụ trì vẫn chưa ý thức trách nhiệm cao cả này. Trong thời đại ngày nay, các vị trụ trì càng có nhiều cơ hội và đuều kiện thuận lợi để phát huy vai trò hoằng pháp độ sanh nhiều hơn nữa, thế nhưng đa số các vị trụ trì vẫn xem công tác hoằng pháp thuộc trách nhiệm của các vị giảng sư, của các nhà hoằng pháp, chính vì vậy mà Phật giáo đánh mất đi một cơ hội rất lớn trong công tác hoằng pháp và trong sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà.

Tóm lại, nói đến công tác hoằng pháp thời hiện đại, tức là chúng ta tùy duyên vận dụng những phương tiện tiện ích của thời hiện đại để trợ duyên cho công tác hoằng pháp. Tuy nhiên điều cốt lõi của công tác hoằng pháp vẫn luôn lệ thuộc vào oai nghi tư cách, giới hạnh đạo đức, năng lực chuyên môn và nhất là tâm huyết độ sanh của nhà hoằng pháp.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng phương tiện của nền văn minh hiện đại. Trong thời đại ngày nay, một khi con người quay đầu lại với Phật giáo, dường như đa số họ đã mõi mệt chán chường với lối sống thực dụng và đời sống hiện đại, bước đầu người ta đến với Phật giáo là người ta rất cần đến sự đơn giản, bình yên, thanh thoát, nhất là sự chân chất, mộc mạc và trung thực của các nhà hoằng pháp, do vậy, chúng ta không nên đem những thứ mà quần chúng đã “bội thực” ra tiếp đãi họ. Nói như vậy để thêm một lần nữa khẳng định rằng, chỉ có tâm huyết độ sanh và căn bản đạo đức giới hạnh, mới có thể tạo nên một mẫu người “viên dung lý sự, ngôn hạnh tương ưng”, mới tạo nên sự hấp dẫn và thu hút quần chúng đến với đạo Phật, mới giúp quần chúng vững bước tiến tu trên con đường đạo pháp.

Những thách thức và khó khăn trong công tác hoằng pháp thời hiện đại:

Nói về những khó khăn mà Phật giáo phải “chung sống” thì thời đại nào cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản của Phật giáo nói chung, của ngành hoằng pháp nói riêng, trước hết phải nói là yếu tố chủ quan xuất phát từ sự giới hạn trong công phu tu tập của hàng tứ chúng. Những khó khăn như vậy chỉ có thể khắc phục bởi ý thức giác ngộ nơi mỗi người và sự nỗ lực hành trì nơi mỗi bản thân.

Cùng với những thuận lợi hết sức cơ bản và những cơ hội vô cùng may mắn như đã nêu, thì Phật giáo Việt Nam ngày nay cũng phải đối mặt trước những thách thức chung của dân tộc. Thách thức lớn nhất mà Phật giáo đang phải đối mặt chính là sự cám dỗ đáng sợ của thế giới vật chất vô cùng dồi dào sung mãn của thời hiện đại, mà khả năng khống chế dục vọng nơi bản thân người tu hành trong thời mạt pháp thì lại có giới hạn. Trong công tác hoằng pháp thì đây cũng là một thách thức lớn mà bản thân các nhà hoằng pháp buộc phải nỗ lực tu hành nhiều hơn nữa mới có thể vượt qua. Đối với quần chúng thì lối sống quen thụ hưởng cũng sẽ là một trở ngại trên bước đường học Phật.

Bên cạnh đó, tinh thần nhập thế, tùy thuận và thích nghi của Phật giáo, buộc chúng ta phải hòa nhập vào đời sống trong hoàn cảnh đất nước mở cửa hội nhập và xã hội đang phát sinh ngàn lẻ một vấn nạn từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, một bộ phận Tăng Ni, nếu không quyết tâm nỗ lực tu hành, thì đạo đức phẩm hạnh của một bậc xuất gia cũng khó mà toàn vẹn. Đây cũng là một thách thức rất lớn mà Phật giáo phải đối mặt.

Thật vậy, dù đạo hay đời thì lớp trẻ ngày nay giống như những hạt giống mạnh mẽ, sung sức nên rất dễ dàng nảy mầm, đâm chồi, phát triển trước những điều kiện thuận lợi của nền văn minh thời hiện đại. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta không thể thờ ơ, nhất là đối với những người làm công tác hoằng pháp, đó là lớp trẻ ngày nay rất dễ ảnh hưởng và bị tiêm nhiễm những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, thiên về lối sống thực dụng, nhất là ảnh hưởng xấu bởi thông tin đa chiều trên mạng, những sản phẩm độc hại từ sách báo cũng như từ mạng internet, điều này dẫn đến sự xuống cấp, băng hoại đạo đức và tha hóa về đời sống nhân bản trong một bộ phận Tăng Ni trẻ không chịu rèn luyện tu dưỡng, hoặc đối với một bộ phận thanh thiếu niên không được quan tâm định hướng.

Một thách thức lớn mà ngành hoằng pháp phải đối mặt nữa, đó là chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của văn minh, khoa học và cũng là thế kỷ của tâm linh, trong hoàn cảnh xã hội thời hiện đại, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao, khả năng cảm nhận và nguồn tri thức của quần chúng rất dồi dào phong phú. Do vậy nhu cầu thính pháp của quần chúng Phật tử hiện nay ở một tầng bậc rất cao, họ không đơn thuần là đến để nghe những bài giảng vốn đã đọc qua hay đã thông hiểu, mà đến để được chia sẻ kinh nghiệm hành trì cũng như những pháp ngữ đậm tính khai mở nguồn tuệ giác. Tóm lại là họ cần những nhà hoằng pháp thực tu thực hành, mỗi lời nói ra đều là pháp ngữ, chứ không quan tâm đến kỹ năng, nghệ thuật diễn giảng. Trong khi đó, các vị giáo sư hiện nay chỉ chú trọng đến công tác truyền bá kiến thức giáo lý một cách chung chung và mơ hồ, nặng về hình thức, chứ ít khi quan tâm đến nhu cầu thực tiễn của thính chúng. Một điều đáng quan tâm nữa, đội ngũ Tăng sĩ làm công tác hoằng pháp hiện nay rất mỏng, căn bản tu hành còn nhiều giới hạn, việc phân bổ nhân sự hoằng pháp cũng chưa hợp lý, trong khi đó Giáo hội vẫn chưa đào tạo được đội ngũ kế thừa kịp thừa đáng tin cậy để đảm nhận trọng trách cao cả này.

Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại khoa học kỹ thuật và văn minh vật chất, trước sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa, vàng thau lẫn lộn, Phật giáo luôn được xem là yếu tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc, do vậy Phật giáo không thể đánh mất vai trò chủ động của mình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi bản sắc văn hóa dân tộc chính là nền tảng căn bản của nền độc lập dân tộc. Nhân đây chúng ta cũng nên để mắt đến một vấn đề không kém phần quan trọng mà ngành hoằng pháp cần thiết phải quan tâm. Đó là, từ nền tảng truyền thống thờ phượng ông bà tổ tiên có tự ngàn đời, huân tập nền văn hóa tín ngưỡng dân gian, thêm vào đó là ảnh hưởng sâu đậm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật, nên vùng nông thôn nước ta từ bao đời nay vốn là địa bàn của Phật giáo, luôn là thành trì vững chắc để ngăn chặn các nền văn hóa và tín ng­ưỡng ngoại lai. Thế nhưng ngày nay, sự khao khát thụ hưởng thành quả của nền văn minh thời hiện đại mang đến và khuynh hư­ớng sống thực dụng, đồng thời với sự du nhập ồ ạt của văn hóa và tín ngưỡng ngoại lai, kết quả đã biến nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi tại nước ta trở thành những mảnh đất màu mỡ cho văn hóa và tín ngưỡng gắn liền với của cải vật chất. Đây là một trong những thách thức lớn mà ngành hoằng pháp không thể không quan tâm đến.

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn và thách thức trong công tác hoằng pháp:

Khi đề cập đến hoằng pháp hay giáo dục là nói về con người. Những thách thức khó khăn dù là hoàn cảnh khách quan hay chủ quan cũng từ con người tác nhân mà có. Do vậy, một khi đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn và thách thức trong công tác hoằng pháp, thì cũng phải tập trung vào yếu tố con người. Sau mới bàn đến phương hướng kế hoạch để vượt qua những thử thách khó khăn đang chướng ngại.

Muốn tháo gỡ những khó khăn và thách thức trong công tác hoằng pháp, trước hết chúng ta nên tận dụng tối đa những thuận lợi và cơ hội đang có để phục vụ mục đích tu hành và hoằng dương chánh pháp. Song song đó chúng ta tập trung đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự Tăng tài, đề ra kế hoạch khả thi để thực hiện, cải thiện và nâng cao phương pháp hoằng pháp. Sau đây là một vài đề xuất mang tính khái quát, xin mạo muội đóng góp cho sự phát triển ngành hoằng pháp trong thời đại ngày nay.

- Tăng Ni, Phật tử phải tùy theo giới luật đã thọ nhận mà gìn giữ, phải thật sự tha thiết cần cầu giải thoát và nổ lực công phu tu tập rèn luyện, có như vậy mới có thể vượt qua vòng danh lợi và sự cám dỗ của thế giới vật chất vô cùng dồi dào sung mãn của thời đại ngày nay. Riêng đối với Tăng sĩ đảm nhận trọng trách hoằng pháp lợi sanh thì cần phải trau dồi bốn đức hạnh Từ Bi Hỷ Xả, phải thiết tha tâm huyết với sự nghiệp độ sanh, phải luôn khắc kỷ bản thân và nỗ lực nhiều hơn trong công phu tu tập để thâm nhập kinh tạng, để sự lý viên dung, tương ưng ngôn hạnh. Có như vậy mới có được phương tiện diệu dụng để nhiếp dẫn quần chúng vào con đường chánh pháp.

- Vị trụ trì là người thường xuyên tiếp cận Phật tử, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tu học và định hướng một đời sống đạo đức tâm linh cho Phật tử trong khu vực của mình, do vậy mà vai trò của vị trụ trì trở thành trung tâm chuyển tải nội dung Phật pháp, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống và cũng là trung tâm vận động mọi Phật sự khi cần thiết. Điều này cho thấy, những vị trụ trì có rất nhiều thuận lợi và ưu thế trong vai trò cũng như sứ mạng hoằng pháp. Trước những ưu thế và rất nhiều thuận lợi như vậy, thì đòi hỏi vị trụ trì, đang gánh trọng trách “Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng” càng phải thận trọng chuyên chú giữ gìn giới luật nhiều hơn nữa thì mới có thể làm chỗ nương dựa cho tứ chúng và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sanh. Khi giới luật được chấp trì một cách nghiêm túc thì tướng hảo quang minh thanh tịnh sẽ hiện ra và nhờ đó nổi bật lên tính cách ly trần thoát tục của một bậc xuất gia, quần chúng Phật tử và kể cả người ngoại đạo khi nhìn vào oai nghi Tăng tướng của vị trụ trì sẽ phát tâm quy hướng về Phật pháp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thu hút quần chúng, dẫn đến thành công trong quá trình hoằng dương chánh pháp. Vai trò hoằng pháp độ sanh, “Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng” của các vị trụ trì, có thể nói là cực kỳ quan trọng, do vậy rất cần ngành hoằng pháp và giáo dục của Phật giáo quan tâm sâu sắc để đào tạo một cách căn bản, đáp ứng yêu cầu cao nhất cho những Tăng sĩ sắp được bổ nhiệm trụ trì trong hoàn cảnh xã hội thời nay.

- Người cư sĩ trước hết là những tấm gương sáng mẫu mực trong đời sống gia đình, định hướng cho con em một đời sống đạo đức và một lối sống lành mạnh, ở phương diện này, họ là những nhà hoằng pháp cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội, là những nhân tố tích cực đem đạo vào đời. Trong vai trò đồng hành với dân tộc, vị trí của người cư sĩ Phật Giáo trong thời đại ngày nay đóng một vai trò hết sức quan trọng. Họ vừa tích cực hộ pháp vừa phấn đấu tu tập, trong khi phải đối diện với muôn vàn vấn đề phải giải quyết từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Ngoài ra họ còn đóng một vai trò then chốt trong sự nghiệp hoằng pháp trong thời đại mới, thông qua các hoạt động từ thiện xã hội như mở các lớp học tình thương, cô nhi viện, viện dưỡng lão, các phòng thuốc Đông y từ thiện, cứu trợ thiên tai. Họ còn có khả năng chuyên môn rất cao trong các lãnh vực nghiên cứu dịch thuật, sáng tác, văn hóa nghệ thuật, thông thạo vi tính, trình độ kỹ thuật điêu luyện trên nhiều phương diện… Thực tế cho thấy họ là một bộ phận quan trọng và không thể tách rời của ngành hoằng pháp. Họ rất xứng đáng có một vị trí trong sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo nước nhà. Do vậy, Giáo hội cần quan tâm đến hàng ngũ cư sĩ tại gia để có chính sách bồi dưỡng nhân tài, và cơ chế thích hợp để hỗ trợ họ phát huy thế mạnh của mình đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp hoằng pháp độ sanh.

- Thực tế trong sinh hoạt Giáo hội và trong công tác của ngành hoằng pháp đã cho chúng ta thấy rõ yếu tố nội lực luôn là yếu tố hàng đầu để vượt qua những thách thức trong thời đại mới. Do vậy Giáo hội cần nhanh chóng đào tạo thế hệ Tăng tài có tri thức, có năng lực, có tầm nhìn chiến lược, đủ sức gánh vác trọng trách của Phật giáo nước nhà trong thời hiện đại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững của ngành hoằng pháp. Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, rất cần đến việc chuẩn bị hệ thống giáo trình thật kỹ lưỡng, nội dung các môn học sự chuyển tải nguồn tri thức bác học thời đại, thật sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành hoằng pháp.

- Trong lịch sử Phật giáo cho thấy, ngay cả Đức Phật còn phải đích thân đến với quần chúng để hóa duyên nhiếp dẫn họ đến với đạo giác ngộ giải thoát, chứ không ngồi đợi quần chúng tìm đến Đức Phật. Đây là xuất phát từ Đại bi tâm và tính năng động của Đức Phật. Do vậy, Phật giáo ngày nay, cần phải chủ động đến với quần chúng để thể hiện trọn vẹn vai trò nhập thế độ sanh. Ngành hoằng pháp thời nay cần phải năng động triển khai tinh thần nhập thế một cách khoa học và hợp lý.

- Phật giáo thời nay cần phải làm tốt công tác nâng cao nhận thức của quần chúng Phật tử về trách nhiệm và sự đóng góp của Phật giáo đối với công cuộc tái thiết xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc, qua đó giúp họ ý thức vai trò trách nhiệm của một Phật tử trong hoàn cảnh xã hội thời đổi mới mở cửa hội nhập.

- Phật giáo thời nay, cần tận dụng cơ hội và thuận lợi đang có để thu hút sức ủng hộ của dư luận quốc tế, nhất là Phật giáo quốc tế đối với sự nghiệp phát triển Giáo hội và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

- Phật giáo nên thường xuyên tổ chức đại lễ cầu siêu cho toàn bộ người dân Việt Nam đã khuất từ khi dựng đến nay. Giáo hội nên đề xuất với Nhà nước nên chọn ngày lễ Vu Lan hàng năm chính thức được công nhận là ngày đại lễ hiếu hạnh của cả dân tộc. Nhân ngày Đại lễ Vu Lan, Phật giáo nên tăng cường công tác đền ơn đáp nghĩa, hướng về nguồn cội, tưởng niệm anh hùng tử sĩ và nạn nhân chiến cuộc.

- Trong kế hoạch và định hướng, Ban hoằng pháp cần phải sâu sát với yêu cần thực tiễn trước nhu cầu học Phật của quần chúng hiện nay. Cần cụ thể hóa phương hướng hoạt động cho công tác hoằng pháp trong thời gian đến. Để thực hiện được điều này, trước hết Ban hoằng pháp cần thảo luận chi tiết để đi đề ra một phương hướng thích ứng với hoàn cảnh thời đại. Nên chuyên môn hóa ngành hoằng pháp từ Giáo hội TW đến Phật giáo các tỉnh thành. Kế hoạch và định hướng của ngành hoằng pháp phải gắn liền với chủ trương nhập thế của Phật giáo, Ban hoằng pháp các tỉnh thành cần tích cực tìm giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng hoằng pháp. Nên có chiến lược và chiến thuật thích ứng với thời đại, để công tác hoằng pháp đạt được hiệu quả cao nhất. Cần tạo điều kiện để các Tăng Ni trẻ có đạo hạnh và tâm huyết phục vụ cho ngành hoằng pháp.

- Nói đến phát triển Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của Tăng già hay khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt, đặc biệt là về nhân sự và tổ chức. Nhân sự có tốt thì Giáo hội mới vững mạnh và tổ chức có tốt thì Giáo hội mới phát huy hết vai trò của nó. Thực tế cuộc sống thời đại cho thấy, nếu Phật giáo thiếu định hướng giáo dục đào tạo hợp lý, ắt sẽ khó tránh khỏi những hoạt động yếu kém. Thời gian qua một số lãnh vực của Phật giáo còn hoạt động trì trệ, Giáo hội cũng chưa chủ động triển khai những Phật sự quan trọng liên quan đến công tác hoằng pháp, một trong những nguyên nhân dẫn đến, đó chính là vấn đề nhân sự. Để tháo gỡ những khó khăn do yêu cầu về mặt nhân và vượt qua những thách thức trước yêu cầu cao về trình độ tri thức do yêu cầu thực tiễn của xã hội thời hiện đại. Phật giáo ngày nay rất cần sự ra đời của Trường Đại học Phật giáo, bởi đây là phương án thích đáng và hữu hiệu nhất trong việc bổ sung và chuẩn bị nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nước nhà hiện thời và tương lai. Thiết nghĩ, sự hình thành trường Đại học Phật giáo không chỉ có lợi cho Phật giáo trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng văn minh xã hội, nâng cao trình độ nhận thức cho thế thế hệ trẻ, trang bị kiến thức chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu của Phật giáo, nhất là ngành hoằng pháp và của xã hội trong thời đại mới.

- Nên bố trí thành phần nhân sự trong giáo hội sao cho phù hợp với tình hình và hoàn cảnh thời đại.

- Giáo hội nên nhận chân tình trạng Phật giáo thời đại một cách khách quan, trung thực, qua đó mạnh dạn đổi mới hòa cùng sự đổi mới của đất nước để khôi phục lại truyền thống tu tập như thời Lý Trần và tái tạo nền đạo đức nhân bản vốn là tài sản thiêng liêng của Phật giáo.

Nếu quyết tâm thực hiện một cách đầy đủ những giải pháp nêu trên, chúng tôi tự tin cho rằng, những giải pháp này sẽ mang lợi ích rất lớn cho đạo pháp và dân tộc. Được như vậy, tự nhiên diện mạo Phật Giáo Việt Nam sẽ khởi sắc, công tác hoằng pháp sẽ hanh thông trôi chảy, những thách thức và khó khăn sẽ hóa thành những cơ hội và điều kiện thuận lợi.

Kết luận:

Như chúng ta đã biết, Đức Phật đã dạy rằng, trong tất cả việc làm công đức, không có gì sánh bằng bố thí pháp, tức là công đức hoằng pháp. Hoằng pháp là hạnh nguyện cao cả của hàng tu sĩ xuất gia. Sứ mạng hoằng pháp được tương truyền không đoạn dứt trong suốt trên 2550 năm qua. Dù mỗi thời đại mỗi phương thức hoằng pháp khác nhau nhưng không ra ngoài mục đích chuyển mê khai ngộ, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người vốn trầm luân trong khổ đau sinh tử. Trong thời đại ngày nay, tôn chỉ ấy, mục đích ấy vẫn là kim chỉ nam của ngành hoằng pháp.

Nhìn lại lich sử chúng ta sẽ thấy, trên bước đường hoằng pháp độ sanh, Đức Phật vừa khai mở về một thế giới tâm linh, vừa kiến tạo nên một thế giới hiện thực tràn đầy tâm từ bi yêu thương và đạo đức. Để khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, ngài đã vận dụng vô số phương tiện thù thắng để dung hóa, kết hợp cả hai khía cạnh đạo đức tâm linh và văn hóa nhân loại, hiện hữu trong hơi thở và sức sống nơi mỗi con người.

Theo đà văn minh tiến hóa, nhận thức của con người ngày càng nâng cao, tư tưởng ngày càng thăng hoa, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Thời đại ngày nay, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ đỉnh cao của nền tri thức, của văn minh khoa học và cũng được xem là thế kỷ của tâm linh. Đối với Phật giáo, nền văn minh tiến bộ vượt bật của nhân loại, đó là cơ hội rất thuận lợi để tu hành, và đó cũng là những khó khăn thách thức trong công tác hoằng pháp độ sanh. Trong hoàn cảnh như vậy, các nhà hoằng pháp cần phải làm gì trước để đáp ứng nhu cầu tri thức của thời đại.

Ở đây chúng ta cần nhận chân một thực tế, khi con người thời hiện đại quay về với Phật giáo, có nghĩa là họ đã quá căng thẳng và bế tắt với tư tưởng và lối sống hiện đại. Như vậy, nhiệm vụ của các nhà hoằng pháp là cần phải hiểu thật tường tận là họ đang muốn gì, cần gì? suy nghĩ gì, bức xúc điều gì, bế tắt ở đâu? Để từ đó chúng ta mới có thể chia sẻ với họ những nhu cầu cần thiết, đồng thời qua đó, chúng ta giúp họ phương hướng sống an lạc, hạnh phúc. Dần dần chúng ta dìu dắt họ tắm mình trong nguồn sống tuệ giác mà Đức Phật đã dũ lòng từ bi lân mẫn khơi dòng cách đây trên 2550 năm. Muốn thực hiện được điều này, các nhà hoằng pháp cần phải đủ phương tiện diệu dụng thích nghi với yêu cầu xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, để có đủ phương tiện diệu dụng thích nghi với yêu cầu xã hội hiện đại, không chỉ họi đủ những điều kiện cần của một giảng sư như kiến thức giáo lý, kỹ năng hùng biện, nghệ thuật diễn đạt, cùng với các phương tiện thời hiện đại hỗ trợ, mà đòi hỏi ở nhà hoằng pháp một nền tảng đạo đức tâm linh vượt trội. Chính vì vậy mà ngoài nguồn tri thức, nhà hoằng pháp phải có một căn bản công phu tu hành nghiêm túc, phải trì trai giữ giới một cách tinh nghiêm, thì mới có đủ phương tiện dẫn dắt người sơ cơ học Phật, và khi đó phương tiện của chúng ta mới thật sự mang ý nghĩa hoằng pháp độ sanh.

Nếu người tu theo hạnh Phật, có chánh nhân, chánh kiến, lấy đạo hạnh làm nền tảng, lấy giới luật làm khuôn phép, lấy nhân quả làm nguyên tắc tư duy hành sự, thao thức trước nỗi đau nhân thế, trăn trở cùng vận mệnh dân tộc, tâm nguyện luôn trăn trở thao thức vì chúng sanh, thì người đó mới đích thực là người tu theo hạnh Phật. Khi đó mới đủ khả năng gánh vác trọng trách hoằng pháp độ sanh.

Đối với người xuất gia hay người tại gia, một khi đã dấn thân vào con đường hoằng pháp lợi sanh, thì việc trước tiên là phải nỗ lực hành trì để thâm nhập kinh tạng, để thăng hoa đời sống tâm linh, để phát huy đạo lực, từ đó mới có thể diệu dụng phương tiện mang đạo vào đời.

Trên bước đường hoằng pháp, nhà hoằng pháp ít nhất cũng phải là người thực học thực tu, có nỗ lực chuyên tâm tu học thì mới có thể có phương tiện thích ứng với nhu cầu học Phật của quần chúng thời hiện đại. Một khi công phu tu hành có thọ dụng, thì mới có thể kết hợp thuần thục nhuần nhuyễn giữa năng lực tâm linh với tiện ích từ nền văn minh mang lại, khi đó công tác hoằng pháp sẽ trở nên thuận lợi và đạt được kết quả tốt đẹp nhiều hơn.

Quá trình tồn tại của Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó keo sơn cùng dân tộc, được xem là nền tảng, là cốt lõi góp phần bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Điều cơ bản hơn, Phật giáo Việt nam, dù ở thời đại nào, trong hoàn cảnh nào, vẫn luôn ra sức khơi dậy, duy trì và phát huy nền đạo đức truyền thống tốt đẹp./.

(Theo tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011)

TT. Thích Huệ Thông

giaohoiphatgiaovietnam.vn