Huyền bí miền Tây Tạng

Mỗi năm, có hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ tới Tây Tạng khám phá những sự tích bí ẩn của vùng đất với những ngọn núi phủ đầy băng tuyết này.

 

Tây Tạng hiện là khu tự trị của Trung Quốc. Có bốn tuyến vào được Tây Tạng là: Thanh Tạng, Xuyên Tạng, Điền Tạng (từ hai địa điểm này trèo lên cao nguyên với độ cao vài ngàn mét nguy hiểm nhưng nhiều cảnh đẹp) và Tân Tạng (vô cùng gian khổ, nguy hiểm nhưng phong cảnh tuyệt đẹp).

Khám phá cao nguyên Tây Tạng là niềm đam mê của những du khách thích phiêu lưu và tìm hiểu những điều huyền bí của Phật giáo Tây Tạng. Nằm trên dãy Hymalaya với độ cao trung bình khoảng 4.900m, Tây Tạng được xem là “nóc nhà của thế giới” với những ngọn núi cao sừng sững phủ băng tuyết quanh năm. 

Thủ phủ của Tây Tạng là Lhasa - “thánh địa của Phật giáo”- nên đâu đâu cũng có những ngôi chùa cổ kính. Người Tây Tạng giải thích rằng Lhasa là “đất bùn của dê” , bởi từ xa xưa, thành phố được xây dựng trên đất bùn do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hóa nổi tiếng thế giới được xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge.

Biểu tượng của thành phố Lhasa là Cung điện Potala, theo tiếng Sankrit nghĩa là Cung điện của Bồ Tát. Đây là nơi ở và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng. Cung điện Potala được xây dựng trên núi Mabuge (núi Đo), cao hơn thành phố Lahasa tới 9m. Nó cao đến 13 tầng, như một vách đá màu trắng sừng sững nên đứng tại bất kỳ đâu ở Lhasa, du khách cũng có thể thấy được cung điện này.

Cung điện Potala.                                                              Ảnh: Internet

 Được biết, cung điện Potala được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, đánh dấu cuộc hôn nhân chính trị giữa quốc vương Tây Tạng Songtsan Gampo và Văn Thành, công chúa nhà Đường (con gái của Đường Thái Tông). Cung điện Potala chạy dọc theo một dãy núi thấp nhìn xuống thành phố Lhasa ở hướng nam, cũng là một bộ phận của khu đất có hình chữ nhật nằm ở chân núi.

Trung tâm của khu đất có hai phần chính: Bạch cung ở phía Đông và Hồng cung ở phía Tây. Cả Bạch cung lẫn Hồng cung đều là sự phát triển của lối thiết kế tu viện Ấn Độ cổ đại. Vật liệu xây dựng cung điện chủ yếu là đá, đất, gỗ. Lúc đó chưa có phương tiện vận chuyển, tất cả vật liệu này đều phải dùng dê và sức người để chuyên chở. 

Tòa nhà lớn có hơn 1.000 gian phòng, hơn 10.000 Phật điện và 20.000 tượng điêu khắc. Cung điện Potala rất hoành tráng, người Tây Tạng hành lễ trước cửa hay vòng quanh Cung điện Potala phía ngoài. 

Tây Tạng còn nổi tiếng với chùa Đại Chiêu (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa có khu vườn rộng 25.000m2 và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. 

Chùa Đại Chiêu.                                                                 Ảnh: Internet

Chùa Đại Chiêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là điểm hành hương thiêng liêng của các tín đồ Phật giáo khi đến với Tây Tạng. Tây Tạng còn nổi tiếng với đại cổ tự Tashilumpo (thuộc thành phố Shigatse), cách thành phố Lhasa khoảng 225km về phía Tây. Cổ tự này được xây dựng vào năm 1447, là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma.

Ngược 8km về phía Tây thành phố Lhasa là Thiền viện Drepung do các đệ tử của Tông Khách Ba (Tsong Kha Pa) - nhà cải cách tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng - xây dựng lớn bằng cả ngôi làng, lúc cao điểm có đến 10.000 tăng sĩ từ các miền đến đây để học tập. Tông Khách Ba chính là người xây dựng Phật giáo Tây Tạng, sáng lập ra tông phái Hoàng Đạo (mũ vàng) - là tông phái của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ngày nay. 

Du khách cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy hình ảnh của những đoàn người hành hương với sự thành tâm cung kính trong bộ dạng tiều tụy và rách rưới. Đó chính là hình ảnh của thánh tăng Hư Vân (1840 - 1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn với tổng đoạn đường dài trên 2.500km.Hành hương Tây Tạng sẽ thiếu sót nếu du khách là phật tử không ghé đến tu viện Dzongchen, một trong 6 tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng. Có thể coi Dzongchen là một “cõi Phật” thuần khiết. 

Ngoài quần thể chùa hàng trăm sư tụ họp, du khách còn gặp những “ngôi nhà” ở ẩn của các tu sĩ theo dòng tu này. Nói là “nhà” chứ thật ra có khi nó chỉ là hang động hay một mái lều. Đến đây, phật tử khắp thế giới được tham quan, sống trong không gian đậm màu thiền tịnh, nếu có cơ may sẽ được tiếp kiến đức Đạt Lai Lạt Ma tại vị... 

Có thể nói, Phật giáo là nền tảng cơ bản của người Tây Tạng. Hình ảnh những ngôi chùa, những vị tăng trong màu áo nâu được nhìn thấy khắp nơi trên vùng thảo nguyên đầy gió và cát, cùng những điều huyền bí. 
Theo Báo Cần Thơ